Ảo Ma Bộ Pháp

Một ngày cuối đông...

Từng cánh én xuất hiện báo hiệu Xuân đang về trên đường quan đạo dẫn vào Dương Lăng trấn. Một tiểu khất cái thất thểu đi vào trấn, quần áo không rõ màu gì, rách bươm, theo gió từng mãnh vải rách tung bay như những cánh bướm.

Ngược hẳn với khuôn mặt dính đầy bùn đất, đôi mắt tiểu khất cái ngời sáng như hai vì sao. Nhờ đôi mắt sáng đó khiến người đối diện có cảm giác dễ nhìn, càng nhìn thì càng thương cảm.

Đáp lại cái nhìn thương cảm của khách bộ hành đi ngược chiều. Tiểu khất cái long mắt nhìn lại và cái nhìn này lại gây cho kẻ khác một ấn tượng khó quên, vì cái nhìn của tiểu khất cái chứa đầy sát khí, căm phẫn.

Dọc theo hai bên quan đạo, trà đình, tửu quán, khách điếm nhan nhản...

Trước cửa những nơi dễ kiếm ăn này, lác đác mỗi nơi đều có vài bóng dáng kẻ ăn xin. Những kẻ ăn xin này, tuy đầu bù tóc rối, quần áo vá chằng chịt, nhưng lại không chen lấn giành giựt khi xin tiền hoặc thức ăn của khách nhân vào cửa. Họ có một nề nếp, tổ chức rõ ràng.

Nhìn kỹ, mỗi người ăn xin đều có một cây gậy, có kẻ đeo túi, có người không. Người đep túi lại thơ thới, phấn khởi đi qua đi lại, không chú ý lắm đến việc xin tiền. Lâu lâu lại chạy đi chỗ khác, cũng không phải để xin ăn mà hình như để nhận một tin tức, hoặc giải quyết những rắc rối nội bộ giữa những người ăn xin khác.

Lúc này, tiểu khất cái vừa đi ngang một tửu quán, mùi thức ăn xào nấu trong tửu quán bay ra thơm phức làm tên tiểu khất cái không muốn cũng phải đứng lại, nhìn vào tửu quán. Tiếng bụng reo sôi lên sùng sục.

Một tên ăn xin tuổi trạc mười bốn, mười lăm đang đứng xin ăn trước cửa tửu quán nhảy vọt ra chận trước mặt tên tiểu khất cái, hắn quát :

- Ê, mi là tên nào. Lộ số nào? Vào đây làm chi?

Tên tiểu khất cái giật mình, lắp bắp :

- Tôi... tôi...

Tên ăn xin được nước, càng lấn tới :

- Ê, đi chỗ khác nghe! Đừng làm bể cái chén mẻ của ta!

Vừa nói hắn vừa đẩy mạnh tay hữu vào vai tên tiểu khất cái. Tên tiểu khất cái như đã hiểu, quắt mắt nhìn lại tên ăn xin không nói gì. Sau đó tên tiểu khất cái quay người như muốn bỏ đi.

- Đứng lại!

Tên ăn xin hét to.

Tiểu khất cái đứng lại, từ từ xoay nghiêng người về phía tên ăn xin và nói :

- Để tôi đi, tôi không làm mẻ cái chén cơm của huynh đâu! Tạm biệt!

Và tiểu khất cái bỏ đi. Hơn mười trượng, chợt tên tiểu khất cái nghe gọi :

- Ê!... Này tên kia... Ê...! Ê...!

Tiểu khất cái ra vẻ như không hay biết, cứ tiếp tục đi.

Chớp mắt, tên ăn xin lại đứng chận trước mặt, hắn nói :

- Này, ta kêu sao mi không đứng lại? Xem thường lão gia thế?

Tiểu khất cái không nói gì, chỉ đứng im nhìn tên ăn xin và nhìn cái bánh bao trong bàn tay đen bẩn của hắn. Nó cố không nuốt nước bọt, nhưng tiếng ực... ực... phát ra liên tục không kềm được.

Tên ăn xin xem chừng như muốn để tiểu khất cái này phải van xin, hắn lại đưa chiếc bánh lên mũi ngữi và chắc lưỡi hít hà. Cố bắt cái đầu phải xoay qua hướng khác, tiểu khất cái không muốn nhìn cái bánh nữa, tuy rằng mọi vẻ bên ngoài đều chứng tỏ nó đang đói... đói dữ lắm.

Nhưng không còn kiên nhẫn được nữa và như cảm thông được cái đói của kẻ đi ăn xin khi nhìn thức ăn của kẻ khác, tên ăn xin đưa chiếc bánh ra và nói :

- Ê, ăn không? Ta cho mi đó!

Tiểu khất cái quay đầu lại thật nhanh, sững sờ như không tin ở tai mình, hỏi lại :

- Cho... cho tôi à? Không... Tôi không ăn của huynh đâu.

- Nè! Ăn đi, ta coi bộ mi đói muốn ngất đi rồi đấy! Ăn đi, ta còn nữa!

Tiểu khất cái rụt rè đưa tay ra, duờng như nó sợ là tên ăn xin đang diễu cợt nó... và nó ngạc nhiên thật sự, khi tên ăn xin dúi chiếc bánh bao vào tay nó. Run run, nó đưa chiếc bánh vào miệng, chưa được ba cái cắn, chiếc bánh đã lọt thõm vào bụng. Mắt nó sáng lên khi như phép thần thông, trên bàn tay tên ăn xin lại có một chiếc bánh khác và tên ăn xin lại chìa chiếc bánh ra cho nó. Nó lại nhìn chiếc bánh, nhìn tên ăn xin, tên ăn xin gật gật đầu như khuyến khích nó, nó đưa tay cầm lấy, lần này nó nói :

- Đa tạ, đa tạ huynh

Và nó nghiến ngấu ăn. Ăn xong có vẻ đã lưng lửng dạ. Nó ngước nhìn tên ăn xin, trong ánh mắt nó sát khí và nỗi oán hờn dịu đi nhiều lắm.

Tên ăn xin chợt nắm tay nó kéo đi và nói :

- Đi, chúng ta đi tìm một chỗ ăn cho đàng hoàng hơn.

Không thể nói gì, tiểu khất cái đi theo tên ăn xin. Không, phải nói là hai tên ăn xin nhập với nhau mà đi, len lỏi qua khỏi trấn. Đến một cái miếu Thổ Địa nhỏ ven đường, hai tên ăn xin dừng lại, chui vào miếu.

Chỗ trong miếu chỉ đủ cho hai tên ăn xin ngồi, không nằm được cũng không đứng thẳng người lên được.

Lúc này, tên ăn xin lớn tuổi hơn cho tay vào bị và móc ra một con gà quay đã ăn dở, vài cái bánh chiên, một nắm đậu lạc. Tất cả để ngay vào giữa chỗ hai đứa ngồi. Tên ăn xin lớn tuổi hơn nói :

- Đấy, bữa ăn đạm bạc của chúng ta đây!

Rồi phá ra cười ngất.

Tên ăn xin kia nhỏ tuổi hơn cũng cười theo.

Chúng vừa ăn vừa hỏi chuyện nhau :

- Này, mi là ai? Ở đâu đến đây? Hình như không phải đệ tử Cái bang phải không?

- Cái bang? Cái bang là gì?

- Hừm! Cái bang là Cái bang! Mà thôi, nói đi, mi từ đâu tới? Tên gì?

- À, tôi là Tiểu Nhẫn, ở Kỳ Liên sơn, lưu lạc tới đây.

- Tiểu Nhẫn! Kỳ Liên sơn! Chà, xa dữ hé! Mà đi đâu?

- Đi đâu? Không biết!

- Không biết? Được rồi, ăn hết đi, rồi kể nghe thử coi! Làm sao từ Kỳ Liên sơn lại đến đây?

Móc bầu nước đeo ở lưng ra, tên ăn xin tu xong, đưa qua cho Tiểu Nhẫn uống.

Và lát sau, mọi chuyện đều rõ ràng đối với Tiểu Truy Phong Vương Thuần, đệ tử đích truyền của Truy Phong Tẩu Cái Mã Hoàng, trưởng lão tám túi Cái bang Chấp pháp đường.

Tiểu Truy Phong Vương Thuần là đệ tử bốn túi của Cái bang, chức vụ tương đương với đà chủ một phân đà Cái bang. Vì có nhiệm vụ riêng nên ở lẫn vào đám đệ tử Cái bang của phân đà tại Dương Lăng trấn này.

Vương Thuần lại nói :

- Té ra là thế, huynh đệ là tên đồng tử đang được Kim Ưng bang và giang hồ võ lâm nhắc đến? Hừm! Vậy là huynh đệ không chết như lời đồn. Bọn Kim cẩu bang này đáng chết thật. Ta đã biết từ lâu, bọn này có dã tâm gì đó không sai!

Tiểu Nhẫn hỏi mau :

- Vương huynh đã biết chuyện của đệ à. Nhanh thật! Mà Vương huynh đã nghe như thế nào?

Tiểu Truy Phong Vương Thuần đáp :

- Còn thế nào nữa! Bọn Kim cẩu bang truyền rao nào là huynh đệ đã biết được bí ẩn của Loạn Thạch cước, huynh đệ là đệ tử của môn phái bí mật nào đó được sai phái đến tìm hiểu về Loạn Thạch cước. Nào là huynh đệ bị chúng truy sát vì huynh đệ tuy còn nhỏ mà đã đang tâm giết chết lão chủ điếm và đốt phá tan hoang cả tửu điếm và rồi huynh đệ bị ngã vào vực sâu chết mất xác. Ồ! Chuyện cũng xảy ra lâu rồi, có đến hơn ba tháng kể từ lúc xảy ra.

Tiểu Nhẫn đứng bật dậy, đầu va vào nóc Thổ miếu đánh cộp. Tiểu Nhẫn căm tức ngồi xuống nói :

- Bọn chúng với tiểu đệ thề không đội trời chung, chúng đã giết Trương đại thúc trước mắt đệ, đã xuống chưởng giết thác má má đệ, và truy sát đệ đến thân sơ thất sở, mà đệ và má má đệ có tội gì đâu?

Hai tay nắm chặt đấm đấm vào nhau, răng nghiến chặt, miệng rít lên :

- Tội gì? Loạn Thạch cước? Thế đệ biết gì nào? Đệ chỉ thấy các vết chân đó ngồ ngộ nên đệ tập đi trên những vết chân đó, nào có gì ghê gớm, nào có gì bí ẩn, ai đi lên dó mà không được?

Đúng là Tiểu Nhẫn vì không biết võ công nên không thể nào biết được, vô tình Tiểu Nhẫn đã luyện thành một bộ pháp có từ trăm năm nay mà không một nhân vật võ lâm nào có thể tìm hiểu được. Có điều bộ pháp đó được ai lưu lại và lưu để làm gì thì lại càng không nhân vật nào kể cả Tiểu Nhẫn biết được. Do đó, khi kể lại với Vương Thuần, Tiểu Nhẫn không có nói dối, vì Tiểu Nhẫn nghĩ rằng mọi người ai cũng có thể dễ dàng bước di trên các vết chân đó.

Vương Thuần cũng nghĩ thế, hắn nghĩ là bọn Kim Ưng bang có oán thù gì với nhà Tiểu Nhẫn nên mới giết người đốt quán rồi lại tung tin đánh lừa dư luận trên giang hồ. Còn đoạn về thời gian ở hòn núi, về việc ăn đám thực thể mà có thể không đói, hết khát mà đi xuống núi thì Tiểu Nhẫn cho là không đáng để nói ra, sợ Vương Thuần lại cho là chuyện không thể tin được vì có ai lại lấy tay bấm vào vách núi mà leo xuống được như Tiểu Nhẫn đã làm.

Do vậy, mọi việc với Vương Thuần lại mang một ý nghĩa khác, tin ở lời Tiểu Nhẫn nói hơn là ở bọn Kim Ưng bang mà lâu nay có nhiều chuyện đáng ngờ. Và những nhân vật võ lâm quan tâm đến đại cục đều đang để ý linh tâm.

Khi biết Tiểu Nhẫn không nơi nương tựa, không có chỗ đi về, Tiểu Truy Phong Vương Thuần lại nói :

- Ta thấy thích huynh đệ rồi đấy! Huynh đệ nghĩ thế nào về việc ta cùng huynh đệ kết nghĩa kim bằng?

Tiểu Nhẫn ngẩn người, hỏi :

- Kết nghĩa kim bằng? Vương huynh cho đệ nghĩ thế nào? Đây là việc mà đệ không thể muốn mà được.

Vương Thuần vội nói :

- Được rồi! Nếu vậy, huynh đệ ngồi đây chờ ta trong chốc lát, ta sẽ về ngay.

Tiểu Nhẫn lại hỏi :

- Vương huynh đi đâu?

Vương Thuần đáp :

- Ta đi mua vài nén nhang và tìm một chút rượu thịt để ăn mừng việc này.

Tiểu Nhẫn đồng ý. Vương Thuần bỏ đi, chưa tàn một nén nhang hắn đã về tới. Hắn thắp nhang, bày rượu thịt. Hắn và Tiểu Nhẫn đứng trước miếu Thổ địa cùng khấn vái :

- Tôi tên Vương Thuần, quê ở Giang Nam, mười bốn tuổi, nguyện kết nghĩa kim bằng với Tiểu Nhẫn, sống cùng sống, chết cùng chết, phúc họa cùng chia, nếu sai lời sẽ bị ngũ lôi phanh thây. Xin Trời Phật chứng giám.

Tiểu Nhẫn cũng khấn :

- Tôi tên Tiểu Nhẫn...

Vương Thuần vội chận lại, hỏi :

- Này Tiểu Nhẫn, huynh đệ họ gì?

Tiểu Nhẫn ngẩn người ra, trả lời :

- Ờ, tiểu đệ từ bé đến giờ lại không hỏi má má mình có họ gì... mà sao lúc má má sắp chết, lại nói tiểu đệ không phải con ruột của má má. Vậy thì tiểu đệ không biết tiểu đệ họ gì đây?

Vương Thuần trầm ngâm, nói :

- Được rồi, huynh đệ và ta lấy lòng thành đãi nhau. Họ gì cũng không cần nữa! Chỉ mong sau này huynh đệ tìm lại được thân thế của mình!

Tiểu Nhẫn khấn lại :

- Tôi là Tiểu Nhẫn, quê ở Kỳ Liên sơn... Vương huynh, Kỳ Liên sơn thuộc địa phương nào?

Vương Thuần cười cười đáp :

- Thiểm Tây!

- Quê ở Thiểm Tây, mười hai tuổi, mà không, nay là mười ba tuổi, nguyện kết nghĩa kim bằng cùng Vương huynh đây. Chúng tôi tuy không sinh cùng ngày nhưng nguyện chết chung giờ, phúc họa chia xẽ cùng nhau. Nếu sai lời sẽ bị trời tru đất diệt. Nguyện Trời Phật minh chứng!

Vương Thuần nghe lời khấn của Tiểu Nhẫn nghẹn ngào không nói nên lời, choàng tay ôm Tiểu Nhẫn vào lòng, kêu :

- Nhẫn đệ...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui