Chương 63:
Hôm ấy trên bãi đất trống, Tiêu Kiếm đứng ở giữa sân, trên tay là quyển Phương gia kiếm pháp, chàng đang truyền cho Yến Tử kiếm pháp gia truyền.
Tử Vy, Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ đứng gần tham quan, Tiêu Kiếm nói:
- Yến Tử này, nếu muốn học kiếm pháp, thì trước tiên em cần phải biết thế nào là kiếm. Trước kia võ công của em học, anh thấy như không hề biết mình cầm gì trong tay, nên cứ múa loạn xạ. bây giờ hãy xem này đây là thanh kiếm, mà kiếm thì khác với đao, cũng không phải là mã tấu hay gậy. Khi có kiếm trong tay không được quơ lộn xộn, sử dụng kiếm chỉ để đâm, đâm thế này này…
Thế là Tiêu Kiếm múa kiếm, lưỡi kiếm vạch một đường loáng bạc, trông rất đẹp. Yến Tử nhìn anh với ánh mắt thán phục.
- Ồ, hay quá, hay quá! Đưa kiếm em múa thử xem?
Và Yến Tử vừa cầm kiếm trên tay là hét to lại lời Tiêu Kiếm:
- Đây là kiếm! Một cây kiếm rất nặng, nó có tên tuổi đàng hoàng, nó không phải là đao… không thể chặt, nó không phải cây gậy dùng để đánh lộn, không được quơ quơ như côn cửu khúc. Nó cũng không phải là búa bửa củi, mà là kiếm chỉ dùng để đâm!
Tiêu Kiếm gật đầu:
- Đúng đấy, nào bây giờ bắt đầu!
Yến Tử dạo đầu như hát bội, giọng kéo dài:
- Phương gia kiếm pháp đến nè!
Rồi cầm kiếm lên múa múa, đâm hướng này một cái, đâm hướng kia một cái, chẳng ra kiếm pháp gì cả. Tiêu Kiếm nhìn lắc đầu, Nhĩ Khang Vĩnh Kỳ cũng vậy, hai người chợt nhớ tới là Mông Đan đã dạy Yến Tử học kiếm pháp và cảm thấy như lịch sử tái diễn.
Tiêu Kiếm dạy thêm mấy lượt thấy Yến Tử vẫn không lãnh hội được, lắc đầu nói:
- Thôi được rồi, bây giờ thế này đi, cô hãy xem tôi là kẻ địch, tôi sẽ dùng tay không đoạt kiếm của cô, cô phải phản ứng lại, Nhớ đấy phải xem tôi là kẻ địch, đừng để tôi đoạt được kiếm, phải tìm mọi cách đâm trúng tôi hiểu chưa?
Yến Tử lúng túng:
- Nếu vậy, rủi em đâm trúng anh bị thương thật thì sao?
- Thì cứ đâm thử xem, có trúng nổi không?
Vừa nói Tiêu Kiếm nhảy vọt lên áp sát trước mặt Yến Tử. Yến Tử mới đẩy kiếm ra, không ngờ Tiêu Kiếm chỉ quét chân một cái cây kiếm trên tay Yến Tử đã bay bổng, Tiêu Kiếm nhẹ nhàng tiếp lấy.
Yến Tử phản kháng:
- Không được, chưa tính! Em chưa chuẩn bị mà! Chưa gì anh đã đá văng kiếm người ta.
Tiêu Kiếm đưa trả kiếm cho Yến Tử:
- Nếu vậy, làm lại nhé! Có gì đâu mà phân bua!
Nhưng khi Yến Tử vừa cầm kiếm thì Tiêu Kiếm lại xuất chiêu, cây kiếm lại tuột khỏi tay Yến Tử. Cứ thế mấy lần kế tiếp, Yến Tử dù xuất chiêu nhanh thế nào cũng không đâm được Tiêu Kiếm, trong khi đó kiếm cứ bị cướp khỏi tay, đến độ Yến Tử nóng mũi lên hét:
- Em không cần Phương gia kiếm pháp, Viên gia kiếm pháp gì cả, anh hãy xem Yến Tử kiếm pháp đây này!
Vừa nói Yến Tử vừa dùng cả hai tay nhắm ngay đầu Tiêu Kiếm bổ xuống, nhưng Tiêu Kiếm chỉ cần quét chân ngang một cái, kiếm trên tay Yến Tử bay đi ngay, Yến Tử tức quá hét:
- Anh làm gì vậy? Trêu em hay là dạy em?
Tiêu Kiếm điềm đạm nói:
- Em chém như vậy là sai, chỉ có thể làm hỏng kiếm thôi, nên nhớ kiếm này lưu truyền đã ba đời, đừng vì qua tay em mà bị hỏng thì đáng tiếc, phải quý kiếm và phản ứng nhanh!
Vĩnh Kỳ thấy Yến Tử học chậm quá, vội bước tới đỡ kiếm rồi ra làm mẫu.
- Yến Tử em cầm kiếm phải như thế này này. Đốc kiếm phải nắm chặt, lúc đâm mũi kiếm ra phải chính xác, thẳng đường, không được run tay. Cũng đừng chỉ ỷ lại vào sức mạnh nào, anh và anh Tiêu Kiếm cùng luyện kiếm với em nhé? Em nhớ bình tĩnh mà ứng phó đừng có bộp chộp!
Yến Tử cầm chặt kiếm thật thà:
- Vâng em sẽ hết sức bình tĩnh, không nóng nảy.
Rồi đọc lại lời Tiêu Kiếm.
- Ðây là kiếm chớ không phải là đao, cũng không phải gậy hay côn củu khúc, búa tạ…
Lời của Yến Tử đầy vẻ khôi hài khiến Nhĩ Khang không nén được cười. Chàng để bọn luyện kiếm ở đó kéo tay Tử Vy ra ngoài.
Khi đã cách đám Yến Tử một khoảng xa, Nhĩ Khang mới nói với Tử Vy:
- Tử Vy này, em có tin chắc Yến Tử và Tiêu Kiếm là hai anh em ruột không?
Tử Vy nói:
- Thật ra cũng không có gì chắc chắn!
Nhĩ Khang gật đầu:
- Vâng nếu phân tích kỷ thì câu chuyện của Tiêu Kiếm chưa đủ thuyết phục người nghe Yến Tử chính là em ruột của Tiêu Kiếm. Một Tịnh Huệ sư thái làm sao đủ minh chứng? Vả lại chuyện này đã mười mấy năm rồi. Tịnh Huệ sư thái đã già sao có thể chỉ dựa vào chuyện nhìn thấy cô gái trong cuộc diễn hành, mà đoán chắc nhìn ra Yến Tử chính là Tiểu Từ ngày cũ? Như vậy biết đâu Tiêu Kiếm vì cả tin mà cũng nhìn lầm người?
Tử Vy suy nghĩ rồi cười.
- Vậy! Thấy Yến Tử luyện kiếm mà cũng thấy nghi ngờ. Nhưng mà sai đúng có nghĩa gì? Sai thì sao? Mà đúng thì sao? Mọi chuyện chẳng có nghĩa gì, nếu Tiêu Kiếm thấy mãn nguyện, Yến Tử thấy hạnh phúc là được, cái quý nhất của cuộc đời là niềm vui. Nhận được người thân là hạnh phúc, Hoàng a ma chẳng phải là đã nhận lầm Yến Tử, biết rõ mà vẫn vui vẻ ư? Vì vậy nếu Tiêu Kiếm mà nhìn lầm em gái thì đó có thể là một sự sắp đặt của trời đất, để hóa giải hận thù.
Nhĩ Khang gật đầu:
- Vâng, không hẳn chỉ là người thân mới là thân, nào phải là con ruột mới là con mình? (nhân bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử).
Tử Vy cười nói:
- Vâng, dù gì thì “sống trên đời đã là chuyện huynh đệ, cần gì phải máu mũ ruột dao” (lạc địa vị huynh đệ, hà tất cốt nhục thân).
Nhĩ Khang nhìn Tử Vy gật gù, khiến Tử Vy nhột.
- Anh làm gì mà nhìn em dữ vậy?
Nhĩ Khang chỉ nói:
- Bởi vì… bởi vì… sự hiểu biết của em đáng quý vô cùng.
Ðôi má Tử Vy ửng hồng.
- Em… em cũng vậy, em rất ái mộ anh.
Tiêu Kiếm dạy Yến Tử kiếp pháp, cũng đã nghĩ đến chuyện dạy thêm chữ nghĩa cho Yến Tử, và để thực hiện điều này, Tiêu Kiếm đã mang hai quyển sách thật dầy để hai bên nói:
- Học kiếm pháp cũng như học thành ngữ điều quan trọng nhất là phải học lý thuyết. Giống như muốn rành thành ngữ phải nhận mặt chữ trước. bao giờ biết chữ rồi, thành ngữ sẽ trở nên dễ dàng, Chuyện học cũng giống như chuyện đi, chuyện ăn. Ði phải đi từng bước, ăn cũng ăn từng miếng, làm bất cứ sự việc gì cũng chẳng nên đi tắt. Ở đây anh có hai quyển sách em màng về mà học trước, chữ nào không rõ hỏi Tử Vy hoặc Vĩnh Kỳ chỉ cho. Nếu em học được hết một quyển là coi như đã biết nhiều lắm rồi đấy, chẳng sợ thành ngữ nữa.
Yến Tử tò mò cầm quyển sách lên xem, thấy đề ba chữ truyện Thủy Hử, Yến Tử ngạc nhiên:
- Truyện Thủy Hứa hả?
Mọi người thấy Yến Tử thích, mặc dù đọc sai nên không sửa.
o O o
Và thời gian trôi nhanh, chớp mắt trời đã sang đông, tuyết rơi thành lớp dầy, trời rất lạnh, nhưng cái lạnh kia chỉ là lạnh ngoài trời. Còn trong Thấu Phương Trai thì lúc nào không khí cũng ấm cúng. Cạnh lò sưởi rực lửa, Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ, Yến Tử vừa ngồi sưởi, vừa ăn hạt dưa, tán dóc, đang lúc vui vẻ thì Tiểu Trác Tử báo:
- Hoàng thượng giá đáo!
Bốn người vội vã đứng dậy, vua Càn Long cũng đã bước vào tận phòng. Mọi người vội thỉnh an, rồi kéo ghế đến ngồi cạnh lò sưởi cho vua ngồi.
- Xin mời Hoàng a ma ngồi, trời bên ngoài lạnh quá, ngồi đây mới ấm được.
Tử Vy nói, Yến Tử thì mang khăn nóng đến.
- Hoàng a ma lau mặt bằng khăn ấm cho đỡ lạnh.
- Hoàng a ma uống trà nóng đi!
Thái độ chăm sóc của Tử Vy và Yến Tử làm vua có cảm giác ấm hẳn, người xúc động nói:
- Ở đây chẳng bao giờ ta thấy lạnh, chỉ có ở đây ta mới thật sự thấy cái không khí gia đình. Thế các con đang nói chuyện gì đó?
Nhĩ Khang nói:
- Dạ chúng con đang chơi câu đố.
Vua Càn Long cười tươi:
- À! Ta thích nhất là chơi trò thi đố, thế các ngươi đã đố gì đọc thử xem, ta đố được không?
Vĩnh Kỳ nói:
- Trong đám Yến Tử là dốt nhất, bọn con ra thi đố dễ ợt, thế mà cô ta đoán mãi đoán không ra.
- Câu đó thế nào nói ta nghe xem?
Vua hỏi, Nhĩ Khang bèn đọc:
- Dạ thế này ạ, “cao thì có, lùn chẳng có, đứng có, ngồi không…”
Tử Vy đọc tiếp:
- “Trên trời có, nhân gian không, ăn có ngủ không. Trên miệng có mà trên tay không có”.
Vĩnh Kỳ đọc tiếp:
- “Bên phải có, bên trái có, khóc có, cười không, trời mát có, trời nóng lại không?”
Vua Càn Long nghe xong cười lớn nói:
- Yến Tử có vậy mà con đoán không ra ư? Ðó là một chữ, nghe trẫm đọc tiếp này “mắng có, đánh thì không, câu đố có, tứ thư lại không, hát có mà nhìn chẳng thấy!”
Yến Tử càng nghe càng rối rắm nói:
- Mấy người nói gì kỳ cục quá, lúc có lúc không, như vậy làm sao tôi đoán được? mà chữ gì kỳ cục vậy.
Nhĩ Khang cười.
- Câu đố này ai nghe qua đều biết, có mình cô không biết thôi, vậy để tôi đọc thêm cho cô rõ nghe: “Yến Tử có, Tử Vy không, thái hậu có, hoàng thượng lại không. Tiểu Đặng Tử có, Tiểu Trác Tử không.”
Yến Tử lúc đầu không hiểu, ngạc nhiên tại sao lại đề cập đến toàn những gì gần gũi chung quanh rồi người thân. Tâm linh chợt sáng “à!” một tiếng nói:
- Thôi tôi biết rồi, biết rồi! Tiêu Kiếm có mà Nhĩ Khang không có, Tiểu Hợp Tử có, con két gian ngoa không có, bên này có bên kia không có, nói dóc có, nịnh bợ không có… vậy là các người đố chữ này phải không? Tôi biết rồi đó là chữ “khẩu”.
Ðám đông hoan hô.
- Ðúng rồi, đúng rồi đấy!
Tất cả đều kinh ngạc nhìn Yến Tử, không ngờ cô nàng lại tiến bộ nhanh chóng như vậy, vua Càn Long vui nhất nói:
- Yến Tử con khá lắm đấy, không những biết đố mà còn biết giải cả câu đố nữa.
Yến Tử được khen bắt đầu huênh hoang:
- Hoàng a ma, con hiện nay ngon lắm, chẳng ai bắt nạt con được đâu. Văn võ song toàn, Tiêu Kiếm ngoài chuyện dạy kiếm cho con, anh ấy còn dạy con học thành ngữ. Ðưa cho con một quyển sách dày thế này để con xem. Anh ấy bảo muốn giỏi thành ngữ thì phải biết chữ giỏi. Bây giờ con đã biết được rất nhiều mặt chữ, thành ngữ chẳng phải là cái gì khó khăn quá với con!
Vua Càn Long tròn mắt:
- Hử? thì ra là vậy, nhưng mà… sách con đang đọc là gì vậy?
Yến Tử đọc lớn:
- Thủy Hứa truyền!
Vua Càn Long ngạc nhiên.
- Cái gì? Thủy rửa thuyền à? Có quyển sách tên đó nữa ư?
- Không phải, mà Thủy Hứa truyền, cái chữ hứa này lạ lắm, nó có thêm bộ thủy bên cạnh nữa.
Vua Càn Long chợt hiểu ra, trợn mắt.
- Làm sao con có quyển sách đó mà mang vào cung? Quyển Thủy Hử là sách cấm cơ mà?
Nhưng rồi suy nghĩ một chút ông lại cười tiếp.
- Thôi được rồi! Được rồi! Đối với những đứa coi trời bằng vung, thì chuyện cấm đó nào có nghĩa lý gì? Vả lại trẫm cũng đã đọc rồi, thấy hay đấy chứ? Thế con đã đọc chưa? Nội dung truyện là gì nào?
Yến Tử nói:
- Con thấy truyện rất hấp dẫn, nói về rất nhiều anh hùng hảo hán, trong đó có anh chàng Lý Đạt giỏi hết sẩy.
Tử Vy, Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang lại nhìn nhau.
- Lý Đạt là ai vậy?
Vua hỏi, Yến Tử nhanh nhẩu trả lời.
- Ðó là anh chàng “hai tay múa hai cây búa lớn, vạn người địch không lại. “
Tất cả mọi người ở đấy nghe vậy cười nghiêng ngả. Có người bị sặc cả trà, Yến Tử bấy giờ mới nói:
- Hoàng a ma, người cười bể bụng chưa? Nếu đã cười no nê rồi thì con xin nói cho người biết. Mọi người đã bị con đánh lừa rồi, ban nãy con cố tình nói sai để pha trò với mọi người chớ làm gì con không biết. Truyện con đọc là truyện Thủy Hử này, còn anh chàng con nói đó, chính là chàng Lý Quỳ “hai tay cầm hai cây búa to, vạn người cự không lại”, đúng chưa?
Ðến lúc đó vua Càn Long mới vỡ lẽ ra, ông trố mắt nhìn Yến Tử.
- Thì ra con cố tình lừa ta, chớ thật sự thì con đã có tiến bộ, ông vỗ vỗ lên vai Yến Tử khen ngợi.
- Nhữ tử khả giáo giả (con trẻ có học).
Yến Tử trợn mắt.
- Hoàng thượng nói gì mà “lò tử khả kiêu” (chiếc lò lửa đâu thể tưới nước vào được) lửa tắt cả rồi sao? trời lạnh thế nay, không thể thiếu lò sưởi được đâu!
Vĩnh Kỳ cười lớn:
- Đấy đấy, ban nãy mới lớn lối bây giờ lòi đuôi, thì ra thùng trống rỗng kêu to, đổ bể rồi nhé!
Vua Càn Long thì lắc đầu:
- Ha ha, Yến Tử đúng là cái khai tâm quả của trẫm! lúc nào không vui có nó là không thể không cười được.
Rồi ông tiếp:
- Thôi được rồi! chuyện đó để qua một bên còn chuyện đám cưới của bọn con đã tính đến đâu rồi?
Bốn người nghe nói ngớ ra, nhưng rồi mừng rỡ, Nhĩ Khang hói:
- Hoàng thượng, như vậy có nghĩa là người đã chọn ngày cho chúng con rồi ư?
Vua lắc đầu:
- Trẫm không làm chuyện đó đâu, chọn rồi không hài lòng, để các con mắng thầm ta ư?
Yến Tử và Tử Vy nghe vậy đỏ mặt nói:
- Dạ đâu có, đâu có, bao giờ cũng được mà!
Vua Càn Long trợn mắt:
- Còn nói dối ta nữa ư? Có nghĩa là các ngươi không nôn nóng chứ gì? Vậy thì ta để thêm hai năm nữa vậy?
Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ nhìn nhau căng thẳng, Nhĩ Khang cầu hòa cười với vua nói:
- Bẩm hoàng thượng, con biết chắc là hoàng thượng đã chọn được ngày.
Vĩnh Kỳ cũng nói:
- Dạ, bẩm Hoàng a ma… Các cát cát kia không nôn nóng nhưng a ca lại nóng ruột ạ!
Vua cười lớn:
- Ha ha, nói vậy chứ làm sao trẫm lại có thể kéo dài mãi được… trẫm biết, các ngươi chờ từng phút, vì vậy hôm nay trẫm đặc biện đến đây là để bàn tính với các ngươi. Trẫm đã lật lịch xem thấy sang năm mùng hai tháng hai tốt ngày nhất, ngoài ngày này ra thì phải đợi hơn ba tháng sau mới có ngày tốt. Trẫm và lão phật gia đã xem đi xem lại nhiều lần, nên định trong ngày đó cho hai đứa con. Vĩnh Kỳ và Yến Tử, Nhĩ Khang và Tử Vy cùng lúc đám cưới. Còn nếu các ngươi không muốn, đòi tổ chức riêng rẽ thì hai đám cưới phải cách nhau ba tháng, các ngươi thấy thế nào?
Nhĩ Khang nôn nóng nói:
- Con cảm thấy hai đám cưới cử hành trong cùng một ngày càng vui chứ sao? Tử Vy và Yến Tử quý nhau như hai chị em ruột thịt. Lấy chồng cùng một ngày thích quá đi chứ. Vả lại tổ chức tiệc cưới đâu phải dễ dàng, tổ chức một lần đỡ tốn kém. Trong cùng ngày hoàng thượng vừa có dâu vừa có rể, nghĩa là đã có song hỷ lâm môn, vậy là tốt quá rồi còn gì?
Vua Càn Long hiểu hai chàng trai đều nôn nóng cười nói:
- Thôi được, vậy thì làm theo lời bọn con vậy. Hôm đó, cả hai cát cát đều xuất giá tử Thấu Phương Trai, nhưng mà ta báo cho hai ngươi biết ta vẫn để Thấu Phương Trai vĩnh viễn là nhà các con, sau khi lấy chồng Tiểu Đặng, Tiểu Trác, Minh Nguyệt, Thể Hà vẫn được giữ lại. Nhĩ Khang phải hứa với ta là thỉnh thoảng phải cho phép Tử Vy về đấy ở nhé?
Nhĩ Khang mừng rỡ quỳ xuống:
- Cảm ơn hoàng thượng đã tác thành, thần phúc Nhĩ Khang nhất định tuân mệnh chỉ cần hoàng thượng có lệnh là thần lập tức đưa Tử Vy hồi cung!
Vĩnh Kỳ cũng nói:
- Con rất cảm ơn Hoàng a ma!
Vua dặn dò
- Còn nữa, ta biết các người còn nhiều bạn bè tâm giao, Tiêu Kiếm là anh ruột của Yến Tử nhưng người này đều có thể nhập cung để dự đám cưới đưa dâu từ Thấu Phương Trai rồi dự tiệc tại Cảnh Dương cung. Sau lễ cưới bọn họ có thể ở lại ít lâu để được chiêu đãi tiếp, nhất là Tiêu Kiếm sẽ được phép vào cung thường xuyên thăm em gái mình.
Tử Vy, Yến Tử lúc đó mới quỳ xuống:
- Tạ ơn Hoàng a ma! Hoàng a ma vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.
o O o
Và sau đó, là một chuỗi ngày bận rộn.
Ðám cưới trong cung đình đương nhiên là phải rầm rộ hơn đám cưới dân gian, vì vậy phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chỉ nội chuyện quần áo cô dâu, đã phải huy động hàng chục người. Rồi còn nữ trang, châu ngọc, mũ đội đầu, giày dép, lệnh phi nương nương và mấy nương nương khác phải đứng ra chủ trì mọi việc.
Trước ngày cưới ba hôm, hoàng hậu và Dung ma ma chợt xuất hiện, hai người mang theo hai bộ áo cô dâu mới tới. Sự xuất hiện của hoàng hậu quả bất ngờ khi tiếng thái giám rao:
- Hoàng hậu nương nương giá đáo!
Tử Vy, Yến Tử giật mình vội vã chạy ra thì đã thấy hoàng hậu nương nương đến cửa, hoàng hậu nói:
- Tử Vy, Yến Tử không biết làm gì để biểu đạt sự ân hận và lòng biết ơn của mình đối với các cô, vài hôm nữa ngày vui trọng đại của các côn đã đến. ta và Dung ma ma đã thức suốt mấy đêm liền, cố làm cho kịp hai chiếc áo này để tặng hai cô. Phần kim chỉ là của ta, phần thêu là của các sư bá, ta nghĩ nó cũng không xấu xí lắm mong hai người nhận cho.
Tử Vy, Yến Tử đứng lặng người trước thái độ hạ mình của hoàng hậu, chưa biết nói gì thì Dung ma ma lại sụt sùi tiếp:
- Nô tỳ xin được thỉnh an hai cô cát cát, nô tỳ ở Khôn Ninh cung ngày đêm thắp hương xin trời phật phò hộ cho hai cát cát vui vẻ, vạn sự như ý mãi. Hai chiếc áo này do hai thầy trò nô tỳ cặm cụi may, mỗi một mũi kim nô tỳ đều nói hai tiếng “xin lỗi”. Vì vậy coi như nó chứa đầy lời xin lỗi của nô tỳ, mong hai cô cát cát nhận cho.
Tử Vy đỡ lấy chiếc áo, cảm động nói:
- Hoàng hậu nương nương! Dung ma ma! Hai người làm Tử Vy này cảm động quá, Tử Vy không biết nói gì để cảm ơn hai người. Chỉ biết khẳng định một điều là tất cả những gì đã qua, xin hãy để cho nó qua đi, Tử Vy không nghĩ đến nữa.
Hoàng hậu rưng rưng nước mắt,
- Vâng, hãy để cho nó qua đi, quên nó đi!
Tử Vy nhìn hoàng hậu, hoàng hậu cũng nhìn Tử Vy với ánh mắt hối hận, dịu dàng. Một hoàng hậu ác độc khắc khiệt ngày nào đã biến mất, điều này khiến Tử Vy cảm động, cảm động đến độ không thấy đứng trước mặt là kẻ thù thay vào đó là một người thân. Tử Vy bước tới ôm chầm lấy hoàng hậu nói:
- Con mong cái giây phút này lâu lắm rồi, có lẽ trời xanh biết và đã động lòng giúp con nên mọi thứ trở thành sự thật.
Lời của Tử Vy làm hoàng hậu chảy nước mắt.
Một lúc sau hoàng hậu buông Tử Vy ra, quay sang Yến Tử.
- Thế còn Yến Tử có tha thứ cho ta chăng?
Nãy giờ Yến Tử nhìn hai người đã cô cùng cảm động nên cũng sụt sùi nói:
- Vâng, con… con từ nào đến giờ không muốn ai quá tốt với mình, vì vậy con sẽ cảm động, mà con lại rất sợ khóc. Thôi, hoàng hậu nương nương và Dung ma ma đã đến đây rồi, thì con còn chấp nhất làm gì? trời đang rất lạnh xin hoàng hậu nương nương và Dung ma ma vào nhà sưởi ấm đi.
Nhưng hoàng hậu và Dung ma ma từ chối
- Thôi cảm ơn, chúng tôi đi ngay đây!
Dung ma ma thì quỳ xuống dập đầu ba cái trước mặt Tử Vy và Yến Tử.
- Bẩm hai cô cát cát, xin hãy tha thứ cho tất cả lỗi lầm mà nô tỳ đã gây ra.
Tử Vy và Yến Tử cười tha thứ rồi đỡ bà ta dậy, sau đó hoàng hậu và Dung ma ma nói lời cáo biệt rồi vội vã bỏ đi.
Yến Tử và Tử Vy cầm chiếc áo trên tay nhìn theo lòng đầy cảm xúc.
o O o
Cuối cùng rồi ngày trọng đại cũng đến, lễ cưới ở Thanh cung lúc nào cũng cử hành trong buối tối, và nhận quà từ ban ngày.
Tối hôm ấy ở Thấu Phương Trai giăng đèn kết hoa, người đông tấp nập, đội nhạc hoàng gia hợp tấu toàn những bản nhạc mừng.
Mọi người xum xuê trong áo mới từ a ca, cát cát, đến cung nữ thái giám. Phía trước Thấu Phương Trai hai chiếc kiệu hoa sơn đỏ chờ sẵn, mấy tay khiêng kiệu mặc áo đỏ đứng sắp hàng hai bên chờ.
Hôm nay cũng là một ngày thật bận rộn của các cung nữ. Mỗi người một chiếc mâm kẹo đi chung quanh các mệnh phụ, các quan đại thần hoàng thân quốc thích mời mọc mọi người đều vui vẻ.
Tử Vy, Yến Tử thì nhốt người trong Thấu Phương Trai, mặc chiếc áo cô dâu của hoàng hậu và Dung ma ma tặng, đang ngồi yên cho các cung nữ trang điểm.
Lệnh phi hối thúc.
- Nhanh nhanh lên! mặt Tử Vy chưa đủ hồng, Kim Tỏa, hãy đánh thêm một ít phấn cho tươi lên.
Kim Tỏa thì sai Minh Nguyệt, Thể Hà.
- Hai người hãy mang đèn lại cho ta nhìn kỹ một chút mới thấy được độ đậm nhạt của phấn.
Hết lo cho Tử Vy lệnh phi lại quay sang Yến Tử:
- Thế này không được, phải trang điểm đậm một chút cho Yến Tử.
Thế là đám cung nữ ùn tới đè mặt Yến Tử đánh phấn lại, Yến Tử không chịu được hét:
- Vừa vừa thôi chứ! Các ngươi tô làm sao mà mặt ta đỏ gấc như cái đít con khỉ đột đi!
Lệnh phi nói:
- Trời ơi, hôm nay lên xe hoa mà sao đem những từ kém thẩm mỹ đó ra nói chi vậy?
- Làm cô dâu thì cũng có cái bàn tọa chứ?
Lệnh phi lắc đầu:
- Thôi thôi thôi làm ơn ít nói một chút, người ta làm cô dâu phải tỏ ra thẹn thùng e lệ chớ ai lại oang oang như cô.
Yến Tử thú nhận.
- Tại vì con căng thẳng quá, lo quá. Thấy gì cũng quá nhiều lễ nghi. E là mình không diễn đúng được. Mà cái tánh con vậy đó. Càng lo lắng thì càng nói nhiều. Nếu không cho con nói thì con sẽ sốt lên, đổ mồ hôi nhiều, như vậy sẽ càng tệ hại hơn!
Như để xác minh, Yến Tử xòe bàn tay ra đang ướt rịn mồ hôi, lệnh phi nói:
- Tại sao phải lo chứ, một lúc nữa lên kiệu có người khiêng! Bà mai ngồi kế bên sẽ nhắc tuồng bảo gì làm nấy là không sai đâu đừng có sợ.
Tịnh Nhi biết tính Yến Tử, e là một lúc lại gây trò cười nên nói:
- Chị Yến Tử này, đơn giản lắm, chị cứ ngồi yên đừng nói chuyện là sẽ không có gì sai sót cả. Khi đầu đội khăn đâu có ai nhìn thấy miệng chị thế nào đâu, lúc đó chị cứ ngậm miệng lại, cô dâu nói nhiều người ta sẽ cười chết.
Yến Tử lo lắng mím miệng gật đầu, không dám nói gì cả, nhưng rồi lệnh phi chực nhớ ra, kêu lên:
- Trái táo, trái táo, các người quên rồi ư, mang quả táo ra.
Thì ra lúc về nhà chồng, theo phong tục cô dâu phải mang theo càng nhiều vật tượng trưng cho điềm lành càng tốt. Quả táo là vật không thể thiếu trong bất cứ lễ cưới nào ở phương bắc. Thế là các cung nữ vội chạy đi tìm táo ngay.
Khi hai quả táo mang đến, lệnh phi lấy hai quả đặt vào tay Yến Tử và Tử Vy dặn dò.
- Tử Vy, Yến Tử, quả táo phải cầm chặt trên tay không được để rơi xuống đất.
Tử Vy ngoan ngoãn nghe lời cầm chặt trái táo trong khi Yến Tử lại đưa lên miệng cắn một miếng, mọi người trông thấy giật mình.
- Ối, sao lại ăn quả táo vậy?
Lệnh phi ngạc nhiên.
- Yến Tử quả táo là tượng trưng cho điềm lành, tại sao con lại ăn mất điềm lành vậy?
Yến Tử ngơ ngác.
- Ðiềm lành? Cái gì điềm lành? Nãy giờ con đói phát run lên, thấy được quả táo là mừng vô cùng, sao lại không ăn được?
Tịnh Nhi nói:
- Quả táo là tượng trưng cho sự bình an như ý đó!
- Vậy ư, Yến Tử nói rồi thản nhiên cắn thêm một miếng, vậy thì tôi phải nói cho bình an như ý vào bụng, thế này nó sẽ được an toàn.
Lệnh phi lắc đầu:
- Không được, không được, tụi bây đâu mang trái khác ra thay thế ngay.
Thế là một màn gọi nhau đi lấy táo, trong khi đó Kim Tỏa ngắm Tử Vy lại phát hiện ra
- Sao tiểu thơ lại chỉ mang có một bông tai? Còn một chiếc nữa đâu?
Mọi người lại đi tìm kiếm bông tai, cuối cùng phát hiện trong giỏ hoa, Tịnh Nhi thấy Tử Vy căng thẳng quá nói:
- Bình tĩnh đi, bình tĩnh đi, chẳng sao mà!
Ngay lúc đó lệnh phi đột ngột la lên.
- Còn chiếc kiết tường tỏa nữa bỏ đâu rồi?
Tịnh Nhi nói:
- Kiết tường tỏa (cái khóa tốt lành) hình như ở Từ Ninh cung lão phật gia giữ!
- Giờ lên xe hoa đã đến nơi, Tịnh Nhi mau đi lấy mang lại đi.
- Vâng.
Tịnh Nhi vội quay đầu chạy ra cửa, không ngờ lúc đó có người từ ngoài bước vào, cả hai tránh không kịp thế là va mạnh vào nhau.
Tịnh Nhi loạng choạng suýt ngã, người mới bước vào là Tiêu Kiếm vội đỡ lấy ngay, hai ánh mắt nhìn nhau giật mình.
- Anh là Tiêu Kiếm?
Tiêu Kiếm thấy một cô gái đẹp trong y phục cung nữ lại biết tên mình, nên cũng đoán ra.
- Thế cô là Tịnh Nhi?
- Vâng, tôi là Tịnh Nhi.
- Nghe tên đã lâu bây giờ mới gặp.
- Vâng, anh cũng vậy!
Ðang lúc đó chợt có tiếng lệnh phi bên trong nói to:
- Tịnh Nhi ơi! Tịnh Nhi kiết tường tỏa đã tìm thấy nó đang ở trên người ta đây, bận quá nên quên mất!
Tịnh Nhi nghe vậy vội quay ngược vào trong, liếc qua nhìn Tiêu Kiếm lại thấy Tiêu Kiếm đang nhìn mình khiến nàng giật mình lần nữa.
- Tịnh Nhi, Tịnh Nhi, cái như ý hoàn có phải ở đằng ngươi không?
Tịnh Nhi vội đứng lại lúng túng vì biết có người đang nhìn theo.
- Tịnh Nhi, Tịnh Nhi, ngươi ở đâu đấy?
- Dạ đây!
Tịnh Nhi lại chạy vào, tìm được cái vòng như ý giao cho lệnh phi.
Tiêu Kiếm vẫn đứng ngẩn ngơ ở đó, Liễu Thanh bước tới vỗ vai hỏi
- Anh đang nhìn gì vậy?
Tiêu Kiếm lẩm bẩm một bài từ.
- “Giữa đám đông tìm ai dáo dác, đột nhiên quay lại, bóng ai kia sáng rực giữa muôn đèn”.
Liễu Thanh nghe chẳng hiểu, yên lặng nhìn theo.
Trong khi đó giữa thính phòng, hai cô cát cát trang điểm đã gần xong, lệnh phi đang kiểm tra lần nữa phú dâu đứng cạnh cứ giục.
- Lệnh phi nương nương, giờ lên kiệu đã đến rồi.
Lệnh phi nghe vậy ra lệnh.
- Vậy thì hãy lấy máng che mặt cho các cô ấy đi!
Tử Vy và Yến Tử được che mặt lại.
Ngay lúc đó ban nhạc trổi lên mười hai cô phù dâu xúm lại khênh hai người lên đi ra kiệu, đám đông cung nữ ùn theo sau, một khung cảnh vô cùng náo nhiệt, Liễu Thanh, Tiêu Kiếm bước tới.
- Chúc mừng, chúc mừng Tử Vy và Yến Tử.
Tử Vy và Yến Tử thẹn thùng bước lên kiệu hoa. Đám cung nữ đứng bên dưới reo hò:
- Hoàn Châu cát cát đại hỷ, Tử Vy cát cát đại hỷ, hai vị thiên tuế, thiên thiên tuế!
Pháo nổ dòn dã, quan tư tế hô:
- Khởi kiệu!
Chiếc kiệu được nâng lên, đội nghi lễ, đội đèn lông, dàn nhạc lần lượt đi theo và ngự hoa viên.
o O o
Trước đó Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang đã có mặt ở đó họ đều mặc lễ phục chủ rể màu đỏ, cỡi trên hai con tuấn mã sẵn sàng nghênh đón tân nương, Người nào mặt mày cũng rạng rỡ.
Khi đám kiệu hoa đi tới, Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang nhập bọn ngay và dẫn đầu đi trước. Mười mấy cô cung nữ mặc áo đỏ tay đưa cao lồng đèn lồng lên xuống theo tiếng nhạc, phía sau là đoàn người rồng rắn đi theo gồm hai mươi cặp đèn lồng to đỏ, bốn mươi cặp cầm đèn lồng trắng chữ đỏ nhỏ… khung cảnh vô cùng vĩ đại hùng tráng.
Ðến một ngã ba, đoàn rước dâu mới chia làm hai ngã, Nhĩ Khang dẫn đầu một kiệu đi về phước ra ngoài cung đình, còn Vĩnh Kỳ dẫn đầu kiệu còn lại đi về phía Cảnh Dương cung.
Tử Vy ngồi trong kiệu hoa lắc lư có cảm giác như người đang trong mộng, Tử Vy biết Nhĩ Khang đi trước nàng không xa. Từ đây về sau đời nàng đã thuộc về chàng như vậy là cuối cùng… cuối cùng… rồi cái ngày đợi chờ kia cũng đến ngày chờ đợi đó.. đã đến sau bao nhiêu ngọt bùi cay đắng, sau bao thử thách thủy chung. Vy cảm thấy Nhĩ Khang quả là người bạn đời xứng đáng với tình yêu của nàng.
Tiếp theo là một loạt những nghi lễ khác, bái cao đường, bái thiên địa, phu thê giao bái… để rồi bước vào động phòng.
o O o
Nhĩ Khang ngắm người yêu trong chiếc áo cô dâu, che kín mặt đang ngồi trên giường. Sáu cô phù dâu đứng hai bên trên tay là hỷ bình (để vén mạng che mặt) giao bôi tửu (rượu uống mừng của hai người) hồng táo (táo đỏ) đậu phộng, quế viên, hạt sen…
Với một nỗi niềm hạnh phúc, Nhĩ Khang bước tới cạnh giường đứng lặng một chút, rồi nói thầm.
- Tử Vy cuối cùng rồi anh cũng có em, cái con đường đến đích tuy gặp nhiều gian khổ, nhưng nó đã khổ tận cam lai (cái khổ qua hết là quả ngọt đến) anh xin hứa với em từ đây về sau cuộc sống của chúng mình sẽ chỉ toàn là hạnh phúc… hạnh phúc…
Ngay lúc đó phù dâu đọc to:
- Xin mời tân lang dùng hỉ bình vén mạng che mặt cô dâu. Từ đây hai người sẽ xưng tâm như ý (được như lòng đã mong).
Nhĩ Khang vì quá xúc động nên run run vén mạng mặt cô dâu, chiếc mạng vừa rơi xuống đất, Nhĩ Khang đã giật mình, vì người sau mạng lại là Yến Tử chứ không phải Tử Vy.
- A!
- A!
Nhĩ Khang hốt hoảng kêu lên, Yến Tử cũng sợ hãi kêu lên, cả mấy cô phù dâu cũng tương tự.
Yến Tử nhảy xuống giường dậm chân hét:
- Tại sao kỳ cục vậy? Đấy thấy không, chẳng cho tôi lên tiếng mới lầm lộn thế này? Chuyện này là do ai gây ra đây?
o O o
Ngay lúc đó bên Cảnh Dương cung, trong phòng hoa chúc cảnh ấy tương tự, Vĩnh Kỳ vừa vén mạng cô dâu đã giật mình.
- Trời ơi, Tử Vy sao lại là cô?
Tử Vy lúc đó cũng chỉ biết kêu lên.
- Trời đất, sao có chuyện lộn xộn vầy?
Ðám phú dâu vội nói:
- Mau mau ra ngăn kiệu hoa lại đừng để bọn họ đi, còn Tử Vy cát cát hãy che mặt lại, chúng tôi sẽ thông báo cho đội kèn nhạc hay là đã có sự lầm lẫn.
o O o
Thế là mọi chuyện trở thành bát nháo, sự việc phải làm lại từ đầu. Lần này mọi thứ không còn theo quy cũ truyền thống nữa, Chuyện hai cô cát cát cùng lúc lấy chồng là lần đầu trong cung đình. Nó đã gây nên chuyện dở khóc dở cười, đàm tiếu từ trong cung đến dân gian, cho đến khi mọi sự việc đúng đâu vào đấy, thì trời đã sắp sáng, lần này Nhĩ Khang hồi hộp mở mạng che mặt cô dâu ra thấy Tử Vy cả hai mới hết lo lắng, cùng thở phào nhẹ nhõm.
Cô phù dâu che miệng cười rao:
- Mời tân lang và tân nương uống giao bôi tửu.
Tử Vy và Nhĩ Khang nâng ly lên, sau đó các cô phù dâu theo tập tục cũ cột đuôi áo của Nhĩ Khang và Tử Vy lại, rồi sắp hàng cùng chúc:
- Chúc tân lang tân nương vĩnh kết đồng tâm (mãi mãi đồng tán), và tảo sinh quý tử (sớm sinh con trai)
Rồi mới thu dọn đồ đạc rút lui.
Nhĩ Khang thấy trong phòng không còn ai cả, vội ôm chầm lấy Tử Vy nhiệt tình nói:
- Tử Vy, đúng là em đây phải không, đến cả lúc làm lễ cưới mà vẫn làm anh đứng tim được!
Tử Vy dụi đầu vào ngực khang nói:
- Nhĩ Khang, đúng là em rồi, em là cô dâu đây, ổn cả.
- Cuối cùng rồi em cũng là vợ anh, chuyện muốn làm chồng em không phải là dễ dàng. hết gặp chuyện này đến chuyện nọ, hết trông tới ngóng, hết chờ đến đợi. Ðến lúc lấy nhau vẫn phải toát mồ hôi, cưới được em thật khó khăn trăm bề, nhưng cuối cùng rồi anh cũng có em thế là hạnh phúc.
Vâng Tử Vy cười một cách hạnh phúc, hạnh phúc, đến chẳng dễ dàng, phải khổ qua cam đến.
Vậy là… cuối cùng rồi những người yêu nhau cũng được lấy nhau. Tử Vy lấy Nhĩ Khang, để sau dó hiểu ra là. Hôn nhân chẳng phải là đoạn kết của một cuộc tình. Mà chỉ là một sự bắt đầu của cuộc sống mới, mà cả hai cùng chấp nhận.
o O o
Riêng về Yến Tử đêm tân hôn thế nào?
Sau khi đổi cô dâu lại đúng vị trí, Yến Tử và Vĩnh Kỳ cũng uống rượu giao bối. Phù dâu cũng theo phong tục, cột đuôi áo hai người lại, rồi chúc.
- Chúc tân lang tân nương vĩnh kết đồng tâm, tảo sinh quý tử.
Rồi đám phù dâu rút lui chỉ còn hai người Vĩnh Kỳ ngồi ở mép giường nhìn Yến Tử.
- Ông trời ác thật, giở mạng che mặt hai lần mới có được cô dâu em làm anh kinh tâm động hồn khúc triết ly kỳ, phỉ di sở tư (không thể nào ngờ được).
Yến Tử nghe vậy nói:
- Anh nghe em nói không?
- Ờ, nói đi!
Yến Tử cười nói:
- Mấy người đó đày đọa em đủ điều, tưởng sao nhè đưa em sang nhà Nhĩ Khang, Nhĩ Khang vừa giở mạng che mặt ra nhìn thấy em, mặt hắn tái như tàu lá chuối.
Vĩnh Kỳ nói:
- Tại em không thấy lúc đó mặt anh cũng tái xanh!
Rồi nhìn thẳng vào mắt Yến Tử, Vĩnh Kỳ chợt kêu lên:
- Trời ơi, sao em đẹp quá vậy? Nào ngồi yên để anh xem nào.
Rồi nâng cầm Yến Tử lên, Vĩnh Kỳ nhẹ nhàng đặt nụ hôn, không ngờ lúc đó Kim Tỏa, Liễu Thanh, Tiêu Kiếm và mấy người khách khác đang đứng bên ngoài khoét vách nhìn trộm vào, họ nhìn thấy cảnh đó không những cười rộ lên còn vỗ tay nữa.
Yến Tử giật mình đẩy Vĩnh Kỳ ra hét:
- Ồ có trộm, có trộm, anh chạy sang đằng kia đi.
Họ đã quên là hai chéo áo đã bị cột lại nên người này kéo người kia, cả hai cùng ngã lăn cù.
- Ối!
Họ kêu lên, bên ngoài cũng kêu lên.
- Ồ!
Ngay lúc đó, mặt trời vừa lên, một ngày mới bắt đầu, và cái đêm tâm hôn của Vĩnh Kỳ, và Yến Tử đã kết thúc trong tiếng cười như thế.