Anna Karenina

Trong giai đoạn đầu sau khi ở cữ và khỏi bệnh, Anna cảm thấy sung sướng tột độ và tràn đầy niềm vui sống. Sự hồi tưởng nỗi bất hạnh của chồng không hề đầu độc hạnh phúc của nàng. Một mặt, kỉ niệm đó quá khủng khiếp làm nàng không muốn nghĩ tới nữa và mặt khác, nỗi bất hạnh của chồng đã đem lại cho nàng một hạnh phúc quá lớn khiến nàng không thể cảm thấy hối hận chút nào. Nhớ lại mọi việc xảy ra sau cơn bệnh như: việc làm lành, việc đoạn tuyệt với chồng, tin Vronxki bị thương, việc chàng trở lại, việc chuẩn bị ly dị, việc bỏ nhà chồng ra đi, phút từ biệt con trai, nàng thấy mọi cái đó hình như là một cơn ác mộng mà chỉ sau khi ở nước ngoài một mình với Vronxki, nàng mới bừng tỉnh thoát ra được. Nhớ đến nỗi khổ gây cho chồng, nàng có cảm giác gần như ghê tởm và tương tự như cái cảm giác của một người sắp chết đuối đã gạt bỏ người bạn đang níu chặt lấy mình. Người bạn đó đã chết đuối. Tất nhiên, đó là việc xấu, nhưng là lối thoát duy nhất, và tốt hơn hết không nên gợi lại chi tiết khủng khiếp đó làm gì.

Sự thanh thoát đến với nàng ngay từ phút đầu đoạn tuyệt và mỗi khi nhớ đến dĩ vãng, nàng lại nghĩ tới giây phút đó. Lúc đó nàng tự nhủ: "Việc mình làm khổ người đàn ông này là điều không tránh được, nhưng mình không hề lợi dụng nỗi bất hạnh của ông ta; chính mình, mình cũng đau khổ và còn tiếp tục đau khổ; mình đã mất những thứ mình yêu quý nhất đời: thanh danh người đàn bà đoan chính và con trai mình. Mình đã hành động sai lầm nên không muốn được hưởng hạnh phúc; mình từ chối ly dị và sẽ đau khổ vì ô nhục và phải xa lìa con trai". Nhưng dù có chân thành mong muốn chịu phần đau khổ đến đâu, Anna vẫn không đau khổ. Nàng không thấy hổ thẹn chút nào. Với sự tế nhị sẵn có của hai người, khi ở nước ngoài, họ tránh tất cả những cuộc gặp gỡ có thể đặt họ vào một nghịch cảnh và ở đâu cũng chỉ gặp những người giả tảng như hiểu rõ hoàn cảnh hơn cả bản thân họ. Cả việc phải xa cách đứa con trai yêu quý, lúc đầu cũng không làm nàng đau khổ. Đứa con gái nhỏ của Vronxki rất xinh, và từ khi Anna chỉ còn mình nó, nàng quyến luyến nó đến nỗi hoạ hoằn mới nghĩ đến con trai.


Cái nhu cầu sống được kích thích sau khi nàng bình phục, trở thành rất mãnh liệt, cùng những điều kiện sinh hoạt rất mới mẻ và rất hấp dẫn khiến Anna sung sướng đến mức không thể dung thứ được. Càng hiểu thêm Vronxki, nàng càng yêu chàng hơn. Nàng yêu vì bản thân chàng và cả vì tình yêu của chàng đối với nàng. Việc chiếm hữu hoàn toàn người đàn ông đó thường xuyên tạo cho nàng nguồn vui. Bao giờ nàng cũng khoan khoái khi có mặt chàng. Mọi nét cá tính của chàng, ngày càng trở nên thân thuộc, đều làm nàng ưa thích. Sự thay đổi trang phục (chàng bỏ không mặc quân phục nữa) làm nàng say mê như một thiếu nữ si tình. Trong tất cả những cái chàng nói, nghĩ và làm, nàng đều thấy dấu hiệu của độc đáo, quý phái và cao thượng. Sự say mê bồng bột của chính nàng đồng thời cũng luôn luôn làm nàng lo sợ: nàng tìm kiếm và không hề thấy ở chàng có cái gì không đáng khâm phục. Nàng không dám để lộ cho chàng thấy ý thức về sự kém cỏi của bản thân so với chàng. Nàng thấy hình như nếu biết điều đó, chàng sẽ mau chóng xa lánh nàng, mà nàng thì không biết ơn thái độ đối xử của chàng và không thể không tỏ ra biết đánh giá đúng thái độ đó. Không bao giờ chàng lộ chút hối tiếc về nỗi đã vì nàng mà hi sinh cả cái sự nghiệp chính trị trong đó, theo ý nàng, chàng có thể giữ vai trò hàng đầu do thiên hướng rõ rệt của chàng về mặt này. Chưa bao giờ chàng yêu say mê và kính trọng nàng đến như vậy và luôn lo lắng tránh cho nàng mọi khó chịu của hoàn cảnh. Con người đầy khí phách nam nhi đó không những không làm gì trái ý mà còn nhường nhịn nàng và hình như chỉ lo đoán trước mọi ý thích của nàng để chiều chuộng. Nàng không thể không cảm động trước việc đó, mặc dầu sự lo liệu và quan tâm thường xuyên đó, cái không khí chăm bẵm chàng bao bọc quanh người yêu đôi khi cũng làm phiền nàng.

Còn Vronxki, mặc dầu thực hiện được điều hằng ao ước bấy lâu, vẫn không thể hoàn toàn sung sướng. Chẳng bao lâu, chàng cảm thấy sự thực hiện điều mong muốn đó chỉ mang lại một hạt cát trong cái núi hạnh phúc chàng đã mơ tưởng. Chàng hiểu ra cái sai lầm muôn thuở mọi người thường mắc phải khi tin rằng hạnh phúc có nghĩa là thực hiện được điều mình mong ước. Trong thời kì đầu cuộc đời chung sống với nàng, sau khi từ chức, chàng thưởng thức cái thứ tự do chưa bao giờ được hưởng và lấy làm mãn nguyện, nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Chẳng bao lâu, chàng cảm thấy nẩy ra trong thâm tâm cái dục vọng muốn có những dục vọng: sự buồn chán. Ngoài ý muốn của mình, chàng bám lấy những thói ngông phù phiếm nhất, những tưởng tìm thấy trong đó một khát vọng và một mục đích. Mỗi ngày, chàng phải sử dụng những mười sáu giờ và hai người lại đang ở nước ngoài, hoàn toàn tự do, thoát khỏi những điều kiện sinh hoạt trong giới hạn thượng lưu từng chiếm hết thời giờ của chàng hồi ở Petersburg. Thậm chí, chàng cũng không thể nghĩ tới những thú vui của cuộc sống trai chưa vợ xưa kia đã nếm trong các cuộc du lịch, và chỉ một lần làm thử (một bữa tiệc với các bạn thân) đã gây cho Anna một nỗi buồn tủi bất ngờ và quá mức so với việc đó. Vì hoàn cảnh già nhân ngãi non vợ chồng, nên chàng không thể giao du với cả người địa phương lẫn người Nga. Còn danh lam thắng cảnh, ngoài việc chàng đã xem cả rồi, thì với tư cách là người Nga và tri thức, chàng không coi chúng quan trọng đến mức lạ lùng như người Anh thường quen như vậy.

Như một con thú đói vồ tất cả những gì vừa tầm, với hi vọng vớ được miếng mồi, Vronxki bất giác lăn vào chính trị, hoặc đọc sách, hoặc hội hoạ.


Vì hồi nhỏ đã có năng khiếu hội hoạ và không biết tiêu tiền vào việc gì, chàng bắt đầu sưu tập một bộ tranh, chàng quyết định chọn môn hội hoạ, dành một phần thời gian cho việc đó và dồn vào đó cả cái mớ khát vọng chưa toại nguyện đang đòi hỏi được thoả mãn.


Chàng vốn có khiếu hiểu biết và bắt chước; chàng tưởng mình có điều kiện để trở thành nghệ sĩ và sau một thời gian tự hỏi nên lựa chọn loại hội hoạ nào: hội hoạ tôn giáo, lịch sử, phong tục hay tả thực, chàng bắt đầu làm việc. Chàng hiểu biết tất cả mọi thể loại và có thể tìm cảm hứng ở cả loại này lẫn loại kia, nhưng lại không ngờ người ta có thể hoàn toàn không hề biết tới các thể loại hội hoạ khác nhau mà vẫn có thể trực tiếp cảm hứng từ cái có sẵn trong tâm hồn, không cần quan tâm xem cái mình vẽ có thuộc một trường phái nổi tiếng hay không. Vì không biết điều đó và không cảm hứng ở chính cuộc đời thật, mà lại cảm hứng theo cuộc đời đã thể hiện qua nghệ thuật, nên chàng nhanh chóng và dễ dãi tìm thấy các đề tài và cũng nhanh chóng và dễ dãi đạt tới một thứ hội hoạ rất giống với loại chàng muốn bắt chước.

Trường phái Pháp uyển chuyển và gây ấn tượng, làm chàng ưa thích hơn cả, chàng bắt đầu vẽ một bức chân dung Anna mặc y phục ý, theo phong cách đó. Và cũng như tất cả những người đã xem bức tranh, chàng thấy nó rất đạt.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận