* Niệm Phật muốn được nhất tâm thì trước hết phải phát tâm chân thật, thật sự vì liễu sanh tử, chẳng phải vì mong người đời gọi mình là người tu hành chân thật.
Lúc niệm, từng câu, từng chữ phải từ tâm phát khởi, từ miệng thốt ra, lọt vào tai.
Mỗi câu đều như thế, trăm ngàn vạn câu cũng đều như thế.
Làm được như thế thì vọng niệm không do đâu khởi được, tâm và Phật tự có thể khế hợp nhau.
Lại phải khéo dụng tâm, đừng đến nỗi quá chấp trước để rồi thân tâm bất an, đến nỗi ma sự có thể phát khởi.
Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, hành đúng theo đây, nhất định sẽ chẳng lầm lạc.* Lúc niệm Phật chẳng thể khẩn thiết là vì chưa biết Sa Bà là khổ, Cực Lạc là vui! Nếu nghĩ rằng thân người khó được, trung quốc khó sanh, Phật pháp khó nghe, pháp môn Tịnh Ðộ lại càng khó gặp.
Nếu chẳng nhất tâm niệm Phật, một hơi thở ra chẳng trở lại, chắc chắn sẽ tùy theo nghiệp nặng nhất trong đời trước hay đời này đọa trong tam đồ ác đạo, chịu khổ bao kiếp dài lâu trọn chẳng có kỳ ra.Như thế là “do nghĩ khổ địa ngục, phát Bồ Ðề tâm”.
Bồ Ðề tâm chính là tâm tự lợi, lợi tha.
Tâm này vừa phát sẽ như bình được sét đánh xuống, như thuốc thêm lưu huỳnh, sức nó rất lớn lại rất nhanh chóng.
[Do phát tâm Bồ Ðề] tiêu được nghiệp chướng, tăng phước huệ, chẳng thể lấy những thiện căn, phước đức bình thường sánh ví nổi.* Niệm Phật nên thường tưởng như mình sắp chết, sắp đọa địa ngục, thì chẳng khẩn thiết cũng sẽ tự khẩn thiết, chẳng tương ứng cũng tự tương ứng.
Dùng tâm sợ khổ niệm Phật chính là diệu pháp thoát khổ bậc nhất, cũng là diệu pháp tùy duyên tiêu nghiệp bậc nhất.* Trị tập khí trong tâm thì chỉ có siêng năng, chỉ có thiết tha, nhưng vẫn chưa đạt, chưa thấy được tập khí tiêu trừ là vì cớ gì? Ấy là tâm sanh tử chưa thiết tha, chỉ đem pháp siêu phàm nhập thánh, tiêu trừ Hoặc nghiệp, thành tựu tịnh niệm này bàn suông nơi cửa miệng nên chẳng đạt hiệu quả thật sự.Nếu như biết thân người khó được, Phật pháp khó nghe, pháp môn Tịnh Ðộ lại càng khó gặp.
Nay mình may được thân đại trượng phu, lại được nghe pháp môn Tịnh Ðộ khó tin nhất, dám đâu để quang âm hữu hạn bị tiêu hao hết sạch bởi sắc, thanh, của cải, lợi lộc, để rồi vẫn sống thừa, chết uổng như cũ, vẫn lại trầm luân lục đạo, không ngày thoát ra ư?Hãy đem ngay một chữ Tử dán vào trán.
Hễ những cảnh chẳng nên tham luyến hiện ra liền biết đấy chính là vạc sôi, lò than của chính mình, quyết sẽ chẳng đến nỗi như con thiêu thân đâm đầu vào lửa, cam chịu đốt mình! Với những sự mình phải nên làm sẽ biết đấy là thuyền từ để thoát khổ, quyết sẽ chẳng đến nỗi gặp việc nhân bèn thoái thác, thấy việc nghĩa chẳng làm! Như thế thì trần cảnh sẽ là duyên để nhập đạo, há cần phải dứt sạch trần duyên mới kham tu đạo chăng? Bởi đã làm chủ được tâm, chẳng bị cảnh chuyển thì trần lao chính là giải thoát.Vì thế, kinh Kim Cang mấy lượt dạy người tâm chẳng trụ tướng, phát tâm độ tận hết thảy chúng sanh, nhưng chẳng thấy ta là người độ, chúng sanh là người được độ và tướng thọ giả của vô dư Niết Bàn để đắc thì mới là thật sự hành Bồ Tát đạo.
Nếu thấy có ta là người độ, chúng sanh được độ và vô dư Niết Bàn là pháp để độ thì tuy là độ sanh, nhưng chưa thể khế hợp đạo Nhất Thừa Thật Tướng.
Vì chẳng thấu rõ bản thể của chúng sanh là Phật, Phật tánh bình đẳng, vọng khởi phàm tình, thánh giải đến nỗi lợi ích vô vi biến thành công đức hữu vi.
Huống hồ là tham luyến, dính chặt vào thanh, sắc, của cải, lợi lộc ư?* Niệm Phật chẳng thể thuần nhất thì phải chế tâm, chẳng để nó chạy theo bên ngoài.
Lâu ngày sẽ tự được thuần nhất.
Nói “thành phiến” (tâm biến thành một phiến, một khối) nghĩa là thuần nhất, không tạp vậy.* Sơ tâm niệm Phật, lúc còn chưa tự chứng tam muội, ai lại chẳng có vọng niệm? Cốt sao tâm thường giác chiếu, chẳng chuyển theo vọng.
Ví như quân hai bên đối đầu nơi chiến lũy, ắt phải giữ vững thành quách bên mình chẳng để quân giặc xâm phạm chút nào, chờ lúc giặc vừa phát tác, mình liền nghênh địch, đánh trả, ắt phải dùng quân Chánh Giác bao vây bốn mặt khiến địch không lối lên trời, không nẻo chui xuống đất.
Chúng nó sợ bị tận diệt bèn khuất phục, quy hàng.Ðiều tối yếu là chủ soái chẳng hôn trầm, chẳng lười nhác, luôn luôn tỉnh táo mà thôi.
Nếu một phen hôn trầm, lười nhác thì chẳng những không diệt được giặc, trái lại còn bị giặc diệt.
Vì thế người niệm Phật chẳng biết nhiếp tâm thì càng niệm, càng sanh vọng tưởng.
Nếu nhiếp được tâm thì vọng niệm sẽ dần dần mỏng nhẹ, cho đến hết sạch.
Vì thế bảo:Học đạo do như thủ cấm thành,Trú phòng lục tặc, dạ tỉnh tỉnh,Tướng quân chủ soái năng hành lịnh,Bất động can qua định thái bình (Tạm dịch:Học đạo hệt như giữ cấm thành,Ngày phòng sáu giặc, đêm luôn tỉnh,Tướng quân chủ soái luôn đôn đốc,Chẳng dấy binh đao, vững thái bình)* Niệm Phật tâm chẳng quy nhất là do tâm sanh tử chẳng thiết tha.
Nếu luôn nghĩ như đang bị nước dâng, lửa đốt, không được cứu viện, luôn tưởng sắp bị chết, sắp đọa địa ngục, tự tâm sẽ quy nhất, chẳng cần phải tìm diệu pháp nào khác.
Vì thế trong kinh thường nói: “Nghĩ khổ địa ngục, phát Bồ Ðề tâm”.
Ðấy chính là lời khai thị tối thiết yếu của đấng Ðại Giác Thế Tôn, tiếc người đời chẳng chịu chân thật suy tưởng.Nỗi khổ địa ngục so với thảm trạng nước, lửa sâu đậm hơn vô lượng, vô biên lần.
Nghĩ đến nước cuốn, lửa cháy liền run rẩy, tưởng đến địa ngục lại hờ hững thì:- Một là vì tâm lực nhỏ chẳng thể hiểu rõ sự khổ đó.- Hai là khi chính mắt thấy sẽ bất giác hoảng sợ, lông tóc dựng cả lên.* Niệm Phật cũng là cách để dưỡng khí, điều thần, mà cũng là pháp để tham cứu bổn lai diện mục.
Vì sao nói thế? Tâm chúng ta thường luôn rối loạn, nếu chí thành niệm Phật thì sẽ thấy hết thảy tạp niệm, vọng tưởng dần dần bị tiêu diệt nên tâm quy nhất.
Quy nhất thì tự nhiên thần khí sung mãn, thông suốt.Ông chẳng biết niệm Phật diệt được vọng ư? Hãy thử niệm, sẽ thấy các thứ vọng niệm trong tâm đều hiện.
Nếu niệm lâu ngày sẽ tự thấy không có các thứ vọng niệm đó nữa.
Lúc đầu biết có vọng niệm là nhờ niệm Phật mới thấy được các vọng niệm trong tâm mình.
Chẳng niệm Phật sẽ chẳng thấy.Ví như trong nhà, sạch sẽ không bụi, một ánh nắng lọt qua khe cửa sẽ thấy không biết bao nhiêu là bụi.
Bụi trong nhà do ánh mặt trời hiện rõ, vọng niệm trong tâm do niệm Phật hiện rõ.
Nếu thường niệm Phật, tự tâm sẽ thanh tịnh.
Khổng Tử hâm mộ đạo của Nghiêu, Thuấn, Châu Công, niệm niệm chẳng quên, nên thấy Nghiêu trong canh, thấy Thuấn nơi tường, thấy Châu Công trong mộng.
Ðấy là do luôn luôn nghĩ nhớ.Niệm Phật có khác chi? Do vì Hoặc nghiệp, tâm và miệng của chúng sanh biến thành nhiễm ô, nên Phật dạy dùng tâm và miệng xưng niệm hồng danh thánh hiệu A Di Ðà Phật, như người nhiễm hương, thân có mùi thơm.
Niệm lâu ngày, nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước cao, Phật tánh sẵn có nơi tự tâm sẽ tự hiển hiện.* Nếu như vọng niệm đầy dạ, qua lại loang loáng, quẩn quanh nơi ý, đó là do chưa thật sự đề khởi chánh niệm.
Nếu chánh niệm chân thật, thiết tha thì sẽ khăng khăng chuyên chú vào một cảnh chánh niệm.
Như thường nói: “Chế ngự, thuần phục đúng pháp thì giặc cướp cũng như con đỏ.
Chế ngự, thuần phục thất cách thì kẻ tay chân cũng thành oan gia”.Còn thuộc địa vị phàm phu, ai là không phiền não? Phải luôn luôn đề phòng sẵn thì tự nhiên khi gặp cảnh, đụng duyên, chẳng đến nỗi phiền não bạo phát.
Ví dù phiền não có phát, vẫn có thể nhanh chóng đề khởi giác chiếu khiến phiền não tiêu diệt.
Những cảnh làm phiền não khởi nào phải chỉ có một, chỉ nêu những cảnh dễ khởi phiền não nhất thì chẳng ngoài tài, sắc và những chuyện ngang trái mà thôi.Nếu biết tiền tài vô nghĩa, hại hơn rắn độc thì thấy tiền tài sẽ chẳng khởi phiền não, chỉ phương tiện cùng người [sử dụng tiền tài], chứ rốt ráo luôn quay về tiền trình [giải thoát] của chính mình, sẽ không có phiền não “hoạn nạn cùng quẫn, cấp bách cầu cứu, tham tiếc tiền tài chẳng bỏ được”!Về sắc thì đối trước dung mạo như hoa, như ngọc, tâm luôn nghĩ như chị, như em.
Dù gặp gái ăn sương, vẫn nghĩ như thế, sanh lòng thương xót, sanh tâm độ thoát, sẽ không có phiền não “thấy sắc động lòng”.
Vợ chồng kính trọng nhau như khách, coi thê thiếp như ân nhân giúp mình nối dõi tổ tông, chẳng dám xem nhẹ họ như vật để hành lạc thỏa dục thì sẽ không có phiền não “đắm dục diệt thân, vợ chẳng thể sanh nở, con chẳng thành người”.Giáo huấn con cái từ nhỏ sẽ không có phiền não “con cái ngỗ nghịch với cha mẹ, bại hoại môn phong”.
Ngay cả khi gặp cảnh trái ngang, phải sanh lòng thương xót, thương kẻ đó vô tri, chẳng nên so đo.
Lại nghĩ do mình đời trước từng não hại kẻ đó; do vậy phải đền nợ cũ, sanh lòng hoan hỷ, sẽ không có phiền não “trả thù kẻ trái nghịch”.Những điều vừa nói trên chỉ dành cho người sơ cơ.
Còn nếu là bậc đại sĩ tu lâu do đã thấu rõ Ngã Không nên vô tận phiền não đều hóa thành đại quang minh tạng, giống như đao đã mài bén, vàng đã luyện thuần.
Sen nhờ bùn vun bón mới được thanh tịnh, tươi sạch.* Cái học của người quân tử là vì mình, niệm niệm nhắc nhở mình tự tỉnh.
Giác và mộng hệt như nhau, chỉ có công phu đến nơi mới hiểu được.
Chỉ là hễ giác liền tu trì ngay, lâu ngày, ngay trong mộng cũng chẳng làm gì lầm lỡ!.