Ân Oán Giang Hồ

-Hôm thứ bảy tôi đưa gia đình lên D.C. chơi, thăm người quen, 11giờ 30 mới lên đường về Richmond. Thường thì lộ trình D.C.-Richmond hay Richmond-D.C. chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi trở lại.
Văn-Lang gật đầu, chàng hỏi tiếp:
-Nghĩa là anh về đến Richmond khoảng một giờ đêm, hay nói cho đúng hơn, một giờ sáng chủ nhật?
-Phải!
-Trong khoảng thời gian trước khi về có lúc nào anh rời xa vợ con không?
-Lúc 10 giờ 45, tôi có đi đổ xăng ở cây xăng gần nhà người quen, tiện thể mua vài món lặt vặt ở tiệm 711, sau đó trở lại đón vợ con về Richmond.
-Từ chỗ đó tới nhà bà Hội mất bao lâu?
Lộc cười nói:
-Chỉ độ 10 phút đồng hồ. Tôi đồng ý với anh. Anh nghĩ rất đúng. Tôi có đủ thì giờ lại nhà đó giết chết tên Quý rồi trở lại đón vợ con.
Văn-Lang thấy lời Lộc có vẻ cay cú nên vội giải thích:
-Xin anh đừng giận. Tôi phải hỏi cho đúng luật điều tra chứ chưa hề nói anh là thủ-phạm! Mà anh nói cũng đúng, vào bất cứ người nào điều tra cũng phải nghĩ đến điểm này cho dù là có hay không.
Vợ Lộc lúc đó mang nước lên mời khách. Văn-Lang uống qua loa lấy lệ cho đẹp lòng chủ nhà. Bằng một thái-độ hết sức nhã nhặn, chàng hỏi:
-Anh Lộc, nếu anh không ngại thì có thể kể sơ qua tiểu sử anh Khôi cho tôi nghe được không. Tôi biết anh Khôi không phải người xấu. Nhưng anh ấy là người đau khổ, lúc nào trông cũng buồn buồn.
Giá vào lúc bình thường, chắc chắn Lộc sẽ không đem chuyện của bạn kể cho người khác nghe. Nhưng hiện tại, Khôi là nghi can số một cho nên chàng thầm nghĩ nếu nói tốt về Khôi nhiều may ra có thể thuyết-phục được Văn-Lang loại bỏ bạn mình ra khỏi danh-sách nghi can. Nghĩ vậy, Lộc liền kể hết cho Văn-Lang cuộc đời thăng trầm của Khôi như thế nào từ lúc thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Chàng cũng không quên nói rõ từng chi tiết về tình bằng-hữu giữa mình và Khôi ra sao, lúc bênh vực bạn lúc nhỏ và khi trưởng thành được bạn nâng đỡ thế nào. Văn-Lang để ý nghe rất kỹ càng, không bỏ sót một lời nào.
Lộc kết luận:
-Tóm lại, Khôi là một người rất tốt, trong đời đã chịu không biết bao nhiêu là nỗi oan ức, nhục nhã mà vẫn tỉnh như không. Tôi quen Khôi từ nhỏ, tôi dám đem hết cả danh-dự, luôn cả tính mạng để bảo đảm cho Khôi. Một người như thế không thể nào đi giết người được...
Nghe tới đây, Văn-Lang chợt ngắt lời:
-Hình như chính anh đã cản anh Khôi lại khi anh ta cầm dao hăm dọa mấy mẹ con bà Hội phải không?
Lộc hơi giật mình nhưng lấy ngay lại được bình tĩnh:
-Phải, đó là lần duy nhất trong đời tôi thấy Khôi tức giận như vậy. Nhưng anh nên hiểu rõ, đó là uất hận mấy chục năm trời ứ đọng lại không còn chỗ chứa nữa nên mới phải trào ra. Phải, lúc đó nếu tôi không tới kịp thời thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng sau phút đó rồi thì tôi dám chắc Khôi đã hoàn toàn lấy lại được thăng bằng và lý trí. Một ly nước sau khi trào hết được nước ra ngoài thì sẽ có lại chỗ để tiếp tục đựng thêm.
Văn-Lang nghe nhưng không có ý kiến về việc này.
-Con dao đó có dấu tay của anh Khôi và anh như tôi đã nói qua. Giờ tôi đã hiểu rõ lý do phần nào rồi. Anh có thể tả cho tôi hình dáng con dao đó ra sao không?
-Đó là một con dao làm bếp, đầu rất nhọn, lưỡi rất sắc, cán làm bằng gỗ, màu đen.
Trả lời xong, Lộc bỗng thắc mắc:
-Có phảo con dao đó đã đâm chết nạn nhân không?
Văn-Lang lắc đầu nói:
-Không phải, đó là một con dao găm.
-Dao găm?
-Đúng thế!
-Thật là vô lý hết sức!
Lộc gãi đầu gãi tai nói:
-Nếu là con dao găm thì làm sao có dấu tay của Khôi và tôi được? Điều này có gì lầm lẫn không?
Văn-Lang cười nói:
-Lầm lẫn hay không tôi không biết. Nhưng chính vì vậy mà tôi mới phải điều tra.
Lộc lộ vẻ khó chịu:
-Nhưng theo như anh nói thì thủ phạm nhất định một là Khôi, và hai là tôi, hoặc cả hai cùng thông đồng rồi còn gì!
Văn-Lang nói:
-Xin nhắc lại, tôi chưa hề nói ai là thủ-phạm hết! Nếu anh không làm thì không có lý do gì phải lo sợ cả. Đó là lời nói thành thật của tôi. Nhưng tôi dám bảo đảm là kẻ gian sớm muộn gì cũng lọt lưới, không qua nổi mắt tôi đâu! Và chẳng thà là tôi để cho kẻ sát nhân thoát nạn chứ quyết không bắt oan người vô tội đâu, anh yên chí.
Nói đến đây, Văn-Lang đứng dậy, xin từ tạ. Lộc cũng không giữ chàng lại làm gì. Văn-Lang đi rồi, Lộc suy nghĩ rất nhiều về lời nói ban nãy. Lời nói đầy tự tin nếu không muốn nói là ngạo mạn kia có thể là con dao hai lưỡi. Nếu người vô tội nghe thì đó là một lời trấn an tinh-thần. Nhưng ngược lại, kẻ có tội nghe thì không khỏi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Đầu óc của Lộc hiện giờ phức-tạp vô cùng. Chắc chắn là chàng không vui, mà cũng chẳng buồn. Chàng chẳng thấy yên tâm thoải mái chút nào, nhưng cũng không có gì gọi là lo lắng cho lắm...
Còn về phần Văn-Lang, sau khi rời nhà Lộc, chàng gọi Yến, người đẹp Trung-Hoa nói chuyện một hồi như đã hứa lúc mới đi...
-Nhớ nghe chưa! Thứ bảy này có hẹn với em đó!
-‘Dạ’!
-Không được quên đó nghe ông!
-Yên chí!
-Thôi em đi ngủ đây.
-Ngủ ngon nhé.
-Gặp sau!
-Gặp sau!
Tối về Văn-Lang ngã bệnh. Chàng bị cảm cúm. Dù không đến nỗi liệt giường nhưng cũng đủ cho Văn-Lang thấy ‘rêm’ hết cả mình mẩy. Sáng sớm hôm sau, Văn-Lang gọi điện-thoại cho Louis Winston báo cáo tình hình và xin nghỉ mấy hôm. Phải đến thứ sáu chàng mới đỡ ho, nhưng cũng chưa khỏe lại được gì mấy. Nhưng vì tự ái, không muốn để ai nghĩ là mình ‘nằm vạ’ tìm cách thoái thác công việc, chàng lên gặp Louis Winston cho ông ta biết chàng có thể tiếp tục được rồi. Nhìn dáng điệu mệt mỏi của Văn-Lang, Louis Winston hơi ngại ngùng, nhưng nói bằng một giọng thật tình:
-Trông anh có vẻ vẫn còn mệt đấy. Nếu không được khỏe thì nghỉ thêm một hai ngày nữa rồi hẵng tiếp tục công việc.
Văn-Lang cũng hơi cảm kích về sự lo lắng của Louis Winston đối với mình. Nhưng chàng chỉ lắc đầu nói:
-Mệt thì có mệt thật đấy. Nhưng làm cái việc này thì có mấy lúc mình được khoẻ? Nếu tôi mà nghỉ thêm chừng một ngày thì chắc sinh ra làm biếng mất thôi.
Louis Winston gật đầu tỏ vẻ thán phục lòng cương quyết và ý chí can trường đầy nghị-lực của Văn-Lang.
-Anh định điều tra ai kế tiếp?
Không trực tiếp trả lời Louis Winston, Văn-lang hỏi ngược trở lại:
-Ba mẹ con bà Hội đã về lại nhà chưa?
-Rồi! Cảnh-sát đã đưa họ về nhà an toàn hôm qua.
-Tốt, tôi sẽ tới đó hỏi thăm sức khỏe cả ba người một chút.
Với vẻ hơi ngạc nhiên, Louis Winston hỏi:
-Anh định thẩm vấn ba mẹ con đó hả? Có hơi sớm đó không?
-Chẳng có gì là sớm với muộn cả. Bất cứ ai biết, hay có chút quan-hệ nào với nạn nhân là tôi đều khai-thác hết, chẳng từ một ai.
Lấy tay che miệng ngáp lại, Văn-Lang nói:
-Thôi, tôi đi công tác đây. Cứ ngồi hoài một chỗ chắc tôi lăn ra ngủ gật mất!
Sau khi chào Louis Winston, Văn-Lang ra bãi đậu xe đề máy chuẩn bị lên đường. Trong khi chờ đợi xe nóng máy, chàng mồi một điếu thuốc giết thì giờ. Có tiếng điện thoại reng, Văn-Lang bốc lên nghe.
-Anh Văn-Lang đó hả? Em gọi nhắc cho anh là ngày mai mình có hẹn với nhau đấy nhá.
-Biết rồi, khổ lắm! Nói mãi!
-Thì người ta gọi nhắc anh thôi chứ có làm gì đâu mà anh phải nổi quạu!
Văn-Lang chợt tỉnh ngộ, chàng biết mình mới ốm xong, sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục nên có thể ảnh hưởng đến tính tình đôi chút. Nghĩ vậy chàng dịu giọng xin lỗi.
-Thôi, cho anh xin lỗi đi. Tại có vài chuyện bực mình nên nói chuyện với em không được nhã nhặn cho lắm. Bỏ qua cho anh đi nhé!
-Nói như anh có nghĩa là hễ ‘giận cá’ là có quyền ‘chém thớt’ hả?
-Thôi mà! Đừng bắt lỗi anh nữa được không? Ai chẳng có ‘lúc này lúc nọ’.
-Được rồi, thôi bỏ qua chuyện đó! Mà nhớ đừng quên nghe chưa. Gặp sau!
Cúp điện-thoại xong, Yến bước ra khỏi khuôn viên trường đại-học, đến trạm đứng đón xe buýt. Đột nhiên trời chợt đổ mưa ào xuống. Không chuẩn bị trước nên Yến bị ướt hết cả người thật nhanh chóng. Nàng đang định chạy tìm chỗ trú mưa thì đột nhiên có một chiếc xe hơi từ đâu phóng đến đậu ngay ở trạm xe buýt nơi nàng đứng. Trong xe là một người Á-Châu trông rất lịch-sự hào hoa nhìn Yến hỏi:
-Cô ở đâu? Nếu không ngại cứ leo lên xe để tôi đưa về tận nhà không sao.
Nhớ những lời khuyên của người Mỹ là ‘không nên đi xe chung với người lạ mặt mình không quen biết’, Yến đâm ra rờn rợn lo sợ nên không biết trả lời sao. Nhưng khổ nỗi mưa càng lúc càng nặng hột làm nàng càng lúc càng thêm luýnh quýnh, muốn nhận lời thì ngại, mà từ chối thì lại ‘tiếc rẻ’. Người đàn ông hình như hiểu được nỗi bâng khuâng của nàng. Anh ta mỉm cười nói:
-Hay là cô sợ bị tôi bắt cóc hay đưa đi làm những chuyện bậy bạ?
Không hiểu sao, Yến có cảm tưởng là người đàn ông Á-Châu kia là một người tốt bụng thật sự muốn giúp đỡ nàng qua cơn mưa gió này chứ không phải là phường gian manh có ý này nọ. Yến đánh bạo mở cửa bước lên xe, cột giây an-toàn lại cẩn thận.
-Xin lỗi nghe, nước trên người tôi tuôn xuống tôi làm ướt hết cả xe anh rồi.
Người đàn ông phá lên cười. Thoáng hiểu trong đầu óc anh ta đang ‘méo mó’ nghĩ đến điều tinh nghịch, Yến bỗng thẹn thùng cúi gầm mặt xuống. Người đàn ông thấy vậy liền ngưng tiếng cười mà ‘tạ tội’:
-Xin lỗi về hành động lố lăng bất nhã của tôi, mong cô tha thứ cho.
-Ông nói quá lời, chính tôi phải cám ơn ông đã thương tình mà cho quá giang mới phải.
-Không sao, cô đừng khách sáo. Giúp đỡ nhau trong trường hợp này là thường. Tôi chắc nếu đổi lại là cô thì cô cũng sẽ làm như tôi thôi. Xin tự giới-thiệu: tôi là người Việt-Nam, tên Khôi. Hình như cô là người Trung-Quốc phải không?
-Vâng, tôi là người Trung-Quốc, ở Bắc-Kinh sang đây du học. Tôi tên Yến, có nghĩa là con chim én.
Hai bên khách sáo chuyện trò qua lại ít câu xã-giao. Khôi được biết Yến muốn ở lại định cư tại Hoa-Kỳ chứ không có ý định trở về lại Trung-Quốc. Chàng cũng nói sơ qua về đời sống của chàng cho người con gái Trung-Hoa nghe.
Mười phút sau, xe đã đậu trước cửa nhà Yến. Nàng mở cửa xe cúi đầu chào ngỏ ý cám ơn, nói mấy lời từ tạ. Khôi móc trong bóp ra một tấm danh thiếp trao cho nàng nói:
-Trên này có số điện-thoại của tôi. Nếu tôi giúp gì được cho cô xin cứ gọi, đừng khách sáo nhé!
-Cám ơn anh.
*
* *
Đã quá giờ hẹn đến 30 phút mà không thấy Văn-Lang đến. Yến nghe như cổ họng nàng mắc nghẹn tưởng chừng khóc lên được. Cứ cách vài giây nàng lại đưa mắt nhìn đồng hồ. Trong thời gian nửa tiếng qua, Yến gọi Văn-Lang trước sau cả chục lần nhưng không lần nào có tiếng chàng trả lời. Hình như Văn-Lang đã tắt điện-thoại nên lần nào cũng có tiếng máy trả lời bảo người gọi để lại tên và số. Yến ngồi trước thềm nhà xịu mặt, chán nản.
-Cô Yến!
Yến ngước mặt lên nhìn. Một chiếc xe quen quen đang đậu trước cửa nhà nàng. Một khuôn mặt khá quen thuộc đang nhìn nàng mỉm cười.
-Chào anh Khôi! Đi đâu vậy?
Khôi tắt máy xe, bước ra ngoài chào hỏi Yến. Chàng ngỏ lời mời:
-Tôi thấy buồn nên định lên phố ăn cơm. Nếu cô không bận gì thì mời đi ăn chung cho vui. Tôi tới vùng này chưa được lâu lắm nên ít có bạn bè. Nếu cô chịu đi chung cho có bạn thì tôi hoan nghênh hết mình. Trường hợp như cô có hẹn với ai rồi, hay bận chuyện gì thì cứ coi như tôi chưa hề hỏi qua.
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu cô gái xinh đẹp người Trung-Quốc. Cô ta tự nói một mình trong thâm tâm:
-“Văn-Lang! Bộ anh tưởng không có anh là tôi ‘ế’ hả? Được lắm, anh đã cho tôi ‘leo cây’ thì tôi đi chơi với người khác cho anh ‘biết mặt’!”.
Nghĩ đoạn Yến liền tươi cười vui vẻ nói với Khôi:
-Được anh coi là bạn mà chiếu cố đến thế thì còn gì bằng!
-Cô bằng lòng?
-Dĩ nhiên!
-Vậy thì chúng ta đi thôi!
Đối với Khôi, đây là một cuộc vui bất ngờ không hẹn mà đến. Với Yến, đây chỉ là một hành động nhất thời để cho nàng thỏa mãn cái tự ái của mình để ‘trả thù người yêu’ đã thất hẹn.
Khôi hỏi Yến thích ăn tiệm nào thì nàng chọn ngay tửu lầu hôm được Văn-Lang dẫn đi. Khôi hết lòng chiều người đẹp, để mặc nàng tùy ý muốn gọi món nào thì gọi, muốn gọi bao nhiêu thì gọi. Ngoài thức ăn, Khôi gọi riêng cho chàng một ít bia rượu. Hai người vừa ăn vừa chuyện trò khá vui vẻ. Khôi vừa uống vừa nói:
-Trong cuộc sống, không mấy khi tôi tìm được những giây phút thoải mái an ủi như thế này.
Thấy chàng như ‘hó hé’ niềm tâm sự nào đó, Yến tò mò muốn tìm hiểu.
-Có lẽ anh có nhiều tâm sự buồn phải không?
Khôi gật đầu nói:
-Cô thật là hay! Mới gặp cô mà tự nhiên tôi có cảm tưởng như quen lâu lắm rồi. Xin đừng hỏi tôi tại sao. Có thể cô cho rằng tôi ‘đại ngôn’, nói ba hoa chích chòe để lấy lòng người đẹp, nhưng đây là sự thật. Tôi không có nói gian đâu!
Yến để ý từng lời nói, từng cử chỉ của Khôi. Nàng nhận thấy chàng trai trước mặt chắc chắn có nhiều tâm sự buồn như nàng đoán, nhưng là một người tốt, rất thành thật, nghĩ sao nói vậy.
-Nếu anh thấy có điều gì buồn bực thì cứ trút bỏ ra ngoài hết đi chứ đừng ôm ấp làm gì mãi trong lòng cho khổ thân.
Lời nói dịu dàng êm đềm kia có khác nào một giòng suối mát chảy vào bãi hoang mạc. Khôi cảm thấy rất thoải mái bên nàng. Chàng kể hết những đau buồn từ thời thơ ấu cùng những biến cố và những tâm sự nan giải gần đây của chàng cho Yến nghe. Yến ngồi chăm chú nghe chàng ‘nói chuyện đời’...
Khui thêm một chai bia, Khôi nhìn Yến hỏi:
-Cô Yến! Nếu mai đây tôi bị bắt về tội sát nhân thì cô nghĩ như thế nào? Cô có hối hận là đã từng ngồi cùng bàn với tôi không?
-Không!
-Tại sao?
Yến lấy ly, rót một chút bia của Khôi sang cho nàng rồi mới trả lời:
-Tại anh tốt với tôi.
-Cám ơn cô!
Kề môi nhắp chút bia, Yến nhìn Khôi nói tiếp:
-Nhưng tôi không nghĩ anh là một kẻ sát nhân đâu.
Khôi cười, giọng hơi lè nhè:
-Coi chừng cô lầm đó!
Khôi nốc một hơi cạn chai rồi lấy thêm một chai mới định khui. Yến thấy vậy giật phắt lấy chai bia trong tay Khôi nghiêm nghị nói:
-Thôi! Anh uống như vậy là đủ rồi. Đừng có uống nữa! Đừng quên còn phải lái xe đưa tôi về đó!
Cặp mắt Khôi như mơ màng nhìn Yến nói:
-Cô yên tâm đi. Tôi biết tửu lượng của tôi. Lúc nào tôi đủ thì tự động tôi ngừng chứ không đợi cô nhắc đâu. Vả lại, nếu tôi có chết thì cũng đưa cô về nhà an toàn trước rồi mới chết sau.
Yến phải phì cười trước những lời nói đó. Nhưng trong cái buồn cười đó cũng có một cái gì khiến cho nàng thấu được và cảm kích đôi phần. Nàng biết Khôi chưa say, nhưng vì có hơi men nên chàng ta có vẻ bộc lộ tâm sự hơi nhiều. Thường thì người ta bảo không bao giờ nên chấp nhặt những lời nói của một người lúc có bia rượu vào. Nhưng thông thường, khi có bia rượu vào thì con người lại hay có khuynh hướng ‘hiện nguyên hình’. Có kẻ uống vì quá vui, mượn rượu bia để ăn mừng; có kẻ mượn bia rượu giải sầu; nhưng cũng có những kẻ mượn bia rượu để nói người hay làm những điều gì mà khi tỉnh không bao giờ dám nghĩ tới. Yến nhìn được một điểm tốt nơi Khôi là anh chàng này uống bia thì thoát được tâm sự của mình chứ không phá phách hay tỏ ra điều gì xấu xa...
Cuộc vui nào thì cũng đến lúc tàn. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua thật lẹ. Đã hơn 11 giờ khuya. Khôi đứng dậy ra quày trả tiền rồi đưa Yến ra xe để chở nàng về. Khôi cố lái thật chậm. Chàng cố kéo dài thời gian để được nhìn người con gái này lâu hơn. Nhưng dù có cố kéo dài bao nhiêu thì cũng đến lúc phải chia tay...
Khôi nhìn nàng tha thiết quyến luyến nói:
-Liệu tôi còn được cơ hội gặp cô nữa không?
Không muốn để Khôi buồn nên Yến gật đầu trả lời:
-Miễn là anh vẫn coi tôi như bạn thì có gì trở ngại!
Khôi nở một nụ cười thỏa mãn. Chàng bỗng dang hai tay ôm chặt lấy nàng và khẽ hôn lên má.
-Sao anh lại thế?
Sự việc xảy ra quá bất ngờ và nhanh chóng làm khiến cho Yến không thể nào ngờ tới nên trở tay không kịp. Nàng toan vùng vẫy nhưng chưa có cơ hội kháng cự thì Khôi sau khi hôn xong cũng đã buông nàng ra. Yến phụng phịu ‘tặng’ cho Khôi một cái tát nẩy lửa vào mặt. Chàng giật mình, tỉnh người cúi gầm mặt xuống.
-Xin lỗi cô, tôi thật sàm sỡ đáng phỉ nhổ!
Yến lặng thinh không nói gì cả. Ngỡ là nàng đang giận mình, Khôi dịu giọng nói:
-Nếu cô chưa hết giận thì xin cứ đánh thêm mấy cái nữa, nhổ một bãi nước bọt ngay mặt tôi trước khi vào nhà rồi tha thứ có được không?
Ban đầu Yến giận thật. Nhưng trước những lời thành tâm chịu nhận lỗi và sẵn sàng chịu bị ‘trừng phạt’ của người trót lầm lỗi nàng cũng cảm thấy nguôi đi rất nhiều, và thấy không còn lý do nào phải hạch sách làm lớn chuyện thêm nữa. Nghĩ vậy, nàng thở dài nói:
-Xin lỗi anh, tôi quá nặng tay.
-Nghĩa là cô chịu tha thứ cho tôi?
Một phút trôi qua. Cả hai người đều im lặng. Sau cùng, Yến mở cửa xe khẽ nói:
-Thôi, tôi vào nhà đây. Anh về đi. Nhớ lái xe cẩn thận.
-Để tôi đưa cô đến trước cửa nhà.
Không cần đợi nàng có chấp thuận hay không, Khôi xuống xe đi chung với nàng đến cửa. Yến quay lại nhìn chàng một cái rồi mở cửa nhà vào trong. Chờ cho nàng khóa cửa lại đâu đó an toàn rồi, Khôi mới chịu lên xe nổ máy. Không hiểu tại sao đầu óc chàng bỗng lâng lâng, trong lòng đột nhiên mọc lên một cảm giác lạ lùng êm đềm và thốn thấu chưa từng xảy ra cho chàng bao giờ. Khôi gãi đầu, bứt tóc lẩm bẩm một mình:
-“Thế này là thế nào? Mình làm sao vậy? Chắc là mình đang ở trong cơn mơ? Hay là mình đã loạn trí?”...
*
* *
Trong khi đó tại nhà riêng của ‘thám-tử 008’, Văn-Lang giật mình mở mắt tỉnh dậy trên giường. Nhìn trời tối như mực ngoài cửa sổ, chàng hốt hoảng móc điện thoại ra định gọi. Nhìn màn ảnh tối đen trên điện thoại, chàng vỗ đùi một cái than:
-Hỏng rồi!
Đưa tay bấm nút bật điện thoại lên, nhìn thấy đã quá 12:00 giờ khuya, tức là đã sang ngày hôm sau, Văn-Lang thở dài, lắc đầu chép miệng. Chàng giận dữ cầm điện thoại ném lên giường, ngồi ôm đầu tư lự.
Hôm thứ sáu, lúc từ giã Louis Winston thì cũng là lúc vừa vặn Yến gọi nhắc Văn-Lang một lần cuối về cuộc hẹn hò. Chàng sau đó đang định đến nhà bà Hội thẩm vấn ba mẹ con nhưng gặp trời mưa lớn nên phải hủy bỏ chương-trình mà lái xe thẳng về nhà. Về đến nhà, Văn-Lang lăn ra ngủ một hơi đến sáng thứ bảy. Định thi hành công tác đang bỏ dở thì lại thấy choáng váng cả mặt mày khiến chàng lại phải tạm gác chuyện điều tra. Nhớ đến chiều có hẹn với người đẹp mà mình vẫn không được khỏe nên Văn-Lang ghé lại một bác sĩ gia đình chích một mũi thuốc trị cảm cúm để may ra xem có bớt được chút nào hay không.
Về nhà, chàng chuẩn bị thay quần áo sẵn sàng. Thấy còn sớm và hơi mệt vì chất thuốc quá mạnh bắt đầu hành nên chàng nằm ra giường định nghỉ một chút cho khỏe, cho lại sức phần nào. Nhưng có ngờ đâu chàng vừa đặt lưng xuống không bao lâu thì thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi tỉnh lại chàng mới biết mình đã vô tình để thất hẹn với người đẹp vì giấc ngủ ‘oan nghiệt’ kia.
Mà cũng vì chàng quên không bật điện thoại nên mới xảy ra nông nỗi này. Giá mà chàng không quên mở điện thoại thì chắc chắn sẽ tỉnh giấc khi Yến gọi tới vì không thấy bóng chàng đâu. Nếu chuyện là như vậy thì cho dù có trễ chút đỉnh cũng không đến nỗi nào, chàng còn có thể tìm cách nói chữa với người đẹp được mà cùng lắm chỉ phải nghe vài tiếng cằn nhằn thôi. Nhưng giờ đây thì còn biết làm gì nữa! Lần tới gặp nàng phải giải thích sao cho ra lẽ?
Bản tính Văn-Lang xưa nay không bao giờ muốn thất hẹn với bất cứ người nào cho bất cứ chuyện gì. Thân hay sơ, việc có quan-trọng hay không chàng không cần biết, nhưng một khi đã hứa hẹn, chàng không muốn để cho ai phải chờ đợi vì mình cả. Tóm lại, chàng vẫn tôn thờ câu ‘quân-tử nhất ngôn’. Đó là cái uy tín tối thiểu mà bất cứ cá nhân nào cũng phải cố gắng mà tự tạo cho mình trong cuộc sống, chàng luôn luôn nghĩ vậy.
Huống hồ đây là một ‘người đẹp’ mà Văn-Lang biết là có nhiều cảm tình với mình, và mình ít nhiều cũng có cảm tình với nàng...
Trong một tuần ngắn ngủi, không biết bao nhiêu chuyện xảy ra tới tấp cho Văn-Lang. Chàng phải gác bỏ tình bằng hữu qua một bên mà điều tra hai người mà chàng biết là có thể trở thành bạn thân được. Vì công việc, chàng đã phải bỏ qua cả những niềm vui riêng tư như: từ chối không đi chơi với người đẹp, phải tìm kế hoãn binh mà khất lần...
Rồi Văn-Lang ngã bệnh. Mặc dù chỉ là cảm cúm thông thường, nhưng cũng đủ nhắc nhở cho chàng, cho con người là ‘đá nhiều lúc còn phải chảy mồ hôi’. Hồi còn dạy võ ở sở cảnh-sát Đông-Kinh (Tokyo), Văn-Lang vẫn thường nhắc nhở học-viên là đừng bao giờ say mê công việc đến độ quên cả chuyện chăm nom lấy sức khoẻ. Nhưng đời là thế, vẫn thường thế. Chàng nhắc nhở bao nhiêu người khác được, nhưng rốt cuộc vẫn quên tự nhắc nhở cho chính bản thân mình.
‘Sông có khúc, người có lúc’. Có lẽ đây là ‘lúc’. Văn-Lang cảm thấy mệt mỏi vô cùng, cả tinh-thần cũng như thể xác.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui