Sài Gòn một chiều mùa hạ tháng 7 năm 2019
Chân tôi rảo bước ngập ngừng băng ngang qua con đường vừa mới ngớt dòng xe cộ, mặc dù đã chuyển lên sống ở thành phố đã gần 4 năm nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa quen lắm cuộc sống xô bồ của chốn phồn hoa đô thị, nhất là cảm giác rờn rợn, bối rối mỗi lúc băng qua đường, tạt ngang đầu một hàng xe máy đang đứng chờ đèn đỏ, có lẽ sự kiện bị đụng xe suýt chết lúc còn nhỏ đã ám ảnh tôi đến tận bây giờ, nó muốn nhắc nhở tôi rằng rõ ràng tôi chưa bao giờ thuộc về thành phố này.
Đây là lần thứ ba tôi ghé thăm Sài thành, hai lần trước đều là vào đúng những ngày hè mát mẻ hiếm có như thế này, mới một năm không gặp mà nhìn phố xá đổi thay chẳng đâu vào đâu, lần trước có người đi cùng, lần này chỉ đi một mình, nên tìm mãi mới thấy khu kí túc xá cổ xưa này, rõ là một nơi ở cũ kĩ, ọp ẹp, tường thì bong tróc, ố vàng, đóng cả rêu, lọt thỏm giữa một khu dân cư cũng chẳng mấy khang trang, toàn rác là rác, như chẳng ăn nhập gì với thành phố hoa lệ này.
Tấm bảng hiệu "Khu số 2" lủng lẳng phía trên chiếc cổng vào kí túc xá cũng như sắp rơi ra, làm ai bước qua cũng phải dặt dè e sợ rơi trúng đầu.
Tôi nhìn quanh, rồi bước vào phòng bảo vệ, hỏi ngay ông chú mặc đồng phục, tóc húi cua ôm chiếc mũ xanh có huy hiệu trên bụng, gật gà trên chiếc ghế đẩu, nom có vẻ buồn ngủ đến nơi, ông có vẻ già đi trông thấy so với lần trước tôi gặp:
- Chào chú, chú cho cháu qua cửa, cháu đến thăm bạn
- Hử? - Ông chú như sực tỉnh cơn mộng khi tôi nói đến lần thứ hai, nhìn tôi bằng đôi mắt ti hí từ trên xuống dưới một lượt rồi cất giọng kề cà - Nghỉ hè, sinh viên về hết quá nửa rồi, còn mấy người đâu mà thăm.
Tôi sốt ruột nài nỉ:
- Bạn cháu không về chú ạ, nên cháu mới phải lên thăm, cháu còn đem hoa quả cho bạn đây ạ!
Ông ta lại nhìn từ dưới lên trên tôi một lượt nữa, liếc sang tay xách toàn trái cây và đồ ăn của tôi, rồi hỏi:
- Bạn cô tên gì? Dãy nào?
- Dạ, Ngọc Ánh, năm cuối sư phạm tiếng Pháp, phòng số 2 ở dãy C ạ.
- Ừ, đúng rồi, con bé Ánh hè này chưa thấy báo về thật, cũng gần tốt nghiệp rồi..
- với kinh nghiệm làm bảo vệ ở đây gần chục năm, ông bác này dư sức biết rõ mặt mũi, đường đi nước về của hơn ba trăm sinh viên tá túc ở chỗ này, tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên vì Ánh từng kể cho tôi nghe rồi.
Điều tôi quan tâm đó là Ánh vẫn còn ở đây thật, tôi cứ lo cổ đi đâu biệt tích, cả tuần nay tôi không liên lạc được với cổ.
- Vâng, vậy cháu vào ạ!
Ông bác lững khững đứng dậy đẩy hàng rào sắt rỉ sét cho tôi, kí túc xá này nhìn tuy cũ kĩ vậy nhưng nội quy đặc biệt nghiêm ngặt hơn những chỗ khác mà tôi biết, hiếm khi cho người lạ vào nếu không có sinh viên ra "bảo lãnh", nhưng có lẽ đang kì nghỉ nên được thả lỏng đôi chút.
Đột nhiên có tiếng la hét thất thanh xé toạc khung cảnh yên bình:
- Có..
có người nhảy lầu rồi..
Sau đó là một loạt tiếng la lối ồn ào kéo theo những tiếng bước chân rầm rập, bác bảo vệ chạy ngay đi, mặt tái xanh, tôi cũng chạy theo nghe ngóng.
Bất an bùng lên khi tôi chạy đến phía đám đông hỗn loạn ở dãy C, dãy mà Ngọc Ánh ở, người càng ngày càng đông, tiếng ồn ào cũng chúa chát bên tai tôi, tôi đánh liều len vào đám người đang xôn xao, mạnh bạo tiến lên phía trước, trước mắt tôi là hiện trường vụ nhảy lầu, nạn nhân nằm sõng soài trên khoảng đất đầy máu me, cảnh tượng kinh hoàng đó có lẽ đến chết tôi cũng không thể nào quên được.
- Ai, ai gọi cấp cứu chưa? Là Ngọc Ánh, Ngọc Ánh ở phòng số 2 đó!
- Hả? Gì chứ? Hôm qua còn thấy cô ấy ở trong phòng như mọi khi mà..
sao lại dại dột làm ra chuyện này chứ..
- Tội nghiệp quá, cô ấy vẫn còn trẻ thế!
Túi đồ hoa quả trên tay tôi rơi xuống, cảnh vật bỗng nhòe đi, nhưng tôi gạt phăng mấy giọt nước mắt ngu ngốc đó ngay, xăm xăm chạy đến cạnh nạn nhân với suy nghĩ chắc người ta lầm rồi, không phải Ánh đâu, cô gái lạc quan ấy sao lại có thể nghĩ quẩn được, cô ấy đã hứa là sẽ đợi tôi cơ mà, cho đến khi ngay lập tức bị bác bảo vệ túm áo chặn lại, hét lên không cho đụng vào nạn nhân, vẻ kinh hoàng còn hiển hiện trên đôi mắt nhăn nheo của ông.
Tiếng còi xe cấp cứu vang lên ầm ĩ, người ta mau mắn vào đưa nạn nhân lên xe cấp cứu, lúc này không biết sức mạnh lấy ở đâu tôi đẩy mạnh ông lão bảo vệ ra, chồm đến, trời đất quay cuồng, cảnh vật nhốn nháo xung quanh như im bặt, tất cả như chỉ còn dừng lại và tập trung vào chiếc chuỗi gỗ trên cánh tay dính máu đỏ thẫm của nạn nhân, chiếc chuỗi gỗ mà chính tay tôi lựa cho Ngọc Ánh, chiếc chuỗi gỗ đã sờn màu, nhưng rất xinh vì có đính thêm một chiếc chuông nhỏ xíu, chiếc chuỗi mà Ngọc Ánh đã bảo rằng là quà tặng đẹp nhất trần gian, trên đời chỉ có một cặp duy nhất.
- Ngọc Ánh ơi!.