Ân Oán Giang Hồ

Văn-Lang đã khỏe lại nhiều. Nhưng ông Louis Winston chưa muốn cho chàng làm việc lại ngay mà dặn chàng phải nghỉ dưỡng sức cho đúng mức thì mới có thể bình-phục được. Có sức khỏe thì tinh-thần mới được thoải mái. Mà tinh thần có được thoải mái thì công việc mới có thể làm đến nơi đến chốn được.
Làm việc quá sức thì sinh bệnh đã đành. Nhưng với Văn-Lang, thì nếu ở không rảnh rỗi quá, chàng cảm thấy mình cũng có thể sinh bệnh như thường. Vì vậy, chàng quyết định bắt tay trở lại vào công việc bất chấp lời khuyên của Louis Winston.
Văn-Lang xưa nay vốn không thích phải chơi trò cút bắt với công việc bao giờ, nhưng cứ xem tình thế trước mắt thì chàng không còn đường nào để lựa chọn. Không phải chỉ lo chuyện lành bệnh mà thôi, chàng còn phải lo chuyện làm lành với Yến. Công việc điều tra cũng còn đang lở dở chưa đâu vào đâu...
Văn-Lang lê từng bước nặng nề ra xe. Chàng định mở cửa xe bỗng chợt nghe có tiếng ai gọi:
-Anh Văn-Lang!
Chàng quay lại, Khôi từ đâu tiến tới, nét mặt lầm lầm lì lì.
-Chào anh Khôi! Đi đâu vậy? Có chuyện cần gặp tôi hả?
Khôi nhìn nhà thám-tử với ánh mắt hết sức lạnh lùng, gật đầu đáp:
-Phải! Tôi muốn gặp anh. Tôi đã nói anh là có chuyện gì cứ tìm tôi mà tính, sao lại đi làm phiền Lộc, bạn tôi?
Văn-Lang ‘ồ’ một tiếng điềm tĩnh trả lời:
-Đó là công việc của tôi. Những gì tôi cần làm thì tôi phải làm chứ không sợ phiền ai bao giờ. Anh thông cảm thì tôi cám ơn, không thì thôi, tôi cũng đành chịu vậy.
Bất thình lình Khôi xông tới đấm vào mặt Văn-Lang một cái. Văn-Lang cả kinh chỉ kịp kêu hai tiếng ‘Anh Khôi!’ rồi vung tay lên gạt cú đấm sang một bên. Nhanh như chớp, Khôi dùng tay còn lại đấm thẳng vào người thám-tử 008. Với phản ứng tự nhiên của một võ-sư, Văn-Lang không chút nao núng chụp ngay lấy cổ tay Khôi. Trong thời gian chớp mắt chàng nghĩ ngay được hai cách hạ gục đối thủ dễ dàng. Thứ nhất dùng Không-Thủ-Đạo (Karate) lấy khuỷu tay mình đánh mạnh lên cánh tay địch thủ. Thứ hai, xoay người dùng một thế Nhu-Đạo (Judo) vật đối phương xuống đất. Nếu dùng cách thứ nhất, Khôi chắc chắn phải gẫy tay. Dùng cách thứ nhì, cả thân hình Khôi sẽ phải nện xuống đường nhựa cứng như đá, chưa biết sẽ gây nên những thương tích gì.
Thầm nghĩ chàng với Khôi chẳng chút thù oán nên Văn-Lang quyết định nhanh chóng không nỡ dùng cách nào cả, mà chỉ dùng một thế bình thường căn-bản của Hiệp-Khí-Đạo (Hapkido hoặc Aikido) khẽ bẻ quặp tay Khôi ra đàng sau lưng khiến anh ta không còn cựa quậy được nữa.
-Anh Khôi, bình tĩnh lại!
Khôi muốn dãy dụa, nhưng Văn-Lang cầm tay anh ta khẽ bẻ ngược lên một chút khiến Khôi đau quá đành đứng im thúc thủ. Văn-Lang mới từ tốn bảo:
-Tôi sẽ thả anh ra nếu anh chịu hứa là bình tĩnh lại.
Một phút trôi qua. Không còn đường nào khác hơn, Khôi đành thở dài yếu ớt lên tiếng:
-Xin lỗi anh. Lúc này tôi làm sao ấy! Làm việc gì cũng nóng nảy thiếu suy nghĩ, không còn là tôi nữa. Đừng chấp nhặt tôi làm gì!
Văn-Lang nghe nói liền buông tay thả Khôi ra. Trong lúc bị Văn-Lang kềm chế, Khôi cũng tỉnh ngộ được nhiều. Chàng biết chàng không phải là đối thủ của Văn-Lang. Nếu người thám-tử kia không nương tay ắt chuyện đã khác xa, nếu Khôi không gẫy cổ gẫy tay thì cũng mềm xương rồi.
Lúc bấy giờ Văn-Lang mới nhìn thẳng vào mặt Khôi, lớn tiếng mắng:
-Anh càng nóng nảy bao nhiêu thì càng làm chuyện thêm rắc rối thêm bấy nhiêu thôi chứ lợi ích gì? Không những khó cho tôi, khó cho bạn anh mà khó luôn cả cho bản thân anh nữa! Anh trưởng thành đã lâu rồi thì phải hành động và xử sự cho ra người trưởng thành chứ! Tại sao vậy?
Khôi cúi đầu im lặng như một đứa trẻ chịu tội trước người lớn, không nói năng gì được cả. Văn-Lang biết những lời chàng nói không ít thì nhiều đã thấm vào đầu của Khôi. Chàng ngừng vài giây rồi nói tiếp:
-Đó là tôi chưa nói đến việc lợi hại là những kẻ rắp tâm đối địch với anh sẽ lợi dụng yếu điểm này của anh để hại anh. Anh thử nghĩ nếu phải ra tòa mà để cho quan-tòa và bầu thẩm đoàn nhìn thấy cái tính nóng nảy của anh thì mọi việc sẽ ra sao? Anh cũng thừa hiểu điều này, đúng không? Tôi biết, tôi hiểu tất cả những gì anh trải qua. Nhưng không lẽ anh cứ để ba cái chuyện bực mình không đâu vào đâu chi phối hết cả đời sống anh hả?
Văn-Lang còn định nói thật nhiều nữa, nhưng nghĩ rồi lại không đành. Bản tính chàng vốn luôn luôn muốn chừa lại ít nhất một con đường cho tất cả mọi người. Ví thế, chàng vỗ vai Khôi dịu giọng:
-Thôi, anh về đi. Tôi có chuyện phải đi gấp! Khi nào có chuyện cần tôi sẽ đến tìm anh.
Không đợi câu trả lời, Văn-Lang quay lưng, đến mở cửa xe rồ máy phóng thẳng một hơi.
Văn-Lang định vào phòng gặp ông Louis Winston nhưng khi đi ngang qua hành lang chàng nghe có tiếng người nói chuyện ồn ào và hình như có cả tiếng ông Louis Winston liền dừng chân lại lắng tai nghe.
-Ông Louis Winston! Nói tóm lại, chúng tôi không thể chờ được nữa. Chứng cớ đã đầy đủ, tại sao thám-tử 008 của ông chưa chịu đi bắt tội-nhân là sao?
Tiếng Louis Winston trả lời:
-Ông Bill Cohen, Tôi không cần biết ông có thể chờ hay không thể chờ! Việc của 008 làm thì phải để cho anh ta làm. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào anh ta. Còn thám-tử của ông thế nào tôi không cần biết, chỉ biết là anh ta không có quyền xía vào chuyện này.
Giọng người đàn ông tên Bill Cohen càng lúc nghe càng lớn:
-Chúng ta đã bỏ bao nhiêu tiền cho sở cảnh-sát Tokyo để mua hắn về đây, mà nguyên cả tuần hắn có làm gì đâu!
Tiếng Louis Winston đập bàn gắt lên:
-Ông câm cái mồm thối của ông lại! Văn-Lang bệnh suốt cả tuần nay, chính tôi bảo anh ta nghỉ đấy! Còn người của ông thì thế nào? Chăm chỉ làm việc lắm phải không? Có muốn tôi khui hết chuyện ra trình với cấp trên không?
-Ông định ‘blackmail’ tôi hả?
-Nếu ông muốn cho đó là ‘blackmail’ cũng không sao. Sở dĩ xưa nay tôi không thèm nói vì việc của ai nấy lo. Nhưng bây giờ ông đòi xía vào chuyện của tôi thì tôi phải khai ra hết để thử coi thằng nào đúng thằng nào sai cho biết.
Văn-Lang nghe đến đây liền mở cửa bước vào. Chàng đưa tay bắt ông Louis Winston nhưng làm lơ không thèm nhìn qua Bill Cohen. Louis Winston thấy vậy giới-thiệu:
-Anh Văn-Lang, đây là...
Văn-Lang ngắt lời:
-Bill Cohen, một kẻ ‘ăn cơm nhà chúa, múa tối ngày’! Tôi mừng là tôi làm việc với ông, chứ nếu làm với cái thứ người đốn mạt này thì chẳng thà là tôi ‘thất nghiệp’.
Bill Cohen nghe nói bỗng chột dạ, đưa tay định bắt nhưng Văn-Lang vờ như chẳng nhìn thấy. Chàng nhìn Louis Winston nhưn nói với Bill Cohen.
-Nghe nói thám-tử của ông tài lắm phải không? Xin mời vào đây cho tôi hỏi vài câu xem có nắm vững được vấn đề không. Nếu nắm vững vấn-đề tôi giao công-tác này lại ngay không suy nghĩ và ‘cút xéo’ về Tokyo ngay để khỏi phí phạm tiền bạc nhà nước Hoa-Kỳ nữa. Nhưng nếu như thám-tử của ông không biết ‘đếch’ gì cả thì yêu cầu câm họng để người khác làm việc. Mà xong chuyện này thôi, tôi cũng xin từ giã Hoa-Kỳ mà về lại Nhật-Bản thôi, ông đừng lo.
Louis Winston biết chàng đang giận nên vội vàng lên tiếng an ủi, khuyên:
-Văn-Lang, anh đừng giận! Nên nhớ là anh làm với tôi. Nếu tôi không than phiền thì thôi chứ không thằng nào được chõ mồm vào phê bình anh này nọ cả, tôi xin khẳng định là bất kể thằng nào!
Văn-Lang lúc đó cũng đã nguội bớt đi nhiều nên thôi cũng chẳng muốn làm lớn chuyện thêm. Nhưng chàng quyết định phải dạy cho cái đám ăn không ngồi rồi đi chỉ-trích thiên-hạ một bài học nên chàng hất hàm nhìn Bill Cohen nói giọng thách thức:
-Tôi bảo ông gọi thám tử ông đến đây cho tôi xem anh ta nắm vững vấn đề thế nào.
Louis Winston vội can ngăn:
-Thôi anh Văn-Lang...
Văn-Lang ngắt lời, gạt đi:
-Không được, ông Louis. Kẻ nào lên án chúng ta sai lầm thì kẻ đó phải chứng minh cho đúng, nói có chứng cớ chứ không thể vu khống bằng lời nói rẻ tiền được; cũng như kẻ nào muốn làm việc gì thì phải chứng tỏ là có khả năng chứ nói suông không thì ai tin cho. Tôi vẫn tự hứa với lòng là sẽ cho tất cả tất cứ người nào, bạn hay thù một cơ hội bình đẳng để thắng tôi. Vì vậy, hôm nay tôi bắt buộc phải tiếp xúc với thám tử của ông Bill Cohen.
Bill Cohen đỏ mặt tía tai nhưng không còn biết làm gì hơn đành gật đầu:
-Được, anh sẽ toại nguyện. Tôi gọi John ngay bây giờ.
Dứt lời ông ta rút điện thoại tay gọi. Chỉ hai phút sau, một người to lớn, gương mặt cực kỳ lạnh lùng bước vào.
-Anh là John thám tử của ông Bill Cohen phải không?
-Phải.
Văn-Lang gật đầu. Chàng hết nhìn Bill Cohen đến nhìn John rồi nói:
-Bây giờ thầy trò anh hãy cho tôi biết tất cả những gì các người nắm vững trong vụ này mà bảo rằng đã đầy đẻ bằng cớ mà tôi vẫn chưa đi bắt người.
Bill Cohen đưa mắt ra hiệu, John hiểu ý liền lớn tiếng dõng dạc.
-Tang vật, con dao có dấu tay nghi can. Cái bóp của nghi can nằm ngay tại địa điểm giết người. Còn thiếu cái gì nữa mà ông phải chờ?
Không trả lời câu hỏi của John mà Văn-Lang lại hỏi ngược lại:
-Hãy tả cho tôi hình dáng con dao giết chết người.
John không cần suy nghĩ đáp ngay:
-Đó là một con dao găm, loại của nhà binh xử dụng.
Văn-Lang lại hỏi tiếp:
-Nạn nhân bị đâm bao nhiêu nhát, chết làm sao?
John nhìn Văn-Lang cười ngạo nghễ nói:
-Ông định đưa tôi vào tròng hả? Khôn dễ dàng đâu! Nạn nhân chỉ bị đâm có một nhát ngay giữa ngực thôi, nhưng là chỗ hiểm nên chết ngay không kịp ngáp. Sao? Tôi nói có gì sai không?
Văn-Lang phá lên cười rũ rượi. Tiếng cười của chàng làm cả Bill Cohen lẫn John khó chịu không ít. Chưa ai kịp phát biểu ý kiến thì Văn-Lang bỗng nghiêm nét mặt nói:
-Đúng! Đúng quá đi chứ! Nhưng các ông chọn lầm nghề rồi! Đáng lẽ các ông nên nên chọn nghề làm báo có lẽ thích hợp hơn. Chỉ cần ngồi nhà mà mua tin tức thôi rồi cứ chiếu theo đó mà điều tra chứ chẳng cần phải bước ra ngoài đường một bước làm gì cho nhọc công.
-Ông nói sao tôi không hiểu?
Văn-Lang búng ngón tay một cái nói:
-John, ông đi theo tôi ra ngoài này vài phút thôi. Tới chừng đó mà ông muốn dành lấy vụ này thì tôi cũng sẽ nhường lại cho ông ngay.
Không đợi John trả lời, Văn-Lang đứng dậy bỏ ra ngoài hành lang. Bill Cohen đưa mắt ra hiệu, John liền gật đầu, đứng lên theo Văn-Lang ra ngoài.
Mười lăm phút sau, hai người trở vào lại. Bill Cohen chưa kịp hỏi thì John với dáng điệu ngượng ngập đã nhanh nhẩu lên tiếng trước:
-Ông Bill Cohen à! Tôi nghĩ vụ này chúng ta không nên thắc mắc nữa làm gì mà nên để yên cho ông Văn-Lang điều tra là hơn. Ông ta thật quả nắm vững tình thế hơn tôi nhiều.
Bill Cohen chết lặng cả người trong khi Louis Winston nổi lên một tràng cười ha hả như để chế nhạo người ‘đồng nghiệp’...
*
* *
Bà Hội cùng hai con Trúc và Phát ngồi chung với nhau trên chiếc ghế dài trong phòng khách đối diện với Văn-Lang. Chàng thám tử 008 mặt lạnh như tiền chẳng khác như có một làn sương phủ trên mặt. Thấy ba mẹ con đã sẵn sàng đâu đó, chàng liền bắt đầu cuộc thẩm vấn:
-Ba người hãy lần lượt cho tôi biết tối hôm xảy ra án mạng thì quý vị làm gì, và ở đâu?
Bằng một giọng hết sức khép nép, bà Hội từ từ khai:
-Hôm ấy Quý dẫn ba mẹ con tôi đi tửu lầu ăn uống thì có gặp ông và Khôi ở đó như ông đã biết. Rồi biến cố xảy ra dọc đường do tên Toàn gây ra và nhờ ông can thiệp tôi cũng chẳng cần phải nói thêm làm gì. Sau đó, tên Toàn lái xe theo chúng tôi về nhà với mục đích hắn nói là ‘lấy tiền’. Quý để ba mẹ con tôi ở nhà anh ta nói đi nói chuyện với tên Toàn một lát. Và sau đó, Quý không bao giờ trở lại. Sáng hôm sau ba mẹ con chúng tôi về lại nhà thì nhìn thấy xác Quý nằm đó liền quay điện thoại 911 gọi cảnh-sát. Nhà chức trách sau đó đem mẹ con tới một dãy nhà của chính phủ dành cho những người vô gia cư ở tạm, bảo khi nào cảnh-sát làm thủ-tục xong xuôi, dọn dẹp chỗ đó thì họ sẽ đem chúng tôi về lại nhà.
-Hôm xảy ra án mạng thì mấy giờ bà về đến nhà.
Trúc nhanh nhẩu đáp:
-Mười rưỡi. (10:30 P.M.)
Văn-Lang gật đầu hỏi tiếp:
-Khoảng mấy giờ Quý rời khỏi nhà y?
-Cùng lắm là 10: 35 P.M.
-Và anh ta không bao giờ trở lại?
-Dạ thưa ông, phải.
Trong khoảng thời gian đó cho đến 11 rưỡi, trong ba người có ai rời khỏi nhà ông Quý đi đâu không?
Cả ba người cùng đáp là ‘không’. Văn-Lang lúc đó mới để ý nhiều đến Trúc. Chàng nhìn cô ả đăm đăm hỏi:
-Nghe nói Quý là vị hôn phu của cô phải không?
-Thưa phải.
-Cô quen y bao lâu rồi?
-Thưa, một tháng.
-Một tháng? Cô có thấy là hơi sớm để nói chuyện vợ chồng không?
Trúc thẹn thùng đỏ mặt, nhưng cô nàng đã lấy ngay lại bình tĩnh nói:
-Thưa ông, đó là chuyện riêng của tôi. Không hiểu có liên-quan gì về vấn đề điều tra này không?
Văn-Lang cười đáp:
-Bình thường thì tôi không thèm hỏi cô làm gì cả. Nếu các người quen nhau một ngày hay một giờ rồi thề non hẹn biển cũng không ăn nhập gì tới tôi. Nhưng trong trường hợp này tôi cần phải hỏi để được biết rõ sự liên-hệ giữa cô và người đã chết như thế nào; có thật là yêu nhau hay không hay là chỉ lợi dụng nhau để rồi đưa đẩy đến kết qủa hại lẫn nhau.
-Tôi và anh Quý hết sức thương yêu nhau. Làm sao tôi có thể hại anh ấy được!
-Vì sao cô thương y? Vì tình hay vì tiền?
-Tại sao ông phải thắc mắc?
-Tôi chẳng vừa nói rõ cho cô nghe là gì! Nếu cô không trả lời tôi bây giờ cũng được không hề hấn gì. Sẽ có người khác đến hỏi cô. Chắc là cô muốn hợp tác với người Mỹ hơn là tôi, người Việt như cô. Nhưng không sao, tôi không ngại điều đó đâu.
Biết Văn-Lang đáo để vô cùng, không phải là người ‘dễ chơi’, Trúc đành xuống nước:
-Tôi thương anh Quý hoàn toàn vì tình.
-Luôn cả sau khi cô biết hắn là một tên ‘bụng rỗng kêu to’ chuyên sống bằng nghề đi lừa bịp thiên-hạ?
Trúc chưa kịp trả lời Văn-Lang đã bồi thêm một câu:
-Chẳng hạn như lừa bịp tiền bạc của cái người tên Toàn kia, báo hại tôi phải xử dụng đến tay chân tối hôm đó!
Trúc chưa biết trả lời thế nào thì Văn-Lang đã cười rộ lên. Mặt chàng sau đó đanh lại như thép hỏi gặn từng chữ một:
-Tôi hỏi lại một lần nữa. Đêm hôm đó có ai ra ngoài không?
Một lần nữa, cả ba người đều đáp là không. Văn-Lang thở dài lắc đầu. Chàng lẩm bẩm như nói vào hư không:
-Không lẽ mấy người hàng xóm ở đây mù hết cả rồi hay sao mà trông gì cũng ra người hết!
Lúc bấy giờ, Phát bỗng yếu ớt lên tiếng:
-Thưa thám-tử, tối hôm đó em có ra ngoài một chút.
Văn-Lang ‘à’ một tiếng rồi tiếp:
-Sao lúc đầu tôi hỏi lại bảo là ‘không’? Rồi khi tôi hỏi lại thêm lần nữa cũng bảo là ‘không’!
Tiếng Phát rụt rè:
-Thưa thám-tử, tại em quá sợ bị nghi ngờ.
Văn-Lang đứng dậy đi qua lại , mấy bước nhìn Phát một hồi.
-Cậu giấu diếm chi tiết mới là dễ bị tình nghi đó. Thôi, tạm bỏ qua chuyện đó. Bây giờ mau nói cho tôi biết, cậu ra ngoài lúc mấy giờ? Làm gì? Đi đến những nơi nào?
Phát nặn óc vài giây rồi khai:
-Em chắc chắn lúc đó phải là khuya lắm, chắc chắn là sau 12 giờ đêm. Em chỉ ra ngoài vườn hút thuốc thôi chứ không đi đâu cả vì thấy bực bội khó chịu, trằn trọc không ngủ được, phần thì lại lo lắng cho anh Quý sao đi lâu quá không về.
-Lúc cậu dậy thì mẹ cậu hay chị cậu có biết không?
-Không!
-Sau đó cậu có đi đâu không?
-Không. Em sau đó vào lại nhà và đi ngủ.
Văn-Lang quan-sát thật kỹ khuôn mặt của Phát. Chàng lại hỏi:
-Cậu nghĩ sao về chuyện ‘thề non hẹn biển’ của Trúc, chị của cậu.
-Em rất tán thành chuyện đó.
-Nghĩa là cậu không ghét ‘anh Quý’ một chút nào hết?
-Ngược lại nữa là đàng khác! Em rất thích anh ta. Anh ta giúp đỡ gia đình em rất nhiều. Ngay cả mẹ em vẫn thường bảo chị Trúc thật là tốt phước lắm mới được anh ấy chiếu cố đến.
Văn-Lang bật cười thành tiếng. Nhưng chỉ trong vài giây chàng đã nghiêm trang trở lại ngay.
-Đêm hôm đó khi người đàn ông tên Toàn kia chặn xe đánh cho Quý ‘anh rể hụt’ của cậu thì cậu cũng đã hiểu rõ hắn là một tên bịp bợm chuyên đi lừa tiền của thiên-hạ phải không?
Phát lên tiếng phản đối:
-Không phải vậy. Đó chẳng qua là vì anh Quý nghĩ đến sự an nguy của ba mẹ con em mà thôi nên mới tạm nhịn tên Toàn kia. Chính tên Toàn kia mới là một tên đầu gấu chuyên môn đi bắt nạt người hiền để ‘bắt địa’. Anh Quý thương tình hắn nên cho tiền vài lần làm hắn tưởng là anh ấy sợ mà làm tới!
-Có phải chính ‘anh rể hụt’ của cậu nói với cậu như thế?
-Phải. Anh có nghĩ là gã Toàn đó rất có thể là thủ phạm trong vụ này không? Tại làm sao anh không đi điều tra hắn đi?
-Tôi biết phải làm gì! Cậu không cần bận tâm, cứ lo cho cái thân của cậu trước đã.
Rồi Văn-Lang chéo miệng, lắc đầu nói:
-Có điều tôi vẫn không hiểu!
-Anh không hiểu điều gì?
-Một là cậu quá thông-minh, hai là cậu quá đần!
-Tại sao thám-tử lại nói như vậy?
Nhìn thẳng vào mặt Phát, Văn-Lang dửng dưng:
-Tại vì tôi nắm được tẩy ‘anh rể hụt’ của cậu, gã Quý đó, rất rõ ràng, và biết hết về quá trình của hắn.
Dứt lời, Văn-Lang chỉ thẳng vào mặt Phát gằn rõ từng tiếng:
-Còn cậu. Luôn cả quá trình của cậu cũng không có gì đáng hãnh diện cho lắm có đúng không?
Phát im lặng không nói một lời. Văn-Lang chẳng chút nể nang, nói ‘toạc móng heo’ ra cho cả ba mẹ con cùng nghe:
-Khi ở Việt-Nam, cậu từng nghiện ngập, hút sách, đi ăn trộm ăn cắp, đánh lộn, vào tù ra khám như cơm bữa có phải không? Mẹ cậu đã phải hơn một lần gửi cậu ở trại giáo-huấn, đúng không?
Phát cúi đầu lặng yên không nói năng gì được. Bà Hội và Trúc thì chết lặng cả người. Cả ba cùng thắc mắc tại làm sao nhà thám-tử kia lại biết mọi chuyện sành sõi và chi tiết đến thế. Nhìn sơ qua nét mặt, Văn-Lang cũng đọc được tư tưởng của cả ba. Chàng cười nhạt nói:
-Vì vậy, không gì hơn một đời sống lương thiện hiền hòa. Cậu cũng đã lớn rồi, chắc hiểu ý tôi muốn nói gì chứ?
Phát hốt hoảng xua tay nói:
-Từ ngày sang đây em ‘tu’ rồi, đâu còn ‘nguậy’ như hồi đó nữa. Phải, quá khứ của em thật không tốt, nhưng nay em đã hối cải làm lại cuộc đời.
Văn-Lang cười nhạt:
-Cứ hy-vọng là vậy đi!
Liếc nhìn, thấy Trúc ngồi nhìn chàng bằng một cặp mắt e dè và ghê sợ, Văn-Lang hất hàm hỏi:
-Còn cô? Từ ngày sang bên này đã mở ‘party’ nào mời cả xóm tham dự chưa? Chao ôi! Thật là sung sướng quá đi! Tôi chỉ mới nghĩ tới thôi mà đã thấy thèm rồi! Phải chi mình có thì giờ...
Văn-Lang nhắm nghiền đôi mắt lại ra vẻ mơ màng, tiếc rẻ... Rồi đột nhiên chàng mở mắt ra trợn lên quay sang phía bà Hội, để nhẹ một ‘cú giò lái’:
-Tất cả những chuyện đó hy-vọng bà đừng đổ cho Khôi nhé, tội nghiệp anh ta lắm! Đời anh ta đã bị nhiều oan ức lắm rồi, mong bà nghĩ là thế!
Bà Hội suy nghĩ vài giây rồi lên tiếng:
-Ông Văn-Lang à! Tại sao ông không nghĩ là chính thằng Khôi là thủ phạm giết chết Quý? Chứng cớ chẳng rành rành ra đó là gì. Ông nói đi, nếu chẳng phải là nó thì tại sao cái bóp của nó lại nằm đàng sau vườn? Đó là một con người tàn bạo, tính lộ ra từ nhỏ rồi chứ có phải mới đây đâu. Tôi còn lạ gì thằng Khôi nữa mà ông phải bênh vực cho nó! Hay là ông đã kết bạn với nó rồi nên sẵn sàng che chở cho nó mà có thể đổ oan cho bất kỳ ai khác?
Văn-Lang cười nắc nẻ. Chàng khinh khỉnh nhìn bà Hội nói bằng một giọng châm biếm:
-Kết bạn là một chuyện, còn điều tra lả chuyện thứ hai. Tôi có thể vừa kết bạn với một người và cũng vừa điều tra luôn người đó. Tỉ-dụ như hôm nay đang ngồi đây nói chuyện với bà, biết đâu ngày mai tôi lại còng bà đem về bót thì sao? Trở lại vấn đề, khi chưa tìm ra thủ phạm thì tôi không dám đoán bậy cho ai cả. Và một lần nữa, tôi xin khẳng định là cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa dám chắc ai là thủ phạm giết người nên chưa hề kết tội ai hết. Nhưng tôi cũng xin lập lại là kẻ giết người có mà chạy đàng trời, bất kể là ai! Nếu ông trời mà che chở cho kẻ đó thì Văn-Lang tôi đây sẽ lên tận trời một mất một còn với ông ta để đem tội nhân xuống lại nơi trần gian mà xử! Còn nói về đổ oan cho người khác thì bà thuộc loại dân chuyên-nghiệp rồi, chắc chắn là sành sõi chuyện này hơn tôi nhiều. Đã bao nhiêu người vô tội kia còn lạ gì tính của bà! Và nói trước cho biết, chính bà cũng nằm trong danh sách nghi can của tôi đây. Nếu bà vô tội thì không nói chứ còn có tội thì ôi thôi, xin bà cầu nguyện với thượng-đế của bà nói giùm may ra án có thể nhẹ bớt đi chút đỉnh!
*
* *
Văn-Lang ngồi một mình trong xe hút thuốc chờ đợi. Nửa tiếng trôi qua, một chiếc xe màu đen vừa đậu bên kia đường, trước cửa nhà. Một người đàn ông đeo kính râm, dáng người to lớn bước ra đóng xầm cửa xe lại. Không chút chậm trễ, chàng mở cửa xe ra gọi lớn:
-Ông Toàn!
Người đàn ông nghe gọi tên mình liền đứng khựng lại. Vừa trông thấy Văn-Lang từ bên kia đường băng qua, gã lộ vẻ lo sợ run rẩy đứng im không nhúc nhích, nhưng cố gom hết can đảm lên tiếng hỏi:
-Ông tìm tôi có việc gì?
-Để hỏi ông ít câu.
Toàn đã được ‘thưởng thức’ qua tài nghệ của chàng thám tử 008 này nên không dám hách dịch hay lớn tiếng gây sự, lại càng không dám nghĩ đến cách nói chuyệng bằng chân tay. Văn-Lang nhìn Toàn chằm chặp nói:
-Chúng ta có thể nói chuyện ngay tại đây hoặc là vào bên trong, tùy ông lựa chọn.
Toàn ngó trước ngó sau một cái rồi đáp ngay không do dự:
-Mời ông vào nhà nói chuyện có lẽ tiện hơn.
-Được!
Cả hai vào nhà. Chờ ngồi xuống thoải mái đâu đó xong xuôi, Văn-Lang mới bắt đầu câu chuyện:
-Tối hôm đó, nghe ông nói với Quý là ông theo gã về nhà lấy tiền. Sáng hôm sau người ta tìm thấy xác tên Quý chết nghĩa là sao?
Hồn vía Toàn lên mây, gã lắp bắp thề ‘bán sống bán chết’:
-Không... không! Tôi... không có giết... tên Quý... đó! Tôi...
Thấy dáng điệu sợ sệt ấp a ấp úng của gã, Văn-Lang không khỏi tức cười. Chàng cố nhịn cười, nghiêm nét mặt nói:
-Tôi chưa có hỏi là ông có giết người hay không. Giờ hãy kể cho tôi nghe đầu đuôi diễn biến tối hôm đó ra sao. Ông theo gã Quý về đó lúc mấy giờ? Ông làm gì ở đó? Rời khỏi lúc mấy giờ?
Văn-Lang chẳng cần biết nhà Toàn có kỵ mùi thuốc lá hay không. Chàng móc thuốc ra, bật lửa mồi hút. Chàng cũng không quên mời gã một điếu để ‘hú hồn’:
-Có lẽ hút vào vài hơi ông sẽ bình tĩnh hơn mà nói chuyện.
Toàn chạy vội đi lấy cái gạt tàn đem ra để giữa bàn. Sau đó gã từ từ thuật lại mọi diễn biến:
-Hôm đó tôi theo tên Quý về nhà hắn khoảng mười rưỡi (10:30g). Hắn dặn ba mẹ con bà Hội ở lại nhà hắn đợi hắn nói chuyện riêng với tôi xong. Sau đó hắn dẫn tôi tới một căn nhà ở gần đó, mà theo chúng ta được biết đó là nhà bà Hội. Tôi đòi lại tiền của tôi, hắn bảo đang kẹt nên không có đủ tiền trả và năn nỉ với tôi cho hắn khất...
Nghe nói đến đây Văn-Lang chợt ngắt lời:
-Khoan! Ông cho tôi biết hắn thiếu nợ ông bao nhiêu, đầu đuôi ra sao, trong trường-hợp nào?
-Hai chục ngàn (20000)! Đó là tất cả số tiền để dành được suốt bao nhiêu năm đi làm, thắt lưng buộc bụng mới được từng đó. Ông cho tôi nói sơ qua về chuyện này một hút. Cách đây vài năm tên Quý này ăn mặc bảnh bao lịch-sự tới nhà tôi tự giới-thiệu hắn là một người làm ăn rất thành công, gia-sản có tới vài chục triệu, có ý muốn giúp đỡ người đồng hương. Hắn dặn tôi rằng nếu ai tin tưởng hắn, muốn làm ăn chung với hắn thì giao cho hắn ít nhất là mười ngàn (10000) đô thì hắn bảo đảm cứ mỗi tháng sẽ có lời 500 đô. Tôi thầm nghĩ nếu mình bỏ tiền nhà băn thì một năm cùng lắm là lời được có hơn 200 bạc, nên đây thật là cơ hội ngàn vàng để kiếm thêm chút đỉnh. Nghĩ đoạn tôi liền cho hắn biết tôi sẵn sàng bỏ ra 10000 đồng để hùn hạp làm ăn chung với hắn. Suốt ba tháng liên tiếp, tháng nào hắn cũng tới giao cho tôi 500 đồng, bảo rằng đó chỉ là tiền lời của tôi thôi, chứ còn vốn liếng thì vẫn còn nguyên vẹn. Tôi mừng quá và cảm thấy hắn thật là người có uy tín đáng tin cậy nên giao nốt cho hắn 10000 đồng còn lại cho hắn, đinh ninh rằng mỗi một tháng sẽ đem về được một ngàn đồng. Thú thật với ông, tôi đi làm 40 tiếng một tuần mà chỉ đem về trên dưới có 1000 đồng mỗi tháng. Nếu theo cách làm ăn thế này thì lợi tức hàng tháng của tôi sẽ tăng lên gấp đôi, chẳng hay lắm ru? Nhưng sau đó cầm số tiền đưa đợt hai của tôi thì hắn không bao giờ còn trở lại nữa. Tôi gọi điện thoại tìm không biết bao nhiêu lần nhưng không lần nào gặp được hắn cả. Rồi một hôm tổng đài cho tôi biết là số điện thoại của hắn đã cắt rồi nên không còn cách nào để liên lạc với hắn nữa. Tôi hết sức đau khổ vì bị lừa một vố đau quá, để đến nỗi ‘tiền mất tật mang’!
Văn-Lang nghe qua vừa buồn cười vừa thương hại. Thông thường thì một người có bình dân giáo-dục đến cỡ nào cũng hiểu được cái lối ‘làm ăn không vốn’ của cái nhóm người ‘chơi hụi giựt hụi’ đó, nhưng trên thực tế thì không biết bao nhiêu người tự cho mình là ‘có học’ lại bị ‘mắc hởm’ nhiều hơn! Gã Toàn này thuộc thành phần nông cạn, không bao giờ chịu dùng đầu óc suy nghĩ thì cũng chẳng có gì đáng bàn. Chàng nhớ lại một câu thơ từng đọc qua thời còn đi học là ‘biết ai là dại, biết ai khôn’...
Với giọng buồn bã, Toàn kể tiếp:
-Mấy năm liên tiếp tôi không tìm thấy hắn đâu cả. Tối hôm nọ tôi tình cờ lái xe ngang qua gặp hắn ở bãi đậu xe ở tửu lầu tôi liền dừng xe lại gọi thì hắn lên xe chạy thẳng, do đó mà tôi đuổi theo cho bằng được. Tất cả những chuyện sau đó thì ông đã biết...
Văn-Lang lại ngắt lời:
-Trở lại vấn đề. Tôi biết sau khi hắn khất lần ông thì chuyện gì xảy ra kế tiếp. Ông có đồng ý chịu cho hắn khất hay không?
-Dĩ nhiên đời nào tôi chịu! Tôi nhất định phải đòi đến cùng. Tôi có nói với hắn là tôi không cần tiền lời gì nữa mà chỉ cần lấy lại đủ số vốn là 20000 mà thôi. Vì hắn đã đưa tôi 1500 trong ba tháng hồi đó nên tôi bảo là tôi chỉ cần hắn đưa nốt cho tôi 18500 nữa là xong. Thấy tôi làm dữ quá nên cực chẳng đã, hắn mới ‘xì ra’, đưa cho tôi trước 2000 đồng bảo sẽ từ từ thanh toán sau. Ông thấy đó, tôi đâu có muốn hắn chết làm gì, vì hắn mà chết thì số tiền còn lại của tôi còn biết đòi ai, kiện ai đây? Cái chết của hắn hại tôi mất tổng cộng là 16500 đô! Ông coi, liệu tôi có sung sướng được hay không? Vẫn biết là tôi không ưa gì hắn cả, nếu chưa muốn nói là khinh, là ghét thậm tệ! Nhưng ông nói đi, nếu vào ông thì ông có giết tên Quý kia được không?
Văn-Lang chăm chú nghe từ đầu chí cuối, không bỏ sót một chi tiết nào. Chàng vẫn ngồi yên, lạnh lùng như băng mà không tỏ một thái độ nào. Không chú ý đến câu hỏi của Toàn, Văn-Lang hỏi sang chuyện khác:
-Ông rời khỏi lúc mấy giờ? Có ai làm chứng được điều đó không?
Toàn suy nghĩ vài giây rồi trả lời:
-Tôi khá chắc chắn là trong khoảng từ 11 giờ 15 cho đến 11 rưỡi.
Văn-Lang hỏi kỹ:
-Ông có chắc không?
-Chắc!
-Vậy có ai làm chứng được điều đó?
-Có hai người.
Đôi mắt của Văn-Lang chợt sáng rực lên. Chàng hỏi tiếp:
-Là những ai? Ông nói cho rõ ràng và chi-tiết vì điều này rất quan-trọng. Nó có thể là một biện-chứng cho sự thanh-bạch, vô tội của ông đó.
Toàn gật đầu nói:
-Một người là em ruột của bồ gã Quý đó tên là... hình như Phát thì phải. Còn người kia là một người cỡ tuổi ông tên... Khánh..., ơ... không phải!... Có lẽ là Khải... mà không... ơ... ơ...
Vò đầu bứt tóc một hồi, Toàn bỗng vỗ đùi một cái đét nói:
-Phải rồi! Tên là Khôi!
-Khôi?
-Phải! Tôi chắc chắn là như vậy. Sau khi tên Quý đưa tiền cho tôi xong thì hình như không hẹn mà gặp. Thằng Phát, em vợ tương-lai hụt của tên Quý bước vào nhà và không đầy 15 giây sau thì người đàn ông tên Khôi kia bước vô. Tôi còn nhớ, người đàn ông tên Khôi kia sặc mùi bia rượu, mặt mày đỏ bừng. Vừa bước vào, ông ta đã chỉ vào mặt gã Quý chửi rủa như tát nước vào mặt, đòi đánh nhau tay đôi. Tên Quý vừa chửi lại thì người đàn ông tên Khôi đó nhào tới thoi tên Khôi kia mấy cái, chính tôi và tên Phát kia phải can hai bên ra.
-Ông giữ tên Quý lại còn tên Phát can ông Khôi có phải không?
-Đúng vậy! Sao ông biết?
Văn-Lang cười nhạt:
-Vì hai người đó vào cùng một lượt nên khoảng cách gần nhau hơn. Còn ông với tên Quý kia nói chuyện với nhau một hồi khá lâu thì không thể nào đứng xa nhau được!... Rồi Sau đó thì sao nữa?
-Sau đó thì tên Phát kia đem ông Khôi ra ngoài không biết năn nỉ ỉ ôi cái gì đó, chỉ thấy lúc hắn trở vào lại thì không còn người đàn ông tên Khôi kia nữa. Thấy chuyện cũng tạm yên nên tôi sau đó ra về...
Nghe tới đây Văn-Lang lại ngắt lời:
-Sau khi ông ra về thì tên Phát còn ở đó phải không?
-Không! Hắn đi cùng lượt với tôi. Tôi ra xe, còn hắn quẹo trái đi bộ, chắc là về lại nhà tên Quý kia ngủ.
-Như ông kể thì ông Khôi có thoi tên Quý kia mấy thoi. Vậy ông có thể nói cho tôi biết ông Khôi đánh trúng tên Quý vào chỗ nào không?
-Ban đầu ông Khôi đấm ngay mặt tên Quý hai cái, sau đó bồi thêm một đá nữa ngay bàn tọa. Tên Phát nhảy tới ôm ông Khôi lại, còn tôi thì đứng ra phía trước tên Quý ôm hắn, đồng thời để ngăn cản ông Khôi.
Lúc đó Văn-Lang mới gật đầu nói:
-Tốt lắm! Được rồi, cám ơn ông.
Toàn thấy hồi hộp trong lòng vội hỏi:
-Ông Văn-Lang, liệu tôi còn bị nghi ngờ nữa không?
Văn-Lang mỉm cười đáp:
-Khi nào điều tra xong xuôi thì sở cảnh-sát mới có thể bắt đầu từ từ loại bỏ từng người trong danh sách nghi can một khi đoán dần ra thủ-phạm là ai.
Toàn nghe nói có vẻ hậm hực, lộ nét khó chịu.
-Tại sao ông không chịu tin tôi? Những gì tôi nói với ông đều là sự thật cả. Tôi không hề dấu ông nửa điểm kia mà!
Lần này Văn-Lang chỉ cười lớn mà rằng:
-Tôi chưa hề bảo là ông nói dối, nhưng cũng chưa thể kết luận ngay được điều gì. Nếu ông không làm, thật sự vô tội thì cứ bình tĩnh mà vui sống chứ không việc gì phải lo lắng sợ sệt cả. Đó là điều duy nhất hiện tại mà tôi có thể khuyên ông được mà thôi.
Rời nhà Toàn, Văn-Lang bỗng cảm thấy buồn buồn. Chàng chợt nhớ tới Yến. Không biết giờ này cô ả đang ở đâu và làm gì? Liệu cô nàng đã chịu ‘tha thứ’ chưa hay vẫn còn giận hờn? Suy nghĩ một hồi Văn-Lang chỉ còn biết thở dài mà tự nhủ:
-“Muốn biết rõ sự thật thì chỉ có một cách mà thôi!”
Văn-Lang lấy điện-thoại ra bấm số. Tiếng chuông bắt đầu reng. Phía đầu giây bên kia có tiếng con gái trả lời:
-A lô...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui