Anna Karenina

Trong thời gian lưu lại Moskva, Levin càng thêm gần gũi một người bạn cũ ở trường Đại học, giáo sư Katavaxov, mà từ độ cưới vợ, chàng chưa gặp lại. Chàng mến Katavaxov vì quan điểm ông ta sáng sủa và giản dị. Levin cho rằng quan điểm của Katavaxov sáng sủa là do bản chất ông ta nghèo nàn; về phía Katavaxov, ông ta nghĩ tư tưởng Levin tiền hậu bất nhất là do chàng thiếu tinh thần kỉ luật; nhưng Levin ưa cái sáng sủa của Katavaxov và sự dồi dào vể tư tưởng vô kỉ lụat của Levin lại khiến Katavaxov khoái, cho nên họ thích gặp nhau để tranh luận.

Levin đọc vài đoạn sách của mình cho Katavaxov nghe và ông ta lấy làm thú vị. Vừa hôm trước gặp Levin trong một cuộc nói chuyện trước công chúng, Katavaxov cho biết Metrov trứ danh hiện đang ở Moskva, Levin rất thích bài báo của ông này, và ông ra rất quan tâm đến những điều Katavaxov nói về công việc của Levin. Metrov sẽ đến nhà Katavaxov vào hồi mười một giờ sáng hôm sau và sẽ rất sung sướng được làm quen với Levin.

- Anh bạn thân mến, rõ ràng anh đã tu tỉnh, tôi rất mừng được gặp anh, - Katavaxov nói khi ra đón Levin ở phòng khách nhỏ. - Khi nghe thấy tiếng chuông, tôi đã nghĩ bụng: "Không lẽ anh chàng này lại đúng giờ đến thế!". Này, anh nghĩ thế nào về những người Mongtenegro? Thật là những chiến sĩ hạng nòi!

- Có chuyện gì thế? - Levin hỏi.

Katavaxov tóm tắt cho chàng những tin mới nhất và bước vào phòng làm việc, giới thiệu Levin với một người khoẻ mạnh, thấp bé và bề ngoài rất dễ ưa. Đó là Metrov. Câu chuyện xoay quanh vấn đề chính trị một lúc và quanh dư luận của giới thượng lưu Petersburg về những sự kiện gần đây nhất. Metrov dẫn vài câu trong tuyên bố sắp tới của đức vua và một vị bộ trưởng theo một nguồn tin chắc chắn. Katavaxov lại nghe nói là đức vua bình luận khác hẳn. Levin mường tượng ra một tình thế mà đức vua có thể đọc cả hai bài, và câu chuyện về vấn đề này ngừng lại ở đấy.

- Bạn tôi sắp viết xong một cuốn sách nói về những điều kiện tự nhiên của người thợ trong quan hệ với ruộng đất, - Katavaxov nói. - Đó không phải là chuyên môn của tôi, nhưng với tư cách nhà tự nhiên học, điều tôi rất thích thú, là ông bạn đây không coi loài người là nhân tố xa lạ với những quy luật về động vật học mà ngược lại, anh ấy nhìn nó lệ thuộc vào hoàn cảnh và tìm tòi trong sự lệ thuộc đó những quy luật phát triển của nó.

- Thoạt đầu tôi định viết một cuốn sách về nông học, thế rồi, khi nghiên cứu công cụ chính của kinh tế nông thôn là người thợ thì vô hình chung, tôi lại đi tới những kết quả hoàn toàn bất ngờ, - Levin đỏ mặt nói.

Rồi Levin bèn thận trọng trình bày luận thuyết của mình như kiểu thăm dò trận địa. Chàng biết Metrov đã viết bài báo chống lại nền giáo dục chính thống về chính trị kinh tế học, nhưng chàng không biết có thể trông cậy vào cảm tình của ông ta đến mức nào và không đoán được tình cảm đó trên khuôn mặt trầm tĩnh và thông minh của nhà bác học.

- Theo ông thì người thợ Nga khác với thợ thuyền nước khác ở chỗ nào? Metrov nói: khác về phương diện động vật học, nếu có thể nói như vậy, hay là do những điều kiện sống?

Levin thấy là ngay câu hỏi đó đã toát ra một ý kiến chàng không thừa nhận, nhưng vẫn tiếp tục trình bày luận thuyết: theo chàng, người thợ Nga có những quan hệ với ruộng đất hoàn toàn khác thợ thuyền các nước khác. Và, để cắt nghĩa lời khẳng định đó, Levin vội nói thêm là theo ý kiến chàng, thái độ đó của nhân dân Nga xuất phát từ ý thức về thiên chức của mình: di dân về phía đông tới những vùng đất đai rộng lớn chưa có người ở.

- Thật dễ lầm lẫn khi rút ra những kết luận về vấn đề thiên hướng của một dân tộc, - Metrov ngắt lời Levin. - Hoàn cảnh của người thợ bao giờ cũng tuỳ thuộc vào những quan hệ của họ với ruộng đất và tư bản.

Thế rồi, không để Levin chứng minh nốt, Metrov liền trình bày ý kiến riêng.

Những ý kiến này đúng ra định nói lên điều gì, Levin cũng không hiểu nữa vì thậm chí, chàng không buồn tìm hiểu làm gì: chàng thấy Metrov, cũng như bao người khác, mặc dầu viết bài bác bỏ học thuyết của các nhà kinh tế học, vẫn chỉ nhìn nhận người thợ Nga dưới góc độ tư bản, tiền lương và địa tô. Mặc dầu thừa nhận rằng ở về Đông bộ nước Nga, ở phần đất nước rộng lớn nhất này, chuyện địa tô vẫn còn chưa có gì, rằng đối với chính phần mười cái dân số tám mươi triệu người, tiền lương chỉ hạn chế sao cho tạm đủ sống, rằng tư bản mới chỉ tồn tại dưới hình thức những công cụ lao động thô sơ nhất, ông ta vẫn chỉ đứng trên quan điểm duy nhất ấy để nghiên cứu người thợ, tuy có khác với các nhà kinh tế học về nhiều phương diện, và cũng chủ trương một luận thuyết mới về vấn đề tiền lương mà ông ta trình bày cho Levin nghe.

Levin miễn cưỡng nghe ông nói và lúc đầu đã phản đối. Chàng muốn ngắt lời Metrov để nói cho ông rõ lối nhìn của mình mà theo ý chàng, nó khiến mọi sự trình bày về sau trở nên thừa. Nhưng khi biết chắc ý kiến hai người khác nhau đến nỗi không bao giờ hiểu nổi nhau, chàng thôi không phản đối nữa mà chỉ ngồi nghe. Mặc dầu những lời Metrov nói từ lúc đó trở đi không đem lại chút bổ ích nào, chàng vẫn cảm thấy vui vui khi nghe ông ta. Lòng tự ái của chàng được mơn trớn vì có người uyên bác như thế vui lòng trình bày rất tỉ mỉ ý kiến của mình mà lại cho là chàng hiểu biết vấn đề đó rất sâu (thỉnh thoảng, khi nói về cả một khía cạnh của vấn đề, ông cũng chỉ dùng ẩn ngữ để ám chỉ thôi). Chàng cho như vậy là do mình có tài năng, mà không biết Metrov đã nói cạn hết cả đề tài với mọi người chung quanh rồi, nên rất vui thích vớ được một thính giả mới, gia dĩ ông vẫn sẵn lòng nói với mọi người về vấn đề ông đang bận tâm và cần làm sáng tỏ thêm nhiều mặt.

- Chúng ta đến chậm mất thôi, - Katavaxov kêu lên khi nhìn chiếc đồng hồ treo vừa lúc Metrov trình bày hết. - Hôm nay có cuộc họp của nhóm nghiệp dư nhân dịp mừng Xvintic năm mươi tuổi, Petr Ivanovich và tôi sẽ tới đó. Tôi đã hứa báo cáo về việc nghiên cứu động vật học của ông ta. Mời anh đi với chúng tôi, chắc thú vị đấy.

- Đến giờ rồi thật, - Metrov nói. - Mời ông đi với chúng tôi rồi sau đó đến nhà tôi, nếu ông đồng ý. Tôi rất thích được ông đọc cho nghe tác phẩm. - Ồ, có gì đâu. Đó chẳng qua chỉ là bản phác thảo thôi. Nhưng tôi rất vui lòng đi dự họp.

- Anh biết không, anh bạn thân mến, tôi đã kí vào bản giác thư, - Katavaxov vừa mặc áo ở phòng bên vừa nói.

Và họ liền xoay sang một cuộc tranh cãi xảy ra ở trường Đại học. Cuộc tranh cãi này là một sự kiện rất quan trọng ở Moskva vào mùa đông năm đó. Có ba vị giáo sư già trong hội đồng đã bác bỏ cách nhìn nhận vấn đề của các bạn đồng nghiệp trẻ tuổi, số người này đã đưa ra một bản giác thư. Bản giác thư này theo một số người thì rất tởm, theo số khác lại là điều dĩ nhiên và đúng đắn nhất, cho nên các giáo sư chia làm hai phe.

Phe đối địch, trong đó có Katavaxov, cho số thủ cựu là bọn tố cáo và xảo quyệt; những người thủ cựu thì coi bọn đối địch là ngược ngạo và bất phục tùng. Levin, tuy xa lại với trường Đại học, đã nghe nói đến việc này nhiều lần từ khi đến Moskva và chàng đã có nhận định riêng: chàng tham gia câu chuyện họ tiếp tục nói ngoài phố khi cả ba cùng đến trường Đại học.

Phiên họp đã bắt đầu. Katavaxov và Metrov ngồi vào một cái bàn phủ khăn dạ, ở đó sáu giáo sư đã an vị. Một trong số các giáo sư đó vừa cúi sát xuống bản ghi chép vừa đọc. Levin ngồi vào một ghế bỏ không và hỏi nhỏ một sinh viên ngồi cạnh xem ông ta đang đọc gì. Anh sinh viên lườm chàng, vẻ không bằng lòng và nói:

- Tiểu sử.

Dù không quan tâm đến tiểu sử nhà bác học, Levin vẫn phải miễn cưỡng ngồi nghe và tìm thấy trong cuộc đời nhà khoa học danh tiếng nọ vài đặc điểm thú vị.

Diễn giả nói xong, vị chủ toạ cám ơn, rồi đọc một bài thơ của nhà thơ Măngtơ gửi tới nhân dịp lễ sinh nhật năm mươi năm này và mấy lời cảm ơn tác giả bài thơ. Tiếp đó Katavaxov lớn tiếng the thé đọc một bản lược khảo những công trình khoa học của Xvintic. Khi ông ta đọc xong, Levin nhìn đồng hồ treo thấy đã quá một giờ trưa; chàng nghĩ sẽ không đủ thời giờ đọc tác phẩm cho Metrov nghe trước buổi hoà nhạc, vả chăng chàng cũng không thiết đọc nữa. Trong lúc người ta thuyết trình, chàng cũng nghĩ tới câu chuyện họ vừa trao đổi. Bây giờ chàng thấy rõ ý kiến của Metrov cũng như của chàng đều có cơ sở; những ý kiến này chỉ dẫn đến kết quả, mỗi người nên làm việc riêng rẽ theo con đường mình chọn, chứ đem đối chiếu với nhau thì sẽ không đi đến đâu. Cho nên, sau khi quyết định từ chối lời mời của Metrov, cuối buổi họp, chàng đến ngay chỗ ông ta ngồi. Metrov giới thiệu Levin với vị chủ toạ đang cùng ông bàn chuyện thời sự chính trị. Nhân cơ hội đó, Metrov nhắc lại cho vị chủ toạ nghe những điều đã nói với Levin và Levin lại đưa ra những nhận xét đã nêu lúc sáng, nhưng muốn cho khác đi, chàng lại thêm vào một ý kiến vừa thoáng qua trong đầu. Tiếp đó, câu chuyện lại xoay về cuộc tranh cãi ở trường Đại học. Vì đã nghe tất cả những cái đó rồi, Levin vội nói với Metrov rằng chàng lấy làm tiếc không nhận lời mời của ông ta được, rồi cáo từ và đến nhà Lvov.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui