Dưới ánh đèn yếu ớt, bộ mặt nhợt nhạt của Nguyễn Khoa Học lộ lên dưới mái tóc trắng rối bù. Đích xác Nguyễn Khoa Học.
Trần Phách hãi hùng khi hình dung một người không não đang nhảy tênh tênh trước mặt ông là một bóng ma. Cái bộ não mang tên Nguyễn Khoa Học mà ông nhìn thấy đằng kia rốt cuộc là cái gì. Điều gì đã xảy ra? Sự im lặng đến ghê người và sắc thần dữ dội trong đôi mắt đỏ ngầu của ông ta làm Trần Phách càng sợ hãi.
- Viện trưởng!... ông là Nguyễn Khoa Học ư?
Ngay cả Hà Phan đang đứng cạnh cũng không khỏi ngạc nhiên khi sếp mình lại có một câu hỏi thừa thãi và nực cười đến thế, anh có ý định trả lời thay thì đến lúc Nguyễn Khoa Học lên tiếng.
- Trần Phách! ông chỉ nói đúng một nửa. Một nửa Nguyễn Khoa Học đã chết.
Lúc này thì cả Hà Phan và Trần Phách sững sờ tột độ.
- Thì ông là Nguyễn Khoa Học, mà...ông vẫn còn sống đấy thôi?
Trần Phách thấy mình tệ hơn bao giờ hết khi hỏi một câu mà chính ông cũng thấy ngớ ngẩn đến khôi hài. Giác quan ông không thể bị đánh lừa, và ngay cả Tôn Thất Sắc cách đây một phút cũng tin Nguyễn Khoa Học còn sống vậy mà ông ta lại phủ nhận. Từ ngày quay lại xứ sở Angkor huyền bí này, ông thấy mình lúc mê lúc tỉnh, nhưng đêm nay ông hoàn toàn minh mẫn. Nếu không sáng suốt ông đã không nghĩ ra kế đánh tráo vị Tư lệnh trên trực thăng để đột nhập. Nếu không tỉnh táo ông đã không thể hạ gục Tea Sech để đánh thọc vào đây.
- Không phải tôi! – Người kia thì thào như tiếng gió rít. - Người mà các ông cung kính gọi là viện trưởng Nguyễn Khoa Học bấy lâu nay chỉ là cái xác mà thôi, vong linh ông ta đang nằm dưới chín suối.
- Vậy thì ông... – Trần Phách chỉ thẳng trán người đang đứng trước mặt. - Rốt cuộc thì ông là ai?
Người đàn ông nhìn Trần Phách thất vọng rồi lắc đầu.
- Trần Phách! ông vẫn không thuộc bài giảng về thay não của tôi rồi, bộ não đang nói chuyện với ông đây chính là Son Sen.
- Ông nói gì...? – Trần Phách lạc giọng vì kinh hãi.
Trần Phách và Hà Phan không thể tượng tưởng nổi bộ óc cuồng sát của một lãnh tụ Khơ Me đỏ lại kí sinh trong đầu vị tiến sĩ y khoa đang lởn vởn trước mặt.
***
Được đưa khẩn cấp vào bệnh viện Angkor trên phố Achamean, mấy chục phút sau Tôn Thất Sắc đã hồi tỉnh. Trong cơn đau vẫn chưa cắt, những chuỗi ngày ám ảnh như sống dậy trong tiềm thức của ông.
Tôn Thất Sắc nhớ lại một năm về trước, với tư cách thành viên một tổ chức phi chính phủ do Nhật Bản tài trợ có tên gọi ‘’Phòng chống bệnh viêm não tại hạ lưu sông Mê Kông’’ ông đã tham gia đại hội đầu tiên của tổ chức y tế này.
Trong năm đầu tiên thành lập, tổ chức này nhanh chóng quy tụ nhiều nhà nghiên cứu về não, các nhà phẫu thuật có kinh nghiệm và các chuyên gia thần kinh có tên tuổi đến từ Nhật Bản và các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông. Trụ sở của hội tại 234 Monivong thủ đô Pnompenh, nơi này vào ngày 18/6 sẽ diễn ra hội nghị khoa học thường niên đánh giá kết quả nghiên cứu của các hội viên đồng thời cập nhật diễn biến mới các bệnh về não. Thông tin chi tiết được loan tải rộng rãi trên báo chí các nước và các tập san y khoa của Đông Nam Á.
Năm đó, đại diện Việt Nam không thể ai khác ngoài hai diễn giả được mời là Tôn Thất Sắc và Nguyễn Khoa Học. Hai nhà khoa học có uy tín này không bỏ lỡ thời cơ mang những gì tinh túy nhất trong nghiên cứu của mình để giao lưu và trao đổi học thuật với các đồng nghiệp đến từ các quốc gia có nền y học tiên tiến hơn.
Không ai biết rằng, đằng sau ánh sáng khoa học tráng lệ kia là một bóng đen bí hiểm đang chờ đón ông. Tôn Thất Sắc không ngờ chuyến đi đó không chỉ gây nên một hệ lụy khôn lường với cá nhân ông mà còn để lại một vết nhơ cho y học của nhân loại. Ông cũng không bao giờ có thể quên được rằng, ông đã bị chính sếp của mình bức tử sự nghiệp với một ý tưởng điên rồ nhất
Chiều 18/6 hôm đó, sau phần trình bày đề tài nghiên cứu của ông là các phần thảo luận, giải đáp các câu hỏi của nhiều cử tọa đã làm cho buổi tọa đàm trở nên sôi nổi và kéo dài so với dự kiến. Hội nghị đã bế mạc sau hai ngày làm việc chính thức vì sang ngày hôm sau chỉ còn là những buổi tiệc chiêu đãi và tham quan tự do các đền đài mà chỉ có xứ sở này mới có.
Tôn Thất Sắc vô cùng hào hứng cho những chuyến đi đã được người bạn Samdech Pen Niouk lên lịch cho ngày hôm sau. Đêm đó, sau mấy chầu nhậu lâng lâng, ông về khách sạn 5 sao sang trọng để nghỉ ngơi. Lòng ông rạo rực đến nỗi không chợp nổi mắt. Tầm một giờ sáng, trong bộ đồ pi-ja-ma tơ tằm êm như bông, ông đang kê cao gối lướt các kênh truyền hình cáp để tìm một chương trình nào dành riêng cho quý ông thì có tiếng chuông cửa.
- Ai đấy? - Ông ngó ra cửa rồi lục nhanh trí nhớ của mình rằng trong lúc say ông có gọi dịch vụ gì cho đêm nay hay không. Lại có tiếng chuông đổ dồn và ông quyết định ra hé cửa.
- Ai đấy nhỉ?
- Tôi đây, Nguyễn Khoa Học.
Nhận ra giọng sếp, ông thoáng chút ngạc nhiên rồi tháo dây xích mở rộng cửa.
- Thủ trưởng vào đi. Có việc gì vậy?
- Tôn Thất Sắc, phiền ông một việc. – Vị viện trưởng vẫn nguyên bộ sơ mi trắng đang tỏa mùi rượu rum thơm phức bước vào. - Samdech vừa gọi điện cho tôi, và muốn phiền ông đôi chút.
- Hi vọng ông ta không sao chứ? – Tôn Thất Sắc khá ấn tượng với tửu lượng của Samdech. Với tư cách chủ nhà, đêm nay vị bác sỹ từng có hai bài báo khoa học lên án rượu là thủ phạm gây bệnh nhũn não này cầm chai Jaya cạn li với tất cả 42 vị khách áo trắng bên bàn tiệc. Thật không hổ danh quân y.
Nguyễn Khoa Học liền chậc lưỡi:
- Sức khỏe ông ấy vô địch. Vấn đề không phải việc của ông ta, nếu ông chưa buồn ngủ hãy cùng đi với tôi một lúc, sẽ có người đón chúng ta.
- Vậy thì thăm ai? – Tôn Thất Sắc ngạc nhiên.
- Bạn thân ông ấy.
- Không sao, tôi sẽ đi cùng sếp, nhưng có thể vui lòng cho tôi biết nguyên do được không.
Mặc dù vị viện trưởng còn đang lưỡng lự chưa đáp, nhưng Tôn Thất Sắc đã đi về ngăn tủ và thay xong bộ - lê của mình. Đã 30 năm nay, mỗi khi có điện thoại hay tin báo, cho dù đang ngủ say giữa đêm khuya ông c vùng dậy và tới với bệnh nhân kịp thời.
- Xong rồi, ta đi thôi. - Tôn Thất Sắc hãnh diện với tác phong quân đội của mình.
Lạ thay, vị viện trưởng vẫn đang ngồi trên salon với vẻ mặt đầy tâm trạng.
- Ông Sắc ạ, tôi muốn nói với ông ở đây luôn.
Bị dựng dậy lúc nửa đêm để nghe tâm sự của một thằng say quả không phải là chức năng của một bác sỹ thần kinh. Tôn Thất Sắc miễn cưỡng chiều lòng sếp mình, vừa đặt mông xuống ghế thì Nguyễn Khoa Học đã đứng dậy đi chốt cửa rồi quay lại với khuôn mặt nghiêm trọng.
- Ông Sắc! Tôi đề nghị ông tiến hành ngay một thí nghiệm.
- Thí nghiệm gì ở đây? Tôi tưởng ông gọi tôi vì một ca bệnh nguy kịch cơ đấy.
- Hiểu thế cũng không sai. Thực ra thì hai việc này là một.
- Hai việc này phải tách bạch chứ.
Sự ngạc nhiên của Tôn Thất Sắc lại bị đẩy lên một nấc. Hơn ai hết, người trong nghề như họ biết thí nghiệm và chữa trị là hai quá trình cách biệt nhau. Điều tối kị nhất trong nghành y là thí nghiệm ngay trên bệnh nhân của mình. Vậy mà từ miệng vị bác sỹ đầu nghành lại phát ra một chỉ thị vi phạm y đức như vậy. Vốn thuộc tố chất bẩm sinh, viện trưởng Nguyễn Khoa Học không cho ai một cơ hội để hiểu nhầm về mình, ông ta nói ngay:
- Vậy mà nó là một đấy ông giáo sư ạ. Đây là hai bệnh nhân vô cùng đặc biệt, chỉ có một phương pháp duy nhất để chữa sống cho cả hai. Mặc dù chưa từng thực chứng trên người nhưng với những gì ông đã làm trong chục năm nay tôi tin tưởng rất lớn ở ông.
Cặp mắt phúc hậu của Tôn Thất Sắc ánh lên sự phản đối. Hàng ngàn thí nghiệm chỉ dừng lại trên động vật mà chưa dám thực nghiệm trên người vì vô số lí do của nó. Ông nôn nóng sếp mình nói thẳng vấn đề càng nhanh càng tốt.
- Xin viện trưởng cứ nói rõ hơn.
- Ông hãy thay não ột người... may ra cứu nổi họ.
- Thay não? thay cho ai? - Tôn Thất Sắc nhổm bật khỏi nghế.
- Chính tôi!
Giáo sư Tôn Thất Sắc nhìn phắt cấp trên của mình bằng ánh mắt toát vẻ kinh hãi.
Nguyễn Khoa Học vỗ bệt hai tay lên trán rồi miết mái tóc bạc trắng ra phía sau như để thứchi bị đối chất bởi một thiên tài đang trước mặt.
- Thủ trưởng! Liệu tôi không nghe nhầm đấy chứ?
- Tôn Thất Sắc, ông hãy nghe đây. Hơn ai hết ông hiểu căn bệnh u não ác tính của tôi đã hành hạ tôi hàng năm trời rồi. Nay tôi muốn thay toàn bộ phần não.
- Vì thế ông quyết định hiến thân cho khoa học ư?
- Cứ cho là như vậy đi. Ông định so tôi với cậu bé Joseph Meister nhiễm virus bệnh dại trước khi quyết định tìm đến tìm đến Luis pasteur đấy chứ? – Nguyễn Khoa Học khôi hài một cách chua xót.
- Tôi hiểu ông có mục đích cao cả hơn nhiều.
- Sự hiến thân này có gì là vẻ vang đâu. – Nguyễn Khoa Học ngửa mặt lên chậm rãi. - Tôi đã già, hãy làm một cái gì đó trước khi nhắm mắt. Chỉ có ông mới giúp được cho tôi.
- Nếu thất bại ông sẽ từ giã cuộc sống quý báu này ngay tắp lự. Tôi khẩn thiết mong thủ trưởng hãy bình tâm suy nghĩ.
- Tôi thích mạo hiểm, làm khoa học phải dẫn thân. Tôi muốn là người tiên phong ông hiểu chưa. Con người ta chỉ dũng cảm hiến thân cho khoa học khi họ đã chết, khi họ không còn cảm giác đau đớn và sợ hãi. Nhưng tôi phải khác họ, tôi hiến sống cho khoa học, tôi trao thân tôi cho ông đấy. – Nguyễn Khoa Học nhìn sang Tôn Thất Sắc riết róng. - Tôn Thất Sắc! hãy dũng cảm đi, đời người sống chẳng bao lâu, hãy làm một cái gì đó thật vang dội đi Tôn Thất Sắc! Nếu ông ngại một sự ràng buộc pháp lí và y đức, tôi sẽ viết giấy cam kết tự nguyện ngay bây giờ.
- Nhưng tại sao lại phẫu thuật tại xó này mà không phải là Mỹ, hay u châu?
- Các ông nhầm to đấy.- Nguyễn Khoa Học cảm thấy bị xúc phạm y như một người Campuchia đích thực phản ứng khi bị phủ nhận Angkor Wat không phải do người khmer xây lên. - Chính đây mới là nơi làm chủ các công nghệ tối tân nhất! Những thiết bị y tế tiên tiến cho đến các dòng xe đời mới nhất đang lăn bánh không phải tại Mỹ hay Anh mà là ở Campuchia đấy ông ạ!
Nguyễn Khoa Học đứng dậy kéo tay đồng nghiệp ra cửa sổ kéo roạt tấm rê-đô chỉ sang hòn đảo Kim Cương rực rỡ chốn ngã ba sông rồi cất giọng kiêu hãnh.
- Đây ông hãy nhìn xem! dưới bến là các du thuyền sang trọng, trên bến thì Limousine, Maybach, Rolls-Royce, Hummer....nối đuôi đến tận quảng trường NagaWorld. Ngay dưới chân chúng ta cũng là một casino hiện đại bậc nhất thế giới. Cũng theo thiển ý này của tôi thì lĩnh vực khác họ cũng có những thứ nhập khẩu thượng t nhất. Đó là chưa nói một số thương vụ được thực hiện trong bóng tối.
- Nhưng vấn đề không chỉ là thiết bị.
Nguyễn Khoa Học nhếch môi:
- Thế ông nghi ngờ tay nghề bác sỹ ở đây ư? Vậy những người nhắm rượu Jaya với ông đêm nay không đủ tài sao?
Vậy là đã rõ, hóa ra vị sếp đáng kính này muốn tận dụng máy móc và các bậc thầy về não đang tụ về đây để làm phẫu thuật cho ông ta. Tôn Thất Sắc không biết ông ta sẽ dùng phương pháp mổ u não bằng dao Gamma hay bằng máy khoan thủ công đầy ấn tượng của một tiến sĩ Khơ Me vừa trình làng chiều nay. Dù sao, một điều mà ông chắc chắn rằng là chương trình du ngoạn đền Bayon sáng mai của ông đã bị sếp mình tước đoạt thẳng tay.
- Còn thời gian thì sao?
- Việc này chỉ diễn ra trong ba ngày tính cả hồi phục hậu phẫu. Tôi đã nhờ Samdech điện về báo cho cấp trên và gia đình chúng ta rằng tôi đang bị tai biến, hiện đã qua cơn nguy kịch nhưng cần điều trị và theo dõi vài ngày. Còn ông với tư cách bác sỹ chuyên khoa nên phải ở lại giúp tôi. Tóm lại những việc hậu trường ông không cần để tâm.
Tôn Thất Sắc sững người hồi lâu, hóa ra mọi việc đã được sắp đặt đâu vào đấy. Còn bản thân ông ngầm hiểu rằng đã bị giam lỏng và chặn hết mọi thông tin ra ngoài để toàn tâm thực thi sứ mệnh.
Có tiếng chuông điện thoại trên bàn reo vang, Nguyễn Khoa Học chủ động cầm lấy.
- Hello! ....Okey, chúng tôi sẽ có mặt ngay bây giờ.
Nguyễn Khoa Học đặt máy rồi trịnh trọng.
- Thưa ngài giáo sư! Samdech đang chờ ta đấy, xin mời ông theo tôi!
Tôn Thất Sắc lập tức cự nự.
- Thủ trưởng, tôi lên án mọi hành động thay não bằng bất cứ lí do nào. Hơn nữa tôi hoàn toàn chưa chuẩn bị tâm lí cho vai trò bác sỹ trong ca mổ này.
- Nhanh lên. Chúng ta không còn thời gian.
Nguyễn Khoa Học mở cửa khi có tiếng gõ. Hai vệ sĩ da ngăm đen lực lưỡng xuất hiện rồi áp giải vị giáo sư ra ngoài. Họ dẫn ông ra sảnh thang máy hành lang rồi lên nút đi ngược làm Tôn Thất Sắc khá ngạc nhiên. Bước vào sau đôi cánh kim loại màu chì, một phút sau, khoảng sân thượng lộng gió mở ra. Tôn Thất Sắc giật mình khi trước mắt là một con vật khổng lồ bằng sắt lù lù trong đêm đang chờ ông: Chiếc Mi
Tôn Thất Sắc bị bịt mắt và ngồi giữa hai vệ sĩ trong khoang, trước mặt và hai bên là khoảng không đen ngòm như chao đảo. Một tiếng sau, chiếc máy bay lên thẳng đáp xuống một vị trí nào mà ông không thể biết.
Họ tháo băng mắt rồi dẫn ông vào một khu kiến trúc lạ mắt. Trần khá thấp và dày đặc các đường ống kẽm ngang dọc một cách quy củ giống như dưới tầng hầm. Tiến về một căn phòng đang hé cánh cửa màu trắng nằm cuối hành lang hẹp. Đây hệt một block điều trị đặc biệt của một bệnh viện, ông không biết nó thuộc tỉnh nào hay khu rừng nào. Chỉ đoán chắc căn cứ này rất an toàn với một cơ sở thiết bị không thua các bệnh viện cao cấp mà ông từng tham quan trên thế giới. Điều đó cũng nói lên đối tượng phục vụ của họ thuộc tầng lớp thượng đẳng và bí hiểm. Vị giáo sư hồi hộp bước vào, mọi âm thanh ở đây bị phóng đại như thể nghe cả tiếng đập thùng thục trong lồng ngực chính mình. Bệnh nhân hiến não mà Nguyễn Khoa Học mô tả cuối cùng cũng hiển hiện trước mặt ông.
Đó một người đàn ông già khú đế, queo quắt, cặp mắt mê man trũng sâu nhìn vô định lên trần nhà và nếu như không có chiếc máy đo điện não đồ đang nhảy nhót thì Tôn Thất Sắc tin rằng bệnh nhân này... đã chết.
Tôn Thất Sắc ái ngại nhìn từ đầu đến chân con bệnh dẹt đét dưới tấm ga trắng.
- Não ông ta còn rất minh mẫn. – Nguyễn Khoa Học cất tiếng ồm ồm.
Tôn Thất Sắc không giấu vẻ bất ngờ và dừng mắt rất lâu trên bàn chân trái chỉ còn một nửa của ông ta. Như một luồng điện không dây, nửa bàn chân trái của chính ông cũng bất giác nhói lên. Nguyễn Khoa Học như hiểu điều Tôn Thất Sắc băn khoăn liền nói.
- Cũng như ông thôi, anh hùng đánh Pốt!
- Tôi hiểu.
Tuy là cựu chiến binh nhưng Tôn Thất Sắc tin rằng trên thân thể đẫy đà của Nguyễn Khoa Học không có vết sẹo nào chứ đừng nói là từng dẫm mìn. Nói về thời gian phục vụ chiến trường Cam, thâm niên Tôn Thất Sắc hơn Nguyễn Khoa Học nửa giáp. Tuy là lính quân y nhưng Tôn Thất Sắc đã từng xông pha bom đạn để gom thương binh về tuyến sau. Vận hạn đã đến với ông trong một lần cắt rừng, trái K58 đã đưa ông lên chiếc võng mà mình đang cầm trên tay. Ngay cả trong giấc ngủ của ông một thời luôn vang lên tiếng gào thê thảm bởi các thương binh trúng mìn. Nhiều vô kể, bệnh viện chiến trường không phân biệt địch- ta hay phe phái. Hàng tá lính nằm la liệt chen chúc rên rỉ trong các bệnh xá chật chội nóng bức đen đặc ruồi muỗi giữa mùa khô hay các cánh rừng đầy muỗi vắt.
Đã 30 năm qua, giờ đây, nỗi đau ấy bỗng dưng ùa về là ông ớn lạnh. Tôn Thất Sắc bỗng dưng thương cảm mãnh liệt bệnh nhân đặc biệt này, ông ấy đã mất một phần máu xương cho dân tộc mình. Nay, trước khi nhắm mắt, ông ta muốn dành trọn phần não cao quý nhất của mình cho người bạn xa lắc xa lơ. Có lẽ muốn hiểu về tình sâu nghĩa nặng giữa Nguyễn Khoa Học với bệnh nhân này, ông cần dành thời gian chia sẻ với sếp mình nhiều hơn.
- Ông Sắc ạ! – Giọng Nguyễn Khoa Học lại vang lên. - Ông ta đang mắc bệnh tiểu đường rất nặng. - Hãy giúp chúng tôi hoàn sinh theo như cách mà tôi đã nói với ông.
Trên đường bị áp giải đến đây, Tôn Thất Sắc đã đấu tranh tư tưởng ình là thà chết chứ không bắt tay vào một ca phẫu thuật cưỡng bức. Khi đến đây ông nhận ra một sự ngoại lệ, một tình cảm khó tả dâng trào. Tính mạng của cả hai cùng nguy kịch và họ sẽ chết nếu không có bàn tay của ông.
- Hãy cứu cả hai chúng tôi cùng một lúc! - Nguyễn Khoa Học kiên quyết. - Một là ông ra tay, hai là ông sẽ phải ở đây chứng kiến cái chết của hai chúng tôi.
- Tôi chấp nhận nếu ông ta tự nguyện.
Có lẽ chờ câu này từ rất lâu, vị viện trưởng tươi cười cúi xuống rút một bản cam đoan từ trong túi áo bệnh nhân rồi nói.
- Tất nhiên, còn chờ đợi gì hơn. Ông ta đã viết giấy này khi biết mình mắc bệnh nạn y. Suốt mười năm qua ông ta tìm kiếm khắp hành tinh một người dũng cảm dám nhận não nhưng rốt cuộc chỉ có mỗi Nguyễn Khoa Học này dám lấy mà thôi!
Ngưng lại một thoáng, Nguyễn Khoa Học buông một câu chắc nịch mà Tôn Thất Sắc cảm tưởng như ông ta đang bông đùa:
- Tôi cũng vậy, đã mười năm nay tôi đi tìm người dám nhận thân xác vàng ngọc của tôi nhưng rốt cuộc chỉ có ông ta dám lấy.
Bất chợt ông ta nhìn riết vào mắt Tôn Thất Sắc đe giọng:
- Đủ rồi chứ, Hãy bắt đầu đi?
Tôn Thất Sắc không biết họ có thảo thuận ngầm nào hay không, và trong vụ hiến thân đổi xác này, ai chịu ơn ai nhiều hơn. Tuy nhiên, sự tỉnh táo và háo hức hiện rõ trên hai khuôn mặt. Cặp mắt vô hồn của bệnh nhân bắt đầu động đậy rồi hướng về vị giáo sư như van lơn. Tôn Thất Sắc nhìn thẳng vị viện trưởng cũng đang nín lặng chờ đợi. Tôn Thất Sắc đáp.
- Tôi chấp nhận vào cuộc.
- Tuyệt lắm! – Nguyễn Khoa Học suýt nhảy cẫng lên. Giọng ông ta như pháo rang khắp phòng. - Ông không cô đơn đâu, hai bác sỹ Singgapore và một nhà vi phẫu người Nhật sẽ sát cùng ông. Đây là cơ hội vàng để ông gặp gỡ và làm việc với những người thông minh nhất trên hành tinh này!
Cuộc phẫu thuật có một không hai được lệnh bắt đầu. Hàng chục bác sĩ và y tá hỗ trợ trong tổ hợp bắt đầu khởi động. Sau hai ngày làm việc căng thẳng cao độ, ekip bác sỹ đa quốc gia đi vào y văn nhân loại với một ca bệnh dường như chỉ có trong viễn tưởng. Một con người minh mẫn và tráng kiện rốt cuộc được sinh ra từ hai thân xác sắp tàn kia. Niềm hạnh phúc lẫn cảm giác dè dặt đã làm cho Tôn Thất Sắc không thể trở lại tâm thái bình thường. Mọi thứ ở phòng mổ và hai bệnh nhân luôn đeo bám tâm can ông. Một Nguyễn Khoa Học hoàn toàn khác đã chào đời. Ngay mai, khi trở về Hà Nội với phòng thí nghiệm của mình, ông không biết vị viện trưởng có bộ não từ một con người xa lạ sẽ đưa cơ quan nghiên cứu của ông đi về đâu.
Một bữa tiệc chia tay đầy biết ơn của Samdech và những người trong cuộc kết thúc. Khi chỉ còn mình Tôn Thất Sắc trong văn phòng, Samdech lại gần ông rồi đưa tay ra bắt chặt lấy người bạn già.
- Tôi xin thay mặt, gia đình nạn nhân. - Giọng ông ta run run. - Xin đa tạ bác sĩ, ông mãi mãi là người thầy, người bạn lớn và ân nhân của chúng tôi.
- Đừng khách sáo thế, chúng ta là bạn. Ca phẫu thuật này đối với tôi là ngoài dự kiến. Dù sao tôi sẽ theo dõi bệnh nhân thêm nhiều tuần nữa.
- Xin đa tạ ông.
Samdech buông tay khỏi vai ông cũng là lúc Tôn Thất Sắc chợt nhận ra ánh mắt khác lạ đang nhìn mình. Một cái nhìn thất kinh y như kẻ sát nhân sau khi lỡ xuống tay với chính người máu thịt của mình. Ông bất giác hỏi:
- Samdech...! hình như ông quá xúc động?
- Đúng, tôi sợ ông còn xúc động hơn tôi sau khi...tôi nói ra sự thật này.
- Sự thật gì? – Tôn Thất Sắc nhận ra một điều ghê gớm đang chờ mình. - Ông nói đi Samdech!
- Nạn nhân hiến não kia... chính là....Son Sen!
- Hả...! Cú sét ngang tai đánh gục vị bác sĩ, trời đất xung quanh tối lòa, ông rơi xuống chính ghế ngồi rồi ôm đầu kinh hãi. Sự đã rồi. Cái bẫy đã sập xuống. Sự dối lừa đã đẩy ông xuống sâu địa ngục chưa từng có trong y học.
Samdech cuống quýt phân bua:
- Rất tiếc chúng tôi đã không nói trước cho ông, nhưng điều đó cũng không quan trọng vì mọi bệnh nhân đều bình đẳng trước y học. Dù bất cứ đó là ai thì...
- Im đi,ả trá! – Ông thét vào hư không.
Sau cơn bàng hoàng, Tôn Thất Sắc nhận ra chính mình cũng có lỗi. Ông đã quá cả tin và dễ dãi đến mức tự biến mình thành kẻ đồng phạm.
Samdech liên tục trấn an.
- Dù sao một nửa ông ấy vẫn là Nguyễn Khoa Học, thân nhân và cả thế giới này vẫn công nhận đó là Nguyễn Khoa Học trừ khi...
- Các ông không thành thật với tôi. Vậy tôi có nhất thiết giữ bí mật này cho ông hay không?
Samdech lấy ngay lại sự lạnh lùng:
- Ông chỉ cần biết bệnh án là đủ, quan tâm đến lai lịch chính trị của bệnh nhân là điều không cần thiết.
- Nhưng hắn là tội phạm đang bị truy nã. Các ông đã che giấu một điều mà lẽ ra tôi phải biết. Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa.
- Tôn Thất Sắc! dù sao thì đây không phải là ý tưởng của tôi mà chính là của Son Sen, nhưng về lâm sàng thì con người này đâu có tồn tại nữa. Ông hãy chất vấn sếp của mình sau. – Samdech răn đe. – Tôn Thất Sắc! Tôi biết ông sẽ giữ mồm giữ miệng chuyện này như giữ chính cái đầu của ông. Chúc hai vị thượng lộ bình an!
Hôm sau, yên vị trên xe lăn trong chiếc Mi-8, một sinh vật mình Nguyễn Khoa Học não Son Sen đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài trong niềm vui khôn xiết của gia đình và vòng tay chào đón của các quan chức ngành y. Tôn Thất Sắc chứng kiến cảnh này mà lòng quặn thắt. Bí mật này ông nguyện sống để bụng, chết mang theo. Trùm Khơ Me đỏ Son Sen bắt đầu lãnh đạo một cơ quan nghiên cứu hàng đầu quốc gia. Một sự thật đau lòng là từ hôm nay, viện não TW và y học Việt Nam sẽ bước sang một kỉ nguyên đen tối.