Chương 46 – Đương cục (trong cục)
Người dịch: fishscreen
Nguồn: tangthuvie
Trên đời có một loại lực lượng, có lúc ngươi từng thấy, có lúc ngươi từng nghe, thậm chí có lúc ngươi cũng từng sở hữu, nhưng hơn phân nửa đều không biết đó là loại lực lượng như thế nào.
Có một loại người, y chưa từng học qua nội công, nhưng y lại có biện pháp dùng niệm lực hái xuống một quả đào trên cây đào ở cách xa trong sân.
Có lúc ngươi cũng sở hữu loại lực lượng này. Có lẽ ngươi đã từng trong một trường hợp và bầu không khí nào đó, cảm giác được có chuyện gì đó sẽ xảy ra, quả nhiên sau đó nó đã xảy ra.
Cho dù ngươi không có loại lực lượng này, nhưng nhất định ngươi cũng thường hi vọng sở hữu lực lượng như vậy. Nếu không, ngươi cũng không cần bái thần cầu nguyện, cầu xin ông trời thần linh, có thể thay ngươi tiêu tai giải họa, làm cho ngươi ước gì được nấy.
Loại lực lượng này bình thường không thể nắm giữ, nhưng chúng ta lại hi vọng nó có thể tồn tại. Dường như loại lực lượng này chỉ do thần linh trong xa xăm sở hữu, nhưng có lúc lại ngẫu nhiên hiện ra trên một người phàm.
Thiên Y Cư Sĩ đương nhiên không phải là thần linh, nhưng y chắc chắn có thể nắm giữ bộ phận mấu chốt của loại lực lượng thần bí này. Giống như ngươi hiểu được làm cách nào thu gom sức nóng của ánh mặt trời, vậy thì có thể dùng nó để đốt vật, hoặc khiến cho hạt giống sinh trưởng. Nếu như ngươi biết làm cách nào sinh lửa dẫn lửa, vậy thì có thể dùng lửa làm vũ khí có lực sát thương lớn, hoặc là dùng lửa để nấu thức ăn. Lửa đã trở thành một phần lực lượng của con người, mặc dù thỉnh thoảng bị mất khống chế, nó cũng phản công con người một cách mạnh mẽ.
Thiên Y Cư Sĩ nắm giữ loại lực lượng thần bí này. Y giống như sở hữu một chìa khóa để mở khóa, nhưng bản thân y không phải ổ khóa, cũng không phải là chìa khóa. Y chỉ có cơ hội để giải đáp câu đố này, giống như hiểu cách thu gom ánh mặt trời, biết cách để đốt lửa, điều này đã trở thành một loại lực lượng có thể phá hủy và xây dựng, nhưng bản thân y lại không phải là lửa và ánh mặt trời.
Thiên Y Cư Sĩ là một người nội lực rất yếu, thậm chí có thể nói y gần như hoàn toàn không có nội lực.
Với lực lượng của bản thân y, vốn không thích hợp giao đấu với bất cứ người nào.
Cho nên y phải mượn lực lượng của người khác, hoặc là thần.
Hơn nữa bất kể “thần” có tồn tại hay không, “thần” quả thật là có lực lượng.
Bởi vì một khi ngươi tin rằng có “thần”, sẽ có một loại lực lượng vô cùng lớn, chịu sự giày vò vô cùng đáng sợ, nhận lấy trọng trách vô cùng gian khổ. Khi mặt xấu phát sinh ảnh hưởng, ngươi cũng sẽ lo âu bất an, chờ đợi lực lượng thần bí tới “báo ứng”, thậm chí biết trước “kết quả bi thảm” của mình.
Thiên Y cư sĩ dùng uy lực của “thần” để khiến người khác cảm thấy sự tồn tại “thần”.
Thần vốn có lực lượng, bây giờ thần đang thi triển lực lượng của mình để đối phó với kẻ địch của y.
Bình thường con người sẽ dùng vũ khí làm vũ khí, nhiều nhất sẽ dùng tay chân thậm chí là hàm răng làm binh khí.
Giống như Nguyên Thập Tam Hạn, mắt, mi, mũi, tai, miệng, mặt đều có thể gây ra lực sát thương, thậm chí có thể dùng nguyên khí của gan, dạ dày, phổi, tim, thận để công kích đối thủ. Toàn thân hắn đã biến thành vũ khí, cộng thêm hình tượng của hắn hợp thành một thể với Đạt Ma tôn giả, Thiên Y Cư Sĩ hoàn toàn không tìm được sơ hở để phản kích.
Y không thể, nhưng thần có thể, bốn đại thiên vương có thể.
Cho nên trận chiến này giống như bốn đại thiên vương và mười sáu la hán chiến đấu với Đạt Ma tôn giả, giết đến trời đất u ám, nhật nguyệt lu mờ.
Lúc này bên ngoài có một con ve, không biết vì sao lại kêu lên buồn bã.
Thật ra Nguyên Thập Tam Hạn đã rơi vào trong trận của Thiên Y Cư Sĩ.
Bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi nào, Thiên Y Cư Sĩ đều có thể dùng người và sự vật mà y có thể vận dụng để bày trận.
Đối với Nguyên Thập Tam Hạn, đại điện rộng hai trượng kia lại giống như núi nghìn trùng, đường vạn dặm, cho dù hắn bay nhảy thế nào đều không ra được.
Đến lúc này hắn lại càng bình tĩnh, mùi hôi trên người hắn cũng càng nồng nặc hơn.
Toàn thân hắn đã ngưng tụ “Nhẫn Nhục thần công”.
Hắn lại không vội xông ra ngoài.
Hắn đang đợi đối thủ tập kích.
Nhưng đối phương chỉ vậy khốn hắn, lại không công kích.
Hắn không sợ công kích, hắn chỉ sợ không ai công kích hắn.
Hắn nhẫn, hắn chờ, hắn thu lại sát lực của ngũ quan và ngũ tạng.
Hắn một lần nữa ngưng tụ lại lực lượng tỏa ra ngoài, trở thành một loại lực lượng mới và ổn định.
Đó giống như một mũi tên đang kéo căng trên nỏ, lại giống như nước đã đầy nhưng vẫn rót vào, đến mức phải tràn ra bên ngoài.
Sự tuyệt diệu của loại lực lượng này không phải là do hắn phát huy, mà là khiến cho đối phương không thể không phát.
Giống như dòng nước từ trên trút xuống, còn Nguyên Thập Tam Hạn lại trở thành đầm nước, có thể hứng lấy sự tuôn trào của đối phương.
Nếu như dùng “tên ở trên nỏ, không thể không phát” để hình dung, vậy thì hắn chính là tên, nhưng nỏ lại là của người khác.
Nói cách khác, hắn đã lợi dụng sức của người khác.
Thiên Y Cư Sĩ bày ra trận thế bất động, nhằm để đối phó với “hành động” của kẻ địch. Nhưng Nguyên Thập Tam Hạn lại bất động như núi, hơn nữa còn dẫn động trận pháp của Thiên Y Cư Sĩ, khiến cho “Tùy Cầu đại pháp” này không thể không phát.
Chỉ khi kẻ địch phát động, trận pháp của Thiên Y Cư Sĩ mới phát huy tác dụng vây địch giết địch.
Nhưng hiện giờ Nguyên Thập Tam Hạn lại không phát động, hơn nữa còn dẫn phát trận thế đang vây khốn mình.
Tại khoảnh hắc này, tất cả giáo tướng bát tâm, tam kiếp, thập địa, lục vô úy, thập dụ đều bao trùm lấy Nguyên Thập Tam Hạn.
Trong chớp nhoáng này, Nguyên Thập Tam Hạn không phải chỉ đối kháng với thực tướng và thực lực, còn phải đồng thời đối phó với những hư vật hư lực như ảo cảnh, dương diễm, mộng ảnh, càn thát bà, tường thành, tiếng vang, thủy trung nguyệt, bong bóng, hư không hoa, bánh xe lửa (1), còn có thiện vô úy, thân vô úy, vô ngã vô úy, pháp vô úy, pháp vô ngã vô úy, bình đẳng vô úy (2).
Nguyên Thập Tam Hạn đứng yên bất động.
Hắn giơ ngang cây gậy, nhìn giận dữ.
Tất cả kẻ địch không hữu hình đều tiêu tan vỡ nát.
Năm đó, hai tay Hạ Hầu Tứ Thập Nhất vung khoái kiếm vô cùng sắc bén, từ phía trên chém xuống. Hắn muốn dùng một kiếm chém kẻ địch ra làm hai nửa.
Nguyên Thập Tam Hạn đưa gậy cản ngang.
Trên tay hắn chỉ là một cây gậy bằng gỗ.
Một kiếm kia chém xuống, là một kiếm mà Hạ Hầu Tứ Thập Nhất hoành hành giang hồ bốn mươi tám năm đánh đâu thắng đó, chẳng những “trảm lập đoạn” (lập tức chém đứt), đồng thời cũng “trảm lập quyết” (lập tức hành quyết).
Nhưng gậy lại không đứt.
Thứ đứt chính là sinh mệnh của Hạ Hầu Tứ Thập Nhất.
Sau khi Hạ Hầu Tứ Thập Nhất chém ra một kiếm kia lại đột nhiên mất mạng.
Hóa ra một chém kia lại dẫn phát tất cả nội kình của Nguyên Thập Tam Hạn truyền vào trên gậy.
Đây chính là tình cảnh năm đó Nguyên Thập Tam Hạn và Hạ Hầu Tứ Thập Nhất chiến đấu sinh tử. Lúc này dường như lại hiện lên rõ ràng trước mắt Nguyên Thập Tam Hạn.
Hiện giờ lại tái diễn ngay trước mắt hắn.
Uy lực vô cùng của bốn đại thiên vương bị dẫn phát trước thời hạn, hơn nữa bởi vì kích tụ lực lượng lên vật hoàn toàn không có sinh mệnh, kình đạo áp chế ngược, khiến cho bốn đại thiên vương bị lực lượng thần bí của mình đánh thành tro bụi.
Cho dù là người có sức lực cực lớn, đánh một chưởng vào mặt đất, kết quả nhiều nhất chỉ là chưởng đau tay thương, lại không cách nào tổn thương đến mặt đất mênh mông rộng lớn.
Nguyên Thập Tam Hạn phá vỡ bốn đại thiên vương, lúc này mới vung gậy phản công.
Chỉ công một chiêu, nhưng lại bao gồm bốn thức khởi, thừa, chuyển, hợp.
Thủ thế xuất chiêu chính là “khởi”, lúc phát chiêu là “thừa”, sau khi xuất chiêu là “chuyển”, thu chiêu là “hợp”. Khởi thừa chuyển hợp, phối hợp xảo diệu, toàn vẹn tự nhiên.
Xem ra chỉ là một chiêu, nhưng đã bao hàm công lực to lớn, mấy chục năm tu vi của hắn. Một chiêu này đủ để chống ngàn quân, địch ngàn quân, giết ngàn quân.
Nhưng một chiêu này thoạt nhìn lại bình thường không có gì lạ, chỉ là khởi, thừa, chuyển, hợp mà thôi.
Một chiêu này cũng thật sự tên là “Khởi Thừa Chuyển Hợp” .
Đối với Nguyên Thập Tam Hạn, chiêu thức của hắn vừa “khởi”, cũng chính là lúc kẻ địch phải mất mạng bởi thừa, chuyển, hợp tiếp theo.
Đối với kẻ địch của Nguyên Thập Tam Hạn, e rằng chỉ có thể nhìn thấy “khởi” thức của hắn, vĩnh viễn không có cơ hội nhìn thấy “hợp” thức, bởi vì “hợp” đã là kết thúc.
Giết địch trước khi thu chiêu.
Nhưng vấn đề lại nằm ở đây.
Một chiêu này là tuân theo quy củ, làm theo khuôn phép, trước tiên khởi, tiếp đó thừa, sau đó chuyển, cuối cùng hợp.
Nhưng Thiên Y Cư Sĩ lại đột nhiên vận dụng một loại lực lượng thần bí đến mức thần kỳ.
Y khiến cho thời gian đảo loạn.
Ví dụ như một người từ nhi đồng đến thiếu niên, thiếu niên đến thanh niên, thanh niên đến trung niên, trung niên đến tráng niên, tráng niên đến lão niên, đó là chuyện bình thường hợp lý, không có gì lạ.
Nhưng nếu như một người chợt từ thanh niên chuyển đến nhi đồng, nhi đồng đến lão niên, lúc lão niên lại trở về thiếu niên, vậy thì rất không bình thường, không hợp lý, không thể nói là không kỳ lạ.
Một chiêu này của Nguyên Thập Tam Hạn lại thành như vậy.
Vốn là trước tiên thủ thế, tiếp đó chuyển động thân hình, sau đó xuất chiêu phát lực, cuối cùng mới thu thế hồi thức. Nhưng trật tự này đã hoàn toàn rối tung, biến thành trước tiên xuất chiêu, lại thu chiêu, sau đó mới ra tay phát lực. Chiêu thức vốn không có sơ hở, lại biến thành điên đảo rối loạn, hoàn toàn thất bại.
Thử hỏi khởi, thừa, chuyển, hợp nếu như đổi thành chuyển, thừa, hợp, khởi, vậy thì còn có kết cấu gì?
Nguyên Thập Tam Hạn cũng không hiểu tại sao lại như vậy.
Nhưng hắn biến chiêu cực nhanh, lập tức lại đánh ra “Âm Tình Viên Khuyết”.
Hắn dùng bốn loại tâm tính bi, hoan, ly, hợp để đánh ra bốn chiêu này.
Hắn vốn định dùng bốn chiêu này để hóa giải bốn thức thất bại của mình trước đó.
Nhưng chiêu này cũng bị “rối loạn” như vậy.
Một “lực lượng kỳ lạ” không biết từ đâu đến, khiến hắn lại dùng lực của “hợp” sử dụng bí quyết của “viên”, dùng lực của “ly” thi triển bí quyết của “khuyết”, dùng lực của “cách” sử dụng bí quyết của “viên”, dùng lực của “hợp” thi triển bí quyết của “khuyết”.
Như vậy lại thành râu ông nọ cắm cằm bà kia, không thể phát kình, bởi vì lực lượng đã triệt tiêu lẫn nhau.
Sau khi lực lượng triệt tiêu lẫn nhau, lại cắn trả Nguyên Thập Tam Hạn.
Trong trận chiến này, Thiên Y Cư Sĩ chỉ dùng một yếu quyết, đó là điều khiển thời gian.
Thời gian là một loại lực lượng.
Y đảo loạn thứ tự thời gian, đồng nghĩa với việc làm cho một thân tuyệt kỹ của Nguyên Thập Tam Hạn hoàn toàn trở thành vết thương chí mạng của hắn.
Thực ra Thiên Y Cư Sĩ không phải khống chế thời gian, bởi vì thời gian là thứ con người không thể nắm giữ.
Nhưng y lại khống chế tâm thần của kẻ địch, khiến cho kẻ địch mất đi cảm giác đối với thời gian.
Một khi mất đi cảm giác về thứ tự thời gian, tất cả hành động đều sẽ rối loạn, mà kẻ địch lại không nhận ra nguyên nhân là vì tâm thần của mình đã bị đối phương khống chế.
Đây gọi là “người trong cục mơ hồ” .
Lúc này Nguyên Thập Tam Hạn đang “trong cục”.
Người khiến cho hắn mê hoặc chính là Thiên Y Cư Sĩ.
Y tự biết võ công không bằng đối phương, nhưng y có lại có nhiều kỳ môn học thức.
Đây chính là một môn tuyệt kỹ của y, khống chế cảm giác về thời gian của kẻ địch.
Con người vốn sống trong thời gian, nếu như ngươi khống chế tất cả thời gian của hắn, vậy thì cũng giống như hoàn toàn khống chế hắn.
Chú thích:
(1)
Thực tướng: Phật giáo chỉ tính bản chất và sự thật của hiện tượng.
Dương diễm: khi trời nóng của mùa hè trên đường xa xa nhìn thấy nước, mà tới gần thì không phải nước. Dụ cho cái huyễn hóa không thật.
Càn thát bà: Chư Thiên sanh ra ở trong cây có mùi hương và nương ngụ tại nơi ấy, chí đến cây ấy bị hư mục hay bị người đến mang về làm nhà, làm tàu... cũng mặc, Càn Thát Bà ấy vẫn không chịu rời bỏ trú sứ ấy, vẫn nương mãi cây ấy. Vì thế, nhà nào hay ghe thuyền nào có Gandhabba nương ngụ, thường có sự quấy phá hoặc hiện hình ra cho người sống thấy mang đến sự tai hại cho những người sống nơi ấy, như gây bệnh, gây tổn hại tài sản của những người ấy.
Thủy trung nguyệt: sự vật có thể nhìn thấy nhưng không thể chạm đến được.
(2)
Vô úy là yên ổn, không sợ hãi, chúng sanh vì bị phiền não quấy rối không được tự tại, nếu tu rốt ráo thời hay phân biệt giải thoát được vui yên ổn nên gọi là vô úy, vô úy có sáu loại :
1. Thiên vô uý: Người thiện trên thế gian giữ mười điều thiện, trong tâm họ vui vẻ xa lìa ác đạo nên gọi là vô úy.
2. Thân vô úy: Người tu về nhị thừa khi quán phép bất tịnh được thành tựu thì mọi sự ràng buộc đều được giải thoát, lìa mọi sự sợ hãi nên gọi là thân vô úy. Nếu theo Chân Ngôn tông quán các hình ảnh thờ trên đàn, mọi tướng hiện ra trước mắt, uy nghiêm rực rỡ thoát ly hình hài, hay khởi ra tinh thần vô úy dù có gặp cảnh buồn rầu đau khổ cũng coi như không có.
3. Vô ngã úy: Người tu nhị thừa vào ngôi nhị kiến đạo quán tất cả các phép đều vô ngã khi chấp ngã đã không còn thì sự sợ hãi kia liền trừ được, ấy gọi là vô ngã vô úy. Nếu theo Chơn ngôn tông thì coi tất cả biến tượng đều do duyên sinh, không khởi vọng niệm yêu mến đắm say.
4. Pháp vô uý: Người tu pháp môn nhị thừa, chứng được vào ngôi vô học chứng lý thiên chân ở thân ngũ uẩn hòa hợp, kiểu đó là không nên không sợ hãi, hay còn gọi là pháp vô úy.
5. Pháp vô ngã vô úy: Các bậc Đại Thừa Bồ Tát chứng pháp không chân như, liễu ngộ vạn pháp duy tâm nên đối với các pháp lược không có ngã kiến mà tâm được tự tại ấy gọi là pháp ngã vô úy.
6. Bình đẳng vô úy: Hay gọi là nhất thiết pháp tự tính bình đẳng vô úy. Đức Phật liễu ngộ được nhất thiết pháp đều bình đẳng, chứng nhập pháp tính ở gốc ngọn, năng và sở tìm không thể được ấy gọi là bình đẳng vô úy.