Giỗ đầu tiên của Diêu Mỹ Nhân, Phí Thiệu Dương bảo các con mua hoa sen cho mình, tự tay cắm hai bình hoa trưng hai bên bàn thờ vợ.
Hoa sen thơm ngát, đẹp đẽ tỏa hương.
Khi đám giỗ kết thúc, Phí Thiệu Dương lại đi tới bên bể sen toàn lá ở góc sân và đứng trầm ngâm, khóe mắt ửng đỏ, lòng nghẹn ngào nhớ thương.
Qua mùa đông lạnh giá và trơ trụi, đến hè sen trong bể lại đơm chồi, chỉ là không nở hoa nữa.
Một con bướm nhỏ xíu màu trắng bay lởn vởn, sà sà thấp xuống tán sen rậm rạp.
Nó bay quanh rất lâu nhưng không vượt khỏi khuôn khổ bể sen.
Và rồi bất chợt, con bướm đậu vào ngực áo Phí Thiệu Dương, đúng vị trí trái tim đang thổn thức nghĩ về vợ.
Ông thì thầm nhìn nó.
- Là mình phải không?
Người đàn ông lặng im đứng rất lâu, con bướm cũng không bay đi.
Mãi đến khi con gái gọi Phí Thiệu Dương vào nhà thì con bướm mới rời khỏi áo ông, nhưng vẫn bay quanh quanh người.
Phí Thiệu Dương bước đi hai bước, rồi dừng lạ nói nhỏ.
- Mình yên tâm, tôi sẽ sống thật tốt!
Lời vừa dứt thì con bướm không bay quanh người ông nữa, mà bay tới đậu trên một lá sen lớn trong bể.
Khi Phí Thiệu Dương bước hẳn vào trong nhà, ông nhìn ra xa vẫy tay nhè nhẹ, con bướm bay một vòng tròn rồi mới vỗ cánh bay khuất.
***
Lần giỗ thứ 2 của Diêu Mỹ Nhân, trong bể sen nở rộ duy nhất một bông hoa màu trắng khá lớn và đẹp.
Phí Thiệu Dương chăm chút tỉ mẩn, vẫn không tránh được quy luật thời gian.
Ngày cánh hoa lần lượt rụng xuống ông buồn bã không thôi.
Phí Tam Lạc ở bên an ủi bố.
- Chẳng phải vẫn kết đài sao, bố xem, hoa tàn lại cho hạt.
Năm ấy con bướm không xuất hiện, bù lại đơm hoa một bông sen trắng.
***
Ngày 14-2 vào năm tiếp theo, con cái thấy Phí Thiệu Dương một mình ngồi trong phòng tranh.
Đó là phòng tranh của Diêu Mỹ Nhân, dù bà mất thì vẫn được chồng bảo tồn rất tốt.
Tất cả tranh Diêu Mỹ Nhân vẽ hồi trẻ, tranh hai người cùng vẽ khi có tuổi, tranh con cái tặng, tranh các cháu vẽ nguệch ngoạc đều được cất tại đây rất cẩn thận.
Mọi khoảnh khắc, kỉ niệm bên vợ con đều được Phí Thiệu Dương nhớ lại.
Trước mắt ông là tranh một họa sĩ nổi tiếng vẽ hai người khi kỉ niệm ngày cưới.
Không phải ảnh gia đình đầy đủ con cháu vây quanh, mà là tranh vẽ tay.
Trong tranh chỉ có một vợ một chồng, tay nắm tay, bền bỉ son sắt qua năm tháng.
***
Một tuần sau ngày lễ tình nhân, Phí Thiệu Dương qua đời ở tuổi 80.
Ông ra đi nhẹ nhàng không đau ốm, trên tay là điếu thuốc lá thảo mộc cuối cùng trong số thuốc lá vợ tặng năm xưa.
Điếu thuốc đã cũ kỹ nhưng không hề bị mốc, chứng tỏ được bảo quản rất tốt.
Hồi ấy bị vợ bỏ, mỗi lần nhớ vợ lại hút một điếu, khi gần hết thì không nỡ hút mà để dành.
Sau này Diêu Mỹ Nhân có thai, kể từ đó Phí Thiệu Dương cai thuốc lá và không hề hút lại.
Đến khi bà mất, chỉ còn vài điếu cũ mèm được lục lại, ông ngồi ở hiên nhà châm lửa.
Thuốc lá cháy và rụng tàn xuống nền, không được hút mà cứ để cháy hết thì thôi.
Trong di chúc Phí Thiệu Dương để lại, ngoài chia đều tài sản cho các con các cháu thì có căn dặn con cháu yêu thương đùm bọc nhau, đặc biệt nhắc nhở chung thủy với bạn đời.
Ông đã chuẩn bị sẵn phần mộ bên cạnh vợ, nguyện vọng con cái chôn cả giấy đăng kí kết hôn và giấy cam kết, cũng như thỏa thuận tiền hôn nhân cùng mình.
Đời này coi như trọn vẹn.
Trong nhật kí cuối đời của Phí Thiệu Dương có viết.
" Mình à! Diêu Mỹ Nhân của tôi.
Người ta nói phải mấy kiếp mới được sống một kiếp người, nên kiếp này được gặp và làm chồng của em là may mắn nhất đời tôi.
Tôi từng phạm sai lầm, nên không chắc kiếp sau có được tiếp tục làm người và quen em nữa không.
Nếu em là bông hoa, tôi xin làm chiếc lá, được bên em, ngắm nhìn em xinh đẹp ngát hương.
Nếu em là con chim, tôi xin được làm cành cây, để em đậu xuống khi cần nghỉ chân mỗi lúc mỏi mệt.
Mỹ Nhân à, cảm ơn em.
Tôi yêu em rất nhiều, rất rất nhiều.
Nếu có cơ hội yêu em lần nữa, tôi nguyện sẽ tu luyện nhiều kiếp thật tốt, để xin thêm một kiếp được yêu em."
***
Hồ sen năm đầu sau khi Phí Thiệu Dương mất có nở hai bông, một trắng và một trắng pha hồng phớt.
Hai bông chụm vào nhau, nở cùng nở, tàn cùng tàn.
Sau này con cháu vẫn giữ lại phòng tranh và bể sen.
Đặc biệt, bể sen được cải tạo và trồng thêm.
Các năm tiếp theo, hoa nở rất nhiều, vừa trắng vừa hồng, hoa tàn kết hạt, hạt được chọn lọc để trồng mùa sau.
Mỗi dịp sen nở, bàn thờ đấng sinh thành đều có hai bình hoa.
Cháu ngoại tên Mỹ Nhân khi lớn đã đạt giải vẽ tranh tại một cuộc thi tài năng.
Bức tranh có tên " Tình yêu của ngoại".
Bức tranh ấy vẽ dáng vẻ một người phụ nữ ghé đầu vào vai một người đàn ông, tay người đàn ôm ôm vai người phụ nữ vỗ về, cùng nhau đứng ngắm nhìn hoa sen nở rộ.
Phía trên trời xanh mây trắng, phía dưới hai người thương nhau.
- End-.