Âu Dương Chính Lan

Cách cửa đông thành Trường An vài dặm có một địa phương được mệnh danh là cảnh đẹp thứ chín của cố đô. Tên của nơi ấy là Vạn Tú hoa viên. Khu vườn cảnh rộng ba mươi mẫu này là tài sản tư nhân, nhưng diễm lệ không thua gì hoa viên Hưng Khánh thắng cảnh tạo danh tiếng cho Trường An.
Trong khu vườn trồng hàng vạn loại kỳ hoa dị thảo được sưu tầm từ các nơi đem về. Giả sơn, non bộ có đến mấy trăm, nằm rải rác khắp nơi, khiến cảnh vật bội phần kỳ tú. Lại thêm ba dòng suối trong vắt uốn lượn quanh co, cá lội nhởn nhơ từng đàn. Dưới những gốc tùng bách trăm tuổi kia là bãi cỏ xanh mơn mởn và quanh năm luôn có ngàn hoa đua nở. Du khách nào đến Trường An mà không đến Vạn Tú hoa viên uống rượu, thưởng hoa thì xem như uổng cả chuyến đi.
Nhân tiện xin nói thêm rằng ở nơi này có một tòa tửu lâu bốn tầng bằng gỗ rộng rãi và xinh đẹp. Đương nhiên, các loại danh tửu của Trung Hoa đều đủ cả.
Chủ nhân của Vạn Tú hoa viên, Tây Thục nhất hùng Chu Điện Kiệt, là khách võ lâm nhưng lại rất sành chuyện kinh doanh. Lão biết được ưu thế của mình nên đã lấy giá cao gấp đôi những tửu lâu khác. Ưu thế của lão chính là tiểu thư Chu Thục Nghi, người được thiên hạ tôn xưng là Trường An đại mỹ nhân. Tao nhân mặc khách, thế gia công tử hay hào kiệt võ lâm đổ xô đến Vạn Tú hoa viên cũng chỉ vì nàng. Họ bấm bụng, gượng cười uống cạn những chén rượu đắt cắt cổ, gọi hàng lô những món nhắm thượng hạng dù chẳng thể nào ăn hết một phần mười. Đổi lại, họ được chiêm ngưỡng dung nhan thiên kiều bá mị của Chu Thục Nghi, lảo đảo trở về nhà với mối tương tư, hôm sau lại đến nữa.
Vạn Tú hoa viên quá nổi tiếng nên đã làm lu mờ toà Chu gia trang ở cạnh đấy. Đây chính là nơi cư trú của Tây Thục nhất hùng Chu Điện Kiệt. Họ Chu đã lục tuần, chưa gác kiếm nhưng lao vào việc kiếm tiền đã mười năm nay. Ngoài Vạn Tú hoa viên, lão còn là chủ nhân của nhiều lầu quán và hiệu buôn trong thành.
Sáng nay, có một người khách lạ thúc ngựa đi ngang qua Vạn Tú hoa viên mà không ghé vào. Chàng ta thẳng lên Chu gia trang, xuống ngựa đưa bái thiếp cho tên gia nhân gác cổng.
Khách lạ này là một thư sinh tuổi độ hai mươi lăm, hai mươi sáu. Chàng ta có dáng người gầy gầy, cao cao trông rất văn nhược. Bộ áo học trò bằng vải xanh thô nhưng rất sạch sẽ. Dung mạo chàng không đẹp, không xấu, chỉ vào hạng dễ coi. Tuy nhiên, đôi mắt sâu nằm dưới cặp chân mày chữ nhất kia luôn vui vẻ và tỏa ra ánh nhìn ấm áp, thân thiện, có lúc lại như phảng phất nỗi buồn sâu kín nào đó.
Hành lý của chàng chỉ vỏn vẹn có một tay nải nhỏ và một tráp gỗ đựng bút nghiên. Thư sinh chắp tay sau lưng đứng đợi, ung dung ngắm nhìn ngọn núi Ly sơn ở phía xa xa.
Nửa khắc sau, tên gia nhân trở ra cung kính bảo:
- Chu lão gia cho mời công tử nhập trang!
Thư sinh gật đầu, đi theo gã vào trong. Chu trang chủ ra tận cửa sảnh đón khách. Đôi mắt diều của lão chăm chú quan sát dáng đi và dung mạo của người khách. Hình bóng người chị ruột năm xưa hiện về khiến lòng lão rộn lên niềm cảm xúc.
Chàng thư sinh đến gần, kính cẩn vòng tay thi lễ:
- Tiểu điệt Âu Dương Chính Lan xin bái kiến cửu phụ!
Gương mặt kia chính là của Chu Chính Huệ. Chu trang chủ mừng rỡ bước đến ôm chặt Chính Lan, vỗ về:
- Âu Dương hiền điệt, ba mươi năm nay, lúc nào ta cũng mơ đến ngày được gặp lại gia tỷ. Sao ngươi không đưa bà ấy đến đây?
Chính Lan buồn rầu đáp:
- Gia mẫu đã từ trần cách đây ba năm!
Chu lão biến sắc, sa lệ:
- Thế là chị em chẳng còn cơ hội nhìn thấy mặt nhau nữa! Ngày Huệ thư xuất giá, lão phu mãi phiêu bạt nên không có mặt. Mười năm trước, ta trở về Quảng Nguyên thăm quê hương thì phụ mẫu ngươi đã dọn nhà đi đâu không rõ. Từ ấy bặt tin cho đến tận bây giờ. À, còn phụ thân ngươi có khang kiện hay không?
- Bẩm cửu phụ, gia phụ vì quá đau lòng nên hơn tháng sau cũng lâm bệnh mà qua đời!
Chu Điện Kiệt không biết mặt tỷ phu nên chẳng quan tâm lắm, kéo Chính Lan vào nhà. Lão rót trà rồi hỏi:
- Khi rời khỏi Quảng Nguyên, phụ mẫu ngươi định cư ở địa phương nào?
- Bẩm cửu phụ, họ về Vân Nam sinh sống, xây nhà cạnh bờ hồ Côn Minh.
Chu lão nhíu mày:
- Nghe nói phụ thân ngươi là người Thiểm Tây, sao lại đưa thê tử về chốn hẻo lánh ấy làm gì?
Chính Lan mỉm cười:
- Có lẽ gia phụ yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên của đất Vân Nam.
Chu lão gật gù:
- Đúng rồi, cha ngươi là một thư sinh mà. Thế sao hiền điệt lại biết lão phu ở đây mà tìm đến?
Chính Lan vui vẻ đáp:
- Tiểu điệt định lên Bắc Kinh tìm chút công danh. Khi đến Trường An, tình cờ nghe nhắc đến danh tự của cửu phụ nên dọ hỏi thử. Khi nghe nói người quê ở Quảng Nguyên, tiểu điệt biết mình không lầm. Tiên mẫu vẫn thường nhắc nhở đến cửu phụ có một bớt son gần đầu vú bên trái.
Chu lão xúc động bảo:
- Chị em ta mồ côi từ nhỏ. Chính mẫu thân ngươi đã tảo tần hôm sớm để nuôi nấng ta trưởng thành. Nay lão phu có gia tài hàng ức vạn mà không sao trả nổi ân nghĩa của đại thư. Hiền điệt bất tất phải đi Bắc Kinh tìm công danh làm gì, hãy ở lại đây với cửu phụ. Ta chỉ có một mụn con gái là Chu Thục Nghi, trước sau gì cũng xuất giá theo chồng. Sau này, ngươi lập gia thất, cho một đứa con trai thừa tự họ Chu là lão phu mãn nguyện lắm rồi!
Chính Lan mỉm cười:
- Chỉ sợ tiểu điệt không xứng đáng với lòng yêu thương của cửu phụ.
Chu lão nghiêm sắc mặt:
- Lão phu lăn lộn giang hồ và thương trường đã mấy chục năm, lẽ nào lại nhìn lầm người? Anh mắt và nụ cười của ngươi đã biểu lộ tấm lòng nhân ái, trung thực, y hệt như bào tỷ của ta.
Từ hôm ấy, Âu Dương Chính Lan ở lại Trường An với Chu Điện Kiệt.
Chu lão dắt chàng đi thăm các cơ sở kinh doanh trong thành, học tập cách điều hành sanh ý để sau này thừa kế. Lão còn tổ chức đại yến trong Vạn Tú hoa viên, mời nhân sĩ thương gia thành Trường An đến, giới thiệu Chính Lan với họ.
Có không ít người xầm xì bàn tán, cho rằng Âu Dương Chính Lan quả đúng là chuột sa hũ nếp, tự nhiên trở thành giàu có. Ngay Trường An mỹ nhân Chu Thục Nghi cũng không khỏi sinh lòng đố kỵ với vị biểu huynh từ trên trời rơi xuống kia. Nàng đối xử với Chính Lan rất gượng gạo, giả tạo.
Chu lão là cha nên hiểu rõ lòng ái nữ. Lão gọi nàng vào thư phòng nói chuyện:
- Nghi nhi! Ta đâu phải là kẻ ngu xuẩn mà con lo sợ. Tuy Chính Lan là cháu ruột nhưng cũng đâu dễ gì được hưởng số tài sản mồ hôi nước mắt của ta? Nếu y không xứng đáng thì ta sẽ tặng cho vài ngàn lượng bạc rồi đuổi đi ngay!
Thục Nghi vui vẻ trở ra, và không hề ngờ rằng Chu lão còn giấu nàng một việc. Lão đang dùng danh lợi để thử thách chàng rể tương lai của mình. Lão muốn gả Thục Nghi cho Chính Lan để đền đáp ân nghĩa của người chị nhân ái. Chu Chính Huệ đã hy sinh tuổi xuân nuôi dạy lão nên người. Năm ba mươi tuổi bà mới lấy Âu Dương Tùng, cha của Chính Lan. Hơn nữa, có như thế thì tài sản xương máu này mới không lọt vào tay người ngoài. Và cháu ngoại của lão có đổi sang họ Chu để nối dõi tông đường cũng là hợp đạo lý. Tuy nhiên, lão cần phải biết rõ con người của Chính Lan trước đã!
Phần Chính Lan thì sao? Chàng vẫn trầm lặng ít nói, vẫn mặc những bộ y phục bằng vải thô. Và chỉ trong nửa tháng chàng đã kiểm tra xong toàn bộ sổ sách của hai mươi cơ sở kinh doanh. Chính Lan phát hiện ra bọn tay chân của Chu lão đã âm thầm biển thủ hàng chục vạn lượng bạc. Chàng vào thư phòng báo lại với Chu Điện Kiệt. Lão giận dữ gầm lên:
- Không ngờ bọn chúng lại dám ăn cắp tài sản của lão phu. Ta sẽ gông cổ chúng, giải hết lên quan!
Chính Lan mỉm cười can gián:
- Theo ý tiểu điệt thì cửu phụ nên giải quyết êm thắm để khỏi ảnh hưởng đến thanh danh và sanh ý.
Chu lão khen phải, âm thầm thu hồi số bạc thất thoát và thay đổi dần nhân sự. Lão ngày càng thêm yêu mến tài năng và nhân cách của đứa cháu côi cút kia. Bọn gia nhân trong Chu gia trang cũng rất yêu mến chàng thư sinh hiền lành, khiêm tốn và giản dị. Chỉ có mình tiểu thư Chu Thục Nghi là ghét Chính Lan. Việc chàng tìm ra thủ đoạn gian trá của gã quản lý Vạn Tú hoa viên đã khiến nàng xấu mặt. Gã khốn khiếp kia đã ăn cắp ngay trước mặt mà nàng không thấy.
Chu tranh chủ đã đuổi gã đê tiện ấy đi và đưa Chính Lan vào thay. Ý lão muốn chàng và Thục Nghi gần gũi để dễ phát sinh tình cảm.Vì vậy, giờ đây, ngày ngày đôi nam thanh nữ tú kia phải đối diện nhau.
Ngay hôm đầu tiên nhận việc ở Vạn Tú hoa viên, Chính Lan đã nói thẳng với Thục Nghi:
- Chắc biểu muội hận ta về việc hôm trước? Thực ra nàng chẳng nên để tâm đến điều ấy làm gì! Ngu huynh chỉ ở lại đây vài ngày nữa thôi. Ta cố giúp cửu phụ chấn chỉnh xong việc kinh doanh là đi ngay.
Đối diện với ánh mắt sâu thẳm, huyền bí kia, Thục Nghi thoáng nghe lòng rộn lên cảm giác lạ lùng. Bao nhiêu đố kỵ dường như tan biến mất. Nàng thẹn thùng bảo:
- Biểu huynh bỏ đi vì giận tiểu muội đấy ư?
Chính Lan lắc đầu:
- Không phải đâu! Ngu huynh còn có việc riêng phải giải quyết, chẳng thể lưu lại đựơc!
Chàng nói rất điềm đạm nhưng đầy vẻ kiên quyết. Chu Thục Nghi bất giác hổ thẹn cho thái độ nhỏ nhen của mình. Nàng bắt đầu nhìn Chính Lan với cặp mắt khác. Và cũng như Chu lão, nàng đã bị chàng thư sinh áo vải trầm lặng kia chinh phục.
Lễ giáo Trung Hoa thời bấy giờ không cấm anh em họ lấy nhau. Vì vậy, nếu trong lòng Trường An đại mỹ nhân có nảy sinh tình cảm với Chính Lan thì cũng là lẽ thường tình.
Mười ngày sau, Chính Lan thưa chuyện với Chu Điện Kiệt, xin phép được rời Trường An. Chu lão thảng thốt nói:
- Không được! Hơn tháng qua hiền điệt đã khiến ta vô cùng hoan hỉ vì cơ nghiệp này đã có người thừa kế xứng đáng. Đây chính là nhà của ngươi, còn đi đâu nữa?
Chính Lan nghiêm sắc mặt:
- Tiểu điệt biết cửu phụ hết dạ yêu thương nhưng di mệnh của tiên phụ chẳng thể quên được. Tiểu điệt phải tìm cho ra một người rồi mới dám lo đến hạnh phúc của mình.
Chu lão hỏi lại:
- Thế người ấy là ai mà cha ngươi lại bắt ngươi đi tìm? Và lão ta hiện giờ đang ở đâu?
Chính Lan cười đáp:
- Danh tính thì không rõ. Tiên phụ chỉ giao lại một bức hoạ chân dung. Còn lão hạ lạc nơi nào tiểu điệt cũng chẳng biết.
Chu lão hiếu kỳ bảo:
- Thế tỷ phu ta sai ngươi tìm lão ấy làm gì?
- Bẩm cửu phụ, người ấy có hứa sẽ tặng cho tiên phụ bức hoạ đồ đưa đến một kho tàng khổng lồ.
Chu Điện Kiệt càu nhàu:
- Quả là chuyện hoang đường! Nhưng đã là di mệnh thì con cái chẳng thể không theo. Ngươi cứ đi đi nhưng đúng một năm sau phải trở về đây sinh sống.
Chính Lan gật đầu hứa:
- Dù có tìm được lão ta hay không tiểu điệt cũng sẽ trở lại Trường An.
- Thôi được, để trưa mai lão phu bày tiệc tống hành, sáng mốt hãy đi.
Nhưng sáng hôm sau, cả Chu gia trang náo động vì phát hiện một lá tiểu kỳ cắm trên cánh cửa chính. Lá cờ tam giác này may bằng lụa trắng, hai mặt có thêu hình hoa đào đỏ tươi, cán cờ có một phong thư. Chu lão run rẩy mở ra xem.
"Chu túc hạ nhã giám!
Bổn cung chủ ái mộ nhan sắc của Chu tiểu thư nên quyết định đưa nàng về Đào Hoa cung làm thê thiếp. Ngày mười sáu tháng ba này được giờ tỵ là giờ đại cát, sứ giả bổn cung sẽ đến rước dâu. Mong túc hạ chuẩn bị hôn lễ cho chu đáo.
Đào Hoa cung chủ bái bút."
Tây Thục nhất hùng tái mặt, thẫn thờ đánh rơi tờ hoa tiên oan nghiệt, ngửa cổ than trời:
- Lão phu một đời lương thiện, sao cuối cùng lại phải chịu nỗi đắng cay này?
Chính Lan nhặt thư lên xem, cau mày hỏi:
- Cửu phụ! Đào Hoa cung chủ là nhân vật nào mà lại có hành vi bá đạo như thế?
Chu lão lau nước mắt nói:
- Ngươi không phải là người võ lâm nên đâu biết rằng Đào Hoa cung là nỗi ám ảnh của giang hồ suốt ba chục năm qua. Hành tung của họ cực kỳ thần bí, thủ đoạn ác độc phi thường. Mỗi năm, Đào Hoa cung chủ đều tuyển chọn một thiếu nữ vào cung. Kẻ nào chống lại đều bị tru lục toàn gia.
Chính Lan an ủi lão:
- Tiểu điệt thấy trong đám tửu khách của Vạn Tú hoa viên có rất nhiều cao thủ thành danh. Họ đều một lòng ngưỡng mộ Thục Nghi, sao cửu phụ không cầu cứu những người ấy?
Chu lão chán nản lắc đầu:
- Chỉ vô ích thôi! Họ mà nghe đến tên Đào Hoa cung là đã sợ khiếp vía, nhanh chân đào tẩu cả?
- Thế cửu phụ định đối phó ra sao?
Chu Điện Kiệt phẫn chí cười nhạt:
- Lão phu thà chết chứ không để Thục Nghi phải chịu cảnh giam cầm, ô nhục. Giải thưởng ba ngàn lượng vàng hy vọng sẽ khiến mọi người dũng cảm hơn.
Chính Lan thận trọng hỏi:
- Giả như có người giết được đám sứ giả tống hôn, liệu Đào Hoa cung có quay lại phục thù không?
Chu lão lắc đầu:
- Cũng may là không. Đào Hoa cung chủ đã từng tuyên bố rằng nếu gia đình mỹ nhân được tuyển đủ sức đánh đuổi hoặc tiêu diệt các sứ giả, thì coi như thoát nạn.
Chính Lan vui vẻ nói:
- Cửu phụ mau cho viết bảng cầu hiền, tiểu điệt cũng vào thành tìm mấy người quen đến trợ lực.
Chu lão tỏ vẻ nghi ngại:
- Ngươi là học trò mà cũng có bằng hữu trong giới võ lâm ư?
Chàng tươi cười giải thích:
- Ba năm qua, tiểu điệt lang bạt khắp nơi để tìm người nên cũng quen biết khá nhiều. Còn sáu ngày nữa mới đến kỳ hạn, hy vọng họ đến kịp.
Chu Điện Kiệt cười mát:
- Hiền điệt nhớ nói rõ đối thủ của họ là ai, nếu không sau này họ sẽ oán trách đấy!
Chính Lan mỉm cười bỏ đi ngay.
Nửa canh giờ sau, một tờ cáo thị thật lớn dán ngay cửa Vạn Tú hoa viên và tờ thứ hai trên cửa tòa tửu lâu. Tin động trời này loan truyền khắp thành Trường An, và kết quả là khách của Vạn Tú hoa viên cứ thưa dần đi. Đến chiều ngày rằm thì chẳng còn một mống nào cả. Ba ngàn lượng vàng không đủ để các dũng sĩ quên đi nỗi sợ chết.
Chu lão thở dài:
- Chính Lan! Đêm nay ngươi âm thầm dẫn Thục Nghi trốn đi. Lão phu đã có ý gả Nghi nhi cho ngươi từ lâu rồi.
Thục Nghi bật khóc:
- Không! Hài nhi thà chết chứ không bỏ phụ thân. Ngày mai, hài nhi sẽ đi theo bọn sứ giả Đào Hoa cung để bảo toàn sinh mạng và cơ nghiệp của Chu gia trang.
Chính Lan cũng nói:
- Cửu phụ yên tâm! Chỉ nội sáng mai đám bằng hữu của tiểu điệt sẽ đến đây. Nếu họ không địch lại đối phương thì sẽ tính sau.
Chu lão nghiêm mặt:
- Họ là cao nhân phương nào mà hiền điệt dám kỳ vọng địch nổi Đào Hoa cung?
Chính Lan mỉm cười:
- Tiểu điệt nghe họ tự xưng là đại cao thủ võ lâm, chắc võ nghệ chẳng tầm thường. Danh hiệu của những người ấy là⬦
Bỗng có gã gia đinh chạy vào báo:
- Bẩm trang chủ, có ba người hình dung cổ quái xin vào bái kiến. Họ bảo rằng quen với Âu Dương công tử.
Chính Lan cười bảo:
- Đúng là ba gã ngốc ấy rồi, mau mời họ vào.
Lát sau, khách vào đến nơi. Đó là ba hán tử tuổi tứ tuần, thân thể vạm vỡ, oai phong nhưng đầu nhẵn thín, và vẻ mặt rất ngây ngô.
Chu lão kinh hãi nhận ra Hán Trung Tam Ngốc Hiệp. Mười mấy năm nay, ba gã này được xem là hung thần của đất Thục. Đao pháp hiểm độc và thần lực thiên sinh của họ nổi tiếng khắp võ lâm. Do bản tính ngốc ngếch nên hay làm càn, chẳng đếm xỉa gì đến ai.
Tam Ngốc tự xưng là hiệp khách nên hay xen vào chuyện thiên hạ. Có lần họ phải móc sạch túi để bồi thường cho một phụ nhân vì đã giết chồng mụ ta khi vợ chồng họ đang đánh nhau!
Nhưng hôm nay, ba gã càn quấy, đáng sợ kia lại rất nghiêm trang. Họ vòng tay thi lễ và gã lùn nhất nói với Chính Lan:
- Được thư của Âu Dương⬦ bằng hữu, bọn tại hạ vội đến ngay!
Chính Lan gật gù đáp:
- Tam vị quả là những hảo bằng hữu! Xin giới thiệu đây là Chu cửu phụ của tiểu sinh.
Tam Ngốc cũng xưng tên. Gã lùn nhất nói:
- Tại hạ là đại hiệp Hồ Đạo Tĩnh. Gã mũi to kia là nhị hiệp Hồ Giả. Gã bụng phệ là tam hiệp Hồ Phùng Tường.
Lúc nãy, Chu Thục Nghi vào trong, giờ mới trở ra. Tam ngốc Hồ Phùng Tường nhanh nhảu vòng tay chào:
- Bọn tại hạ xin bái kiến bằng hữu phu nhân.
Thục Nghi giật mình ngơ ngác hỏi lại:
- Vì sao các hạ lại xưng hô với tiểu muội như vậy?
Nhị ngốc cười hì hì đỡ lời tam đệ:
- Tiểu thư là phu nhân của Âu Dương bằng hữu đây thì bọn tại hạ phải gọi như thế chứ sao?
Chu Thục Nghi thẹn đỏ mặt nhưng lại tức cười vì bọn này quá dốt nát.
Chính Lan vội nói:
- Chư vị sai rồi! Đấy là Chu biểu muội, Chu Thục Nghi.
Đại ngốc vênh mặt mắng hai em:
- Bọn ngươi quả là hồ đồ, làm mất cả thanh danh tam hiệp. Đúng ra phải xưng là bằng hữu biểu muội mới đúng!
Chính Lan phì cười:
- Cũng sai luôn, tam vị hãy gọi nàng là Chu tiểu thư!
Ba gã vâng dạ trông rất ngoan ngoãn. Chu lão kinh ngạc, không hiểu vì sao họ lại rất phục tùng chàng trai ốm yếu kia? Ông mời họ ngồi rồi hỏi:
- Tam vị kết giao với Chính Lan trong trường hợp nào?
Đại Ngốc đáp ngay:
- Anh em tại hạ mải mê luyện võ công nên quên cả chữ nghĩa. Âu Dương công tử đây đã bỏ ra mấy tháng trời gợi cho nhớ lại, nên song phương trở thành⬦ bằng⬦ hữu.
Gã nói rất lưu loát nhưng đến chữ bằng hữu thì lại ấp úng như không quen.
Chu lão bán tín, bán nghi cười bảo:
- Nay Đào Hoa cung vô cùng lợi hại, tam vị vì bằng hữu mà liều thân hỗ trợ lão phu, nghĩa cử ấy quả đáng khâm phục!
Nhị ngốc nhíu mày, cao giọng:
- Trang chủ chớ bận tâm! Anh em tại hạ đều là bậc hiệp khách, xem việc trừ gian diệt bạo là bổn phận. Dẫu rừng gươm biển giáo cũng sẵn sàng vượt qua, sá gì bọn Đào Hoa cung kia!
Hai gã kia đồng thanh nói:
- Đúng vậy!
Chính Lan thấy họ dương dương tự đắc, trông càng thêm hoạt kê, chàng cười bảo:
- Tam vị vào sau tắm gội rồi dự yến tẩy trần.
Tam Ngốc mừng rỡ nói ngay:
- Té ra hôm nay Âu Dương⬦ bằng hữu cho phép bọn ta uống rượu?
Chính Lan gật đầu:
- Uống thì được nhưng ít thôi!
Cả ba hoan hỉ đứng lên, theo ả tỳ nữ vào hậu viện.
Thục Nghi ngày ngày có mặt ở Vạn Tú hoa viên nên kiến văn rất rộng, đương nhiên nàng phải biết lai lịch của Hán Trung Tam Ngốc Hiệp. Nàng cười hỏi:
- Tiểu muội có cảm giác rằng ba gã hung thần này rất phục tùng biểu huynh?
Chàng thản nhiên đáp:
- Ngu huynh từng là thầy dạy học cho bọn họ nên có được chút oai phong!
Chu lão không nói gì nhưng trong lòng đầy nghi vấn. Linh tính mách bảo với lão rằng Chính Lan chẳng phải là một nho sinh tầm thường. Niềm hy vọng bừng lên, ông vui vẻ sai gia nhân chuẩn bị yến tiệc.
Gã gia đinh gác cửa lại chạy vào:
- Bẩm trang chủ, có một hán tử áo trắng xin vào gặp Âu Dương thiếu gia!
Chu lão mỉm cười:
- Sau này, có khách nhân nào tìm thiếu gia thì cứ đưa vào ngay, không cần phải bẩm báo.
Gã gia đinh vâng dạ, trở ra mời khách vào.
Nhân vật này còn khiến Chu lão kinh ngạc hơn cả Hán Trung Tam Ngốc. Gã cao lêu nghêu như cây sào, tóc búi theo kiểu đạo sĩ, mặt xương xẩu lạnh lùng với bờ môi mỏng đầy vẻ tàn khốc. Người này chính là Vô Nhân Kiếm Khách Hách Thiết Xuyên, đại sát tinh đất Sơn Tây. Dưới thanh trường kiếm của gã đã có sáu chục cao thủ thành danh phải bỏ mạng. Hồi còn trẻ, họ Hách có lên núi Võ Đang học nghệ một năm nên giữ mãi kiểu búi tóc đạo sĩ. Giờ đây, đôi mắt quái dị hình tam giác kia nhìn Chính Lan với vẻ nồng ấm. Gã bước đến ôm chàng khẽ nói:
- Ta rất nhớ công tử! Nhận được tin mừng như sống lại, vội đến ngay.
Chính Lan xiết chặt tay gã:
- Tại hạ cũng đang định ghé Tinh Châu thăm Hách huynh.
Chàng buông gã ra, giới thiệu song phương. Chu Điện Kiệt thấy cháu mình gọi đến toàn những cao thủ xuất chúng, phấn khởi cười vang, mời khách an toạ.
Chu Thục Nghi hóm hỉnh nói:
- Phải chăng Hách đại hiệp cũng được gia biểu huynh dạy chữ?
Hách Thiết Xuyên thản nhiên đáp:
- Đúng vậy! Tại hạ thụ giáo Âu Dương công tử một chữ.
Thục Nghi hiếu kỳ hỏi:
- Sao lại chỉ có một chữ? Và đó là chữ gì?
Thiết Xuyên mỉm cười lạnh lẽo:
- Chữ "tâm."
Chính Lan không mời họ Hách vào sau tắm gội vì toàn thân gã rất sạch sẽ. Gã nổi tiếng là người biết chăm chút bản thân. Ngay lúc giết người cũng không để máu dính vào y phục.
Yến tiệc dọn lên và Hán Trung Tam Ngốc cũng có mặt. Họ và Vô Nhân Kiếm Khách nhìn nhau xa lạ.
Thêm một người nữa xuất hiện. Chu Thục Nghi choáng váng trước vẻ đẹp ma quái của nữ nhân áo vàng này. Một chút ghen hờn vô cớ thoáng len vào hồn khi nữ lang xinh đẹp tuyệt thế kia nắm chặt tay Chính Lan trách móc:
- Công tử quả là kẻ vô tình, khiến thiếp mỏi mòn trông đợi mấy tháng nay! Hoàng Cúc lâu vắng bóng công tử chỉ còn là một tòa nhà hiu quạnh thê lương. Thiếp đang định nhổ sạch vườn cúc thì nhận được thư. Nếu không, tháng chín này chẳng còn bông hoa nào cho chàng ngắm nữa!
Chu Điện Kiệt nghe nhắc đến Hoàng Cúc lâu, biết ngay nữ lang áo vàng này là ai. Thanh danh của Hoàng Hoa Ma Nữ lẫy lừng phủ Hà Nam và cả Trung Nguyên. Tài phóng độc của nàng thiên hạ vô song, vì vậy, đã hai mươi lăm tuổi mà chẳng nam nhân nào lọt vào đôi mắt xanh kia.
Chính Lan ngượng ngùng giới thiệu:
- Bẩm cửu phụ! Cô nương này là Tây Môn Tử Quỳnh, bằng hữu của tiểu điệt.
Nàng tươi cười cúi chào Chu lão:
- Tiểu nữ không ngờ Âu Dương tướng công lại là cháu ruột của Chu lão gia. Từ nay, chúng ta là người một nhà.
Tử Quỳnh quay sang nói với Thục Nghi:
- Hiền muội quả không hổ danh Trường An đại mỹ nhân. Ngu tỷ là gái mà vừa gặp đã đem lòng say đắm, huống hồ đám nam nhân.
Thục Nghi được nàng khen ngợi, ác cảm cũng giảm đi nhiều. Nàng vui vẻ đáp:
- Tiểu muội đâu dám sánh với đại thư.
Tử Quỳnh liếc Chính Lan rồi nói với giọng ai oán:
- Thế mà có người lại nỡ quay lưng, bỏ đi biền biệt, để cho ngu thư phải mỏi mòn ngóng đợi.
Tam ngốc nói ngay:
- Thế thì gã nam nhân ấy quả là kẻ đui mù. Nếu là tại hạ thì sẽ suốt ngày ở nhà canh giữ người đẹp.
Hai gã kia tán thành:
- Tam đệ nói không sai! Bọn ta đều là bậc quân tử biết thương hương tiếc ngọc, chứ đâu ngốc nghếch như gã kia.
Hoàng Hoa Ma Nữ nũng nịu bảo Chính Lan:
- Công tử thấy không, ba gã ngốc kia còn biết chê trách chàng đấy!
Tam ngốc giật mình, miệng há hốc, mắt trợn tròn! Đại ngốc gãi chiếc đầu trời sinh không có tóc, bẽn lẽn nói:
- Mong Âu Dương bằng hữu thứ lỗi. Bọn ta không biết nàng ấy đang nói về công tử. Thực ra công tử chẳng hề đui mù hay ngốc nghếch chút nào cả. Chỉ vì nàng ta quá xấu xí nên công tử mới không màng đến đấy thôi.
Chu lão và Chu Thục Nghi nín cười đến đau cả bụng.
Hoàng Hoa Ma Nữ tủm tỉm cười đến ngồi cạnh Chính Lan. Nàng kéo ghế sát vào và ghé tai chàng thì thầm gì đó rồi cười rất rạng rỡ.
Lúc này Thục Nghi mới nhận ra chàng thư sinh kia không tầm thường như mình từng nghĩ. Chàng được một tuyệt đại hồng nhan say đắm mà vẫn dứt áo ra đi, quả là khó hiểu? Thục Nghi nhớ đến lời nói của Chu lão lúc sáng, máu ghen lại xông lên.
Chu lão cũng nhủ thầm rằng mình chọn rể không sai. Lão sẵn sàng chấp nhận để Thục Nghi và Tây Môn Tử Quỳnh thờ chung một chồng.
Uống nửa chừng, Chính Lan nói với năm người khách:
- Sáng mai Đào Hoa cung cho người đến bắt gia biểu muội. Tại hạ mong chư vị đánh đuổi giùm bọn sứ giả kia.
Vô Nhân Kiếm Khách cười lạnh:
- Tại hạ cho rằng nên giết sạch đi thì hơn. Đào Hoa cung tác quái đã nhiều, chẳng thể dung túng cho họ được nữa.
Tử Quỳnh nhăn mặt:
- Chỉ e Đào Hoa cung chủ nổi giận, phá vỡ luật lệ tìm đến đây hỏi tội Chu gia trang mà thôi.
Chính Lan hờ hững nói:
- Chắc lão ta chẳng dám hủy hoại thanh danh của chính mình đâu.
Chu Điện Kiệt nghiêm giọng:
- Không phải lão phu dám coi thường chư vị, nhưng nghe nói võ công của bọn sứ giả Đào Hoa cung rất cao cường. Nếu ngày mai chúng kéo đến quá đông, chỉ e lực lượng chúng ta đối phó không xuể.
Hách Thiết Xuyên lắc đầu:
- Trang chủ yên tâm! Bọn chúng di chuyển bằng chim ưng nên nhân số sẽ không hơn bảy người.
Chu lão kinh hãi nói:
- Chẳng lẽ bọn sứ giả đều có thân hình rất nhỏ bé.
- Đúng vậy, năm ngoái tại hạ tình cờ gặp bọn họ đến bắt ái nữ của Liễu trang chủ ở Tấn Thành, Sơn Tây. Bảy gã sứ giả ấy nhỏ thó như tiểu đồng mười tuổi. Tuy nhiên, thân pháp và phép đánh đoản kiếm vô cùng lợi hại. Chỉ trong bốn khắc, họ đã giết sạch năm mươi cao thủ của Liễu gia trang, bắt Liễu tiểu thư đem đi.
Nhị ngốc lên mặt đại hiệp:
- Thế sao các hạ không bạt đao tương trợ, giúp Liễu gia trang tiêu diệt cường địch? Đứng khoanh tay nhìn đâu phải là hành vi của người hiệp sĩ?
Đại ngốc tiếp lời:
- Nếu là anh em bọn ta thì đám sứ giả ấy chẳng thể lộng hành.
Chính Lan gắt nhỏ:
- Tam vị có im đi không?
Ba gã nín ngay, chẳng dám mở miệng khoe khoang nữa. Vô Nhân Kiếm Khách điềm tĩnh nói tiếp:
- Bảy gã sứ giả ấy tiến thoái đều theo phương vị của một kiếm trận rất quỷ dị. Tại hạ tự biết không phá nổi lên đành thúc thủ.
Chu lão sợ hãi hỏi:
- Nếu kiếm trận kia lợi hại như vậy, sáu người chúng ta có phá nổi không?
Tử Quỳnh cười khúc khích:
- Ở nơi khác thì không, nhưng tại đây thì dẫu chúng có đông gấp ba lần cũng chẳng đáng sợ.
Tam ngốc muốn chứng tỏ mình thông minh, tán thành ngay:
- Tây Môn cô nương có lý! Ở đây có⬦
Bỗng gã nhận ra Chính Lan đang nhìn mình vội im bặt, giả đò nâng chén uống cạn.
Chu Thục Nghi thấy Hoàng Hoa Ma Nữ chăm chút gắp thức ăn cho Chính Lan, nàng chua xót xin phép cáo lui trước.
Tiệc vừa tan thì trăng cũng đã mọc. Hạch Thiết Xuyên xách rượu kéo Chính Lan ra sau vườn thưởng trăng. Hai người chuyền tay nhau vò rượu mười cân, uống rất thống khoái, chẳng cần chung chén gì cả.
Họ Hách trầm giọng:
- Việc công tử nhờ, tại hạ đã tìm ra chút manh mối.
Chính Lan mừng rỡ nhìn Thiết Xuyên với ánh mắt cảm kích và chờ đợi.
Vô Nhân Kiếm Khách nói tiếp:
- Trong phủ Hồ Nam ta tìm được bảy người tuổi thất tuần, mang nốt ruồi son ở giữa trán. Nhưng duy chỉ Chữ Công Sinh ở Ngũ Linh Nguyên là chưa rõ mặt. Chữ gia trang được phòng vệ vô cùng nghiêm mật, rừng đào quanh trang chứa đầy sát thủ. Tại hạ đã mai phục nửa tháng trời mà không sao vào được bên trong.
Chính Lan tư lự hỏi lại:
- Hách Huynh có thấy bầy chim ưng nào không?
Thiết Xuyên giật mình:
- Chẳng lẽ công tử cho rằng nơi ấy chính là Đào Hoa cung? Thực ra vùng núi bạt ngàn Ngũ Linh Nguyên rất nhiều chim ưng. Nhà quyền quý nào cũng có nuôi. Chữ gia trang cũng vậy nhưng không con nào lớn như bầy chim của Đào Hoa cung.
Chính Lan gật gù bảo:
- Ý tại hạ cho rằng có thể Chữ gia trang là một cơ sở, còn Đào Hoa cung nằm sâu trong vùng núi Ngũ Linh Nguyên.
Thiết Xuyên thở dài:
- Vùng rừng núi Ngũ Linh Nguyên rộng đến hơn ngàn dặm vuông, gồm ba ngàn đỉnh núi, tìm đến bao giờ cho thấy Đào Hoa cung?
Chính Lan cười nhạt:
- Đâu cần phải tìm, cứ đốt trụi Chữ gia trang là bọn họ phải xuất đầu lộ diện thôi.
Thiết Xuyên vỗ vai chàng:
- Muốn dùng hỏa công phải nhờ đến Hoàng Hoa Ma Nữ. Thúc phụ của nàng chính là Hỏa chân nhân Tây Môn Nhỉ. Ân tình này công tử báo đáp sao đây?
Chính Lan cười đáp:
- Tại hạ đã thầm yêu Tử Quỳnh từ lâu nhưng không dám để lộ ra. Gia thù mang nặng trên vai, tử sinh chưa rõ, đâu thể để nàng phải khổ?
Thiết Xuyên nghiêm giọng:
- Chẳng lẽ công tử sợ rằng không địch lại kẻ thù?
Chính Lan cười khổ:
- Võ công tiên phụ chỉ kém tại hạ một bậc mà không qua nổi trăm chiêu của lão ta. Nay nếu lão lại là Đào Hoa cung chủ thì việc báo phục lại càng khó khăn.
Thiết Xuyên xiết chặt tay chàng:
- Công tử cứ lo đối phó với kẻ chỉ huy. Đám thủ hạ đã có ta và các bằng hữu khác.
Chính Lan cảm động nhưng không hề nói lời biết ơn. Chàng bóp mạnh bàn tay họ Hách và ánh mắt biểu lộ niềm hạnh phúc.
Cuối canh hai, Chính Lan trở về phòng riêng, giật mình nhận ra mùi hương ngan ngát. Trên giường chàng, Tây Môn Tử Quỳnh đang nằm thiêm thiếp. Ánh trăng rằm xuyên qua song cửa, soi rõ gương mặt thanh tú và thân hình người ngọc.
Chính Lan mỉm cười, cởi áo nằm xuống cạnh nàng. Chàng đã từng ở Hoàng Cúc lâu ba tháng, đêm đêm đồng sàng với nữ nhân nhưng chẳng hề động tâm. Mối huyết thù đã biến chàng thành người thờ ơ với ái tình và sắc dục, nhưng mối tình nồng nhiệt, sâu nặng của Hoàng Hoa Ma Nữ đã khiến chàng cảm động. Người con gái kiều diễm phi phàm này yêu chàng bằng cả trái tim nóng bỏng, nhẫn nại chịu đựng thái độ hờ hững của chàng.
Chính Lan biết rõ nàng chưa ngủ và đang chờ đợi, như đã từng chờ đợi mãi. Chàng liếc sang, nhận ra đôi giòng lệ đang chảy trên gương mặt đẹp, lóng lánh dưới trăng vàng. Chính Lan thở dài, vươn tay kéo nàng vào lòng mình. Tử Quỳnh bật khóc rấm rức, dụi đầu vào ngực chàng. Chính Lan thì thầm vào vành tai nhỏ xinh kia:
- Chính vì ta rất yêu Quỳnh muội nên không muốn nàng trở thành góa phụ.
Tử Quỳnh sung sướng thỏ thẻ:
- Thiếp là người võ lâm chứ nào phải gái khuê môn? Bước chân vào chốn giang hồ thì ngay tử sinh của bản thân cũng còn chưa biết rõ. Chỉ cần được cùng nhau sánh đôi, dẫu chỉ vài tuần trăng thiếp cũng mãn nguyện. Nếu chàng vắn số, thiếp sẽ đi theo làm bạn, sao gọi là quả phụ được?
Chính Lan nghe lòng sôi sục yêu thương, hôn lên mắt lên môi nữ nhân. Lời nói chí tình kia đã phá tan lớp băng giá trong hồn chàng. Tử Quỳnh ngượng ngùng lắng nghe tâm hồn bay bổng trong hạnh phúc của kẻ được yêu. Xuân tiêu nhất khắc thiên kim, hai người ngụp lặn trong bể ái ân, đưa nhau đến bờ hoan lạc. Cuối canh tư, Tử Quỳnh mới rón rén trở lại phòng mình.
Chính Lan tắm rửa xong, nằm thao thức với mối gia cừu. Chàng linh cảm rằng lão Chữ Công Sinh kia là người mình tìm kiếm ba năm qua. Và có thể lão ta cũng chính là Đào Hoa cung chủ. Trong võ lâm người duy nhất đả bại được cha chàng trong vòng trăm chiêu chỉ có lão mà thôi.
Trận ái ân nồng thắm lúc nãy đã đem lại cảm giác mệt mỏi dễ chịu. Chàng nhắm mắt nhớ đến thân hình nóng bỏng, nuột nà của Tây Môn Tử Quỳnh rồi chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, trong bữa điểm tâm, tam ngốc Hồ Phùng Tường oang oang nói:
- Tây Môn cô nương uống có mấy chén rượu mà sáng nay vẫn còn đỏ mặt, thật là quá tệ!
Nhị ngốc Hồ Giả tiếp lời:
- Đâu chỉ có thế! Chắc nàng ta vẫn còn say nên mắt long lanh, chẳng dám mở miệng nói tiếng nào cả.
Quả thực giờ đây Tử Quỳnh e ấp như hoa mới nở, bẽn lẽn ngồi cạnh Chính Lan. Nàng là người bộc trực nên chẳng giấu được cảm giác hạnh phúc của người đàn bà được yêu. Hai gã ngốc kia vô tình ngộ nhận, nói ra chẳng chút kiêng kỵ, khiến nàng càng thêm hổ thẹn.
Chính Lan lạnh lùng hừ nhẹ, ba gã ngốc sợ hãi nói lảng sang chuyện khác.
Chu Thục Nghi là nữ nhân nên hiểu ngay đêm qua hoa đào kia đã nở rộ. Nàng chua chát nói:
- Tiểu muội thấy Quỳnh tỷ xinh đẹp phi thường, chẳng hiểu sao lại không được Đào Hoa cung chủ để ý đến?
Tử Quỳnh đâu hiểu ẩn tình, thản nhiên đáp:
- Năm ngoái, Âu Dương đại ca đã làm khách Hoàng Cúc lâu ba tháng, cùng ngu thư dạo chơi khắp phủ Hà Nam. Việc này nhiều người biết, nên Đào Hoa cung cho rằng hoa đã có chủ, không để ý đến nữa.
Chu Thục Nghi biến sắc, định nói nữa thì bị Chu lão cướp lời, lão cười ha hả bảo:
- Chính Lan lấy được vợ đẹp như Tây Môn cô nương, lão phu rất hoan hỉ. Nhưng phải về Trường An sinh sống lão phu mới hài lòng.
Đầu giờ tỵ tiếng chim ưng lảnh lót rít vang. Chu Điện Kiệt vội cùng mọi người bước ra. Tám con đại bàng to lớn đậu trên ngọn cây trước sân nhưng người thì chỉ có bảy. Như vậy, con thứ tám dành cho cô dâu.
Đúng như lời Hách Thiết Xuyên đã mô tả, bảy gã sứ giả áo hồng kia đều rất nhỏ bé. Nhưng gương mặt già dặn đầy râu chứng tỏ tuổi họ đã khá cao. Trên tay mỗi người là một hộp gỗ nhỏ, có lẽ là sính lễ.
Lão râu dài lạnh lùng bảo:
- Bọn lão phu vâng lệnh cung chủ đem sính lễ đến rước Trường An đại mỹ nhân Chu Thục Nghi. Xin Chu trang chủ nhận lễ cho.
Chu Điện Kiệt cười nhạt:
- Phải chăng quí cung chủ cũng lùn như quý vị. Nếu vậy, lão phu cũng chẳng thể nhận lời được.
Lão lùn giận tím mặt đáp:
- Không phải đâu. Cung chủ là người cao lớn, tuấn tú, khác hẳn bọn lão phu.
Chu lão đã được Chính Lan dặn dò nên giả đò tươi cười:
- Thế thì được! Nhưng xin hỏi quí cung chủ tuổi tác thế nào và danh tính ra sao? Lão phu sắp làm nhạc phụ nên cũng muốn biết rõ hiền tế của mình.
Lão lùn ấp úng:
- Danh tính thì không tiện nói ra, còn tuổi tác thì người khoảng thất tuần, nhưng nhờ công lực thâm hậu nên trông như mới bốn mươi!
Đại Ngốc cười hì hì:
- Quả là đáng khâm phục! Nếu quý cung chủ đừng có nốt ruồi đen xấu xí, xui xẻo trên trán thì hay biết mấy.
Một lão buột miệng cãi:
- Ngươi lầm rồi, đó chỉ là vết sẹo nhỏ mà thôi.
Nói xong lão mới biết mình lỡ lời, biến sắc hỏi:
- Vì sao ngươi lại dám dọ hỏi dung mạo cung chủ? Đã thế thì không cưới hỏi gì nữa cả, sẽ chẳng một ai được sống sót.
Cả bảy lão rút đoản kiếm ra và tấn công ngay. Tây Môn Tử Quỳnh cười khanh khách xuất thủ trước, tay tả của nàng rải ra một nắm phấn mịn, tỏa rộng phủ kín cả bảy sứ giả. Nhưng bọn họ vẫn thản nhiên tiếp tục xông đến.
Hách Thiết Xuyên và Hán Trung Tam Ngốc Hiệp vội lao ra cản đường. Thanh trường kiếm của họ Hách dài hơn kiếm thường cả gang tay, rít lên những tiếng như xé lụa. Còn đơn đao của ba gã ngốc cũng nặng gấp hai đường đao thường, kình lực vô cùng mãnh liệt. Hoàng Hoa Ma Nữ rút kiếm nhập cuộc và Chu lão cũng chẳng thể đứng nhìn người khác chết thay cho mình. Lão vẫn thường xuyên luyện tập nên bản lĩnh không hề giảm sút.
Chu Thục Nghi định tham gia thì bị Chính Lan cản lại. Nàng bực bội nói:
- Biểu huynh quá xem thường tiểu muội rồi đấy! Hoàng Hoa Ma Nữ đánh nhau được thì Trường An đại mỹ nhân cũng vậy.
Nói xong nàng tung mình về phía đấu trường.
Như vậy là mỗi phe có bảy người. Nhưng bọn sứ giả vẫn chiếm phần thượng phong. Họ di chuyển rất hợp lý, phối hợp nhịp nhàng theo kiếm trận nên công thủ đều lợi hại phi thường. Thân hình họ tuy nhỏ bé, chân ngắn ngủn, khinh công lại nhanh nhẹn và linh hoạt. Đoản kiếm trong tay họ như những con độc xà đáng sợ, uy hiếp các tử huyệt đối phương. Về công lực thì khỏi phải nói vì họ đều ở tuổi thất tuần, có không dưới bốn mươi năm tu vi.
Hán Trung Tam Ngốc đã bị trúng thương, giận dữ gầm vang, liều chết lao vào. Lối đánh cương mãnh của họ đã phần nào vãn hồi được cục diện. Vô Nhân Kiếm Khách thì khác, gã ung dung dùng thanh trường kiếm dài ngoằng tấn công và thỉnh thoảng lại đỡ đòn cho đồng bọn. Nếu không, Tử Quỳnh và Thục Nghi đã thọ thương từ lâu rồi.
Sau hai khắc rình rập, tìm hiểu, Hách Thiết Xuyên rú vang, bắt đầu sử dụng đến những đòn quyết định. Thân hình gã biến mất trong luồng kiếm quang, ập đến như cơn lốc. Lập tức có ba thanh đoản kiếm phối hợp với nhau mà chống đỡ. Tiếng thép chạm nhau chát chúa, Thiết Xuyên dội ra, ngực áo rách ba đường. Ngược lại, ba lão sứ giả cũng trúng đòn, máu nhuộm đỏ vai.
Thiết Xuyên cười lạnh, lao vào lần nữa. Thanh kiếm của gã chạm vào lưỡi kiếm của ba sứ giả, bắn ra những tia lửa. Bỗng gã nhận ra ba đôi mắt kia trợn ngược, giữa trán hiện ra một lỗ tròn đỏ tươi, và tất nhiên đường kiếm khựng lại. Thiết Xuyên mỉm cười chặt phăng ba chiếc thủ cấp.
Gần đấy, đối thủ của Tây Môn Tử Quỳnh cũng rùng mình gục ngã.
Chỉ còn lại có ba người nên kiếm trận hoàn toàn tan vỡ. Lão sứ giả cao tuổi nhận ra tử trạng của các tử thi, kinh hãi thét lên:
- Hồng⬦
Nhưng Hách Thiết Xuyên không để lão nói thêm, ập đến như cơn lốc. Chiêu thức mãnh liệt đẩy lão ta vào lưỡi đao của Hán Trung Tam Ngốc. Lão chết không êm đềm như các em mình vì thân hình bị chặt ra làm nhiều mảnh. Hai lão sứ giả cuối cùng cũng bỏ mạng dưới sự hợp công của bọn Thiết Xuyên. Bầy chim ưng kêu lên những tiếng bi thiết, bay cả về hướng đông.
Tây Môn Tử Quỳnh rắc thuốc bột vào bảy xác chết, lát sau chỉ còn lại những vũng nước vàng hôi hám.
Chu Thục Nghi tưởng Hoàng Hoa Ma Nữ đã tự tay giết được một sứ giả nên lòng càng thêm đố kỵ.
Lúc này, bọn gia đinh ùa ra chúc mừng Chu trang chủ. Lão cười ha hả, bảo:
- Nếu không có năm vị đây thì làm sao tiêu diệt được cường địch? Các ngươi mau vào sửa soạn đại yến mừng công.
Hán Trung Tam Ngốc nhơn nhơn đắc ý bảo nhau:
- Sau trận này, thanh danh của anh em ta sẽ nổi như cồn.
Hách Thiết Xuyên lạnh lùng nói:
- Vậy phiền tam vị ở lại Chu gia trang vài tháng để chờ Đào Hoa cung chủ đến phục hận. Giết được lão ta rồi tam vị sẽ được cả võ lâm ngưỡng mộ như thần thánh.
Chính Lan cũng mỉm cười tán thành:
- Hách huynh bàn rất phải. Mong tam vị ở lại bảo vệ giùm Chu gia trang vậy. Bọn tại hạ có việc phải rời Trường An ngay.
Ba gã ngốc thất kinh hồn vía, sụp xuống van xin:
- Xin Âu Dương bằng hữu đừng đẩy bọn ta vào chỗ chết. Không có chư vị, anh em ta làm sao kham nổi.
Tử Quỳnh cười khanh khách:
- Sao tam vị lại lạy lục, mất cả khí phách đại hiệp thế kia.
Chính Lan nghiêm giọng:
- Chư vị không vui lòng, xin cứ trở lại Hán Trung, tại hạ chẳng dám làm phiền.
Ba gã bật khóc như con nít, đại ngốc Hồ Đạo Tĩnh lải nhải:
- Bọn tiểu đệ đã nguyện theo hầu đại ca, dẫu chết cũng chẳng sờn lòng. Nhưng tông tộc họ Hồ chưa có ai nối dõi, mong đại ca thương tình.
Chu lão và Thục Nghi nhìn nhau nghi hoặc. Té ra Chính Lan lại là đại ca của ba gã hung thần này.
Chu Thục Nghi mang cảm giác bị lừa dối, cười nhạt bảo:
- Biểu huynh quả là bậc chân nhân giấu mặt, che mắt cả cha con tiểu muội. Việc của Chu gia trang, chẳng dám phiền đến biểu huynh nữa.
Chu Điện Kiệt cũng nổi giận, lạnh lùng bảo:
- Chính Lan, ngươi theo ta vào thư phòng một lát.
Lão hầm hầm bỏ vào hậu viện. Chính Lan vẫn thản nhiên đi theo.
Gần khắc sau hai người trở ra và sắc diện Chu lão đầy vẻ hân hoan. Lão vui vẻ nói:
- Mọi hiểu lầm đã được giải tỏa, mời chư vị ăn uống rồi lên đường.
Tiệc giữa chừng, Chu Điện Kiệt bảo tam ngốc:
- Tam vị cứ hết lòng phò tá Chính Lan báo thù gia cừu. Lão phu sẽ chọn ba tỳ nữ đẹp nhất để nâng khăn sửa túi và nối dõi hương hỏa họ Hồ.
Ba gã ngốc vui mừng đến mắc nghẹn, cố nuốt trôi rồi sụp xuống vái tạ.
Chính Lan nghiêm giọng:
- Ba người ở lại đây vài ngày để phụ giúp việc dọn nhà vào thành, đồng thời vui vầy với mỹ nhân, khi nào nhận được thư, lên đường tìm bọn ta.
Tam ngốc vâng dạ lia lịa, hứa sẽ phụng ý thi hành.
Cuối giờ mùi, Chính Lan, Tử Quỳnh và Thiết Xuyên rời Chu gia trang đi về phía đông nam. Lúc chia tay Thục Nghi viện cớ mệt mỏi nên không ra tiễn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui