* Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều là cha mẹ quá khứ, là chư Phật vị lai.
Lập cách cứu giúp còn e chưa kịp, há nên để thỏa miệng bụng mình, bèn giết hại thân xác chúng nó ư? Phải biết rằng các loài vật bay trên không, lặn dưới nước đều có cái tâm linh minh giác tri, nhưng vì túc nghiệp sâu nặng đến nỗi hình thể khác xa, miệng chẳng nói được.
Xem tình cảnh chúng đi tìm cái ăn, tránh né cái chết, sẽ nhận ra chúng có khác gì con người đâu!Chúng ta nhờ sức túc phước, may được làm người, tâm có trí lự, phải nên luôn nghĩ đến dân chúng và loài vật cùng [sanh từ] một bọc cha trời, mẹ đất, mới chẳng phụ bạc cái lẽ con người đứng cùng trời đất thành tam tài vậy! Do cùng được trời đất sanh thành, nuôi nấng, phải mong cho mọi người cùng loài vật đều được sống yên ổn, cùng được trời che, đất chở, cùng vui ngày tháng mới phải.
Nếu như chẳng hiểu thấu cái đức hiếu sanh của trời đất, buông lung ý niệm tham ăn tục uống của chính mình, cậy mình khỏe, hiếp kẻ yếu, ăn thịt nó để no đẫy bụng mình, ắt đến ngày nào đó, túc phước đã hết, sát nghiệp hiện tiền, muốn chẳng thay đầu, đổi mặt, bị chúng nó ăn, giết trở lại, há có được chăng?Vả nữa, ăn thịt có chất độc, do lúc chúng bị giết tâm oán hận kết lại.
Bởi thế, khi ôn dịch lưu hành, người ăn chay rất ít người bị nhiễm phải.
Hơn nữa, thịt là vật uế trược.
Ăn vào máu sẽ bẩn, tinh thần tối tăm, thấy mạnh mẽ ngay đó, nhưng hiệu quả tan đi rất nhanh, rất dễ tạo thành đầu mối cho bệnh tật.
Rau cỏ là vật thanh khiết, ăn vào khí thanh, trí rạng, khỏe mạnh lâu, già chậm, có nhiều chất bổ.
Tuy đây là lời bàn thông thường về phép vệ sinh, nhưng thật sự là lời luận cùng tột về tánh.
Do thói quen kéo dài đến nỗi mê man chẳng tỉnh.Phải biết rằng: người nhân ắt thương yêu loài vật.
Người giết loài vật quyết khó thể là người có lòng nhân, do tánh quen khiến thành như thế.
Vì vậy, thánh vương trị thế, chim thú cá, rùa đều sung sướng.
Đạo sáng dạy dân thì gậy nhựa dính, ná bắn đạn đều bỏ sạch.
Thử nghĩ: Từ xưa đến nay, phàm là kẻ tàn nhẫn tham ăn tục uống, phần nhiều dòng dõi bị tuyệt diệt.
Người nhân ái tử tế, con cháu ắt hưng thạnh.
Kẻ khởi đầu thói ác, Khổng Tử đoán nó vô hậu; kẻ mặc sức ăn thịt, Như Lai dự ký ắt phải đền trả.
Xin chớ nói suông xa lánh bếp núc , đấy chỉ là cách nói quyền biến thuận theo thế tục, phải vĩnh viễn dứt hẳn đồ hôi tanh thì mới là xứng lý thật nghĩa.* Tâm tánh chúng sanh giống hệt như Phật.
Do nghiệp thiện - ác, báo phân ra người, thú.
Người có trí huệ, thú không tài khéo.
Cậy mạnh hiếp yếu, giết để ăn thịt.
Làm con trong nhà người ta chẳng ngoài [lý do đã] thiếu nợ nặng.
Huống hồ giết thân mạng chúng chỉ cốt sướng miệng, oán hận cố kết, trải bao kiếp đòi nợ lẫn nhau.
Thử nghĩ đến điều ấy, trong tâm đau thương.* Nguyên hết thảy chúng sanh trên cạn, dưới nước, không một loài nào chẳng biết đớn đau, khổ, vui, không một loài nào chẳng biết tham sống sợ chết, nhưng không con vật nào chẳng phải là cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, bạn bè, thân quyến trong vô lượng kiếp của ta.
Lại không có một loài nào chẳng thể trong đời vị lai, gieo sâu thiện căn, tu trì Tịnh nghiệp, đoạn Hoặc chứng Chân, viên thành Phật đạo.
Chỉ vì túc thế ác nghiệp, phải đọa trong dị loại.Vì thế phải nên sanh lòng thương xót sâu xa, hộ trì chúng, khiến mỗi con vật đều được sống yên vui, há nên cậy mạnh hiếp yếu, hoặc dùng trí đoạt lấy, hoặc dùng tiền của đoạt lấy, khiến hết thảy bọn chúng bị dồn vào miệng bụng mình? Tuy chúng nó sức chẳng chống chọi được, tâm đã kết mối hận dằng dặc; cho nên đời đời, kiếp kiếp xoay vần giết nhau.
Sướng miệng bụng một lúc, giết thân mạng nhiều kiếp.
Sánh với chuyện tự giết mình còn khốc liệt gấp bội! Sao lại khổ sở làm chuyện chuốc lấy ương họa này, há có phải là ngu mê đến cùng cực chăng?Xưa nước Lỗ có hai gã dũng sĩ, chỉ nghe tên nhau chứ chưa gặp mặt.
Một bữa gặp nhau, mua rượu cùng uống.
Một gã bảo: “Không có thịt chẳng vui, hãy đi mua thịt!” Gã kia bảo: “Thịt của tôi với anh đây, còn tìm đâu nữa!” Gã thứ nhất bảo ý kiến ấy rất hay, bèn trễ áo xẻo thịt mình, hai bên cùng ăn.
Kẻ kia lại cắt thịt mình, đưa cho bạn ăn.
Dương dương tự đắc, bảo là tình bạn chúng ta tình ý chân thật tột bậc.
Vừa cắt vừa ăn mãi cho đến chết.
Những người trông thấy đều than: “Hai gã ngu!”Do vì ăn thịt, người đời tạo các sát nghiệp đến nỗi bao kiếp xoay vần giết hại lẫn nhau.
So với hai gã dũng sĩ kia càng khốc liệt hơn! Do không mắt huệ, chẳng biết hậu báo, lại coi là chuyện đắc ý để khoe khoang, kiêu hãnh, chê kẻ ăn chay là mê tín cùng là bạc phước.
Thế tục tán thành, nào biết là sai!Vì thế, trong các kinh Đại Thừa Phạm Võng, Lăng Nghiêm, Lăng Già v.v...!đức Như Lai đã cực lực phơi bày cái họa sát sanh ăn thịt, có thể nói là lòng chân từ đại bi nhổ rễ lấp nguồn vậy.
Gần đây, sát kiếp thảm khốc, thiên cổ chưa từng nghe, lại còn các tai vạ: nước, lửa, tật dịch, gió lốc, động đất, hạn hán, lụt lội...!thình lình xảy ra.
Nói chung đều là do sát nghiệp duyên khởi đến nỗi thế đạo, nhân tâm càng ngày càng thấp.
Do vậy, thiên tai, nhân họa liên tiếp xảy ra, như đứng trước tấm gương, chẳng thể tránh khỏi bị soi bóng.* Thế tục mê hoặc, coi ác là thiện, coi tạo nghiệp là tu phước, [kẻ như vậy] rất nhiều.
Điều mắt nhìn thấy thảm, lòng thấy xót xa nhất không gì bằng chuyện cúng tế quỷ thần.
Phú quý đại gia luôn giết con vật lớn để tế: một mặt để cầu được nhiều phước, một mặt để phô phang mình giàu có.
Còn những nhà nghèo khó cũng phải giết gà, giết vịt để cầu thần thường bảo hộ, khiến cho phước thọ tăng thêm, lâu dài hơn, mọi việc đều như ý.Chẳng biết thiên địa lấy hiếu sanh làm đức, quỷ thần lấy thiên địa làm chủ tể các sự, há chẳng phải là tâm ấy trái thiên nghịch địa ư? Vì hưởng một kỳ tế lễ của ta khiến cho vô số sanh mạng cùng chịu nỗi khổ cắt xẻ, ông thần ấy còn đáng gọi là một vị chánh thần thông minh, chánh trực, thưởng thiện, phạt ác nữa chăng? Nguyên do là bọn ngu phu tham ăn, chỉ mượn danh quỷ thần, giết thú lớn, vật nhỏ, cốt sao thỏa thích bụng miệng, quen dần thành thói, chẳng biết là đã tạo đại ác nghiệp!Bảo là cúng quỷ thần, thần có ăn đâu? Huống hồ đã gọi là thần, ắt phải vâng giữ đức thông minh, chánh trực, ắt phải chuẩn theo việc thiện hay ác mà giáng phước hay gieo vạ.
Há phải đâu ai sát sanh cúng bái mình, dù nó làm ác vẫn cứ giáng phước; kẻ nào chẳng sát sanh cúng tế mình, dù có làm thiện cũng cứ gieo vạ ư? Nếu vậy, tâm hạnh của ông thần ấy có khác gì tâm hạnh của bọn tiểu nhân vô lại nơi chợ búa đâu? Làm sao xưng là ông thần thông minh, chánh trực được nữa? Đã là một vị thần thông minh, chánh trực, chắc chắn chẳng vì thói yêu tà, quỷ quái này mà chẳng tuân thủ đạo đức, nhân nghĩa!* Người đời chỉ biết ăn thịt là ngon, bèn vì ý niệm tham cầu thứ hôi thối, tanh tưởi ấy, cho rằng thần thánh cũng giống như vậy.
Từ đấy kẻ nọ người kia bắt chước nhau, chẳng biết là trái.
Ví như giòi tửa ăn phân, nghĩ thiên tiên cũng phải tham ưa vị ngon này, bèn thường muốn dâng lên để cầu được ban thưởng phước khánh!Những con vật bị giết kia phần nhiều đều là những kẻ trong đời trước sát sanh cúng tế quỷ thần ngõ hầu chính mình có dịp ăn thịt, nay phải đền trả quả báo sát sanh khi ấy.
Thế nhưng hết thảy kẻ ngu nghe nói đến chuyện sát sanh tế thần bèn vui mừng, hớn hở, coi đấy là chuyện làm phước, chẳng biết tương lai sẽ phải biến thành những giống vật ấy.
Lúc bị người giết, có miệng chẳng nói được, không cách nào thoát khỏi.Huống những ai đã thâm nhập Phật pháp, đã thọ đại giới nhà Phật, là bậc cao nhân lỗi lạc suốt đời ăn chay, do ham muốn ăn thịt bèn vô cớ bịa chuyện, giết vô số sanh mạng để cúng tế.
Cái tội nghịch trời, trái lý, dối thánh, khinh hiền ấy khiến cho đời đời kiếp kiếp sẽ mãi mãi làm các loài vật bị giết chóc ấy, há chẳng đáng buồn bã lắm sao?* Người đời mắc bệnh cùng bị những tai nạn nguy hiểm, chẳng biết niệm Phật tu thiện, lại lầm lạc cầu đảo quỷ thần, đến nỗi sát hại sanh mạng.
Nghiệp tăng thêm nghiệp, thật đáng thương xót! Người sống trong đời có những cảnh duyên gì, đa phần là do túc nghiệp.Đã mắc bệnh khổ, nên niệm Phật tu thiện, sám hối túc nghiệp, nghiệp tiêu bệnh sẽ lành.
Hạng quỷ thần kia chính họ còn đang trong biển nghiệp, sao có thể tiêu nghiệp cho người khác được? Dù là vị chánh thần có đại oai lực đi nữa thì oai lực của vị ấy so với oai lực của Phật, Bồ Tát khác chi lửa đom đóm sánh với ánh sáng mặt trời! Đệ tử Phật chẳng hướng về Phật, Bồ Tát cầu đảo, lại hướng về quỷ thần cầu đảo, chính là tà kiến, chính là trái nghịch lời Phật dạy.
Không thể không biết điều này!Thêm nữa, hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ quá khứ, là chư Phật vị lai, lẽ ra nên kiêng giết, phóng sanh, yêu tiếc mạng sống loài vật, chớ nên theo tri kiến thế tục, cho rằng dâng thức ngon lành lên cha mẹ mới là hiếu.
Kẻ chưa nghe Phật pháp chẳng biết sự lý luân hồi lục đạo, lầm tưởng đấy là hiếu, còn tha thứ được.
Chứ nếu là người đã nghe Phật pháp, giết phụ mẫu, thân thuộc quá khứ để phụng dưỡng cha mẹ hiện tại và dùng trong tang tế v.v...!chẳng những chẳng phải là hiếu đạo, mà còn thành ngỗ nghịch nữa!Bởi vậy, do nghe nghĩa đế chân thật của Phật pháp những người thông đạt đều chẳng chịu làm theo những pháp quyền tạm của thế tục.
Bởi những pháp tạm bợ ấy chỉ thuận theo mê tình thế tục mà lập, chẳng phải là đạo thấy thấu suốt nhân quả ba đời của đức Như Lai vậy!* Trong các ác nghiệp, chỉ có sát nghiệp là nặng nhất.
Khắp dưới gầm trời, không một ai chẳng tạo sát nghiệp.
Dù cả đời chẳng sát sanh, nhưng hằng ngày ăn thịt tức là hằng ngày sát sanh! Bởi chẳng giết, chắc chắn chẳng có thịt! Kẻ mổ thịt, kẻ săn bắt, kẻ đánh cá đều là để cung cấp cho nhu cầu của người ăn thịt, họ giết hại thay cho mình.Nhưng một ải ăn thịt - ăn chay thật sự là nguyên nhân chẳng nhỏ khiến chúng ta thăng hay trầm, thiên hạ bình trị hay loạn lạc vậy.
Những ai yêu thân mình và yêu thương khắp cả mọi người trên cõi đời, muốn được trường thọ, an lạc, chẳng mắc phải tai họa ngoài ý muốn, phải lấy việc kiêng giết, ăn chay làm diệu pháp bậc nhất để vãn hồi thiên tai, nhân họa.Một niệm tâm tánh của hết thảy chúng sanh chẳng khác với chư Phật, cũng chẳng khác với một niệm tâm tánh của chúng ta.
Chỉ vì túc thế ác nghiệp đọa vào dị loại; vì thế, phải sanh lòng thương xót lớn lao, lẽ đâu mặc sức giết chóc? Người đời vô tri bị tập tục trói chặt, thường coi sát sanh ăn thịt là vui, chẳng nghĩ đến các con vật bị giết ôm nỗi thống khổ, oán hận như thế nào!Cậy mạnh hiếp yếu, coi là chuyện đương nhiên; một khi đao binh khởi lên, tình cảnh khác gì những con vật bị giết.
Đốt cháy nhà cửa ngươi, hãm hiếp vợ con ngươi, cướp tiền tài của ngươi, giết thân mạng ngươi, ngươi vẫn chẳng dám dùng lời ác chửi nó vì sức chẳng chống chọi lại được.
Loài vật bị giết cũng vì chẳng có sức chống cự lại được; nếu nó kháng cự được, tất nhiên nó sẽ cắn xé kẻ toan giết nó đến cùng.
Sao không đối với cảnh khổ ấy, hãy thử nghĩ lại xem!Loài vật cùng ta đều tham sống sợ chết.
Ta đã có trọn vẹn cái thể chất đội trời đạp đất này, lẽ ra phải nên hỗ trợ đất trời sanh thành, dưỡng dục, khiến cho các loài chim, thú, cá, rùa kia đều sống yên vui.
Nỡ nào giết thân mạng chúng để vui sướng bụng miệng mình ư? Do sát nghiệp cố kết đến nỗi phát sanh cái họa đao binh do người gây ra và các thiên tai: nước, lửa, hạn, lụt, đói kém, tật dịch, gió lốc, địa chấn, biển trào, sông ngập v.v...!nối tiếp nhau giáng xuống.Giống như biếu quà cuối năm, ta biếu quà đi, người biếu quà lại, quyết chẳng bao giờ biếu đi chẳng được biếu lại, hoặc chỉ nhận quà chứ không biếu trả.
Nếu có trường hợp như vậy, tất nhiên phải có nhân duyên nào khác ngăn trở, chứ thật ra đều chẳng ngoài chuyện qua lại, đáp tạ cả.
Trời thưởng phạt cũng giống như thế, huống hồ là chuyện báo đền giữa con người? Vì thế, kinh Thư viết: “Làm lành giáng xuống trăm điều tốt lành; làm việc chẳng lành, giáng xuống trăm điều họa ương”.
Kinh Dịch chép: “Nhà tích thiện ắt sự vui có thừa, nhà chứa điều bất thiện, ắt tai ương có thừa”.
Đạo trời ưa xoay vần, không có gì qua mà chẳng lại! Muốn tránh khỏi ác quả, phải đoạn ác nhân trước đã.
Muốn được thiện quả, phải trồng thiện nhân trước đã! Đấy là lẽ rốt ráo của lý trời, tình người vậy!.