Ánh trăng nói đã lãng quên

Cuối cùng cô ấy đóng rẩm cửa lại rồi bỏ đi, cả căn phòng cũng rung lên.
Khoảnh khắc ấy chúng tôi hiểu rất rõ, cho dù sau này quan hệ của chúng tôi vẫn có thể được xoa dịu nhưng cuộc giao chiến tối hôm nay vĩnh viễn không thể nhận được sự tha thứ của đối phương.
Lúc tôi và quân Lương chửi nhau không chút nể mặt, Cố Từ Viễn và Viên Tổ Vực đánh nhau bên bờ hồ. Cố Từ Viễn ra tay trước, vốn dĩ ngay từ giây đầu tiên nhìn thấy Viên Tổ Vực, anh đã muốn trút cơn giận này, chỉ là bị chuyện xảy ra sau đó cản trở mà thôi.
Hai người không ai chịu nhường ai nhưng suy cho cùng, về mặt này Cố Từ Viễn không thể sánh được với Viên Tổ Vực, chẳng mấy chốc anh đã bị đánh bại. Vốn dĩ Viên Tổ Vực muốn đánh thêm vài quả nhưng đột nhiên anh thu cú đấm của mình lại.
- Sao không đánh nữa? Có giỏi thì đánh tiếp đi! - Cố Từ Viễn tỏ ra bất cần.
Có lẽ vì quá mệt nên Viên Tổ Vực ngồi xuống, không nói gì.
- Đánh đi, đứng dậy đánh đi! - Cố Từ Viễn không chịu buông tha.
Viên Tổ Vực ngẩng đầu nhìn anh ta. Một lúc sau anh mới nói:
- Bây giờ có đánh chết cậu cũng không giải quyết được gì, người đang đau lòng chẳng phải vẫn đang đau lòng?
Cố Từ Viễn kích động đến nỗi như bị tiêm thuốc kích thích:
- Thế thì cũng không đến lượt anh giáo huấn tôi. Anh là cái gì của cô ấy, anh quen cô ấy được bao lâu?
- Vốn dĩ tôi không là gì của cô ấy, nếu như cậu không làm chuyện có lỗi với cô ấy thì quả thực cũng không đến lượt tôi nói gì, có điều… - Viên Tổ Vực đứng dậy, nhìn Cố Từ Viễn và nói. - Nếu cậu không thể đối xử tốt với cô ấy, vậy thì đừng làm phiền cô ấy.
Lê Lãng rón rén mở cửa, lúc thay giày, anh vô tình nhìn thấy đôi giày cao gót của Thẩm Ngôn đặt ở vị trí khác, không giống với lúc anh đi ra ngoài. Anh thấy ngạc nhiên, không kìm được khẽ gọi tên Thẩm Ngôn.
Đèn trong phòng ngủ của Thẩm Ngôn vẫn sáng. Lê Lãng bước vào, thấy cô đang ngồi trên giường đọc sách. Lại gần mới phát hiện đó là quyển Thánh kinh màu đen, bìa mềm.
Thấy anh bước vào, Thấm Ngôn mỉm cười:
- Anh về rồi à? Đi đâu vậy?
Không biết vì sao bỗng nhiên Lê Lãng quyết định giấu chuyện tối hôm nay. Anh mỉm cười:
- Một đồng nghiệp của anh làm thêm, anh mang tài liệu đến cho cậu ấy, sao em không ngủ?
Gió đêm thổi bay rèm cửa, Thẩm Ngôn đặt quyển Thánh kinh lên chiếc tủ ở đầu giường, kéo tay Lê Lãng:
- Em tỉnh dậy không thấy anh nên một mình đi ra ngoài, nhân tiện mua chút đồ ăn ở cửa hàng tạp hóa.
- À, bây giờ em cảm thấy đỡ hơn chưa? - Lê Lãng không hề nghi ngờ lời nói của cô.
- Đỡ hơn nhiều rồi, anh đừng lo lắng, mau đi đánh răng đi.
Trên bệ có hai bộ bàn chải đánh răng. Bàn chải của Thẩm Ngôn màu cam, của Lê Lãng màu xanh lam, trông rất hài hòa. Lúc Lê Lãng cúi đầu đánh răng, bỗng nhiên Thẩm Ngôn đi đến sau lưng anh như một âm hồn, cô khẽ nói:
- Lê Lãng, chúng mình kết hôn nhé!
Bị giật mình, Lê Lãng chưa kịp lau sạch bọt trên miệng đã ngẩng đầu lên, nhìn khuôn mặt nghiêm túc của Thẩm Ngôn trong gương.
- Chúng mình kết hôn nhé. - Không đợi Lê Lãng hỏi, cô lại thay đổi ngữ khí, lặp lại câu nói vừa nãy một lần nữa.
Cô ngẩng đầu, khuôn mặt ẩn chứa sự mong đợi. Lê Lãng cúi đầu đánh răng, sau đó quay sang ôm cô, ngắm nhìn khuôn mặt đẹp như tranh vẽ trước mắt. Một lúc rất lâu sau anh khẽ nói:
- Thẩm Ngôn, có lẽ anh… cần một chút thời gian để chuẩn bị.
Sáng hôm sau, lúc tôi thức dậy, Quân Lương không ở ký túc, chỉ có Đường Nguyên Nguyên vẫn trang điểm trước gương như mọi ngày. Thấy tôi dậy, cô ấy ân cần hỏi:
- Nếu cậu không có tinh thần thì hôm nay đừng đi học nữa. Nếu điểm danh thì mình xin phép hộ cậu là được.
- Không cần đâu. Mình cũng không muốn làm khó Lương Tranh nữa.
Từ sau lần cùng cô ấy đi tẩy nám, quan hệ giữa hai chúng tôi thân thiết hơn trước rất nhiều.
Đôi khi tôi cảm thấy trò đời đúng là thật nực cười. Người bạn mà bạn tưởng rằng đáng tin nhất, có lẽ sẽ đâm bạn một nhát vào lúc mà bạn không thể ngờ tời. Còn người mà bạn tưởng rằng không thể chơi với họ được lại có thể an ủi bạn lúc bạn cảm thấy không như ý.
Tôi vã nước lạnh lên mặt, nhìn thời khóa biểu, lấy sách rồi cùng Đường Nguyên Nguyên đến phòng học. Lúc đi qua hồ, cô ấy lén nhìn tôi nhưng tôi vờ như không phát hiện ra điều gì, tiếp tục ăn sáng.
- Tống Sơ Vi, cậu và Tô Quân Lương quen nhau rất nhiều năm rồi đúng không? - Ánh bình minh chiếu vào khuôn mặt của cô ấy, không thể không thừa nhận, thực ra những đường nét trên khuôn mặt Đường Nguyên Nguyên rất đẹp.
Tôi mỉm cười với cô ấy nhưng không nói gì.
Cho dù quan hệ giữa tôi và Quân Lương đã rạn nứt đến mức ai ai cũng biết nhưng không có nghĩa là tôi sẽ nói xấu cô ấy với bất kỳ ai. Hơn nữa, tôi tin rằng cô ấy cũng thế.
Đây là một giao ước kỳ lạ: Người đã từng thân thiết với cậu nhất là mình. Ngoài mình ra, không có bất kỳ ai có tư cách đứng trên vạch cao nhất của đạo đức để chỉ trích cậu. Họ không xứng.
Hết tiết một, Lương Tranh chạy lại muốn nói với Đường Nguyên Nguyên đang ngồi cạnh tôi điều gì đó. Nhưng chưa đợi cậu ta lại gần, Đường Nguyên Nguyên đã nhanh chóng chuồn đi. Cậu ta ngượng chín mặt. Vì muốn chữa cháy, cậu ta đành phải bắt chuyện với tôi:
- Tống Sơ Vi, sao mắt cậu lại sưng thế kia?
Thực ra cả tiết học tôi cứ ngồi ngây ra, không nghe cô giáo giảng một câu nào, đến tận khi Lương Tranh ngồi xuống bên cạnh, gọi tên tôi, tôi mới bừng tỉnh từ trạng thái hồn bay phách lạc.
Cậu ta tỏ ra rất tò mò:
- Hỏi cậu đấy, sao mắt cậu lại sưng húp thế kia?
Thực ra không chỉ một mình Lương Tranh cảm thấy ngạc nhiên về bộ dạng của tôi. Buổi sáng, trên đường đến lớp, những người biết tôi khi nhìn thấy tôi đều tỏ vẻ như vậy. Tôi thật hối hận vì đã không đeo kính râm đi học giống năm tôi bị mẹ đánh.
Đang nghĩ đến mẹ thì mẹ gọi điện. Tôi giật nảy mình, nhìn điện thoại không ngừng lóe sáng, trong lòng tôi vẫn do dự không biết có nên nghe hay không.
Nếu nghe điện, chỉ cần mẹ nghe thấy giọng nói của tôi, chắc chắn sẽ nghi ngờ. Tôi đang đấu tranh tư tưởng thì điện thoại ngắt.
Chưa đầy một phút sau, điện thoại lại đổ chuông. Đây là lần đầu tiên xảy ra tình huống này từ khi tôi học đại học đến nay. Trước đây nếu mẹ có chuyện gì, nếu tôi không nghe điện được thì mẹ cũng chỉ nhắn một cái tin thông báo. Tình huống bất thường này khiến tôi có linh cảm chẳng lành.
Quả nhiên mẹ tôi chỉ nói một câu:
- Con mau về đi, bà nội không qua khỏi được rồi.
Tôi bịt miệng, nước mắt lã chã.
Tôi hốt hoảng đứng dậy, không cẩn thận làm rơi sách vở và bút xuống đất. Tôi cũng chẳng buồn nhặt. Lương Tranh vừa giúp tôi thu dọn sách vở vừa hét lên sau lưng tôi:
- Tống Sơ Vi, đi đường cẩn thận.
Không còn một chút sức lực nào để nói tiếng cảm ơn, thậm chí tôi còn không kịp về ký túc lấy đồ mà chạy thẳng ra cổng bắt một chiếc taxi, ra thẳng bến xe.
Vì từ nhỏ đã bị say ô tô nên bình thường tôi rất ít khi đi xe khách. Nhưng hôm nay tôi mặc kệ tất cả. Tôi lao đến quầy bán vé, mua một vé về thành phố Z, còn mười lăm phút nữa là đến giờ xe chạy.
Dường như đây là mười lăm phút dài nhất mà tôi đã từng trải qua. Tôi đứng ngồi không yên, lo lắng nhìn thời gian hiển thị trên góc màn hình, cảm giác nghẹn ngào trào dâng trong cổ họng.
Khó khăn lắm mới lên được xe, nhân viên kiểm vé bắt đầu lề mề kiểm số người. Chú lái xe với chiếc dây chuyền rất to trên cổ vẫn thư thả hút thuốc. Nếu là bình thường, chắc chắn tôi sẽ dồn hết chú ý vào chiếc dây chuyền đó rồi đoán xem đó là vàng tây hay vàng ta, nhưng hôm nay tôi không có tâm trạng để làm chuyện đó.
Lên xe năm phút rồi mà xe vẫn chưa chuyển bánh, tôi không kìm nén được, cuối cùng hét lên với họ:
- Xin các chú hãy cho xe chạy đi, bà cháu không qua khỏi được rồi.
Nói xong câu ấy, nước mắt tôi tuôn trào như mưa. Không gian trên xe chìm trong tĩnh lặng.
Hai giây sau, chiếc xe lăn bánh.
Từ bến xe của thành phố Z đến bệnh viện trung tâm thành phố phải đi qua năm cột đèn xanh đèn đỏ. Chưa có lần nào xui xẻo như ngày hôm nay.
Ngã tư đầu tiên là đèn đỏ. Ngã tư thứ hai là đèn đỏ. Ngã tư thứ ba vẫn là đèn đỏ…
Tôi ngồi ở hàng ghế sau, nước mắt cứ tuôn trào không sao kìm nén được. Người lái xe nhìn tôi qua gương chiếu hậu, có lẽ cũng hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Anh ta nhấn ga rồi nói:
- Em gái, đừng khóc, anh sẽ cố gắng.
Nhưng vô ích, ngã tư thứ tư vẫn là đèn đỏ.
Vận mệnh là một đoàn tàu không thể quay đầu. Trong tiếng ầm ầm khi bánh xe ma sát với đường ray, tôi đã nhìn thấy kết cục của một số chuyện.
Đến cửa bệnh viện thành phố, lái xe phanh kít một tiếng. Tôi giật mình bừng tỉnh trong mớ hỗn độn, ngay cả tiền thừa cũng không nhận, mở cửa xe chạy thẳng vào bệnh viện.
Nhưng sau khi thở hổn hển chạy lên tầng năm, đến bậc thang cuối cùng, bỗng nhiên tôi không thể nhấc chân được nữa… Toàn bộ phần thân dưới giống như bị đúc chì. Từ cầu thang đến phòng bệnh chỉ còn vài mét ngắn ngủi, nhưng dường như đây là đoạn đường khó khăn nhất, nặng nề nhất trong cuộc đời của tôi.
Đến cửa phòng bệnh, tôi nhìn thấy một đám người đang vây quanh chiếc giường ở giữa. Trong đó có một hình bóng rất quen thuộc.
Đó là mẹ tôi, dáng người run rẩy của mẹ cho tôi biết rằng mẹ đang khóc.
Cảm giác tanh nồng từ khoang ngực trào lên trên cổ họng. Vốn dĩ tôi muốn gọi một tiếng bà nội nhưng răng, lưỡi, miệng, tất cả các cơ quan phát âm đều không nghe theo sự chỉ huy của bộ óc.
Ký ức quay trở về. Đó là vào mùa xuân. Hồi ấy, tôi còn rất nhỏ, sống cùng bố mẹ và bà nội. Hồi ấy, vận mệnh tàn khốc vẫn chưa bủa vây chúng tôi.
Cả nhà quây quần trong bữa cơm tất niên. Bà gắp một miếng sủi cảo cho tôi. Tôi cắn một miếng, suýt nữa thì gãy răng. Mẹ vội vàng chạy lại, thì ra tôi đã cắn vào đồng xu trong chiếc bánh.
Hồi ấy, khuôn mặt bà nội có rất nhiều nếp nhăn nhưng bà vẫn còn khỏe, trông bà rất hiền từ. Bà lấy đũa gõ vào bát của tôi và nói, ăn được chiếc bánh có tiền xu, năm sau sẽ rất may mắn. Hồi ấy, tôi ngây thơ tin rằng vì mình may mắn nên mới ăn được chiếc sủi cảo có tiền xu. Tôi thật ngốc! Nhiều năm sau nghĩ lại tôi mới biết thực ra bà làm vậy là có dụng ý.
Bà muốn cố gắng hết sức mình, cho tôi những thứ tốt nhất, cho dù chỉ là một chiếc bánh sủi cảo.
Vì sao bà không thể đợi cháu thêm một chút? Tôi nằm bò bên cạnh giường, gục mặt vào chiếc chăn đầy mùi thuốc sát khuẩn. Tôi nắm chặt đôi bàn tay dần mất đi hơi ấm. Trên mu bàn tay có những vết đồi mồi màu nâu, lòng bàn tay có vết chai tay sần sùi.
Trước đây tôi là người rất sợ chết, rất sợ ma nhưng lúc này, khi nắm đôi bàn tay của bà, tôi không sợ chút nào.
Khuôn mặt vùi trong chăn đã bị biến dạng, tôi không dám ngẩng đầu lên khóc, cũng không còn sức để ngẩng đầu lên.
Nếu có thể, hãy để tôi làm một con đà điểu có được không? Để tôi vùi đầu trong sa mạc, coi như chuyện gì cũng không hề hay biết, có được không? Đừng bắt tôi phải trải qua những chuyện này. Tôi không cần nội tâm sâu sắc. Tôi cũng không cần trí tuệ cuộc đời gì hết… nếu để có được những thứ ấy buộc phải trả cái giá đắt như thế này…
Tôi có thể không trải qua những chuyện này được không?
Tôi có thể từ chối trưởng thành không? Tôi có thể cố chấp sống trong hồi ức không có sự đau khổ được không?
Peter Pan là câu chuyện tôi không dám đọc hai lần. Trong câu chuyện có một câu nói khiến mỗi khi nhớ đến tôi cảm thấy rất buồn: “Nơi đó chúng ta cũng đã từng đến, đến tận bây giờ vẫn có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ vào bờ, chỉ là chúng ta không lên bờ nữa”.
Trong lúc mơ màng có rất nhiều đôi tay dìu tôi, rất nhiều người đến để tách bàn tay của tôi ra khỏi bàn tay của bà. Họ tách từng ngón tay của tôi, ra sức kéo tôi ra khỏi giường bệnh.
Tôi không còn sức để vùng vẫy, cũng không còn sức để phản kháng. Họ muốn làm thế nào với tôi thì làm.
Thế giới này muốn đối xử với tôi như thế nào cũng được…
Vì sao không đợi cháu? Bà nội, cháu đã trên đường đi rồi, vì sao bà không đợi cháu thêm một chút nữa?...
Khoảnh khắc tận mắt chứng kiến y tá đậy tấm khăn trắng lên mặt bà nội, tiếng khóc xé tim gan bật ra từ trong cơ thể tôi, từ nơi sâu nhất của linh hồn.
- Bà nội…


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui