Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục


* Lớn lao thay! Ðiều được pháp môn Tịnh Ðộ chỉ dạy là “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, chỉ thẳng tâm người.

Nếu vẫn cho là kém kỳ lạ, đặc biệt thì mỗi niệm niệm Phật chính là thành Phật ngay trong niệm ấy.

Ðộ khắp ba căn, thống nhiếp Thiền, Luật, Giáo.

Như mưa đúng thời nhuần thấm vạn vật; giống như biển cả dung nạp trăm sông.Hết thảy pháp Thiên, Viên, Ðốn, Tiệm, không pháp nào chẳng phát xuất từ pháp giới này.

Hết thảy hạnh Ðại, Tiểu, Quyền, Thiệt, không hạnh nào chẳng quy về nơi pháp giới này.

Chẳng đoạn Hoặc nghiệp, liền được dự vào hàng Bổ Xứ, viên mãn Bồ Ðề ngay trong một đời này.

Chúng sanh trong cửu giới lìa môn này thì trên là chẳng thể viên thành Phật đạo.

Mười phương chư Phật bỏ pháp môn này thì dưới là chẳng thể lợi khắp quần manh.

Bởi đó, trọn Hoa Nghiêm hải chúng cùng tuân theo mười đại nguyện vương; Pháp Hoa vừa xưng một tiếng liền chứng Thật Tướng các pháp.[Tịnh Ðộ là] hạnh phương tiện tối thắng nên trong luận Khởi Tín, ngài Mã Minh bảo là dễ hành mau đến; ngài Long Thọ xiển dương pháp này trong luận Tỳ Bà Sa.

Hậu thân của đức Thích Ca là ngài Trí Giả nói ra Thập Nghi Luận chuyên chí Tây Phương.

Sư Vĩnh Minh là Phật Di Ðà thị hiện, soạn Tứ Liệu Giản, chung thân niệm Phật dẫn tam thừa ngũ tánh cùng chứng Chân Thường, đưa thượng thánh hạ phàm cùng lên bờ kia.Vì thế pháp môn này cả cửu giới cùng hướng về, mười phương cùng khen ngợi.

Ngàn kinh cùng xiển dương, vạn luận đều tuyên thuyết.

Thật có thể nói là pháp cực đàm của một đời giáo hóa [của Ðức Phật], là đại giáo Nhất Thừa vô thượng.

Chẳng trồng cội đức thì trải bao kiếp khó gặp được.

Ðã được thấy nghe phải siêng tu tập.* Giáo - Lý - Hạnh - Quả là cương tông của Phật pháp.

Nhớ Phật, niệm Phật thực là đường tắt để đắc đạo.

Thời xưa, cứ tu một pháp thì cả bốn (Giáo - Lý - Hạnh - Quả) đều đủ.

Còn đời này nếu bỏ Tịnh Ðộ thì hoàn toàn chẳng chứng được đạo quả.

Ấy là vì cách biệt thánh đã xa, căn tánh con người hèn kém, nếu chẳng cậy vào Phật lực, quyết khó được giải thoát.Như đã nói: “Pháp môn Tịnh Ðộ nhiếp khắp căn cơ thượng, trung, hạ; cao trỗi hơn Luật, Giáo, Thiền Tông, thực là lòng từ bi triệt để của chư Phật, chỉ bày thể tánh sẵn có của chúng sanh, dẫn tam thừa ngũ tánh đồng quy cõi tịnh, đưa thượng thánh hạ phàm cùng chứng Chân Thường.

Cửu giới chúng sanh lìa pháp này thì trên chẳng thể viên thành Phật đạo.

Mười phương chư Phật bỏ pháp môn này thì dưới chẳng thể lợi khắp quần manh”.Thế nên, vãng thánh tiền hiền (thánh hiền đời trước) ai nấy đều hướng về.

Ngàn kinh vạn luận đâu đâu cũng chỉ quy.

Từ sau hội Hoa Nghiêm dẫn khởi quy hướng, các đại Bồ Tát tận khắp mười phương thế giới không vị nào chẳng cầu sanh Tịnh Ðộ; kể từ khi diễn thuyết tại Kỳ Viên đến nay, cuối hết thảy các trước thuật của Tây Thiên, Ðông Ðộ đều quy kết Liên Bang.* Cổ nhân nói: “Thân người khó được, trung quốc khó sanh, Phật pháp khó nghe, sanh tử khó xong”.

Chúng ta may mắn được thân người, sanh ở trung quốc, được nghe Phật pháp.

Ðiều bất hạnh là tự thẹn nghiệp chướng sâu nặng, không sức đoạn Hoặc để mau thoát khỏi Tam Giới, liễu sanh thoát tử; nhưng lại may mắn được nghe đức Như Lai ta tâm bi triệt để nói ra pháp môn Tịnh Ðộ là pháp đại quyền xảo, phương tiện lạ lùng, khiến hàng phàm phu lè tè sát đất được đới nghiệp vãng sanh, thật không còn gì may mắn hơn nữa! Nếu chẳng phải là từ vô lượng kiếp đến nay đã trồng thiện căn sâu dày, làm sao nghe được pháp chẳng thể nghĩ bàn này? Chẳng nên gấp sanh lòng tin chân thành, phát nguyện cầu sanh ư?* Trộm nghe Tịnh Ðộ chính là pháp tỏ bày rốt ráo bổn hoài của Phật, cao vượt hết thảy Thiền - Giáo - Luật, thống nhiếp hết thảy Thiền - Giáo - Luật.

Nói gọn thì một lời, một câu, một kệ, một sách đều có thể gồm trọn không còn sót.

Nói rộng ra, dù huyền ngôn của Tam Tạng mười hai bộ kinh, diệu nghĩa của chư Tổ năm tông cũng chẳng thể diễn giảng trọn [pháp môn Tịnh Ðộ này].Giả sử khắp cả đại địa chúng sanh đều thành Chánh Giác, hiện tướng lưỡi rộng dài, dùng sức thần thông, sức trí huệ, vi trần nói, cõi nước nói, nói hăm hở, nói không gián đoạn, vẫn còn chưa thể tận nổi! Bởi lẽ Tịnh Ðộ vốn là chẳng thể nghĩ bàn.Hãy thử nghĩ xem: Hoa Nghiêm đại kinh là vua trong Tam Tạng, trong phẩm cuối cùng quy trọng nơi nguyện vương.

Áo điển Pháp Hoa mầu nhiệm đứng đầu các kinh, nghe kinh liền vãng sanh, địa vị ngang với Ðẳng Giác.

Vậy thì ngàn kinh muôn luận đâu đâu đều chỉ quy Tịnh Ðộ là có nguyên do vậy.Văn Thù phát nguyện, Phổ Hiền khuyến khích.

Trong hội Ðại Tập, đức Như Lai thọ ký rằng: Trong đời Mạt Pháp, không do pháp này chẳng thể đắc độ.

Trong luận Tỳ Bà Sa, ngài Long Thọ phán định là pháp dễ hành, mau thoát sanh tử.

Thế nên, vãng thánh tiền hiền người người hướng đến, nào phải phí công toi! Thật có thể nói là cả một đời giáo hóa đều chỉ là để đặt cơ sở cho pháp môn Niệm Phật!Chẳng phải chỉ có thế! Phàm hết thảy cảnh giới đối ứng sáu căn, tức là: núi, sông, đại địa, sáng, tối, sắc, không, thấy, nghe, hay, biết, thanh, hương, vị v.v...!không gì chẳng phải là văn tự để phô diễn, xiển dương Tịnh Ðộ đó sao? Lạnh - nóng đắp đổi, già - bệnh chen nhau, lụt, hạn, chiến tranh, tật dịch, bạn ma, tà kiến, không gì chẳng phải là để răn nhắc cảnh tỉnh con người mau cầu sanh Tịnh Ðộ đó ư? Nói rộng ra, há có thể trọn hết được sao?Còn như bảo “một lời đã gộp hết cả” thì lời đó là “Tịnh”.

Tịnh đến cùng cực thì sáng tỏ, thông suốt.

Nếu chưa đạt Diệu Giác, há dễ đảm đương nổi một lời này ư? Nghiên cứu bài tụng Lục Tức ThànhPhật thì sẽ biết.“Một câu” là “Tín, Nguyện, Hạnh”.

Với Tín - Nguyện - Hạnh thì không Tín chẳng đủ để khởi Nguyện.

Không Nguyện thì chẳng đủ để dẫn dắt Hạnh.

Không có diệu hạnh Trì Danh thì chẳng đủ để viên mãn điều mình Nguyện, chứng điều mình tin.

Hết thảy kinh luận Tịnh Ðộ đều phát minh ý chỉ này.“Một kệ” là kệ tán Phật : Nêu chánh báo để gồm thâu y báo, thuật Hóa Chủ để bao gồm đồ chúng; tuy chỉ gồm tám câu nhưng đã nêu trọn đại cương của cả ba kinh Tịnh Ðộ.Một cuốn sách là cuốn Tịnh Ðộ Thập Yếu.

Chữ chữ đều là bến cầu cho đời Mạt Pháp.

Lời lời đều là gương báu của Liên Tông.

Buốt lòng trào lệ, phanh tim vẩy máu, xứng tánh phát huy, chỉ bày cốt tủy.

Dù dùng những thí dụ như cứu người chết đuối, cứu người bị lửa cháy vẫn chẳng thể diễn tả lòng thống thiết [của chư Tổ] được.

Bỏ qua [sách này] thì chánh tín không do đâu mà sanh được, tà kiến không do đâu mà diệt được!* Nên biết rằng chúng ta từ vô thỉ đến nay đã tạo ác nghiệp vô lượng, vô biên.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Giả sử ác nghiệp có thể tướng thì mười phương hư không chẳng thể chứa đựng nổi”.

Lẽ đâu tu trì lơ mơ, hời hợt, lại tiêu nổi được nghiệp ư? Bởi vậy, Thích Ca, Di Ðà, giáo chủ hai cõi, đau đáu nghĩ đến chúng sanh không sức đoạn Hoặc, riêng mở ra một pháp môn nương vào từ lực của Phật để đới nghiệp vãng sanh.

Lòng hoằng từ đại bi ấy dù trời đất, cha mẹ cũng chẳng thể bằng được một phần Hằng hà sa.

Chỉ nên phát lòng thẹn hổ, phát tâm sám hối mới tự có thể được Phật gia bị, nghiệp tiêu, thân an thôi!* Hòa Thượng Thiện Ðạo nói: “Nếu muốn học về Giải thì hết thảy các pháp từ địa vị phàm phu cho đến địa vị Phật, không pháp nào chẳng nên học.

Nếu muốn học về Hạnh, nên chọn lấy một pháp khế lý, khế cơ, chuyên tinh tận sức mới mau chứng được lợi ích chân thật.

Nếu không thì từ kiếp này qua kiếp nọ vẫn khó xuất ly!” Pháp khế lý, khế cơ Ngài nói đó không gì hơn là Tín Nguyện Trì Danh Cầu Sanh Tây Phương!* Kinh A Di Ðà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ gọi là “Tịnh Ðộ Tam Kinh”, chuyên luận về sự lý duyên khởi của Tịnh Ðộ.

Các kinh Ðại Thừa khác đều nói kèm về Tịnh Ðộ.

Nhưng kinh Hoa Nghiêm chính là khi đức Như Lai mới thành Chánh Giác, vì bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Ðại Sĩ mà xứng tánh giảng thẳng diệu pháp Nhất Thừa.

Cuối kinh, Thiện Tài đi tham học khắp các thiện tri thức.

Sau khi chứng ngộ như chư Phật, Thiện Tài đồng tử được Phổ Hiền Bồ Tát giảng cho nghe mười đại nguyện vương.

Ngài dạy Thiện Tài và khắp Hoa Nghiêm hải chúng hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới ngõ hầu được viên mãn Phật Quả.Trong Quán kinh, phần nói về hạ phẩm hạ sanh, kẻ ngũ nghịch thập ác đủ các điều bất thiện, lúc lâm chung tướng địa ngục hiện, có thiện tri thức dạy cho niệm Phật.

Kẻ ấy liền vâng lời dạy, xưng niệm Phật danh, chưa đầy mười tiếng liền thấy Hóa Thân Phật đưa tay tiếp dẫn vãng sanh.Kinh Ðại Tập dạy: “Ðời Mạt Pháp ức ức người tu hành, hiếm có một người đắc đạo.

Chỉ có nương vào Niệm Phật mới thoát khỏi sanh tử”.

Do đấy, ta biết rằng pháp niệm Phật là đạo để thượng thánh hạ phàm cùng tu, là pháp dù trí hay ngu đều hành được.

Hạ thủ dễ, thành công cao, dùng sức ít nhưng được hiệu quả nhanh.

Do chuyên cậy vào Phật lực nên lợi ích thù thắng, vượt trội những giáo pháp thông thường.

Người xưa nói: “Các môn khác học đạo như kiến bò lên núi cao.

Niệm Phật vãng sanh như căng buồm thuận gió, nước xuôi”, thật rất khéo hình dung vậy!* Ðại Giác Thế Tôn thương các chúng sanh mê trái tự tâm, luân hồi lục đạo, trải bao kiếp dài lâu chưa thể thoát ra.

Do vậy, Ngài hưng khởi Vô Duyên Từ, vận lòng bi đồng thể, thị hiện sanh trong thế gian, thành Ðẳng Chánh Giác, tùy thuận cơ nghi nói rộng các pháp.

Nói đại cương, gồm có năm tông.

Năm tông gì? Là Luật, là Giáo, là Thiền, là Mật, là Tịnh.Luật là thân Phật, Giáo là lời Phật, Thiền là tâm Phật.

Sở dĩ Phật được gọi là Phật chỉ là do ba pháp này mà thôi.

Sở dĩ đức Phật độ sanh cũng chỉ là do ba pháp này.

Nếu chúng sanh thật sự có thể nương theo Luật, Giáo, Thiền tu trì thì ba nghiệp của chúng sanh sẽ chuyển thành ba nghiệp của chư Phật.

Ba nghiệp đã chuyển thì phiền não chính là Bồ Ðề, sanh tử chính là Niết Bàn.Lại sợ túc nghiệp sâu nặng chẳng thể dễ chuyển nên dùng sức đà-ra-ni tam mật gia trì để un đúc.

Hoặc lại sợ rằng căn khí kém cỏi, chưa được giải thoát, phải thọ sanh lần nữa sẽ khó tránh khỏi mê lầm; vì thế đặc biệt mở ra một môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, ngõ hầu dù thánh hay phàm đều cùng vãng sanh Tây Phương ngay trong đời này.

Bậc thánh thì mau chứng Vô Thượng Bồ Ðề, kẻ phàm thì vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử trói buộc.

Do dựa vào từ lực của Phật nên công đức, lợi ích chẳng thể nghĩ bàn.Nên biết rằng: Luật là nền tảng của Giáo, Thiền, Tịnh, Mật.

Nếu chẳng nghiêm trì giới cấm sẽ chẳng thể đạt được lợi ích chân thật nơi Giáo, Thiền, Tịnh, Mật.

Như lầu cao vạn trượng, nếu nền móng chẳng vững thì chưa cất xong đã sụp.

Tịnh là chỗ quy túc của Giáo, Thiền, Tịnh, Mật, như trăm sông, vạn dòng đều đổ vào biển cả.Bởi lẽ, pháp môn Tịnh Ðộ là pháp môn để mười phương chư Phật trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sanh, thành thỉ, thành chung.

Vì thế trong phẩm Nhập Pháp Giới kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài được ngài Phổ Hiền gia bị, khai thị, chứng được Ðẳng Giác.

Ðức Phổ Hiền lại khuyên Thiện Tài nên phát mười đại nguyện vương, hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới ngõ hầu mau viên mãn Phật Quả.

Ngài lại dùng pháp này phổ khuyến toàn bộ Hoa Tạng đại chúng [nên tu tập như thế].Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, phần nói về Hạ Phẩm Hạ Sanh, hạng người ngũ nghịch thập ác, sắp đọa địa ngục A Tỳ, được thiện tri thức dạy cho niệm Phật, niệm mười tiếng hoặc chỉ niệm mấy tiếng là mạng chung, cũng vẫn được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương.Xem đó thì trên từ bậc Ðẳng Giác Bồ Tát chẳng thể ra khỏi pháp này, dưới đến kẻ tội ngũ nghịch, thập ác cũng có thể chứng nhập pháp này.

Công đức, lợi ích của pháp môn đây vượt trỗi hơn [các giáo pháp khác trong] cả một đời giáo hóa của Ðức Phật.

Bởi lẽ, các giáo pháp khác toàn dạy dùng tự lực để thoát ly sanh tử.

Kẻ chưa đoạn Hoặc, nương vào từ lực của Phật liền có thể đới nghiệp vãng sanh.

Kẻ đã đoạn Hoặc nếu nương theo từ lực của Phật sẽ chóng chứng được phẩm vị cao.Vì thế, đây là một pháp môn đặc biệt nhất trong cả một đời giáo hóa của Ðức Phật, chẳng thể dùng những giáo pháp thông thường để bàn luận pháp này được! Do đó, các kinh Ðại Thừa như kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa v.v..., các đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền...; các đại tổ sư như Long Thọ, Mã Minh...!đều hiển thị, xiển dương, khen ngợi, chỉ dạy, phổ khuyến vãng sanh.* Ðức Di Ðà, đức Thích Ca trong những kiếp xưa, phát đại thệ nguyện độ thoát chúng sanh.

Vị này thì thị hiện sanh trong uế độ, dùng nhơ, dùng khổ chiết phục, hòng đưa chúng sanh đi.

Vị kia thì an cư Tịnh Ðộ, dùng tịnh, dùng vui nhiếp thọ để lôi kéo, uốn nắn.Ông chỉ thấy ngu phu, ngu phụ cũng niệm Phật được bèn coi thường Tịnh Ðộ; sao chẳng thấy trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, sau khi Thiện Tài đã chứng ngộ ngang với chư Phật thì Phổ Hiền Bồ Tát bèn chỉ dạy phát khởi mười đại nguyện vương, hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới hòng viên mãn Phật Quả? Huống hồ Bồ Tát còn đem pháp này khuyên khắp cả Hoa Tạng hải chúng nữa? Hoa Tạng Hải Chúng không một ai là phàm phu, nhị thừa, toàn là Pháp Thân Ðại Sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị, cùng phá vô minh, cùng chứng pháp tánh, đều có thể do bổn nguyện hiện làm Phật trong thế giới không có Phật.Hơn nữa, trong biển Hoa Tạng, tịnh độ vô lượng, nhưng ai nấy đều hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đủ biết là vãng sanh Cực Lạc chính là huyền môn để thoát khổ, là đường tắt để thành Phật.

Vì thế, từ xưa tới nay, trong tất cả tùng lâm Thiền, Giáo, Luật, không đâu chẳng sớm chiều trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương vậy..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui