Anh Không Thích Thế Giới Này, Anh Chỉ Thích Em


1.
Hồi yêu nhau chúng tôi từng chia tay một lần.

Lão thường xuyên phải đi công tác, mỗi lần đi là một hai tháng trời, không có nhiều thời gian ở bên cạnh tôi, tôi lúc nào cũng chỉ có một mình.

Bị ốm sốt đến 42 độ, lo sợ lắm khi nghĩ bản thân mình sẽ không sống nổi, cố gắng chịu đựng một mình gọi xe đến bệnh viện.

Hết giờ làm việc về nhà phát hiện đường ống nước trong bếp bị vỡ, nước chảy ra khắp nhà, đồ đạc nổi lềnh phềnh trên mặt nước, một mình chạy thục mạng đến công ty sửa chữa gọi công nhân đến sửa.

Một tối đã quá mệt sau khi làm thêm, liền ngủ quên trên xe bus, ngủ đến tận trạm cuối cùng, đêm muộn một mình đi bộ mất hơn một tiếng mới bắt được xe.

Về đến nhà, mở cửa ra, tối om như mực, lúc để chìa khóa xuống còn nghe thấy cả tiếng vọng lại, lòng tôi trống trải.

Niềm vui hay nỗi buồn không cách nào sẻ chia, lúc cười hay khóc không thể ôm lấy một người nào đó, đôi khi cảm thấy thế này có bạn trai cũng như không.

Tôi đến đây là vì lão cơ mà, tại sao mỗi lần tôi cần đến lão đều không có ở đây? Một lần tôi rất buồn, hình như là ngày kỷ niệm tròn một năm chúng tôi yêu nhau, vốn đã hẹn sẽ ở bên nhau, nào ngờ tự dưng lão được thông báo phải đi công tác.

Lúc lão thu dọn hành lý, tôi bật khóc.

Tôi biết lão coi trọng sự nghiệp, cũng biết lão bất đắc dĩ, lý lẽ tôi đều hiểu nhưng vẫn thấy rất ấm ức, chỉ muốn khóc một trận cho thỏa thuê.
Lão ôm lấy tôi để mặc tôi khóc, sau khi tôi thút thít chán rồi nín khóc, lão bất ngờ nói: Nếu em đau khổ thế này chi bằng bọn mình chia tay thôi.

Lão nói rất điềm tĩnh.

Lạ thật, trong khoảnh khắc ấy tôi cũng bình tĩnh không kém, lau khô nước mắt rồi nói: Được.
Lão nhanh chóng đóng một năm tiền thuê nhà cho tôi rồi dọn đồ của mình đi.

Chúng tôi cứ chia tay nhau như thế.

Hai tháng sau, Hách Ngũ Nhất biết chuyện chúng tôi chia tay, giận dữ đến tìm lão, vốn định cho lão một trận.

Lúc gặp nhau rồi suýt nữa cô ấy không nhận ra, lão tiều tụy không khác gì một cái xác không hồn.

Đi về, Hách Ngũ Nhất nói với tôi, thôi thì làm lành với lão ấy đi, lão ấy chỉ không muốn thấy mày phải chịu ấm ức mà thôi, lão ấy yêu mày đến thảm thương.

Anh tôi thì gợi ý cho lão, bảo: em tao dễ mềm lòng lắm, mày cứ kiếm cớ thường xuyên nhắn tin cho nó, cứ qua lại nhiều là ổn ngay ấy mà.

Cuối cùng lão gửi tin nhắn cho tôi: “Định nhắc em trời lạnh rồi phải mặc nhiều quần áo vào, nhưng… đậu má, cả tuần nay trời ngày nào cũng nắng chói chang.” Đọc tin nhắn, tôi vừa khóc vừa cười.

Sau đó lão cho tôi biết, ngày mà lão dọn đồ đạc đi, lão đứng trên vỉa hè hút thuốc rồi bị sặc khói đến mức giàn giụa nước mắt nước mũi.

Lần đầu tiên trong đời cảm thấy mình vô dụng đến thế.

Trước đây chúng tôi ở bên nhau, lão vẫn là người chiếm thế thượng phong, nhưng khoảnh khắc ấy, tôi lại cho rằng trong tình yêu, cả hai đều như nhau, không ngờ cũng có lúc lão tự ti, sợ hãi, yếu đuối nhưng lại cẩn thận và không biết cách yêu một người khác như thế nào.

Tôi nghĩ trong tình yêu không có ai chỉ huy ai, mà hai người đều phải hợp sức mới có thể có được an tâm và tự tại.

Nếu nói, thích là mong muốn cùng nhau chia sẻ những điều tốt đẹp thì yêu lại là bằng lòng cùng nhau gánh vác những điều không may.

Tôi biết con đường này rất dài, có lẽ sẽ dài đến hết đời, nhưng tôi muốn cùng lão, thong thả đi đến điểm cuối cùng.
2.
Một lần công ty lão có buổi liên hoan, lão uống say.

Nửa đêm tôi nhận được điện thoại của đồng nghiệp của lão, kêu tôi tới đón chồng, nói chồng tôi say rượu nhưng nói thế nào cũng không chịu về, nhất định cứ ôm chai rượu chờ vợ đến đón.

Tôi dở khóc dở cười, vội thay quần áo rồi phóng đi.
Trên đường về tôi lái xe, lão ngồi trên ghế lái phụ, mắt cứ nhìn tôi chằm chằm.

Sau khi say rượu, lão cực kỳ đáng yêu, như một cậu bé vậy, hỏi gì đáp nấy.

Tôi trêu lão: “Anh là ai??”
“XX.” Lão hét to ra tên của mình.
“Vậy em là ai?”
“Sophie Marceau!” Ồ, bạn F, suy nghĩ của anh còn ở trên trái đất không vậy?
“Sophie Marceau sao có thể đến đón anh được? Cho anh thêm một cơ hội nữa, em là ai?”
“Audrey Hepburn!” Lão cười ngốc nghếch, đổi sang đáp án khác.
Tôi đành theo ý lão: “Vậy Sophie Marceau với Audrey Hepburn, ai xinh hơn?”
Lão lắc đầu: “Chẳng ai xinh cả.”
“Vậy ai mới xinh?”
“Vợ anh!”
“Vợ anh là ai?”
“Kiều Nhất.”
À, uống nhiều thế mà có say thật đâu!
Về nhà tôi bảo lão đi tắm, lão cứ lần chần không chịu đi, ôm tôi gọi: “Vợ ơi!”
Ôm một lúc, lão nói giọng tình cảm: “Anh phải tốt với em hơn mới được!”
Tôi hỏi tại sao, lão bảo: “Em còn trẻ thế mà đã sống ở nơi xứ người, chịu bao nhiêu vất vả, tại anh hết.”
Tôi vui lắm, nói: Em trẻ lắm hả, bây giờ ra ngoài gặp trẻ con chúng nó toàn gọi em là cô.
Lão không nói gì: “Người bình thường đáng lẽ phải cảm động khi nghe thấy nửa câu sau của anh mới phải chứ?”
Ngẫm nghĩ thật lâu mới nói tiếp: “Đúng vậy, vợ anh khác người mà!”
Tôi cười to, thực ra đến giờ tôi vẫn không nghĩ mình sống ở nơi xứ người.
Nhắc đến mới thấy vất vả.

Hồi mới đến Bắc Kinh, tôi phải ở chung phòng với người khác, dùng chung nhà vệ sinh với nhà bếp.

Khi đó ước mơ lớn nhất của tôi là có nhà vệ sinh riêng, nếu được thì muốn có thêm một cái bồn tắm thật lớn, thế mới đủ để hưởng thụ, cảm thấy cuộc sống như thế là đầy đủ lắm rồi.
Hồi ấy tôi với lão F ở hai đầu thành phố.

Ngày nào tôi làm việc xong cũng vui vẻ đi tàu điện ngầm đến tìm lão.

Lão thường phải làm thêm đến rất muộn, chúng tôi cùng nhau ăn cơm dưới sân công ty lão.

Trong nhà ăn của họ có một bà bác bán lẩu cay rất ngon, lão không cho tôi ăn, bảo là không vệ sinh.

Lão luôn cố chấp với một số điều như thế đấy.

Nào là bị cảm thì không uống thuốc, không ăn đồ ăn vỉa hè, cuối cùng bị tôi mè nheo hết chịu nổi đành thỏa hiệp.

Chúng tôi mới có việc nên vẫn chưa kiếm được nhiều tiền.

Lúc mới ra trường đi làm, lão F bị hãm hại thê thảm, tin nhầm người, suýt bị liệt vào danh sách đen trong ngành, lại còn mấy khoản nợ chưa trả được, đúng là cùng đường.

Cuối cùng lão đành cầu cứu cha mình, cha lão không hề do dự mà chuyển ngay tiền cho con trai.

Lão F nói, lúc ấy nhận được tin nhắn đã chuyển khoản thành công, lão cảm thấy hết sức xấu hổ.

Cuộc đời lão trước nay vẫn xuôi chèo mát mái, chưa vấp váp bao giờ nên lúc đó nhất thời không thể chống đỡ nổi, thường xuyên ngồi bần thần mất mấy tiếng đồng hồ, đêm nào cũng mất ngủ, nằm trằn trọc mãi không ngủ được đành dậy cắm đầu vào làm việc, đến tận sáng hôm sau đi làm, hầu như cả đêm không ngủ.
Sau đó lão nói với tôi, nếu tôi không bất thình lình xuất hiện ở Bắc Kinh thì lão cũng không biết tình cảnh đó còn kéo dài đến bao giờ.

Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi đã được sát cánh bên lão trong thời gian lão khó khăn nhất.

Trước khi đến đây tôi không biết lão rơi vào tình cảnh này, nếu biết, tôi chắc chắn sẽ đến sớm hơn.

Ấn tượng sâu đậm nhất là một hôm chúng tôi đi siêu thị, lão thích một cây đèn bàn, giá là 799 đồng, giá này đối với chúng tôi khi đó có hơi cao nên cũng không dám mua.

Tháng đó, sau khi lĩnh lương việc đầu tiên tôi làm là đến siêu thị mua cây đèn kia cho lão.

Tôi nói với lão: “Em tin tất cả những khó khăn mà chúng ta đang phải trải qua đều là điều tất yếu trong đời mỗi con người: không có tiền, áp lực nặng nề, thậm chí là thất bại… Ai cũng phải trải qua giai đoạn này.

Anh đừng lo lắng, cứ từ từ thôi, cùng lắm thì em nuôi anh!” Sau đó chúng tôi có dọn nhà mấy lần nhưng cây đèn này vẫn theo chúng tôi.

Lần trước tôi hỏi: “Anh có ấn tượng sâu đậm với câu gì em từng nói không?” Lão bảo: “Chắc là câu em nuôi anh!”
“Có phải anh thấy rất cảm động không?”
Lão bảo: “Không, anh giận em đến mất ngủ.”
“Tại sao?”
“Nói đến nuôi, chắc chắn phải là anh nuôi em, sau này không được nói như vậy nữa!”
Có đôi lúc tôi thực sự không hiểu tính tình của lão này là thế nào nữa!
3.
Cuối tuần này dậy sớm, đi siêu thị gần nhà mua đồ.

Lúc đi thấy trời mây đen dầy đặc, cũng biết là sắp mưa nhưng vẫn cố ôm tâm lý may mắn, hy vọng mình đi nhanh về nhanh sẽ không mắc mưa, thói quen không mang ô của tôi đến giờ vẫn chưa sửa được.

Nhanh chóng mua đồ xong chuẩn bị về nhà, mới đi ra khỏi cửa thì mưa to đã ập xuống, đợi một lúc lâu vẫn không thấy ngớt đành gọi điện về cho lão.

Lúc tôi đi lão vẫn còn ngủ.
“Dậy chưa?”
“Sao?” Nghe giọng là biết chưa dậy rồi.
“Em không mang ô, đến Gia Lạc Phúc đón em đi, trời đang mưa.”
Lão lẩm bẩm một câu ngốc nghếch gì đó rồi cúp máy.
Tôi đứng ngoài cửa siêu thị đợi lão, thấy mưa ngớt dần, trong lòng lại hối hận vì đã đánh thức lão, đáng lẽ phải để lão ngủ nhiều hơn một chút.

Bỗng nhiên tôi nhớ lại năm cấp ba, cũng là một ngày mưa , tôi không mang ô nên đứng ở cổng trường trú mưa.

Thời điểm đó quan hệ của hai chúng tôi rất ngượng ngùng.

Lúc nào cũng có người nói lão là “bạn trai tin đồn” của tôi, tính tôi thì hướng nội, lần nào bị người ta nói thế cũng xấu hổ muốn chết, chẳng biết phải làm sao, đành cố gắng tránh mặt lão.

Lão chắc cũng cảm nhận được tôi đang trốn tránh nên không chủ động bắt chuyện với tôi.

Hôm đó đứng dưới mái hiên, thấy lão cùng đám con trai bên lớp tự nhiên đi từ trong trường ra, tôi lập tức cúi xuống vờ không nhìn thấy.

Đám con trai đó chậm rãi đi qua tôi, lão là người đi gần phía tôi nhất nhưng không chào tôi.

Đến khi họ đã đi xa tôi mới dám ngước lên, thấy bóng lưng lão, lòng tôi buồn buồn, không thể nói rõ đó là cảm giác gì, như hy vọng sẽ có chuyện gì đó xảy ra nhưng cũng hy vọng không xảy ra chuyện gì.

Tôi chỉ thấy vốn lão đang đi xa thì đột nhiên dừng lại, quay người, chạy về phía tôi, trong tiếng la ó của đám con trai, lão không ngần ngại dúi ô vào tay tôi rồi quay người lao vào màn mưa.

Vẫn chẳng nói chẳng rằng.

Trong trí nhớ của tôi, thời thiếu niên lão rất ít nói, khi chúng tôi đi cùng nhau không khác gì một cảnh diễn trong vở kịch câm.

Lão không nói gì nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự tồn tại của lão, tựa như một bóng đèn cao áp lặng lẽ chiếu xuống mặt đường, lặng lẽ soi sáng tất thảy.
Tôi đứng ở cửa siêu thị đợi một lúc thì đã thấy lão tới, lão bấm còi với tôi còn bản thân thì quay sang một bên nghe điện thoại.

Tôi vui lắm, bèn bất chấp mưa gió lao về phía xe.

Lão giơ tay đuổi tôi quay lại, tôi đành ngoan ngoãn quay lại mái hiên.

Lão xuống xe, bật ô đi về phía tôi.

Đến trước mặt tôi, lão cúp máy, tôi nghĩ lão sắp mắng tôi suốt ngày không mang ô, ai ngờ lão bảo: “Sao không gọi anh dậy để đi cùng?”
“Cuối tuần mà, muốn cho anh ngủ thêm tí nữa.”
Trên đường về, thấy tôi nhìn chằm chằm, lão hậm hực: “Sao? Anh còn chưa rửa mặt!”
“Lạ thật, lúc trước em thấy anh mặc vest, đi giày là đẹp trai nhất, bây giờ lại thấy bộ dạng đầu tóc bù xù, mặt chưa rửa, mặc đồ ngủ cũng đẹp không kém.”
Lão vui ra mặt: “Chồng em mặc kiểu gì cũng đẹp trai.”
Tôi buột miệng nói: “Em yêu anh!”
Lão sửng sốt: “Sao thế?”
“Không sao, chỉ rất muốn nói với anh câu này thôi.”
Xe kẹt trên đường thật lâu vẫn không nhúc nhích được, Bắc Kinh vẫn tắc đường như mọi ngày, không khí ở đây thật không trong lành, thành phố quá rộng, người đông đúc chật chội, tôi lúc nào cũng có ngàn vạn lý do để không yêu thành phố này nhưng vì người tôi yêu đang ở đây nên nhà của tôi cũng ở đây.

Tình yêu làm chúng ta bớt khờ khạo, qua đám đông chật hẹp, chúng tôi ôm nhau bằng sự ấm áp và dịu dàng nhất.

Tôi biết mọi thứ trên thế giới này đều đang thay đổi, nhưng thú thực, người đàn ông này mãi mãi là niềm tin của tôi..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui