Sau khi ra khỏi bệnh viện, bà cụ Hồ bèn thức giấc.
Bà nằm trên lưng Kim Sân, ngây thơ hỏi: “Ba định dẫn Chúc Chúc về nhà ạ?”
Dường như bà cụ lại nhớ ra chuyện người khác không gọi mình là Chúc Chúc nên bắt đầu tự xưng mình là Chúc Chúc.
“Chúng ta đi thăm một người.” Kim Sân trả lời con gái.
Bà lão à một tiếng.
“Là bạn của ba sao?”
Bà vừa nói vừa không kìm được đưa tay sờ lên đầu ba mình.
“Tóc ba còn ngắn hơn tóc con nữa.”
Kim Sân để mặc cho bà sờ tóc mình, trả lời: “Vậy tại sao tóc của ba lại ngắn hơn tóc con? Bé cưng cứ từ từ nghĩ, đừng nôn nóng.”
Bà cụ Hồ ừm một tiếng, nghĩ ngợi một lát rồi rón rén trả lời, giọng nói vừa mang theo vẻ mong đợi vừa chứa chút sợ hãi sẽ trả lời sai.
“Có phải vì ba thích để tóc ngắn không?”
Kim Sân cười khen ngợi.
“Thông minh quá.
Tóc ba ngắn là vì ba thích để tóc ngắn.”
Bà cụ vốn đang khá hồi hộp vì sợ mình đáp sai, giờ được ba khen ngợi thì vô cùng thích thú, cười tươi đến nỗi những nếp nhăn trên mặt đều tạo thành những đường cong vui vẻ.
Ngay sau đó, bà dán mặt vào lưng Kim Sân, hấp tấp nói: “Ba ơi ba, con thật là vui!”
Kim Sân hỏi: “Tại sao vậy?”
“Vì ba yêu con.” Bà cụ vui vẻ trả lời.
Bản thân bà cũng không thể giải thích rõ tại sao nhưng bà nhạy cảm cảm nhận được ba yêu mình nhất cho nên mới bảo bà từ từ mà nghĩ, còn khen bà nữa.
Kim Sân thì đang nghĩ: sớm muộn gì cũng phải đập cho thằng cháu ngoại một trận.
Con gái anh tuy không nhớ cũng không hận nhưng lại vô cùng nhạy cảm trước những cảm xúc của người khác, có thể cảm nhận được sự trách móc và bực dọc của họ.
Kim Sân bèn bảo: “Ba vẫn luôn yêu con nhất.”
Cứ thế, Kim Sân cõng con gái đi băng qua đám đông mà không hề cảm thấy mệt.
Tiếng cười của con gái không ngừng vang lên bên tai anh.
“Ba ơi, con cao thiệt là cao nè, cao hơn tất cả mọi người!”
Kim Sân: “…” Thật y chang như hồi còn nhỏ.
Chàng trai anh tuấn cõng một bà lão, bước chân vững vàng đi giữa dòng người làm cho không ít người quay lại len lén nhìn.
Bà cụ Hồ nhoài tới, thì thầm vào tai Kim Sân: “Ba ơi ba, để con xuống tự đi đi.
Mọi người đều đang nhìn con kìa.
Ba dắt tay Chúc Chúc đi đi, nếu không mọi người sẽ nói lớn tướng thế rồi mà còn bắt ba cõng, thật xấu hổ.”
Kim Sân quay đầu qua, nhìn mái đầu bạc phơ của con gái, trả lời: “Con có lớn đến đâu thì vẫn là bé cưng của ba.”
Bà cụ vui mừng đưa tay lên che miệng, cười híp mí, hỏi: “Vậy khi con mười tuổi, lên tiểu học thì sao?”
“Có lên đại học thì vẫn là bé cưng Chúc Chúc của ba thôi.”
Hai cha con vừa đi vừa nói, rất nhanh đã đến khu phòng bệnh nội trú.
Kim Sân cõng con gái đi vào thang máy, lên tầng mười hai.
Các chuyên gia đang ở đó đợi anh.
Đến nơi, Kim Sân vẫn không có ý định thả bà cụ Hồ xuống.
Bà lão thấy có nhiều người lạ đang trò chuyện với ba thì nói khẽ: “Ba ơi ba, ba thả con xuống đi.”
Kim Sân tưởng là bà có chuyện gì cần nên thả xuống.
Sau khi xuống, bà cụ ngoan ngoãn nắm tay Kim Sân, đứng sau lưng anh nhìn bên này ngó bên kia nhưng không hề quấy rầy anh bàn công việc với người khác.
Sau khi đã hiểu rõ tình hình của Hồ Thừa Khiếu, Kim Sân bèn dẫn con gái đi mặc đồ bảo hộ, cùng vào phòng bệnh cách ly để thăm Hồ Thừa Khiếu.
Từ sau khi trở về, ngày nào anh cũng đến đây thăm con rể, cố gắng dùng linh lực của tử thần để đánh thức linh thể đang ngủ say trong ông nhưng không có tác dụng.
Giờ phút này, ông cụ Hồ Thừa Khiếu trên giường bệnh vẫn đang yên lặng nằm đó, thần sắc tiều tụy, hình dáng gầy gò.
Bà cụ Hồ nhìn một cái bèn len lén nép ra sau lưng ba, hỏi nhỏ: “Ba ơi, ông cụ này là bạn của ba sao?”
Kim Sân ngẩn ra.
Anh cũng rất thương cậu con rể này, tuy không ai có thể so với con gái anh nhưng dù gì đây cũng là đứa bé mà anh đã chứng kiến nó trưởng thành, bao năm nay nó cũng rất tốt với con gái anh.
Vì thế anh quay sang dỗ dành con gái.
“Chúc Chúc, đây là anh Thừa Khiếu.
Con còn nhớ anh Thừa Khiếu không?”
Bà cụ Hồ gật đầu.
Bà vẫn nhớ anh Thừa Khiếu.
Bà hỏi với giọng khó hiểu.
“Nhưng… nhưng anh Thừa Khiếu là trẻ con mà?”
Kim Sân xoa mái tóc bạc của bà.
“Anh Thừa Khiếu bị bệnh nên mới trở nên thế này.
Vì thế khi Thừa Khiếu tỉnh lại, con không được gọi nó là ông nhé, phải gọi là anh Thừa Khiếu như trước, nếu không thằng bé sẽ buồn lắm đấy.”
Trí nhớ của Kim Sân rất tốt.
Anh còn nhớ chàng thanh niên Hồ Thừa Khiếu đã từng đứng trước mặt anh tuyên bố:
“Ba, người là cha, nếu người mãi mãi không già đi thì con gái sẽ cảm thấy rất yên tâm vì được che chở.
Nhưng con là chồng, nếu con không thể cùng cô ấy từ từ già đi, cảm nhận sự tàn nhẫn của thời gian thì sớm muộn cũng có một ngày, con sẽ trở thành một loại gánh nặng và là nỗi giày vò với cô ấy.”
Kim Sân dắt tay con gái đi đến bên giường bệnh, nói: “Anh Thừa Khiếu có tốt với con không?”
Bà cụ Hồ gật đầu.
“Vậy thằng bé bị bệnh, con nên làm thế nào?”
Bà ngẫm nghĩ một lát.
“Cho anh ấy toàn bộ bánh quy của con.”
Kim Sân hôn lên trán con gái.
“Bé cưng ngoan quá.
Đợi anh Thừa Khiếu tỉnh lại, nó có thể cùng chơi với con, con cũng phải đối tốt với nó nhé.”
Bà lão nghĩ ngợi rồi nhìn vào ông lão trên giường, nói: “Anh Thừa Khiếu, anh phải mau mau tỉnh lại nha, đến lúc đó em sẽ cho anh toàn bộ bánh quy của em.”
Bà cụ Hồ rất tin tưởng ba mình.
Ba đã nói đây là anh Thừa Khiếu thì bà sẽ một mực tin rằng đây là anh Thừa Khiếu đang bị bệnh.
Nếu là một người khác nói, chắc chắn bà sẽ không tin, vẫn khăng khăng cho rằng anh Thừa Khiếu là một đứa trẻ.
Phòng bệnh cách ly không được ở quá lâu, chỉ một lát sau đã có y tá đến giục họ ra ngoài.
Sau khi y tá vào, nhìn thấy bà cụ Hồ bèn hỏi Kim Sân: “Đây là người chăm bệnh nhà các anh thuê đến à?”
Bà cụ Hồ ôm chặt cánh tay của ba mình.
“Ba ơi, người chăm bệnh là sao ạ?”
Y tá không nhận được câu trả lời nhưng đã nghe được đối thoại giữa họ, mắt chị ta lóe lên điều gì, sau đó ra ngoài gọi điện thoại.
Kim Sân dẫn con gái sang thăm con rể rồi lại tham gia buổi hội chẩn.
Sau khi kết thúc buổi hội chẩn, xác định thời gian phẫu thuật, khi ấy mới dẫn con gái về chỗ khám bệnh lấy kết quả.
Bà cụ Hồ nhìn Kim Sân, sau đó nhìn kết quả trên tay anh, tò mò hỏi: “Ba ơi, con cũng muốn xem.”
Kim Sân đưa kết quả cho bà xem, sau đó nói: “Bé cưng à, con bị cao huyết áp.”
Thật ra bệnh vặt thì có một đống, còn những vấn đề đáng quan tâm khác lại khiến Kim Sân rất đau lòng.
Kim Sân cầm kết quả đi tìm bác sĩ, bác sĩ nhanh chóng kê toa.
Thế là trên đường về, Kim Sân tay trái dắt tay con gái, tay phải xách một bọc thuốc lớn, còn bà cụ Hồ thì xách một bịch thuốc nhỏ, vừa đi vừa hỏi: “Ba ơi, những cái này đều cho con uống sao? Nhiều quá hà, con không thích uống thuốc thì phải làm sao?”
Kim Sân nói: “Mỗi ngày ba lần, sáng trưa chiều ba sẽ đến trông chừng con uống thuốc.”
Mắt bà cụ lập tức sáng lên.
“Ba ơi ba, chúng ta quay lại lấy thêm thuốc đi.
Sau này con sẽ thích uống thuốc!”
Kim Sân: “…” Con gái ngốc nghếch.
Sau khi lấy thuốc, cha con họ trở về nhà.
Khi về nhà, biệt thự vẫn rất yên tĩnh, cô con dâu vẫn ở trong phòng làm việc chưa ra ngoài, Kim Sân cho con gái uống thuốc, đi ngủ rồi mới đi.
Vừa đi được không lâu, biệt thự liền có người đến chơi.
Cô con dâu nghe điện thoại, lập tức ra ngoài cổng đón.
“Mẹ, sao mẹ lại sang đây? Sao không gọi điện thoại cho con để con lái xe qua đón?”
“Mẹ Hồ Đào như thế, con có đi được không?” Bà thông gia của bà cụ Hồ nói.
Cô con dâu trả lời: “Hôm nay khá tốt, không chạy ra ngoài, không vào quấy rầy con, đầu tiên là ngồi trên sô pha chơi một lát, sau đó thì về phòng ngủ.” Lúc nãy ra ngoài, chị ta phát hiện phòng khách trống không cũng giật nảy mình, vào phòng xem thì thấy mẹ chồng đã ngủ rồi.
Bà thông gia bực bội hỏi: “Hồ Đào vẫn chưa chịu đưa bà ta vào viện dưỡng lão à? Viện dưỡng lão có gì mà không tốt?”
Cô con dâu đáp: “Mẹ Hồ Đào nhát gan, sợ người lạ.
Ý của Hồ Đào là thuê người giúp việc về chăm.
Mẹ, mẹ muốn ăn gì để con nấu?”
“Lại thuê giúp việc, vậy phải tốn bao nhiêu tiền chứ.” Bà thông gia nhăn mặt nói.
Cô con dâu sợ mẹ mình lo lắng chuyện tiền nong nên bèn an ủi.
“Ba mẹ của Hồ Đào có lương hưu, cộng lại là hơn hai mươi ngàn, đủ dùng mà.”
“Con chớ lo chuyện ăn uống, chúng ta chưa ăn vội.
Lần này mẹ sang đây là để nói một việc.”
“Mẹ nói đi.” Cô con dâu cảm thấy hơi lạ.
“Con còn nhớ mình có đứa cháu họ làm y tá ở bệnh viện không? Nó nói mấy ngày nay có một chàng trai trẻ mỗi ngày đều đến chăm sóc ba Hồ Đào, hơn nữa còn rất thân thiết với mẹ Hồ Đào, còn mẹ Hồ Đào thì ngây ngốc luôn rồi, còn gọi cậu ta là ba nữa.”
Cô con dâu nói: “Sao con không biết nhỉ?”
“Cho nên mẹ mới sang hỏi các con là căn biệt thự này đã sang tên chưa? Tiền dành dụm, tiền lương của họ có nằm trong tay con không?”
“Biệt thự vẫn chưa sang tên, còn tiền đề dành và hai cái thẻ ngân hàng đều ở chỗ con cả.”
“Sao vẫn chưa sang tên biệt thự? Họ đã đến nước này rồi mà còn níu lấy nhà cửa không buông, mang vào quan tài được sao?”
“Họ chỉ có mình Hồ Đào, cho nên con và Hồ Đào đều không nghĩ nhiều, cũng không giục họ.” Cô con dâu nói.
“Mẹ, mẹ lo xa quá đó.
Tuy họ đều đã già nhưng cũng không đến nỗi lẩm cẩm mà sang tên biệt thự cho người ngoài.”
“Con gái tôi sao lại ngu thế này.
Mẹ chúng mày còn nhận ra chúng mày sao? Chúng mày mới là người ngoài đó! Nếu bà ta lập di chúc trao hết nhà cửa tiền bạc cho cho thằng đó thì chúng mày phải làm sao?”
Cô con dâu do dự một lát rồi nói: “Để tối con nói chuyện với Hồ Đào.
Mẹ, mẹ đừng lo mấy chuyện này.”
—
“Không đâu, tuy giờ mẹ không nhớ chúng ta nhưng cũng sẽ không lẩm cẩm đến mức để nhà cửa cho người ngoài đâu.” Tối đó, Hồ Đào trở về nghe được chuyện này, lập tức phản ứng như vậy.
Cô con dâu cũng gật đầu, nói: “Em cũng nói thế nhưng ý của mẹ em là giờ đầu óc mẹ không được tỉnh táo lắm, rất dễ bị người ta lừa gạt.”
Mà vào lúc này, trên sô pha, bà cụ Hồ đang nhìn vào chiếc điện thoại cũ không biết lấy ở đâu ra, tự lẩm bẩm một mình:
“Ba ơi, con hát cho ba nghe nha.
Bài hát này con học được ở nhà trẻ, rất hay đấy.”
“Ốc tù và thổi vù vù, ba nghe xong dang cánh bay… Ốc tù và thổi vù vù, ba nghe rồi mau trở lại… Đây không phải em trai thổi, đây là ốc tù và thổi, ba nghe rồi mau trở về nhà…”
Hồ Đào và vợ đưa mắt nhìn nhau, cuối cùng vẫn hơi do dự.
Hồ Đào thở dài một hơi, nói: “Để anh gọi cho luật sư xem sao.”
Cô con dâu nói: “Đúng rồi, phải hỏi thử xem.
Dù gì nếu nhà và tiền bị người khác lừa mất thì ba mẹ cũng sẽ rất đau lòng.”
Hồ Đào lấy điện thoại ra gọi.
Luật sư ở đầu bên kia nhanh chóng giải đáp thắc mắc của họ.
“Chuyện này không vấn đề gì, dù mẹ anh có bị người ta dụ dỗ, lập di chúc thì cũng không ảnh hưởng gì đến quyền thừa kế của anh.
Bà ấy mắc chứng alzheimer, xét về mặt pháp luật thì không đủ năng lực nhận thức bình thường, không có năng lực hành vi dân sự nên luật pháp sẽ không công nhận di chúc của bà ấy.”.