24 giờ trong đời một người đàn bàTại ngôi nhà trọ ở Riviêra (1), nơi tôi trú ngụ lúc đó (mười năm trước chiến tranh (2), một cuộc tranh luận dữ dội đã nổ ra tại bàn chúng tôi, đe doạ trở thành một cuộc cãi lộn ác liệt, với những lời lẽ hằn học và nhục mạ. Trí tưởng tượng của nhiều người thường không sắc bén lắm. Chuyện gì không dính dáng đến mình thì có như đóng chốt vào đầu cũng không làm họ mảy may xúc động; chuyện không quan trọng lắm nhưng xảy ra trước mắt, lại nằm trong tầm cảm xúc của họ thì họ sôi lên sùng sục. Thế là trong một chừng mực nào đó, để bù lại việc chỉ quan tâm đại khái đến những sự kiện bên ngoài, họ trở nên hùng hổ một cách vô lối và quá đáng.
Lần đó thì đúng như vậy, giữa những thực khách hoàn toàn là trưởng giả, ăn cùng một bàn, sau bữa cơm thường nói với nhau những câu chuyện phiếm (3) và những lời bông đùa nhẹ nhàng không sâu sắc, thông thường thì họ tản đi ngay: cặp vợ chồng người Đức thì dạo chơi và chụp ảnh, ông người Đan Mạch béo tròn, tiêu khiển bằng thú đi câu tẻ nhạt, bà mệnh phụ người Anh thanh lịch trở về với sách của bà, đôi vợ chồng người Ý rông đi Môngtơ Caclô chơi, còn tôi thì nhàn tản trên chiếc ghế ngoài vườn hoặc làm việc. Nhưng lần này chúng tôi đeo dính lấy nhau tranh cãi dai dẳng và nếu có ai trong chúng tôi bỗng đứng phắt dậy thì không phải để cáo lui một cách lễ độ như thường lệ, mà là trong cơn bực bội, nóng nảy đầy vẻ cáu kỉnh như tôi đã kể.
Thật ra, sự kiện khuấy động đến mức đó, những người ăn cùng bàn với nhau, kể cũng khá kì cục. Căn nhà trọ, nơi bảy chúng tôi ở, một biệt thự riêng biệt, vẻ ngoài thật đẹp (phong cảnh nhìn từ của sổ ra bờ biển, mép đá lô nhô, quả là tuyệt vời), đúng ra chỉ là một nhà phụ, rẻ tiền hơn, của đại khách sạn Palát, chỉ có cái vườn ngăn cách, nên lúc nào chúng tôi cũng có thể quan hệ được với những khách trọ trên Palát. Ngày hôm trước, tại khách sạn, đã xảy ra một vụ tai tiếng về đủ mọi mặt.
Số là, trong chuyến tàu trưa, đúng ra là mười hai giờ hai mươi phút (tôi phải chỉ giờ thật chính xác vì điều này quan trọng đối với việc đang xảy ra lẫn câu chuyện làm chúng tôi phải bàn cãi sôi nổi), một thanh niên người Pháp đã tới khách sạn và thuê một căn phòng trông ra biển: chỉ điều đó cũng cho thấy là chàng ta dư dả. Chàng được mọi người thích thú chú ý tới không chỉ ở phong độ thanh lịch kín đáo mà chính là ở vẻ đẹp cao quý, thật dễ thương; trên khuôn mặt nhỏ nhắn như thiếu nữ, là một bộ râu vàng óng như tơ, mượt mà trên môi, nồng nàn gợi cảm; trên vầng trán rất trắng là những gợn tóc nâu xoăn bồng bềnh; cái nhìn dịu dàng của chàng như mơn trớn, tất cả ở chàng tạo ra một vẻ êm êm đẹp đẽ, đáng yêu nhưng không có gì là giả tạo, điệu bộ. Nói cho đúng, thoạt tiên, trông chàng từ xa những ta thoáng nhớ tới những bộ mặt bằng sáp màu hồng, dáng điệu kiểu cách, tay cầm chiếc can lịch sự, tượng trưng cho cái đẹp của nam giới, được bày tại tủ kính các tiệm lớn, bán quần áo thời trang. Nhưng càng nhìn gần thì mọi cảm giác hợm hĩnh đều biến mất vì ở chàng, vẻ nhã nhặn là tự nhiên như thuộc bản chất con người (điều này thật hiếm). Đến đâu, chàng cũng khiêm tốn, thân mật chào tất cả mọi người và thật thích thú khi nhận thấy ở hoàn cảnh nào, sự ân cần của chàng cũng bộc lộ hoàn toàn thoải mái. 2Một phu nhân đi ra nơi giữ quần áo, chàng sốt sắng đến lấy áo choàng giúp; với mỗi đứa trẻ, chàng đều có một ánh mắt thân mật, một lời nói vui: chàng vừa cởi mở lại vừa tế nhị; tóm lại, hình như chàng là một trong những con người được ưu đãi; và do đức tính làm vui lòng mọi người bằng bộ mặt tươi cười và vẻ duyên dáng trẻ trung nên chàng lại có một nét tao nhã mới. Sự hiện hữu của chàng có vẻ như một ân huệ đối với khách trọ tại Palát, phần đông đều có tuổi và sức khoẻ kém; do dáng điệu hùng dũng của tuổi thanh niên, do bộ điệu nhanh nhẹn hoạt bát, do vẻ tươi tỉnh trong bản chất dễ thương làm một số người có cái vẻ uy nghi, chàng dễ dàng giành được tình cảm của mọi người. Hai giờ sau khi tới, chàng đã chơi quần vợt với hai cô con gái nhà kĩ nghệ béo mập và giàu sụ ở thành phố Lyông (4) là Annét, mười hai tuổi, và Blăngsơ, mười sáu tuổi. Mẹ hai cô gái, bà Hăngriet, mảnh mai, dịu hiền và rất kín đáo, khẽ mỉm cười trông hai cô gái nhỏ, còn thật ngây thơ, làm dáng làm điệu một cách vô thức với chàng trai ngoại quốc. Buổi chiều, chàng vừa chơi cờ vua giải trí với chúng tôi, vừa kể vài giai thoại vui vui một cách tế nhị, chàng dạo chơi nhiều lần khá lâu trên sân với bà Hăngriet; chồng bà này, như thường lệ, chơi đôminô với một ông bạn kinh doanh; tôi còn thấy chàng chuyện trò rất muộn với vẻ mật thiết đáng ngờ, trong bóng tối của phòng giấy với cô thư kí của khách sạn.
Hôm sau, chàng theo ông bạn Đan Mạch của tôi đi câu cá và tỏ ra có những hiểu biết phi thường về môn này; sau đó chàng bàn luận về chính trị rất lâu với nhà kĩ nghệ ở Lyông; và chàng cũng tỏ ra là người nói chuyện có duyên vì người ta nghe thấy tiếng cười của ông mập át cả tiếng sóng. Sau bữa trưa, (để hiểu rỏ tình hình, tôi phải kể thật chính xác từng giai đoạn thời gian biểu của chàng) chàng đã cùng bà Hăngriet, chỉ có hai người, uống cà-phê ở ngoài vườn; chàng lại chơi quần vợt với các con gái của bà, rồi chuyện trò với hai vợ chồng người Đức ở phòng lớn. Hồi sáu giờ, khi đi bỏ thư, tôi gặp chàng ở ga. Chàng vội đến gần tôi, kể là chàng buộc phải cáo lỗi vì bị gọi về gấp nhưng sau hai ngày, chàng sẽ trở lại đây.
Thật vậy, chiều hôm đó, chàng không có mặt ở phòng ăn, nhưng có thiếu chăng chỉ là thiếu sự hiện diện của con người đó, vì ở tất cả mọi bàn, người ta chỉ nói về chàng, ca ngợi tính tình dễ thương và vui vẻ của chàng.
Ban đêm, tôi đang ngồi trong phòng, đọc cho xong một cuốn sách, lúc đó có lẽ đã mười một giờ, bỗng, qua cửa sổ mở, tôi nghe thấy những tiếng kêu, những tiếng gọi lo âu ở ngoài vườn; rõ ràng, bên khách sạn, có một sự náo động khác thường. Vì lo lắng hơn là vì tò mò, tôi xuống ngay năm mươi bậc thang; ở dưới, tôi thấy khách trọ và nhân viên khách sạn đang trong tình trạng hỗn độn và náo động. Bà Hăngriet sau khi đi dạo trên sân dọc bờ biển như các buổi chiều, đã không trở về, trong lúc ông chồng thì như thường lệ, vẫn chơi đôminô với ông bạn ở Namuya (5), mọi người lo là có tai nạn. Giống như một con bò rừng, con người ở thành phố Lyông, vốn nặng nề, mập mạp, lao dọc theo phía bờ biển và trong đêm tối, tiếng gào: “Hăngriet! Hăngriet!” của ông ta, do xúc cảm mà giọng lạc đi, âm thanh đó gợi lên một cảm giác rùng rợn như tiếng gầm rống của một con thú khổng lồ thời nguyên thuỷ, trước giờ chết. Nhân viên khách sạn, bồi phòng chạy đi chạy lại tấp nập, lên xuống thang gác, người ta đánh thức khách trọ, gọi điện đến sở cảnh sát. Nhưng giữa cảnh ồn ào đó, con người to lớn ấy áo gi-lê cởi phanh cứ đi qua lại, lảo đảo bước những bước dài, ông thổn thức kêu to trong đêm, một cách điên dại, chỉ một cái tên: “Hăngriet! Hăngriet!”. Ngay lúc ấy, những đứa nhỏ ở trên lầu, đã thức dậy và trong bộ quần áo ngủ, chúng đứng bên cửa sổ gọi mẹ, còn người cha chạy tới cho chúng yên lòng.
Rồi bỗng xảy ra một điều thật hãi hùng, không sao kể lại được vì tạo vật, khi bị căng mạnh trong những cơn khủng hoảng đặc biệt, thường làm cho thái độ của người ta có một vẻ bi thảm lạ thường, không một hình ảnh, lời lẽ nào có thể diễn tả nổi, kể cả cái sức mạnh sấm sét ở trong nó. Bỗng nhiên, con người nặng nề, to lớn bước xuống các bậc thang rin rít với bộ mặt đã thay đổi hẳn, đầy vẻ mệt mỏi, nhưng dữ tợn, ông ta cầm một lá thư trong tay: “Gọi tất cả mọi người về đi!”.
Ông ta nói với người quản lí bằng một giọng vừa đủ nghe: “Gọi tất cả mọi người về, không cần tìm nữa, vợ tôi đã bỏ tôi rồi”.
Trước những kẻ đứng xúm quanh ông, tò mò nhìn ông bỗng nhiên ngượng ngùng, bẽn lẽn và hãi hùng giãn ra, con người bị đánh đến tử thương này có một dáng điệu căng thẳng phi thường. Ông ta còn đủ sức bước lảo đảo qua mặt chúng tôi, không nhìn ai, để đi tắt đèn trong phòng đọc sách. Người ta nghe tiếng tấm thân nặng nề, đồ sộ của ông gieo phịch xuống một chiếc ghế phô tơi, rồi một tiếng nấc man rợ, thú vật chỉ có ở những người chưa từng khóc bao giờ. Nỗi đau khổ thông thường ấy, gợi lên trong mỗi chúng tôi, ngay cả với người vô tình nhất, một tác động lạ kì. Không người bồi bàn nào của khách sạn, không một khách trọ nào, tò mò tới xem, dám hé môi cười, hoặc thốt ra một lời thương cảm. Câm nín, mỗi người chúng tôi, như cảm thấy hổ thẹn vì để bộc lộ tình cảm mình một cách sôi sục, lặng lẽ trở về phòng. Khi chỉ còn một mình trong căn phòng tối tăm, cái sản phẩm của nhân loại bị vùi dập này đã thoi thóp, nức nở, quá cô đơn với chính mình, tại ngôi nhà mà ánh đèn đang tắt dần, chỉ còn lại những tiếng rì rào, những tiếng thì thầm, những tiếng động yếu ớt cứ tàn lụi dần.
Người ta phải thấy rằng một sự kiện như sét đánh ấy, diễn ra trọn vẹn trước mắt chúng tôi, đã gây xúc động mạnh đến những người quen với buồn chán và những trò giải trí vô tư. Nhưng cuộc tranh luận nổ ra sau đó tại bàn chúng tôi lại kịch liệt và suýt biến thành ẩu đả; dù cho nó bắt nguồn từ sự việc lạ lùng này, bản thân nó chỉ là những vấn đề những nguyên tắc đối chọi nhau, những quan điểm khác nhau về cuộc đời chống lại nhau một cách gay gắt. Thật vậy, do một cô hầu gái thóc mách đã đọc được bức thư (ông chồng gục xuống trong cơn phẫn nộ bất lực, đã vò nát và quẳng bức thư xuống sàn nhà) người ta sớm biết rằng bà Hăngriet bỏ đi không phải một mình mà với chàng trai người Pháp (cảm tình của nhiều người đối với chàng từ lúc đó, đã mất đi rất nhanh). Thoạt tiên, người ta thấy ngay là cái bà Bôvary (6) nhỏ nhắn này đã đổi ông chồng béo ị, dân tỉnh lẻ lấy một chàng trai trẻ, thanh lịch, đẹp đẽ. Nhưng điều làm mọi người ngạc nhiên nữa là trong đó từ nhà kĩ nghệ, các con gái của ông đến cả bà Hăngriet đều chưa bao giờ gặp chàng Lôvơlêxơ (7) này; và như vậy là một cuộc trò chuyện ban đêm dài hơn hai giờ trên sân thượng, và một giờ uống cà-phê với nhau ở ngoài vườn đã đủ để xô đẩy một người đàn bà mẫu mực, chừng ba mươi tuổi, bỏ chồng và hai con gái để đi trong đêm, phiêu lưu theo một chàng trai thanh lịch, trước đó hoàn toàn xa lạ với bà.