“Phải có lá bay cho mùa thu xưa
Có mảnh trăng non cho lòng thiếu phụ…
…Ai cười rung môi bên bờ bỉ ngạn
Anh cuộn mình trong những cánh tay thơ” (Ai lụy phần dư – H. Man)
Nghe hạ nhân báo tin, Tô Trọng Khanh cùng Lâm Nhạc lập tức lao đến đại sảnh của Bách gia. Đèn đuốc sáng trưng, hạ nhân ngang dọc, tai bọn trẻ thoáng nghe thấy tiếng huy động đốc thúc của quản gia. Toàn thể Bách gia lúc này chìm trong một loại tĩnh lặng nặng khẩn trương.
Có biến!
Lòng Trọng Khanh kêu lên. E rằng đây là nguy biến! Kế hoạch của bọn họ phải mất ít nhất ba ngày để khởi động, làm sao nhanh như vậy đã nghe ra chuyện?!
Vừa đến đại sảnh, Trọng Khanh liền thấy Bách lão gia đi qua lại không yên, miệng mấp máy nhẩm tính. Tần lão chưởng quầy tận tụy đứng hầu bên cạnh, hai tay đan vào nhau đặt ngay ngực trái – động tác cầu nguyện Mộc thần.
“Dưỡng phụ… đã có chuyện gì xảy ra ạ?” Vừa nói, Trọng Khanh gấp gáp đi vào. “Chẳng lẽ người chúng ta cài vào hầu phủ nhanh như vậy đã nhận được tin?” Lời này hỏi ra, chính Trọng Khanh cũng cảm thấy không ổn. Bách gia cài người vào hầu phủ sớm có hai năm, muộn thì nửa tháng, đa phần đều thông qua quan hệ của các tiệm vải mà vào tú phòng của An Dương hầu làm công, một bộ phận lẩn vào thị nô của hầu phủ. Lần này bọn họ mượn chuyện nhi tử An Dương hầu trấn lột tiệm vải để chuyển tin tức vốn được dệt kín trong xấp vải đưa đến tú phòng. Theo điều tra, vải phẩm qua tay quản gia hầu phủ đưa đến các nơi, lại một đợt chọn lựa mới theo yêu cầu của người hầu phủ mà đưa tới tú phòng. Quá trình này nhanh nhất cũng mất ba ngày, làm sao nội ứng ở tú phòng có thể nhận được tin?
Bách lão già thở dài lắc đầu, như đáp lại suy đoán của Trọng Khanh, càng làm thiếu niên thêm bất an. Trực giác của cậu thực không tồi, và giá như trực giác chết tiệt ấy sai lệch thì tốt biết mấy. Tin tức đến tai khiến hai đứa trẻ trừng to mắt, tim thắt lại.
Hàn thúc đến An Dương hầu phủ phóng hỏa! Hơn nữa đã bị phát giác, hiện bị nhốt trong nhà lao tri phủ!
Mộc thần trên cao! Cơn cớ gì Người lại đày ải con người khốn khổ đó! Trọng Khanh khom người, quàng tay quanh đôi vai nhỏ gầy đang run lên, bế bổng Lâm Nhạc lên ghế ngồi. Người ta thường nói cảm xúc là thứ có tính lan truyền, có lẽ đúng vậy, bởi thiếu niên đang cố khắc chế yết hầu khản đặc cùng giọng nói hơi run run, rời rạc của mình: “Huyện thái gia đã đăng đường chưa ạ?”
“Đã đăng đường lần thứ nhất.” Bách lão gia dừng đi lại mà thả người trên chiếc ghế gia chủ, mệt mỏi nói: “Công đường chả có chút thể thống, tri huyện hoàn toàn đổi trắng thay đen! Gã lợn ấy cố ép Hàn Mẫn vào tội ám sát hoàng thân! Mộc thần trên cao, khốn khổ thay thân Hàn phu! Cái chức An Dương hầu truyền qua bốn đời, từ lâu đã không kế thừa chút thần lực của hoàng tộc! Cái gì mà hoàng thân, nhăng cuội!”
“Hẳn là Hàn thúc không thể vượt qua chuyện của Hàn nương…” Ký ức đêm ấy ngỡ đã quên, nay lại hiện ra chân thực trong tâm trí thiếu niên. Đêm ấy, không chỉ có ác bá hoành hành, bần lao thống khổ, tràng cảnh thê lương. Đêm ấy, không chỉ có lửa nhấm nuốt Liễu Thanh làm hai đứa trẻ tứ cố vô thân không chốn về. Đêm ấy, còn có một thiếu phụ hay cười chất phác chôn thân trong biển lửa, cùng vị trượng phu vùi thân trong lao ngục đêm nay.
Phải cứu! Tận lực mà cứu!
Mắt thiếu niên kiên định nhìn về phía chiếc ghế gia chủ: “Dưỡng phụ, con nghĩ chúng ta nên đẩy nhanh kế hoạch!”
Bách lão gia gật đầu tán thành, ngài đã không thể ngăn đại nạn Liễu Thanh, tuyệt đối không thể thất trách làm tội vạ thêm một người dân vô tội nào nữa! Việc Hàn Mẫn phóng hỏa hầu phủ là nét bút ngoài dự kiến trong kế hoạch của ngài nhưng vị cựu đại thần đã nhìn ra cơ hội sinh ra từ đấy.
Đôi mắt lão thành sáng lạng nhìn thẳng đôi ngươi đen thuần còn non nớt, họ thấy sự quyết tâm đồng nhất ở đối phương.
Ngẫm trăng ngoài cửa đã lên đỉnh trời, Trọng Khanh nắm tay Lâm Nhạc, toan đưa đứa nhỏ về nghỉ ngơi trước, lại bất ngờ thấy đứa nhỏ vẫn vô lực ngồi trên ghế.
“Tiểu Nhạc. Tiểu Nhạc. Đệ sao thế?”
Con ngươi to tròn của Lâm Nhạc hồi phục tiêu cự, ngấn nước nhìn thiếu niên: “Khanh ca… Hàn thúc… chuyện Hàn nương…”
“Tiểu Nhạc, không khóc, không khóc. Hàn thúc sẽ không sao. Chúng ta sẽ cứu được thúc ấy!” Thiếu niên vỗ về tấm lưng nhỏ, xoa cái đầu nhỏ, nắm lấy đôi tay nhỏ. Tai họa đến, một lần lại một lần nhắc nhở thiếu niên đệ đệ cậu còn bé bỏng thế nào, mong manh ra sao. “Chuyện ở Liễu Thanh sẽ không xảy ra lần nữa! Ta hứa trước Mộc thần!” Thiếu niên vô thức lập một lời thề chính cậu cũng không biết có thể thực hiện hay không. Nhưng cậu biết rõ, cậu cần hứa như vậy, và cậu sẽ làm tất cả để thực hiện lời hứa đó. Làm tất cả, để giữ lấy tâm hồn mỏng manh trước mắt, cậu nghĩ.
Đứa nhỏ dường như tin lời hứa của thiếu niên mà an tĩnh đứng lên, hoặc nó quá mệt để suy xét thêm điều gì.
“Cả con nữa, A Khanh. Cả hai đều về phòng nghỉ ngơi đi. Chuyện này sáng mai chúng ta sẽ bàn bạc tiếp.” Bách lão gia phất tay dặn dò, dù chính ngài đã định sẵn sẽ ở thư phòng cả đêm.
Tô Trọng Khanh chần chừ, rồi khẽ gật đầu chào Bách lão gia mà dẫn Lâm Nhạc rời đi.
Trăng của ngày thu lạnh như đêm lửa cháy cuối hạ. Ánh sáng bàng bạc phủ lên những viên đá lát đường trong hoa viên Bách gia, con đường hai đứa trẻ phải băng qua để về phòng mình. Nguyệt quế thanh hương đạm mạc, dạ quỳnh diễm lệ trong đơn côi. Hoa viên không còn sự rực rỡ cùng ấm áp ban ngày mà tĩnh lặng giữa những sắc hoa nhợt nhạt, vẽ ra một khoảng đau thương cho hai đứa trẻ.
Giữa không gian tĩnh lặng như một bức tranh thủy mặc cổ điển, ngay cả giọng nói của đứa nhỏ năm tuổi ngày thường hoạt bát cũng đọng lại thành từng giọt âm thanh ngắc ngứ: “Đêm nay... đệ ngủ cùng ca được không…?”
Trọng Khanh gật đầu ngay tắp lự. Đã lâu rồi họ không ngủ cùng nhau. Bách phu nhân đã nhiệt tình chuẩn bị cho Lâm Nhạc một căn phòng tràn ngập đồ chơi cùng quà vặt, màn che sắc màu tươi tắn cùng vài cuộn sách thần thoại kèm tranh vẽ. Dưới ánh mắt háo hức mong chờ của Bách phu nhân, Lâm Nhạc nghẹn ngào nhận mệnh, dù thằng bé có bao nhiêu lưu luyến đối với căn phòng ngủ ngập sách cùng hương bạc hà - thư phòng thứ hai của Trọng Khanh.
Cửa phòng mở ra, mùi hương vẫn vương vấn trên người thiếu niên luôn vùi đầu trong thư phòng chợt phóng đại, rõ ràng, nồng đậm tràn vào cánh mũi non nớt. Cay cay, nhưng thanh thản an nhiên.
Không cho ca ca mình có cơ hội thay quần áo, đứa nhỏ đã nửa ôm nửa lôi thân người cao hơn mình bốn cái đầu đi ngủ. Trọng Khanh bất đắc dĩ cười, ôm Lâm Nhạc vào lòng, hôn lên trán thằng bé mà lập lại câu nói cũ với ý định trấn an: “Ta hứa với đệ, bi kịch sẽ không lặp lại.”
Trong hương thơm mát của bạc hà quyện mùi sách cũ, trong tiếng nói thì thào khàn khàn vỡ giọng của thiếu niên, đứa nhỏ an bình đi vào giấc ngủ.
Bách gia cứ như thế trôi qua một đêm náo động, lại không biết phủ An Dương hầu đang gà bay chó sủa.
Nửa đêm canh ba, An Dương hầu phủ vẫn đèn đuốc sáng trưng, từng làn váy lụa đáng tiền một tháng cơm của nữ hầu nhẹ lướt qua các viện, bận rộn đưa thoi.
“Khốn khiếp! Cái tên hèn mạc ấy dám đối đầu với hầu phủ!” An Dương hầu, tuổi độ tứ tuần, thân thể vì những năm an nhàn xa hoa mà phì lũ, tức giận ném chén trà xuống đất. Từng tảng mỡ trên người theo cơn phẫn nộ mà run lên khó coi. Thị nô đứng gần gã hai tay xiết chặt thành quyền, mũi giày hứng toàn bộ nước trà nóng hổi, cắn răng chịu trận.
Ngồi ở ghế dành cho khách là một con lợn khác, đầu đội ô sa không chỉnh tề, quan bào chỉ thêu vỏn vẹn hai nhánh trúc thế nhưng lại dùng chất vải thượng hạng, đi giày đạp non bộ nghìn cây quý giá: “Bọn thị dân dốt nát không biết hoàng quyền! Hầu gia yên tâm, ta nhất định sẽ dạy dỗ hắn thích đáng!”
An Dương hầu hừ một tiếng, bất mãn hỏi: “Chỉ dạy dỗ thôi?”
“Ý hầu gia là…” Tri huyện chần chừ, lá gan nhỏ của lão đập nhộn nhạo. Trước giờ chuyện ác của An Dương hầu lão tiếp tay không ít, nhưng việc bẩn tay vẫn do người hầu phủ tự làm, lão chỉ việc lờ đi đám dân đen báo án.
Hầu gia nhướn đôi mày nịch mỡ, đặt bàn tay nặng trịch ba chiếc nhẫn vàng lên cái cổ không thấy nổi yết hầu làm động tác cắt cổ. Đôi ngươi đen đục của tri huyện thoáng do dự, rồi đảo một vòng tính toán, nhanh chóng gật đầu cam kết.
Lần đăng đường thứ hai nhanh chóng được quyết định trước sự nôn nóng của cả thành Liễu Dương.