Nắng rất đẹp.
Tiếng nước ì oạp trên sông hòa lẫn cùng tiếng người ồn ào dần dần lắng xuống, lắng thành làn hơi chẳng nhìn thấy được đang không ngừng bốc lên khắp bốn phía.
Tông Hàng cứng đờ đứng sững đó như trời trồng, cái chân trần giẫm lên bên chân mang giày còn lại.
Trong khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi ấy, hắn trông thấy Dịch Táp nghiêng đầu, nhờ thế mà cú hạ cánh oanh liệt trong dự liệu không xảy ra.
Nhưng hắn chẳng nhìn rõ nên cũng không xác định được: Lúc chiếc giày bay qua, cú né rốt cuộc là hoàn hảo hay vẫn sượt qua mặt cô.
Tông Hàng đứng bất động, cả thế giới đều phối hợp với hắn, mây trên trời ngừng trôi, những tàu lá chuối rẻ quạt xanh mướt đóng băng trong không khí.
Giá mà Trái Đất ngừng quay thật thì tốt, cơ mà… Dịch Táp đã đi tới.
Môi Tông Hàng khô róc, da mặt hơi nóng lên, dưới nách đổ mồ hôi, từng giọt dán lên da từ từ trượt xuống rồi chết yểu giữa những sợi cotton của chiếc áo phông.
***
Dịch Táp không ngắt máy, cuộc gọi này cũng coi như là quan trọng, không cần phải cúp chỉ vì chút chuyện đột ngột cỏn con.
Nhưng cô rất bực mình, nếu là con nít con nôi ném thì cũng thôi, nhưng cao lớn thế kia, rõ ràng đã lớn đùng rồi còn chơi ba cái trò trẻ con.
Cho nên khi đến gần Tông Hàng, cô bịt di động lại tránh cho người ở đầu bên kia nghe nhầm sinh hiểu lầm, rồi buông một câu: “Đồ điên!”
Dứt lời cũng không dừng lại mà đi sượt qua vai hắn với sắc mặt toàn vẻ ghét bỏ, mí mắt cũng chẳng buồn nhếch lên liếc hắn.
Cuộc gọi vẫn tiếp tục, đầu dây bên kia đang đợi cô trả lời. Dịch Táp cố gắng khiến giọng mình dịu đi nhưng vẻ gay gắt vẫn leo lên khắp khuôn mặt: “Chú Đinh, bãi mìn nơi này cháu còn quen thuộc hơn cả người chôn mìn, nếu thật sự muốn hắn chết thì đã chẳng để hắn trông thấy tấm biển kia rồi.”
Chẳng biết bên kia đáp lại câu gì, cô chỉ cười khẩy: “Cháu với hắn không quen không biết, hắn im hơi lặng tiếng nhìn chòng chọc vào cháu suốt hai tối là có ý gì? Cháu có nhiều chuyện mờ ám lắm à?”
Cách đó không xa, một chiếc thuyền du lịch tăng tốc, đuôi thuyền tóe lên bọt sóng trắng xóa, vẽ ra một vết rách trên mặt nước sông đục ngầu, giống kéo phéc-mơ-tuya đến tận cùng.
Dịch Táp chăm chú nhìn vào vết khóa kéo dập dềnh ấy, dần hạ giọng: “Giúp cháu chuyển lời tới hắn, đây là sông Mê Kông chứ không phải Hoàng Hà nhà các người.”
***
Tông Hàng vẫn đứng nguyên tại chỗ, cảm thấy cơ thể nặng nề khôn cùng, nặng đến nỗi không sao di chuyển nổi.
Xem ra mặt cô ấy không bị chiếc giày sượt qua, bằng không có lẽ mình đã chẳng chỉ bị mắng một câu “đồ điên” là xong.
Chiếc giày bay ra ngoài vẫn đang nằm cách đó không xa, hắn thậm chí chẳng còn sức mà nhảy lò cò nữa, cứ thế giẫm cái chân trần lên bùn đất, đi tới trước chiếc giày kia rồi xỏ thẳng bàn chân dính cát sỏi vào.
Có đứa trẻ tới kéo hắn, ra hiệu bảo hắn chơi tiếp, hắn lắc đầu, sụp vai đi về phía A Phạ, bước chân uể oải như chỉ còn chút hơi tàn, như Khoa Phụ đuổi xong Mặt Trời, bước nào bước nấy đều có thể bật máu tại chỗ.
A Phạ vẫn đang vui vẻ chơi với đám chèo chậu, biết Tông Hàng đã trở lại nhưng cũng chẳng dư hơi mà bận tâm tới hắn.
Qua một lúc, nghe thấy Tông Hàng yếu ớt lên tiếng: “A Phạ, tôi muốn hỏi cậu một câu.”
A Phạ nhấc chân, ra sức đá một cái chậu gần đó ra xa, đầu cũng không ngẩng lên: “Cậu nói đi.”
“Cậu đang đi trên đường thì có một chiếc giày bay về phía cậu với tốc độ cực nhanh, gần như bay sát qua mặt cậu…”
A Phạ phỏng đoán xem câu hỏi này rốt cuộc thuộc về phạm trù nào: Giày, bay qua, liên quan đến quỹ tích chuyển động của vật thể, tốc độ, và cả lực cản không khí…
“… Cậu nghĩ cậu có thể ngửi thấy mùi của chiếc giày không?”
A Phạ hỏi: “Giày thể thao hay xăng đan?”
“…. Giày thể thao.”
A Phạ nhíu mày.
Giày thể thao à. Vậy thì không lạc quan lắm.
“Thế có thối chân không?”
Tông Hàng mờ mịt: “Ngày nào cũng tắm, nhưng… chân ai mà chẳng không thơm.”
A Phạ đưa ra ý kiến: “Tôi nghĩ có thể ngửi thấy.”
Tông Hàng lặng im, hắn ngẩng đầu nhìn về phía hồ lớn xa xa.
Mặt trời sắp lặn, trên hồ, đám mây lớn có hình thù kỳ quái nhuốm đẫm thứ sắc xanh tăm tối, ánh nắng chiều chuyển từ màu vàng mơ sang màu đỏ mơ, kiên nhẫn vẽ đường viền cho đám mây, tạo nên sự tương phản giữa tối và sáng.
A Phạ bất giác quay đầu lại, bắt gặp Tông Hàng nhắm mắt lại, chắp hai tay, tư thế không chuẩn nhưng thái độ rất thành kính.
Quái thật, đối diện có cái đền lớn dát vàng nào đâu.
Cậu không nhịn nổi cất tiếng hỏi: “Cậu chủ, cậu vái gì đấy?”
Vái Phật.
Cầu xin Dịch Táp ngàn vạn lần đừng nhớ mặt hắn.
Lỡ có nhớ thì cầu xin sau này đừng gặp lại nữa, hắn sợ mất mặt lắm.
***
Chẳng phiền đến Phật tổ, Dịch Táp đúng là không nhớ Tông Hàng thật.
Những người không quan hệ và không quan trọng, cô đều không để vào mắt.
Lần đầu tiên, chưa soi tới mặt Tông Hàng đã bị lôi ra đánh, suốt quá trình gào khóc thảm thiết, đến lúc xong việc, cô vô tình liếc mắt qua: Người kia mặt mũi bầm dập, hai vệt máu mũi chảy qua môi, trượt thẳng xuống cằm.
Lần thứ hai, sự chú ý của cô đặt cả vào cuộc điện thoại, không rảnh phân tâm, chỉ láng máng nhớ kẻ gây chuyện khom lưng rụt vai, rụt rè sợ hãi.
Chuyện và người vụn vặt như thế, ai thừa hơi đi nhớ chứ.
Dịch Táp đi thẳng ra cửa ra của bến tàu, ở đó, người thuê du thuyền của cô đang dắt xe máy đợi cô.
Chiếc xe đã được lau chùi sạch bong sáng bóng, chỗ nên tra dầu đều đã tra, những con vít cần vặn chặt cũng đều đã vặn chặt.
Đây là việc cần thiết bởi lẽ chuyến này tới thu tiền thuê, gã nói vợ mình lại sắp sinh đứa nhỏ, trong nhà phải chi tiêu rất nhiều nên chỉ giao một nửa số tiền, nửa còn lại, sau khi cô mắng gã xối xả một trận thì đồng ý để gã trả bằng cá khô.
Một bao cá khô to bự, bọc trong túi ni lông kém chất lượng màu đỏ, túi lớn túi nhỏ buộc trên thùng phía sau yên xe của cô.
Dịch Táp vén gọn tóc ra sau cho đỡ che khuất mắt rồi nhận lấy cái mũ bảo hiểm gã đưa cho, đội lên đầu.
Mặt trời sắp xuống núi, đường về rất xa, phỏng chừng phải chạy tới nửa đêm.
***
Bốn tiếng sau, xe của Dịch Táp vẫn đang xóc nảy bên bờ hồ Tonlé Sap.
Chủ yếu là do đường xấu, xe kêu lọc xọc như thể sắp long ra đến nơi. Cô dừng lại trên một chỗ đất cao bên hồ, ngậm đèn pin, lấy dụng cụ ra vặn chặt một số bộ phận quan trọng lại, tiếp đó ngồi ghé vào yên xe, mở túi ni lông, lấy một lát cá khô lớn ở ngay miệng túi ra rồi xé một miếng bỏ vào miệng, chậm rãi nhai.
Hồ Tonlé Sap trước mắt thực sự là một cái hồ lớn mênh mông không bờ không bến, không có tiếng người, chỉ có vảy cá sáng lên trong sắc đêm.
Hồ này nối với sông Mê Kông thông qua một con kênh hẹp.
Thuật ngữ trong nghề bọn cô có một cách gọi riêng biệt cho những hồ thế này, không gọi là “hồ nội địa”, “hồ nước ngọt” gì cả.
Mà là “hồ nước treo”.
Giống như con người khi bị ôm phải truyền nước muối, thông qua một ống dẫn nhỏ, qua kim tiêm, bơm nước muối vào mạch máu.
Sông Mê Kông là con người ấy, con kênh nối thông là ống truyền, còn hồ Tonlé Sap thì là chai nước muối được treo lên, mà tục ngữ cũ thì “nước muối truyền” được gọi là “nước treo”.
Bởi vậy nên những hồ như vậy gọi là hồ nước treo.
Buổi chiều nói chuyện điện thoại với Đinh Trường Thịnh, cô bảo mình không quen biết Đinh Thích, lời này không đúng.
Thực tế từng gặp một lần vào năm 1996.
Khi ấy cô còn nhỏ, chưa tới bốn tuổi, song đã là một đứa bé thông minh lanh lợi. Giáo viên mầm non nói cô láu cá lắm trò còn hơn cả số chân ruồi, cô bèn bắt một con ruồi, tỉ mỉ đếm số chân nó, đếm xong cảm thấy bị sỉ nhục: có mỗi sáu cái!
Trong nhận thức của cô, nhiều mới tốt, lắm trò dĩ nhiên cũng càng lắm càng tốt.
Năm đó, cha cô Dịch Cửu Qua dẫn cô và chị gái Dịch Tiêu ra ngoài. Cô rất thích những chuyến đi gia đình kiểu này, hơn nữa còn đi xa như vậy: Ngồi ô tô một ngày rồi ngồi tàu hỏa một ngày một đêm mới tới nơi.
Khi ra khỏi ga tàu, rất nhiều hành khách đeo túi lớn túi nhỏ xô đẩy nhau, cô phấn khích mà chẳng có nguyên do, ngẩng đầu nhìn biển ga tàu hỏa.
Tây Ninh.
Bấy giờ, sau nhà ga vẫn còn là một ngọn núi màu xám tro.
Cô vừa mới đi học biết chữ, kêu to: “Tây Ninh! Chúng ta đến Tây Ninh rồi!”
Dịch Cửu Qua thương yêu xoa xoa khuôn mặt nhỏ nhắn lạnh đến đỏ bừng của cô, Dịch Tiêu thì nguýt cô: “Thần kinh!”
Một chiếc xe Jeep màu xanh lá đến đón họ về chỗ trọ.
Nhà trọ tên là “Nhà Khách Giang Hà”, có quy mô rất lớn, nghe nói được sửa chữa lại từ một trường tiểu học ba tầng, cuối mỗi tầng đều có một nhà vệ sinh công cộng.
Vào trọ ở đó rồi, cô mới phát hiện ra bố mình cùng những vị khách đã và sắp vào trọ đều là chỗ quen biết.
Cô đoán khả năng là ăn cỗ, kiểu cỗ ăn liên tục trong nhiều ngày ấy. Cô thích những dịp như vậy, bởi lẽ phạm lỗi sẽ không bị ăn đòn, chỉ cần làm quá gào lên một tiếng, các chú các cô dễ mến kia sẽ bảo vệ cô: “Bỏ đi, bỏ đi, trẻ con thôi mà.”
Rồi họ sẽ nhét cho cô hai viên kẹo.
Mỗi ngày cô đều lượn khắp nhà khách, chực thìa mạch nha ở phòng này, xin hớp nước cam ở phòng khác, nhân tiện nghe họ nói đủ các thứ chuyện linh tinh.
Người lớn buôn chuyện chẳng hề né tránh cô vì cho rằng cô còn nhỏ, có nghe cũng không hiểu.
Thực ra cô hiểu cả, hơn nữa cô còn rất xấu nhé.
Không phải loại bụng dạ xấu xa dơ bẩn đâu, mà là kiểu nịnh nọt bắt chước y chang của con trẻ: Khi đám người lớn tán gẫu mắng chửi ai, khinh bỉ ai, xem thường ai, cô sẽ bắt kịp ngay, như bắt mốt ấy.
Bởi vậy nên sau này khi đến tuổi hiểu chuyện rồi, mỗi lần có người nói trẻ nhỏ “ngây thơ trong sáng”, Dịch Táp đều hừ mũi coi thường, cô từng làm trẻ nhỏ nên có quyền lên tiếng, trẻ nhỏ không có linh hồn, chỉ là một tấm gương, trung thực mọi thứ xung quanh, có gì học nấy, dễ bị “tà ma xâm nhập” nhất.
Có vài người sầu não viết văn, nói rằng muốn “mãi mãi làm một đứa trẻ hồn nhiên”, cô không muốn, cô thích bản thân có chính kiến và sắc bén hơn. Mãi mãi làm một đứa trẻ thật đáng sợ, một tờ giấy trắng chỉ có thể để người ta bôi vẽ lên mà thôi.
Người lớn cũng sẽ nhắc tới cô, xoa đầu cô với vẻ thương cảm và bảo: “Bé con tội nghiệp, vừa sinh ra chưa được mấy tháng đã không còn mẹ rồi.”
Cô thầm trợn mắt: Đáng thương sao? Cô không thấy vậy. Cô chưa từng hưởng thụ hạnh phúc có mẹ nên cũng chẳng cảm thấy không có mẹ là đau khổ.
Cô nghe thấy cái tên “Đinh Thích” này chính là từ những câu chuyện tán gẫu ấy.
Nghe bảo, đó là đứa con hoang không cha không mẹ mà Đinh Trường Thịnh nhặt được trên bờ sông Hoàng Hà cách thị trấn Thích Khẩu không xa vào một mùa đông. Lúc nhặt được, hắn đã sắp chết cóng, trên người còn kết những vụn băng pha lẫn sắc vàng của bùn đất, cũng phải chịu thôi, nước sông Hoàng Hà thực sự là quá vàng.
Mặt đó của Đinh Trường Thịnh bị hỏng, ông ta và vợ sống với nhau nhiều năm vậy rồi mà không sinh được một mụn con nào, bèn nhận đứa bé nhặt được này làm con trai.
…
Hai ngày trôi qua, Dịch Cửu Qua nói với cô: “Không phải con ầm ĩ ở đây không có bạn chơi cùng sao? Hôm nay có một chú họ Thích đến, dẫn theo một anh trai, ở dưới tầng một đấy.”
Cô biết là phòng nào, tầng một chỉ có gian phòng cuối cùng bên cánh phải là còn trống, thế là phóng vèo đến.
Dịch Cửu Qua còn tưởng là cô không có bạn chơi, mấy hôm nay buồn bực đến phát chán rồi, nhưng thực ra không phải, cô chỉ muốn xem xem đứa trẻ được nhặt về kia trông như thế nào. Ở trường mẫu giáo có các kiểu tin đồn, chẳng hạn như đứa trẻ nhặt được là con trai thì lớn lên không mọc chim, nhưng con gái thì lại mọc, một ví dụ nữa là nửa đêm mười hai giờ, đứa con hoang ấy sẽ bị đánh về nguyên hình, thường là mèo đen, công lực mạnh hơn thì là con chồn trắng.
Đến trước cửa, cô không đi thẳng vào, chỉ ló đầu vào một chút dò xét trước.
Đinh Trường Thịnh vừa đến nên vẫn đang sắp xếp hành lý, vừa sắp xếp vừa hỏi Đinh Thích những câu hỏi kiến thức liên quan đến những lĩnh vực khác nhau.
Ví dụ: Câu tiếp theo của “Bạch nhật y sơn tận” là gì? Năm nhân năm bằng hai lăm, vậy năm nhân sáu bằng bao nhiêu?
Đại loại là vậy.
Đinh Thích đứng bên cạnh, vừa đen vừa gầy, sáu, bảy tuổi mà vóc dáng chỉ bằng đứa nhỏ bốn, năm tuổi, còn cắt quả đầu vỏ dưa.
Năm 96, khoảng cách chênh lệch Bắc Nam và khoảng cách chênh lệch giữa thành thị với nông thôn rất rõ rệt, qua lối ăn mặc là có thể nhìn ra: thường thì dân thành phố được gọi là “kiểu Tây”, người dưới quê thì chính là “hai lúa”.
Đinh Thích là hai lúa của hai lúa, lúa cái kiểu mà mùi lúa thốc thẳng vào mặt nhau ấy, còn rất ngốc nữa, chẳng đọc ra nổi câu tiếp theo “Hoàng Hà nhập hải lưu” (*), nghĩ rất lâu mới đáp được năm nhân sáu bằng ba mươi.
(*) Đây là hai câu thơ trong bài “Đăng Quán Tước Lâu” của Vương Chi Hoán, tạm dịch: Mặt trời dựa sườn núi, Hoàng Hà hòa biển sâu.
Đinh Trường Thịnh lại hỏi: “‘Hồ nước treo’ là gì?”
Miệng Đinh Thích như đang ngậm mì, đáp không nổi.
Không nhịn được nữa, cô la lên: “Hồ nước treo là loại hồ thông qua một ống dẫn nhỏ, có thể nối vào sông lớn, giống như người ta cắm kim tiêm truyền nước ấy! Đó chính là hồ nước treo.”
Đinh Trường Thịnh không đề phòng ngoài cửa có người, giật nảy mình, Đinh Thích sợ người lạ, đầu gần như rụt vào giữa hai vai, chẳng khác gì con tôm đang sợ hãi.
Cô ngẩng đầu kiêu ngạo, không vào phòng mà bỏ đi.
Cô coi thường Đinh Thích, cô là người thành phố, cô Tây, cô trắng, cô không phải con hoang, là con đẻ, cô thông minh, còn khiến người khác yêu thích nữa….
Sau nữa, Dịch Cửu Qua hỏi cô chơi với anh trai thế nào, cô nổi giận đùng đùng: “Ai thèm chơi với nó! Thứ kém tắm!”
…
Cá khô ăn hết rồi, trên ngón tay còn vương mùi cá tanh nhàn nhạt. Dịch Táp rút từ trong túi hành lý ra một chai nước khoáng, vặn nắp, đổ nước rửa tay.
Đang rửa, chợt thấy buồn cười.
Một con nhóc ranh, mới bao lớn mà đã biết phun ra những từ như “kém tắm” này chứ, cũng chẳng biết là học ai nữa.
Hơn hai mươi năm.
Trưởng thành cả rồi.
Thói đời thay đổi, nhưng những bí mật của sông lớn thì vẫn luôn sinh trưởng không ngừng.
Cô và hắn đều đã nhập cuộc.