Án Tử Một Tình Yêu - The Death Of A Love

Đêm xuống, Du lại lặng lẽ ngồi viết nhật kí. Du biết bác sĩ Văn thích đọc những điều mình viết, vì vậy nó như một động lực giúp cô tiếp tục trải lòng. Có vẻ đây cũng đã trở thành thói quen không thể thiếu, Du muốn chia sẻ nhiều hơn, nhiều hơn nữa với chàng trai đó để đến khi lòng mình được nguôi ngoai và thấy bình yên. Hôm nay Du có nhiều chuyện cần kể cho Văn nghe nên đôi tay cứ viết nhanh thoăn thoắt.

Ngày... tháng... năm...

Dạo này, bác sĩ đã ngủ yên giấc chưa? Bác sĩ còn mơ thấy ác mộng nữa không? Tôi mong là, bác sĩ sẽ mỉm cười nói mình ngủ rất ngon.

Gần đây tôi ngủ sâu hơn một chút, cũng ít thức dậy vào nửa đêm và ít khóc. Tôi vẫn thấy con gái đứng chờ và thấy cả bác sĩ Dương. Nhưng lòng tôi đã nhẹ đi đôi phần, vì một lẽ nào đó mà chính tôi cũng chẳng rõ. Có phải tôi đang dần tha thứ cho bản thân? Trong tôi có nhiều mâu thuẫn. Tôi muốn buông tha cho mình nhưng đồng thời không muốn mình quên đi những tội lỗi đã gây ra. Nếu tôi sống vui vẻ thì sẽ càng có lỗi với những người đã vì tôi mà chết...

Hôm nay tôi đến thư viện đọc sách. Tôi tìm thấy vài cuốn tiểu thuyết thú vị và nghĩ thật may mắn nếu có thể xem hết chúng. Khi chạm tay vào từng trang giấy, tôi chợt nhận ra một thế giới tươi đẹp nhỏ bé vẫn tồn tại. Trước đây tôi cũng từng nghĩ như thế, nhưng rồi lại từ bỏ. Ngoài nỗi bất hạnh của bản thân mình, tôi không thấy bất kỳ điều gì khác, tôi quay lưng với mọi thứ dù nó thật sự tốt đẹp.

Hẳn bác sĩ cũng biết chuyện mẹ của em Muội vừa mất. Em ấy rõ ràng rất thương mẹ, và khi bị tổn thương em ấy trở nên bướng bỉnh, phản kháng lại tất cả. Với mẹ. Với cha dượng. Với nỗi đau tuổi trưởng thành. Với quá khứ đẹp đẽ thời thơ ấu. Với chính bản thân. Cuối cùng, thứ em ấy nhận được chỉ là những đêm khóc thầm vì hối hận.

Bác sĩ à, khi chúng ta phản kháng với những điều tốt đẹp thì đến lúc tuyệt vọng nhất, ta mới biết chúng quý giá đến nhường nào.

Cũng như lần đầu tiên lúc nghe bác sĩ nói muốn biết về quá khứ của tôi thì tôi đã nghĩ: Bác sĩ làm thế chỉ để thỏa mãn sự tò mò mà thôi! Tôi đã không nhận ra sự quan tâm từ bên trong đó. Tôi thấy mình ngu xuẩn trước lòng tốt của bác sĩ.

Lúc nào đấy, khi đọc xong cuốn Hoàng tử bé tôi muốn được chia sẻ với bác sĩ về những gì mình cảm nhận và suy nghĩ.

Nhật kí tù nhân 3969.

*****

Đồng Văn thức dậy từ sớm, còn đi dạo trong vườn hoa khu bệnh xá. Buổi sáng hôm nay tự dưng Văn thấy trong lành hơn mọi khi. Không rõ là do mỗi ngày Văn không để ý hay do tâm trạng bây giờ đã khá hơn nhiều. Kể từ sau lần gặp điều trị ấy, tối hôm đó Văn đã ngủ một giấc đến sáng. Lần đầu tiên suốt mười lăm năm dài, Văn không dùng đến thuốc an thần mà vẫn ngủ thật sâu và chẳng mộng mị. Giấc ngủ an lành đến kỳ lạ.

Văn vẫn không từ bỏ quá khứ, nhưng sẽ để nó ngủ yên. Văn vẫn nhớ đến mẹ, nhưng sẽ thôi tự trách mình. Văn cố gắng để mình có thể sống thanh thản đến hết phần đời còn lại, vì chỉ những người muốn sống mới đáng được sống.

Văn nhớ đến Vân Du, bất giác có chút lo lắng khi nghĩ đến bản án tử đang chực chờ. Một phiên tòa xét xử sẽ mở ra sớm thôi, với tội danh cố sát hai mạng người thì Du khó lòng thoát khỏi tử hình. Nếu Du giết người vì một nỗi khổ nào đó, luật sư có thể đề đơn kháng án xin giảm nhẹ hình phạt. Nhưng liệu, Du sẽ chịu nói ra những khuất tất trong lòng? Văn hiểu cô gái đó thà chấp nhận cái án tử hình còn hơn là giãi bày nỗi khổ của mình, cô đang tự trừng phạt bản thân.

Văn bỗng nghe tiếng quản giáo Ngà, liền quay qua. Chị hỏi bác sĩ nghĩ gì mà thất thần quá, hay thấy mệt trong người? Văn lắc đầu. Chị đưa danh sách các phạm nhân nữ đến kỳ kiểm tra tâm lí tháng này cho Văn rồi cười bảo:

- Sáng nay bác sĩ dậy sớm thế? Mà chị trông sắc mặt bác sĩ tốt lắm nha.

- Đêm qua em ngủ rất ngon nên sáng dậy thấy khỏe khoắn.

- Vậy thì hay quá, hồi trước nhớ bác sĩ thường mất ngủ.

Văn gật khẽ, đáp từ giờ trở đi mình ngủ ngon được rồi. Đang xem danh sách thì Văn chợt phát hiện quản giáo Ngà cứ kín đáo nhìn mình, nên hỏi:

- Mặt em dính cái gì hả chị?

- Đâu có, tại chị thấy hình như bác sĩ đang thay đổi.

- Thay đổi thế nào?

- Vui hơn, cởi mở hơn và nhẹ nhõm hơn.

Không nói gì, Văn chỉ cười nhẹ. Phải, bây giờ tâm hồn anh đã khác trước rồi. Lúc quản giáo Ngà rời khỏi, Văn chậm rãi ngước nhìn bầu trời buổi sớm. Làn gió dịu mát lướt trên da mặt, mùi cỏ mới thoang thoảng khiến đầu óc thật thư thái. Khá lâu rồi Văn mới cảm nhận rõ từng hơi thở, từng sự sống nhỏ nhoi xung quanh mình. Và điều quan trọng là Văn vẫn thấy mình đang sống.

*****

Giờ nghỉ trưa, Vân Du đang đọc cuốn Hoàng tử bé thì chị Giảo khều khều vai, hớn hở nói sắp tới Trại giam tổ chức chương trình văn nghệ ca hát cho những phạm nhân. Mỗi buồng giam nam, nữ cử ra một nhóm để tổ chức các tiết mục hát, diễn kịch hay kể chuyện đều được. Chị cũng muốn thử nên rủ Du cùng tham gia cho vui. Du từ chối vì mình chẳng biết làm gì cả. Chị Giảo chậc lưỡi:

- Thì em hát cũng được mà.

- Bài hát em thuộc ít lắm, mà em hát cũng không hay.

- Ôi dào, ở đây có ai làm ca sĩ đâu. Tụi mình hát chung một nhóm, ai phân biệt được người nào hát hay hát dở chứ.

- Chị rủ em Muội xem.

- Chị muốn cả hai đứa hát cùng chị luôn. Tóm lại là em phải đồng ý, không có kì kèo trả giá gì nữa. Để có gì chị đăng ký với quản giáo.

Du chưa kịp phản đối lần hai là chị Giảo đã chạy vào phòng vệ sinh tìm con Muội, may là đang mang bầu mà chị cứ nhanh thoăn thoắt giống hệt chú sóc. Du thở ra một tiếng, nghĩ tự dưng lại có chuyện tổ chức văn nghệ gì đó, nếu bắt cô đứng trên sân khấu rồi hát trước bao nhiêu người thì đúng là không tưởng. Gấp cuốn tiểu thuyết đọc dở lại, Du đưa mắt nhìn cuốn nhật kí đặt trên gối kê đầu. Bác sĩ Văn đã viết hồi đáp.

Cảm ơn cô về buổi gặp mặt ngày hôm đó, vì buổi tối tôi thật sự đã có một giấc ngủ yên bình. Và những ngày tiếp theo, tôi đều ngủ rất ngon. Cơn ác mộng dường như biến mất. Tôi vẫn thấy mẹ, thấy tên tử tù kia nhưng mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng bình yên hơn. Các hình ảnh như đang chìm dần vào khoảng trắng ký ức.

Tôi vui vì cô cũng yên giấc, ít thức dậy lúc nửa đêm và ít khóc nữa. Tôi rất mong tâm hồn cô sẽ nhận được sự thanh thản.

Chúng ta thường chỉ thấy nỗi đau của chính mình. Điều đó chẳng có gì đáng trách. Cũng như trong bóng tối, liệu người ta còn có thể nhìn thấy thứ gì khác?

Vì con người được tạo hóa sinh ra như thế, luôn đặt bản thân lên trên tất thảy.

Nhưng thế giới này tồn tại hai loại người. Mạnh mẽ và yếu đuối. Thật kỳ lạ khi người mạnh mẽ, bằng một cách nào đó lại có thể nhìn thấy một tia sáng dù nhỏ nhoi nhất ở ngay bên trong đêm tối mịt mùng. Họ biết buông bỏ? Hay vì họ biết tha thứ? Tôi chẳng rõ nữa, nhưng chắc rằng vị tha là một điều gì đó thật đẹp đẽ.

Hình như người ta phải đi qua nhiều chuyện, nếm trải nhiều nỗi đau thì khi đó mới biết mình sống vì lẽ gì.

Cô biết chứ, khi đêm tối bao phủ thì lúc đó chúng ta mới khao khát nhìn thấy ánh sáng. Cũng giống như những thứ cô đã để mất đi và những thứ cô được nhận lại vậy. Những điều được sinh ra từ sự mất mát, luôn có ý nghĩa riêng của nó.

Tôi vô cùng thích cuốn Hoàng tử bé vì vậy tôi rất mong đọc những cảm nghĩ của cô về nó. À còn một chuyện này, tôi thấy tóc mái của cô hơi dài rồi, cô có thể nói với quản giáo Ngà để được cắt tóc. Lần tới, tôi sẽ nói với cô về những chiếc lá.

Bác sĩ Văn.

Du đóng cuốn nhật kí lại, lòng bất giác nhẹ nhõm kỳ lạ. Du thích lần viết nhật kí này của Văn, vì anh đã chia sẻ với mình nhiều điều thú vị. Về những nỗi đau và cách chấp nhận nó, về những con người sống trong bóng tối mới hiểu rõ nhất giá trị của ánh sáng. Du nhìn ra ngoài cửa sổ đầy tư lự, khi lòng nghĩ đến sự được mất mà mình đang có.

Du đưa tay lên vuốt nhẹ những sợi tóc mái dài qua mí mắt khiến cái nhìn cứ tối sầm. Đúng là tóc dài quá rồi, có lẽ Du nên cắt ngắn đi thôi.

Thế là buổi chiều hôm đó, sau khi lao động xong Du cùng các phạm nhân nữ trở về buồng giam. Trong lúc ai nấy đều chuẩn bị đi tắm thì Du đến gặp quản giáo Ngà nói về việc xin được cắt tóc. Chị Ngà có chút ngạc nhiên vì nghĩ cô em gái này dạo gần đây trở nên khác lạ hơn. Ban đầu mới vô, Du còn chẳng để ý đến bất cứ ai, bất cứ chuyện gì thế mà giờ lại muốn cắt tóc để dễ nhìn hơn. Dường như Du đang thay đổi từng chút một...

Việc Du cắt tóc mái ngắn lên và tỉa lớp tóc ở phía sau cho gọn gàng hơn ít người trong buồng giam biết, và trong số ít ấy dĩ nhiên có chị Giảo với con Muội. Hai người cứ nhìn chằm chằm lúc Du đi tắm trở về. Không còn mái tóc rối phủ lòa xòa trước trán che gương mặt u uất, không còn lớp tóc sau ót lởm chởm y hệt bị máy cắt cỏ xén qua. Hiện tại trông Du sáng sủa dễ nhìn, dù vẫn là kiểu tóc ngắn đó.

Chị Giảo và con Muội tranh nhau hỏi, vì sao cắt tóc thế? Du không nghĩ là chỉ vài đường kéo mà trông mình đã khác đến vậy. Thậm chí chị Giảo còn khen "trông em cũng dễ thương". Du buồn cười nói cắt tóc để "dễ thấy đường đi". Mặc hai người nọ cứ thì thầm với nhau, Du lấy cuốn Hoàng tử bé ra xem tiếp.

Bên ô cửa sổ nơi ánh nắng chiếu vào, và cơn gió nhẹ thổi qua da mặt mát rượi, Du cúi mặt xuống mấy dòng chữ, hôm nay đến đoạn Hoàng tử bé kể cho anh phi công nghe về cuộc gặp gỡ với con cáo. Ý nghĩa của việc cảm hóa và được cảm hóa bởi một ai đó. Du say sưa đọc, quên cả thời gian ở ngoài kia trôi đi thế nào.

Ở phía xa xa, đằng sau hàng rào kẽm là bóng dáng Văn âm thầm đứng nhìn. Lúc nãy nói chuyện với quản giáo Ngà, Văn nghe chị bảo về việc Du vừa cắt tóc. Và trước khi rời đi, Văn đã nán lại để quan sát Du theo cách thật kín đáo. Trông thấy mái tóc ngắn được cắt tỉa gọn gàng, anh chàng bác sĩ liền cười nhẹ.

Văn tự hỏi, Du đang đọc gì mà chăm chú đến vậy? Lát sau mới sực nhớ đến cuốn Hoàng tử bé. Hình ảnh cô gái nhỏ nhắn ngồi bên cửa sổ, mải mê với những trang sách bỗng chốc trở nên lung linh rực rỡ, hệt như là thế giới cổ tích. Rồi, Văn thấy Du vén nhẹ mái tóc qua vành tai, gương mặt hơi nghiêng chợt bừng sáng. Nắng giống như người phác họa, chiếu rọi đến đâu là từng đường nét trên mặt Du hiện ra rõ rệt. Một biểu cảm thư thái, an nhiên đến lạ lùng.

Và Văn đứng đó rất lâu, để say sưa ngắm nhìn một người trong buổi chiều yên ả.

*****

Vân Du nhận được thư tháng này của con gái. Bức thư dài hơn những lần trước một chút, Hoàng Oanh khoe với mẹ rất nhiều chuyện về việc con bé đã học thuộc bảng chữ cái ra sao, hay ông ngoại tìm được việc làm và hứa năm nay sẽ cho nó đi học lớp một. Rồi bé Oanh hớn hở nói mình đang trồng những bông hoa xinh xinh trong mảnh vườn nhỏ trước nhà. Nó tin, khi nào mẹ Du về thì hoa nhất định sẽ nở. Cuối thư, Du thấy con gái bé bỏng lại hỏi: "Bao giờ mẹ về với con ạ?".

Du khẽ gấp bức thư lại, lòng bâng khuâng nhìn ra cửa sổ vào buổi sớm. Tâm trạng cứ nửa vui nửa buồn. Vui vì bé Oanh đang sống rất tốt và khỏe mạnh, chẳng những vậy ông Thạch còn tìm được việc làm, hứa cho cháu gái được đi học. Còn buồn là vì Du biết chắc mình không còn cơ hội để nhìn thấy bé Oanh đến trường như thế nào, rồi liệu những bông hoa kia có nở? Điều làm Du đau đớn nhất vẫn là không biết trả lời con ra sao khi nó cứ hỏi "bao giờ mẹ về". Du hiểu sẽ đến lúc nào đó mình phải đối diện và nói sự thật cho con bé biết. Chỉ nghĩ về cảnh ấy thôi là lồng ngực Du đã quặn thắt từng cơn.

Du đã ngồi thẫn thờ như vậy khá lâu, cho đến lúc quản giáo Ngà lên tiếng giục các phạm nhân đã đến giờ lao động.

Chiều tối, sau khi tắm rửa sạch sẽ xong tất cả phạm nhân tập trung về khu nhà ăn. Ai nấy đều xếp hàng lấy cơm, âm thanh trò chuyện nghe khe khẽ. Thỉnh thoảng giọng nhắc nhở của các cán bộ nữ vang lên. Kèm theo đó là tiếng nói phát ra từ chiếc ti vi cũ treo trên trần phòng, về tin tức thời sự nào đấy.

Du ngồi ăn cơm với chị Giảo và con Muội. Được một chốc thì Du lại nghe chị đề cập đến buổi văn nghệ sắp tổ chức vào cuối tháng này:

- Hai ngày nữa là hạn chót đăng ký với cán bộ, chị hỏi lần nữa là hai đứa cùng tham gia với chị phải không?

- Em từ chối rồi còn gì.

- Em cứ làm chị bực mình đấy Du à. Chị nói vậy thôi chứ chị đã quyết là sẽ đăng ký tên em vào chung rồi và em chẳng còn quyền từ chối nữa.

Trước thái độ ép buộc trắng trợn ấy, con Muội nuốt miếng cơm khô ran, bảo:

- Bà chị quá đáng thiệt luôn! Bộ bà hát dở ẹc hay sao mà cần phải có người hát chung cho đỡ xấu hổ?

- Nói cho tử tế nhé con nhỏ này, chị đây muốn hai đứa vui vẻ thôi mà.

- Nhưng bọn này từ đó giờ chỉ biết đánh nhau, hát hò cái nỗi gì đâu.

- Thì cứ chọn mấy bài dễ dễ ngắn ngắn mà học, lên hát vài phút là xong.

Con Muội hậm hực, đứng trên sân khấu một giây thôi cũng đủ đái trong quần rồi! Chị Giảo cười sằng sặc, đời thuở có đứa con gái nào vác dao đi chém tình địch thì không sao mà chỉ mỗi chuyện đứng hát cho ngưởi ta nghe lại đâm ra sợ chết khiếp! Bên cạnh Du vừa ăn vừa nghĩ, giả như có đăng ký rồi thì đến ngày tập dượt sẽ tìm cách rút lui.

Ăn xong, ba người cầm khay lên và rời khỏi bàn. Chị Giảo với con Muội đi trước, Du bước theo sau. Đúng lúc trên ti vi tường thuật về một phiên tòa xét xử phạm nhân giết người. Sau đó, phóng viên hỏi người mẹ của nạn nhân rằng:

- Nhìn thấy thủ phạm khóc và ăn năn trước tòa, chị có suy nghĩ gì?

Bất giác đôi chân như bị kéo giữ lại, Du chậm rãi hướng mắt về phía màn hình lúc này đang quay cận cảnh một người phụ nữ trung niên tóc tai rũ rượi, mặt mày nhăn nhúm đau khổ với đôi mắt sưng húp do không ngừng khóc than. Bà ấy cất giọng nghẹn ngào, nghe vừa giận dữ vừa uất nghẹn:

- Tôi chỉ muốn... tòa hãy giết chết hắn ta đi!

Phóng viên tiếp tục hỏi: Chị không thể tha thứ dù cho anh ta đã hối hận ư? Du thấy đôi mắt của người đàn bà ấy vằn lên tia máu đỏ, hệt kiểu căm thù tột độ:

- Tha thứ ư? Làm sao biết chắc rằng hắn ta đã hối hận hay chỉ giả vờ? Cho dù hắn hối hận thật đi chăng nữa thì đứa con gái đáng thương của tôi cũng không thể trở về! Nó chỉ mới hai mươi bốn tuổi, đang sống rất vui vẻ nhưng phải chết oan bởi một tên chẳng ra gì! Tại sao hắn lại giết nó! Xin lỗi thì có ích gì?

Trước lời kích động của người mẹ đó, Du gần như lặng đi, những ngón tay bấu siết vào khay nhôm run rẩy. Hơi thở trở nên nặng nề dần, Du thấy lồng ngực co thắt khi cứ tưởng tượng bà ấy là mẹ của bác sĩ Dương. Nỗi hoang mang xâm chiếm cơ thể, Du đảo đôi mắt đầy thất thần vì nghe văng vẳng bên tai tiếng gào thét: Tại sao cô giết con trai tôi? Nó còn trẻ và đang hạnh phúc... Chỉ vì đứa con gái chẳng ra gì như cô! Nói đi, vì sao cô giết con tôi?... Mọi thứ xung quanh Du nghiêng ngả.

Thình lình, một phạm nhân nữ vô tình va trúng Du khiến cô chao đảo ngã xuống. Âm thanh va chạm của chiếc khay nhôm với nền sàn nghe thật chói tai. Những người khác rời mắt khỏi ti vi nhìn về phía này. Các cán bộ nữ cũng bước đến. Về phần Du, cô như vừa thoát khỏi cơn hãi hùng mà quay về thực tại. Nghe cán bộ hỏi, Du gượng gạo lắc đầu nói không sao. Trong lúc thu dọn những thứ vung vãi ra sàn, Du khẽ khàng nhìn lên màn hình ti vi, vẻ mặt đau đớn căm phẫn và lời nói của người đàn bà kia không thôi ám ảnh:

- Chỉ khi nào hắn chết đi thì tôi mới nguôi lòng!

Trở về buồng giam, Du quyết định gặp riêng quản giáo Ngà để xin một việc:

- Thưa cán bộ, em có thể hỏi về địa chỉ của... bác sĩ Dương được không? Anh ấy là một trong hai người mà em đã giết...

- Em hỏi để làm gì?

- Em muốn viết thư xin lỗi gia đình bác sĩ. Nếu có thể được, em cũng muốn cha mẹ anh ấy vào đây gặp để em trực tiếp xin lỗi họ...

Nghe Du nói với vẻ khó khăn, quản giáo Ngà cũng hiểu phần nào nỗi lòng ấy.

- Được rồi, để chị đi hỏi và báo lại em sau.

Du cảm ơn, và trước khi kịp quay gót thì cô nghe quản giáo Ngà báo ngày mai Du sẽ đi gặp luật sư.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui