Cuộc sống năm lớp 10 của tôi cứ bình lặng như mặt hồ yên ả ngày thu. Tôi không định và cũng không muốn tạo một dấu ấn nào đó cho thời trung học phổ thông. Thằng chọi con Tùng “Teo Tóp” cấp hai đã ở lại với quá khứ, nó không muốn đồng hành cùng tôi nữa. Mất thằng chọi con đó, tôi bớt nghịch ngợm trên lớp và dần thu mình lại. Nếu phải sống như một cái bóng trong lớp cho đến hết thời cấp ba, tôi cũng không phiền. Được cầm bút vẽ, được mỗi ngày chờ đợi trước cổng nhà Linh, với tôi đã là quá đủ.
Nhưng cuộc sống còn nhiều điều thú vị hơn thế. Thu mình trong vỏ ốc chẳng khiến bạn hiểu mình hơn mà ngược lại. Rất may là những điều thú vị và cả phiền toái, chúng đều tự tìm đến tôi.
Nhờ cái máy tính xịn cộng thêm Internet, thằng Cuốc được bạn bè nhờ vả liên tục (chủ yếu là bè, bạn chẳng được mấy). Khi thì đĩa game, khi thì hình ảnh tư liệu làm bài tập, khi thì download nhạc; ngày ấy đường truyền mạng chưa nhanh, download nhạc khá khó khăn, do vậy thằng Cuốc trở thành hotboy trong mấy cái vụ này. Trong số đám bạn bè nhờ vả đó có một thằng biệt danh là Sĩ, lắm khi bị gọi trại đi là Đĩ. Cái biệt danh ấy có một lịch sử dài dòng và chính nó ảnh hưởng tới quan hệ bạn bè của chúng tôi về sau này.
Không rõ thằng hẹo nào gọi nó là Sĩ và vì sao gọi thế, nhưng đại thể trong mọi vấn đề, thằng Sĩ luôn tỏ ra mình giỏi giang hơn người khác. Chơi game thua nó, nó bảo nó giỏi hơn; chơi game thắng nó, nó bảo do may rủi hoặc hôm ấy… nó bị nhức đầu. Học hành cũng vậy, nó luôn tâm niệm “điểm thấp là do thiên tai, điểm cao là tại thiên tài Sĩ ta”. Thằng Sĩ không khinh thường người học kém hơn, cũng chẳng tị nạnh đứa học giỏi hơn, nhưng đừng bao giờ khoe điểm cao trước mặt nó, bởi lẽ nó sẽ ngay lập tức ca bài này:
-Này, chẳng qua tao không thèm học thôi nhé! Mà điểm cao thì làm sao? Mày có chắc đỗ đại học không? Mày có chắc sau khi ra trường giàu hơn tao không? Đợi lúc ấy hẵng nói nhé!
Nó nói không sai, từng lời từng chữ ịn vô mọi trường hợp đều ra nghiệm đúng. Nhưng bởi cách nói trịch thượng, cộng thêm bản tính mỗi khi cãi nhau là không chịu thua ai, thành ra nó bị lắm thằng ghét. Biệt danh “Sĩ” từ đó mà ra – tôi đoán thế. Nhưng thằng Cuốc khẳng định thằng Sĩ bị ghét vì… đẹp trai và nó bị gọi là “Đĩ”, không phải Sĩ.
“cause every girl is crazy ‘bout a sharp dressed man – bởi vì mọi cô gái đều phát cuồng vì những anh chàng bảnh bao!” – ZZ Top - Sharp Dressed Man.
Ban nhạc ZZ Top đã hát như thế vào những năm 80. Và hơn hai mươi năm sau, thậm chí mãi về sau, ZZ Top vẫn đúng. Thằng Sĩ bảnh nhất lớp, lại khá chăm chút quần áo đầu tóc nên đứa con gái nào cũng khoái tấp vô nó. Con gái cấp ba chẳng thích những thằng hay bày trò hay nghịch ngu nữa, muốn thu hút chúng nó, “bảnh” là yếu tố tiên quyết. Biết mình là tâm điểm thu hút lũ sư tử cái, thằng Sĩ đâm “chảnh”. Chảnh từ kiểu đi đứng với bản mặt chếch lên trời một góc 45 độ, chảnh từ cách nói năng trịch thượng, chảnh trong việc lựa chọn dầu gội sữa tắm sao ềm tóc bóng da; nó chảnh trong mọi hoàn cảnh! “Bảnh” là một cái tội, “chảnh” là trọng tội, thu hút lũ con gái lại càng bất dung thứ, vì thế đa số lũ con trai ghét thằng Sĩ.
Nhưng vì khoái điện tử, thằng Sĩ kết thân với thằng Cuốc và bằng một cách nào đó, nó kết bạn luôn với tôi. Cơ mà tìm một cái lý do khiến tôi thân quen thằng Sĩ cũng thật khó. Tôi không bảnh như nó, không có máy tính xịn như thằng Cuốc, vậy tại sao tôi quen nó? Chắc là nói chuyện hợp nhau! – Tôi đoán thế. Tin tôi đi, bạn không thể nhớ mình và thằng bạn bắt đầu quan hệ hay nảy sinh tình cảm từ khi nào đâu! He he, chớ nghĩ bậy, chớ nghĩ bậy!
Tôi không phàn nàn nhiều lắm sự “bảnh” và “chảnh” của thằng Sĩ. Đẹp trai xinh gái tùy thuộc khâu sản xuất và chế biến, chảnh hay không là bản tính mỗi người. Những thứ mà thằng Sĩ khiến đứa khác ghét, tôi lại cảm thấy thú vị. Và bởi chấp nhận tính cách khó chiều của nó, tôi đã gặp nhiều chuyện đáng nhớ trong một thời kỳ mà cứ ngỡ là tẻ nhạt vô cùng.
Ở tuổi mười sáu ẩm ương thích chơi trội ưa cãi bướng, duy trì quan hệ bạn bè dễ vô cùng mà cũng khó vô tận. Cũng giống cấp hai, ba thằng chúng tôi đi chơi điện tử cùng nhau, trốn học thêm cùng nhau và ăn vặt cùng nhau. Và như mọi lần, thằng nào thiếu tiền hoặc không có tiền sẽ được giúp đỡ hoặc bao thầu. Tuy nhiên, rắc rối lại nảy sinh từ đó.
Thời ấy, thị trường game bước vào giai đoạn cực thịnh, hàng net mọc lên như nấm. Nội mấy con phố loanh quanh trường đã có hàng chục tiệm net với tấm biển quảng cáo “L tốc độ cao”. Bất kể sáng, trưa, chiều hay giờ cao điểm, các quán net đều có khách. Bọn nhãi cấp hai, lũ chọi cấp ba, đám sinh viên đầu tóc rối bù, dân công sở đứng đắn, tất cả đều có mặt ở hàng net. Tất cả đều điên cuồng trong cơn bão game online, mà đỉnh cao là bộ môn Võ Lâm Truyền Kỳ. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng bàn tán môn phái nào trong game hay nhất, mấy vật phẩm ảo xanh đỏ tím vàng kinh khủng ra sao, mấy giờ ghi danh đi chiến trường Tống – Kim. Nhà nhà Võ Lâm, người người Võ Lâm nên ba thằng chúng tôi cũng đâm đầu vào Võ Lâm. Tiền chơi net thuở đó đã lên bốn “cành” một tiếng (4.000đ/h), vậy là ba thằng chúng tôi nhịn ăn sáng đồng thời xin xỏ bố mẹ, nào đóng tiền vệ sinh, nào mua quà sinh nhật (đến nỗi các cụ hỏi sinh nhật gì lắm thế). Kiếm được lý do nào nghe xuôi tai, chúng tôi bịa tất.
Và khi đã cuốn mình vào game, thật khó để kìm hãm nó lại. Ba thằng chúng tôi luôn trong tình trạng đói game, bao nhiêu thời gian cũng không thỏa mãn cơn đói và hễ lúc nào gần về, một trong ba thằng sẽ hót bài ca “Năm phút”. “Năm phút nữa! Năm phút nữa thôi!” – Nghe quen chứ? Năm phút lần một, rồi năm phút lần hai, cuối cùng là năm phút lần thứ mười hai, bao giờ cũng một kịch bản như thế! Tỉ dụ như một lần nọ, chúng tôi ngồi ở quán net đến bảy giờ tối mới nhấc mông về. Lúc ra tính tiền, ba thằng mặt nghệt ra vì tiền chơi vượt xa dự toán. Màn cắt chỗ nọ vá chỗ kia bắt đầu:
-Đập Muỗi, cho tao một nghìn đi mày! – Thằng Sĩ nói.
-Đóng Muối, tao cũng thiếu một nghìn! – Thằng Cuốc nhăn mặt, tay lần hết túi quần dài lẫn quần đùi. Tôi thấy thế bèn nói:
-Đây, tao trả cho bọn bay!
Và tôi rút hai nghìn trả giùm bọn nó. Bữa sáng hôm sau của tôi thay vì gói xôi xéo no nê là cái bánh mì kẹp tí chả “bửn bửn” dưới căng tin. Gọi “bửn bửn” không phải do miếng chả mất vệ sinh, mà bà già chủ căng tin thái chả mỏng bay, lá lúa phải gọi bằng bố. Bánh mì bé tí, nhét được hai miếng “bửn bửn” bán với cái giá bốn cành! Nếu muốn cải thiện bữa ăn, bỏ thêm hai nghìn nữa để mua cái nem chua rán kẹp giữa nhé! Thằng Cuốc và thằng Sĩ thảm hơn khi không có cái nhét vào mồm. Tuổi mười sáu mà sáng ra chẳng có gì nhét vào mồm thì ngang thảm họa. Thấy bạn mình vêu mõm, tôi định chia ba cái bánh. Nhưng hai thằng biết ý, chỉ cắn một miếng cho dính ruột rồi uống nước lọc lấp bụng. Thằng Cuốc thở than:
-Đập Con Muỗi, tôi thề là đếch chơi đến bảy giờ nữa ông ạ, thọt tiền quá!
-Đánh Con Mèo là chuẩn ông ạ! – Thằng Sĩ nói với tôi rồi lại quay sang thằng Cuốc – Nhớ nhé, tao với mày không chơi quá bảy giờ nữa! (Hai thằng xưng “ông, tôi” với tôi, còn chúng nó “mày, tao” với nhau)
Tôi gật gù tán thành:
-Ờ, ờ, thống nhất là vậy! Hôm qua về muộn, bà già tế tao ầm nhà, điếc cả tai!
Ba thằng mặt mũi phừng phừng hai chữ “quyết tâm”, chẳng kém cạnh bộ mặt của hảo hớn Lương Sơn Bạc khi cắt máu ăn thề. Nhưng ngay hôm sau, dớp cũ lại tái diễn, chỉ khác là lần này đổi vai: thằng Sĩ trả giùm bọn tôi và nó phải xơi món bánh mì “bửn bửn” vào sáng hôm sau. Nó rất hào phóng khi bẻ cái bánh làm ba (dĩ nhiên phần của nó to hơn xíu), chia cho tôi và thằng Cuốc, sau nói một cách rất chảnh:
-Ăn đi bọn bay! Anh em là phải giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn!
Tôi và thằng Cuốc phì cười. Song không thể phủ nhận rằng nhờ những lần giật gấu vá vai này, quan hệ giữa ba thằng dần khăng khít hơn. Chân lý thứ nhất: tình bạn thể hiện lúc đói khổ, không phải lúc no.
Chúng tôi không bao giờ đòi thằng này trả thằng kia hoặc phải bao theo nghĩa vụ. Nhưng hễ cãi nhau là vấn đề tiền nong lại nảy sinh, thường thường do thằng Sĩ và thằng Cuốc khơi mào. Hai thằng hẹo này rất hay đấu khẩu nhau. Chơi game thua: cãi nhau, điểm cao điểm thấp: cãi nhau, không vấn đề gì để cãi nhau: cãi nhau tiếp. Dường như chúng nó sinh ra là để tham dự môn mồm to mồm khỏe, còn tôi sinh ra để làm trọng tài cho chúng nó. Quái gở ở chỗ mỗi khi cãi nhau, một trong hai thằng luôn tổ lái về vấn đề tiền bạc. Tỉ dụ thế này:
-Tao đã bảo là mày cứ ném giấy qua là được. Con mụ… (tên giáo viên) lúc ấy đang quay đi, sao mày không ném? – Thằng Cuốc gân cổ cò.
-Ném cái búa! Mụ… (tên giáo viên) đứng ngay gần đấy, ném bài ày để chết tao à? – Thằng Sĩ co cổ ngỗng.
-Mày bị ngu à? Bà ấy mãi tít cửa sổ, còn đang mải nghe điện thoại, thế mà gọi là gần à?
-Có mày ngu ấy! Ai mà biết bà ấy có quay lại hay không?
-Thế tao mới bảo là ném xuống dưới chân! Ai bắt mày quẳng lên không trung đâu? Mày cứ vờ như là rơi bút rồi ném cho tao!
-Tao đếch biết! Mà sao mày không học đi? Cái bài đó dễ chứ có gì đâu?
-Tao đã nói tao ngu phần đó! Sao mày không hiểu nhỉ? Nhờ một chút cũng không được! – Thằng Cuốc thở phì phì vẻ khó chịu.
-Mày phàn nàn đếch gì? Mà cái gì nhờ không được cơ? Lần trước mày thiếu tiền chơi điện tử, tao ày vay một nghìn còn gì nữa?
-Này! Tao “xin” mày chứ “vay” mày hồi nào? Mày bảo mày à!
-Tao bảo cho bao giờ? – Thằng Sĩ nói.
-Rõ ràng mày bảo là “cho”! Này, lúc ấy chính mồm mày nói là “cho” mày”! Ê, Tóp, ông coi tôi nói đúng không?
Thằng Cuốc liền quay sang tôi tìm kiếm đồng minh. Lập tức thằng Sĩ cũng nhào vào tôi và liến thoắng:
-Ông nói xem, ông đứng gần tôi mà! Rõ ràng tôi bảo cho nó vay, đúng không?
Thực sự thì hôm đó, tôi mới “thửa” được món đồ hoàng kim trong Võ Lâm nên sướng rơn, chẳng biết hai thằng bạn hục hặc chi nữa. Một tuần rồi một tháng, hễ cãi nhau, hai thằng chúng nó lại so đo tiền nong và tôi trở thành trọng tài bất đắc dĩ. Sau cùng, bị hai cái mồm tẩn qua đá lại mãi, tôi gào lên:
-Con bà chúng mày! Lần sau chơi, thằng nào thằng đấy tự trả!
Từ đấy về sau, ba thằng đi chơi hay đi ăn đều tự trả tiền phần của mình. Thằng Cuốc và thằng Sĩ đến hết thời cấp ba vẫn chẳng nhường nhịn nhau và hễ cãi vã, câu chuyện một nghìn thuở nào lại được khui ra. Tôi học được chân lý thứ hai: đừng để tiền xen quá nhiều vào tình bạn.
Ngoại trừ chuyện cãi vã, quan hệ giữa ba thằng khá tốt. Chúng tôi cùng chơi, cùng ăn quà vặt, cùng trốn học, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Tôi cũng cho thằng Sĩ biết đam mê vẽ vời của mình. Nó xem khá nhiều bức tranh và gật gù “cũng được” như một lời khen (vì chảnh nên hắn không bao giờ xuýt xoa kiểu như “đẹp thế”, “đẹp vãi”, “đẹp vãi cả…”). Một ngày nọ, thằng Sĩ gọi tôi lại và bắt đầu thủ thỉ như gái mới lớn kể chuyện thầm kín:
-Này… tôi nhờ ông cái này được không…
-Làm đếch gì mà ghê thế? – Tôi cười – Sao, chú muốn gì ở anh?
-Đập Muỗi, nghiêm túc coi! Ông biết vẽ chân dung không?
-Cũng tạm, rồi sao?
-Ông vẽ chân dung con Châu hộ tôi được không?
Tôi liền ngoái đầu nhìn cô bé tên Châu đang đùa nghịch với bạn bè ở cuối lớp. Tôi hỏi:
-Là “Trâu Điên” hả?
-Trâu Điên cái đầu ông! Tóm lại là ông vẽ được không?
-Ờ cũng được. Cho tao hai ngày!
Chuyện nhờ vả này của thằng Sĩ khá kỳ lạ, bởi nó quan niệm chỉ có con gái quan tâm nó chứ đừng hòng nó quan tâm con nào. Nhưng Châu là một trường hợp đặc biệt. Cô bé ấy mặt mũi bình thường, vóc dáng lại nhỏ con như học sinh lớp 6, chỉ duy một điểm nổi bật là hai má hay ửng đỏ. Bất kể vui buồn hay tức giận, mặt Châu lại đỏ như gấc. Cũng bởi cái tật ấy, em trở nên nổi bật so với lũ con gái. Đám con trai rất khoái trêu chọc Châu, thường đọc trại tên của em thành “Trâu” rồi đặt biệt danh “trâu điên”. Trong số mấy thằng con trai đó có Sĩ. Bằng cái miệng dẻo quẹo và mã ngoài bảnh bao, nó tiếp cận Châu khá dễ dàng. Tuy nhiên, cô bé má đỏ nọ chỉ coi thằng Sĩ là bạn bè, không hơn.
-Định cưa nó hả? – Tôi hỏi.
Thằng Sĩ trả lời kiểu rất chảnh:
-Tặng quà sinh nhật thôi, cưa đếch gì? Tôi không quan tâm!
Tôi nhận lời thằng bạn. Hôm đó, trong giờ học, tôi thi thoảng quay xuống nhìn Châu, tay cầm bút phác thảo gương mặt. Tối về, tôi bắt đầu đắp thêm chi tiết, nhưng vấn đề nảy sinh khi tôi không thể vẽ được đôi mắt. Trong vẽ chân dung, đôi mắt mà vô hồn thì toàn bộ bức tranh coi như vứt đi. Thực tình tôi chưa bao giờ nói chuyện với Châu nên chẳng thể nắm bắt được cái “thần” của đôi mắt.
Độ hai ngày sau, đến lượt thằng Cuốc nhờ vả tôi. Nhưng nó không nhờ tôi vẽ mà hỏi mượn tiền:
-Ông có hai mươi nghìn không? Tôi mượn! Cuối tuần tôi trả!
Tôi trố mắt. Hai mươi nghìn ngày xưa to vãi đạn, đủ ăn một bát phở với quẩy cộng thêm ly trà đá, khuyến mãi thêm kẹo Cool Air cho thơm mồm. Tôi hỏi:
-Để làm gì mày?
-Tôi muốn mua mấy đồ, mà kẹt tiền quá! Cho tôi vay!
-Tao sống cả tuần nhờ hai chục đấy! Giờ đi chơi điện tử với ăn sáng sao?
Thằng Cuốc gắt:
-Tôi bao! Bánh mì của tôi chia nửa, được chưa? Cho tôi vay, một lần thôi, cuối tuần trả!
Vì bạn bè, tôi cho nó vay tiền. Và đúng là cuối tuần, nó trả thật. Thằng Cuốc chưa bao giờ bầy hầy chuyện tiền nong. Tôi cảm giác hai thằng bạn mình đang âm mưu kế hoạch gì đấy. Tuy nhiên, tôi chẳng thừa thời gian tìm hiểu cho tới khi chính mồm chúng nó tự phun ra.
Một buổi sáng nọ, tôi dắt xe vào bãi thì thấy thằng Sĩ và thằng Cuốc cứ đùn đẩy nhau, không đứa nào chịu xe vào trước. Số là bãi để xe của trường phân thành từng lô, xe chỉ có thể để ngang rồi dựa vào nhau thành hàng, sau đó bảo vệ sẽ lấy dây thép luồn qua từng bánh xe rồi khóa lại. Xe nào càng ở ngoài thì càng được lấy sớm. Thế nên thằng Sĩ và thằng Cuốc… cãi nhau. Thằng Cuốc chành chọe:
-Mày đến trước thì mày cho vào trước đi!
-Tao không thích quay xe (xe phải dựng so le nhau)! Mày cho vào trước đi!
-Tao đến sau, sao tao phải cho vào trước!
-Vì tao không thích quay xe!
-Tao cũng không thích quay xe! Sao mày lắm mồm thế nhỉ?
-Mày lắm mồm thì có! Mày định ra sớm để đón con Châu chứ gì?
-Thế mày thì không chắc? Mày cũng muốn đón con Châu chứ ai vào đây? – Thằng Cuốc gào lên.
-Tao chả quan tâm! – Thằng Sĩ đáp lời kiểu chảnh – Tao cần gì phải đón nó?
-Thế tại sao mày không cho xe vào trước?
Tôi vừa buồn cười vừa không hiểu hai thằng cãi nhau cái gì. Tôi hỏi mấy đứa con gái hay chơi với Châu mới biết nhà cô bé đi học bằng xe buýt, từ trường ra bến xe hơi xa nên Châu thường nhờ bạn đèo. Hai thằng bạn tọc mạch của tôi biết điều đó, chúng nó thường canh me sát giờ vào lớp mới dắt xe vào trường. Mỗi khi tan học, hai thằng lại hùng hục dắt xe chạy ra đón lõng Châu. Mở đầu là thằng Cuốc, nó đỗ xịch xe trước mặt cô bé, miệng nở nụ cười toe toét (hai răng cửa to tổ bố lồ lộ):
-Đi nhờ không Châu ơi?
Cô bé chưa kịp trả lời, thằng Sĩ đã từ đâu phóng ra, thúc luôn vào đít xe thằng Cuốc như thể muốn tông thằng này ra chỗ khác. Thằng Sĩ liến thoắng:
-Xe thằng này hay xịt lốp lắm! Để tớ đèo về!
Nhưng Châu từ chối vì em đã nhờ bạn đèo. Nhưng liên tục mấy ngày sau, hai thằng hẹo này không chịu bỏ cuộc và tìm mọi cách để Châu lên yên sau của mình. Ngoài mặt, chúng nó vẫn vui vẻ cùng chơi điện tử, cùng chia sẻ cái bánh mì “bửn bửn”, nhưng sau lưng lại âm thầm chiến tranh hòng thuần phục cô bé “Trâu Điên”. Bức tranh mà thằng Sĩ nhờ tôi vẽ, hai chục nghìn mà thằng Cuốc vay; tất cả đều là quà sinh nhật mà chúng nó dành tặng Châu. Thực tình tôi không hiểu cô bé này có thứ gì mà khiến một thằng mê game, một thằng chảnh chó phải phát cuồng lên? Tôi dợm hỏi chúng nó về Châu thì hai thằng đều tỏ thái độ thờ ơ vẻ như không quan tâm. Thằng Sĩ – như thường lệ – nói một cách rất chảnh:
-Ôi dào, Châu chẳng có gì đâu! Ông quan tâm làm gì?
Thằng Cuốc thì phẩy phẩy tay:
-Hồi trước tôi mượn nó mấy quyển truyện nên phải tặng quà. Coi như có qua có lại, chẳng có gì đâu, ông để ý làm gì?
Rõ ràng câu trả lời và hành động của chúng nó chẳng đồng điệu nhau tí nào. Con bà chúng mày, sao lại vứt tao ra ngoài? – Tôi tự nhủ.
Rồi ngày sinh nhật của Châu cũng tới. Đúng như dự đoán, khá nhiều thằng tặng quà cho em, đồng thời rủ em đi ăn. Riêng hai thằng bạn của tôi án binh bất động. Đợi lúc không có ai trong lớp, thằng Sĩ tặng cô bé bức tranh được bọc trong khung gỗ (nó sợ tặng quà trước mặt người khác sẽ mất giá “chảnh”). Thằng Cuốc thì lén lút đặt hộp quà vào ngăn bàn của Châu, sau này hỏi ra mới biết là một con gấu bông. Cái tranh do tôi vẽ, con gấu kia có “cổ phần” hai chục của tôi, tính ra cũng là tặng quà rồi! – Tôi tự cười.
Ngày hôm ấy cứ diễn ra một cách yên bình như cái lạnh lãng đãng đầu đông. Tan trường, tôi ra nhà để xe, bỗng phát hiện xe mình không bị xâu dây thép. Trái gió trở trời, mấy ông bảo vệ già khú bỗng mắt lếch và quên mất xe tôi. Tôi liền dắt con xe ra trước sự ghen tức của lũ bạn. Ngày đó, thằng nào cũng mong xe mình không bị xâu dây để ra hàng điện tử sớm.
Đạp xe ra khỏi trường, tôi nhìn thấy Châu đang dáo dác nhìn trước nhìn sau. Ba lô của em chất đầy quà, hai tay khệ nệ một túm quà khác, trông như dân du lịch mới đi nghỉ mát về. Tôi bật cười, bèn dừng xe và… đợi. Tôi dừng xe đợi hai thằng bạn chứ không có ý định giúp em. Nhưng run rẩy, à nhầm, run rủi thế nào, đôi mắt của Châu dừng lại ở cái mặt tôi. Em bèn vẫy vẫy tay:
-Tùng ơi! Cho tớ đi nhờ với!
Thấy em gọi mình, tôi đành đạp xe tới. Chưa đợi tôi lên tiếng, em đã nói, nói nhanh như súng liên thanh bắn:
-Cái Hà hôm nay không đi xe, bố nó đèo! Cái đống này nặng quá, tớ đi ra bến xe chắc gãy tay mất! Cho đi nhờ với nhá, được không? Mà ba lô của tớ nặng lắm, đèo được không?
Tôi thộn mặt nghe em “bắn”. Trông bản mặt đần ra của tôi, em ngừng nói, miệng nở nụ cười ngượng, màu đỏ từ bờ má lan ra khắp khuôn mặt. Em lại nói, lại bắn nhanh như súng liên thanh:
-Tớ nói sai gì à? Sao lại nhìn như thế?
Tôi gật gật:
-Không, không có gì.
-Thế thì là đồng ý rồi! – Châu nói – Chở tớ nhé, cám ơn!
Em nhảy tót lên yên xe, chẳng cần hỏi xem tôi đồng ý cho đi hay không. Tự nhiên vãi! – Tôi tự nhủ, nhưng thực sự là tôi rất… khoái.
Châu không nặng lắm, nhưng cái ba lô chất đầy sách vở lẫn quà muốn ép bẹp lốp xe. Tôi è cổ đèo Châu cùng đống quà ra bến xe. Em nghển cổ lên hỏi tôi:
-Nặng không?
-Nặng chết bà! – Tôi nói – Cô sướng nhé, bao nhiêu đứa tặng quà!
-Sướng gì chứ? Mà nhà Tùng ở đâu? Có gần đây không?
-Ở chỗ… cơ. Không gần lắm! Mà nhà cô ở đâu?
-Ở đằng… trên kia, đi qua cái sân vận động là tới. Mà Tùng chơi với… (tên thằng Cuốc) và… (tên thằng Sĩ) à?
-Ờ. Nhưng sao?
-Hai bạn ấy tặng quà cho tớ mà Tùng không tặng cái gì à?
Tôi ém miệng cười rồi nói:
-Liên quan vãi cô ơi! Sao tôi phải tặng chớ?
-Vì Tùng là bạn của… (tên thằng Cuốc) với… (tên thằng Sĩ). Cho nên Tùng phải tặng!
Tôi cười sặc, lí luận kiểu này chắc chỉ riêng Châu mới nghĩ ra. Nghe thấy tiếng cười của tôi, cô bé nói nhanh như súng bắn:
-È, tớ đùa thôi! Đừng kể cho ai nhé! Đừng kể đấy! Mấy đứa khác nghe được lại nói này nói nọ, phiền lắm! Đừng có kể, nghe chưa? Ê, có nghe tớ nói gì không đấy?
-Rồi rồi! – Tôi đáp.
Tới bến, Châu xuống xe, tay khệ nệ xách đống quà. Em cười tươi:
-Cảm ơn nhé! À, ăn kẹo không?
Vì em nói nhanh quá nên tôi không nghe được em nói gì, bèn hỏi lại:
-Hả?
-Ăn kẹo không?
-Hả? Cái gì cơ? Nói chậm chậm lại cô ơi!
-Ăn – kẹo – không? Trời ơi, điếc à?
-Sao lại kẹo?
-Thì coi như trả tiền công đi nhờ xe ấy mà! – Châu cười.
Và chẳng đợi tôi thích hay không thích ăn kẹo, Châu đã dúi cây kẹo mút vào túi áo ngực của tôi. Vừa lúc ấy, xe buýt đến, cô bé vẫy tay chào tôi rồi nhảy lên xe, không quên gửi lại một tràng súng liên thanh:
-Về nhé! Lần sau sinh nhật tớ nhớ tặng quà đấy! Nhớ đấy, nghe chưa?
Xe buýt chuyển bánh, tôi thấy Châu ngồi hàng cuối xe. Em ngoái lại nhìn, sau vẫy tay chào tôi lần nữa, hai má hây hây đỏ giữa tiết trời lạnh. Tôi chẳng biết làm gì, chỉ biết nhìn theo chiếc xe buýt cho đến khi nó lẫn vào dòng xe cộ ở ngã tư. Bẵng đi một lúc, tôi lôi ra cây kẹo mút, mở giấy bọc rồi bỏ tọt vào miệng. Ngọt thế! – Tôi nhăn mặt. Vừa mút cây kẹo, tôi vừa nghĩ đến Châu. Một cô bé hồn nhiên, rõ ràng chẳng phù hợp lắm với tuổi mười sáu . Thời đại nào rồi còn những cô nữ sinh vô tư như vậy chứ? Chắc lại giả nai thôi! – Tôi lắc đầu.
Đang định quay xe về trường thì thằng Cuốc và thằng Sĩ đã xuất hiện. Trông mặt chúng nó hầm hầm như sắp nuốt sống tôi đến nơi. Thằng Sĩ nói:
-Ông vừa đèo cái Châu hả?
-Ờ. Nhưng mà sao?
-Ông cố tình ra sớm để đèo Châu về, đúng không? – Thằng Cuốc hỏi.
-Đâu có, nó gọi tao đấy chứ? Tao chẳng làm gì, thề! Tao…
Không để tôi nói hết, hai thằng hẹo liền xông vào bóp cổ đấm lưng tôi túi bụi. Thằng Sĩ gào lên:
-Đập Muỗi! Tại sao không phải tôi đèo Châu mà là ông đèo? Grào!
-Đóng Muối! Ông đâm sau lưng chiến sĩ phải không? Gréc!
Và tôi học được chân lý thứ ba: những thằng bạn không nên cùng thích một đứa con gái.
Tối hôm đó, tôi cố gắng hoàn thành nốt bức vẽ để tặng Hoa Ngọc Linh nhưng vẫn chưa thể nghĩ cách đổ màu. Chán nản, tôi tiện tay vẽ một bức chân dung. Tôi định vẽ một cô gái đáng yêu; nét đáng yêu ấy phải hiện lên từ vóc dáng, gương mặt, đôi mắt; một cô gái mà mọi thằng con trai nhìn vào đều cảm thấy cuộc đời vui hẳn lên. Lạ thay, khi hoàn thành bức vẽ, tôi nhận ra cô gái trong tranh chẳng khác gì cô bé “Trâu Điên” cả. Tôi chợt nhớ hương vị chiếc kẹo mút hồi trưa. Nó có vị dâu, rất ngọt!
Và cô bé hay đỏ mặt, nói nhanh như súng bắn ấy đã chen ngang cuộc đời tôi một cách ngọt ngào như thế.