1984 (Nineteen Eighty-Four)

Ngôn Mới là ngôn ngữ chính thức của Đại Dương, đã được sáng chế để đáp ứng nhu cầu ý hệ Anh Xã hay Chủ Nghĩa Xã Hội Anh. Năm 1984 chưa có ai dùng Ngôn Mới làm dụng cụ thông tin độc nhất, dù là trong bài diễn thuyết hay bài văn. Những bài xã luận trong Thời Báo được viết bằng Ngôn Mới, nhưng đó là một công cuộc phi thường chỉ chuyên viên mới thực hiện nổi. Ngôn Mới được mong sẽ tận cùng thay thế Ngôn Cũ (hay Anh Ngữ thông dụng, như đáng nhẽ phải gọi nó) vào khoảng 2050. Trong khi chờ đợi nó kiên trì tiến bước, các Đảng viên càng ngày càng có khuynh hướng dùng các từ và lối kết cấu ngữ pháp Ngôn Mới trong lời nói hàng ngày của họ. Ngôn thể được dùng năm 1984 và được gồm trong Từ Điển Ngôn Mới Bản Thứ Chín và Thứ Mười, là một thể tạm thời, chứa đựng nhiều từ thừa và dạng cổ hủ sẽ bị gạt bỏ sau này. Nơi đây chúng ta bàn về thể hoàn hảo, cuối cùng, gồm trong bộ Từ Điển Bản Thứ Mười Một.

Mục đích của Ngôn Mới không những là cung cấp một phương tiện biểu lộ nhân sinh quan và tập quán tinh thần riêng của tín đồ Anh Xã, mà còn là khiến những lối tư tưởng khác không thể có được. Mục tiêu là khi Ngôn Mới được dứt khoát chấp nhận và Ngôn Cũ bị quên lãng, tư tưởng dị giáo — tức tư tưởng khác nguyên lý Anh Xã — sẽ không thể được nghĩ thành chữ, ít nhất trong chừng mực ý nghĩ lệ thuộc chữ. Ngữ vựng của Ngôn Mới được đặt cốt sao diễn tả đích xác và nhiều khi một cách rất tế nhị mọi ý tưởng một Đảng viên có thể muốn tỏ bày đúng, đồng thời khai trừ mọi ý nghĩa khác cũng như khả năng đạt tới những ý nghĩa đó nhờ một số phương sách gián tiếp. Điều ấy được thực hiện một phần nhờ sự sáng chế ra từ mới, nhưng đặc biệt nhờ sự loại trừ những từ không muốn dung nạp, cùng sự gạt bỏ khỏi những từ còn lại các ý nghĩa không chính thống và bất cứ nghĩa phụ nào, xa chừng nào đi nữa. Chỉ một thí dụ. Từ tự do sẽ được giữ trong Ngôn Mới nhưng nó chỉ sẽ được dùng trong những câu như "Con chó này tự do không có rận", "Cánh đồng này tự do không có cỏ dại" . Nó không thể được dùng theo nghĩa "tự do chính trị" hay "tự do tinh thần" như cũ vì sự tự do chính trị hay tinh thần không còn nữa, dù dưới hình thức khái niệm, và bởi vậy tất nhiên không được nêu tên. Ngoài hẳn sự hủy bỏ những từ thực dị giáo, sự thu gọn từ vựng được coi như một cứu cánh, và không một từ nào có thể miễn được có phép tồn tại. Ngôn Mới được soạn cốt không phải để mở rộng, mà để giảm bớt tầm tư tưởng, và mục đích này được trợ giúp gián tiếp bởi sự cắt xén số từ tới mức tối thiểu.

Ngôn Mới dựa trên Anh ngữ như chúng ta hiện biết, mặc dầu nhiều câu Ngôn Mới, tuy không chứa đựng từ mới sáng chế, chắc khó hiểu đối với một người nói tiếng Anh ngày nay. Từ Ngôn Mới được chia ra làm ba hạng khác biệt, gọi là từ vựng A, từ vựng B (cũng có tên là từ kép) và từ vựng C. Giản dị hơn là bàn riêng về mỗi hạng, song các đặc điểm ngữ pháp của Ngôn Mới có thể được nêu cả trong phần dành cho từ vựng A, vì cả ba hạng cùng chung quy tắc.

Từ vựng A. Từ vựng A bao gồm những từ cần thiết cho công việc hàng ngày — như ăn uống, làm việc, mặc quần áo, lên xuống cầu thang, đi xe, làm vườn, thổi nấu, đại loại. Nó gần như hoàn toàn gồm những từ sẵn có — kiểu như đá, chạy, chó, cây, đường, nhà, ruộng — nhưng so với từ vựng Anh ngữ ngày nay số từ ấy rất ít, trong khi ý nghĩa của chúng được xác định khắt khe hơn nhiều. Mọi nghĩa nước đôi và mọi nghĩa cạnh đều bị tiễu trừ. Trong chừng mực thực hiện như thế nổi, mỗi từ Ngôn Mới thuộc hạng A chỉ được là một âm ngắt diễn tả có một khái niệm rõ ràng. Hoàn toàn không thể dùng từ vựng A với chủ định làm văn chương hay để bàn cãi về chính trị hoặc triết lý. Nó chỉ cốt diễn tả những tư tưởng hữu ý đơn giản, thường bao hàm đồ vật cụ thể hay hành động thể xác.

Ngữ pháp Ngôn Mới có hai đặc điểm quan trọng. Thứ nhất là tính gần như hoàn toàn đổi lẫn giữa những phần câu khác nhau. Bất cứ từ nào trong ngôn ngữ (trên nguyên tắc điều này áp dụng cho cả những từ rất trừu tượng như nếu hay khi) cũng có thể được dùng hoặc làm động từ, danh từ, tĩnh tự hay phó từ. Giữa hình thể động từ hay danh từ không có sự khác biệt nào nếu hai từ cùng gốc, và quy tắc này bao hàm sự hủy bỏ nhiều hình thể cổ xưa. Ví dụ, từ ý nghĩ không có trong Ngôn Mới. Nó được thay thế bởi ý được dùng làm danh từ lẫn động từ. Nguyên lý từ nguyên không được áp dụng nơi đây: có khi danh từ gốc được chọn, có lúc động từ được giữ. Ngay trong trường hợp danh từ và động từ có nghĩa tương tự nhưng không có liên hệ gốc gác với nhau, một trong hai từ thường bị trừ khử. Thí dụ không còn chữ tựa như cắt, nghĩa của nó được bao trùm đủ trong động danh từ dao. Tĩnh từ được cấu tạo nhờ gắn tiền tố đầy vào động danh từ, và phụ từ nhờ gắn tiền tố cách. Ví như đầy tốc có nghĩa là "nhanh", và cách tốc có nghĩa là "một cách nhanh chóng". Một số tĩnh từ ngày nay như tốt, to, lớn, đen, mềm được giữ lại nhưng tổng số từ được giữ như vậy rất ít. Chúng không mấy cần thiết, vì hầu hết tính ý có thể thấu đạt nhờ thêm đầy vào động danh từ. Không có phụ từ hiện có nào được giữ trừ một số rất ít đã có thêm sẵn chữ cách: tiền tố cách không thay đổi. Thí dụ, chữ giỏi được thay bằng cách tốt.

Lại nữa, bất cứ từ gì — điều này trên nguyên tắc áp dụng cho mọi từ thuộc Ngôn Mới — cũng có thể bị phủ định nhờ thêm tiền tố không hay được tăng cường nhờ gắn tiếp tố hơn, hay tiếp tố bội hơn nếu muốn nhấn mạnh hơn nữa. Cho nên tỷ dụ không lạnh có nghĩa là "ấm", trong khi lạnh hơn và lạnh bội hơn có nghĩa tương ứng là "rất lạnh" và "hết sức lạnh". Cũng có thể, như trong Anh ngữ ngày nay, đổi nghĩa của hầu hết từ nhờ các phụ tố như trước, sau, trên, dưới, v.v. Với những phương pháp trên thấy rõ có thể đi đến một sự giảm bớt lớn lao từ vựng. Thí dụ từ tốt đã có, thì từ xấu không còn cần thiết, bởi ý nghĩa của nó có thể được diễn tả đúng chẳng kém — còn hay hơn nữa — bởi không tốt. Điều cần thiết là mỗi khi có hai từ họp thành một cặp đối lập nhau phải quyết định nên bỏ từ nào. Ví như tối có thể được thay bởi không sáng và sáng bằng không tối tùy sớ thích.

Đặc điểm đáng kể thứ hai của pháp ngữ Ngôn Mới là tính đều đặn của nó. Trừ một vài ngoại lệ được kê ở dưới, mọi biến tố đều theo cùng quy tắc. Cho nên mọi thời quá khứ đều được chỉ bởi tiền tố đã. Như quá khứ của ý là đã ý, các dạng khác như vốn, vừa, từng, vv. đều bị loại bỏ. Mọi số nhiều được biểu hiệu bởi tiền tố chúng. Như số nhiều của người là chúng người. Các dạng khác như các, những, mọi, vv. đều bị khai trừ. Các tĩnh từ so sánh đều được ghép với hơn, nhất, những dạng khác như trội, gấp, vượt, bị loại cả.

Những loại từ độc nhất còn được phép đổi dạng không đúng qui củ là đại từ, đại từ quan hệ, tĩnh từ chỉ định, và trợ động từ. Các loại từ này theo quy tắc cũ, trừ từ mà bị gạt đi vì không cần thiết, và những từ sẽ phải, chắc sẽ bị loại trừ vì mọi ý tương lai đã được bao gồm dưới từ sẽ. Cũng có vài chỗ trái phép trong sự cấu tạo từ ngữ xuất phát từ sự cần nói cho nhanh cho dễ. Từ nào khó phát âm hay có thể bị hiểu nhầm, bị coi tức thì là từ dở: thành thử thỉnh thoảng, viện cớ hài âm, có chữ thừa được lồng vào một từ hay có một hình thái cổ được lưu giữ. Nhưng nhu cầu ấy thể hiện rõ hơn trong quan hệ của nó với ngữ vựng B. Tại sao lại quy cho sự phát âm dễ dàng một tầm quan trọng lớn như vậy, điều đó sẽ được giải thích sau trong tiểu luận này.

Từ vựng B. Từ vựng B bao gồm những từ được định đặt với ý đồ chính trị, tức không những các từ liên can đến chính trị mà cả các từ nhằm áp đặt trạng thái tinh thần mong muốn trên kẻ sử dụng chúng. Nếu không am hiểu các nguyên lý của Anh Xã, khó sử dụng đúng những từ này. Đôi khi những từ này có thể được dịch ra Ngôn Cũ hay cả ra từ thuộc ngữ vựng A, nhưng nếu làm vậy thường phải dài dòng và luôn luôn bỏ mất vài sắc thái. Từ B là một thứ lời tốc ký, hay tóm cả loạt ý vào vài âm tiết, đồng thời lại chính xác và có sức thuyết phục hơn ngôn ngữ bình thường.

Từ B bao giờ cũng là từ kép . Nó gồm hai ba từ, hay phần từ, gắn lại với nhau dưới một hình thức dễ đọc. Kết quả của sự tập hợp luôn luôn là một động danh từ, biến cách theo quy tắc thông thường. Chỉ lấy một ví dụ: từ ý tốt có nghĩa rất đại khái là "chính thống", hay là "nghĩ một cách chính thống" nếu muốn coi nó là một động từ. Biến cách của nó như sau: động danh từ, ý tốt; thời quá khứ và động tính từ quá khứ, đã ý tốt; động tính từ hiện tại, đang ý tốt; tĩnh từ, đầy ý tốt; phó từ, cách ý tốt; danh từ động, kẻ ý tốt.

Từ B không được kết cấu trên bình diện từ nguyên nào. Những từ cấu tạo ra nó có thể là bất cứ phần chữ nào, có thể được đặt theo bất cứ thứ tự nào, và có thể bị cắt xén theo mọi cách khiến nó được đọc dễ dàng cùng biểu thị căn nguyên của nó. Ví như trong từ tội ý (tội tư tưởng), chữ ý đi sau, nhưng nó đi trước trong từ ý đôi; và chữ cảnh sát mất đi một âm tiết trong từ cảnh ý (cảnh sát tư tưởng). Vì rất khó duy trì hài âm, thường có nhiều hình thái không đúng quy tắc trong ngữ vựng B hơn trong ngữ vựng A. Tỷ dụ, dạng tĩnh từ của Bộ Thật, Bộ Bình, Bộ Yêu đâm là của Bộ Thật, của Bộ Bình, của Bộ Yêu, chỉ vì đầy Bộ Thật, đầy Bộ Bình, đầy Bộ Yêu nghe hơi kỳ. Tuy nhiên, trên nguyên tắc, mọi từ B có thể biến cách, và đều biến cách một kiểu.

Có vài từ B có nghĩa rất tế nhị, thật khó hiểu đối với ai không thấu toàn diện ngôn ngữ. Hãy lấy làm thí dụ một câu điển hình trích trong một bài xã luận của Thời Báo như Kẻ ý cũ không bụng cảm Anh Xã . Được phiên dịch gọn nhất ra Ngôn Cũ nó sẽ thành: "Những kẻ ấp ủ tư tưởng thành hình trước Cách Mạng không thể cảm biết nguyên lý của Xã Hội Chủ Nghĩa Anh." Nhưng phiên dịch như vậy không đúng hẳn. Thứ nhất, muốn nắm trọn ý nghĩa của câu văn Ngôn Mới trích trên, phải có ý niệm rõ ràng về Anh Xã. Thêm vào, chỉ một người thật thông Anh Xã mới đánh giá được trọn vẹn mãnh lực của từ bụng cảm, một từ bao hàm một sự chấp nhận nhiệt thành khó tưởng tượng được ra ngày nay; hay hiệu lực của từ ý cũ, một từ trộn lẫn rối rắm với ý tưởng ác độc và suy đồi. Nhưng chức năng đặc biệt của vài từ Ngôn Mới trong đó có ý cũ không phải là tỏ nghĩa mà là loại nghĩa. Những từ ấy, tất nhiên không nhiều, có nghĩa rộng đến nỗi chứa đựng bên trong cả tràng từ nay, vì được bao trùm đủ ý dưới có một từ tổng quát, có thể bị gạt bỏ và quên lãng. Nỗi khó khăn lớn nhất mà nhà soạn thảo Từ Điển Ngôn Mới phải đương đầu với không phải là sáng tạo thêm từ mới, mà là làm sao nắm chắc được ý nghĩa của nó sau khi chế ra nó; tức là làm sao nắm chắc được số từ nó xóa bỏ đi bởi sự hiện hữu của nó.

Như chúng ta đã thấy trong trường hợp từ tự do, những từ đã từng có ý nghĩa dị giáo có khi được giữ lại vì tính cách tiện lợi của nó, nhưng sau khi các ý nghĩa bất khả dung đã bị tẩy trừ. Vô số từ khác như danh dự, công lý, đạo đức, quốc tế chủ nghĩa, dân chủ, khoa học, đạo giáo đơn thuần biến mất. Vài từ trùm gồm những từ ấy lại, và loại những từ ấy đi nhờ sự thâu tóm đó. Thí dụ, các từ tập quanh khái niệm tự do công bằng được khép trong mỗi một từ tội ý, trong khi các từ tập quanh khái niệm khách quan và duy lý được chứa trong mỗi từ ý cũ. Chính xác hơn sẽ nguy hiểm. Điều đòi hỏi nơi Đảng viên là một quan điểm giống như lối nhìn của người Do Thái xưa biết rằng, và không biết gì khác hơn, các dân tộc khác họ thờ "hư thần". Họ không cần biết những vị thần đó có tên là Baal, Osiris, Moloch, Ashtaroth hay gì khác; có lẽ họ càng biết ít, càng tốt cho lòng chính thống của họ. Họ biết Jehovah và những giáo điều của Jehovah: cho nên họ biết các thần có tên khác và thuộc tính khác đều là "hư thần". Có thể nói là tương tự như vậy, Đảng viên biết thế nào là cư xử đúng, và biết một cách hết sức mơ hồ, tổng quát, có thể trệch bước tới đâu. Ví dụ, đời sống sinh dục của họ hoàn toàn khuôn theo hai từ Ngôn Mới tội dục (sinh dục vô luân)) và dục tốt (trinh tiết). Tội dục gồm mọi hành vi xấu xa về sinh dục. Nó bao trùm sự thông dâm, ngoại tình, đồng tính luyến ái, cùng các trò dâm dục đồi bại khác, cộng thêm sự giao cấu bình thường nhằm mục đích giao cấu mà thôi. Không cần kể từng hành vi một, vì hành vi nào cũng đáng tội như nhau, và trên nguyên tắc tội nào cũng khiến tội phạm bị xử tử. Trong ngữ vựng C gồm các từ khoa học kỹ thuật, có thể cần nêu danh vài hành vi loạn dâm, nhưng thường dân không cần đến những từ ấy. Người dân thường biết thế nào là dục tốt — tức sự giao cấu bình thường giữa vợ chồng, với mục đích duy nhất là sinh con, người đàn bà không được cảm thấy thú nhục dục trong đó: mọi trò sinh dục khác thuộc tội dục. Với Ngôn Mới khó theo đuổi được một tư tưởng dị giáo quá khái niệm đó là tư tưởng dị giáo: xa hơn điểm này không có danh từ cần thiết.

Không một từ nào trong ngữ vựng B trung tính về mặt tư tưởng hệ. Nhiều từ là uyển ngữ. Ví dụ, có từ như trại vui (trại khổ sai) hay Bộ Bình (Bộ Hòa Bình, tức Bộ Chiến Tranh) có nghĩa gần như trái hẳn ý biểu lộ. Mặt khác, có từ bày tỏ một sự am hiểu miệt thị bản chất xã hội Đại Dương. Một thí dụ là từ dưỡng dân, chỉ cái trò giải trí đê tiện và những tin tức giả mạo mà Đảng ban cho quần chúng. Lại có những từ nước đôi, có nghĩa "tốt" khi đem áp dụng cho Đảng và nghĩa "xấu" khi mang gắn cho quân thù của Đảng. Nhưng thêm vào có rất nhiều từ thoạt coi chỉ là chữ tắt, có sắc thái ý hệ không phải do nghĩa mà do lối kết cấu.

Bất cứ ý tưởng gì có tính cách chính trị đều được cố sức ghép thành từ thuộc ngữ vựng B. Tên của các tổ chức, đoàn thể, học thuyết, xứ sở, thể chế, hay công thự luôn luôn bị cắt xén tới dạng bình dị; tức thành có một từ dễ đọc với thật ít âm song vẫn giữ được nguyên nghĩa. Ví như tại Bộ Sự Thật, Cục Văn Khố, nơi Winston làm việc, được gọi là Cục Khố, Cục Soạn Truyện được gọi là Cục Truyện, Cục Chương Trình Vô Tuyến Truyền Hình là Cục Trình Hình v.v... Phép thâu tắt này không chỉ nhằm mục đích tiết kiệm thì giờ. Ngay thời các thập niên đầu thế kỷ hai mươi, từ và câu lồng vào nhau đã là đặc điểm của ngôn ngữ chính trị; và người ta đã để ý thấy rằng khuynh hướng dùng tiếng vắn tắt kiểu đó nổi bật nhất tại các nước và tổ chức cực quyền. Điển hình là những từ ngữ như Nazi (Quốc Xã), Gestapo (Kiểm Cảnh), Comintern (Cộng Sản Quốc Tế), Inprecorr (Liên Lạc Viên Tiền Phong Quốc Tế ?), Agitprop (Khuấy Động Tuyên Truyền). Thoạt đầu lối ghép chữ này được chấp nhận làm như một cách tự nhiên, nhưng trong Ngôn Mới nó được áp dụng với một mục tiêu có chủ ý. Có sự nhận thức thấy rằng mỗi khi một từ bị rút ngắn, đồng thời nghĩa của nó bị thâu hẹp và biến đổi một cách tinh tế, vì mất đi đa số liên tưởng đáng nhẽ bám vào nó. Tỷ như các từ Cộng Sản Quốc Tế khêu gợi hình ảnh hỗn hợp của tình nhân loại, cờ đỏ, vật cản đường, Các Mác, Công Xã Ba Lê. Mặt khác, từ Cộng Tế (Comintern) chỉ gợi ý một tổ chức chặt chẽ và một bộ học thuyết xác định. Nó nhắc tới một thứ gần như cũng dễ nhận và cũng có nghĩa hạn định như một cái bàn hoặc cái ghế. Cộng Tế là một từ có thể được thốt ra không cần suy nghĩ, trong khi Cộng Sản Quốc Tế là một thành ngữ bắt người ta lần lữa ít nhất đôi chút. Cũng vậy, những liên tưởng được khích động bởi một từ như Bộ Thật ít hơn và dễ kiểm soát hơn những liên tưởng đi đôi với Bộ Sự Thật. Sự kiện này bảo đảm không những cho thói vắn tắt mỗi khi có dịp, mà cả cho tật chăm sóc hầu như quá đáng sự dễ phát âm của mỗi từ. Trong Ngôn Mới, ngoài câu thúc đúng nghĩa, luật hài âm thắng mọi quan điểm khác. Qui tắc văn phạm luôn luôn bị hy sinh cho nó nếu cần. Và thế là phải, bởi nhu cầu, trước hết vì mục tiêu chính trị, là những từ vắn tắt, có ý nghĩa rõ ràng, có thể được phát âm nhanh, lại gợi tối thiểu tiếng vang trong óc kẻ thốt ra chúng. Các từ thuộc ngữ vựng B còn thêm hiệu lực nhờ sự hầu hết chúng tương tự nhau. Gần như luôn luôn những từ ấy — ý tốt, Bộ Bình, dưỡng dân, tội dục, trại vui, Anh Xã, bụng cảm, cảnh ý và vô số từ khác — gồm hai hoặc ba âm, với sự nhấn mạnh chia đều giữa âm đầu và âm cuối. Sự sử dụng những từ này khuyến khích lối diễn văn hiếu thắng, tẻ ngắt, ngay đầu đã giật giọng. Và đấy đúng là đích nhắm. Dụng ý là khiến lời văn, nhất là văn bàn về một vấn đề hơi không trung tính trên phương diện ý hệ, hết sức tách rời khỏi tâm thức. Dĩ nhiên, trong đời sống hàng ngày bắt buộc hay thỉnh thoảng bắt buộc phải suy nghĩ trước khi nói, nhưng một Đảng viên được yêu cầu phán đoán về luân lý hay chính trị phải có khả năng tuôn ra quan điểm đúng đắn một cách tự động chẳng kém gì súng liên thanh xả đạn. Sự rèn luyện khiến họ thích ứng với việc làm này, ngôn ngữ cấp cho họ một dụng cụ gần như vượt mọi thử thách, và sự kết cấu của các từ, với âm thanh chát chói và cái bề thô sơ cố ý thích hợp với tinh thần Anh Xã, giúp cho quá trình diễn tiến xa hơn.

Đấy là hậu quả của sự có rất ít từ để chọn lựa. So với ngôn ngữ của chúng ta, ngữ vựng Ngôn Mới eo hẹp, và luôn luôn có sự tìm kiếm phương cách mới nhằm thu gọn nó lại. Quả vậy, Ngôn Mới khác các ngôn ngữ khác ở cái mỗi năm từ vựng của nó bị thu hẹp lại thay vì được nới rộng ra. Mỗi sự giảm sút là một vụ lợi, vì tầm chọn lựa càng hẹp, lòng rắp rem suy nghĩ càng mòn. Chót cùng là hy vọng khiến cho sự cấu âm phát sinh từ cổ họng, không cần dính líu đến các khu thần kinh cao cả. Mục tiêu này được thành thực thừa nhận trong từ Ngôn Mới nói vịt có nghĩa là "nói quặc quặc như vịt". Như nhiều từ khác trong ngữ vựng B, nói vịt có tính đôi chiều về ý nghĩa. Miễn quan điểm được quặc ra là quan điểm chính thống, từ đó không bao hàm gì hơn ý khen ngợi, và khi Thời Báo nhắc tới một diễn giả thuộc Đảng như một kẻ nói vịt tốt bội hơn, đó là báo có ý ban một lời khen đáng giá, nồng nhiệt.

Từ vựng C. Từ vựng C bổ sung hai từ vựng trên và toàn gồm các từ khoa học kỹ thuật. Loại từ này giống như các từ khoa học hiện dụng, và được cấu tạo trên căn bản tương tự, song như thường lệ việc định nghĩa khắt khe và việc loại trừ những ý nghĩa bất hảo rất được chăm sóc. Chúng theo cùng qui tắc với các từ thuộc hai từ vựng kia. Rất ít từ C được thông dụng trong văn hàng ngày hay văn chính trị. Nhân viên khoa học kỹ thuật nào cũng có thể tra các từ cần đến trong bảng mục lục dành riêng cho ngành của mình, nhưng hiếm khi được biết hơn chút khái niệm về những từ ghi trong các bảng khác. Chỉ có rất ít từ chung cho toàn thể các mục lục, và không có ngữ vựng biểu lộ năng chức của khoa học như một tập quán tinh thần, hay một phương pháp suy tưởng, không lệ thuộc riêng ngành nào. Vả lại, không có từ chỉ "Khoa học", mọi nghĩa có thể được nó đội đã do từ Anh Xã bao trùm đủ rồi.

Chiếu theo trên, ta thấy rằng trong Ngôn Mới, sự phát biểu quan điểm bất chính thống, quá một mức rất thấp, gần như không thể có được. Dĩ nhiên, có thể thốt ra một loại tà ngôn thật tục, một loại lời báng bổ. Ví như có thể bảo rằng Bác không tốt. Nhưng câu này, vào tai kẻ chính thống chỉ đượm tính phi lý hiển nhiên, không thể được dựa trên luận cứ nào, vì không sẵn có từ cần thiết. Những ý tưởng nghịch với Anh Xã chỉ có thể được nuôi dưỡng dưới một hình thức mơ hồ không tên, và chỉ có thể được nêu lên bằng những từ rất tổng quát kết khối với nhau nên nhờ đó không cần định nghĩa mà bít bí được hàng nhóm tà thuyết. Thực ra, chỉ có thể dùng Ngôn Mới nhằm mục tiêu bất chính thống bằng cách dịch lại một cách bất hợp pháp vài từ sang Ngôn Cũ. Ví dụ, Mọi người đều bằng nhau có thể là một câu Ngôn Mới, nhưng chỉ tựa như Mọi người đều tóc hung có thể là một câu Ngôn Cũ. Nó không sai văn phạm, nhưng diễn tả một sự sai ngoa dễ thấy — làm như nó cho rằng mọi người ai cũng bằng bề nhau, bằng cân nhau, bằng sức nhau. Khái niệm bình đẳng chính trị không còn nữa, cho nên nghĩa phụ này đã bị khử trừ khỏi từ bằng nhau. Năm 1984, khi Ngôn Cũ còn là phương tiện truyền thông bình thường, trên lý thuyết có mối nguy kẻ dùng từ Ngôn Mới có thể nhớ lại nguyên nghĩa của chúng. Trên thực tế, bất cứ ai vững ý đôi cũng tránh được chuyện đó, vả lại sau hai thế hệ ngay cái khả năng nhầm lẫn kia cũng sẽ biến mất. Một người sinh trưởng với Ngôn Mới làm ngôn ngữ độc nhất sẽ không còn biết rằng bằng nhau có thời có nghĩa phụ là "bằng nhau về mặt chính trị", hay biết rằng tự do có thời nghĩa là "tự do về mặt tinh thần", chẳng khác gì một người chưa từng nghe nói tới cờ sẽ không hiểu được nghĩa phụ của tướng và xe. Sẽ có nhiều trọng tội và điều sai lầm vượt khả năng phạm phải của họ, chỉ vì chúng không có tên và bởi vậy không thể tưởng tượng ra được. Và phải dự kiến rằng với thời gian các đặc tính của Ngôn Mới sẽ càng ngày càng hiển hiện — số từ ít dần, nghĩa của các từ thêm ngặt, khả năng dùng từ một cách không thích đáng mãi mãi suy giảm.

Một khi Ngôn Cũ bị thay thế hẳn, mối liên lạc cuối cùng với quá khứ sẽ bị cắt đứt. Lịch sử đã bị viết lại, nhưng nhiều mẩu văn chương thuộc quá khứ còn tồn tại đâu đó, không bị kiểm duyệt hết, và còn có người giữ được một chút hiểu biết về Ngôn Cũ, những mẩu đó còn có thể được đọc. Nay mai, dù những mẩu đó có cơ tồn tại, không ai hiểu nổi hay dịch nổi chúng. Không thể dịch được một đoạn Ngôn Cũ sang Ngôn Mới trừ phi nó liên quan đến một quá trình kỹ thuật hay một hành động hàng ngày thật đơn giản, hoặc nó đã sẵn có khuynh hướng chính thống (từ Ngôn Mới sẽ là đầy ý tốt). Trên thực tế như vậy là không có sách nào viết trước khoảng 1960 có thể được dịch trọn vẹn. Văn chương trước Cách mạng chỉ có thể được chuyển dịch theo ý hệ — tức bị biến nghĩa và biến lời. Hãy lấy làm ví dụ đoạn văn danh tiếng trích từ Bản Tuyên Ngôn Độc Lập:

Chúng tôi coi những sự thực sau đây là điều hiển nhiên: Rằng con người sinh ra ai cũng bằng ai, ai cũng được Thượng Đế ban cho một số quyền lợi bất khả di nhượng, rằng trong đó có quyền sinh sống, quyền tự do, và quyền theo đuổi hạnh phúc. Rằng để duy trì những quyền lợi ấy, các Chính Quyền đã được đặt trong nhân loại, rút quyền lực từ sự ưng thuận của những kẻ bị cai trị. Rằng mỗi khi một Chính Thể đi đến chỗ phá hủy mục đích trên, quyền của Dân Chúng là thay đổi hay loại bỏ Chính Thế đó để thiết lập một Chính Quyền mới...

Hoàn toàn không thể chuyển đoạn văn này sang Ngôn Mới mà vẫn giữ được ý nghĩa của nguyên bản. Phiên dịch sát ý nhất sẽ là gom cả đoạn trong có một từ tội ý. Một bản dịch đầy đủ chỉ có thể là một bản dịch trọng ý hệ, theo đó từ ngữ của Jefferson biến thành một bản văn tâng bốc chính thể chuyên chế.

Thật vậy, một phần lớn văn chương quá khứ đã bị biến đổi kiểu đó. Xét về mặt uy tín, nên duy trì ký ức của một vài nhân vật lịch sử nhưng đồng thời khiến những công trình của họ tương ứng với triết lý Anh Xã. Nhiều văn hào như Shakespeare, Milton, Swift, Byron, Dickens, và khác nữa, đương được dịch vì lẽ đó: một khi công việc hoàn thành, văn bản nguyên thủy của họ cùng với những di tích văn chương quá khứ khác sẽ bị hủy hoại. Việc phiên dịch này là một công việc chậm chạp khó khăn, không mong gì làm xong trước nhị thập niên đầu thế kỷ hai mươi mốt. Chính vì để có đủ thì giờ hoàn thành công việc dịch thuật sơ bộ mà sự chấp nhận Ngôn Mới chót cùng đã được ấn định vào một ngày rất xa vào năm 2050.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui