-Anh khốn nạn! Đi chết đi!
Văn-Lang đưa tay khẽ xoa má một cái rồi nhìn Yến hỏi:
-Sao? Hả giận chưa?
Yến nhìn Văn-Lang căm hờn nói:
-Anh sung sướng chưa?
-Sung sướng lắm! Ủa, mà quên! Sung sướng về cái gì?
Yến giơ tay toan tát vào mặt Văn-Lang một cái nữa thì chàng đã nhanh nhẹn chộp được tay nàng, nắm chặt lại.
-Đủ rồi! Đàn bà con gái đáng yêu ở chỗ thùy mị dễ thương. Tại sao lại bỏ những cái ưu-điểm của mình đi mà học ba cái thói của những kẻ vũ-phu như vậy là nghĩa thế nào?
Yến cố sức vùng vẫy nhưng không tài nào thoát rút tay ra được. Nàng phụng phịu lớn tiếng la lên:
-Bỏ tay tôi ra! Anh định bẻ gẫy tay tôi hay sao?
Văn-Lang cả cười khẽ buông tay Yến ra nói:
-Ăn vạ là một thói xấu. Nhưng thói xấu này của đàn bà con gái thật đáng yêu, có thể chịu được.
Yến tức giận đến cực điểm mà không sao nói được. Văn-Lang nhìn nàng một chập bỗng động lòng trắc ẩn, thấy thương hại. Chàng dịu giọng nói:
-Nếu cô có thương yêu ai thì tốt hơn hết nên trở lại cái tính dịu dàng khả ái như xưa và hãy giữ vững lòng tin. Lo lắng quan tâm cho người cô yêu thương là điều tốt nhưng đừng vì vậy mà giận lây, ghét lây đến người khác. Tính nóng giận không những không giúp gì cho ai được mà còn làm chuyện rắc rối thêm và tự làm khổ thân mình nữa mà thôi. Tính cô điềm đạm, bình tĩnh khi đánh bóng bàn như thế nào thì hãy áp-dụng điều đó vào cuộc sống ắt sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp như kết quả bóng bàn cô hạ tôi vậy. Còn nếu cô có thù ghét ai thì cũng cũng không sao, nhưng xin khoan đừng đem họ ra ‘xử tử’ vì sau này tới chừng mình biết họ chết oan thì đâu còn cơ hội để hối hận nữa! Đây là tôi nói về những người nào có lương tri. Tôi tin rằng cô là một người có lương tri, một người rất tốt, sau này sẽ là vợ hiền và mẹ hiền nên tôi mới dám có đôi lời nhắc nhở. Nếu cô có thể coi tôi như một người anh hay một người bạn thì hay lắm, nhưng không được thì cũng không hề gì. Tất cả những gì tôi vừa nói nếu cô thấy có lý thì hãy dành chút thì giờ mà suy ngẫm, còn như thấy chướng thì cứ bỏ ngoài tai, coi như tôi chưa từng nói qua.
Yến lặng thinh chẳng nói một lời nào. Văn-Lang biết ít nhiều những lời của chàng cũng đã thấm vào lòng cô ta. Chàng vừa định nói thêm vài lời thì Yến đột nhiên lên tiếng:
-Phải chi hồi đó anh đừng cho tôi leo cây.
Văn-Lăng ‘ồ’ một tiếng cười nói:
-Tôi không hề có ý cho cô ‘leo cây’. Đó chẳng qua là một trong những chuyện bất đắc dĩ mà thôi.
-Thế nào là bất đắc dĩ?
-Lúc đó tôi đang bị cúm, mệt quá nằm nghỉ một chút cho khỏe để chiều tối gặp cô nhưng chẳng ngờ vừa nằm xuống thì ngủ luôn cho đến quá nửa khuya mới thức giấc.
Yến chợt mủi lòng. Nàng nhìn Văn-Lang, giọng có vẻ ân hận:
-Sao anh không chịu nói?
Văn-Lang cười chua chát nói:
-Nói để mà làm gì? Vả lại lúc đó cô có chịu nghe tôi nói đâu? Cô có cho tôi mở mồm ra đâu!
-Bây giờ anh trách tôi đó hả?
-Tội quá cô nương ơi! Chuyện gì đã qua thì cho qua luôn đi, còn nhắc lại mà làm gì! Nhưng tôi mong rằng cô hiểu là ở đời không phải lúc nào sự việc cũng xảy ra theo ý của mình đâu. Nhất là sau này khi cô lập gia đình thì phải rộng lượng tha thứ chứ đừng giận lẫy vu vơ làm gì nữa. Ở đời chuyện may rủi thật khó mà nói được. Nhiều lúc tưởng nó là cái may nhưng lại thành ra là cái rủi; ngược lại nhiều lúc thấy đó là cái rủi nhưng rốt cuộc lại là một cái may. Chuyện vừa qua có thể là một cái rủi nhưng bù lại trở thành cái may cho cô đó. Cô tìm được người hết sức thương yêu cô và sẽ dành rất nhiều thì giờ cho cô. Như thế chẳng hay hơn lắm sao?
Yến thở dài. Nàng cảm thấy yêu thương Văn-Lang trở lại dù biết chuyện hai người giờ đây có lẽ là không thể đi đến đâu được nữa. Nàng thẹn thùng, gượng hỏi:
-Anh có trách tôi không?
Văn-Lang nhún vai nói:
-Trách cô? Nếu không mừng cho cô thì thôi chứ sao lại trách cô được! Tôi không phải là mẫu người đem lại hạnh phúc cho cô như cô đã thấy. Nội chuyện dành ít thì giờ cho cô còn làm không nổi nữa kia! Công việc của tôi bất thường, nay đây mai đó, đầy những thử thách và hiểm nghèo. Đáng lẽ tôi phải luôn luôn hiểu rõ điều này nhưng nhiều lúc lý trí vẫn phải nhường con tim cho dù sau cùng vẫn kiểm soát được con tim.
Yến biết dù sao Văn-Lang vẫn còn yêu nàng. Nhưng giờ đây chàng yêu nàng theo phương cách của chàng, không muốn cho nàng bị liên lụy vì công việc của thám-tử cùng những ân oán lẩm cẩm trên giang hồ. Lòng nàng đột nhiên trở nên cực kỳ mâu thuẫn. Nàng không biết phải vui hay là buồn.
Có thể nói Yến là một người con gái rất là ‘nam tính’. Nàng không thiếu nét xinh đẹp thùy mị của phái nữ nhưng tính tình thẳng thắn cởi mở như đàn ông vậy. Một khi nàng thương ai là không ngần ngại nói thương, và ngược lại đã ghét ai cũng dám nói ngay mặt người đó tiếng ‘ghét’.
Từ ngày quen với Văn-Lang, Yến đã tỏ lòng yêu mến kính phục chàng rất nhiều. Trong mắt Yến, Văn-Lang là một người đàn ông rất hào hoa, có đủ những đức tính mà nàng ước muốn nơi hình ảnh người chồng tương-lai của nàng. Rồi vì một chuyến giận hờn nho nhỏ, nàng quen với Khôi. Vốn dĩ nàng chỉ muốn dùng Khôi làm một bức bình phong để ‘trả đũa’ Văn-Lang đã thất hẹn với mình mà thôi. Nhưng khi dính vào thì mọi chuyện lại thay đổi hoàn toàn mà chính bản thân nàng cũng không ngờ đến. Khi biết được Khôi, Yến thấy ngay chàng ta là một người thành thật. Mà Yến vốn ưa người thành thật. Nàng hối hận ngay đã có ý định dùng Khôi để chọc tức Văn-Lang. Rồi đến lúc tìm hiểu Khôi, Yến tự cảm thấy nàng đóng một vai trò khá quan trọng đối với người con trai đó. Khôi cần nàng. Khôi là một người rất tốt, đa sầu đa cảm tuy hơi có nóng tính một chút. Khôi cũng không điềm đạm hay không ngoan được như Văn-Lang. Nhưng chàng ta không độc đoán, sẵn sàng chú ý nghe người khác nói. Yến thầm nghĩ nếu như chàng ta có một người bạn đời thông cảm thì có lẽ đâu sẽ vào đó.
Vì rất ‘nam tính’, Yến không để ý đến chuyện tiền tài và sự nghiệp gì cho lắm. Nàng quan niệm rằng dù cho đến thế nào đi chăng nữa, nàng cũng có thể tự làm nên được sự nghiệp sau khi ra trường. Vì vậy, điều nàng tìm kiếm nơi người chồng tương-lai chắc chắn không phải là sự giàu sang hay phú quý. Nếu ai không hiểu Yến ắt sẽ cho nàng là ‘quá lý tưởng’ hoặc là ‘quá lãng mạn’. Nhưng thật ra, nàng thực tế hơn ai hết. Nàng phân biệt ‘tình và tiền’ rất rõ rệt. Yến rất thù ghét hạng đàn ông chuyên dùng tiền bạc để ‘lấy le’ với đàn bà con gái. Không ít thì nhiều, cũng đã có không biết bao nhiêu người để ý đến nàng nhưng bị nàng coi thường chỉ vì cái tính ‘cơm gạo’ kia.
So sánh giữa Văn-Lang và Khôi, Yến nhận thấy cả hai đều là người cho nàng yêu thương được cả. Hai người có những điểm tương đồng và dị biệt, và cả hai đều là quân-tử. Nàng yêu thương cả hai người, và cả hai người đều không ít thì nhiều đều yêu thương nàng. Có lúc nàng chỉ muốn buông xuôi để mặc cho số phận trôi về đâu thì trôi...
Thấy Yến lặng yên không nói gì, Văn-Lang ít nhiều cũng đoán được tâm sự của nàng. Chàng khẽ vỗ vai Yến nói:
-Thôi, cô về nghỉ đi. Tôi phải đi công chuyện bây giờ. Cứ hy-vọng là mọi chuyện sẽ êm đẹp đi, và mong rằng tất cả mọi việc chỉ có sợ hãi mà không có gì đáng tiếc.
Yến chưa biết phải làm gì hay nói gì thì Văn-Lang đã quay lưng bỏ đi để mặc nàng đứng một mình trông theo...
*
* *
-Chào thám-tử!
-Tôi vào được chứ?
-Vâng, mời ông.
Trúc mở cửa mời Văn-Lang vào. Bên trong, bà Hội và Phát đang ngồi chờ đợi. Không chút khách sáo, Văn-Lang tự tiện ngồi xuống ghế mà không cần đợi ai mời cả. Bà Hội nở một nụ cười thật tươi hỏi:
-Nghe nói ông đã tìm và bắt được thủ-phạm rồi phải không?
-Phải! Nhưng chỉ mới tìm được thôi chứ chưa bắt.
Cả ba mẹ con bà Hội trố mắt nhìn. Bà Hội hỏi với điệu bộ khinh khỉnh:
-Chẳng phải là tên Lộc, bạn của thằng Khôi đã lên gặp ông tự nạp mình đó sao? Điều này ai ai cũng biết. Chính thằng Khôi có gọi tôi nói chuyện và hăm dọa tôi là nếu tên Lộc có mệnh hệ gì thì nó không để yên cho ba mẹ con tôi đâu! Mà ông nghĩ sao với lời hăm dọa đó? Liệu ba mẹ con chúng tôi có được bảo vệ hay không?
Trước sự khó chịu của ba mẹ con bà Hôi, Văn-Lang cười lên một tràng như ‘điên dại’.
-Phải, ông Lộc có lên ‘nạp mình’. Nhưng chúng tôi đã thả ông ta về rồi vì không thể để cho một người vô tội bị xử án trong khi kẻ có tội vẫn nhởn nhơ coi trời bằng vung, cười trên sự đau khổ của kẻ khác! Tôi thù cái hạng người ném đá dấu tay đổ oan cho kẻ khác vô cùng. Đã thế lại còn đòi được bảo vệ nữa!
Bà Hội nghe nói liền giận dữ lớn giọng:
-Ý ông muốn nói ai vậy?
Văn-Lang nghe nói bỗng cười gằn:
-Tôi chẳng có ý nói ai cả. Kẻ nào mà ‘có tật’ ắt sẽ phải ‘giật mình’ đó thôi!
Không đợi cho mẹ con bà Hội kịp lên tiếng, Văn-Lang ‘hừ’ một tiếng rồi cặp mắt của chàng long lên sòng sọc nhìn ba mẹ con bà Hội nói.
-Thôi, tôi không thích nói vòng vo tam quốc nữa đâu. Bây giờ là lúc tôi vào thẳng đề đây.
-Ông vào ‘đề’ gì đây?
Văn-Lang gằn rõ từng tiếng một:
-Vạch rõ mặt kẻ sát nhân!
Xoay qua Trúc, Văn-Lang hỏi:
-Thế nào? Số tiền anh Khôi giao cho ba mẹ con tiêu đã gần hết chưa?
Trúc chưa biết trả lời ra sao thì bà Hội đã cướp lời:
-Mà chuyện đó có ăn nhập gì đến ông chứ? Và có liên quan gì đến chuyện ‘vạch mặt kẻ sát nhân’ ông vừa nói không?
Văn-Lang gật đầu nói:
-Có chứ! Tôi cần biết số tiền đó đã tiêu hết chưa.
Trúc nãy giờ ngồi im bất chợt lên tiếng:
-Còn không tới 1000 đô.
Văn-Lang cười ruồi hỏi:
-Mấy người nói cho tôi biết. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi như thế lại không phải tiêu xài gì cả thì làm gì mà xài hết hơn 2000 đô chứ?
Bà Hội nghe nói liền đứng dậy ‘khoa chân múa tay’ nói:
-Chúng tôi muốn xài bao nhiêu thì kệ chúng tôi! Ông có quyền gì mà dám thọc mạch như vậy?
-Quyền của một thám-tử điều tra thủ phạm. Tôi đã hỏi anh Khôi rõ ràng. Anh ta nói là giao cho ba mẹ con bà một phong bì đựng ba mươi tờ giấy một trăm đô có phải không?
-Phải thì sao? Mà không phải thì sao?
Văn-Lang bất thình lình lớn giọng quát:
-Có phải vậy không?
Phát thấy chàng có vẻ dữ dằn thì bỗng sợ hãi, rụt rè đáp:
-Dạ phải, đúng vậy.
Lúc bấy giờ Văn-Lang mới móc trong người ra tờ giấy 100 đô đưa cho ba mẹ con bà Hội xem và nói:
-Đây là một trong ba mươi tờ giấy bạc một trăm mà anh Khôi giao cho ba mẹ con bà. Có thấy gì đặc biệt không?
Ba mẹ con bà Hội hồi hộp ngắm tờ giấy bạc một trăm nhưng không thấy gì và cũng không hiểu ý Văn-Lang muốn gì. Chỉ vào một vết mực xanh trên tờ giấy bạc, Văn-Lang tiếp:
-Tôi sẽ cho các người thấy cái này.
Lấy ra một cây bút chì, Văn-Lang khẽ tô lên tờ giấy bạc. Chữ ‘bà Hội’ hiện lên màu trắng giữa lớp tô đen nhạt của bút chì.
-Nếu tôi không lầm thì tờ này là tờ nằm trên cùng của sấp tiền. Anh Khôi khi bó sấp bạc lại đã viết lên tờ giấy dùng để cuốn nó. Anh ta có lẽ vì nghĩ đến chuyện xưa bà đối xử tàn tệ với anh ta như thế nào nên có vẻ tức giận vô cùng. Có phải các người đang thắc mắc tại sao tôi biết phải không? Dễ dàng thôi. Khi viết, anh Khôi đè quá mạnh nên nét chữ lõm xuống tờ giấy bạc trên cùng, và ngay cả nét mực trên cây bút anh ta viết cũng lố sang tờ giấy bạc này.
Bà Hội chống nạnh, nghênh ngang nói:
-Vậy thì đã sao? Chẳng lẽ trên tờ giấy bạc có tên tôi tức thì có nghĩa tôi là thủ phạm hay sao? Ông làm cứ như cầu cơ không bằng!
Văn-Lang vẻ cười cười nói:
-Tôi chẳng cần phải cầu cơ mà vẫn tìm ra thủ phạm như thường. Nhưng bà nôn nóng làm gì? Tôi có bảo bà là thủ phạm đâu? Để từ từ tôi sẽ giải thích cho biết rồi sẽ nói tên thủ phạm ra sau.
Nhìn tờ giấy bạc chàng nói tiếp:
-Tờ 100 đô này là từ tay ông Toàn trả tiền cho nhà hàng.
Bà Hội giọng lại the thé lên tiếng:
-Vậy tại sao ông không điều tra ông Toàn mà phải đến đây nói nhưng chuyện này cho chúng tôi nghe làm gì?
-Khoan, khoan! Tôi chỉ mới bắt đầu vào đề thôi.
Văn-Lang khẽ đằng hắng một tiếng rồi bắt đầu đi thẳng vào vấn-đề:
-Bây giờ là lúc tôi chính-thức làm việc. Yêu cầu mọi người để im cho tôi nói hết. Chừng nào tôi nói xong thì ai muốn hỏi gì cứ hỏi. Theo tôi được biết thì anh Khôi có giao cho mẹ con bà tổng cộng là 3000 (ba nghìn) đô bằng toàn giấy 100, vị chi là 30 tờ tất cả. Hôm nọ tôi tình cờ nghe bà (Hội) mắng con là lúc nào cũng xài hoang phí trong khi quỹ của ba mẹ con chỉ còn có 1000 (một nghìn) thôi. Lúc đó không hiểu sao tôi không nghĩ ra. Nhưng sau đó tôi tình cờ đi nhà hàng gặp ông Toàn và được ông ta trả tiền hộ cho, lại may mắn được cô thủ quỹ nhà hàng cho nhìn thấy tờ giấy bạc 100 đô này do ông Toàn trả. Nhìn tờ giấy bạc đó thấy có chữ ‘ội’, tôi nghi nghi nên xin đổi ngay với cô ta. Về nhà xem xét kỹ lưỡng tôi mới biết là đây là một trong số 30 tờ 100 anh Khôi giao cho mẹ con bà. Nhưng tại sao nó lại nằm trong tay ông Toàn? Tôi chắc ba mẹ con giờ này dư sức hiểu. Đến đây có ai thắc mắc gì không?
Không một ai lên tiếng. Thấy vậy Văn-Lang tiếp:
-Tôi lại nhớ ra trong lần thẩm vấn, ông Toàn có cho tôi biết là gã Quý có trả trước cho ông ta 2000 (hai nghìn) đô. Hai nghìn đô đó đem cộng với một nghìn đô ba mẹ con bà còn lại thì có phải đúng là ba nghìn đô mà anh Khôi đã giao không?
Giọng bà Hội gay gắt ‘sừng cồ’:
-Cứ giả dụ là phải đi thì đã sao nào?
Văn-Lang vỗ đùi đánh đét một cái nói:
-Đấy! Chính nhờ thế mà tôi tìm ra được thủ phạm giết người đấy! Nói trắng ra hai nghìn mà gã Quý trả trước cho ông Toàn là tiền của mẹ con bà! Phải, gã Quý đi đâu cũng tự vỗ ngực xưng tên là ‘triệu phú’ nhưng sự thật chỉ đi lừa bịp thiên hạ, mượn đầu heo nấu cháo mà thôi. Bị ông Toàn đánh và hăm dọa tối hôm ấy, tên Quý quá sợ sệt nhưng không có tiền nên đánh liều lấy tiền của ba mẹ con bà để trả nợ.
-Rồi sao?
Quay sang Phát, Văn-Lang chỉ thẳng vào mặt nói:
-Cậu là người phát hiện ra điều đó tối hôm ấy nên nổi giận chịu không được bèn ra tay hạ sát gã Quý!
Phát nghe nói run lên nhưng cố giữ bình tĩnh cãi:
-Đâu có! Tối hôm đó em ra về cùng lúc với gã Toàn mà!
Văn-Lang gật đầu nói:
-Phải! Nhưng sau đó cậu lẻn đường sau vào lại nhà, lên phòng kiểm lại số tiền. Thấy thiếu mất hai nghìn nên cậu xuống chất vấn gã Quý có phải không?
Không cho Phát có cơ hội lên tiếng, Văn-Lang tiếp tục:
-Trước đó, khi anh Khôi của cậu đánh gã Quý, cậu nhảy vào can anh ta ra đồng thời trổ tài ‘diệu thủ thư-sinh’ móc cái bóp ở túi quần đàng sau quần của anh ta có đúng không? Cậu là một tay móc túi có hạng khi còn ở Việt-Nam phải không? Đừng bảo với tôi là không nhé, vì tôi có thể dẫn đến vài người biết cậu rất rành ở Việt-Nam để đối chứng. Trở lại vấn-đề, cậu móc túi anh Khôi của cậu không ngoài mục đích lấy vài đồng trong đó. Lúc cậu làm bộ ra về kỳ thật là để rút hết tiền trong bóp ra để khỏi ai thấy được. Sau đó, như tôi đã nói, cậu lẻn cửa sau vào lại nhà lên phòng đếm lại số tiền. Khi phát hiện mất đi hai phần ba, cậu xuống chất vấn gã Quý, phục rượu cho gã say rồi giết có phải không?
Đi lại chỗ TV, Văn-Lang cầm tượng con chim ưng lên ngắm nghía một lúc rồi nói:
-Đây mới đích thực là vũ khí giết người chứ không phải là con dao. Cậu đã dùng cái này phang lên đầu gã Quý một cái chết tươi. Bằng chứng là sau khi khám nghiệm tử thi, người ta phát hiện xương sọ gã Quý bị vỡ vì bị một vật gì cứng đập lên mà chết chứ không phải là vì đâm bởi con dao cắm trước ngực. Sở dĩ đầu không có vết máu chảy là vì gã Quý hôm đó có đội cái mũ len. Tôi phải giấu, không cho nhà báo biết điều này để dễ bề điều tra. Con dao kia là cậu cắm lên sau mà thôi. Kể ra cậu cũng khá thông minh, biết là trên cán dao có sẵn dấu tay của cả anh Khôi và anh Lộc nên cậu cẩn thận dùng bao tay cầm con dao kia cắm vào ngực của ‘xác chết gã Quý’, làm như gã bị đâm chết để đổ tội cho hai người đó. Đồng thời sau khi lấy hết tiền trong bóp của anh Khôi thì cậu lại nghĩ ra thêm một kế nữa là quăng cái bóp ra đàng sau vườn để cho ai cũng nghĩ là chính anh Khôi đột nhập vào nhà bằng ngõ sau và bị rơi bóp. Cậu thành công được bước đầu vì bất cứ ai điều tra trong trường hợp này đều phải nghi ngờ cả Khôi và Lộc. Chính tôi đã có lúc suýt phải đi đến kết luận là chính Khôi hạ thủ vì không còn lý do nào để bào chữa được cho anh ta nữa mặc dầu trong thâm tâm tôi không bao giờ nghĩ là như thế. Nhưng hình như tôi đã hứa với mấy người rằng ‘thủ phạm có mà chạy đàng trời’ phải không? Giờ các người biết là tôi không ngoa chút nào đấy chứ?
Nghe nói đến đây, Phát bỗng hốt hoảng run sợ, mặt cắt không còn lấy giọt máu. Gã chẳng nói chẳng rằng, đứng dậy mở cửa chạy ra ngoài. Văn-Lang cả cười nói vọng theo:
-Cậu có mà chạy đàng trời!
Nhìn bà Hội, Văn-Lang nói:
-Bà Hội à! Tôi hy-vọng từ nay về sau bà ráng mà tu nhân tích đức lại một chút để ‘đầu tư’ cho kiếp sau. Lưới trời lồng lộng nhưng thật là khó thoát. Những việc ác mình làm thì sớm muộn cũng phải trả, không hình thức này thì hình thức khác thôi.
Vừa lúc đó hai người cảnh sát dẫn Phát vào trong nhà, tay gã bị còng lại, mặt thì cúi gầm xuống. Nhìn bà Hội và Trúc một cái, Văn-Lang quay qua nói với hai viên cảnh-sát:
-Thôi, mình về.