Án Tử Một Tình Yêu - The Death Of A Love

Du không phản ứng gì, để mặc chị Giảo kéo mình lên trên tầng để tập hát cùng những người khác. Nhóm nữ phạm nhân tham gia văn nghệ ngồi thành vòng tròn, trên tay ai nấy đều cầm một tờ giấy viết lời bài hát. Trong đó con Muội đang phe phẩy tờ giấy với vẻ chán chường như thể mình có mặt ở đây là do sự ép buộc quá mức từ ai đó. Chị Giảo đưa giấy cho Du, nghiêm túc bảo sẽ hát nhạc Trịnh, bài Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chị còn khoe mình hát nhạc Trịnh giỏi lắm. Du gật đầu, tự nhủ khoảng thời gian cuối cùng còn lại trong buồng giam số 5 này bản thân sẽ mỉm cười vui vẻ với các em, các chị.

- Rồi, giờ tôi hát một câu và các chị em hát theo nhé.

Chị Giảo hít sâu một hơi chuẩn bị phát ra chất giọng khỏe khoắn thì đột nhiên chị nhăn mặt, bặm môi. Ban đầu mọi người còn chưa hiểu chuyện gì, mãi một phút sau mới hốt hoảng khi thấy chị Giảo ôm bụng bầu, mặt mày tái mét đổ mồ hôi đầm đìa và la lên:

- Ôi...! Cái bụng tôi... Đau quá!

Ai nấy lật đật lao đến đỡ chị Giảo đang sắp ngả ngửa, lên tiếng hỏi dồn dập, bị gì vậy? Bị gì vậy chị Giảo? Du ở ngay bên cạnh, bàn tay bị chị Giảo nắm chặt đến phát đau. Những phạm nhân ở dưới nghe trên tầng ồn ào liền chạy lên xem xảy ra chuyện gì. Mặc mọi người hỏi qua hỏi lại, chị Giảo la đến hụt hơi:

- Trời ơi nó ra! Nó sắp ra rồi...!

Con Muội thừ mặt hỏi, ra cái gì? Du thấy chị Giảo siết chặt lớp vải áo ngay phần bụng bầu nhô cao và bắt đầu cương cứng. Đã từng sinh con nên Du mau chóng hiểu ra:

- Chị Giảo sắp đẻ đó các chị ơi!

- Cái gì? Đẻ hả? - Mọi người đồng loạt thốt lên - Sao đẻ giờ này được? Chẳng phải chỉ bảo hai tuần nữa mới đẻ à?

- Chắc chị ấy đẻ sớm hơn dự định. Ai đó gọi quản giáo Ngà đi!

Vài người vội vàng chạy xuống đến bên cửa buồng giam gọi vọng ra thật to. Nhưng bên ngoài mưa rất lớn, gần như át đi mọi âm thanh. Ở trên tầng, chị Giảo liên tục la hét trong từng cơn đau co thắt. Mọi người đều sợ hãi, mặt trắng bệch không còn hột máu. Phần vì nghe tiếng thét quá kinh của chị Giảo, phần vì sợ đứa con xảy ra chuyện gì.

- Sao? Sao rồi? Quản giáo Ngà chưa tới hả?

- Mưa lớn quá, chắc quản giáo không nghe thấy mình gọi!

- Giờ tính sao đây? Chị Giảo đau lắm rồi, sợ chịu hổng nổi!

Lắng nghe những tiếng nói hối hả bên tai, Du đảo mắt cắn môi cố nghĩ ra cách tốt nhất. Quan sát chị Giảo đau đến ngất đi tỉnh lại thì Du hiểu chỉ còn cách làm liều thôi.

- Các chị bình tĩnh! Em nghĩ phải đỡ đẻ cho chị Giảo!

Tất cả há hốc mồm nhìn Du. Trời ơi, đỡ đẻ hả? Nói thì nghe dễ lắm chứ làm đâu có dễ! Bác sĩ y tá đây còn làm khó khăn nữa huống hồ ở đây ai nấy đều mù tịt chuyện sinh nở. Chưa kể, buồng giam này có sạch sẽ và được sát trùng gì đâu! Tức thì Du bảo:

- Nếu không đỡ đẻ thì chị Giảo và đứa bé có thể gặp nguy hiểm! Biết bao nhiêu người vẫn đẻ tại nhà đó thôi!

Trông các nét mặt kia còn lưỡng lự, con Muội la lên:

- Muốn để chị ấy chết hả trời?

Mọi người hoảng quá nên gật đầu bừa, ừ thì làm đại đi! Du yêu cầu để chị Giảo nằm trên chiếu rồi bảo một người đi lấy chăn đến, chọn cái nào mềm và dày một chút. Du hỏi ở đây có nước nóng không? Một chị trả lời ngay: Tôi có cái bình thủy đựng nước sôi vừa nấu nè! Du nói chị ấy đi pha một thau nước ấm. Trong lúc mọi người tất bật làm thì Du nhìn chị Giảo đang đau đến thở không nổi, trấn an:

- Chị hít sâu vào đi! Rồi cố gắng rặn nha chị! Chị từng sinh hai đứa rồi nên chuyện này dễ dàng mà phải không?

Đau đến hoa cả mắt, chị Giảo cũng cố gật đầu. Chị nằm xuống chiếu banh hai chân ra, bàn tay siết chặt cái chăn dày được lót dưới lưng, cắn răng và bắt đầu rặn. Con Muội và các phạm nhân nữ khác nhăn mặt khi nghe chị Giảo la dữ dội. Còn Du vào vai đỡ đẻ, tay đặt nhẹ lên bụng bầu đang cương cứng và mắt không ngừng nhìn chị, liên tục bảo:

- Hít sâu vào! Chị hít sâu và rặn đi! Đúng rồi! Như thế đó chị! Cố lên nào chị!

Mưa bên ngoài như trút nước. Tiếng của vài phạm nhân nữ gọi quản giáo Ngà. Hòa lẫn với âm thanh kêu la của chị Giảo và giọng hô động viên của các chị em bạn tù.

Sau khoảng thời gian rên xiết và rặn đẻ, chị Giảo thở dồn dập như bị hụt hơi. Rồi tất cả ồ lên bất ngờ khi thấy đầu em bé trồi ra. Người thì ngạc nhiên quan sát, người thì sợ quá quay mặt sang chỗ khác. Du nhẹ nhàng giữ đầu bé và kết hợp cùng sức rặn của chị Giảo, kéo bé lọt ra ngoài. Lúc đứa bé cất tiếng khóc chào đời thì mọi người vui mừng.

Chị Giảo thấy nhẹ nhõm vô cùng, tưởng chừng một tảng đá đè nặng trong người vừa bốc hơi đi mất. Chị nằm bẹp xuống chiếc chăn ướt nhem mồ hôi, lấy lại nhịp thở. Du đặt nhẹ đứa trẻ vào thau nước ấm, rửa sạch máu. Bé chào đời sớm hơn dự tính nhưng khỏe mạnh. Du đưa cho chị Giảo xem đứa con trai đỏ hỏn. Chị ôm nó vào lòng hôn hít, nước mắt lăn dài. Trông thế, các phạm nhân nữ còn lại cũng xúc động.

- Mẹ xin lỗi! Mẹ không thể chăm sóc cho con, nhìn con lớn lên rồi! Là lỗi ở mẹ!

Mặt đầm đìa nước mắt, chị Giảo thủ thỉ vào tai con trai. Theo quy định của Trại giam, phạm nhân nữ sau khi sinh chỉ chăm sóc con ba mươi sáu tháng sau đó thì đưa bé về cho gia đình nuôi. Du hiểu chị Giảo luôn hối hận vì bản thân lầm đường lạc lối, nhưng vào khoảnh khắc bế đứa con vừa chào đời thì chị càng hối hận gấp bội. Vì tội của chị quá nặng nên không được hoãn thi hành án và chị thương con vừa mới mở mắt chào đời đã thấy chấn song sắt lạnh lẽo, chiếc áo sọc của mẹ, chịu thiệt thòi khi tuổi còn thơ.

Đúng lúc, quản giáo Ngà xuất hiện ngoài cửa buồng, hỏi đã xảy ra chuyện gì. Tất cả liền nói chị Giảo sinh con rồi! Chị Ngà mau chóng mở cửa, bước nhanh lên tầng xem tình hình. Trông cảnh chị Giảo ôm đứa bé còn chưa cắt dây rốn thì chị Ngà cũng bất ngờ sau đó chạy đến bệnh xá tìm bác sĩ. Không lâu sau, bác sĩ Hiên đã có mặt ở buồng giam số 5. Cắt dây rốn xong, ông nói đây chắc là ca vượt cạn đầu tiên diễn ra ngay trong buồng giam. Ai nấy nhìn nhau, cười cười. Chị Giảo và em bé được đưa đến bệnh xá chăm sóc.

Chuyện đỡ đẻ đêm nay khiến các phạm nhân nữ cứ bàn tán mãi, thậm chí đến lúc tắt đèn đi ngủ vẫn còn nghe tiếng xì xầm. Du ngồi bên cửa sổ và nhìn qua chiếc chiếu trống bên cạnh, lòng dâng lên một cảm xúc khó tả. Chậm rãi, Du lấy cuốn nhật kí ra và viết.

Ngày... tháng... năm...

Bác sĩ, đêm nay vừa xảy ra một chuyện bất ngờ: chị Giảo đau đẻ. Nhưng ngoài trời mưa lớn như trút nước, chúng tôi không thể báo cho quản giáo Ngà biết được. Hết cách, chúng tôi đành đỡ đẻ cho chị ấy ngay trong buồng giam.

Thật may là cuối cùng ca đỡ đẻ diễn ra suôn sẻ, chị Giảo mẹ tròn con vuông. Là một bé trai. Tuy sinh sớm hai tuần nhưng bé rất khỏe mạnh. Lúc nghe tiếng khóc của bé, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Chị Giảo còn vui hơn nhiều, ôm lấy con hôn hít. Nhìn đứa trẻ mới sinh rút vào vú mẹ bú, tôi phát hiện lòng mình dâng lên thứ xúc cảm bồi hồi.

Bác sĩ biết không, lúc đỡ lấy thân hình nhỏ nhắn của đứa bé, tôi cảm giác bản thân như vừa được tái sinh. Đôi tay tôi đã từng giết hai mạng người và giờ cũng chính đôi tay này mà tôi đỡ lấy một sinh linh vừa chào đời. Đó là khoảnh khắc thật thiêng liêng mà tôi chẳng thể cầm lòng được, mắt tôi cứ cay cay. So với việc cầm chiếc kéo lạnh lẽo nhuốm máu thì việc ôm một hình hài sống thật hạnh phúc làm sao.

Tại sao đến tận bây giờ tôi mới nhận ra điều ấy?

Buổi văn nghệ sắp diễn ra, tôi sẽ tham gia cùng mọi người và hát bài Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Tôi không nghe nhiều nhạc Trịnh lắm nhưng tôi thật sự thích bài hát này. Tôi nhớ trong bài có hai câu: "Và như thế tôi sống vui từng ngày. Và như thế tôi đến trong cuộc đời". Để rồi tôi nhận ra rằng:

Giữa ranh giới mỏng manh, được sống là một điều tuyệt diệu nhất...

Nhật kí tù nhân 3969.

Du gạch hai nét gạch dưới từ "được sống" rồi nhìn ra ngoài cửa sổ, những giọt mưa long lanh tinh khiết không ngừng hiển hiện trong đôi mắt sáng bừng hệt như một vì sao.

*****

Đồng Văn gấp cuốn nhật kí lại, chậm rãi đi vào con hẻm cụt lần trước. Sau khi nghe toàn bộ câu chuyện thật của Vân Du thì Văn quyết định đến nhà ông Thạch, để làm gì thì chính bản thân anh cũng không rõ nhưng anh muốn nói một điều nào đó và quan trọng là gặp bé Oanh. Mọi suy nghĩ kết thúc khi Văn ngước nhìn ngôi nhà nhỏ đóng cửa im lìm. Văn bước nhẹ vào sân vườn, phát hiện ra nơi này đã mọc lên những bông hoa xinh đẹp. Sau vài tiếng gõ cửa thật khẽ, Văn thấy cánh cửa kéo kêu rít rồi mở ra. Bé Oanh nghiêng đầu tròn xoe mắt sau đó liền kêu lên mừng rỡ:

- Chú Văn!

Văn cúi xuống bế bé Oanh lên và cười hỏi nó dạo này khỏe không? Bé Oanh gật đầu liên tục, còn khoe mình đã học xong bảng chữ cái, chuẩn bị vào lớp một. Hai chú cháu còn đang nói chuyện vui vẻ thì ông Thạch xuất hiện. Nhác thấy anh chàng bác sĩ, ông nén tiếng thở dài vào lòng vì nghĩ anh đến đây chắc lại để hỏi về quá khứ của Du. Như hiểu biểu hiện chán chường kia, Văn chỉ nói mình đến cốt muốn thăm bé Oanh và báo với ông Thạch một chuyện quan trọng.

Ông Thạch đặt chiếc ly thủy tinh trước mặt Văn, có ý mời anh uống nước. Văn đưa ly lên uống một hớp theo phép lịch sự và cũng giữ giọng để bắt đầu cuộc đối thoại:

- Chú vẫn khỏe chứ ạ? Cháu nghe Du bảo chú đã có việc làm.

- Tôi xin được một chân làm giữ xe trong nhà hàng gần nhà, thu nhập ổn định và đỡ cực hơn làm phụ hồ. Tôi đang cố dành dụm để con Oanh được đi học.

- Thế cũng tốt quá rồi. Cháu đến để báo với chú, đầu tháng sau phiên tòa sơ thẩm xét xử Du sẽ mở ra vì tinh thần và sức khỏe của Du đã bình thường trở lại.

- Nhanh vậy sao bác sĩ? Mà con Du khai gì với công an? Liệu nó có được giảm án?

- Chú muốn Du khai về chuyện gì?

Ông Thạch chau mày, tỏ ra chưa hiểu ý lắm. Còn Văn, sau vài giây im lặng để quan sát bé Oanh chơi ngoài vườn rồi từ tốn tiếp:

- Cháu đã biết tất cả về quá khứ của Du. Mâu thuẫn giữa cô ấy và bà Nhuệ. Con người thật của bà ấy ra sao. Cả chuyện cô ấy bị cưỡng hiếp. Và lí do cô ấy giết người...

Thoáng bất động, ông Thạch giương mắt nhìn Văn, tự dưng mồ hôi bắt đầu tuôn ra:

- Sao bác sĩ...

- Là Du kể cho cháu nghe. Về tất cả!

Nghe Văn nhấn mạnh hai từ "tất cả" thì ông Thạch hiểu, anh cũng đã biết về chuyện ông lạnh lùng bỏ mặc con gái bị cưỡng hiếp và rằng, chính ông chứ chẳng phải bà Nhuệ, mới là kẻ hại cuộc đời con. Ông sờ trán, nghe lòng nặng nề vô cùng, giọng chùng xuống:

- Con Du không khai chuyện này với công an, đúng chứ bác sĩ?

- Phải, cô ấy chấp nhận hình phạt dành cho mình.

- Tôi muốn con Du nói rõ mọi chuyện, vì may ra sẽ được giảm án. Nhưng cuối cùng nó vẫn chọn cách giấu tất cả bí mật, về lí do tại sao giết người. Nó thật là khờ!

Trông ông Thạch vừa nhăn nhó đau khổ vừa trách con gái, Văn nhẹ nhàng nói rằng:

- Ngoài chuyện muốn chuộc lỗi ra, phần còn lại cũng bởi Du muốn bảo vệ chú và bé Oanh. Dẫu bề ngoài chưa bao giờ tha thứ nhưng kỳ thật, cô ấy vẫn luôn xem chú là người thân duy nhất của mình, cùng với con gái Hoàng Oanh.

Ngồi lặng đi chốc lát rồi ông Thạch rơi nước mắt, vì thương con và vì hối hận.

- Là tôi có lỗi với con Du. Giá như tôi đừng cưới bà Nhuệ, giá như năm ấy tôi cứu con Du thì... Tôi đã hại con gái, tôi sai rồi...

Văn thấy người cha đó không ngừng run rẩy, những dòng nước mắt mặn chát ứa ra từ các nếp nhăn nơi đuôi mắt. Gương mặt ông được vẽ lên bởi nỗi đau khôn nguôi lẫn sự hối hận muộn màng. Phải, giá như năm ấy ông dũng cảm hơn thì mọi chuyện đã khác đi. Chắc rằng, cuộc đời của Du cũng sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.

Văn bước ra ngoài vườn chuẩn bị về thì bé Oanh chạy ù đến, hớn hở hỏi:

- Chú Văn ơi, khi nào mẹ Du về nhà ạ?

Văn nhớ đến nét mặt buồn bã của Du mỗi lần nói về việc bé Oanh gửi thư và luôn hỏi khi nào mẹ về. Cô đã không thể trả lời con. Vuốt nhẹ mái đầu nhỏ, Văn mỉm cười:

- Chú cũng không biết nữa nhưng bé Oanh hãy nhớ là, dù ở đâu hay làm gì đi nữa thì mẹ Du vẫn nhớ về con và vẫn yêu thương con thật nhiều.

- Dạ... - Bé Oanh ỉu xìu - Vì mẹ phạm lỗi nên bị phạt hả chú?

Nhìn gương mặt trong sáng và đáng yêu đó, lòng Văn dâng lên một xúc cảm kỳ lạ.

- Mẹ Du của con không có lỗi. Yêu thương và hết sức bảo vệ người quan trọng nhất của mình, thì không bao giờ là điều sai trái.

Dứt lời, Văn dịu dàng ôm lấy bé Oanh mặc cho nó chẳng hiểu những lời sâu sắc kia. Có lẽ phải mất khoảng thời gian dài về sau, trái tim non nớt đó mới thấu hiểu được, rằng: Để bảo vệ một ai đó thì người ta cần phải mạnh mẽ đến dường nào!

*****

Vân Du không nhận được bức thư hồi âm nào từ gia đình bác sĩ Dương. Đây là điều đã dễ dàng đoán trước. Nếu ngược lại là Du thì hẳn cô cũng không đời nào hồi âm thư cho cái kẻ đã giết chết con mình. Dẫu vậy, tận đáy lòng Du vẫn cảm thấy buồn, một nỗi đau đáu đè nặng. Giống như bao nhiêu người có tội khác, Du muốn nhận được sự tha thứ để vơi bớt mặc cảm tội lỗi.

Giờ nghỉ trưa hôm nay, Du tiếp tục viết lá thư xin lỗi thứ hai cho gia đình bác sĩ Dương. Một việc làm không có kết quả. Gửi thư mà lòng hiểu rõ rằng, sẽ không bao giờ nhận lại lời hồi âm nào của người nhận. Dán nắp bì thư lại, Du đặt nó ngay ngắn trên bậu cửa sổ. Tiếp, Du viết thêm một lá thư nữa, là gửi cho bé Oanh. Cô muốn kể cho con nghe về nhiều chuyện mình vừa trải qua và sắp diễn ra:

Bé Oanh biết không, mẹ Du đã đỡ đẻ cho cô Giảo đấy. Cô ấy là bạn thân của mẹ, còn giúp đỡ mẹ rất nhiều. Cô ấy sinh một đứa bé trai kháu khỉnh, giống y như con hồi trước vậy. Lúc nhìn cô Giảo ôm con trai, tự dưng mẹ nhớ bé Oanh lắm. Mẹ muốn gặp con, ôm con vào lòng. Bé Oanh cũng nhớ mẹ phải không?

Sắp tới sẽ có buổi diễn văn nghệ, mẹ Du nhận lời với cô Giảo sẽ tham gia hát cùng mọi người đó. Mẹ hát không hay nhưng vẫn luyện hát mỗi ngày. Nên bé Oanh không được lười biếng nhé, phải siêng năng học hết bảng chữ cái để còn chuẩn bị vào lớp một. Ở buổi văn nghệ tới, mẹ sẽ nhờ người ta chụp hình rồi gửi cho bé Oanh xem.

Du ngừng viết bởi nhớ đến câu hỏi "khi nào mẹ về nhà" trong lá thư bé Oanh gửi. Du muốn viết câu trả lời nhưng các ngón tay cứ cứng ngắc. Đau đớn lẫn sợ hãi khiến cô mất hết can đảm để tiếp tục. Sau cùng, Du đành bỏ dở sự mong đợi ngây ngô của con gái. Thà rằng im lặng còn hơn là cứ nói dối con một cách tàn nhẫn.

Du vừa hoàn thành lá thứ hai thì cửa buồng giam mở, chị Giảo bế theo đứa con mới sinh đi vào trước sự ngạc nhiên của các phạm nhân nữ khác. Trông chị rất khỏe sau hơn một tuần được chăm sóc ở bệnh xá. Chị cười tươi rói, cất giọng sang sảng như mọi khi, hỏi mấy chị em có khỏe không? Dạo này tập hát đến đâu rồi? Mọi người liền bu quanh chị Giảo, vui mừng hỏi han đủ thứ.

- Sao về buồng giam sớm vậy chị?

- Nhìn thằng nhỏ dễ thương quá!

- Nó tên gì thế? Minh Tâm hả?

Chị Giảo gật đầu bảo đời chị sai rồi coi như bỏ đi, chỉ mong đứa con sinh ra trong Trại giam này sẽ thay mẹ sống trọn vẹn một kiếp người. Chị mong nó mang một tấm lòng trong sáng như chính cái tên vậy. Các chị em bạn tù hồ hởi lắm, từ giờ ở cái nơi lạnh lẽo này ngày ngày vang lên tiếng khóc oe oe của trẻ con cũng thấy ấm cúng hơn.

Chị Giảo còn nói tất cả mọi người đều là mẹ nuôi của con mình. Và rồi nhóc Tâm lần lượt qua tay của các mẹ nuôi, nó hiền khô không khóc tiếng nào. Các phạm nhân nữ thấy đứa bé trên tay mình thì cảm giác vui kỳ lạ dù họ chẳng hề sinh ra nó. Cuối cùng chị Giảo bế con đến chỗ Du đang ngồi bên cửa sổ quan sát nãy giờ, cất giọng dịu dàng:

- Nhờ em đỡ đẻ mà chị mẹ tròn con vuông. Em làm mẹ đỡ đầu của nhóc Tâm nhé?

Trông dáng vẻ Du còn tần ngần, con Muội huýt một tiếng nghe thúc giục:

- Chị đỡ lấy thằng nhỏ đầu tiên thì làm mẹ đỡ đầu đúng rồi. Chị nhận lời đi để bà chị Giảo vui lòng. Các chị em thấy chí lí không?

Ai nấy đều trả lời, đúng rồi đó! Trước sự thúc ép từ mọi người và vẻ mặt mong chờ của chị Giảo, dĩ nhiên Du chỉ còn cách gật đầu nhận lời. Nhẹ nhàng đỡ lấy nhóc Tâm trên tay chị Giảo, Du nhìn nó đang mở đôi mắt lim dim, bờ môi nhỏ chúm chím. Lòng lại thấy xúc động. Kỳ lạ quá đỗi, Du giết chết con trai người khác và giờ lại làm mẹ đỡ đầu cho một đứa trẻ khác. Là sự trêu ngươi hay số phận đã giúp Du nhận ra ý nghĩa mới của cuộc đời. Khi ai đó chết đi, một sinh linh khác lại ra đời tiếp nối họ. Đấy là sự kế thừa.

Cảm nhận hơi ấm trong tay, Du mỉm cười vì hiểu, chết không hẳn là kết thúc. Bắt đầu sẽ đến từ một nơi nào đó và bằng một cách nào đó...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui