Núi Khả Ngạch nằm ở phía bắc của khu trại, nhìn từ xa sơn thế triền miên hùng cứ một phương.
Nó trải dài với vô số ngọn núi nhỏ vây quanh, ở giữa là đỉnh Khả Ngạch cao vời vợi như thần núi sừng sững ngay ngắn.
Dưới sự tô điểm của những ngọn núi xung quanh nó lộ ra vẻ đẹp hiểm trở, khí phái không gì sánh được.
Vách núi như đao khắc, bên trong có sơn động, phía dưới có một hồ nước xanh sâu thẳm, vừa đẹp đẽ vừa tĩnh lặng.
Truyền thuyết nói trong núi này trải đầy linh ngọc, ngoại trừ cổ mầm thì bất kỳ ai vào đây đều không thể ra ngoài, thi cốt chẳng còn.
Giờ phút này cả ngọn núi truyền kỳ tràn đầy thần bí trong mắt người Miêu đã bị mưa tuyết của mùa đông phủ lên.
Vào mùa đông sắc núi trong sáng, trong rừng có một loại mùi kỳ dị lại thấm người.
Đó là mùi tuyết mát lạnh, rừng rậm tích đầy tuyết giống như được phủ một tấm màn nhung màu trắng, lâu dài mà thanh tú.
Con đường nhỏ trên núi có tuyết đọng dày tới tận bụng chân, người đi ở giữa không bao lâu sẽ ướt giày tất và cảm nhận được lạnh lẽo tận xương.
Chỗ sâu trong núi lớn vừa yên tĩnh lại tiêu điều, chỉ có khi gió núi thổi qua mới có tiếng tuyết đọng trên cành rơi xuống tất tốt.
Ngẫu nhiên cũng có vài tiếng nhánh cây gãy do không chịu nổi sức nặng của tuyết bám trên mặt.
Đi trong con đường núi lạnh lẽo yên tĩnh ấy là một đoàn người đang vội vã tiến về phía trước.
Đi đầu là một cô gái mặc áo đen, trong lòng ôm một con mèo đen.
Thân thể cô vẫn uyển chuyển nhẹ nhàng như trước giờ.
Phía sau là bốn người đàn ông mặc áo đen đang nâng một cỗ quan tài rắn chắc cũng màu đen.
Bọn họ bước vững vàng theo sát cô gái kia.
Tiếp theo là một thanh niên dắt một con trâu đã thành niên với hai sừng được quấn vải trắng.
Đi cuối đội ngũ là một cô gái người Miêu tuổi chừng 20, khuôn mặt xinh đẹp vô cùng.
Cứ cách trăm mét cô gái đi cuối lại như mặc niệm cái gì đó, chuông bạc ở cổ tay phát ra tiếng leng keng cực nhỏ.
Nhưng kỳ quái nhất là vào những lúc còn lại dù cô gái kia lắc tay hay hất tay thế nào thì chuông bạc cũng không vang lên bất kỳ tiếng động nào.
Đoàn người này đương nhiên là mấy người A Ly.
Mấy ngày trước đây núi lớn có gió tuyết đan xen, nhiệt độ không khí xuống thấp nên đa phần đường núi đều bị tuyết đọng chặn ngang.
Trong thời tiết ấy việc đi đường rất gian nan, nếu không có việc gì cần ra ngoài thì căn bản người Miêu sẽ ở trong nhà.
Nhưng từ khi A Ly mang hài cốt của mẹ mình đã được trừ độc ra khỏi sơn động của Trại Mỗ thì Diệp Hàng và cô đều khẩn trương.
Bọn họ chỉ nghỉ ngơi một đêm đã muốn khởi hành.
Vốn hai người đã chuẩn bị tinh thần sẽ phải ngược gió tuyết nhưng ai ngờ tới sáng sớm ngày thứ hai sắc trời lại sáng trong không ít.
Gió tuyết tàn sát mấy ngày bỗng ngừng hẳn sau một đêm, chỉ có mấy bông tuyết nhỏ ngẫu nhiên rơi xuống.
Mà vào đông thì đây coi như thời điểm thích hợp để đưa quan vào núi.
Trại Mỗ không đưa tiễn nhưng trước khi hai người xuất phát bà phái người đưa tới một cỗ quan tài cổ xưa làm thủ công.
Đồng thời bà dặn anh em Lôi Lí Gia tự mình cùng khách quý đưa quan.
Bởi vì bà dặn dò rất cẩn thận lại nghiêm túc nên tuy anh em Lôi Lí Gia có nghi hoặc nhưng chỉ có thể giấu trong đáy lòng chứ không dám tìm tòi sâu hơn.
Vừa ra khỏi động bọn họ đã dặn người suốt đêm chuẩn bị đồ cúng và đồ đưa quan.
Từ xưa nếu không bệnh mà chết thì sẽ dùng màu đỏ, người chưa lập gia đình dùng màu trắng, người bệnh chết dùng đen.
Cỗ quan tài Trại Mỗ cho người mang tới bên trong sơn đen, bên ngoài sơn nhựa cây màu trong suốt, sau khi hun lại lộ màu đồng cổ.
So với quan tài bình thường thì cái này hơi lớn hơn, hai đầu trước sau khắc rậm rạp cổ văn nhưng tất cả đều thể hiện sự chúc phúc và siêu độ của hậu duệ dành cho tổ tiên.
A Ly nhìn thấy cổ văn trên cỗ quan tài này thì biết Trại Mỗ lấy thân phận con cháu Lôi gia để cung tiễn tổ tiên vì thế cô chỉ lặng yên một chút rồi cùng đón nhận tấm lòng của bà ấy.
Nói tới cùng thì có thể lấy lễ nghĩa của người Miêu mà hạ táng chính là việc mà có nằm mộng mẹ cô cũng mong có được.
Vì phải nâng quan nên trong ngày khởi hành lại có thêm mấy người.
Lôi Lí Gia, Diệp Hàng và Vương Đại Đầu đều là người cường tráng nhưng quan tài dày nặng, đường tuyết lại khó đi vì thế Lôi Lí Gia chọn thêm hai thanh niên trong tộc đi theo, như thế trên đường còn có người đổi.
Con trâu này cần dùng khi hiến tế, thả trâu sống làm hiến tế thể hiện sự cường thịnh và giàu có của tộc nhân cùng sự kính trọng với người đã khuất.
Vì thế anh cũng chọn một con trâu cường tráng, cuối cùng là Lôi Linh Nhi đi cuối.
Dù còn trẻ nhưng cô đã là “Quỷ sư” trong trại, vì thế nhiệm vụ của cô là dẫn linh để đưa quan theo tục hạ táng của người Miêu.
Đoàn người đúng giờ xuất phát, tới chỗ đường rộng thì hai bên hai người cùng nâng, nếu là đường hẹp bọn họ sẽ đổi một trước một sau mà nâng.
Cứ thế vừa đi vừa nghỉ, tới ba giờ chiều cả đoàn đã tới chân núi Khả Ngạch.
Đường núi gập ghềnh, tuyết dưới chân mềm xốp với một hàng dấu chân.
A Ly đi đầu được tuyết trắng tô điểm nên dáng vẻ càng thêm uyển chuyển nhẹ nhàng.
Gió lạnh thổi qua làm góc áo màu đen của cô bay lên giống như bản thân cô cũng sắp bay theo gió.
Mặt giày bằng vải đen dẫm lên tuyết trắng lại gần như không để lại dấu vết gì.
Từ đêm đó trở đi thái độ của đám Lôi Lí Gia với cô đã sớm thay đổi, trở nên càng cẩn thận hơn.
Lúc này bọn họ nhìn thấy thế thì càng thêm sợ hãi, thậm chí còn cung kính với cả Diệp Hàng.
Cái này khiến anh cảm thấy cực kỳ bất đắc dĩ.
Cũng may một đường này bọn họ không ngừng lại nhiều lắm, trong lúc di chuyển lại không nói gì nhiều nên không khí không quá xấu hổ.
Lúc này mọi người đang đi tới một đáy vực hẹp, phía trước là vách đá dựng đứng giống như không còn đường nữa.
A Ly đi phía trước quay đầu lại vẫy tay với Diệp Hàng sau đó góc áo màu đen của cô chợt lóe lên đã biến mất.
Hóa ra nơi ấy có một đoạn rẽ vì thế anh dồn hơi thét to một tiếng và bốn người đồng thời cất bước nâng quan đi về phía kia.
Vừa rẽ ra khỏi con đường hẹp nhỏ thì phía trước đã lập tức mở rộng và trống trải.
Một ngọn núi hiểm trở đứng sừng sững trước mặt bọn họ, chỉ cách một cái hồ.
Nhìn lên có thể thấy đá tạo thành những hình thù kỳ quái, cả ngọn núi nguy nga hùng vĩ, dưới chân núi là một cái hồ sâu xanh thẳm.
Mặt hồ có khói sóng mỏng manh như ẩn như hiện.
Bốn phía là rừng thông rậm rạp phủ đầy tuyết trắng nhưng không hề lộ vẻ tiêu điều mà càng khiến nơi này thêm giống tiên cảnh.
“Tới rồi, trước tiên chúng ta đặt quan ở đây, mọi người cũng nghỉ ngơi đã.” Diệp Hàng nhìn quanh bốn phía vài lần sau đó ra hiệu để mọi người phối hợp dùng sức đỡ quan tài trên vai đặt xuống nền tuyết.
Quan tài rơi xuống vang một tiếng “Phanh”, tuyết đọng hơi bắn lên.
Trong một mảnh tuyết trắng đột nhiên có cỗ quan tài màu đen dày nặng tạo ra cảm giác đột ngột.
Con mèo đen dẫm lên tuyết để lại dấu chân hình hoa mai và đi về phía họ sau đó nhẹ nhàng nhảy lên đầu quan tài ngồi và đưa mắt nhìn bốn phía.
Một mèo và một quan tài khiến cảnh tượng càng thêm quỷ dị, cách đó không xa A Ly đứng yên bên hồ và đang ngửa đầu nhìn về một phía sườn núi.
“Rốt cuộc cũng tới rồi!” Vương Đại Đầu đổ mồ hôi ròng ròng, mệt đến độ thở không ra hơi.
Vừa hạ quan tài cậu đã dứt khoát ngồi xuống tuyết mà thở hổn hển.
“Chờ một chút, anh đứng lên đã ——” sợ cậu bị cảm lạnh thế là Lôi Linh Nhi vội vàng lấy một mảnh vải thêu sơn trà từ bên hông ra và nhẹ nhàng đẩy Vương Đại Đầu đứng dậy sau đó bảo cậu lót xuống mà ngồi.
Giọng cô mang theo khẩu âm của người Miêu nên mềm mại đáng yêu vô cùng.
Cô còn tiện tay đưa một bình rượu gạo giấu trong người nên vẫn ấm áp để cậu uống cho ấm người.
Hai anh chàng người Miêu khác cũng đang mệt thở hổn hển thấy thế thì nghiến răng nghiến lợi vì hâm mộ.
Vương Đại Đầu thì đỏ ửng hai tai rồi có chút ngượng ngùng ngồi lên tấm vải.
Chẳng qua không biết vì sao trong lòng cậu lại dâng lên chút đắc ý nho nhỏ.
Thấy cậu lại bắt đầu ngại thế là Lôi Linh Nhi cong môi cười nhưng cũng không nói nhiều mà quay đầu gọi hai người Miêu cùng nhau tìm một chỗ để đào tuyết nhóm lửa.
Đào một lúc bọn họ thấy một tầng cỏ khô mang theo ướt át lộ ra.
Mấy người lấy công cụ đánh lửa rồi nhanh chóng đốt một đống lửa ở đó và chuẩn bị lương khô cùng rượu gạo.
Diệp Hàng bên kia vẫn mang thần sắc bình thường, không hề lộ mệt mỏi.
Anh chỉ hơi xoa xoa bả vai rồi đi nhanh về phía A Ly.
Hai người sóng vai đứng yên bên hồ nước, A Ly hơi nghiêng đầu nhìn cửa động ở trên đỉnh núi đối diện và thấp giọng nói chuyện với anh.
Lôi Lí Gia đang dỡ các loại công cụ từ trên người con trâu nhưng thi thoảng vẫn ngẩng đầu nhìn bóng dáng hai người nửa ẩn nửa hiện trong sương.
Từ ngày A Ly nói muốn mang hài cốt mẹ mình tới an táng trong phạm vi của sơn trại, còn muốn vào động lớn trong núi Khả Ngạch lấy một thứ gì đó đã gửi nhiều năm thì Trại Mỗ cũng không dị nghị gì.
Không những thế bà ấy còn chẳng giận khi đối phương muốn vào thần động, bà còn dặn dò anh em họ phải tự mình đưa quan.
Mọi công việc bọn họ đều phải nghe theo sự sai bảo của A Ly.
Từ lúc ấy anh đã hiểu cô gái tên A Ly này khẳng định có quan hệ sâu xa với Miêu Trại, thậm chí với Lôi gia bọn họ.
Trong lòng nghĩ như thế nên một chuyến này ra khỏi trại anh cũng không thấp thỏm, chẳng qua anh không biết cô gái này đã để cái gì lại trong thần động.
Phải biết rằng chỗ kia không phải nơi ai thích vào thì vào.
Động Khả Ngạch là nơi người Miêu bọn họ dùng để an táng quan tài tổ tiên từ trăm ngàn năm nay.
Hoa táng, chôn, treo trên cây, bỏ vào động, tập tục mai táng của người Miêu ở mỗi nơi lại khác nhau.
Một chi người Miêu bọn họ từ xa xưa đã có tập tục mai táng trong động.
Lúc trong trại có người già qua đời con cái khóc tang xong rồi sẽ liệm xác và bỏ vào quan tài cùng các vật phẩm bồi táng khác.
Sau cùng bọn họ không chôn người chết cũng không hỏa táng mà chọn đêm xuống sẽ đốt đuốc và để thanh niên trong trại nâng quan đi theo toàn bộ người nhà tiễn vong linh ra khỏi trại, tới núi Khả Ngạch.
Bọn họ lấy dây dài kéo quan tài lên sơn động nơi lưng chừng núi để ở đó.
Qua mấy trăm năm này trong động đã có mấy ngàn cỗ quan tài.
Để bảo vệ di hài tổ tiên nên trong động đều có cổ độc.
Người ngoài vào nhầm nơi ấy mà không có người giải cổ thì ắt phải chết.
Cô gái tên A Ly này nhìn qua mới chừng mười mấy tuổi, sao có thể có thứ gì để ở đó nhiều năm rồi chứ? Chẳng lẽ lúc mới vài tuổi cô ấy đã từng tới đây ư?
Đáy lòng Lôi Lí Gia âm thầm suy nghĩ nhưng động tác trên tay vẫn lưu loát.
Chỉ một lát sau anh đã đặt các công cụ trên mặt đất.
Thấy hai người bên hồ vẫn đang nói chuyện thế là anh cũng không dám đi lên quấy rầy.
Vừa lúc chỗ đống lửa truyền tới mùi bánh dày nướng thơm nức thế là anh lắc đầu không nghĩ nhiều nữa mà lau khô nước tuyết trên tay rồi sải bước tới bên đống lửa ngồi xuống.
Anh duỗi tay đón lấy bánh dày và lạp xưởng nướng Lôi Linh Nhi đưa rồi cùng mọi người ăn và uống rượu gạo.
Bên hồ, A Ly bấm đốt ngón tay tính xong canh giờ thì thấp giọng nói với Diệp Hàng, “… Quan tài cần nhập táng trong lúc giao thời giữa ngày và đêm, tổng cộng chỉ có nửa giờ.
Hôm nay đúng đông chí lại vừa lúc gặp bích hồ giúp tán tuyết tụ thiên tinh.
Đây là lúc mới cũ thay đổi, sinh tử luân chuyển, là thời khắc mười năm mới gặp một lần.
Lúc hạ táng em sẽ thêm trận pháp và phù chú.
Chỉ cần duyên phận của cha mẹ chưa gãy ắt hẳn hai người sẽ có thể gặp lại nhau ở kiếp sau…..”
Nói xong cô hơi nhếch khóe môi lộ ra vui vẻ khi tâm nguyện sắp thành hiện thực.
Sau đó cô dừng một chút mới nhìn sơn động, nơi an táng của người Miêu từ xưa tới nay và nói, “Hài cốt của a cha được em giấu trong động này nhiều năm, hôm nay cuối cùng cũng có thể lấy ra.”
Bí thuật của Âm gia vừa kỳ quái lại quỷ dị, chỉ cần có da hoặc tóc của người thân cốt nhục của đối phương là có thể dùng làm dẫn hạ chú.
Năm ấy cô sợ sau khi tổ mẫu đã nhập ma của mình tỉnh táo lại sẽ dùng thi cốt của cha cô làm dẫn kiềm chế cô.
Đây là lý do vì sao cô không thể không mang theo thi hài của cha mình cùng chạy khỏi nhà cũ.
Khi đó cô mơ màng hồ đồ, cả người đều là vết thương lại chẳng có chỗ nào để đi nên cuối cùng đành quay về sơn động nơi quê hương của mẹ mình.
Âm gia và người Miêu trước giờ nước giếng không chạm nước sông, sau khi nguyên khí đại thương đám người Âm gia cũng không dám tra xét hành tung của cô khắp nơi.
Bọn họ cũng không thể tưởng tượng được cô sẽ giấu thi cốt của cha mình ở một nơi chỉ cách nhà cũ của Âm gia mấy đỉnh núi.
Hơn nữa trong động này còn rải đầy cổ độc, người ngoài khó mà tiến vào.
Vì thế sau khi dưỡng thương lành lại cô để thi hài cha mình ở lại đây.
Năm tháng vội vàng, người ta có quá nhiều điều cần làm.
Nay cô đã vớt được thi cốt của mẹ từ Âm Đàm lên thì chỉ chờ lấy được thi hài cha rồi chọn ngày lành tháng tốt hợp táng hai người với nhau là tâm nguyện của cô cuối cùng cũng sẽ hoàn thành.
Nhìn ý cười nhàn nhạt bên môi A Ly là Diệp Hàng lại bỗng nhiên chua xót đến độ khó nhịn.
Mỗi khi nhắc tới năm ấy A Ly chỉ nói qua loa vài câu nhưng anh lại có thể thấy cô gái nhỏ gầy yếu trọng sinh từ tro tàn trên đỉnh núi đỏ lửa kia.
Một mình cô mang theo thân thể bị thương lao vào trời mưa gió sấm chớp rồi dầm mưa quật mồ khai quan sau đó nghiêng ngả lảo đảo ôm thi hài cha mình tới cất giấu trong hang động của người Miêu.
Khí ấy cô phải trốn trong sơn động thê lương, giữa trăm ngàn cỗ quan tài để tránh né sự truy đuổi của tộc nhân, một mình chữa lành vết thương……
Thật hận vì khi ấy anh chỉ là một hạ nhân bình thường, không thể bảo vệ được cô.
Nghĩ tới chuyện xưa là ngực Diệp Hàng dâng lên đau đớn nói không nên lời, nhưng ngược lại thần sắc trên mặt anh lại nghiêm nghị hơn hẳn ——
Nếu không diệt trừ Âm gia thì A Ly khó có ngày bình yên! Những lời anh nhờ vả lão Dũng trước khi vào núi không biết có tác dụng gì không? Cũng không biết ông ấy có tìm ra cái gì không?…….
Đáy lòng anh nhanh chóng cân nhắc nhưng trên khuôn mặt tuấn tú lại không để lộ bất kỳ cảm xúc nào.
Thấy con ngươi trong vắt như nước của A Ly nhìn mình thế là anh gật đầu trả lời, “Như vậy chúng ta còn rất nhiều thời gian, nghỉ tạm một lát đã rồi sẽ vào động lấy hài cốt.
Sau khi đào huyệt xong chúng ta để mấy người họ về trại trước, việc còn lại……” Chuyện của Âm gia đợi sau này lại tra cũng được, hiện tại vẫn nên hoàn thành tâm nguyện của A Ly trước đã.
Anh cố nén suy nghĩ trong lòng và tinh tế thương lượng chuyện phía sau với cô.
Tuy động đá kia ở lưng chừng vách núi, những chỗ có thể đặt chân đều có tuyết đọng nhưng với thân thủ của anh và A Ly thì vào động lấy thi cốt cũng không phải việc khó.
Chắc hẳn bọn họ sẽ không tốn nhiều thời gian.
Trong thời tiết này mà ở lại nơi này quá nguy hiểm, đám Lôi Lí Gia nên về nhanh, quãng đường về không cần nâng quan nên chắc bọn họ sẽ có thể về tới Miêu Trại khi trời chưa quá tối.
Hôm qua A Ly bói toán ba lần, tất cả đều cho thấy ngày này là ngày đại cát cho việc hợp táng.
Nhưng lúc nhìn cửa động ở lưng chừng núi kia ngực anh ẩn ẩn khó chịu, hơn nữa sắc trời có tuyết rơi mênh mông không rõ, càng tới gần nơi này sắc trời càng tệ.
Ngước mắt nhìn lên chỉ thấy trên đỉnh núi này có mây đen áp xuống khiến lòng anh tự nhiên có cảm giác áp lực.
Cũng có thể do anh mệt mỏi nên mới như thế nhưng anh không muốn A Ly vào động một mình.
Huống chi cha A Ly cũng coi như cha vợ anh vì vậy vào động thỉnh thi cốt vốn cũng là việc anh nên làm.
Chỉ mong chuyện hợp táng diễn ra thuận lợi, có thể hoàn thành tâm nguyện của A Ly sớm.
Sau khi xong việc trở về anh còn chuyện quan trọng hơn cần làm.
A Ly rũ mắt nhìn bàn tay hai người nắm chặt thì nhếch miệng cười nói, “Cũng tốt, chúng ta đi nhanh về nhanh, chớ nên chậm trễ thời gian.”
“Được.” Diệp Hàng hơi hơi mỉm cười và duỗi tay dịu dàng vuốt bông tuyết đậu trên sợi tóc của cô.
Vương Đại Đầu ngồi cạnh cống lửa bên kia chìa đống đồ ăn thơm nức về phía này thế là anh nắm tay A Ly đi về phía ấy.
**********
Phần đất bên dưới hang động chỉ có một khoảng chừng mười mét là tới hồ nước.
Từ dưới chân lên tới hang động chừng 70-80 mét cao, ngoài động đều là nham thạch màu vàng và đỏ sẫm, trên vách đá chỉ có một ít khe hở nhỏ còn lại là vách đá dựng đứng hiểm trở.
Thông thường khi người Miêu đưa quan sẽ chọn thanh niên trai tráng thân thủ tốt nhất trong trại mang theo dây thừng rồi thi thố leo lên vách đá này trong điều kiện không có bất kỳ bảo hộ nào.
Bọn họ bám vào những khe đá rồi trèo lên cửa động sau đó buộc dây buông xuống kéo người lên.
Lúc này mọi người cùng hợp sức kéo quan tài lên.
Lúc dời đi bọn họ sẽ theo dây trượt xuống và dùng lửa đốt dây thừng kia.
Lần tiếp theo đưa quan bọn họ lại trèo từ đầu.
Vì qua thời gian núi đá rất dễ bị lở, vì thế người đầu tiên trèo lên là người gặp nguy hiểm lớn nhất.
Người này thường được các thiếu nữ trong trại coi như dũng sĩ, mà Lôi Lí Gia chính là dũng sĩ xuất sắc nhất được tộc nhân công nhận.
Nhưng giờ phút này chàng trai người Miêu ấy tay bám khe đá, miệng há hốc nhìn hai bóng dáng như chim én ở phía trên.
Cô gái kia thân thể tinh tế, nhẹ nhàng di chuyển thì cũng không cần nói nữa, Lôi Lí Gia cũng sớm đoán đối phương không phải người thường.
Lúc này thấy cô chỉ cần nhẹ nhàng đạp chân lên vách đá đã có thể bật nhảy lên cao thì anh cũng chẳng kinh ngạc lắm.
Nhưng Diệp Hàng thì quả thực khiến anh lắp bắp kinh hãi.
Vách núi đá này hiểm trở, trên đó lại tích đầy tuyết trắng cực kỳ trơn trượt và khó đặt chân.
Bản thân anh quen thuộc con đường đi lên nhưng vẫn phải tập trung toàn bộ tinh thần thế mà đối phương lại lấy tốc độ kinh người để di chuyển.
Chỉ thấy Diệp Hàng móc hai ngón tay vào một khe núi là đã kéo cả người nhảy vọt qua một mảng núi trơn nhẵn và bám vào một chỗ núi đá đua ra ngoài! Sau đó anh chỉ treo người ở nơi ấy một chớp mắt đã dựa vào sức của ngón tay để bật cả người về phía trước, trong phút chốc đã vững vàng đứng ở cửa động!
Lôi Lí Gia đi theo vốn chỉ để dẫn đường nhưng giờ phút này thấy Diệp Hàng còn nhanh nhẹn hơn mình thế là trong lòng anh dâng lên nhiệt huyết và lập tức lấy hết bản lĩnh giữ nhà ra mà leo lên.
Đám Vương Đại Đầu đứng ở dưới cách sương mù nhìn chằm chằm ba người tung người nhảy trên vách đá vàng đỏ lẫn lộn thì chỉ thấy lòng rung lên.
Không bao lâu sau ba người đã thành công tới cửa động, bóng dáng họ chợt lóe một cái đã biến mất ở cửa động tối tăm.
Mấy người phía dưới lập tức nhẹ thở ra và đồng thời khen ngợi —— “Quá tốt!”
——————————————————————————————————————————
Từ cửa động đi vào chỉ thấy không gian dần rộng hơn.
Đi xuống chừng mười mấy mét không gian đột nhiên mở rộng, phóng mắt nhìn lại chỉ thấy toàn bộ đều là quan tài.
Không gian ở đây rộng rãi đến độ người thường khó mà tưởng tượng được.
Ánh mặt trời có thể xuyên thấu qua cửa động chiếu vào nhưng rất ít ỏi, nơi ánh mắt có thể nhìn thấy được chỉ có chừng 70-80 mét.
Bên trên đỉnh hang động có đá núi lởm chởm, ngẫu nhiên có khe nứt, cùng một đám nho nhỏ nhũ đá.
Vì không đủ ánh sáng nên khó mà thấy rõ bên trong sơn động.
Biết bao nhiêu cỗ quan tài nhiều hình dạng được sắp xếp trên những giá gỗ hình chữ “Giếng” theo gia tộc và dòng họ.
Tất cả tạo thành tầng tầng lớp lớp, cao thấp đan xen, cực kỳ đồ sộ.
Giữa đống quan tài rậm rạp có mấy con đường mòn sâu kín dẫn vào trong, hai bên thi thoảng có vài quan tài rách nát để lộ mấy vật chứa như ấm sành linh tinh cũng đã vỡ nát.
Nơi gần cửa động ngẫu nhiên sẽ có nước mưa và ánh sáng nên có mấy thứ cây thấp bé không biết tên mọc lên.
Vì đang mùa đông, trong động ánh sáng ảm đạm nên đống cây cỏ này trông có vẻ tiêu điều.
Hai bên sườn của cửa động là đầu trâu chồng chất, bên trong là biết bao nhiêu quan tài, một mùi mục nát thần bí cứ thế đập vào mặt.
- -----oOo------.