Người đàn ông trẻ tuổi bú mút vú mẹ anh trong ảo ảnh liệu có khi nào chính là cha ruột của anh không? Tengo thường hay nghĩ như vậy. Vì người đàn ông được coi là cha của anh kia, nhân viên thu phí xuất sắc của đài NHK không hề giống anh về bất cứ mặt nào. Tengo cao lớn, thân hình cường tráng, vầng trán rộng, mũi nhỏ, tai hình tròn, nhăn nhúm. Còn cha anh thì vừa lùn vừa béo, tướng mạo không đẹp, trán hẹp, mũi tẹt, tai nhọn như tai ngựa. Tạo hình cả gương mặt ông có thể nói gần như một sự đối lập tuyệt đối với Tengo. Mặt Tengo có thể coi là mặt của một người nhàn nhã thong dong, đường nét cởi mở, còn cha anh thì có bộ mặt như thể người mắc bệnh, làm người ta có cảm giác đây là một kẻ keo kiệt bủn xỉn. Rất nhiều người khi nhìn thấy họ từng nói hai người không giống cha con chút nào.
Nhưng điều khiến Tengo cảm thấy cha anh xa cách nhất, không phải là hình dáng bên ngoài, mà là tố chất và khuynh hướng về tinh thần. Anh không sao tìm nổi thứ gì gọi là lòng ham học hỏi ở cha mình. Đúng vậy, cha anh không được giáo dục đầy đủ, ông xuất thân trong gia đình nghèo khó, không dư dật để được học hành có hệ thống. Ở mức độ nào đó, Tengo cũng thấy thông cảm cho cảnh ngộ của ông. Mặc dù vậy, nguyện vọng có được những tri thức phổ thông, với Tengo dẫu gì cũng là ham muốn tự nhiên của con người, ở người đàn ông này lại quá nhạt nhòa. Kiến thức thực tiễn cần để sinh tồn thì phát huy tác dụng, nhưng tinh thần cầu tiến, tự làm bản thân sâu sắc, ham muốn tìm hiểu thế giới rộng lớn thì hầu như không thể tìm thấy ở ông.
Ông cứ ở trong thế giới chật hẹp của mình, tuân thủ các quy tắc ngặt nghèo, sống vất vả qua ngày. Trong không gian chật hẹp ấy, bầu không khí vẩn đục ấy, dường như cha anh không hề thấy đau khổ. Cũng không bao giờ thấy ông đọc sách ở nhà, báo cũng chẳng mua tờ nào (ông chỉ cần xem mục tin thời sự trên đài NHK là đủ). Ông cũng chẳng hứng thú với âm nhạc và điện ảnh, thậm chí chưa bao giờ đi du lịch. Nếu nói ông có hứng thú với thứ gì đấy, thì chính là tuyến đường đi thu tiền mà ông phụ trách. Ông vẽ một tấm bản đồ của khu vực đó, rồi dùng bút các màu khác nhau đánh dấu, hễ lúc nào rảnh lại lấy ra nghiên cứu, như nhà sinh vật học đang phân loại nhiễm sắc thể vậy.
Trong khi đó, Tengo từ nhỏ đã được coi là thần đồng toán học. Thành tích môn toán vượt xa chúng bạn. Năm lớp ba đã có thể giải được toán cấp ba. Các môn học khác, anh không cần phải cố gắng cũng có thể đạt được thành tích cao. Có thời gian là anh lại không ngừng đọc sách, luôn luôn hiếu kỳ, như một chiếc máy xúc đang đào đất, liên tục hấp thu các loại tri thức với hiệu suất lớn. Vì vậy mỗi lần nhìn thấy bộ dạng cha mình như thế, anh không sao hiểu nổi tại sao gien di truyền của một người đàn ông hẹp hòi và thiếu giáo dục như thế lại có thể chiếm ít nhất là một nửa tồn tại về mặt sinh học của mình.
Người cha thật sự của mình chắc chắn là một ai đó khác, đây là kết luận mà cậu thiếu niên Tengo đã rút ra. Vì một nguyên do nào đó mà mình được một người đàn ông tự nhận là cha song kỳ thực lại chẳng có quan hệ huyết thống gì này nuôi lớn. Giống như những đứa trẻ bất hạnh trong tiểu thuyết của Dickens.
Đối với Tengo thủa thiếu niên ấy, giả thuyết này vừa là ác mộng, cũng là một kỳ vọng lớn lao. Anh tham lam ngấu nghiến các tiểu thuyết của Dickens. Quyển đầu tiên là Oliver Twist, kể từ đó anh bắt đầu say mê Dickens, gần như đọc nát toàn bộ các tác phẩm của ông có trong thư viện. Anh thỏa thích rong chơi trong thế giới của các câu chuyện, và đắm chìm trong vô số tưởng tượng về thân thế của mình. Những tưởng tượng này (có thể nói là ảo tưởng cũng không sai) càng lúc càng lớn dần lên trong tâm trí anh, và ngày một phức tạp. Dù chỉ có một loại, nhưng sinh ra vô số biến tấu. Tóm lại, lẽ ra vị trí của mình không phải ở đây, Tengo tự nói với bản thân như vậy. Mình bị nhốt nhầm trong một gian ngục tù không phải dành cho mình. Sớm muộn cũng có ngày, người cha thực sự sẽ tìm thấy mình nhờ một sự chỉ dẫn ngẫu nhiên nhưng chính xác, rồi giải thoát ình ra khỏi nhà ngục chật hẹp đau khổ đáng ghê tởm này, dẫn mình đến nơi vốn thuộc về mình. Thế rồi, mình sẽ có được những ngày Chủ nhật đẹp tươi, thanh bình và tự do.
Thành tích học tập của Tengo ở trường rất xuất sắc khiến cha anh vui và lấy làm hả hê lắm. Ông còn hay khoe khoang với hàng xóm. Nhưng đồng thời cũng có thể nhận ra, dường như đâu đó trong thâm tâm, ông chẳng hề hứng thú với sự thông minh và tài năng của con trai. Những lúc Tengo ngồi học bài, ông thường cố ý quấy nhiễu. Nếu không phải sai anh làm việc nhà thì cũng nghĩ ra những truyện vặt vãnh linh tinh, cằn nhằn cằn nhằn mãi không thôi. Lần nào cũng như lần nào. Nào là bố đi thu cước phí phải thường xuyên nhẫn nhịn lúc bị người ta chửi bới ra sao, ngày ngày phải đi hết đường nọ ngõ kia, làm việc cực nhọc, còn mày thì sung sướng thoải mái; hồi bố bằng tuổi mày phải vất vả cực nhọc thế nào, chuyện lớn chuyện nhỏ đều bị bố và các anh đánh đập, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, chẳng khác nào con vật trong nhà; không thể chỉ vì mày học giỏi ở trường mà làm bộ làm tịch thế được. Cứ như vậy, những lời cằn nhằn của cha Tengo không bao giờ dứt.
Có lẽ người này đang đố kỵ với mình. Từ lúc nào đó, Tengo bắt đầu nghĩ như thế. Chắc hẳn người này đang đố kỵ với tư chất và hoàn cảnh của mình. Nhưng chẳng lẽ lại có chuyện cha lại đố kỵ với con ruột của mình? Dĩ nhiên, khi còn là một đứa trẻ, Tengo không thể đưa ra những phán đoán khó khăn như vậy. Nhưng anh không thể nào không cảm nhận được sự hẹp hòi nông cạn lộ ra trong lời nói cử chỉ của cha mình, đồng thời về mặt sinh lý anh thấy không thể nào chịu đựng nổi. Không chỉ là đố kỵ, người này căm ghét một thứ gì đó ở con trai mình. Tengo thường có cảm giác như vậy. Cha anh không căm ghét con người Tengo, mà căm ghét một thứ gì đó ăn sâu trong anh, thậm chí là cảm thấy không thể chấp nhận.
Toán học đã cho Tengo một lối trốn tránh hữu hiệu. Lánh vào thế giới của những công thức toán, anh có thể thoát khỏi thế giới hiện thực đầy phiền não. Chỉ cần bật cái công tắc ở trong đầu lên là anh có thể dễ dàng chuyển dịch sang thế giới ở phía bên kia. Từ hồi còn bé tí anh đã phát hiện ra khả năng này. Và khi mò mẫm, lang thang trong lĩnh vực rộng lớn vô tận song có lớp lang ấy, anh được tự do tuyệt đối. Anh tiến lên dọc theo hành lang quanh co của tòa nhà kiến trúc khổng lồ, lần lượt mở ra những cánh cửa được đánh số rõ ràng. Mỗi khi một cảnh tượng mới được hiện ra trước mắt, những vết tích xấu xí của thế giới hiện thực lại nhạt dần, rồi tan biến. Thế giới nơi công thức toán làm chúa tể ấy, với anh, là nơi trú thân hợp pháp và tuyệt đối an toàn. Tengo hiểu rõ địa lý của thế giới ấy, anh có thể chọn lựa được con đường chuẩn xác nhất. Chẳng ai có thể theo kịp. Khi ở lại thế giới ấy, anh có thể hoàn toàn lãng quên, bỏ qua những quy tắc và gánh nặng đang đè trĩu trên vai anh ở thế giới hiện thực.
Toán học là một tòa kiến trúc hư ảo tráng lệ, so với nó, thế giới trong truyện của Dickens giống như một khu rừng ma thuật sâu thâm. Toán học không ngừng vươn lên trời cao, đối lập với nó, rừng sâu lặng lẽ trải dài ra vô tận trước mắt anh. Bộ rễ tối tăm mà kiên cố của nó ăn sâu, vươn khắp trong lòng đất. Nơi đó không có bản đồ, cũng không có những cánh cửa được đánh số rõ ràng.
Từ cấp một lên cấp hai, anh say mê đắm chìm trong thế giới của toán. Vì sự tự do rõ ràng và triệt để ấy có sức hấp dẫn lớn lao, đồng thời là thứ không thể thiếu được trong cuộc sống của anh. Nhưng đến tuổi dậy thì, càng lúc anh càng cảm thấy chỉ như vậy thôi chưa đủ. Khi anh bước vào thế giới toán học, mọi điều đều hết sức thuận lợi. Không có gì cản trở anh. Nhưng chỉ cần rời khỏi đó và quay lại thế giới hiện thực (anh không thể không trở về), anh lại ở trong căn ngục bi thảm chẳng khác gì trước đó. Tình hình không có chút cải thiện nào, thậm chí còn khiến anh có cảm giác gông xiềng nặng nề hơn gấp bội. Vậy toán học thử hỏi còn có tác dụng gì nữa? Lẽ nào chỉ là một cách trốn tránh nhất thời? Lẽ nào lại chỉ khiến thế giới hiện thực càng thêm tệ hại?
Câu hỏi này mỗi lúc một lớn, Tengo bắt đầu có ý thức giữ khoảng cách giữa mình và thế giới toán học. Đồng thời, khu rừng của các truyện kể bắt đầu thu hút anh mãnh liệt. Đương nhiên đọc tiểu thuyết cũng là một cách trốn chạy. Mỗi khi gấp sách, anh buộc phải trở về thế giới hiện thực. Nhưng một lần, Tengo nhận ra khi từ thế giới tiểu thuyết trở về với thế giới hiện thực, anh không phải nếm trải cảm giác hụt hẫng nặng nề như khi trở về từ thế giới toán học. Sao lại như vậy? Anh bắt đầu suy nghĩ sâu xa hơn, rồi nhanh chóng có được kết luận. Trong khu rừng chuyện kể, dẫu quan hệ giữa các sự vật hiện tượng rõ ràng thế nào, song cũng không thể cho ta một đáp án sáng tỏ. Đây chính là sự khác biệt với toán học. Sứ mệnh của chuyện kể nói chung, chính là biến đổi vấn đề sang một hình thái khác. Và dựa vào tính chất và phương hướng của sự dịch chuyển này, bản chất của lời giải sẽ được gợi ý dưới hình thức chuyện kể. Tengo mang theo những gợi ý này trở lại với thế giới hiện thực. Điều này giống như một mảnh giấy viết kín đặc những lời chú không thể nào lý giải. Nhiều khi thiếu hẳn sự mạch lạc và hệ thống, không có tác dụng tức thì, nhưng nó ẩn chứa cơ hội. Rồi sẽ có một ngày mình có thể phá giải được lời chú ấy. Từ trong sâu thẳm, cơ hội ấy làm trái tim Tengo cảm thấy ấm áp.
Cùng với năm tháng, gợi ý từ những chuyện kể ấy càng lúc càng trở nên hấp dẫn Tengo. Nay khi đã trở nên trưởng thành, toán học vẫn là niềm đam mêm lớn của anh. Những lúc anh giảng bài cho học sinh ở trường dự bị, một niềm vui hệt như thủa thiếu thời lại tự nhiên trào nên trong tâm thức. Anh sẵn sàng chia sẻ niềm vui được tự do về mặt tư tưởng này với những người khác. Đó là một điều tuyệt vời. Nhưng Tengo của hiện tại đã không còn khả năng đắm mình hoàn toàn trong thế giới nơi các công thức toán làm chúa tể. Anh hiểu, dù có tìm tòi bao xa trong thế giới ấy, anh cũng không thể thấy được đáp án mình muốn.
Hồi học lớp năm, sau khi nghĩ ngợi rất lung, Tengo đã tuyên bố với cha mình rằng:
Chủ nhật con không muốn theo bố đi thu phí cho đài NHK nữa. Con muốn có thời gian học bài, muốn đọc sách và muốn đi chơi. Bố có công việc của bố, con cũng có việc cần làm. Con muốn được sống bình thường như các bạn.
Tengo nói như thế, ngắn gọn nhưng rành rọt.
Không cần nói cũng biết, cha anh nổi giận đùng đùng. Mặc xác nhà người ta thế nào, liên quan gì đến chúng ta! Mỗi nhà mỗi kiểu, cha anh nói. Cái gì mà cuộc sống bình tường hả! Không được nói lung tung! Mày thì biết cái gì là cuộc sống bình thường chứ? Tengo không phản bác, từ đầu chí cuối lẳng lặng không nói một lời. Ngay từ đầu anh đã biết có nói cũng chẳng ích gì. Vậy cũng được, cha anh nói. Đứa nào không nghe lời bố thì không có cơm đâu cho nó ăn. Cút ra ngoài kia!
Tengo liền làm y như vậy, lập tức dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Bụng anh đã quyết tâm từ trước, dù cha anh có nói thế nào, quát tháo ầm ĩ tới đâu, thậm chí có thể đánh đập (sự thực là ông chưa bao giờ động tay động chân), anh cũng không sợ. Được phép rời khỏi căn nhà tù ngục ấy, anh còn cảm thấy vui mừng.
Nhưng dù sao khi ấy anh chỉ là một đứa trẻ con mười tuổi, không thể tự sống một mình. Bất đắc dĩ, sau giờ học, anh đành kể cho cô giáo chủ nhiệm tình cảnh của mình. Anh nói với cô hôm nay anh không còn chỗ nào ở qua đêm nữa, rồi kể cho cô về gánh nặng tâm lý khi Chủ nhật hàng tuần phải theo cha đi khắp nơi thu tiền cho đài NHK. Cô giáo chủ nhiệm là một người đàn bà độc thân chừng ba lăm tuổi, không thể nói là xinh, lại đeo cặp kính dầy cộp kiểu dáng rất xấu xí, nhưng là con người công tâm và rất tốt bụng. Người cô thấp nhỏ, bình thường ít nói, nồng hậu, nhưng hơi nóng tính hơn vẻ bề ngoài, một khi đã nổi cáu thì như biến thành người khác, không ai cản nổi. Mọi người kinh ngạc trước sự biến đổi này nhưng Tengo lại thích cô. Dù cô nổi cáu anh cũng không thấy sợ.
Cô giáo nghe Tengo kể xong tỏ ra rất hiểu và thông cảm với tâm trạng của anh. Tối đó, cô cho Tengo ở lại nhà, trải một tấm thảm len lên sofa ở phòng khách, rồi bảo anh ngủ trên đấy. Cô giáo còn làm bữa sáng cho anh ăn. Chập tối hôm sau, cô dẫn Tengo đi gặp cha anh nói chuyện rất lâu.
Tengo bị bắt phải tránh đi, vì vậy không rõ họ đã nói những chuyện gì. Nhưng tóm lại, cha anh không thể không đình chiến. Dù giận dữ thế nào thì cũng không thể để một đứa trẻ mười tuổi lang thang đầu đường xó chợ được. Pháp luật đã quy định cha mẹ phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái.
Kết quả cuộc đàm phán là Tengo có thể hưởng ngày chủ nhật theo cách mình muốn. Buổi sáng phải làm việc ở nhà, thời gian còn lại anh làm gì cũng được. Đây là lần đầu tiên trong đời Tengo giành được một quyền lợi hữu hình từ cha mình. Cha Tengo rất phẫn nộ, một thời gian dài không thèm để mắt tới anh, nhưng với Tengo, chuyện này không ảnh hưởng gì lắm. Anh đã giành được thứ quan trọng hơn nhiều. Đó là bước đầu tiên hướng đến tự do và tự lập.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, có một thời gian dài anh không gặp lại cô giáo chủ nhiệm đó. Nếu dự các buổi họp lớp theo các thư thông báo thi thoảng được gửi đến, may ra sẽ gặp được cô, nhưng Tengo không có ý định xuất hiện ở những buổi gặp mặt ấy. Vì ngôi trường tiểu học ấy hầu như không để lại trong anh một hồi ức vui vẻ nào, mặc dù vậy, anh vẫn thường xuyên nhớ đến cô. Cô không chỉ cho Tengo ở lại một đêm mà còn thuyết phục được người cha ngoan cố của anh nữa. Thực không dễ gì quên được một người như thế.
Anh gặp được cô giáo vào năm lớp mười một. Khi ấy Tengo tham gia vào đội nhu đạo, nhưng vì chấn thương bắp chân nên trong khoảng hai tháng không thể thi đấu. Thay vào đó, anh bị đội âm nhạc trưng dụng làm tay trống tạm thời. Vì kỳ đại hội đã ở ngay trước mắt, mà hai tay trống của đội, một thì đột nhiên chuyển trường, người còn lại bị cảm nặng, nên cần có người thay thế để đội vượt qua được giai đoạn quẫn bách. Điều kiện rất đơn giản, chỉ cần biết cầm hai cái dùi trống! Hoàn toàn ngẫu nhiên, Tengo đang rảnh rỗi vì chấn thương chân nên được thầy giáo âm nhạc để mắt, trước điều kiện quá hấp dẫn của thầy, anh liền tham gia đội âm nhạc.
Tengo chưa bao giờ chơi nhạc cụ gõ và cũng chưa từng có hứng thú, nhưng thực tế khi dự vào, không ngờ nó lại hợp với tố chất của anh đến thế. Trước tiên là chia cắt thời gian thành những phân đoạn nhỏ, sau đó tập hợp chúng lại, chuyển đổi một cách hiệu quả thành các nốt nhạc, cách làm như vậy khiến anh thấy thực sự thích thú. Mọi âm thanh đều biến thành những hình vẽ có thể nhìn thấy được hiện ra trong óc. Anh tìm hiểu các loại nhạc cụ gõ khác nhau nhanh chóng như một miếng bọt biển hút nước. Được thầy dạy nhạc giới thiệu, anh đến nhà một người chơi bộ gõ trong dàn nhạc giao hưởng học một buổi nhập môn về cách chơi trống định âm. Sau buổi học mấy tiếng đồng hồ, Tengo đã nắm bắt sơ sơ được cấu tạo và phương pháp diễn tấu thứ nhạc cụ này. Bởi vì nhạc phổ và công thức toán rất giống nhau, nắm bắt được phương pháp đọc bản nhạc không phải là chuyện khó với anh.
Thầy dạy nhạc phát hiện ra tài năng âm nhạc xuất sắc của Tengo nên vô cùng mừng rỡ. Hình như em bẩm sinh đã có cảm giác về tiết tấu phức hợp thì phải, âm cảm cũng rất tốt, nếu tiếp tục theo đuổi môn này, có lẽ em sẽ thành nhà diễn tấu chuyên nghiệp đấy, thầy nói.
Trống định âm là một thứ nhạc cụ phức tạp, có chiều sâu và sức thuyết phục độc đáo, trong tổ hợp âm ẩn chứa những khả năng vô hạn. Hồi đó, bản nhạc họ luyện tập là vài chương rút ra từ bản Sinfonietta cải biên dành cho nhạc cụ hơi của Janáček, tham gia mục “Tự chọn” trong giải thi đấu các tường trung học. Đối với học sinh trung học, bản Sinfonietta của Janáček có thể nói là rất khó. Ở đoạn nhạc hiệu mở đầu, tiếng trống định âm tung hoành ngang dọc. Thầy giáo chỉ đạo giàn nhạc, nghĩ mình có mấy học sinh chơi bộ gõ xuất sắc, nên mới chọn khúc nhạc này tham gia, không ngờ vì lý do đã nói ở trên, đột nhiên chẳng còn người nào chơi bộ gõ nữa, vậy là hết đường xoay sở. Vì vậy, trách nhiệm của người thay thế như Tengo hết sức nặng nề. Nhưng anh không hề cảm thấy có chút áp lực nào, ngược lại còn cảm thấy thích thú với việc diễn tấu này.
Sau khi giải đấu kết thúc suôn sẻ (tuy không giành giải quán quân, nhưng lọt vào thứ hạng cao), cô giáo liền tìm đến Tengo khen anh diễn tấu rất xuất sắc.
“Tôi vừa nhìn là nhận ra em ngay, Tengo à” cô giáo có vóc người nhỏ nhắn ấy (Tengo không nhớ nổi tên cô là gì nữa) nói, “Tôi nghĩ em học sinh chơi trống định âm này diễn tấu tốt thật. Nhìn kỹ lại hóa ra là Tengo. Mặc dù em cao lớn hơn trước nhiều, nhưng tôi vừa thấy gương mặt em là nhận ra ngay. Em bắt đầu học nhạc từ lúc nào thế?”
Tengo liền kể qua một lượt mọi chuyện, cô giáo nghe xong cứ xuýt xoa: “Em đúng là đa tài thật!”
“Em thấy tập nhu đạo dễ chịu hơn,” Tengo cười nói.
“Phải rồi, bố em vẫn khỏe chứ?” cô giáo hỏi.
“Khỏe lắm ạ, Tengo trả lời. Nhưng đây chẳng qua chỉ là một câu thuận miệng mà thôi. Cha anh có khỏe hay không, anh không biết, và cũng không muốn biết. Lúc ấy, anh đã ra khỏi nhà, ở trong ký túc xá của trường, thậm chí từ lâu đã không nói chuyện với cha nữa rồi.
“Sao cô lại đến đây?” Tengo hỏi.
“Cháu gái cô chơi kèn Clarinet trong ban nhạc của một trường khác, lần này nó tham gia độc tấu, nên gọi cô đến nghe,” cô giáo đáp, “Sau này em có tiếp tục theo âm nhạc nữa không?”
“Đợi chân khỏi hẳn, em sẽ trở lại tập nhu đạo. Nói gì thì nói, chơi nhu đạo thì không phải lo không có cơm ăn. Trường chúng em rất coi trọng môn nhu đạo, có ký túc xá cho ở, còn bao ăn ngày ba bữa. Ở trong ban nhạc thì không được vậy.”
“Em muốn cố gắng không dựa dẫm vào bố, phải vậy không?”
“Vì ông ấy là loại người đó mà,” Tengo mỉm cười đáp.
Cô giáo mỉm cười “Nhưng thế thì tiếc quá, em có năng khiếu âm nhạc thế cơ mà.”
Tengo cúi xuống nhìn cô giáo có dáng người thấp nhỏ ấy, nhớ lại lúc ngủ qua đêm ở nhà cô, trong đầu chợt hiện ra hình ảnh của căn phòng ngăn nắp sạch sẽ, rèm cửa sổ bằng ren và mấy chậu cây cảnh, cầu là quần áo và cuốn sách đọc dở dang, chiếc váy liền màu hồng phấn nhỏ nhắn treo trên tường, mùi của chiếc sofa mà anh đã ngủ một đêm trên đó. Trong khoảng khắc ấy, anh chợt nhận ra cô đang đứng trước mặt mình, bẽn lẽn như một cô gái trẻ, đồng thời cũng nhận ra mình không còn là đứa trẻ mười tuổi yếu ớt năm nào, mà đã thành một thanh niên cao lớn mười bảy tuổi. Lồng ngực rắn chắc, ria mép mọc lún phún, và ham muốn dục tình cũng dồi dào đến độ khó có thể cưỡng lại. Chẳng những vậy, mỗi khi ở bên những người đàn bà lớn tuổi, anh lại cảm thấy an tâm một cách kỳ lạ.
“Gặp được em thật tốt,” cô giáo nói.
“Em cũng rất vui vì được gặp lại cô,” Tengo trả lời. Đây là lời thực lòng. Nhưng anh vẫn không sao nhớ nổi tên cô giáo.