1Q84 - Tập 1

Aomame đến thư viện của quận, sau khi thực hiện các thủ tục giống như lần trước, nàng trải bản thu nhỏ các số báo ra bàn để xác nhận lại sự kiện những kẻ quá khích đấu súng với cảnh sát tại Yamanashi mùa thu ba năm trước. Bà chủ nói đại bản doanh của giáo đoàn Sakigake ấy được đặt ở vùng núi tỉnh Yamanashi. Đây có lẽ chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng “Trùng hợp ngẫu nhiên” là thứ khiến Aomame cảm thấy không hài lòng. Giữa hai chuyện này có lẽ tồn tại mối quan hệ gì đó. “Sự kiện trọng đại” mà bà chủ đề cập đến dường như cũng đang ám chỉ mối tương quan nào đó.
Cuộc đọ súng xảy ra ba năm về trước, ngày mười chín tháng Mười năm 1981 (theo giả thiết của Aomame, đó là “ba năm trước của năm IQ84”). Về chi tiết cuộc đấu súng, lần trước nàng đến thư viện đọc báo cũng đã nắm được đại thể. Vì vậy nàng chỉ định đọc lướt qua phần này, mà chủ yếu tìm đọc các bài đưa tin liên quan sau đó, cùng với các bài phân tích sự kiện từ nhiều góc độ khác nhau.
Lúc đầu khi cuộc đọ súng nổ ra, ba cảnh sát đã bị súng AK47 Trung Quốc sản xuất bắn chết, hai người bị trọng thương. Sau đó nhóm phần tử vũ trang quá khích đã chạy vào núi sâu, cảnh sát vũ trang tiến hành lục soát quy mô lớn. Đồng thời, lính dù vũ trang của lực lượng phòng vệ được trực thăng đưa tới hiện trường. Kết quả, ba thành viên của nhóm quá khích không chịu đầu hàng nên bị bắn chết, hai bị thương nặng (một trong số đó đã chết trong bệnh viện ba ngày sau, người còn lại số phận thế nào thì không thể xác định được nếu chỉ dựa vào tin tức đăng báo), bốn người không bị thương hoặc bị thương nhẹ và bị bắt sống. Vì mặc áo chống đạn tính năng cao nên phía lực lượng phòng vệ và cảnh sát không có thương vong, chỉ có một cảnh sát trượt chân xuống vách núi trong quá trình truy đuổi, bị gãy chân. Trong đám phần tử quá khích, chỉ có một người là không rõ tung tích. Gã đàn ông này như thể đã biến mất tăm tích bất chấp một cuộc lùng sục quy mô lớn.
Sau khi cơn chấn động do vụ đọ súng tạo ra lắng xuống phần nào, báo chí bắt đầu đăng tin tường tận về nguồn gốc, lai lịch của nhóm quá khích. Họ vốn là những đứa con bị bỏ rơi của cuộc đấu tranh ở trường đại học vào những năm 1970, có hơn nửa số thành viên đã từng tham gia chiếm giữ Giảng đường Yasuda của Đại học Tokyo hoặc Đại học Nhật Bản. Khi “Thành lũy” bị cảnh sát cơ động dùng lực phá vỡ, các học sinh và một số giáo viên hoặc bị đuổi ra khỏi trường hoặc cảm thấy việc lấy đại học làm trung tâm để hoạt động chính trị ở thành phố đã vào bước đường cùng, bèn bỏ qua xung đột hệ phái, cùng hợp tác xây dựng nông trường ở Yamanashi, bắt đầu hoạt động theo kiểu công xã. Mới đầu họ tham gia “Takashima”, một tập thể công xã lấy nông nghiệp làm trung tâm, nhưng không lâu sau vì cảm thấy không hài lòng với cuộc sống ở đó nên họ tổ chức lại các thành viên ban đầu thành một nhóm độc lập, mua một ngôi làng bỏ hoang trong núi sâu với giá cực rẻ, bắt tay vào làm nghề nông. Thuở ban đầu hết sức gian nan, về sau thì thực phẩm trồng bằng phương thức hữu cơ của họ âm thầm gây nên cơn sốt ở thành phố, mô hình kinh doanh rau quả qua đường bưu điện được thiết lập thành công. Nhân đà ấy, nông trường cuối cùng cũng đã phát triển thuận lợi, tăng dần quy mô. Tạm chưa nói đến những chuyện khác, bọn họ đều là những người nghiêm túc, cần cù, lại đoàn kết chặt chẽ dưới bàn tay người lãnh đạo. Công xã này được gọi là Sakigake.
Aomame chau mày, nuốt nước bọt. Những âm thanh khá lớn phát ra từ trong cổ họng. Cây bút bi trong tay gõ lên mặt bàn kêu canh cách.
Nàng lại tiếp tục đọc báo.
Song cùng với việc kinh doanh dần đi vào ổn định, các dấu hiệu chia rẽ trong nội bộ Sakigake cũng ngày một rõ ràng. Bọn họ rút cuộc phân thành hai nhóm lớn, gồm “phái đấu tranh vũ trang” quá khích theo lập trường chủ nghĩa Marx tiếp tục hy vọng có thể làm cách mạng bằng chiến tranh du kích, và “phái công xã” tương đối ôn hòa chấp nhận sự thực rằng trong tình hình Nhật Bản hiện nay bạo lực cách mạng là phi thực tế, đồng thời trên cơ sở này phủ định tinh thần của chủ nghĩa tư bản, theo đuổi cuộc sống tự nhiên cùng với đất đai ruộng đồng. Năm 1976, cuối cùng đã xảy ra sự kiện “phái công xã” chiếm ưu thế về số lượng đã trục xuất “phái đấu tranh vũ trang” ra khỏi Sakigake.
Mặc dù vậy, Sakigake không dùng sức mạnh để đuổi phái đấu tranh vũ trang đi. Theo bài báo, họ đã cung cấp cho phái đấu tranh vũ trang khu đất mới và một số vốn nhất định, mời họ ra đi một cách êm thấm. Phái đấu tranh vũ trang đã chấp nhận thỏa thuận này, xây dựng công xã riêng ở khu mới, đặt tên là “Akebono”. Thế rồi, đến một thời điểm nào đó, dường như họ đã sở hữu được các loại vũ khí cao cấp. Về các kênh cung cấp và nguồn tài chính để huy động số vũ khí đó, thì phải đợi các điều tra sau.
Mặt khác, công xã nông nghiệp “Sakigake” đã chuyển hướng thành một tổ chức tôn giáo vào lúc nào, như thế nào? Lý do của nó là gì? Cả cảnh sát lẫn báo chí đều có vẻ không nắm được tình hình thực tế. Sau khi chia tách với “phái đấu tranh vũ trang”, công xã dường như nhanh chóng rơi vào khuynh hướng tôn giáo, và đến năm 1979 nó đã được công nhận pháp nhân tôn giáo. Đồng thời, công xã này liên tiếp mua lại các khu đất xung quanh, mở rộng đất nông nghiệp và các công trình, xây tường cao xung quanh các công trình của giáo đoàn, và người ngoài không thể tự do ra vào được nữa. Lý do của họ là “Vì việc đó sẽ gây trở ngại cho việc tu hành”. Nguồn tiền rốt cuộc từ đâu đến? Tại sao công xã được công nhận pháp nhân tôn giáo sớm như vậy? Đây cũng là phần chưa được điều tra làm rõ.
Nhóm quá khích sau khi chuyển sang khu đất mới, vừa sản xuất nông nghiệp vừa ra sức huấn luyện đấu tranh vũ trang bí mật trong khu đất của mình, và đã mấy lần va chạm với nông dân lân cận. Môt trong số đó là vụ tranh chấp quyền sử dụng nước con sông chảy qua địa bàn “Akebono”. Con sông này trước đây vẫn là nguồn cung cấp nước công nghiệp cho cả khu vực, nhưng Akebono lại không cho những người dân xung quanh đặt chân vào địa bàn của họ. Cuộc tranh chấp kéo dài mấy năm ròng, cuối cùng đã dẫn đến sự kiện cư dân quanh vùng phản đối việc Akebono làm hàng rào dây thép và bị một số thành viên của tổ chức này đánh đập. Cảnh sát tỉnh Yamanashi xét đây là một vụ án cố tình gây thương tích nên đã xin lệnh khám xét Akebono để nắm tình hình. Và thế là cuộc đọ súng bất ngờ đã xảy ra.
Sau trận nổ súng kịch liệt trong rừng sâu, trên thực tế “Akebono” đã bị tiêu diệt, giáo đoàn “Sakigake” ngay lập tức lên tiếng. Người phát ngôn trẻ tuổi đẹp trai của giáo đoàn trong bộ vest đã tổ chức một buổi họp báo. Luận điểm của họ hết sức rõ ràng. Chuyện trước đây là khác, còn giữa “Akebono” và “Sakigake” hiện nay không có bất cứ quan hệ gì. Sau khi chia tách, ngoài các liên hệ về mặt công việc, hai bên gần như không có qua lại. “Sakigake” là một cộng đồng dồn sức vào nông nghiệp, tuân thủ pháp luật, theo đuổi một thế giới tinh thần tĩnh lặng, và vì đã biết không thể cùng hoạt động với nhóm “Akebono” theo đuổi chủ nghĩa cực đoan nữa, nên mới chia tách trong hòa bình. Sau này “Sakigake” trở thành một tổ chức tôn giáo, và được công nhận là pháp nhân tôn giáo. Xảy ra sự kiện đẫm máu như vậy cố nhiên là điều vô cùng bất hạnh, giáo đoàn chân thành bảy tỏ sự chia buồn sâu sắc với những cảnh sát đã hy sinh và người nhà họ. Giáo đoàn “Sakigake” tuyệt đối không liên quan đến sự kiện này dưới bất kỳ hình thức nào. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận một điều rằng “Akebono” đã thoát thai từ chính “Sakigake”, vì vậy nếu chính quyền cho rằng cần tiến hành điều tra dưới hình thức nào đó, dù chỉ là để tránh những hiểu lầm không cần thiết, Sakigake xin sẵn sàng đón tiếp những cuộc điều tra như vậy. Giáo đoàn là một tổ chức hợp pháp rộng mở với toàn xã hội, không có điều gì cần che giấu. Nếu cần Sakigake công khai các thông tin liên quan, giáo đoàn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của chính quyền bằng mọi khả năng có thể.
Mấy ngày sau, như thể đáp lại tuyên bố ấy, cảnh sát tỉnh Yamanashi đã mang theo lệnh khám xét tiến vào giáo đoàn Sakigake, họ mất cả một ngày trời đi khắp khu đất rộng lớn, cẩn thận kiểm tra bên trong các công trình và các loại giấy tờ sổ sách của giáo đoàn. Có mấy vị chức sắc trong giáo đoàn bị thẩm vấn. Cơ quan điều tra nghi ngại rằng, tuy bề ngoài đã tuyên bố chia tách, song có thể sau đó hai bên vẫn tiếp tục qua lại, và “Sakigake” vẫn ngấm ngầm tham gia các hoạt động của Akebono. Nhưng rốt cuộc họ chẳng phát hiện được chứng cứ nào như vậy. Họ chỉ thấy trong khu rừng gỗ tạp xinh đẹp đó, các công trình xây dựng bằng gỗ dành cho việc tu hành nằm tản mát xung quanh con đường nhỏ, rất nhiều người mặc đồ tu giản dị đang nhập định hoặc ra sức tu tập theo lối khổ hạnh. Cạnh đó, các tín đồ đang làm việc đồng áng. Có đủ chủng loại máy nông nghiệp và những thiết bị thi công công trình được bảo dưỡng cẩn thận, nhưng không tìm được thứ nào giống vũ khí, hay những thứ gợi đến bạo lực. Tất cả đều sạch sẽ, ngay ngắn, trật tự. Có nhà ăn sạch sẽ, có nơi ngủ, còn có cả cơ sở y tế đơn giản (nhưng bài bản). Trong thư viện hai tầng lầu lưu trữ rất nhiều Phật điển và danh tác Phật giáo, công tác nghiên cứu và phiên dịch do các chuyên gia phụ trách vẫn đang được tiến hành. Nơi này không giống cơ sở tôn giáo cho lắm, mà giống một trường đại học tự lập nhỏ nhưng gọn gàng sạch sẽ hơn. Cảnh sát chưng hửng ra về với hai bàn tay trắng.
Mấy ngày sau, lần này là phóng viên báo chí và truyền hình nhận được lời mời của giáo đoàn. Và cảnh tượng họ thấy ở đó đại thể giống như những gì cảnh sát đã thấy. Không phải một cuộc đến thăm đã được dày công sắp xếp theo lối cũ rích, các phóng viên không có ai đi theo, có thể tùy ý đến thăm mọi nơi bên trong khu vực của giáo đoàn, tự do nói chuyện với bất cứ người nào, và được quyền sử dụng nội dung đó trong bài báo. Nhưng để bảo vệ sự riêng tư của các tín đồ, giáo đoàn và các cơ quan truyền thông đã giao hẹn trước là chỉ có thể sử dụng những bức ảnh và đoạn băng mà phía giáo đoàn cho phép. Mấy chức sắc của giáo đoàn bận áo tu hành trả lời các câu hỏi của phóng viên trong phòng lớn dùng để hội họp, giải thích về sự thành lập, giáo lý và phương châm hoạt động của giáo đoàn. Cách nói chuyện của họ khách khí nhưng thẳng thắn, giọng điệu tuyên truyền thường thấy ở các tổ chức tôn giáo hoàn toàn không có. Bọn họ giống những nhân viên cao cấp của các đại lý quảng cáo đã quen với việc thuyết trình hơn là một chức sắc trong giáo phái. Chẳng qua chỉ là bộ đồ mặc trên người khác nhau mà thôi.
Chúng tôi không có giáo lý rõ ràng, họ giải thích. Chúng tôi không cần những thứ ghi chép thành văn đó. Điều chúng tôi làm là nghiên cứu nguyên lý của Phật giáo nguyên thủy, là hiện thực hóa các pháp tu đã được thực hiện từ thời đó. Thông qua thực tiễn cụ thể này mà đạt được sự giác ngộ tôn giáo có tính linh hoạt, chứ không phải chỉ trên mặt chữ, đó mới là mục tiêu mà chúng tôi theo đuổi. Các vị có thể hiểu thế này: sự giác ngộ tự phát của mỗi người, tụ họp lại sẽ hình thành nên giáo lý của chúng tôi. Không phải có giáo lý trước rồi mới giác ngộ sau, mà là mỗi cá nhân giác ngộ trước, cuối cùng mới tự sản sinh ra giáo lý quyết định Phật pháp của chúng tôi. Đây chính là phương châm cơ bản. Xét trên ý nghĩa này, tính chất của chúng tôi hoàn toàn khác với những tôn giáo hiện thời.
Về nguồn vốn, trước mắt chúng tôi cũng giống như nhiều tổ chức tôn giáo khác, một phần dựa vào sự quyên tặng tự nguyện của các tín đồ. Nhưng sau cùng, chúng tôi không dựa hoàn toàn vào tiền quyên tặng, mà sẽ xây dựng một cuộc sống giản dị tự túc tự cấp lấy nông nghiệp làm trung tâm. Sống một cuộc sống “biết đủ”, tẩy rửa nhục thể, rèn luyện tinh thần, cố gắng đạt được sự yên tĩnh trong linh hồn. Những người thấy chán ngán chủ nghĩa vật chất của xã hội cạnh tranh, muốn theo đuổi một thứ gì đó sâu sắc hơn, vẫn ngày ngày đến gõ cửa giáo đoàn của chúng tôi. Trong số đó, không ít người được giáo dục ở trình độ cao, có nghề nghiệp chuyên môn, có địa vị xã hội. Chúng tôi hoàn toàn khác với những “Tôn giáo mới nổi” mà người đời vẫn nhắc đến. Chúng tôi không phải loại tổ chức tôn giáo “kiểu thức ăn nhanh” dễ dàng chấp nhận mọi phiền não của thế gian, muốn ôm trọn lấy trách nhiệm cứu giúp con người, và cũng không có ý theo đuổi điều đó. Cứu giúp kẻ yếu cố nhiên là điều hết sức quan trọng, các vị có thể coi chúng tôi là một tổ chức mang đến cho những người có ý thức tự cứu mình địa điểm và những trợ giúp thích hợp, nói cách khác là một cơ sở tương đương với “Cao học” tôn giáo.
Giữa chúng tôi và những người trong tổ chức “Akebono” đã nảy sinh những bất đồng rất lớn về cách điều hành, có khoảng thời gian thậm chí còn đối đầu gay gắt. Nhưng qua đối thoại, hai bên đã đạt được một thỏa thuận ôn hòa: quyết định chia tách làm hai. Bọn họ cũng hình thành một nhóm độc lập, theo đuổi lý tưởng cấm dục thuần túy, kết quả là đã xảy ra thảm sự ấy. Đây có thể nói là một bi kịch. Họ quá giáo điều đến nỗi đánh mất đi mối liên hệ với xã hội hiện thực vẫn đang tồn tại. Có lẽ đây chính là nguyên nhân lớn nhất. Chúng tôi cũng cần nhân dịp này chấn chỉnh bản thân nghiêm khắc hơn, đồng thời phải ghi nhớ rằng: cần kiên trì phương châm là một tổ chức cởi mở với thế giới bên ngoài. Bạo lực không thể giải quyết bất cứ vấn đề gì. Hy vọng các vị hiểu rằng, chúng tôi không phải là một tổ chức ép buộc mọi người tin theo tôn giáo. Chúng tôi không khuyến dụ người khác đi theo tôn giáo, cũng không công kích các tôn giáo khác. Điều chúng tôi làm chỉ là tạo cho những người tìm kiếm giác ngộ và theo đuổi tinh thần một môi trường cộng đồng phù hợp và hiệu quả. Các phóng viên đa phần đều mang theo ấn tượng tốt với giáo đoàn này trên đường trở về. Tín đồ không phân nam nữ đều gầy guộc ốm yếu, tuổi đời còn tương đối trẻ (đôi lúc cũng bắt gặp cả các tín đồ cao tuổi), ánh mắt trong sáng, nói năng lễ độ, cử chỉ đúng mực. Hầu hết các tín đồ đều không muốn nhắc nhiều đến quá khứ, nhưng dường như phần lớn trong số họ đã được giáo dục ở trình độ cao. Đồ ăn trưa chuẩn bị cho các phóng viên (nghe nói đại loại cũng giống với những thứ thường ngày tín đồ vẫn ăn) tuy đơn sơ, nhưng đều là thực phẩm tươi vừa mang về từ đồng ruộng của giáo đoàn, mùi vị thơm ngon.
Vậy là, rất nhiều phương tiện truyền thông đã định nghĩa nhóm cách mạng chuyển sang “Akebono” là những hạt giống xấu tất nhiên phải bị sàng lọc khỏi “Sakigake”, cộng đồng của những người theo đuổi các giá trị tinh thần. Ở Nhật Bản những năm 1980, tư tưởng bạo lực cách mạng cực đoan đã lỗi thời. Tầng lớp thanh niên từng theo đuổi lý tưởng chính trị cấp tiến những năm 1970 giờ đã vào làm việc trong các công ty khác nhau, làm việc cật lực trên chiến tuyến kinh tế. Nếu không, họ cũng giữ khoảng cách nhất định với sự ồn ào và cạnh tranh của xã hội, mỗi người ở vị trí riêng, đều gắng theo đuổi những giá trị cá nhân. Nói tóm lại, dòng chảy của thế giới này đã hoàn toàn đổi thay, mùa vụ chính trị đã trở thành quá khứ xa xôi, sự kiện “Akebono” tuy là một biến cố đẫm máu và bất hạnh, nhưng về lâu dài, đó cũng chỉ là một vong linh của quá khứ tình cờ hiện lên, một khúc nhạc đệm đột khởi không hợp thời mà thôi. Từ đây có thể nhận thấy một thời đại đã cáo chung. Đây chính là luận điệu thường thấy trên các báo. “Sakigake” là một lựa chọn đầy hy vọng của thời đại mới. Trái lại, “Akebono” thì chẳng có tương lai.
Aomame đặt bút bi xuống, hít thở sâu. Sau đó nàng hồi tưởng lại đôi mắt từ đầu chí cuối hoàn toàn không có chút xúc cảm cũng như chiều sâu của Tsubasa. Đôi mắt ấy đang nhìn mình chăm chú, nhưng đồng thời, lại cũng chẳng nhìn gì hết. Những luận điệu này dường như đã để sót thứ gì đó rất quan trọng.
Tuyệt đối không thể nào đơn giản như thế được, Aomame thầm nhủ. Sự thực Sakigake không trong sạch như trên báo viết. Ở sâu bên trong nhất định còn tồn tại những góc tối âm u bí mật không thể tiết lộ với người ngoài. Theo lời bà chủ, người gọi là “Lãnh Tụ” kia đã cưỡng hiếp các bé gái chỉ mới mười mấy tuổi, còn tuyên bố rằng đó là hành vi tôn giáo. Còn giới truyền thông thì hoàn toàn không hay biết gì về chuyện này. Bọn họ chỉ ở lại đó nửa ngày, được dẫn đi tham quan những nơi ngăn nắp trật tự dùng để tu hành, được chiêu đãi một bữa cơm trưa bằng thực phẩm tươi ngon, nghe một bài thuyết giảng về sự giác ngộ đẹp đẽ, và vậy là họ có thể thỏa mãn ra về. Họ không thể nào biết được ở tầng sâu bên trong đó, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.
Aomame ra khỏi thư viện, bước vào quán, gọi một ly cà phê. Nàng lấy điện thoại trong túi gọi tới đơn vị của Ayumi. Ayumi đã nói bất cứ lúc nào cũng có thể gọi đến số này được. Một đồng sự của cô nghe máy, nói Ayumi đã ra ngoài làm việc, chắc khoảng hai tiếng nữa mới quay về cơ quan. Aomame không giới thiệu mình, chỉ nói: “Tôi sẽ gọi lại cho cô ấy.”
Aomame về nhà, hai tiếng sau lại bấm máy gọi đến số điện thoại ấy. Ayumi nghe máy.
“Chào. Aomame đấy à. Dạo này khỏe không?”
“Khỏe. Còn cô?”
“Tôi cũng khỏe. Mỗi tội không có đàn ông. Thế còn cô, Aomame?”
“Cũng như cô thôi,” Aomame nói.
“Thế thì không được đâu,” Ayumi nói, “Những phụ nữ trẻ và quyến rũ như chúng ta sao cứ phải than vãn, loay hoay với cái nhu cầu tình dục sung mãn và lành mạnh của mình như thế chứ! Xã hội này chắc chắn có vấn đề rồi. Phải làm gì đó mới được.”
“Cũng phải… à, tôi bảo này, cô nói lớn tiếng như vậy có sao không đấy? Không phải đang đi làm à? Bên cạnh chẳng lẽ không có ai?”
“Chẳng sao hết. Chuyện gì cũng được, cô cứ nói đi!” Ayumi nói.
“Nếu được, tôi có chuyện này muốn nhờ đến cô. Vì tôi không nghĩ ra ai giúp tôi được nữa.”
“Được chứ. Không biết liệu tôi có giúp được không. Cô nói đi xem nào.”
“Cô có biết một giáo đoàn tên là Sakigake không? Đại bản doanh đặt ở vùng núi tỉnh Yamanashi ấy.”
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui