Anh Hùng Đông-a Dựng Cờ Bình Mông

Tám năm trước khi bọn Ngô Giới đem toàn bộ phái Hoa-sơn định đột nhập trang Thiên-trường, tìm bộ Vô Trung kinh, rồi bị bắt trọn, thì Thủ-Huy mới mười hai, mười ba tuổi, mà Thủ-Lý đã mười sáu, mười bẩy. Tuy với cái tuổi ấy, Thủ-Lý chưa thành một người lớn hoàn toàn. Nhưng vì tính tình trầm lặng, hành sự cẩn trọng, lại là người tinh minh mẫn cán bậc nhất trong đám đệ tử đời thứ ba, nên chàng đã được gia đình, môn phái coi như một người lớn. Hôm ấy trong khi ông bà Tự-Hấp trao cho Thủ-Huy với Vỵ-xuyên ngũ tiên nhiệm vụ bắt Hoa-nhạc tam nương, thì trao cho Thủ-Lý, Trung-Từ, Tá-Chu, Phương-Lan đi bắt Hoa-nhạc tam phong. Rồi khi phái Đông-A họp đệ tử chào đón ngũ vị chưởng môn Đại-Việt, Thủ-Huy cùng Long-Xưởng để hết tâm đối đáp, luận bàn; thì Thủ-Lý, Tá-Chu, Trung-Từ, Phương-Lan, Kim-Ngân rửng rưng, âm thầm ngồi trong đám đệ tử đời thứ ba.
Sau này Thủ-Huy về Thăng-long làm quan, rồi làm phò mã, Thủ-Lý không cản trở em, nhưng chàng lãnh đạm với mọi biến cố. Chàng vốn có ác cảm, thành kiến với triều đình, từ khi nghe chuyện Cảm-Thánh hoàng thái hậu dâm đãng, rồi tàn sát tôn thất. Chàng thường nói với em: Tại sao chúng ta là những kẻ sĩ, những cao thủ võ lâm đầy khí phách, mà phải cúi đầu cho con mụ dâm đãng sai bảo ? Để mụ ngồi trên đầu trên cổ, bắt làm những chuyện thương luân bại lý ?
Ngay từ hồi sáu bẩy tuổi, tính tình Thủ-Lý, Thủ-Huy khác nhau đã đành, mà đến cái nhìn về cuộc đời cũng khác nhau.
Nếu Thủ-Huy ham ăn, thích đùa nghịch, cùng với Kim-Ngân, với anh em họ Tô, với mấy người con của chú Tự-Duy thì Thủ-Lý đã có phong thái của một người lớn tuổi, mỗi lời nói đều cân nhắc, mỗi cử chỉ đều đường bệ. Hàng ngày ngoài giờ học văn, luyện võ ra, thì Thủ-Lý không ngồi đọc sách với Phương-Lan, lại rủ nàng cùng với Tá-Chu, Trung-Từ theo lực điền ra đồng xem xét công việc cầy bừa. Thủ-Huy chưa từng làm vườn, trồng cây, đánh cá bao giờ. Ngược lại từ năm mười tuổi, Thủ-Lý theo lực điền học cầy, học bừa, đánh kỳ, làm cỏ, cuốc đất, bón phân như những nông dân. Vì nội công cao, nên chàng có sức mạnh, vì vậy năng xuất làm việc của chàng cao hơn bất cứ nông dân nào. Thủ-Lý còn vào bếp xin chị bếp dạy nghệ thuật nấu nướng Đại-Việt. Cho nên khi đến tuổi trưởng thành, không một công việc của người giúp việc trong nhà nào mà chàng không hiểu biết. Nhờ vậy chàng thông cảm với người nghèo phải đi làm tôi tớ. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của chàng đối với họ đều nhẹ nhàng, ôn tồn. Vì vậy họ coi chàng như một ông phúc của đời họ.
Thấy cháu có tư cách của người lớn, đại hiệp Tự-Kinh thầm dặn ông bà Tự-Hấp, Tự-Duy cứ để yên mặc Thủ-Lý làm, cho sáng kiến phát huy. Thỉnh thoảng, chỉ cố vấn khi thấy cần thiết mà thôi.
Trước khi Long-Xưởng về Thiên-trường, thì Thủ-Lý cùng với Tô Trung-Từ, Tá-Chu, Kim-Ngân, Phương-Lan, Phương-Liên và đám con của Đại-Việt ngũ tuyệt đã tổ chức một đoàn thiếu niên nam nữ hơn năm trăm người, mở phong trào phá hoang làm ruộng, lập ra các ấp Thần-nông ; các trại Thần-nông nuôi gia súc, đào ao nuôi tôm, cá, cua. Chính chàng với Trung-Từ, Tá-Chu đã dùng những người này, đắp đập ngăn nước, khiến nước lên, mà thuyền phái Hoa-sơn vẫn mắc cạn mà bắt Hoa-nhạc tam phong.
Sau khi giúp nhà vua dẹp cái triều đình gà mái gáy, Thủ-Lý, Trung-Từ, Tá-Chu không nhận chức tước, chàng chỉ xin triều đình ân xá cho tù nhân trấn Thiên-trường, để ba người đem về giáo huấn. Triều đình chấp thuận. Thế là hơn ba trăm tù được ân xá, trao cho ba người. Lĩnh tù ra, việc đầu tiên Thủ-Lý cho di chuyển gia đình các tội nhân về sống trong những ấp chàng mới lập. Giao cho mỗi xóm cưu mang một gia đình. Rồi cấp thực phẩm cho họ ăn trong sáu tháng, lại cấp ruộng, đất, ao, dụng cụ làm ruộng nữa. Bọn người phạm tội hối hận những việc làm cũ, chúng làm việc rất chăm chỉ. Hơn năm sau, các gia đình này trở thành khá giả.
Thủ-Lý phân công: Trung-Từ phụ trách phá hoang, huấn luyện canh nông, trực tiếp trông coi vấn đề canh tác ; nghĩa là những gì trên mặt đất. Phương-Lan phụ trách huấn luyện gia chánh, nuôi tằm, trồng dâu, diệt vải, dệt lụa. Phương-Liên phụ trách huấn luyện nuôi gia súc, nuôi cá, nuôi tôm, cua. Kim-Ngân phụ trách huấn nghệ, như nghề mộc, nghề nề, chế xe, đóng thuyền, xây lò nung gạch. Tá-Chu thì lo huấn luyện ngư dân, đóng thuyền, đan lưới, tổ chức đánh cá, vận tải.
Từ khi Thủ-Lý bắt đầu chương trình lập toán phá hoang đến nay trải hơn mười năm. Dân chúng nghèo khó các nơi tụ về đông đảo vô cùng. Thiên-trường trở thành trấn đông dân nhất Đại-Việt (cho đến nay, 1997, vùng Thái-bình, Nam-định cũng là nơi có mật độ dân đông nhất). Thủ-Lý chia các ruộng đất khai hoang làm hai loại. Loại tư điền, cấp cho mỗi người dân hai mẫu. Còn lại là công điền, đây là công điền của xã. Loại ruộng này, nếu nông dân muốn cấy, thì phải nộp tô cho xã, nhưng rất thấp. Tô đó, xã dùng để xây trường học, mượn thầy dạy con em, xây lò gạch, làm cầu, lát đá đường đi. Hóa cho nên đến nay, toàn thể nông dân trong các trang ấp Thần-nông đều trở thành trung nông... Tiếng tăm vang khắp nơi, dân chúng gọi Thủ-Lý làThần-nông sứ, gọi Tô Trung-Từ là Khai-hoang sứ, Tá-Chu là Hải-hà sứ.
Vương Thúy-Thúy từng thấy Thủ-Lý hôm nàng bị bắt ở Thiên-trường. Rồi khi Thủ-Lý về cư ngụ trong Đông-cung thì Thúy-Thúy bị giam lỏng cùng phái Hoa-sơn trên con thuyền ít ngày. Khi nàng đào thoát trở về Đông-cung, nàng được sống với Thủ-Lý mấy tháng. Thủ-Lý dạy nàng với Tín-Hương nấu những món ăn dân gian, cùng phép trồng hoa, tỉa hoa. Nay tuy mấy năm xa cách, Thủ-Lý trở thành một thanh niên có thân thể hùng vĩ, nhưng nàng vẫn nhận ra. Nàng cung tay đáp bằng tiếng Việt :
- Tiểu tỳ xin ra mắt Thần-nông sứ.
Thủ-Lý xua tay :
- Vương cô nương. Cô nương là cao đồ của phái Hoa-sơn gửi sang Đại-Việt, đối với võ lâm, thân phận cô nương đâu có tầm thường ? Cô nương không nên xưng tiểu tỳ với tên nhà quê chân lấm, tay bùn như tại hạ.
Nghe Thủ-Lý nói, Tín-Hương phu nhân cau mày rồi rời khỏi phòng khách.
Tuy giọng nói của Thủ-Lý nhẹ nhàng, mà mỗi câu, mỗi lời, Vương Thuý-Thúy cảm thấy như một nhát kiếm tấn công mình. Thúy-Thúy tự hào về sắc đẹp của nàng, nàng được sư phụ dạy dỗ rằng : Khi ta có sắc đẹp, thì bất cứ người đàn ông nào cũng phải mềm trước ta. Ngay lúc Thủ-Huy hỏi cung nàng, mà trước sắc đẹp của nàng, công cũng dịu dàng như một thiếu niên đa tình đang cầu xin nàng ban ân huệ. Vừa rồi, một thiếu niên tên Tô Trung-Từ nhác thấy nàng đã run lên bần bật. Thế mà bây giờ, nàng xử dụng chiêu liếc mắt đưa tình, nghiêng vai, uốn lưng, ưỡn ngực ra trước để chinh phục, để khích động. Nhưng, người thiếu niên đầy sinh lực như Thủ-Lý lại tỏ ra rửng rưng, dường như không hề động tâm gì cả. Lạ hơn nữa, sao chàng lại biết họ tên của nàng, biết nàng là người Hàng-châu ? Biết nàng là quận chúa ?
Tự nhiên Thúy-Thúy thấy ớn trên vai. Nàng vội chữa :
- Thưa thiếu hiệp, tiểu tỳ là bộc phụ Đông-cung, nay được Thái-tử cho về hầu hạ phò mã với công chúa... Thì cũng là tỳ nữ của thiếu hiệp.
Thủ-Lý cười rất tươi :
- Vương cô nương ơi ! Chúng ta đều là người thức thời, thì nên lấy lòng mà ở với nhau. Những gì cô nương làm, tại hạ biết rõ từ lâu, nên rất kính trọng cô nương. Cô nương là một cánh hồng, phải lưu lạc xa cha mẹ, xa quê hương chỉ vì lòng trung quân, ái quốc. Cô nương chịu trăm cay nghìn đắng suốt bao năm qua, chỉ vì Trung-quốc, chỉ vì Tống triều. Trong khi đó, biết bao nhiêu người tự hào là nam nhi đại trượng phu, mà chỉ quanh quẩn ở xó nhà với vợ, với con ; chỉ biết ăn ngon, mặc đẹp. Vương cô nương ơi ! Tại hạ biết rằng thái-tử không có ý đem cô nương về đây để làm bộc phụ cho xá đệ, mà để xá đệ bảo vệ cho cô nương. Có đúng thế không ?
- Quả như thiếu hiệp dạy.
Qua mấy câu đối đáp, Thúy-Thúy biết rằng Thủ-Lý là người không thể dùng sắc đẹp lung lạc được. Muốn lấy cảm tình với chàng, thì chỉ có một đường duy nhất là chân thật.
Đoan-Nghi bảo ông Ty, người quản dinh :
- Chú Ty tìm một phòng sạch sẽ cho Trung-Tĩnh phu nhân ở.
Nàng lại nói với Thúy-Thúy :
- Phu nhân vào thay đổi y phục, rồi ra đây đàm luận với đại huynh của tôi.
Vào trong thư phòng, Thủ-Lý nháy mắt ra hiệu cho Phương-Lan với Kim-Ngân ngụ ý bảo im lặng. Hai người cười tủm tỉm ngồi im.
Thủ-Lý hỏi Thủ-Huy :
- Trước khi vào việc, chú thuật cho anh biết những gì đã xẩy ra tại Hoàng-cung, Đông-cung mấy ngày gần đây đã.
Thủ-Huy thứ tự trình bầy tất cả những diễn biến về cuộc chuẩn bị tiến quân đòi lại cố thổ, vụ sinh con của Đỗ thục-phi, Từ tuyên-phi, vụ án đứa trẻ bị bắt đi mất còn mẹ thì bị giết chết, vụ hai bà mụ ngủ rồi chết luôn. Tiếp theo tới vụ Long-Xưởng họp các em ăn cá, Minh-Đạo vương cùng với Bạch-Phượng xuất hiện, Côi-sơn song ưng trách cứ Long-Xưởng, rồi Đoan-Nghi khám phá ra Á-Nương là Vân-Đài, cuối cùng tới cuộc thẩm vấn nàng ra sao.
Vương Thúy-Thúy đã thay y phục, nàng mặc một bộ quần áo của một quận chúa Tống, quần mầu trắng, áo mầu hồng nhạt, áo khoác ngoài mầu tím. Tóc nàng chải, cuốn theo kiểu cung nga Nam Tống, trên dắt một cành hoa bằng ngọc đỏ chói. Nàng vốn đã đẹp, nay được mặc loại y phục quen thuộc, mỗi bước đi của nàng, thân thể uyển chuyển như muôn ngàn bông hoa bay trên mây. Thủ-Huy, Đoan-Nghi, Kim-Ngân, Phương-Lan ngây người ra mà nhìn. Chỉ Thủ-Lý là vẫn thản nhiên như thường. Chàng chỉ ghế :
- Mời quận chúa an tọa.
Thúy-Thúy kéo ghế lùi ra sau Đoan-Nghi một bước, rồi vén vạt áo, e lệ ngồi xuống.
Chàng lại nói với Đoan-Nghi :
- Em là công chúa Đoan-Nghi của Đại-Việt, còn Vương cô nương đây tước phong tới Khâm-minh, Đoan-duệ, Vân-Đài quận chúa. Thành ra quận chúa ngồi sau em một chút, hầu tỏ ra là người biết lễ nghi. Con gái Giang-Nam không những đẹp người mà còn đẹp nết nữa.
Vợ chồng Thủ-Huy giật mình đến thót một cái, trong lòng rối như tơ vò : Hỡi ơi, thì ra Vương Thúy-Thúy đã lập nhiều công trạng, được Tống triều phong tới quận chúa. Còn Thúy-Thúy thì hoảng hốt, tự hỏi : Ta mới được phong quận chúa chưa quá hai tháng, mà sao người này đã biết ? Với nhan sắc của ta, chưa từng ai thấy mà không khuất phục. Còn thanh niên này lại rửng rưng ?
- Thím nó này.
Thủ-Lý hỏi Đoan-Nghi : Thím khám phá ra Tông tích Á-Nương từ bao giờ vậy ?
- Em đoán mò, may mà trúng chứ có biết trước đâu ! Nguyên anh Thủ-Huy thuật cho em nghe việc phái Đông-A bắt các cao thủ Hoa-sơn, rồi kể về Vân-Đài như sau : « Đạo cô Vân-Đài tuy lớn tuổi, da dăn deo, nhưng lưng ong, chân tay dài, trắng mịn như một khuê nữ. Vậy em cũng nên luyện nội công Hoa-sơn để giữ cho sắc đẹp khỏi bị tàn phai ». Một sự kiện khác làm em nhớ mãi : Hồi ấy Á-Nương xin phép về thăm nhà có mười ngày, mà sao một tháng sau mới trở lại ? Thời gian Á-Nương vắng mặt đúng vào thời kỳ bọn Hoa-sơn đi Thiên-trường. Khi Á-Nương trở về cũng đúng vào ngày Vân-Đài trốn khỏi con thuyền giam lỏng phái Hoa-sơn. Buổi sáng nay, bị Côi-sơn song ưng khiển trách, mọi người đang bàn luận, thì Á-Nương lại vào ngự thiện đường lau chùi, mà thông thường Á-Nương chỉ vào khi anh Long-Xưởng ăn xong. Rồi dường như lo lắng, Á-Nương qui tức thở đúng theo nội công Hoa-sơn... Bằng ấy việc, làm cho em tỉnh ngộ, rồi đoán già, may mà trúng.
Nghe Đoan-Nghi nói, Thúy-Thúy mới hối hận rằng mình non tay hơn cô công chúa này : Thì ra Đoan-Nghi chỉ đọa già, ta nhát gan, vội tự nhận.
Thủ-Lý tiếp :
- Ông sai anh lên giúp hai em tìm cho ra tất cả bọn gian tế của Tống, ẩn dưới danh nghĩa đệ tử Hoa-sơn đi tìm Võ-kinh. Vâng lời ông thì anh làm, chứ trong tâm anh, thì anh không thích cái công việc này. Vì mình có cố gắng thì cũng chẳng đi đến đâu, bởi cái nọc độc gà mái gáy từ khi vua Nhân-Tông băng đến giờ nó đã ăn sâu vào tủy, vào tim gan của các bà trong nội cung rồi. Hầu hết các quan đều mong muốn có một hoàng đế còn bế ngửa, một thái hậu tham dâm để họ tha hồ tác oai, tác quái.
Nghe anh nói, Thủ-Huy kinh hãi :
- Em tưởng bọn Hoa-sơn chủ động trong việc này chứ ? Chúng lợi dụng các sứ đoàn, để tìm Võ-kinh. Nay thì anh lại luận sự việc trái ngược. Như thế nghĩa là ?
Kim-Ngân hỏi Thủ-Huy :
- Căn cứ vào đâu mà anh lại tin rằng bọn Hoa-sơn chủ động, mà không phải là Khu-mật viện Tống ?
- Anh giải đoán như vậy vì tin theo các bản tấu chương của Khu-mật viện. Mà Khu-mật viện lại tin vào lời khai của đệ tử phái Hoa-sơn bị bắt. Thái-tử Long-Xưởng bắt đầu nắm Khu-mật viện, sau khi bọn Hoa-sơn bị bại ở Thiên-trường. Khu-mật viện đã sai biệt giam chúng, không cho liên lạc với nhau, rồi thẩm cung. Kết quả, chúng đều khai giống nhau, thì làm sao mà sai được ? Rồi từ đó đến giờ, có rất nhiều đệ tử Hoa-sơn bị bắt. Họ cũng khai giống những người trước. Như vậy, Long-Xưởng với anh cũng chưa tin hẳn. Điều làm bọn anh tin hoàn toàn, là trước đây các vị tôn sư Đại-Việt sang Trung-nguyên dự lễ giỗ tổ của phái Hoa-sơn. Trong hơn tháng lưu lại, các vị đã đàm luận, kết thân với Ngũ-nhạc đại lĩnh, Hoa-nhạc tam phong, Hoa-nhạc tam nương. Hôm ở Thiên-trường, chính các vị ấy đã nhận diện bọn cao thủ Hoa-sơn, rồi than thở không ít về hành động của họ. Tổng kết hai nguồn tin như thế, nên Long-Xưởng với anh mới tin.
Mặt Thủ-Lý lạnh như tiền, chàng nói rất nhỏ, nhưng dõng dạc :
- Từ Thái-tử đến em, cho chí Khu-mật viện, bị Tống lừa hơn mười năm có dư rồi mà không biết. Anh nói cho em biết : Đến nay bọn tế tác Tống sang đây đã ba thế hệ. Thế hệ một là thế hệ của cái tên Trung-Nhạc Tung-sơn tiền nhiệm của Ngô Giới. Thế hệ thứ hai là thế hệ sư phụ của quận chúa đây. Họ đã có chỗ đứng, có thế lực rất lớn tại triều đình, không biết em với Long-Xưởng có thể phá được không thì anh khó mà đoán trước. Quận chúa đây chỉ là thế hệ thứ ba mà thôi.
Đoan-Nghi hỏi :
- Chúng là các đại thần chủ hòa ư ?
- Hơn thế nữa ! Các đại thần chủ hòa chỉ là chân tay của chúng mà thôi.
- Ông nội cho anh về đây chắc hẳn người nghĩ rằng : Nếu như bọn em biết chúng là ai, mà không thể giết chúng được, thì anh ra tay. Có phải thế không ?
- Trái lại, người dạy anh bằng mọi giá phải tìm cách cứu các đệ tử Hoa-sơn không để triều đình giết. Nhất là tránh sao cho phái Hoa-sơn với võ lâm Đại-Việt giết lẫn nhau. Người nói : Triều Tống không đáng để cho các đệ tử Hoa-sơn hy sinh. Đại-Việt là Đại-Việt. Ngôi vua Đại-Việt dành cho người có đức, chứ không phải của riêng họ Lý.
Kim-Ngân chỉ vào Thúy-Thúy :
- Huống hồ những người đẹp như thế này, đáng lẽ phải xây nhà vàng cho ở, thì chúng gửi sang Đại-Việt sống chui, sống nhủi như chuột, làm công việc của bọn tôi đòi hèn hạ. Trong khi đó chúng sống trên nhung lụa, hầu xinh, vợ đẹp. Thực là bọn chồn cáo.
Đoan-Nghi hỏi :
- Anh giúp triều đình bằng cách nào ?
- Không ! Anh không giúp triều đình. Anh nhắc lại chủ trương của ông nội, cũng như môn phái Đông-A nhà ta là : Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Còn như triều Lý hay triều Lê, triều gì đi nữa làm vua, cũng cứ được đi. Cho nên trải qua hai bà thái hậu Chiêu-Hiếu, Cảm-Thánh, tàn sát tôn thất, giết hại quan lại, nhà ta đều không can thiệp vào. Oâng nội chỉ cho can thiệp khi Tống định dùng Lưu Kỳ, biến Đai-Việt thành quận huyện. Tương lai, nếu có cuộc tranh dành quyền lực trong giòng họ Lý thì nhà ta không biết tới. Còn em, em là công chúa, Thủ-Huy là phò mã thì các em phải đem hết sức ra phò phụ hoàng em, đó là lẽ đương nhiên.
Đoan-Nghi hỏi :
- Thưa anh, anh muốn nói cuộc tranh ngôi giữa phụ hoàng với Minh-Đạo vương chăng ?
- Ý anh muốn nói cuộc tranh quyền giữa người họ Lý với người họ Lý. Có thể Cảm-Thánh hoàng thái hậu lại trở về tranh quyền với hoàng thượng. Có thể trong các hoàng tử khác tranh với Long-Xưởng. Cũng có thể Minh-Đạo vương tranh ngôi với hoàng thượng.
Đoan-Nghi biết chồng không muốn hỏi Thủ-Lý nhiều về sự tranh ngôi trong triều đình. Nàng lên tiếng hỏi sang vấn đề khác :
- Cứ như anh ước đoán thì Tống bắt đầu đem tế tác sang ta để mưu chiếm nước từ bao giờ ?
- Ngay từ khi triều Nam-Tống được thành lập, bốn tướng có công đầu trong việc trung-hưng là Hàn Thế-Trung, Ngô Lân, Ngô Giới, Lưu Kỳ đều thuộc phái Hoa-sơn. Thành ra các danh tướng hầu như xuất thân từ cửa bốn tướng này. Thế lực phái Hoa-sơn tại triều Tống cực mạnh. Khu-mật viện luôn luôn là người của họ. Vì thế, võ lâm Trung-nguyên thường cho rằng phái Hoa-sơn là triều Tống, triều Tống là phái Hoa-sơn. Hồi đầu, các tướng gốc Hoa-sơn chủ trương đánh Đại-Việt, rồi nhân đó lấy vũ kinh. Nên chi Khu-mật viện Tống mới gửi thực nhiều tế tác sang ta. Sau khi tế tác thu thập tin tức về Hoa-sơn tứ đại thần kiếm, về Mao Cung, Mao Kính, Khu-mật viện Tống mới thiết kế chiếm Đại-Việt bằng cách đặt nội gián mỹ nhân kế. Do vậy họ tìm ba thiếu nữ sắc nước hương trời, dạy văn, luyện võ, lại dạy cho thuật cầm ca, dạy cho học tiếng Việt, rồi cho làm Hoa-nhạc tam nương, do một đạo sư vai sư thúc, sư bá của Ngô Giới cầm đầu. Triều đình Tống thì phong cho tước tiểu thư, ban cho hưởng bổng ngang với tuyên vũ sứ. Bổng cấp cho cha mẹ. Ba người này có quyền ngang với tuyên vũ sứ. Ba người sang được ba năm, thì họ đã thành công. Bao nhiêu tin tức của triều đình, võ lâm Đại-Việt, Khu-mật viện Tống biết hết. Họ được phong tước nhất phẩm phu nhân. Bên Trung-nguyên, cha được phong hàm tước nam, mẹ được phong phu nhân. Lúc này Tống triều thấy Tam-nươngï đã trở thành vợ của những nhân vật tối cao của Đại-Việt, các đại thần Khu-mật viện Tống bèn nghĩ đến việc tre già thì cho măng mọc. Họ lại tuyển một thiếu nữ Hàng-châu, một thiếu nữ Tô-châu và một thiếu nữ gốc Dương-châu, sinh đẻ, lớn lên ở Đại-Việt. Cả ba được phái Hoa-sơn huấn luyện, rồi được cử làm Hoa-nhạc tam nương, gửi sang Đại-Việt. Nhưng sợ ba người trước phật lòng, phái Hoa-sơn đặt ba thiếu nữ này làm đệ tử ba người trước.
Thủ-Lý nhìn Thúy-Thúy :
- Một trong ba thiếu nữ này là Vương quận chúa.
Thủ-Lý nói đến đây thì Thúy-Thúy run lẩy bẩy. Còn Phương-Lan đứng lên, ra sân xem hoa.
Đoan-Nghi hỏi nàng :
- Trung-Tĩnh phu nhân, sự đã như thế này, thì phu nhân cũng chẳng nên dấu điếm làm gì. Ba vị Hoa-nhạc tam nương tiền nhiệm là ai ? Hai sư muội của phu nhân là ai ? Cái ông Lạc-Nhạn hiện ở đâu ?
Thủ-Lý xua tay, tỏ ý không cần Thúy-Thúy khai :
- Hai năm sau nữa, họ lại lập đại công, được phong quận chúa, cha được phong hàm tước tử, mẹ được phong nhất phẩm phu nhân. Sau vụ án Đỗ Anh-Vũ, Tam-nươngï giúp sứ đoàn Ngô Giới, Lưu Kỳ, cùng thái-hậu lật ngược thế cờ, họ được phong công-chúa. Ở bên Trung-nguyên, bố được phong hàm tước bá, mẹ được phong quận chúa.
Thủ-Lý lại nhìn Thúy-Thúy :
- Tôi nói có chỗ nào sai chăng ?
Mặt Thúy-Thúy tái ngắt, nàng đáp :
- Thưa không có chỗ nào sai cả.
Đoan-Nghi hỏi :
- Thưa anh, thế Hoa-nhạc tam nương tiền nhiệm là ai ?
Kim-Ngân xòe tay ra trước mặt chị dâu :
- Chị có phải là công chúa không ? Một công chúa đầy uy quyền, không thua công chúa Bình-Dương, Kim-Thành, Thiên-Thành xưa, mà lại hỏi anh cả à ? Chị đã tìm ra Vương quận chúa là Vân-Đàøi, thì tự nhiên phải tìm ra sư phụ nàng là ai, rồi cũng từ đó tìm ra hai sư muội của người là chúa Công-Chúa, Mao-Nữ chứ ?
Bây giờ Đoan-Nghi mới hiểu rõ ý nghĩa những câu nói xa xôi của Thủ-Lý trong ngày tiếp sứ đoàn Tống. Hôm ấy, Ngu Doãn-Văn chỉ đòi hài cốt Lạc-Nhạn, Vân-Đài, thì Thủ-Lý lại hứa trả tám bộ xương, trong đó có bộ xương của Trung-Nhạc Tung-sơn, Lạc-Nhạn, hai Vân-Đài, hai Công-Chúa, hai Mao-Nữ. Thủ-Lý còn hăm đem họ cho quạ rỉa thịt, vì vậy từ Ngu Doãn-Văn cho chí Tần Hy đều tái mặt, rồi không dám đòi người nữa.
Kim-Ngân mỉm cười bí hiểm nhìn Thủ-Huy :
- Sao anh không thẩm vấn Vương tiểu thư đây để biết sư phụ, sư thúc, hai sư muội của người ?
Cả Đoan-Nghi lẫn Thủ-Huy cùng lắc đầu :
- Anh đã thẩm vấn quận chúa đây, nhưng người cứ chối rằng không biết sư phụ của người hiện là ai ? Nhà ở đâu ? Hiện là nhân vật nào của Đại-Việt ? Thì làm sao có thể biết hành trạng hai sư thúc cũng như hai sư muội.
Kim-Ngân chù mỏ ra :
- Triều đình có Khu-mật viện, có thị-vệ, công nho chi ra biết bao nhiêu tiền mà không tìm được bọn tế tác Tống. Bây giờ em đã tìm ra, triều đình muốn thì em bán tin tức cho, giá rẻ thôi . Một là trả ngay, với giá năm nghìn lượng vàng, số vàng này chỉ bằng nửa số kinh phí chi cho Khu-mật viện hằng năm. Hoặc miễn thuế cho toàn thể các trại Thần-Nông.
Biết rằng Kim-Ngân nói đùa, nhưng Đoan-Nghi cũng cảm thấy chua chát : Phái Đông-A không lĩnh của triều đình một đấu gạo, một đồng tiền, mà lại làm lợi cho triều đình không biết bao nhiêu mà kể, trong khi đó, bọn văn quan ăn hại cứ kiếm chuyện hoài.
Thủ-Lý xua tay không cho em gái đùa nữa, chàng cười nhạt :
- Có thể Vương quận chúa không biết, có thể người không muốn khai, vì sợ bản thân và gia đình bị trả thù. Thôi được rồi, anh vì hai em mà phải vô phép với giai nhân Hàng-châu vậy.
Chàng quay lại phía sau :
- Kính mời Thạc-hòa Anh-văn quận chúa ra tương hội. Sự đã như thế này, mà quận chúa còn dấu thân phận ư ?
Chỉ thấy thấp thoáng một cái, Tín-Hương phu nhân từ sau cánh cửa tung mình chạy. Nhưng khi bà ta vừa tới hàng rào thì bị một người đứng chặn trước mặt. Người đó là Phương-Lan. Tín-Hương phát một chiêu Hoa-sơn chưởng đẩy về trước. Phương-Lan vội phát chiêu đỡ. Bình một tiếng, Tín-Hương bị bay tung trở lại ngay trước mặt Đoan-Nghi. Đoan-Nghi điểm huyệt nàng, rồi xách vào nhà, đặt ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế.
Kim-Ngân gỡ lớp da giả trên măët Tín-Hương, dùng khăn lau mặt cho nàng. Lập tức hiện ra một khuôn mặt cực kỳ thanh tú : Làn da trắng mịn, môi hồng mọng, nhất là đôi mắt đen, có đuôi thực khả ái.
Thủ-Lý cười với Tín-Hương phu nhân :
- Quận chúa đừng sợ. Bởi mục đích chuyến về Thăng-long của tại hạ là tránh cho các đệ tử Hoa-sơn khỏi bị Côi-sơn song ưng giết chết. Mà quận chúa hiện là chưởng quản ngọn núi Mao-Nữ trong Ngũ-nhạc, chẳng may bị bọn quan lại Tống đánh lừa, đưa sang đây để mưu đồ bất chính cho chúng. Tại hạ có bổn phận bảo vệ quận chúa. Vậy người cứ thư thả về khuê phòng thay y phuc quận chúa, trang điểm, rồi ra đây để chúng ta cùng luận bàn.
Tín-Hương biết không dấu thân phận được nữa. Nàng cười nhạt nói với Đoan-Nghi :
- Công chúa, xin công chúa giải huyệt cho thần. Vì trong khi phóng chưởng, Thần-nông phu nhân đã vận Cổ-loa tâm pháp. Nếu như tiểu tỳ trốn, thì ba ngày sau các mạch máu sẽ vỡ ra mà chết .
Đoan-Nghi giải huyệt cho Tín-Hương. Nàng lui vào hậu đường. Vương Thúy-Thúy hỏi Thủ-Lý :
- Thần-nông sứ ! Tiểu muội sống với Tín-Hương mấy năm dư mà không biết đó là sư muội đồng môn. Thế sao người ở mãi Thiên-trường thì lại biết rõ chân tướng nhị sư muội của muội ?
- À, chính là cái hôm đầu tiên cô nương trốn thoát khỏi con thuyền giam lỏng, rồi trở lại Đông-cung. Bấy giờ tại hạ từ Thiên-trường về giúp Long-Xưởng dẹp loạn gà mái gáy. Chỉ nhìn dáng đi, cùng thân thể của nhị vị là tại hạ biết ngay. Vì trên đời làm gì có bộc phụ mà từ thân thể, chân tay, dáng đi đẹp đến như thế được ? Nhất là lúc cô nương với Tín-Hương quay lưng bước đi, rõ ràng là thân pháp Hoa-sơn, mà thân pháp này mới do đạo sư Ngô Giới chế ra không lâu. Vì vậy, trong suốt thời gian ở Đông-cung, tại hạ đã đối xử với nhị vị như những quý khách, chứ không coi là tôi tớ. Ngay sau đó, tại hạ thưa với với song thân và Đại-Việt ngũ tuyệt về thân phận hai vị. Hỡi ơi, thì ra các vị cũng biết, đâu phải mình tại hạ. Phụ thân tại hạ trở về trình với ông nội. Ông nội khuyên : Cứ để nguyên như vậy, không nên nói cho Thủ-Huy biết. Phái Đông-A sẽ cho đệ tử theo dõi, để biết hết những nội gián của Tống.
Đến đây thì Tín-Hương đã trở ra. Nàng không còn coi mình là bộc phụ nữa, ngang nhiên ngồi đối diện với Đoan-Nghi.
Thủ-Lý chỉ Tín-Hương :
- Mao-Nữ tiên tử đây có khuê danh là Nhạc Bảo-Bảo, nguyên xuất thân trong một gia đình trung lương. Phụ thân là Nhạc Bình, một đệ tử Hoa-sơn, lĩnh chức đô thống trong đạo binh của Hàn Thế-Trung. Hồi Nhạc tiểu thư mới năm tuổi thì phụ thân tuẫn quốc. Tiểu thư được trao cho phu nhân của Hàn Thế-Trung nuôi dưỡng. Năm lên sáu tuổi, Thế-Trung gửi tiểu thư cho đạo cô Vân-Hà nuôi. Cũng như Vương tiểu thư, Nhạc tiểu thư được học văn, luyện võ, học tiếng Việt. Năm mười hai tuổi, Khu-mật viện tìm cách đưa sang Đại-Việt ; nhưng nói thác là do phái Hoa-sơn sai đi, để tìm Vô Trung kinh với cái hư danh là quản lĩnh ngọn núi Mao-Nữ. Sang Đại-Việt tiểu thư đặt dưới sự chưởng quản của Mao-Nữ tiên tử tiền nhiệm. Vị tiên tử này mới xếp đặt cho tiểu thư làm con một thầy lang. Rồi từ đó thành nô bộc cho vú Loan, cuối cùng thành Tín-Hương phu nhân của Đông-cung, rồi quản dinh của công chúa Đoan-Nghi.
- Tín Hương phu nhân !
Đoan-Nghi thiết tha :
- Sự đã như thế này, phu nhân hãy cho tôi biết Hoa-nhạc tam nương tiền nhiệm với sư muội Công-Chúa của phu nhân là ai ? Hiện cư ngụ ở đâu ?
Nhạc Bảo-Bảo thở dài, đưa mắt nhìn Thúy-Thúy. Thúy-Thúy vuốt tóc Bảo-Bảo :
- Sư muội ơi ! Sư tỷ chỉ có một thân một mình, thì sư tỷ có khai cũng không hề chi, miễn được phái Đông-A bảo vệ là yên. Nhưng sư tỷ lại không biết rõ sư phụ hiện là nhân vật nào của Đại-Việt? Còn sư muội thì sư muội biết rõ sư phụ là ai, hiện ở đâu. Hiềm vì sư muội lo sợ rằng nếu khai hết thì má má, anh chị tại quê nhà sẽ bị chết chém hết. Mà không khai thì không được. Làm sao bây giờ ?
Như chợt nhớ ra điều gì, Kim-Ngân, Phương-Lan cùng đứng dậy lui vào trong hậu đường. Phương-Lan dùng Lăng-không truyền ngữ nói với chồng :
- Cứ quan sát sơ, em cũng biết Bảo-Bảo là người có bản lĩnh, và hay lý sự. Nếu anh muốn khai thác tin tức ở nàng thì không khác gì bắc thang lên trời. Anh thấy không? Là tội nhân, mà nàng chưng diện, trang điểm thực lộng lẫy. Ta có thể căn cứ vào đây mà khống chế nàng.
Biết vợ mình là người mưu trí cực cao thâm, Thủ-Lý mừng lắm. Chàng hỏi :
- Khống chế bằng cách nào ?
- Nàng coi sắc đẹp trọng hơn tính mệnh. Anh nên làm như thế... như thế...
Thủ-Lý mỉm cười với Bảo-Bảo :
- Nhạc cô nương ơi ! Trong Hoa-nhạc tam nương, thì cô nương là người quyền biến, mưu lược nhất, mà cô nương không nghĩ ra phương cách an toàn cho mình, thì một là cô nương không muốn nghĩ, hai là cô nương có chủ tâm riêng. Anh em tại hạ đã lấy lòng mà đối xử với cô nương, sao cô nương lại không tự biết ? Chắc cô nương nghĩ rằng, theo thể lệ bang giao Hoa-Việt, thì hai bên không được giết tù hàng binh, cũng không được giết tế tác. Có đúng thế không ?
- Quả như người nói.
- Chính vì lẽ đó, mà mấy năm trước Đại-Việt mới không giết đám mật sứ Ngô Giới, Lưu Kỳ. Nay cô nương với Vương cô nương nghĩ rằng bọn tại hạ không thể tra tấn cô nương, nên cô nương không chịu khai. Có phải thế không ?
Bảo-Bảo im lặng.
- Cô nương nên nhớ, cho đến lúc này vẫn chưa có gì chứng minh thân phận cô nương là tế tác của Tống. Như vậy cô nương vẫn là người Việt. Người Việt mà phạm tội làm gian tế cho ngoại bang, thì bản thân sẽ bị lăng trì (xẻo thịt), còn ba họ bị xử trảm. Ví thử bây giờ bọn tại hạ đem cô nương xẻo ít miếng thịt thì cô nương nghĩ sao ?
Mắt phượng quắc lên, Bảo-Bảo ngồi ngay ngắn lại :
- Người thực là một tên thợ cầy không tim, không gan. Ngay khi mới gặp nhau, người đã biết rõ chân tướng ta. Suốt thời gian người ở Đông-cung, cũng như sau này người về thăm em, ta không hề dấu diếm rằng ta yêu người, ta đã nhiều lần bầy tỏ những cảm tình, những cử chỉ nhu nhã với người, mà người không bao giờ đáp lại.
Nàng bưng mặt khóc :
- Thế mà người còn tàn nhẫn. Người đe dọa chúng ta hẳn ? Được, người cứ đem chúng ta ra mà giết đi . Sống ta làm thần tử nhà Tống, chết ta sẽ được phong thần, mẹ được phủ tuất. Ta không sợ chết đâu.
- Nhạc cô nương thực là nữ trung hào kiệt, đáng khen. Nhưng tại hạ không giết cô nương đâu, mà chỉ xẻo ít miếng trên mặt cô nương. Lập tức cái mặt cô nương xinh đẹp thế kia sẽ biến thành lồi lõm, thì thực là đáng tiếc.
Bảo-Bảo hứ một tiếng :
- Người nên nhớ đây là dinh Côi-sơn quốc công. Còn ta, ta được sắc phong là Tín-Hương phu nhân, trong khi người chỉ là một gã nông phu vai u thịt bắp. Sở dĩ chúng ta để cho người múa lưỡi, vì người là anh của phò mã Thủ-Huy, chứ người không có quyền chức gì mà đe dọa chúng ta. Dù sao, Đại-Việt cũng có quốc pháp, phong tục cũng có trên dưới. Một tên thợ cầy, không thể được vô lễ với một tước phu nhân. Người hiểu không ?
Thủ-Lý bật lên tiếng cười dòn dã :
- Khu-mật viện Tống thực có mắt tinh đời khi họ chọn cô nương đóng vai Mao-Nữ tiên tử. Họ cũng tốn không biết bao nhiêu công lao để dạy cô nương về luật pháp Đaị-Việt. Nhưng có điều họ biết, mà không biết đến nơi đến chốn. Họ không biết đến chủ đạo tộc Việt, nên họ không dạy cho cô nương. Chắc cô nương cũng biết hơn trăm năm trước, trong trận Tản-lĩnh, viễn tổ của tôi đã thẳng tay tàn sát bọn Hồng-thiết giáo Tây-vực, sau đó mới cáo với vua bà Bắc-biên. Người lấy lý rằng chủ đạo của tộc Việt định rõ : Việc bảo vệ đất nước là nhiệm vụ của mọi con dân.
Ghi chú của thuật giả:
Về trận Tản-lĩnh : Xin đọc Anh-hùng Bắc-cương, 4 quyển của Yên-tử cư-sĩ,
Chàng nhìn Đoan-Nghi :
- Từ nãy đến giờ, tại hạ không hề nhân danh triều đình, không hề nhân danh chú em tại hạ, hay cô em dâu tại hạ, mà chỉ nhân danh con dân Đại-Việt nói chuyện với cô nương. Bây giờ tại hạ sắp nhân danh tên thôn phu Đại-Việt, tên thôn phu có bổn phận trừ gian cứu nước. Tại hạ sẽ dùng dao khắc vào má cô nương một cái hình con cua, và một cái hình con ếch, hay con ốc, rồi lấy bồ hóng trộn với vôi bôi lên. Bồ hóng với vôi sẽ theo vết thương , ăn sâu vào da cô nương. Mặt cô nương sẽ có hình con ếch, con cua ; coi đẹp gớm. Sau đó triều đình Đại-Việt trả cô nương về Tống, nhất định triều đình Tống sẽ phong cô nương làm « Eách cua công chúa », rồi ban cho vài trăm mẫu đồng lầy làm ấp để nuôi cua, nuôi ếch.
Cho rằng Thủ-Lý dọa già, Bảo-Bảo cười nhạt :
- Được, đại ca muốn làm gì thì làm đi. Con nhỏ họ Nhạc này mà có nhăn mặt, thì không phải là người nữa.
Thấy Tín-Hương đổi cách xưng hô gọi Thủ-Lý bằng đại ca ; Đoan-Nghi, Thủ-Huy tưởng rằng ông anh sẽ mềm lòng. Nào ngờ Thủ-Lý lạnh lùng :
- Cái đó thì dễ lắm.
Thình lình Thủ-Lý phóng chỉ véo, véo hai tiếng, điểm vào huyệt Đại-chùy của Thúy-Thúy, và huyệt Kiên- ngung của Bảo-Bảo. Hai nàng định tránh, nhưng không kịp. Cả hai bị tê liệt, ngồi im như pho tượng. Thủ-Lý nói bằng giọng êm đềm :
- Tại hạ điểm huyệt khiến mặt cô nương tê dại rồi. Bây giờ tại hạ có rạch mặt thì cô nương sẽ không cảm thấy đau đớn gì.
Chàng hướng tay lên tường, nơi treo đầy vũ khí, phẩy một cái, thanh chủy thủ rời khỏi vị trí vọt tới nằm gọn trong tay. Chàng gại lưỡi dao vào bàn tay hai cái, rồi cầm quả ổi trong đĩa trái cây trên bàn, đưa phớt qua, quả ổi đứt làm hai rất ngọt. Miệng mỉm cười, chàng ướm thử lên má trái Bảo-Bảo như định rạch.
Bảo-Bảo ớn da gà nghĩ thầm :
- Tên Nam man dọa ta đây. Trên đời này, làm gì có thằng con trai nào mà không khuất phục trước sắc đẹp của ta. Ta mà non gan thì bị thua trí nó.
Nghĩ vậy nàng nhìn Thủ-Lý nở một nụ cười, ánh mắt sáng long lanh liếc ngang một cái. Đoan-Nghi, Thủ-Huy ngồi cạnh mà cũng choáng váng. Bảo-Bảo ngửa mặt lên đầy vẻ mời mọc, đầy vẻ khiêu khích :
- Đại ca cứ rạch đi. Muội không sợ đâu.
Thủ-Lý hứ một tiếng :
- Cô nương khỏi cần thách thức.
Nói dứt chàng vạch vạch mấy đường trên má phải Bảo-Bảo. Lập tức máu chảy từ má nàng nhỏ lách tách xuống đất. Thủ-Huy, Đoan-Nghi cùng bật lên tiếng úi cha đầy kinh ngac, đầy thương tiếc :
- Tín-Hương phu nhân ơi, người khai thực đi, bằng không đại ca của tôi rạch nữa, e mặt ngọc của phu nhân có vết thì thực là mối hận thiên cổ.
Nghe Đoan-Nghi than, Bảo-Bảo bở vía. Muôn ngàn lần nàng không ngờ Thủ-Lý lại làm thực. Nàng hét lên :
- Tàn nhẫn ! Tàn nhẫn ! Người giết ta đi cho rảnh.
Thủ-Lý lại rạch má trái, máu lại nhỏ xuống chiếc xiêm trắng của Bảo-Bảo. Thủ-Huy can anh :
- Đại ca ! Hỡi ơi ! Trên mặt Tín-Hương phu nhân bị khắc hình con cua, con ếch thế này thì coi sao được. Đại ca ngừng tay đi thôi.
Bảo-Bảo vẫn quật cường :
- Muội... Muội thà chết chứ không chịu khuất phục.
Thủ-Lý gọi tỳ nữ :
- Lấy cho ta ít bồ hóng, trộn với vôi, để ta bôi lên má Nhạc cô nương, thì chỉ một khắc là những chỗ rạch sẽ bị ăn sâu vào, thành hình con ếch, con cua.
Tỳ nữ vào trong nhà.
Bảo-Bảo bở vía, nàng run run :
- Muội xin khuất phục. Muội xin khai. Em xin anh đừng trát bồ hóng với vôi lên mặt em ! Tội nghiệp em mà.
Bảo-Bảo xuống nước, xưng muội, rồi lại dùng ngôn từ Đại-Việt xưng em với Thủ-Lý, lại ngiêng đầu để ánh mắt chiếu vào người chàng. Nàng lại hít hơi thực mạnh, ngực nhô lên thụp xuống. Những tưởng bằng ấy thứ, thì dù tim Thủ-Lý bằng thép cũng phải nhũn ra. Thế mà Thủ-Lý vẫn cười lạnh lùng :
- À, có thế chứ.
Bảo-Bảo quát :
- Người thực là tên nhà quê không tim, không gan, tàn nhẫn nhất thiên hạ. Với sắc đẹp của bản cô nương, anh hùng thiên hạ hễ trông thấy là líu ríu tuân lệnh. Còn người, thì người rửng rưng. Thực là quân mọi rợ. Người phải mau lau vết máu cho bản cô nương đã, rồi hãy nói đến chuyện cung khai.
- Cô nương phải khai trước, rồi tại hạ lau sau cũng được. Đầu tiên cô nương cho biết sư phụ của cô nương là ai ? Hiện ở đâu ?
Bảo-Bảo biết gặp tay kình địch, nàng thở dài :
- Sư phụ của muội chính là giai-phi Chế Bì-la-bút.
Thủ-Huy, Đoan-Nghi cùng bật lên tiếng ái chà, không lẽ. Nhưng Thủ-Lý thì gật đầu :
- À, thì ra giai phi Chế-bì La-bút là Mao-Nữ tiên tử đấy. Cô nương cứ thực thà khai hết đi. Tại hạ hứa sẽ chu toàn tính mệnh cho cô nương với gia đình.
Tá-Chu từ ngoài vào, chàng nghiêng mình chào Bảo-Bảo, Thúy-Thúy, rồi mở ra một cuốn trục lụa. Trên trục vẽ hình Bảo-Bảo trong y phục quận chúa Tống. Nàng đang đứng cạnh Giai-phi Chế-bì La-bút. Giai-phi trong y phục công chúa Tống. Nét vẽ cực kỳ sống động. Cạnh đó có chữ đề đẹp như rồng bay, phượng múa :
« Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc.
Khởi tái cố thành khuynh,
Giai nhân nan tái đắc »
Nghĩa là :
Một nghiêng đầu, khiến thành nghiêng.
Tái nghiêng đầu, khiến nước nghiêng.
Đâu cần nghiêng đầu lần nữa để nghiêng thành.
Người đẹp khó mà có hai.
Bảo-Bảo hừ một tiếng, nghĩ thầm :
- Từ trước đến giờ, sư bá, sư phụ, chỉ đề phòng Thủ-Huy, mà quên mất bọn Thủ-Lý, Tá-Chu, Trung-Từ. Về tài trí, bọn này mỗi đứa đều có sở trường riêng. Cứ như hình vẽ này, thì tên Tá-Chu từng theo dõi bọn Hoa-sơn nhà mình từ lâu rồi. Ta có dấu diếm nữa cũng vô ích.
Nghĩ vậy Bảo-Bảo tiếp :
- Vào niên hiệu Thiệu-Hưng thứ 22 (DL.1152) bên Đại-Việt là niên hiệu Đại-Định thứ 13, một hoàng thân nước Chiêm-thành tên Uông Minh Ta Điệp sang đút lót vàng bạc cho ác nhân Đỗ Anh-Vũ, để xin y tâu với Đại-Định hoàng đế phong ông làm vua Chiêm. Anh-Vũ không cần tâu vua, y sai tướng Lý Mông đem 5 nghìn quân đưa Uông Minh Ta Điệp về làm vua Chiêm. Nhưng quân Việt bị vua Chiêm là Chế-bì La-bút đánh thua. Lý Mông, Uông Minh Ta Điệp đều bị chết. Chế-bì La-bút sợ Đại-Việt mang quân hỏi tội, ông ta sai sứ sang Tống cầu cứu. Bấy giờ Tống triều đang phải chống với Kim, thì sao dám mó tay vào cái tổ ong Đại-Việt ? Khu-mật viện Tống gửi thư cho thái sư bá của ta là Trung-nhạc Tung-sơn, vốn đã tiềm ẩn bên Đại-Việt từ lâu rằng : Bằng mọi cách trong bóng tối vận động với triều đình Đại-Việt bãi quân Nam-chinh. Việc này thái sư bá thành công. Thái-sư bá nhân đó bắt vua Chiêm phải nhận sư phụ làm con, rồi dâng cho vua Đại-Việt để tạ tội.
Ghi chú của thuật giả:
Việc này ĐVSKTT, VSL chép trong Lý kỷ, Anh-tông kỷ .
Uông Minh Ta Điệp, phiên âm theo Phạn-ngữ là Ông Vangsaraja. Còn Chế-bì La-bút là Jaya Havivarman.
- Đúng thế, trí nhớ cô nương tốt lắm. Xin cô nương tiếp cho.
- Sở dĩ có việc này vì thái sư bá làTrung-Nhạc Tung-sơn đã dẫn hai vị sư bá Vân-Đài, Công-Chúa sang Đại-Việt, nhưng chỉ mình Vân-Đài là lọt vào một gia đình danh gia. Còn sư bá Công-Chúa thì tuy nức tiếng Thăng-long là một ca kỹ tài sắc không ai có thể so sánh. Nhưng lại yêu một nhân vật có địa vị cực kỳ lớn trong võ lâm đến điên đảo thần hồn, mà không làm lợi ích gì cho Tống triều. Thái sư bá muốn đem sư phụ sang, rồi tìm cách cho người lọt vào hoàng cung.
- Sư bá Công-Chúa tiên tử yêu ai vậy ?
- Hồi đầu người chỉ biết đó là một mỹ nam tử, văn hay, chữ tốt, võ công cực cao. Hơn nữa lại có tài thổi tiêu. Cho nên ngay khi vừa gặp nhau là người yêu ông ta liền. Sau khi ông ta bỏ đi bất thình lình, sư bá đau khổ khóc lóc thảm thiết. Sư bá bỏ tiền ra nhờ người ta điều tra lý lịch người ấy, thì mới biết đó là đại hiệp Trần Tự-Hấp thân phụ của phò mã và Thần-Nông sứ.
Thủ-Lý, Thủ-Huy, mỉm cười, vì biết rằng phụ thân mình không biết thổi tiêu, thì sao có thể là người tình của ca kỹ kia? Còn Đoan-Nghi thì á lên một tiếng kinh ngạc đến tột độ. Nàng đưa mắt nhìn anh chồng, nhìn chồng. Hai người cười mà không phải cười.
Bảo-Bảo tiếp :
- Vì chuyện tình này, mà Tống triều cử sư bá Lạc-Nhạn sang thay thế thái-sư bá Thiên-Hư. Sư bá Lạc-Nhạn mới gặp sư bá Công-Chúa thì say mê đến không còn biết trời đất là gì. Song sư bá Công-Chúa không chú ý đến người. Sư bá Lạc-Nhạn mới tìm cách giết đại hiệp Tự-Hấp, để chiếm người yêu. Nhưng than ôi, khi người đấu với đại hiệp, thì chỉ chịu được có mười tám chiêu thì sư bá bị bại... Rồi sau không biết tại sao đại hiệp Tự-Hấp lại bỏ đi, không một lời từ biệt. Sư bá Công-Chúa hóa điên, hóa khùng.
Thủ-Lý hỏi :
- Có phải thái sư bá của cô nương là Thiên-Hư đạo nhân không ?
Bảo-Bảo mở to mắt kinh ngạc :
- Thì ra người đã biết rồi ư ?
- Tại hạ đoán ra mà thôi.
Thủ-Lý giảng giải :
- Cô nương gọi ông là thái sư bá, thì ông ta là chưởng môn phái Hoa-sơn tức Trung-Nhạc Tung-Sơn tiền nhiệm của Ngô Giới. Mà chưởng môn tiền nhiệm Ngô Giới thì là Thiên-Hư đạo nhân. Ông ta sang Đại-Việt ngay từ những ngày đầu của triều đại Nam Tống để tìm bộ Vô Trung kinh. Ông ta thấy, nếu một mình phái Hoa-sơn mà muốn đoạt lại Vô Trung kinh thì e còn khó hơn bắc thang lên trời. Vì vậy ông mới nghiên cứu kế hoạch kéo triều Tống vào cùng làm. Bấy giờ là lúc thịnh thời của Ngô Giới, Ngô Lân, Hàn Thế-Trung, Lưu Kỳ, nên Khu-mật viện Tống chấp nhận liền. Anh em họ Ngô tuyển hai giai nhân tuổi còn nhỏ, rồi trao cho Vân-Đài, Công-Chúa thu làm đệ tử, còn Khu-mật viện thì dạy tiếng Việt, văn hóa Việt, rồi gửi sang cho Thiên-Hư...Thôi cô nương tiếp cho.
Thấy Bảo-Bảo khi thì gọi Thủ-Lý bằng người, xưng ta, khi thì gọi bằng đại ca xưng muội, thì Đoan-Nghi nghĩ thầm :
- Cô này say mê ông anh chồng mình rồi đây. Khu-mật viện Tống cài người thì hay thực, nhưng họ cài những thiếu nữ quá non nớt, thành ra thiếu bản lĩnh trong tình trường, rút cuộc kết quả bị đảo ngược. Cái nàng Công-Chúa khi xưa thì say mê ông bố chồng mình, Thúy-Thúy thì say mê Thủ-Huy. Còn nàng Bảo-Bảo thì cảm anh Thủ-Lý rồi.
Bảo-Bảo kể bằng giọng tha thiết :
- Bấy giờ sư phụ đã được trao cho đạo cô Mao-Nữ nuôi dạy, định sẽ gửi sang Đại-Việt. Thái-sư bá yêu cầu Khu-mật viện khẩn dạy sư phụ tiếng Chàm, cùng âm nhạc. Rồi đưa sang Chiêm giả làm công chúa nước này. Chiêm dâng sư phụ cho Đại-Định hoàng đế. Đúng ra với tài sắc của sư phụ, thì người có thể làm cho nhà vua say đắm, rồi chuyên quyền. Nhưng thái sư bá không cho, vì làm như vậy dễ bị lộ lắm, dẫu sao sư phụ cũng là công chúa Chiêm. Cho nên sư phụ luôn tỏ ra là một bà phi hiền hậu.
- Có phải tên thực của sư phụ cô nương là Hàn Dũ-Linh không ?
Bảo-Bảo kinh hoảng :
- Người...Người... Đại ca cái gì đại ca cũng biết cả rồi, thế mà đại ca còn hỏi.
Thủ-Lý cười :
- Có điều tại hạ biết, có điều không. Nhạc cô nương ơi ! Thế hai sư bá Vân-Đài, Công-Chúa của cô nương là ai ?
Bảo-Bảo quát lên :
- Ta không khai nữa !
Nàng bưng mặt khóc nức nở :
- Hu...hu.. Ta không khai nữa, ta muốn chết đi cho rảnh, vì người đã rạch mặt ta rồi. Trên mặt ta đã có thẹo hình con cua với con ếch, xấu chết đi được.
Thủ-Lý an ủi :
- Nếu như tại hạ có cách làm cho mặt cô nương hết thẹo, thì cô nương có khai tiếp không ?
Bảo-Bảo tươi nét mặt :
- Nếu như người...à đại ca có cách làm cho mặt muội không có thẹo, thì muội nguyện làm nô tỳ cho đại ca cả đời.
- Cô nương nhớ lấy nhé.
- Muội xin hứa.
Thủ-Lý móc trong bọc ra hộp cao, rồi dùng hai ngón tay móc lấy một cục, sau đó bôi lên mặt Bảo-Bảo. Chàng thoa đi, thoa lại trên mặt cho nàng. Một cảm giác kỳ lạ chạy rần rật khắp người, làm Bảo-Bảo đê mê, cơ thể nóng bừng lên. Nàng nhắm mắt lại , trong lòng ước mơ Thủ-Lý cứ thoa mãi. Vô tình hai tay nàng để lên đùi Thủ-Lý, hơi thở dồn dập... Nhưng Thủ-Lý đã ngừng lại, chàng giải huyệt cho Thúy-Thúy với Bảo-Bảo :
- Xong rồi, bao nhiêu vết dao làm rách thịt đã liền lại rồi.
Bảo-Bảo không tin :
- Thực ư ? Sao lại có thể có loại cao thần diệu đến vậy ư ?
Thủ-Lý bảo Đoan-Nghi :
- Em lấy cái gương cho Nhạc cô nương soi thử.
Đoan-Nghi cầm gương trao cho Bảo-Bảo :
- Khỏi rồi ! Đại ca của tôi là người chính nhân quân tử, không nói dối phu nhân đâu.
Bảo-Bảo cầm gương soi, thì quả nhiên mặt mình nhẵn như xưa, da mịn màng, chỉ còn vết hồng hồng lờ mờ trên da mà thôi. Nàng run run quỳ gối rập đầu trước Thủ-Lý :
- Tiểu tỳ xin tham kiến chủ nhân.
Thủ-Lý phất tay một cái, kình lực nhu hòa đỡ nàng dậy :
- Chúng ta chỉ nói đùa với nhau, chứ đâu phải là sự thực mà cô nương lại hành đại lễ như vậy ?
- Thần-nông sứ.
Bảo-Bảo nói bằng giọng thiết tha :
- Con gái người Hoa của em đã nguyện dâng hiến thân mình cho một đấng quân tử, thì dù Ngọc-Hoàng đại đế, Diêm-la lão tử bảo thôi, bọn chúng em cũng không đổi ý.
Thủ-Lý xua tay :
- Vừa rồi tại hạ đánh lừa cô nương đấy. Khi tại hạ cầm dao rạch mặt cô nương thì chỉ cho dao chạm vào da mà thôi . Còn sở dĩ có máu là tại hạ vận Cổ-loa tâm pháp của bản phái, cho máu của tại hạ rỉ ra ở đầu ngón tay. Chứ mặt cô nương không hề bị thương. Ngay hai em của tại hạ nhìn mà cũng tưởng là thực. Như vậy là tại hạ nói dối cô nương, thì cô nương không phải giữ lới hứa.
Thúy-Thúy can thiệp :
- Thần-nông sứ ơi ! Đúng ra, khi gập người tại Đông-cung, thì Bảo-Bảo nguyện hiến thân cho Thần-Nông sứ, để nâng khăn sửa túi kia đấy. Tiếc rằng hồi ấy Thần-Nông sứ không biết mối nhu tình của sư muội. Nay sứ đã có người chủ trương ở trong là chị Phương-Lan rồi, nên sư muội xin làm tỳ thiếp. Làm tỳ thiếp cho sứ thì sư muội sẽ thành người họ Trần. Khi là người họ Trần thì dù phái Hoa-sơn có truy lùng trả thù, họ cũng đành nuốt hận mà thôi.
Thủ-Lý chỉ vào trong nhà, chàng dùng ngôn từ bình dân:
- Tôi đã có vợ rồi. Vợ tôi do ông nội cưới cho tôi. Tuy nàng không đẹp bằng hai cô, nhưng tôi vừa kính vừa yêu nàng. Vả chúng tôi là bạn thời thơ ấu, tính tình hợp nhau. Tôi không muốn có người đàn bà khác xen vào làm mờ những gì mà chúng tôi có với nhau. Tôi nhắc lại, dù cho sông Vỵ có cạn, núi Côi có mòn, tình tôi dành cho Phương-Lan cũng không đổi.
Thúy-Thúy thở dài :
- Thì ra Thần-Nông sứ là người gan bằng sắt, tim bằng đồng, dù sư muội có đẹp đến đâu người cũng rửng rưng. Bây giờ sư muội xin Thần-Nông sứ nhận làm nô tỳ cho người, thì người chẳng hẹp gì mà từ chối.
Thủ-Lý hướng ra ngoài, hú lên một tiếng dài. Phương-Lan vào hỏi :
- Anh cần em ?
Thủ-Lý thuật cho vợ nghe những gì đã xẩy ra. Phương-Lan cầm tay Bảo-Bảo :
- Thực xinh đẹp, thực thông minh, thực tài hoa, mà không may bị bọn Tống vô lương tâm đưa vào con đường cùng này. Chị Bảo-Bảo này, tôi xin nhận chị vào trong gia đình tôi, rồi tôi sẽ tìm một đấng nam nhi tài hoa để kết mối lương duyên với chị . Kể từ lúc này, chị là người họ Trần. Cũng kể từ lúc này, cho dù chưởng môn phái Hoa-sơn, cho dù Tống đế cũng không được động đến sợi tóc của chị.
Nhạc Bảo-Bảo hướng Phương-Lan lạy ba lạy. Để cho Bảo-Bảo lạy xong, Phương-Lan tháo chuỗi ngọc trai dài ba vòng trên cổ đeo cho nàng rồi an ủi :
- Chị Bảo-Bảo, gọi là chút quà mọn làm lễ diện kiến.
- Tín-Hương phu nhân.
Đoan-Nghi hỏi :
- Thế Vân-Đài tiên tử, sư phụ của Vương cô nương là ai vậy ?
- Là phu nhân của tể tướng Đỗ An-Di tên Trịnh Nam-Phương.
Trong khi Thủ-Lý thản nhiên, thì Thủ-Huy, Đoan-Nghi cùng bật lên tiếng ái chà. Vì hai người từng nghe nhiều người nói rằng : Cách đây mười mấy năm, bấy giờ Đỗ An-Di còn là một chức thị lang bộ Lại (Tương đương với ngày nay là tổng giám đốc). Ông có bỏ tiền ra mua một người con gái nhà nghèo tên Trịnh Nam-Phương về làm tỳ thiếp. Vì Nam-Phương đàn ngọt, hát hay, lại thông Thi, Thư, nên Di nâng lên làm thứ thiếp, cực kỳ sủng ái. Được hơn năm thì chính thiếp của Di du ngoạn đền thờ vua Hùng, bị trượùt chân chết. Di tâu xin triều đình phong cho Trịnh Nam-Phương lên làm chính thất, tước nhất phẩm phu nhân. Nam-Phương thường giúp Di trong công việc đọc các bản tấu chương khắp nơi gửi về triều, hoặc các chỉ dụ của nhà vua gửi đi. Như vậy thì tình hình Đại-Việt thế nào, Khu-mật viện Tống biết hết rồi !
Đoan-Nghi phát run hỏi :
- Còn Công-Chúa tiên tử, sư bá của phu nhân với Công-Chúa tiên tử là sư tỷ của phu nhân là ai vậy ?
- Thưa điện hạ, điều này cực mật, chính thần cũng không biết là ai. Nếu công chúa hỏi sư phụ thì biết.
Đoan-Nghi biết Bảo-Bảo nói thực, vì lối tổ chức tế tác của Tống, thì trong ba người Giáp, Ất, Bính thì Giáp phải theo dõi Ất, Ất phải theo dõi Bính, Bính phải theo dõi Giáp... để khi bị lộ thì còn một người có thể trốn thoát.
Thủ-Lý hỏi Thúy-Thúy :
- Vương cô nương ! Cái gì cô nương cũng chối là không biết. Nhưng có một điều cô nương phải biết rất rõ, đó là cái ông Lạc-Nhạn cùng trốn đi với cô nương bây giờ hiện ở đâu ? Y là ai ?
Thình lình hai tiếng véo xé gió, rồi hai mũi phi tiễn bay vào trong phòng. Một mũi hướng Thúy-Thúy, một mũi hướng Bảo-Bảo. Đoan-Nghi vung tay bắt một mũi, Thủ-Huy bắt một mũi.
Thủ-Lý, Thủ-Huy, Đoan-Nghi cùng phóng ra ngoài, thì chỉ còn thấy một người đàn ông chạy ra phía bờ hồ đã khá xa. Phương-Lan, Kim-Ngân đang đuổi theo.
Ba người vào trong nhà, thì Thúy-Thúy, Bảo-Bảo không còn đó nữa. Đoan-Nghi than :
- Chúng ta bị mắc kế diệu hổ ly sơn rồi.
Thủ-Lý nhìn Thủ-Huy, rồi mỉm cười bí hiểm :
- Người ta đem hai nàng Vương, Nhạc đi là hay. Bằng không thì Giai-phi Chế-bì La-bút sẽ ỏn thót xin nhà vua ban chỉ giết hai tế tác Tống là Vương Thúy-Thúy, Nhạc Bảo-Bảo để bịt miệng thiên hạ. Bấy giờ chú em tôi phải đem hai nàng đi thắt cổ thì sẽ tiếc đến đứt ruột ra mà chết.
Nghe anh nói, Thủ-Huy đỏ mặt lên, công nói lảng :
- Hai nàng được đồng bọn cứu ra, không biết em sẽ phải trả lời sao với anh Long-Xưởng ?
Thủ-Lý lại ngửa mặt nhìn lên nóc nhà, tủm tỉm cười.
Trong phủ phò mã của Thủ-Huy, hầu hết bọn mã phu, thân binh, tỳ nữ đều do bà Tự-Hấp tuyển từ Thiên-trường mang về, người duy nhất của Đoan-Nghi là con Nhài, tức Tín-Hương phu nhân. Vì vậy bây giờ khám phá ra Tín-Hương là Mao-Nữ tiên tử, Thủ-Huy không cần thẩm vấn bất cứ người nào. Chàng tập họp người trong phủ lại, thông báo, giảng giải cho họ biết mọi sự, rồi dặn bà Ty :
- Kể từ lúc này, vú phải dặn mọi người hết sức giữ kín mọi chuyện, không để bất cứ tin nào lọt ra ngoài.
Bà Ty đã sai dọn cơm lên. Bà nói với Đoan-Nghi :
- Khải điện hạ, hôm nay nhà có món ăn lạ, món ăn này, cậu Lý nấu từ hồi chiều.
Đoan-Nghi cảm động :
- Ông anh của tôi vẫn vậy, cứ mỗi lần về Thăng-long, là y như người lại cho cô em dâu tham ăn này ăn những món đồng quê.
Nàng liếc nhìn trên bàn : Một đĩa chả rươi bốc khói nghi ngút, hương vị ngào ngạt, một bát ốc nhồi nấu giả ba ba, một bát cá chép nấu ám.
Nàng tỏ vẻ sốt ruột :
- Chị Lan với cô Ngân sao mãi chưa về ? Ủa, cả anh Trung-Từ với cô Phương-Liên nữa ? Họ đi đâu ?
Thủ-Lý để tay lên miệng, tỏ ý bí mật :
- Tối họ sẽ về.
Ăn cơm xong, Thủ-Lý đứng dậy vươn vai :
- Anh mới luyện được một pho kiếm đánh nhau dưới nước. Vậy hai em hãy mặc võ phục, mang kiếm cùng anh ra bờ hồ, anh sẽ dạy cho.
Thủ-Huy, Đoan-Nghi líu ríu tuân hành.
Dinh của Thủ-Huy nằm trên bờ hồ Tây, trước dinh lúc nào cũng có sẵn ba chiếc thuyền. Chiếc thứ nhất là một chiến thuyền. Vì Thủ-Huy giữ chức Phụ-quốc Thái-úy, nên hạm đội Âu-Cơ phái cho công chiếc soái thuyền với đầy đủ thủy thủ đoàn thường trực. Chiếc thuyền thứ nhì là chiếc du thuyền, mà ông nội công ban cho công hôm cưới vợ. Thủy thủ đoàn toàn là đệ tử phái Đông-A. Chiếc thứ ba thì của Vỵ-xuyên ngũ tiên tặng cậu em, đây chỉ là chiếc thuyền nhỏ, mà năm bà tiên dùng để đánh cá.
Đoan-Nghi hỏi :
- Thưa anh, chúng ta dùng thuyền nào ?
Thủ-Lý chỉ vào chiếc thuyền đinh của mình đậu ngoài khơi :
- Chúng ta dùng thuyền của nhà mình.
Nói rồi chàng hú lên một tiếng dài, lập tức con thuyền đinh của phái Đông-A đậu ngoài khơi nhổ sào, chèo vào bờ. Ba người tung mình đáp xuống sàn thuyền. Thủy thủ nhổ neo, kéo buồm cho thuyền hướng ra phía bờ sông Hồng. Dưới ánh trăng rằm, gió hiu hiu thổi, mặt nước hồ Tây như muôn ngàn con rắn vàng bơi lội. Đoan-Nghi tuy không kinh nghiệm, nhưng nàng cực kỳ thông minh. Những biến cố xẩy ra, làm nàng thắc mắc :
- Anh cả ! Có phải anh dẫn chúng em đi bắt gian tế không ?
- Đúng vậy ! Sao em biết ?
- Thứ nhất, cách đây mấy năm, khi đối đáp với sứ đoàn Ngu Doãn-Văn, khi y đòi Lạc-Nhạn với Vân-Đài, anh nói úp mở rằng anh sẽ đem tám người của họ cho quạ rỉa thịt, rồi nộp xương cho y, khiến y bở vía, không dám đòi người nữa. Rồi hồi nãy, anh nói rằng chúng em có sự. Sau đó anh bắt Tín-Hương phu nhân xuất hiện nguyên hình là Mao-Nữ. Hai sự kiện đó cho em biết rằng bao nhiêu âm mưu của gian tế Tống phái Đông-A đã biết hết. Khi ông nội gửi anh về đây để bắt gian, thì nhất định ông sẽ phái theo nhiều người phụ giúp. Cho nên khi có người ném phi tiễn, dụ hổ ly sơn, để cứu Thúy-Thúy, Bảo-Bảo, anh tỏ ra bình tĩnh như không có gì, mục đích qua mắt bọn gian tế còn ẩn núp trong dinh bọn em. Chứ thực ra anh đem hai nàng ấy về trang ấp nhà ta, mà triều đình không thể đòi đem hai nàng ra tra khảo, chém giết. Bây giờ thì chúng ta đi bắt bọn gian tế Tống còn lại. Có đúng thế không ?
- Em thông minh thực.
- Sao anh không cho bọn em biết trước đôi chút, để có thể dùng thị-vệ hay Thiên-tử binh vây bắt bọn chúng ?
- Em nói ! Bọn gian tế này không tầm thường đâu, ngay cả em, lẫn Thủ-Huy thấy chúng, đều bó tay, thì thị-vệ với Thiên-tử binh mà làm gì ?
- Thế chúng ở đâu ?
Thủ-Lý chỉ lên trời : Hai con chim ưng đang bay lượn, dẫn đường cho thủy thủy.
Thuyền ra đến giữa hồ thì Thủ-Lý mới hỏi :
- Chú Huy này ? Chú có được phúc trình đầy đủ về việc Đỗ Thục-phi, Từ Tuyên-phi sinh con chưa ?
- Chưa.
- Để anh giảng cho chú biết, bằng không, chú cứ như người mơ ngủ mãi thì sao cuộc ra quân thành công được ! Nào chúng ta cùng vào khoang thuyền bàn luận cho nghiêm cẩn, hơn là ngồi ngoài này. Tường có mạch, bức vách có tai.
Miệng nói, Thủ-Lý mở cửa khoang thuyền, cánh cửa vừa hé, thì ánh sáng bên trong cũng tỏa ra sáng chưng. Thủ-Huy giật mình, ngơ ngác nhìn anh, vì trong khoang thuyền có Nghĩa-Thành vương, Long-Xưởng, và ba vương Kiến- Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh ngồi đó từ bao giờ.
Long-Xưởng lên tiếng trước :
- Từ hơn mười năm nay, chúng ta cứ nghĩ rằng trong Đông-cung chỉ có một con rắn. Hồi đầu thì chúng ta tưởng nó là người của thái hậu. Nhưng khi cái triều đình gà mái gáy bị dẹp rồi, mà con rắn cũng vẫn còn, thì chúng ta mới biết rằng nó là người của Khu-mật viện Tống, song không tìm ra manh mối. Hồi sáng với sự xu


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui