Anna Karenina

Vronxki và Anna sống cả mùa hè và một phần mùa thu ở nông thôn, vẫn trong những điều kiện như vậy, Anna và chồng nàng vẫ chưa hề li di. Họ quyết định không rời khỏi nhà; nhưng sau thời gian dài sống cô độc, nhất là trong mùa thu khách khứa đi cả rồi, cả hai đều cảm thấy không thể chịu đựng được cuộc sống đó và cần có sự thay đổi.

Nhìn bề ngoài, với cuộc sống như thế, tưởng như họ chẳng cần mong muốn gì hơn nữa: giàu có, khoẻ mạnh, có một đứa con, người nào việc ấy. Anna, ngay cả lúc vắng khách, vẫn tiếp tục chăm chút thân thể và đọc rất nhiều tiểu thuyết và những trước tác nghiêm túc hợp thời. Nàng gửi mua tất cả những sách được khen trên báo chí nước ngoài và đọc tất cả những thứ đó với sự chăm chú chỉ có thể thấy trong cảnh cô đơn. Ngoài cái đó, nàng còn nghiên cứu trong sách hoặc chuyên san mọi vấn đề Vronxki quan tâm thành thử chàng thường hay hỏi nàng về những vấn đề nông học, kiến trúc, hay thậm chí cả vấn đề nuôi ngựa hoặc thể thao nữa. Ngạc nhiên về sự hiểu biết và trí nhớ của nàng, thoạt đầu chàng còn nghi ngờ và yêu cầu dẫn chứng: nàng liền tìm trong sách những đoạn chàng hỏi và chỉ cho chàng xem.

Việc sắp đặt bệnh viện cũng khiến nàng quan tâm. Không những nàng góp phần trông coi, mà còn bắt tay làm thật sự và tìm ra cách bố trí mới. Nhưng dù sao, lo lắng chủ yếu của nàng vẫn tập trung vào bản thân: bản thân nàng được Vronxki yêu thương đến mức nào và có thể thay thế đến chừng mực nào tất cả những gì chàng đã từ bỏ. Vronxki tôn trọng lòng mong muốn giờ đây đã trở thành mục đích duy nhất của đời nàng, là không những làm vui lòng mà còn phục vụ chàng, nhưng đồng thời lại khó chịu vì những sợi dây tình ái nàng tìm cách bao quanh chàng. Thời gian càng trôi qua, chàng càng luôn thấy vướng víu vì những sợi dây đó, càng muốn kiểm tra xem chúng có cản trở tự do của mình không, tuy chưa đến nỗi muốn thoát khỏi chúng. Nếu không có cái khao khát càng ngày càng tăng, muốn được tự do, không phải lời đi tiếng lại mỗi khi chàng lên tỉnh họp hay dự đua ngựa, thì hẳn Vronxki đã hoàn toàn mãn nguyện về cuộc sống. Vai trò chàng đã chọn - vai trò một điền chủ giàu có làm hạt nhân cho giới quý tộc Nga - không những hoàn toàn hợp với sử thích của chàng mà còn mang lại những mãn nguyện ngày một lớn, giờ đây khi chàng đã sống sáu tháng như vậy. Công việc tiến hành đúng hướng, ngày một thu hút chàng. Bất kể những món tiền kếch xù bỏ vào xây bệnh viện, những máy móc, gia súc đặt từ Thuỵ Sĩ và bao nhiêu khoản mua sắm khác, chàng vẫn đinh ninh rằng mình không hề phá tán cơ nghiệp mà trái lại còn củng cố thêm là khác. Đụng tới vấn đề lợi tức, vấn đề bán gỗ, bán hoa màu, bán len hoặc cho phát canh ruộng đất, Vronxki cứng rắn như đá tảng và biết giữ giá. Đối với nông nghiệp, chàng ưng những phương pháp đơn giản nhất, bảo đảm nhất và tỏ ra khôn ngoan, tiết kiệm trong từng chi tiết nhỏ. Mặc dầu viên quản lí người Đức cơ mưu và lọc lõi trình bày mỗi khoản mua sắm mới như một món tiết kiệm có thể thu lãi tức khắc để thuyết phục chàng, Vronxki vẫn không chịu nhượng bộ. Chàng lắng nghe đến cùng, chất vấn và chỉ đồng ý khi công việc dự định thật hoàn toàn mới mẻ ở Nga và có thể gây dư luận. Chàng chỉ quyết định tiêu những món lớn khi có khoản thừa ra và mỗi lần tiêu như vậy, chàng điều tra từng chi tiết nhỏ, lo sao mua được những gì tốt nhất xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Bằng cách ấy, rõ ràng chàng tuyệt nhiên không làm tổn hại đến tài sản mà còn vun đắp thêm.

Vào tháng mười, có cuộc bầu cử đại biểu quý tộc tỉnh Casin, nơi có trại ấp của Vronxki, Xvyajxki, Koznưsev, Oblonxki và một phần nhỏ của Levin.

Do những hoàn cảnh đặc biệt và những nhân vật tham gia, cuộc bầu cử đã được giới thượng lưu lưu ý, được mọi người bàn tán xôn xao và chờ đón. Những người ở Moskva, Petersburg, ở nước ngoài, chưa bao giờ dự bầu cử, cũng đổ về tỉnh.

Từ lâu, Vronxki đã hứa với Xvyajxki là sẽ có mặt.

Trước đó ít bữa, Xvyajxki, thường qua lại Vozđvijenxcoie luôn, đã ghé thăm Vronxki.

Vừa mới hôm trước, Vronxki và Anna đã suýt cãi nhau về chuyến đi này. Bây giờ là vào giai đoạn buồn tẻ nhất của mùa thu ở nông thôn; Vronxki sẵn sàng nghênh chiến, đã báo cho Anna biết mình sắp đi bằng một vẻ lạnh lùng và nghiệm nghị chưa từng thấy trong những lần nói chuyện trước đây. Chàng rất ngạc nhiên thấy Anna đón tin đó một cách rất bình tĩnh và chỉ hỏi chàng bao giờ về. Chàng chăm chú nhìn nàng, không hiểu được vẻ thản nhiên ấy. Nàng đáp lại cái nhìn ấy bằng một nụ cười. Chàng vốn biết Anan có tài giấu kín tâm sự và chỉ sử dụng tài đó khi quyết định một điều gì không muốn cho chàng hay. Chàng sợ tình trạng đó; nhưng vì muốn tránh cãi cọ, nên chàng làm ra vẻ tin, thậm chí có phần thành thực tin là nàng đã biết điều hơn.

- Anh mong mình sẽ không buồn.

- Em cũng thế, - Anna nói. - Hôm qua, em vừa nhận được một hòm sách từ hiệu Gochie gửi đến. Không, em sẽ không buồn đâu.

"Cô nàng muốn đổi giọng đây, chàng nghĩ thầm. Càng tốt, nếu không lại như mọi lần trước".

Thế là chàng đi dự bầu cử, không ép nàng phải cắt nghĩa tỏ tường. Kể từ buổi đầu dan díu, đây là lần đầu tiên hai người tạm biệt nhau, không phân giải ngọn ngành. Một mặt, chàng cũng áy náy nhưng mặt khác, lại thấy thế là ổn hơn.

"Mới đầu, như bây giờ chẳng hạn, thì có một cái gì mập mờ, khuất tất nhưng rồi sau, nàng sẽ quen đi thôi. Dù sao, vì nàng, mình cũng sẵn sàng hi sinh hết thảy, trừ sự độc lập", chàng tự nhủ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui