Đường Nghi Nhu đứng trước cửa, Lương Thế Bách cầm chìa khóa, anh mở cửa, cô lặng lẽ theo sau lưng anh, tránh nhìn mọi thứ trong nhà.
Không có gì thay đổi, kể cả thời gian, dường như cũng dừng lại.
Anh quay đầu hỏi cô: Phòng nào là của em? Cô giơ tay chỉ mà không cần nhìn.
Trong nhà có hai phòng ngủ, rộng khoảng 50 mét vuông, chỉ có một tầng, nắng trời không lọt tới, buổi sáng cũng phải bật đèn.
Phòng của Đường Nghi Nhu lớn nhất, nhưng cũng tối nhất, trong phòng bày không ít đồ linh tinh, càng thêm u ám.
Lương Thế Bách bật công tắc nhưng đèn không sáng, Đường Nghi Nhu nói: Công tắc hư rồi.
Bọn họ trở thành hai cái bóng ảm đạm trong phòng.
Trên giường không có gì ngoài một cái gối cũ mèm, rõ ràng đã lâu không có ai ngủ ở đây.
Tủ quần áo dựng sát tường, cũ tới mức xỉn mấy lớp màu, họa tiết hoa hồng cũng không còn nữa, mặt gương nứt vỡ, soi vào chỉ thấy kỳ quặc.
Lúc còn sống ở đây, Đường Nghi Nhu dán tờ giấy lên che gương lại, cô vừa đi, Đỗ Nhạn Lan lại gỡ ra.
Đường Nghi Nhu không nhìn gương, cô đứng bên cạnh Lương Thế Bách: Nhà này ở không được, chúng ta ra khách sạn đi anh.
Lương Thế Bách nhìn quanh một vòng rồi nói: Không sao, chúng ta ở phòng kế bên cũng được, khá sạch sẽ.
Cách vách là phòng ngủ của vợ chồng Đỗ Nhạn Lan, ánh sáng tốt hơn bên đây một chút.
Lúc trở về bà cũng sống ở đây, trong phòng đầy đủ tiện nghi.
Đường Nghi Nhu đi vào nhìn một chút, rất nhanh đã bước ra, anh hỏi cô thế nào, cô không đáp.
Rõ ràng, cô không muốn ở đây.
Vừa cũ vừa dột, anh ở có quen không? Cô giả vờ như đang nghĩ cho anh.
Ở mấy bữa thôi, cũng có quen hay không sao?
Lương Thế Bách dạt dào hứng thú đi tới đi lui trong căn phòng còn không lớn bằng sân nhà mình, giống như đang tìm kiếm điều gì mới lạ.
Anh hỏi: Sao trong phòng em có nhiều thùng các-tông vậy? Mấy thùng lớn cao đến nửa người, chất đầy sau tủ.
Trước kia nhặt bán kiếm tiền.
Cô hơi do dự: Hay là đêm nay chúng ta ở khách sạn đi, chỗ này bừa bộn lắm.
Cô đảo mắt nhìn xung quanh, trong phòng chỉ có một cái bàn, hai cái ghế cùng với bàn hồi tiểu học của cô, bây giờ nó được dùng làm kệ đỡ ti vi cũ.
Thế này thì làm sao ở được? Cô ngẩng đầu nhìn anh, ngữ điệu hơi cầu xin.
Lương Thế Bách nhìn cô, cười dịu dàng, anh đưa tay vuốt ve khuôn mặt cô, đành đồng ý đêm nay ra khách sạn.
Đường Nghi Nhu rúc đầu vào vòng tay anh, bỗng cảm thấy an toàn.
Anh lấy một cuốn album trong nhà, sau đó hai người đến khách sạn, cơm nước tắm rửa xong xuôi, bọn họ lên giường nằm.
Lương Thế Bách lật album, vừa xem vừa hỏi Đường Nghi Nhu.
Đây là cha em à? Anh chỉ vào một người thanh niên đứng cạnh Đỗ Nhạn Lan khi còn trẻ.
Đường Xuân Sinh lúc trẻ vô cùng anh tuấn, ông và Đỗ Nhạn Lan có thể xem như một đôi trời sinh.
20 tuổi ông kết hôn, 21 tuổi có Đường Nghi Nhu, sau đó, cuộc sống trôi qua rất êm đẹp.
Đường Nghi Nhu nhớ lại, lúc ấy, dường như cả căn nhà cũng sáng sủa hẳn.
Lương Thế Bách hỏi: Cha mẹ em quen nhau thế nào?
Mẹ em đi xem phim, tình cờ gặp được cha em.
Ông ta yêu bà từ cái nhìn đầu tiên.
Thật lãng mạn.
Lãng mạn sao? Đường Nghi Nhu nhìn ảnh chụp, trong bức ảnh, Đường Xuân Sinh khí phách hùng dũng, gặp được ông cũng là may mắn của Đỗ Nhạn Lan.
Sau khi kết hôn, mỗi cuối tuần, bọn họ đều đi xem phim, Đỗ Nhạn Lan mặc những bộ quần áo thời thượng nhất, tất cả mọi người đều nhìn theo bà.
Còn Đường Xuân Sinh, ông cam tâm tình nguyện đi bên cạnh làm nền cho bà.
Khi ấy, không một người phụ nữ nào không ghen tị với Đỗ Nhạn Lan.
Nhưng rốt cuộc, kết cục của câu chuyện xưa lãng mạn thế nào?
Lương Thế Bách hỏi: Vì sao cha em qua đời?
Ông ta say rượu vào mùa đông, chết cóng ngoài hiên nhà.
Mùa đông ở quê Đường Nghi Nhu cực kỳ buốt giá, mỗi năm đều có người say rượu ngủ quên chết ngoài đường.
Lúc được người khác phát hiện ra, bọn họ trần truồng, mang theo nụ cười mãn nguyện chết đi.
Người chết cóng sẽ không thấy lạnh.
Anh nói.
Đường Nghi Nhu không cho rằng anh đang an ủi cô, anh nói, chỉ vì đó là điều anh biết.
Cô cười: Có vẻ là một cái chết nhẹ nhàng.
Cô nhìn vào ảnh chụp: Ông ta dường như chưa từng chịu khổ.
Đường Nghi Nhu nhớ lại buổi sáng hôm đó, cô mở cửa ra, Đường Xuân Sinh dựa người vào tường, đầu ngoẻo lên vai, áo đã cởi ra hết, quần cũng cởi một nửa.
Cô bước qua nhìn ông, quả thật, ông đang mỉm cười.
Thời điểm Đường Xuân Sinh chết, Đường Nghi Nhu mới lên cấp III.
Sau khi tốt nghiệp cấp III, cô ra ngoài làm thuê, đi làm hai năm thì gặp Lương Thế Bách.
Từ đó, vận may của cô mới bắt đầu.
Lương Thế Bách đặt cuốn album lên bàn, duỗi tay tắt đèn, Đường Nghi Nhu nằm bên cạnh anh, hơi thở nhẹ đến mức gần như không nghe thấy.
Cô sờ soạng, nắm lấy bàn tay anh, anh cũng nắm lại.
Cô xoay người lại đối mặt với Lương Thế Bách, ánh sáng ngoài cửa sổ hắt lên khuôn mặt anh, là anh, mà cũng không phải anh.
Đường Nghi Nhu chui vào lồng ngực anh, kéo tay anh ra sau lưng mình, vờ như đang được anh ôm chặt.
Lương thế Bách dịu dàng hỏi: Sao vậy? Em sợ à?
Đường Nghi Nhu đáp một tiếng, hai mắt nhắm nghiền, run khẽ ôm anh thật chặt.
Trên người anh không có mùi hương gì.
Càng ở bên anh, cô càng sợ hãi, nhưng giờ phút này, ngoài anh ra, chẳng một ai ở bên cạnh cô.
Cô gục đầu lên vai anh, thì thầm kể chuyện.
Cô nói càng nhiều, dường như, cơ thể anh càng ấm áp và đáng tin cậy hơn.
Cha em từng là công nhân, làm việc trong xí nghiệp lớn nhất nơi này.
Đôi tay ông rất khéo léo, ông biết sửa đồ điện, sửa xe đạp, trong nhà hư cái gì cũng không cần đem ra tiệm sửa.
Ông nấu cơm rất ngon, còn biết đàn ghi-ta, biết hát, buổi tối, ông sẽ dỗ em ngủ.
Khi còn nhỏ em thích cha hơn mẹ, bởi vì cha cái gì cũng biết, còn mẹ chỉ biết soi gương trang điểm.
Đường Xuân Sinh dùng đôi tay khéo léo ấy xây dựng nên gia đình, rồi có một ngày, ông dùng chính đôi tay ấy hủy hoại gia đình này.
Đôi tay Đường Xuân Sinh đánh người thật đau, ông tát một cái lên mặt Đỗ Nhạn Lan, mặt bà trắng bệch hơn cả khi đánh phấn, máu chảy từ khóe miệng như vết son lem.
Không biết sau bao nhiêu cái tát, bà há miệng phun máu, trong bãi nước đỏ lòm kia còn lẫn một cái răng.
Đến bây giờ Đường Nghi Nhu vẫn chưa thể quên được hình ảnh đó.
Đỗ Nhạn Lan xong thì tới lượt cô.
Lần đầu tiên bị đánh, cô mới cao hơn bàn ăn cơm một chút.
Đường Xuân Sinh tát lên mặt cô như Đỗ Nhạn Lan, nhưng nhẹ hơn, cô bị tát văng xuống sàn.
Tát chán rồi, ông ta kiếm được thú vui mới, ông xách cả người cô lên, ném xuống đất như ném một cái ghế.
Lần đầu tiên đánh vợ con, Đường Xuân Sinh quỳ xuống trước mặt Đỗ Nhạn Lan xin lỗi, tay ôm Đường Nghi Nhu còn đang khóc ròng, ông mua kẹo về dỗ cô.
Khi đó, cô và Đỗ Nhạn Lan vẫn còn tin rằng ông chỉ vì không chấp nhận được chuyện mất việc, uống say, thần trí không thanh tỉnh, sau này sẽ không như vậy nữa.
Nhưng rồi lần hai, lần ba, cho đến lần cuối cùng, ông dường như vẫn chưa tỉnh lại.
Không còn ai nhớ bộ dạng khi ông tỉnh táo là thế nào nữa, ông uống rượu mọi lúc, uống xong thì đánh vợ đánh con, đánh xong thì đi ngủ, ngủ dậy tiếp tục uống rượu.
Ba người Đường gia cứ sống hoài những ngày tháng như vậy.
Ông ta đánh em, ban đầu em khóc, nhưng sau đó không khóc nữa, ông ta càng đánh hăng hơn.
Mẹ em lần nào cũng khóc, vừa khóc vừa kêu la, bà muốn ai đó tới cứu.
Nhưng em biết, sẽ không một ai tới.
Em biết không ai tới, cũng không cần bọn họ cứu em.
Hởi thở của Đường Nghi Nhu phả lên cổ anh, ướt lạnh như cơn mưa len lỏi vào da thịt anh.
Bởi vì em sẽ tự cứu chính mình.
Lương Thế Bách mở mắt nhìn đèn trên trần nhà.
Đường Nghi Nhu cười, anh cảm nhận được.
Phải, em tự cứu lấy mình.
Em đánh không lại ông ta, nhưng em có thể cào ông chảy máu.
Em nói, ngày ông ta đánh chết em, em sẽ kéo ông ta chết cùng.
Mẹ bảo em quỳ xuống van xin ông, em không chịu, em còn mắng chửi.
Chửi ông ta, chửi cả nhà ông ta, chửi Đường gia không có ai tốt, người họ Đường nên tuyệt tử hết đi.
Ông ta điên lên, hôm đó, suýt chút nữa đánh chết em.
Tất cả mọi người đều biết chuyện gì đang xảy ra trong nhà Đường Nghi Nhu, nhưng tất cả đều khuyên bọn họ nhịn một chút, nhịn thêm một chút là được, Đường Xuân Sinh già rồi, sẽ không còn sức đánh nữa.
Đỗ Nhạn Lan nói: Con đừng chọc tức ông ấy nữa, ông ấy đánh chết con thì thế nào bây giờ?!
Đường Nghi Nhu cũng thường nghĩ, nếu ông ta đánh chết cô thì sẽ thế nào? Ông là cha cô, ông sẽ ngồi tù ư? Có lẽ là không, Đỗ Nhạn Lan sẽ tiếp tục sống với ông, bị ông đánh, không ai cứu bà, sẽ có một ngày bà bị đánh chết.
Nhưng cuối cùng, người chết là Đường Xuân Sinh.
Thời điểm ông ta chết, Đỗ Nhạn Lan còn rất thương tâm.
Bà cho rằng mình được giải thoát, nhưng bà vẫn vô cùng đau buồn, bà quên hết những tiếng kêu la tuyệt vọng khi bị ông đánh.
Dường như nụ cười khi chết của ông đã đánh thức gì đó trong lòng bà.
Đường Nghi Nhu chỉ cảm thấy bị phản bội, cho nên cô đâm ra hận Đỗ Nhạn Lan.
Cô chịu không nổi ngữ khí mỗi khi bà nhắc tới Đường Xuân Sinh, đó cũng là lý do thứ nhất cô rời khỏi nhà.
Lúc ông ta chết, em rất vui.
Không cần phải run sợ khi nghe tiếng bước chân nữa, không cần phải mang bộ mặt sưng tấy đi học nữa.
Ngày đưa tang, mọi người muốn em ôm di ảnh ông ta khóc, em không chịu, chú của em tát một cái, em mới khóc.
Thật ra bạt tai đó không đau chút nào.
Cô như đang suy tư điều gì.
Vậy sao lại khóc?
Ủy khuất, giống như cảm giác khi thấy mẹ bị đánh nhưng em không thể làm được gì.
Lương Thế Bách trở người, Đường Nghi Nhu giống như một cây dây leo bám lấy anh, quấn quýt si mê, hơi thở quyện lẫn nhau.
Bàn tay anh đặt sau lưng cô, khẽ vồ về, cô bắt lấy tay anh, áp lên ngực mình.
Trái tim đập khẽ dưới bàn tay anh chính là cô, là tất cả của cô.
Có vị tanh ngọt tràn trong khoang miệng Lương Thế Bách, anh cảm nhận được sự rung động, phập phồng của cô.
Anh còn cảm thấy em đặc biệt không? Đường Nghi Nhu hỏi anh.
Lương Thế Bách lên tiếng, chính anh cũng không rõ mình đã đáp câu gì, cô cũng không nghe rõ.
Nhưng cô không hỏi lại, cô không cần đáp án.
Đường Nghi Nhu dựa sát vào người anh, tựa như sợ anh né tránh.
Lương Thế Bách nhẹ nhàng vỗ lưng cô, trên mặt không cảm xúc, ánh sáng lướt vội qua khuôn mặt anh, sau đó, chìm đắm vào màn đêm.