Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục


* Đại đức của trời đất là Sanh, đại đạo của Như Lai là Từ.

Người, vật tuy khác, tâm tánh là đồng.

Như Lai xem khắp cả tam thừa lục phàm đều như con một.

Vì sao vậy? Do họ đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật.

Tam thừa hãy để đó.

Lục phàm là trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.

Tuy có cao thấp khác nhau, khổ vui khác nhau, nhưng đều chưa đoạn được Hoặc nghiệp, chưa ra khỏi sanh tử.

Phước trời nếu hết liền phải đọa xuống.

Tội trong địa ngục nếu tiêu bèn lại sanh lên.

Hệt như bánh xe, hết lên cao lại xuống thấp.Ta nay may được thân người, lẽ ra phải khéo léo bày cách để cứu giúp, thương tiếc sanh mạng loài vật, thể hiện đức hiếu sanh của trời đất, thể hiện lòng nhân trắc ẩn trong tâm ta.

Ấy là vì các loài vật và ta cùng sống trong vòng trời đất, cùng hưởng sự sanh trưởng, dưỡng dục của trời đất.

Lại cùng biết tham sống, cùng biết sợ chết.

Người có lòng nhân đối với xương khô còn nhặt lấy đem chôn, đối với cỏ cây còn để mọc dài chẳng chặt, nào chịu vì sướng bụng miệng mà khiến cho các loài vật trên cạn, dưới nước phải chịu nỗi khổ cắt, xẻ, nung nấu ư?Phải biết rằng các loài vật từ vô thỉ đến nay cũng từng ở địa vị cao sang, tôn quý, oai quyền hiển hách, chẳng biết mượn oai quyền để ban bố ân đức; trái lại cậy quyền tạo nghiệp, khiến cho ác nghiệp chất chứa như rừng, đọa trong dị loại.

Miệng chẳng nói được, tâm không suy nghĩ, thân không tài khéo nên mắc phải nạn này.

Tuy thịt mềm bị cưỡng ăn là chuyện đã đành, nhưng oán hận đã kết, há chẳng đời đời kiếp kiếp lo báo thù cái oán niệm này chăng?Ví dù con người chẳng nghĩ đến nỗi khổ của những con vật bị giết, lẽ nào chẳng sợ oán nghiệp kết sâu, thường bị chúng giết lại hay sao? Lại chẳng sợ tàn hại loài vật của trời, trời sẽ đoạt mất phước thọ của mình hay sao? Người nào mong cho quyến thuộc đoàn tụ, thọ mạng dài lâu, thân tâm yên vui, các duyên như ý, rất nên phát tâm đại bi, thực hành phóng sanh, khiến cho thiên địa quỷ thần thảy đều thương xót tấm lòng thành thương loài vật của ta sẽ khiến cho những điều mình mong mỏi được thành tựu.Nếu cậy mình có tiền tài, mình có trí lực, bày ra đủ cách bắt lấy các con vật hòng thỏa mãn bụng miệng mình, chẳng kể đến nỗi thống khổ của chúng, há còn đáng gọi là con người đứng cùng với trời đất thành tam tài chăng? Nhưng ta với chúng cùng trong sanh tử từ vô thỉ đến nay, cố nhiên chúng đều là cha, mẹ, anh, em, thê thiếp, con cái của mình, mình cũng là cha mẹ, anh em, thê thiếp, con cái của chúng.

Mỗi con vật ấy trong khi làm người hoặc lúc trong dị loại, từng bị ta giết; ta cũng trong lúc làm người, hoặc trong lúc làm dị loại, từng bị chúng giết.

Làm kẻ oán, người thân, sanh ra nhau, giết hại nhau.Lặng im suy nghĩ, thẹn chẳng muốn sống nữa! Hãy gấp rút sửa đổi, hối hận, vẫn còn là chậm, huống hồ cứ quen thói cũ, vẫn chấp mê tình, cho rằng trời sanh ra dị loại vốn là để làm thức ăn cho con người ư? Ta vẫn còn đầy đủ Hoặc nghiệp nên không cách nào thoát ra ngoài luân hồi được.

Vạn nhất, chúng nó tội đã diệt, lại sanh làm người, thiện căn phát sanh, nghe pháp tu hành, đoạn Hoặc chứng Chân, đạt thành Phật đạo.

Nếu ta đọa lạc, còn mong chúng sẽ rủ lòng từ cứuviện ngõ hầu lìa khổ được vui, chứng được Phật tánh.

Há nên cậy vào sức mạnh một thời để đạt [cái khổ] bao kiếp dài lâu không được cứu vớt chăng?* Phải biết: Người cùng loài vật cùng mang cái thân huyết nhục này, cùng có tánh linh tri, cùng sanh trong vòng trời đất.

Chỉ do đây kia tội phước bất đồng, đến nỗi đời này hình chất thông linh hay ngu xuẩn sai khác.

Cậy ta mạnh hiếp loài yếu, dùng thịt chúng nó no đẫy bụng mình, khoái lòng thích chí, cho đó là phước báo.

Chẳng biết rằng một khi phước lực đã tận, nghiệp báo hiện tiền, lúc bị người giết chóc, thân chẳng kháng cự lại được, miệng chẳng nói nổi, trong lòng buồn sợ, đau đớn, khổ sở, mới biết chuyện ăn thịt là một tội vạ lớn vậy.Người ăn thịt đúng là La Sát, dù chẳng giết người để ăn thịt cũng không được.

Vì thế, kinh Lăng Nghiêm nói: “Do người ăn dê, dê chết thành người, người chết thành dê.

Như thế cho đến mười loại sanh vật.

Chết chết, sống sống, ăn nuốt lẫn nhau, ác nghiệp cùng sanh đến cùng tột đời vị lai”.Lại còn nhiều kiếp đến nay sanh ra lẫn nhau.

Đã không có đạo lực để cứu tế, nỡ nào để chúng nó bị dao xả cực khổ, hòng miệng lưỡi mình hưởng vị ngon chăng? Trong kinh Nhập Lăng Già, đức Thế Tôn bao lần quở trách chuyện ăn thịt.

Có đoạn chép: “Hết thảy chúng sanh từ vô thỉ đến nay ở trong sanh tử luân hồi chẳng ngơi.

Không ai chẳng từng làm cha mẹ, anh em, quyến thuộc nam nữ cho đến bằng hữu thân ái, kẻ hầu.

Qua đời khác, phải thọ các thân chim, thú...!sao lại dùng chúng nó để ăn?” Phàm những ai sát sanh ăn thịt, nếu nghĩ đến điều này, ắt sẽ giật mình kinh sợ, tỉnh ngộ, thà tự giết mình, chẳng thể giết hết thảy loài vật nữa!* Ta cùng hết thảy chúng sanh đều trong luân hồi; từ vô thỉ đến nay thay phiên sanh ra nhau, lần lượt giết nhau.

Cố nhiên ai nấy đều từng là cha mẹ, anh em, chị em, con cái của chúng ta, ta cũng từng là cha mẹ, anh em, chị em, con cái của mỗi kẻ đó.

Cố nhiên, bọn họ do sức ác nghiệp trùng trùng ở trong loài người hoặc trong dị loại bị ta giết hại, ta cũng do sức ác nghiệp trùng trùng ở trong loài người hoặc trong dị loại bị chúng giết hại.

Trải kiếp dài lâu, sanh ra nhau, giết lẫn nhau, trọn chẳng ngừng nghỉ.

Phàm phu chẳng biết, Như Lai thấy thấu triệt.

Chẳng nghĩ thì thôi, hễ nghĩ đến, hổ thẹn, đau xót khôn ngăn!Ta nay may nhờ phước thiện đời trước sanh trong loài người, tất nhiên nên giải trừ oán hận, tháo mối trói buộc, kiêng giết, phóng sanh, khiến cho hết thảy những loài có sanh mạng ấy đều được yên ổn.

Lại còn vì chúng nó niệm Phật hồi hướng Tịnh Độ khiến chúng được độ thoát.

Nếu như chúng nó nghiệp nặng chẳng được sanh ngay, nương vào công đức từ thiện này, chắc chắn khi lâm chung sẽ vãng sanh Tây Phương.

Đã vãng sanh rồi, liền được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, dần dần chứng được Phật Quả.Vả nữa, thương yêu loài vật, phóng sanh, cổ thánh tiên hiền đều làm chuyện ấy.

Vì thế, kinh Thư chép chim, thú, cá, ba ba đều cảm mến Văn Vương.

Văn Vương thương xót cả xương khô, huống hồ gì loài vật có tri giác! Còn như Giản Tử thả chim bồ câu, Tử Sản nuôi cá, Tùy Hầu cứu rắn, Dương Bảo thả chim sẻ.

Đấy là do tấm lòng nhân bình đẳng của Thánh Hiền, chứ họ nào biết đến nghĩa lý: mỗi loài hàm linh xuẩn động đều có Phật tánh, lần lượt thăng trầm, làm kẻ oán, người thân lẫn nhau, tương lai quyết định thành Phật.Mãi đến khi đại giáo truyền sang Đông, lý nhân quả ba đời, chúng sanh - Phật - tâm bình đẳng vô nhị mới được sáng rực trong đời.

Phàm là bậc đại thánh, đại hiền, không ai là chẳng kiêng giết, phóng sanh, hòng vãn hồi sát kiếp, hòng bồi đắp phước quả, dứt đao binh hầu làm nền tảng cho ngày tháng an vui.

Cổ nhân nói: “Dục tri thế thượng đao binh kiếp; tu thính đồ môn bán dạ thanh” (Muốn biết binh đao trên cõi thế, lò mổ nên nghe tiếng giữa đêm).

Lại nói: “Dục đắc thế gian vô binh kiếp, trừ phi chúng sanh bất thực nhục” (muốn cho thế giới thái bình, trừ phi nhân loại đồng tình ăn chay).

Do vậy, biết rằng kiêng giết, phóng sanh chính là kế sách tốt lành nhổ sạch rễ, lấp tận nguồn để cứu đời vậy.* Nếu nói: “Kẻ quan, quả, cô, độc , bần cùng hoạn nạn đâu đâu cũng có, sao chẳng chu cấp cho họ, cứ khăng khăng lo cho bọn dị loại chẳng quan hệ chi với mình? Chẳng phải là đảo lộn chuyện hoãn - gấp, nặng - nhẹ ư?” Đáp rằng: Ông chưa biết nguyên do đức Như Lai dạy người kiêng giết, phóng sanh.

Người và vật tuy khác, Phật tánh vốn đồng.

Chúng do ác nghiệp đắm chìm trong dị loại, ta do thiện nghiệp may được làm thân người; chẳng tăng thêm lòng lân tuất, lại còn mặc sức ăn nuốt.

Một mai phước ta đã hết, tội chúng nó đã tận, khó tránh bị nắm đầu đền nợ, no thỏa bụng miệng chúng.Phải biết rằng: đao binh đại kiếp đều do sát nghiệp đời trước cảm thành.

Nếu không có sát nghiệp, dù thân gặp phải giặc cướp, chúng sẽ khởi tâm lành, chẳng chém giết mình.

Huống hồ là đối với những tai nạn ngang trái: ôn dịch, nước lửa...!người kiêng giết, phóng sanh, tuyệt ít gặp phải.

Vì thế, biết rằng: bảo vệ loài vật vốn là để bảo vệ mình, kiêng giết mới hòng khỏi bị trời giết, quỷ thần giết, đạo tặc giết, vị lai oan oan tương báo giết.Đối với kẻ quan, quả, cô độc, bần cùng, hoạn nạn, cũng nên tùy phần tùy sức chu cấp, chứ nào phải người kiêng giết phóng sanh tuyệt chẳng thực hiện công đức ấy! Nhưng những kẻ quan, quả...!dù thật đáng thương xót, vẫn chưa đến nỗi lâm vào tử địa.

Loài vật nếu chẳng được cứu chuộc ngay, sẽ lập tức phải lên chảo, thớt để thỏa miệng bụng con người.Lại còn có kẻ nói: Loài vật vô tận, phóng sanh được mấy? Đáp: Phải biết rằng, một việc phóng sanh chính là để khiến đồng nhân phát khởi thiện tâm tối thắng cứu giúp khắp sanh mạng loài vật, mong họ thể nhận được cái ý gấp thả, trong tâm động lòng xót thương, chẳng nỡ ăn nuốt.

Đã chẳng ăn nuốt sẽ thôi săn bắt.

Vậy thì hết thảy loài vật bay trên không, bơi dưới nước sẽ tự tại bay, chạy, bơi lội trong nơi sanh sống của chúng, tức là chẳng phóng sanh mà phóng sanh khắp cả, đấy chẳng phải là cả thiên hạ trở thành một cảnh hay sao?Dù không phải ai cũng làm được như vậy, nhưng một người chẳng nỡ ăn thịt đã có vô lượng sanh mạng loài vật trên cạn, dưới nước khỏi bị tàn sát; huống hồ nào phải chỉ có một người [không nỡ ăn thịt] thôi ư? Lại vì hết thảy đồng nhân trong hiện tại, vị lai, dứt trừ cái nhân quan - quả - cô - độc, bần cùng, hoạn nạn, tạo cái duyên trường thọ, không bệnh, phú quý, yên vui, cha con xum họp, vợ chồng giai lão.Đấy chính là thực hiện sự chu cấp, giúp đỡ sẵn, để đời đời, kiếp kiếp trong vị lai vĩnh viễn chẳng có những nỗi khổ quan quả...!hưởng thọ dài lâu những sự vui: trường thọ v.v...!há chẳng đáng gọi là khiến cho khắp hết thảy đều được hưởng phước ư? Há nên thờ ơ bỏ qua? Ông nghĩ kỹ đi: kiêng giết phóng sanh, rốt ráo chính là khăng khắng vì con người, nào phải cứ cắm đầu lo cho loài vật, đảo lộn chuyện hoãn - gấp, nặng - nhẹ đâu!* Một niệm tâm tánh của hết thảy chúng sanh và một niệm tâm tánh của tam thế chư Phật trọn chẳng phải hai.

Nhưng do mê chưa ngộ nên bao kiếp dài lâu luân hồi trong lục đạo, mãi không ngừng nghỉ.

Tuy đường lành trời người so với tam đồ ác đạo khổ vui khác xa nhau, nhưng đều là thuận theo nghiệp lực thiện ác cứ luân hồi mãi! Thiện đạo chẳng đáng tin cậy, ác đạo thật đáng sợ.

Há chẳng nên vun bồi nhân lành, cứ tạo càn ác nghiệp, cứ cậy mình mạnh, hiếp đáp kẻ yếu, bắt lấy hết thảy chúng sanh trên cạn, dưới nước giết ăn chăng?Trước kia, khi Phật giáo chưa truyền sang, thánh nhân Nho giáo đều dùng luân thường thế gian để giảng dạy.

Đối với Phật tánh sẵn có của chúng ta và sự chuyển biến, thăng trầm, luân hồi lục đạo, cũng như chuyện đoạn Hoặc, chứng Chân, siêu phàm, nhập thánh, dù là Lý hay Sự đều chưa giảng ra.

Vì thế chẳng cấm giết, nhưng cái tâm bất nhẫn đã nêu tỏ lắm rồi trong các lời dạy để lại cho đời.Chẳng hạn như, kinh Thư nói chim, thú, cá, ba ba đều quyến luyến, sách Luận Ngữ nói thả câu nhưng chẳng vãi chài, chẳng bắn ban đêm.

Mạnh Tử thấy sống, không nỡ thấy chết; nghe tiếng chẳng nỡ ăn thịt.

Kinh Lễ chép: Chư hầu chẳng vô cớ mổ trâu; đại phu chẳng vô cớ giết dê, kẻ sĩ chẳng vô cớ giết chó, lợn; thứ dân chẳng vô cớ ăn món ngon.

“Món ngon” chính là thịt vậy.Đủ thấy rằng: đối với việc sát sanh, Nho Giáo cũng chẳng phải không hạn chế vậy, chỉ là quyền biến để dạy dỗ, chứ chưa thể vĩnh viễn cấm hẳn được.

Có duyên cớ mới giết, cố nhiên kẻ giết cũng ít.

Vô cớ chẳng ăn thịt thì trong một năm ăn thịt được mấy ngày? Hậu thế, sự giáo hóa suy đồi, quen thói tàn nhẫn, bèn coi chuyện ăn thịt như chuyện cơm bữa trong nhà, chỉ cốt sao khoái khẩu, chẳng biết đến nỗi khổ của loài vật.Đến khi Phật giáo truyền sang Đông thì chân lý, sự thật thường trụ vĩnh viễn “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh” và “mê thì luân hồi sanh tử, trọn không lúc nào xong”, “ngộ thì triệt chứng Niết Bàn” mới được xiển minh rốt ráo.

Mới biết rằng các dị loại này nọ đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai.

Chẳng những chẳng dám giết ăn, lại còn mong cho chúng nó đều được sống yên ổn.

Do vậy, vua thánh, tôi hiền, bậc triết sĩ, bậc hồng nho, đa phần đều kính tuân lời Phật giáo huấn, tài bồi lòng nhân của chính mình.

Hoặc là ăn chay, bỏ hẳn ăn mặn, hoặc là kiêng giết, phóng sanh.

Những lời lẽ tốt lành, hành vi hay đẹp ấy được chép trong các sử sách cũng chỉ là để mong người đời sau cùng tu tâm từ, thương xót loài vật, cùng thấy Phật tánh.Do ác nghiệp nhân duyên, đọa trong đường súc sanh.

Ta nay may được sanh trong loài người, nếu chẳng tăng thêm lòng lân tuất, cứ mặc tình sát hại, khó tránh đời sau oan oan tương báo.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Giết thân mạng chúng, hoặc ăn thịt chúng, trải vi trần kiếp ăn lẫn nhau, giết lẫn nhau giống như bánh xe lăn, hết lên cao lại xuống thấp, chẳng có lúc ngừng.

Trừ xa-ma-tha và lúc Phật xuất thế, chẳng thể ngưng nghỉ được”.Nhưng đạo xa-ma-tha thật chẳng dễ đắc, Như Lai xuất thế cũng khó gặp gỡ, dám đâu chẳng học theo gương tiên hiền, chẳng tuân lời Phật dạy.

Suy cái tâm sợ chết của mình mà cứu vớt loài đợi bị nấu nướng kia để mong tiêu trừ túc nghiệp, vun bồi căn lành, dứt vĩnh viễn cái nhân sát hại, cùng chứng quả trường thọ vậy!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui