24 Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà

Nói được nửa chừng, anh ta bỗng ngưng lời vì người hồ lì đã xướng to: “Đặt tiền đi!” – Chàng trai quay nhìn sang bên một cách khó nhọc, chú ý tới ông già người Nga ngồi, nghiêm trang và bình thản, râu bạc trắng – đang thận trọng đặt một đồng tiền vàng, rồi sau một lát do dự, lại đặt một đồng thứ hai vào ô thứ tư. Lập tức hai bàn tay nóng hổi ở trước tôi, nhào vào đống tiền và ném một mớ tiền vàng cũng vào chỗ đó. Và một phút sau, khi người hồ lì kêu to: “Số không”, còn bàn cào của người đó quét cả bàn bạc bằng một động tác tròn trịa, chàng trai nhìn sửng sốt cả đống tiền biến đi như có phép màu. Ông nghĩ rằng có lẽ anh ta sẽ quay lại nhìn tôi chăng; không, anh ta đã quên hẳn tôi; tôi đã biến mất không còn nữa, đã bị xoá nhoà khỏi cuộc sống của anh; tất cả các giác quan căng thẳng của anh đều tập trung vào vị tướng người Nga, ông này hoàn toàn lạnh lùng, cầm trong tay hai đồng tiền vàng mới, hãy còn do dự không biết nên đặt vào số nào.

Tôi không thể tả lại với ông nỗi cay đắng, sự tuyệt vọng của tôi. Nhưng ông cũng có thể tưởng tượng được điều tôi cảm thấy đối với người mình đã hiến cả cuộc đời mà lại coi không bằng con muỗi, bị một bàn tay uể oải, xua đuổi với vẻ thờ ơ. Một lần nữa, cơn thịnh nộ điên rồ lại trào lên trong tôi. Tôi bóp mạnh cánh tay anh ta, làm anh phải đứng phắt dậy:

- Anh phải ra khỏi đây! - Tôi nói thầm, thật nhỏ, nhưng với giọng ra lệnh. – Anh hãy nhớ lời anh thề tại nhà thờ, anh là kẻ bội ước đáng khinh.

Anh ta nhìn tôi, mặt tái nhợt, động lòng vì những lời của tôi. Mắt anh bỗng có vẻ như mắt chó bị đòn, môi anh run lên. Anh như sực nhớ lại quá khứ và có vẻ ghê tởm với chính mình…

- Vâng… vâng… – anh nói lắp bắp. – Trời … trời đất ơi!... Tôi xin đi đây, xin tha lỗi cho tôi.

Và tay anh, đã gom cả đống tiền, thoạt đầu mau lẹ với những cử chỉ khoáng đạt và dứt khoát, sau uể oải dần như rõ ràng có một lực tương phản níu lại. Anh lại nhìn viên tướng Nga đúng lúc ông ta đặt tiền.

- Một chút nữa thôi… – anh nói và ném năm đồng tiền vàng vào cùng một ô vuông. – Chỉ một ván này nữa thôi… Tôi xin thề với bà là sau đây, tôi sẽ đi… chỉ một ván này nữa thôi… chỉ một…

Rồi giọng nói của anh ta tắt dần. Hòn bi lại bắt đầu lăn, lôi anh theo vòng quay của nó. Một lần nữa con người bị ma ám này lại tuột khỏi tay tôi, anh đã thoát ra khỏi bản thân anh ta, bị cuốn theo viên bi tròn nhỏ xíu cứ nhảy tưng tưng trong cái lòng chảo nhẵn lì.

Người hồ lì xướng số lên, cái bàn cào chộp lấy năm đồng tiền vàng ở trước mặt anh, anh đã thua. Nhưng anh không quay lại. Anh đã quên tôi, lẫn lời thề, cùng lời anh vừa hứa với tôi chừng mười phút trước. Bàn tay thèm khát của anh lại co quắp thọc vào đống bạc đã vơi dần và cái nhìn say mê của anh hoàn toàn bị chi phối bởi người đối diện – mang phước đến cho anh, đã hấp dẫn ý chí của anh một cách huyền bí.

Tôi không thể kiên nhẫn được thêm. Tôi lay anh một lần nữa, mạnh hơn trước:

- Đứng dậy ngay đi! Ngay lập tức… anh đã nói đây là ván cuối cùng mà…

Thế là điều bất ngờ đã xảy ra. Anh ta quay phắt lại; bộ mặt đang nhìn vào tôi không phải là của một người khiêm nhường và e thẹn mà là của một kẻ điên dại, một kẻ đang lên cơn nóng giận, mắt long lên, môi run run, dữ tợn.

- Để yên cho tôi nhờ! – Anh ta nóng nảy thét lên. – Hãy cút đi! Bà chỉ đem vận xui đến cho tôi. Bao giờ cũng vậy, cứ có bà là tôi thua! Hôm qua đã thế, lại hôm nay nữa! Bà xéo đi!

Tôi choáng người một lát. Nhưng sau đó, trước cơn điên của anh ta, nỗi giận của tôi nổi lên đùng đùng.

- Tôi đem vận xui đến cho anh hả? – Tôi la mắng anh. – Đồ nói dối, đồ ăn cắp, anh đã thề với tôi rồi mà!...

Nhưng tôi đã ngừng nói ở đó, vì anh chàng rồ dại đã nhảy chồm lên, đẩy lùi tôi lại, không cần để ý tiếng ồn ào đang lớn dần.

- Để yên cho tao nhờ! – Hắn lớn tiếng thét lên không giữ ý chút nào nữa. – Mày không phải là quản lí tiền nong của tao. Đây… đây… đây… tiền của mày đây! – Và hắn ném cho tôi vài tờ giấy bạc một trăm phrăng… – Còn bây giờ, hãy để cho tao được yên thân.

Hắn la hét, y như một người điên, không để ý gì đến sự có mặt của hàng trăm con người xung quanh. Tất cả nhìn, xì xào, nói bóng gió đủ điều, cười cợt và từ phòng bên, nhiều người tò mò cũng kéo tới. Tôi tưởng như mình bị lột hết quần áo và đang đứng trần truồng trước những kẻ hết sức tò mò này.

- Xin bà yên lặng cho, thưa bà! – Người hồ lì vừa hách dịch nói lớn vừa gõ bàn cào xuống bàn. Những lời của tên khốn kiếp đó là nói với tôi. Bị mất thể diện, bị sỉ nhục, tôi cứ đứng đấy trân trân trước sự tò mò râm ran, rì rào như một con điếm vừa mới được người ta cho tiền. Hai, ba trăm con mắt xấc xược cứ ở đó nhìn thẳng vào mặt tôi. Và… trong khi tránh né, cúi gập người lại trước sự sỉ nhục và hổ thẹn nhơ nhớp, tôi nhìn sang bên, thì kìa, trước mắt tôi, tôi đã trông thấy đôi mắt gần như lơ láo vì kinh ngạc. Đó là bà chị họ tôi đang ngơ ngác nhìn tôi, miệng há hốc, tay giơ lên, như sợ hãi khủng khiếp. Tôi như bị đòn roi quất mạnh; trước khi bà ta làm được gì, bình tĩnh lại được, tôi đã lao ra khỏi phòng, tôi còn đủ sức để đến thẳng chiếc ghế dài, nơi hôm qua con người bị quỷ ám này đã gục tại đấy và tôi cũng yếu đuối, mệt lả và rã rời như hắn, tôi buông mình nằm xuống tấm gỗ cứng đờ và khắc nghiệt.

Giờ đây, hai mươi bốn năm trời đã trôi qua, nhưng nghĩ đến lúc tôi đứng ở đó, bị lăng nhục bởi những lời sỉ vả của hắn, dưới con mắt của hàng ngàn người lạ, máu tôi như bị đóng băng lại trong huyết quản. Và tôi lại khiếp sợ nghĩ rằng cái mà chúng ta gọi một cách hoa mĩ là linh hồn, tinh thần, tình cảm, đau khổ, đều là chất mềm yếu, khốn nạn và nhu nhược vì tất cả những cái đó, ngay trong phút bộc phát đến cao độ cũng đủ sức đập tan cái thân thể đang đau đớn, cái thể xác bị dày vò – vì, dù sao, máu vẫn tiếp tục chảy và người ta vẫn còn sống được sau những giờ phút ấy, thay vì phải chết, phải gục xuống như cái cây bị sét đánh.

Đau khổ chỉ làm chân tay tôi rã rời trong một thời gian, thời gian chịu đựng đòn đó, tôi rơi xuống chiếc ghế dài, không thở được nữa, hết hơi sức, và có thể nói tôi như tiền vị đê mê của cái chết không sao tránh được. Nhưng như tôi vừa nói, mọi đau khổ đều hèn nhát, nó lùi bước trước sức mạnh của ý chí muốn sống, vốn được cột chặt vào xác thịt của chúng ta, mạnh hơn nỗi ham muốn được chết bị ràng buộc trong tâm trí chúng ta.

Điều không sao giải thích được đối với bản thân tôi là sau khi tình cảm bị nghiền nát như vậy, dù sao tôi cũng trỗi dậy được, tuy rằng không biết để làm gì. Tôi chợt nhớ là hành lí của tôi còn để ở ga, từ lúc đó, tôi chỉ còn một ý nghĩ: là đi, đi khỏi nơi đây, chỉ cần đi xa tòa nhà đáng nguyền rủa này, tòa nhà độc địa này. Tôi chạy ra ga mà không để ý tới ai hết; tôi hỏi giờ chuyến tàu đầu tiên đi Pari, nhân viên nhà ga nói: mười giờ, và tôi đã đăng kí ngay hành lí của tôi.

Tôi qua đêm trên tàu, tôi tới Pari, từ đó tôi chuyển từ ga này, qua ga khác, và tôi đến thẳng Bulônhơ (28) rồi từ Bulônhơ đến Đuvrơ (29), từ Đuvrơ đến Lơnđơn và từ Lơnđơn về nhà con trai tôi, tất cả với tốc độ một cuộc bay không nghĩ ngơi, không suy tưởng đến gì, trong bốn mươi tám giờ không ngủ, không nói, không ăn: bốn mươi tám tiếng trong lúc đó những bánh xe chỉ kèn kẹt nhắc đi nhắc lại: đi! đi! đi!

Sau cùng, khi tôi bước vào viên trang của con trai tôi, không ai chờ đón tôi hết, tất cả mọi người đều kinh hãi: hình như trong con người, trong đôi mắt tôi, có cái gì đang phản lại tôi. Con trai tôi bước tới để hôn tôi, tôi giật mình lùi lại – ý nghĩ để nó đụng vào đôi môi mà tôi cho là ô uế, làm tôi không sao chịu nổi. Tôi gạt mọi câu hỏi, tôi chỉ đòi được đi tắm, vì đối với tôi đó là một nhu cầu cần thiết để tẩy sạch thân xác tôi (không kể tới bụi bặm của chuyến đi) cho hết những gì còn bám dính tới nỗi đam mê của tên điên khùng, của con người tồi tệ đó. Rồi tôi lê bước về phòng, và tôi ngủ suốt mười hai hay hai mươi bốn giờ, một giấc ngủ của thú vật, nặng như chì, như trước đó hay sau này, chưa bao giờ, tôi ngủ như vậy, một giấc ngủ đã làm cho tôi hiểu thế nào là nằm trong quan tài và chết. Những người thân của tôi lo cho tôi như lo cho người bệnh. Những sự âu yếm của họ chỉ làm tôi đau đớn thêm, tôi thấy nhục nhã, tôi thấy xấu hổ đối với sự kính trọng, sự ân cần của họ, tôi phải luôn tự kiểm soát mình để khỏi bỗng nhiên kêu lên là tôi đã lừa gạt, quên lãng, gần như bỏ rơi tất cả mọi người do một cơn đam mê điên dại và vô nghĩa.

Sau đó, tôi ngẫu hứng đến một thành phố nhỏ ở Pháp. Ở đây tôi không quen biết ai, vì tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ: tất cả mọi người cứ thoáng trông vẻ ngoài của tôi, ngay từ cái liếc mắt đầu tiên, là đã thấy ngay nỗi tủi nhục và sự thay đổi của tôi, do chỗ tôi cảm thấy bị phản bội, bị bôi nhọ tới tận nơi sâu kín nhất của tâm hồn. Đôi lúc khi thức dậy, buối sáng, ở trên giường, tôi sợ mở mắt đến kinh hãi. Kỉ niệm về cái đêm mà chợt tỉnh giấc, tôi thấy mình bên cạnh một người lạ, một người đàn ông ở trần, bỗng nhiên ám ảnh tôi và thế là, như lần đầu tiên, tôi chỉ mong muốn có một điều: được chết ngay tức khắc.

Dù sao thời gian cũng có một uy lực rất lớn và tuổi tác đã làm lắng dịu một cách kì lạ tất cả mọi tình cảm. Người ta cảm thấy gần với cái chết hơn, bóng của nó làm đường đi tối lại, mọi việc có vẻ không còn tươi sáng nữa, chúng không tác động bao nhiêu đến những nơi thầm kín của con người như trước kia và cũng mất đi nhiều uy lực hiểm nghèo. Dần dà, tôi cũng hồi phục lại khỏi cơn choáng đã thử thách tôi, và nhiều năm sau, có lần, trong một buổi họp mặt, tôi gặp một người tuỳ viên phái đoàn Áo, một người Ba Lan trẻ, và khi tôi hỏi về gia đình con người đã cùng nằm một giường với tôi trong một đêm, anh ta trả lời rằng một nhân viên phái đoàn, lại chính là anh em họ với anh ta, đã tự tử mười năm trước đây tại Môngtơ Cáclô, tôi cũng không chau mày. Điều đó không làm tôi đau đớn chút nào: có lẽ đó còn là điều tốt với tôi (chối cãi tính ích kỉ của mình làm gì) bởi vì như vậy nguy cơ có thể gặp lại người ấy một lần nữa đã tan biến: bằng chứng chống lại tôi chỉ còn là kí ức của bản thân tôi. Từ đó, tôi trở nên thanh thản hơn. Nói cho cùng thì già đi chẳng qua chỉ là không còn sợ quá khứ của mình nữa.

Và bây giờ ông đã hiểu tại sao tôi bỗng quyết định kể số phận của tôi cho ông nghe khi ông bênh vực bà Hăngriét và ông say sưa giữ ý kiến rằng hai mươi bốn giờ có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời người đàn bà, tôi cảm thấy như những lời đó nhằm vào tôi: tôi biết ơn ông vì đây là lần đầu tiên, có thể nói là tôi được minh oan và thế là tôi nghĩ rằng, có lẽ giải thoát tâm hồn mình bằng cách thú tội, cái gánh nặng và nỗi ám ảnh vĩnh cửu của quá khứ sẽ mất đi và mai đây, tôi có thể sẽ trở lại nơi đó, đi vào gian phòng mà tôi đã gặp số phận của tôi, không còn oán hận cả anh lẫn tôi. Thế là khối đá đè nặng lên tâm hồn tôi sẽ được nhấc lên, tất cả sức nặng của nó sẽ đè xuống quá khứ, đè chặt lấy quá khứ không cho nó thức dậy nữa, như trong hầm mộ.

Đối với tôi, được kể lại cho ông nghe chuyện này, thật là hạnh phúc. Bây giờ, tôi thấy nhẹ nhõm, gần như vui vẻ… Tôi xin cảm ơn ông.

Nghe tới đó, thấy bà đã nói xong, tôi đứng ngay dậy. Vẻ hơi lúng túng, tôi muốn nói một điều gì, nhưng có lẽ bà tôi đã biết ý tôi, bà cắt ngang:

- Không, tôi xin ông, ông đừng nói gì… Tôi không muốn ông trả lời tôi hay nói điều gì… Xin cảm ơn ông đã nghe tôi nói và chúc ông lên đường bình an.

Bà đứng trước mặt tôi và bà chìa tay từ biệt tôi. Không chủ tâm, tôi nhìn mặt bà và thật là một điều cảm động khác thường khi thấy bà già này đứng trước tôi, nhã nhặn đồng thời lại hơi bối rối. Có phải đấy là sự phản ánh nỗi đam mê đã nguội lạnh rồi chăng? Có phải đó là vẻ thẹn thùng cứ tăng dần, bỗng nhiên cứ làm má bà cứ ửng hồng mãi đến tận chân tóc bạc trắng không? Chỉ biết rằng bà vẫn ở đó, như một thiếu nữ nết na bị kí ức làm xáo động và hổ thẹn với chính lời thú tội của mình. Tự nhiên, tôi thấy cảm động và muốn được bày tỏ sự kính trọng của tôi bằng một lời nói. Nhưng tôi cứ nghẹn lại. Tôi chỉ có thể cúi thấp xuống, kính cẩn hôn bàn tay héo hắt của bà cứ run lên nhè nhẹ như là mùa thu.

--- ------ ------ -----


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui