Giữa tháng 7, tân nương gả chồng, bạn bè thân thích khóc xé gan, áo cưới bằng giấy mặc lên người, về sau chẳng thể gặp tình lang…
Tôi tỉnh dậy trong tiếng đồng dao quỷ dị, bên tai dường như vẫn tràn ngập tiếng trẻ con non nớt.
Mùa đông ở phía Nam là khó khăn nhất, vừa lại vừa khô.
Ánh nắng ngoài cửa ấm áp chiếu sáng nhưng trong phòng lại như hầm băng khiến người ta lạnh run.
Ngày đầu năm mới trùng với cuối tuần nên được nghỉ ba ngày, ngoại trừ tôi ra thì cả ba người bạn cùng phòng đều là người địa phương nên tất nhiên đến ngày lễ thì sẽ về nhà.
Tôi vừa mở điện thoại lên, trên màn hình bỗng xuất hiện một đứa trẻ mặc trang phục thời nhà Đường, trên tay cầm một miếng ngọc thạch màu đồi mồi, chỉ thấy đôi mắt của cậu ta xoay tít, khóe miệng toe toét ngày càng rộng.
Tôi hoảng sợ, lập tức tắt trang web đó đi.
Cuộc sống đại học ngoài đi học ra thì chẳng còn gì làm nên gần đây tôi đã lao đầu vào cày game, đó là trò “Áo cưới giấy”, một trò chơi giải đố phiêu lưu có phong cách hội họa kinh dị dân gian.
Có lẽ đó là do duyên phận sắp đặt mà ngôi làng tôi lớn lên lại trùng tên với địa điểm ở trong trò chơi – làng Trang Linh.
Tôi từ nhỏ vốn đã rất yêu thích phim truyện kinh dị, tuy vừa xem vừa sợ nhưng chưa bao giờ tôi tin tưởng vào mấy chuyện quỷ thần này…
Trong điện thoại có hơn 30 cuộc gọi nhỡ, đều là của mẹ tôi.
Tôi vừa ấn vào gọi lại thì chợt nghe thấy tiếng nức nở của mẹ từ đầu kia điện thoại.
Đầu dây bên kia nói bà nội tôi ngã bệnh nặng, chỉ sợ không còn nhiều thời gian, bảo tôi nhanh chóng xin phép quay về.
Thôn Trang Linh cách trường tôi hơn 600km, dù tôi có chạy về ngay bây giờ thì lúc về đến nhà cũng đã rạng sáng.
Nhưng tôi chẳng thể nghĩ ngợi gì nhiều thêm nữa mà lập tức lên mạng đặt vé rồi thu dọn hành lý.
Quả nhiên, lúc tôi tới nhà ga thành phố ở quê tôi thì đã gần nửa đêm, cụ thể là 11:48.
Đúng là một mốc thời gian không lành.