Anna Karenina

Nữ bá tước Lidia Ivanovna, khi còn là một thiếu nữ rất bồng bột, đã kết hôn quá sớm với một người tuy tốt bụng nhưng là tay ăn chơi nổi tiếng, rất giàu, rất truỵ lạc. Một tháng sau khi cưới, ông ta bỏ bà và chỉ nhạo báng và thậm chí hằn học đáp lại những biểu hiện yêu thương bồng bột của bà, điều mà những người vốn biết tấm lòng tốt của bá tước và không thấy thói xấu nào ở nàng Liđya nhiệt tình, đều không sao giải thích nổi. Từ hồi đó, tuy không li dị, họ sống mỗi người mỗi nơi, và khi chồng gặp vợ, trước sau như một, ông vẫn nói với bà bằng vẻ nhạo báng mỉa mai mà người ta không rõ nguyên nhân vì đâu.

Nữ bá tước Lidia Ivanovna từ lâu không yêu chồng nữa, nhưng từ dạo ấy, bao giờ bà cũng phải lòng một người nào đó. Bà phải lòng nhiều người một lúc, cả đàn ông lẫn đàn bà; bà phải lòng hầu hết những người có vẻ xuất chúng về mặt này hoặc mặt khác: tất cả những ông hoàng, bà chúa có quan hệ với hoàng tộc, một đại chủ giáo, một tổng chủ giáo, một linh mục, một kí giả, ba người thuộc phái yêu văn hoá "Xlav" 1, Komissarov 2, một bộ trưởng, một thầy thuốc, một nhà truyền giáo người Anh và Karenin. Tất cả những mối tình đó, khi lạt lẽo, khi mãnh liệt, vẫn không cản trở bà giữ được những mối giao thiệp rộng rãi và phức tạp nhất ở trong triều và ngoài xã hội thượng lưu. Nhưng từ khi che chở cho Karenin sau nỗi bất hạnh đến với ông và từ khi dành công sức chăm nom gia đình Karenin, lo lắng cho sự an lạc của ông, bà cảm thấy tất cả những mối tình khác chỉ là giả dối và bà chỉ thực sự yêu có mình Karenin thôi. Bà thấy mối tình hiện nay dành cho ông hình như mãnh liệt hơn tất cả những mối tình bà đã trải qua Xưa kia. Khi phân tích và so sánh tình yêu này với những mối tình trước đây, bà thấy rõ bà ắt không yêu Kômixarôp nếu ông ta không cứu thoát tính mệnh Nga hoàng, bà ắt không yêu Rixtic Kujixki nếu không có chủ nghĩa yêu văn hoá Xlav, nhưng bà yêu Karenin là vì bản thân ông, vì tâm hồn cao thượng không được ai hiểu đúng đắn, vì tiếng nói nhỏ nhẹ làm bà thích thú, vì cách uốn giọng kéo dài, cái nhìn mệt mỏi, tính tình và bàn tay dịu dàng trắng muốt nổi gân của ông. Không những bà vui thích khi gặp ông, mà còn tìm đọc trên nét mặt ấn tượng bà gây ra cho ông. Bà muốn làm ông vui lòng không phải chỉ bằng câu chuyện, mà bằng tất cả con người bà. Vì ông, bà ăn mặc chải chuốt hơn bao giờ hết. Bà mơ tưởng tới điều có thể xảy ra nếu bà chưa kết hôn và nếu ông còn tự do. Bà đỏ mặt xúc động khi ông bước vào căn phòng có mặt bà, bà không nén được một nụ cười vui sướng khi ông nói đôi câu trìu mến với bà.

Mấy hôm nay, nữ bá tước Lidia Ivanovna rất bồn chồn: bà được biết Anna và Vronxki đang ở Petersburg. Phải tránh không để cho Alecxei Alecxandrovich gặp mặt nàng; thậm chí, phải làm sao cho ông không biết người đàn bà ghê gớm đó hiện đang ở cùng thành phố và bất cứ lúc nào ông cũng có thể chạm trán với nàng.

Qua bè bạn thân thuộc, Lidia Ivanovna điều tra được những dự định của bọn "người xấu xa" đó - bà vẫn gọi Anna và Vronxki như vậy, - và bà gắng điều khiển nhất cử nhất động của ông bạn thân sao cho Karenin không thể gặp họ. Viên phó quan trẻ tuổi, bạn Vronxki, người nhận cung cấp tin tức cho bà, với hi vọng kiếm chác được chút đặc ân, vừa báo là họ đã thu xếp xong công việc và ngày mai sẽ ra đi. Lidia Ivanovna bắt đầu yên tâm, nhưng sáng hôm sau, có người mang đến cho bà một bức thư khiến bà kinh hãi khi nhận ra nét chữ. Đó là nét chữ Anna Karenina. Phong bì làm bằng thứ giấy như vỏ cây: trên tờ giấy dài màu vàng, có một mẫu hoa tự lớn và mùi nước hoa thơm ngát toả ra.

- Ai mang cái này lại thế?

- Một người ở khách sạn.

Hồi lâu, nữ bá tước Lidia Ivanovna không ngồi xuống nổi để đọc thư. Sự xúc động làm bà lên cơn hen (bà vốn dễ lên cơn). Khi trấn tĩnh lại, bà đọc bức thư sau đây, viết bằng tiếng Pháp:

"Thưa bá tước phu nhân 3, những tình cảm Cơ đốc giáo tràn ngập tâm hồn bà cho phép tôi mạnh dạn viết thư cho bà, mặc dầu biết thế là không thể dung thứ được. Tôi đau khổ vì phải xa cách con trai tôi. Tôi xin bà cho phép tôi được gặp nó một lần trước khi ra đi. Xin bà tha lỗi cho tôi đã làm bà lại nhớ đến sự tồn tại của tôi. Sở dĩ tôi viết thư cho bà mà không viết cho Alecxei Alecxandrovich, đó chỉ là vì tôi không muốn làm cho con người độ lượng đó lại đau khổ vì phải nhớ đến tôi. Biết rõ tình bạn của bà đối với ông ấy, tôi tin chắc bà sẽ hiểu. Xin bà cho biết, bà sẽ cho người đưa Xergei đến chỗ tôi hay tôi phải đến nhà vào một giờ hẹn nhất định, hay sẽ cho nhắn tôi đến đâu vào lúc nào để gặp cháu ở ngoài nhà? Tôi nghĩ bà sẽ không từ chối vì tôi biết rõ tấm lòng đại lượng của người quyết định việc này. Bà không thể tưởng tượng hết nỗi khao khát của tôi muốn được gặp con và do đó, cũng không hình dung hết lòng biết ơn của tôi đối với sự giúp đỡ mà hẳn bà sẽ vui lòng ban cho

Anna".

Mọi cái trong thư đều làm nữ bá tước Lidia Ivanovna tức giận; cả nội dung lẫn việc nhắc đến lòng đại lượng và nhất là cái giọng mà bà cho là phóng túng.

- Bảo họ là không có thư trả lời đâu, - nữ bá tước Lidia Ivanovna nói, và lập tức mở tập giấy thấm, viết thư báo cho Alecxei Alecxandrovich biết bà mong gặp ông hồi một giờ tại triều đình vào buổi chầu chúc tụng.

"Tôi cần nói chuyện với ông về một việc đáng buồn và quan trọng. Ta sẽ hẹn chỗ gặp sau. Tốt nhất là ở nhà tôi, tôi sẽ sai pha trà cho ông. Việc cần đấy. Chúa bắt ta đau khổ, nhưng Người cũng cho ta sức chịu đựng, bà viết thêm để chuẩn bị tinh thần cho ông.

Nữ bá tước Lidia Ivanovna thường xuyên mỗi ngày viết hai ba bức thư cho Alecxei Alecxandrovich. Bà thích cách liên lạc đó, nó khiến cho quan hệ riêng tư của họ có cái vẻ phong nhã và bí ẩn vốn đang thiếu.

--- ------ ------ ------ -------

1 Phái yêu văn hoá Xlavơ là một khuynh hướng tư tưởng xã hội Nga, theo chủ nghĩa dân tộc, thể hiện quyền lợi của tầng lớp quý tộc chủ nô gia trưởng.

2 Komissarov: người đã cứu Nga hoàng Alecxandr II khi bị ám sát.

3 Madame la Comlesse (tiếng Pháp trong nguyên bản).


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui