Âm Khách


Ta thấy hôm nay mồm mép cậu hung hãn lắm đấy.

Ân Vô Thư đứng giữa con phố đông đúc, chầm chậm lia mắt một vòng, lắng nghe âm thanh vọng lại gần xa, bất chợt nói:
– Đúng là thật ồn.
Tạ Bạch đang buông mắt nghe vậy ngẩng đầu, bất giác chưa hiểu vì sao y nói như vậy.
Ân Vô Thư khẽ híp mắt tưởng chừng đang nhớ lại gì đó, đoạn thản nhiên nói:
– Ta sống trên phố Cổ Dương bao nhiêu năm mà còn chưa nhớ rõ đến vậy.

Rằng những cửa hàng này tên gì, trước cổng có treo đèn lồng hay không, đèn lồng đỏ hay đèn lồng trắng, bên trong cửa hiệu có những ai, tất cả những điều này đến nay ta vẫn không hề để ý.

Những thứ ấy đúng thật không liên quan đến ta, ta chỉ ở đây vì nghiễm nhiên ta nên ở đây, không bàn đến thích hay không thích.

Và thậm chí, ta cũng ít khi “thích” hay “ghét” một thứ gì.
Tạ Bạch đáp “Ừm” rồi nói:
– Thứ ngài ghét rõ nhất ắt hẳn là tro bụi và bùn đất.
Ân Vô Thư bất đắc dĩ bật cười, chỉ tay về phía đông con phố:
– Kết luận chuẩn đấy.

Sau khi cậu vào ở rồi, ta mới bắt đầu có hứng thú dạo quanh, đều là để dỗ dành bé con cả.

Vào những dịp lễ tết, người dân tổ chức rất nhiều hoạt động dân gian mà ta cũng chưa từng chú ý, lần dẫn cậu đi hội chợ đèn lồng kia thật ra cũng là lần đầu tiên ta đến.
Tạ Bạch hơi ngạc nhiên, nhưng cũng nhanh chóng hiểu được — một người đã ngắm nhìn trăm dặm đường phố chợ Yêu và biết bao ngọc ngà châu báu như Ân Vô Thư thì sao có thể tò mò hứng thú với hội chợ dân gian được…
Lần nào Ân Vô Thư cũng đi chỉ để khiến hắn vui vẻ, cho hắn gặp gỡ những nơi sôi động, cho hắn nhìn thấy những điều mới lạ.
Ân Vô Thư cười nói:

– Sao ngạc nhiên vậy? Xem ra ta đóng kịch cũng ổn đấy chứ.

Khi đó ta chợt cảm thấy những con đường dài hẻm nhỏ đầy bụi chốn nhân gian hoá ra có hương vị thật đặc trưng, và bên phía này phố Cổ Dương cũng thật thú vị.
Y nói đoạn ngừng lại một chốc, mắt hơi nheo lại:
– Thế nhưng cũng có những lúc thật phiền phức… sau khi cậu rời khỏi, con đường này mỗi lúc một rộn ràng, cặp vợ chồng chủ tiệm vải kia cộng lại phải hơn trăm tuổi mà một người cười lên như ngỗng già với cổ, một người ầm ĩ lia chia như chim trĩ, hai người nói mãi chẳng thôi.

Rồi còn có căn nhà của Lâu Hàm Nguyệt, từ sáng sớm đến tối mịt, uống rượu hay ủ rượu đều chẳng dứt được mồm, có những lúc huyên náo tới độ ta chỉ muốn thả một đám mây sang đó cho trời đổ mưa rào, đuổi hết người đi.
Ân Vô Thư vừa nói vừa mỉm cười:
– Cũng may ta còn chưa thất đức đến nhường ấy.

Lúc đó ta cảm thấy chủ cửa hàng cũng ồn, mà khách qua đường cũng ồn, ngay cả gió thổi vào sân xuyên qua những cây đào cây mai kia cất lên tiếng xào xạc cũng khiến ta thấy thật nhức đầu.

Sau này ta mệt quá bèn chặt hết cây, chuyển sang một căn nhà nhỏ không sân để giảm bớt tiếng gió…
Tạ Bạch lắng nghe Ân Vô Thư mà ngẩn cả người.
Lời này sao giống hệt cảm nhận của hắn khi sống nơi đây, cũng chính vì lý do đó mà hắn mới dọn ra khỏi chỗ này và chuyển vào căn hộ trong khu chung cư bình dân kia.

Hắn từng cho rằng một trăm năm qua, chỉ mỗi mình hắn khắc khoải khôn nguôi giữa những luồng cảm xúc lặp đi lặp lại này.

Đến giờ mới biết, hắn không đơn côi…
Những tâm tình đè nặng trong lòng suốt trăm năm tan biến trong nháy mắt, bỗng dưng tiếng người xao động đầu đường cuối phố nơi đây nghe vào cũng dễ chịu hơn nhiều.
Tạ Bạch quay sang nói với Ân Vô Thư:
– Ngài còn tính đứng trên phố bao lâu, không định vào nhà ư?
Ân Vô Thư nhíu mày:
– Vào chứ, chỉ đợi mỗi câu này của cậu thôi đấy.


Ngặt nỗi, âu phục giày da không phù hợp lắm trên con đường này.
Tạ Bạch tức giận liếc y:
– Ngài chớ lý sự nữa, vào thôi.

Nói xong, hắn bước về phía căn nhà cũ Thái Huyền đạo.
Tạ Bạch đưa tay đẩy cửa, bên trong sân hoa đào rực rỡ như dòng sông, tiết trời vừa đẹp.

Hắn bước chân qua thềm cửa vào trong sân.

Vừa đi được hai bước, hắn nhận ra Ân Vô Thư vẫn đang đứng ngoài cổng phía sau lưng mà không vào.
Tạ Bạch ngoảnh người, thắc mắc hỏi:
– Vì sao ngài không vào?
Ân Vô Thư hỏi câu này đáp câu nọ:
– Hoa đào nở vừa khéo.
Tạ Bạch dửng dưng:
– Vừa khéo một trăm năm, ngài hoá ngốc rồi à?
Ân Vô Thư vẫn không tỏ vẻ muốn vào, chỉ ôm tay đứng tựa cửa, khẽ mỉm cười nhìn hắn mà rằng:
– Thiếu niên này, bàn bạc chút nhé.
Tạ Bạch:
– … Nói.
Ân Vô Thư gãi cằm:
– Cậu có thể thay đổi phục trang không, chiều lòng kẻ đáng thương hay đòi hỏi ta đây một chút đi mà.
Tạ Bạch hơi giật khoé miệng rồi lại lướt nhìn cảnh vật trong sân, đoạn miễng cưỡng ậm ừ trong mũi xem như câu trả lời.


Vừa xong, mái tóc hắn bỗng tung ra thật dài, áo sơ mi kèm áo khoác trên người đã chẳng còn, được thay vào bởi xiêm y trắng với áo khoác rộng tay mà hắn thường mặc thuở trước, gió lộng qua ống tay áo giống hệt năm xưa.
Trăm năm đã qua, nay choàng tỉnh mộng.
Ân Vô Thư lặng lẽ nhìn hắn hồi lâu, rồi chợt gõ tay lên cánh cửa đã mở sẵn, tiếng gỗ cốc cốc vang lên, y cất lời hỏi:
– Tại hạ đến từ một trăm năm sau, không biết vị tiên sinh họ Tạ dưới gốc đào có muốn hỏi gì chăng?
Tạ Bạch: …
Hắn há miệng tính bảo ngài hoá ngốc rồi à, nhưng nhìn thấy ánh mắt nén cười của Ân Vô Thư, hắn lại nhịn xuống.

Sau một hồi đấu tranh, cuối cùng hắn vẫn hậm hực lắc đầu:
– Không có.
Ân Vô Thư thoáng chừng đôi chút, rồi tiếp tục ôn tồn nói:
– Vậy thì, ta có chuyện muốn hỏi cậu… một trăm ba mươi hai năm qua ta vẫn luôn mơ về nơi này, mơ thấy cậu đẩy cửa bước vào từ phía ngoài, tay cầm rượu mua từ chỗ Lâu Hàm Nguyệt và nói với ta rằng cậu đã quay về.
Tạ Bạch nghẹn thở.
Ân Vô Thư lặng lẽ nhìn hắn, nét cười trong đôi ngươi đã trầm tĩnh tự khi nào, lần đầu tiên y chân thành đến thế, y nói:
– Ta muốn hỏi cậu rằng… với tất cả những chuyện xảy ra trong trăm năm này, cậu có còn bằng lòng về nhà hay chăng?
Bao cơ sự trăm năm qua lướt qua trước mắt Tạ Bạch hệt như những cánh đào không ngừng rơi, che kín tầm nhìn hắn.
Rồi gió chợt dừng, cây trĩu lặng.
Bụi trần lắng đọng, khung cảnh sáng trong.
Người dưới cây vẫn đứng dưới tàng cây, người ngoài cửa vẫn tựa bên thành cửa.
Tạ Bạch nhẹ giọng:
– Hiện tại đây là nhà tôi.
Ân Vô Thư lập tức đáp lời:
– Ừm, được thôi, đây là nhà cậu, thế cậu có bằng lòng để ta về nhà chứ?
Tạ Bạch nhấc cằm, cất giọng điềm nhiên:
– Vào đi.
Ân Vô Thư mỉm cười, đứng thẳng người dậy và nhấc chân bước qua thềm cửa.

Bước chân ấy tựa như đang bước qua hết thảy một trăm năm chuyện xưa, thế rồi Tạ Bạch tiếp lời:
– Chủ nhân đã thay đổi, thân phận người vào cửa cũng nên thay đổi.
Ân Vô Thư hơi nheo mày, lần đầu y thấy Tạ Bạch chủ động như vậy nên rất vui vẻ hỏi:

– Hửm? Thế nên đổi thành gì?
Tạ Bạch nghiêm giọng:
– Cha?
Ân Vô Thư trật chân bên bệ cửa, suýt chút ngã chỏng gọng: …
Tạ Bạch mím môi nén lại một nụ cười nhạt, đôi mắt cong lên sáng ngời giống hệt biểu cảm mỗi lần chơi khăm thành công năm xưa.
Ân Vô Thư một chân trong sân, một chân ngoài cửa, nét mặt y diệu kỳ khôn tả.

Y đứng sượng trân cả buổi mới nặn ra được một câu:
– Đừng quậy nữa! Cậu gọi như vậy làm ta cảm thấy mình không khác gì đồ biến thái, thế có cho ta vào hay không…
Tạ Bạch nhếch cằm:
– Tôi thấy trong mắt của nhóm dì Lâu, ngài đã là thế rồi.

Người không moi tim thì không chịu yên, ra ngoài bảo bản thân không biến thái thì ai mà tin?
Ân Vô Thư:
– … Thiếu niên à, ta thấy hôm nay mồm mép cậu hung hãn lắm đấy.
Tạ Bạch ôm cánh tay nhìn y:
– Nhờ ơn ngài cả, kế thừa một dòng mà.
Vừa đang ung dung đáp lời, ngay giây sau một đoá hoa chắn trước mắt hắn, chớp mắt một cái mà Ân Vô Thư vừa còn ngoài cổng đã đứng ngay trước mặt, khoảng cách gần vô cùng.
Người y rất cao, đứng ở khoảng cách gần như vậy thì tới Tạ Bạch cũng phải hơi ngửa mặt mới nhìn thẳng được vào mắt y.
Ân Vô Thư bóp nhẹ cằm Tạ Bạch, rủ mắt nhìn xuống:
– Thật hợp lý, hợp lý đến độ ta cũng không cách nào nói lại được.
Rèm mi Tạ Bạch run khẽ, hắn cũng buông ánh nhìn, giọng điệu cứng rắn:
– Vậy…
– Vậy phải chặn lại thôi…
Ân Vô Thư cúi đầu, cọ chóp mũi mình lên chóp mũi hắn, nhẹ nhàng vuốt ve một chút rồi hôn vào.

Những âm cuối cùng rơi bên khoé miệng, nhỏ tựa một lời thầm thì không thể nghe rõ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận