Áo Mưa


Ngày 13 tháng 5 năm Bình Thành thứ 7, một ngày trước ngày của mẹ.
Bầu trời Đài Nam vốn u ám đã lâu, rốt cuộc cũng đổ mưa.
Đây là cơn mưa đầu tiên sau khi Ameko rời Đài Loan.
Osaka giờ có mưa không? Tôi rất muốn biết.
Càng muốn biết nàng có khỏe không?
Có phải cũng nhớ tới tôi ở Đài Nam xa xôi này không?
Bật dù lên, tới tiệm bánh Danby trên đường Đông Ninh.
Trời mưa rất to, cho dù đã có ô nhưng vai trái vẫn bị nước mưa làm cho ướt đẫm.
Mẹ thích ăn khoai môn, cho nên tôi chọn một cái bánh gato vị khoai môn.
Lâu lắm rồi không về nhà, vừa hay nhân cơ hội này về đoàn tụ với gia đình.
Cầm theo chiếc bánh gato, giẫm lên mặt đất đầy vũng nước, từ từ cất bước về nhà.
Ồ? Trong hòm thư không ngờ lại có thêm một bức thư đã dính chút nước.
Tôi sơ ý quá, lúc nãy ra khỏi cửa sao không để ý chứ?
Tôi lấy phong thư được gửi từ Osaka ra khỏi hòm thư đã đọng chút nước mưa.
Nét chữ cong cong vẹo vẹo, vừa nhìn là biết của Ameko.
Thư mà Ameko viết, xem ra chắc chắn phải dính chút mưa mới xứng với cái tên.
Thu ô lại, cầm bức thư của Ameko, đi thẳng lên lầu.
Nhưng lại bỏ quên cái bánh gato vị khoai môn ở dưới nhà.
Trong tiếng mưa rơi rung trời, tôi cẩn thận từng chút một mở bức thư...
oOo
Kính gửi Thái-san.
Tối nay Osaka đổ mưa, mưa lớn như cơn mưa mà chúng mình đã cùng mặc chung áo mưa ở Đài Nam.
Là lần đầu tiên anh kiên quyết.
Em không khỏi nhớ tới anh, O-Gan-Ki-De-Su-Ka? Anh có khỏe không?
Về lại Nhật Bản, đã gần hai tháng rồi.
Thật ra em muốn viết thư cho anh sớm hơn, đặc biệt là đầu tháng tư, khi đó hoa anh đào ở Osaka đang nở rực rỡ nhất.
Nhưng em không nhấc bút lên nổi, thường chỉ viết được một nửa rồi không cách nào tiếp tục được.
Có lẽ do hơi thiếu không khí!
Hay nên nói là, hơi thiếu dũng khí.
Mãi tới tận tối hôm nay, bầu trời đêm Osaka trút xuống cơn mưa đầu tiên kể từ khi em trở về Nhật Bản.
Em đột nhiên nhớ lại tình cảnh khi chúng ta mới gặp nhau.
Dáng vẻ luống cuống tay chân của anh lúc đó, giờ em vẫn còn thấy buồn cười.
Thái-san, khi thi lễ cúi người, đầu gối không được phép cong. Hiểu không? Học sinh ngoan của cô giáo?
Nếu đầu gối cong đi, sẽ giống câu thành ngữ tiếng Trung mà anh dạy em đấy: “khom lưng khuỵu gối”.
Em dùng câu thành ngữ này có chuẩn không? Thầy giáo thân ái của em.
Hóa ra, chỉ cần có mưa, cho dù ở Nhật Bản hay Đài Nam, đều sẽ khiến nỗi nhớ của con người thêm sâu đậm.
Lúc anh nhận được thư, bầu trời Đài Nam có mưa hay không?
Còn anh, có phải cũng đang nhớ tới cô gái Nhật Bản ngốc nghếch này không?
Nếu bầu trời Đài Nam cũng đang mưa, vậy chiếc áo mưa em tặng anh, anh đã mặc chưa?
Còn nữa, anh phải nhớ buộc bùa bình an đền thờ Meiji lên túi sách đấy!
Em thật hoài niệm những ngày tháng bên chiếc bàn học của anh.
Khi đó, em vừa là cô giáo của anh, lại vừa là học sinh của anh, vai vế thay đổi, cũng làm rộn lên không ít chuyện vui!
Thái-san, cái bàn học của chúng ta, giờ anh đang dùng làm gì?
Nghe Tạ-san bảo, gần đây các anh dùng nó chơi mạt chượt, em muốn nói là:
Anh có thắng tiền không?
Em chưa hề quên câu nói “núi xanh còn đó, nước biếc chảy dài” khi ở sân bay.
Đương nhiên, càng không hề quên bài từ anh dạy anh hôm Tết Nguyên Tiêu:
“Năm ngoái đêm nguyên tiêu
Chợ hoa đèn sáng rực
Ngọn liễu mảnh trăng treo
Hoàng hôn người hẹn ước
Năm nay đêm nguyên tiêu
Trăng với đèn như trước
Chẳng gặp người năm qua
Tay áo đầm lệ ướt”
Thái-san, tết Nguyên Tiêu năm sau, chúng ta còn có thể cùng đi ngắm pháo hoa nở khắp bầu trời không?
Anh có thể lại dẫn em đi cầu Mụ Tổ nương nương không?
Giờ đã là tháng năm, cuối xuân đầu hè, hoa anh đào cũng đã rụng hết.
Tháng sáu, em sẽ trở thành cô dâu của Tokyo Ishihara-san.
Con gái Nhật Bản chúng em tin rằng cô dâu tháng sáu là hạnh phúc nhất, em cũng không ngoại lệ.
Cho nên sau tháng sáu, em sẽ đổi tên thành Ishihara Ameko, chứ không còn là Itakura Ameko.
Nhưng em kiên quyết mong anh vẫn gọi em là Tiểu Vũ.
Đương nhiên, anh cũng có thể gọi em là Vũ Cơ, chỉ cần anh vẫn là Kato Chi.
Anh sẽ đến Nhật Bản chúc phúc cho em chứ? Tuy em rất mong anh sẽ tới, nhưng em cũng biết đó là chuyện không thể.
Anh sẽ nói sao?
Em rất muốn đưa anh về thăm quê em, tiện đó tới bên vách núi mà Kato và Vũ Cơ cùng nhảy xuống.
Nhưng dẫu sao quan hệ giữa chúng ta chỉ là thầy trò, cho dù có đến vách núi kia thật,
Chúng ta cũng đâu có lý do gì để cùng nhảy xuống. Phải không?
Cho nên, anh không tới, cũng tốt.
Mưa phùn liên miên rồi cũng tạnh. Mưa phùn dẫu có dai dẳng đến đâu rồi vẫn đến lúc tạnh. Phải không?
Em cảm tưởng như trở lại buổi tối bên ban công ấy, nghe tiếng mưa rơi.
Anh có nghe thấy tiếng mưa rơi không?
Thái-san, chắc chắn anh rất tò mò, vì sao em lại đưa anh chiếc áo mưa đó phải không?
Thật ra, hôm 27 tháng 2 tại Hollywood KTV, khi mưa như trút nước, lúc đó em đã muốn tặng anh.
Nhưng vẫn để anh dầm mưa về nhà.
Anh đi khỏi, một mình em ở lại, không khỏi ngâm nga những câu cuối cùng trong “mùa mưa Osaka”:
“Để anh về trong mưa, là lỗi của em. Mưa ơi! Xin hãy trả lại anh ấy cho tôi. Ôi! Mùa mưa Osaka...”
Anh còn nhớ truyền thuyết lãng mạn ở quê em không?
Khi đó em chỉ nói với anh, nếu chàng trai muốn tỏ tình với cô gái, có thể chọn một hôm trời mưa, mời cô gái mặc chung một chiếc áo mưa.
Nhưng lại không nói với anh, nếu cô gái nhận lời tỏ tình đó hay muốn tỏ tình với chàng trai,
Sẽ đưa cho chàng trai một chiếc áo mưa mà mình từng mặc.
Cho nên, xin anh hãy giữ kỹ chiếc áo mưa đó. A-Ri-Ga-Do-Go-Zai-Ma-Su.
Thế nhé, Kato Chi, A Trí A-Na-Da, Sa-Yo-Na-Ra rồi!
Itakura Ameko
Ngày 6 tháng 5 năm Bình Thành thứ 7.
oOo
Giấy viết thư đã ướt đẫm,
Là do mưa Osaka? Hay là mưa Đài Nam?
Hay do nước mắt của Ameko?
oOo
Ngoài cửa sổ, mưa đã nhỏ dần,
Mở cửa sổ, giọt mưa chạm nhẹ lên lá cây, như xin lỗi vì hành vi thô bạo lúc vừa rồi.
Mà vũng nước mờ nhạt trên bàn kia, chẳng biết từ lúc nào cũng mờ nhạt trong mắt tôi.
Để ước nguyện được thực hiện, từ đầu tới cuối tôi đều không nói cho Ameko ước nguyện mà tôi cầu khấn trong miếu Thổ Thành Thánh Mẫu đêm tết Nguyên Tiêu năm Bình Thành thứ 7. Thật ra tôi cũng như nàng, đều rất ngốc nghếch đối với chuyện cầu khẩn ước nguyện.
Tôi cũng cầu xin Mụ Tổ phù hộ, hy vọng tết Nguyên Tiêu năm sau tôi và Ameko còn có thể cùng tới ngắm mưa pháo hoa. Có điều, tôi tham hơn nàng, ước cả tết Nguyên Tiêu năm sau nữa. Chỉ tiếc, tết Nguyên Tiêu năm Bình Thành thứ 8, tôi biến thành Âu Dương Tu một mình dạo bước chợ hoa. Sau đó thì tết Nguyên Tiêu hàng năm đều trốn trong nhà em đoán đố đèn trên tivi.
Bấm tay tính toán, giờ đã là năm Bình Thành thứ 11.
Mấy năm nay đổi thay rất nhiều, Tín Kiệt tốt nghiệp, sau dó tiếp tục học lên tiến sĩ, nhưng vẫn cứ độc thân.
Trần Doanh Chương đi lính xong bèn kết hôn, cô dâu là bạn gái ở Đài Nam của cậu ta, kết hôn được sáu tháng đã có con.
Đám cưới của Ngu Cơ vào tháng 7 năm nay, nếu cô dâu tháng 6 hạnh phúc nhất, vậy tháng 7 thì sao?
Bạn trai Ngu Cơ len lén nói với tôi, chú rể tháng 7 có lẽ đáng thương nhất.
Tôi nghĩ cũng đúng.
Inoue năm kia đã về Nhật Bản, còn Naomi với bạn trai người Hồng Kông vẫn cứ lây dây.
Vì mẹ bạn trai nàng kiên quyết phản đối con trai mình lấy người Nhật Bản.
Còn tôi, lại bắt đầu thích những ngày mưa.
Đặc biệt là mùa mưa dầm, kéo dài liên miên suốt một hai tuần liền.
Tôi luôn đem tiếng mưa rơi liên tưởng tới tiếng hát của Ameko.
Còn cố ý chọn mua đĩa CD tuyển chọn của Hibari Misora, chỉ vì nghe “mùa mưa Osaka”.
Mỗi lần nghe “mùa mưa Osaka”, lại nhớ lại cảm giác ấm áp khi trên sân thương cùng nghe mưa với Ameko.
Thi thoảng lại ngâm nga theo:
“Yu-Me-Mo-Nu-Re-Ma-Su, A┅OsakaSi-Gu-Re┅┅ "
“Mộng cũng sẽ trút xuống. Ôi! Mùa mưa Osaka...”
oOo
Ba tháng sau khi nhận được thư của Ameko, cũng là một buổi chiều mùa hè vừa mưa rào vừa sấm chớp như hôm nay.
Tôi lấy chiếc áo mưa màu tím đỏ ra chuẩn bị mặc vào.
Nhưng không cẩn thận làm một bức thư chưa gửi rơi xuống.
Bức thư nhẹ nhàng bay giữa không trung, như cánh anh đào bị mưa kéo rời khỏi cây.
Cuối thư ghi ngày 23 tháng 6 năm Bình Thành thứ 7, đó là ngày Ameko kết hôn.
Nội dung bức thư, tôi không còn nhớ...
Thậm chí quên cả mình có viết những lời trái với suy nghĩ, ra vẻ hào phóng như “chúc em hạnh phúc” hay không.
Tôi chỉ nhớ mình ký tên: Kato Chi.
Thư viết xong, mưa cũng ngừng.
Bởi vậy tôi không có lý do để gửi nó đi, hay như Ameko nói, không có dũng khí gửi thư đi.
Bởi vậy cất bức thư vào trong túi áo mưa.
Tháng 4 năm Bình Thành thứ 8, Tín Kiệt sẽ tới đại học Tokyo tham gia một hội thảo nghiên cứu học thuật,
Cậu ta bảo tiện đó sẽ tới Osaka tìm Ameko.
Tôi lấy bức thư chưa gửi ra dán lại, ghi lên mục người nhận: Vũ Cơ.
Sau đó nhờ cậu ta đưa bức thư này tới vách núi mà Kato và Vũ Cơ tuẫn tình, thả xuống.
Tín Kiệt nói đó là mùa hoa anh đào rơi, thư cũng như cánh hoa, lặng lẽ rơi xuống chân núi.
Cũng như Ameko lặng lẽ đứng bên cậu ta.
Chỉ có điều, sau khi thả bức thư, Ameko liền quay đầu đi.
oOo
Tín Kiệt không biết truyền thuyết Kato và Vũ Cơ, càng không biết truyền thống ở quê Ameko.
Vì Ameko chỉ kể cho cậu ta, dưới vách núi có mộ của một cặp nam nữ tuẫn tình và một gian miếu.
Có điều, nàng không hề đưa Tín Kiệt tới dưới vách núi.
Nghe cậu ta kể, lúc đó nàng kiên quyết đòi đi một mình tới dưới vách núi, một lúc lâu sau mới quay trở lại trên vách núi cheo leo.
Tôi vẫn hy vọng bức thư này có thể rơi xuống phần mộ của Kato và Vũ Cơ, tuy cơ hội chỉ cực kỳ ít ỏi.
Không biết vì sao, trước sau gì tôi vẫn kiên quyết không mặc áo mưa.
Bởi tôi luôn cảm thấy, mặc áo mưa nhất định phải mặc chung cùng Ameko.
Cũng vì cái kiên quyết đó, tôi thường “mỗi ngày trời mưa đều cảm lạnh”.
Đã không mặc chiếc áo mưa tím đỏ đó, tôi bèn đặt nó trong tủ hồ sơ.
Ấn nút PLAY của máy thu âm, lại vang lên giai điệu “Koibito Yo” của Mayumi Itsuwa...
Người yêu ơi, tạm biệt nhé
Dẫu bốn mùa qua đi
Bên nhau đêm đó, sao băng đêm nay
Đều rực sáng lên rồi biến mất như một giấc mộng vô hình.
Như bị tiếng ca thôi miên, tôi lấy chìa khóa ra, mở tù hồ sơ, lại tìm thấy chiếc áo mưa màu tím đỏ.
Nhẹ nhàng vuốt ve nó, mơ hồ thấy được cặp răng khểnh của Ameko khi cười.
Cả cơn mưa trên khuôn mặt nàng.
Còn như nghe lại tiếng pháo hoa đinh tai nhức ốc nơi miếu Thổ Thành Thánh Mẫu.
Thế là, giọng nói trong trẻo mềm mại của Ameko không ngừng lặp lại bên tai tôi...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui