Bá tước Monte Cristo


Chương 20 
Danglars
 
Chuyến du lịch của Monte Cristo và của Morrel đi Marseille diễn ra mau lẹ tuyệt vời, đó vốn là một trong những thế mạnh của bá tước. 
Ngày hôm sau, ngay từ sáng sớm họ tới Chalon, đã có một tàu thủy hơi nước đón họ ở đó, sẵn sàng khởi hành; chẳng phí một khoảnh khắc, chiếc xe được đưa xuống tàu. Chẳng mấy chốc đã đến Marseille. ở đó, do một thỏa thuận chung, cả hai người dừng lại ở Canebière. 
Một chiếc tàu biển đi Alger, giữa những kiện hàng, những hành khách chồng chất trên boong, giữa đám đông họ hàng bạn bè tiễn biệt nhau. 
- Ôi! Lạy chúa! Morrel kêu lên, tôi không lầm đâu! Chàng trai đang vẫy mũ chào kia, cái anh chàng mặc quân phục ấy, là Albert de Mor-cerf đấy! 
- Đúng, Monte Cristo nói, tôi đã nhận ra anh ta. 
Và cặp mắt anh dõi theo một người đàn bà che mạng vừa đi khuất vào góc phố. 
- Bạn thân mến, anh có việc gì cần làm ở vùng này không? Bá tước bảo Maximilien. 
- Tôi cần đến khóc bên mộ cha tôi. Morrel nghẹn ngào trả lời. 
- Được lắm, anh đi đi. 
- ông từ biệt tôi ư? 
- Phải, tôi có việc ở Italie. Anh nhớ nhé. 
Ngày 5 tháng mười, Morrel ạ, tôi đợi anh ở đảo Monte Cristo. Ngày mùng 4, một du thuyền sẽ đón anh ở cảng Bastia. 
Morrel để bàn tay mình rơi xuống bàn tay bá tước đang chìa ra cho anh, rồi anh cúi đầu chào, từ biệt bá tước và đi về phía đông thành phố. 
Monte Cristo đợi cho Maximilien đi đã xa; rồi ông đến đường Meilhan và bước vào một khu vườn chính là nơi Mercédès tìm thấy số tiền mà bá tước đã tế nhị nói là chôn ở đó từ hai mươi bốn năm trước. 
Vừa đến ngưỡng cửa, Monte Cristo nghe có một tiếng thở dài giống như tiếng nức nở, ông thấy Mercédès ngồi gập người đang khóc. Monte Cristo bước lên vài bước, cát lạo xạo dưới chân ông. 
- Thưa bà, bá tước nói, tôi chẳng còn có thể đem lại hạnh phúc cho bà, nhưng tôi dâng tặng.bà sự an ủi: bà có hạ cố nhận sự an ủi ấy như của một người bạn dành cho bà được không? 
- Quả thực tôi rất đau khổ, Mercédès trả lời, tôi cô đơn trên đời này. Tôi chỉ có con trai tôi thì nó đã rời xa tôi rồi. 
- Chao ôi! Monte Cristo nói, tất cả những lời nói của bà, nóng bỏng và cay đắng rớt xuống trái tim tôi, càng cay đắng và nóng bỏng hơn nữa vì bà có lý do để căm ghét tôi; chính tôi đã gây ra mọi đau khổ của bà. 
- Căm ghét ư, kết tội chàng ư, chàng, Edmond căm ghét, buộc tội con người đã cứu sống con trai tôi, bởi vì phải chăng chàng có ý định tàn bạo và đẫm máu giết đi của de Morcerf đứa con trai mà ông ta lấy làm tự hào? Ôi! Hãy nhìn tôi đi và chàng sẽ thấy ở tôi có biểu hiện trách móc nào không. Chàng đã rộng lượng tha cho tôi, ấy thế mà trong tất cả những kẻ đã giáng họa cho chàng, tôi là kẻ có tội nhất. Tất cả những kẻ khác đều hành động vì hận thù, vì hám lợi, vì ích kỷ; còn tôi, tôi hành động vì hèn nhát. bây giờ Edmond ơi, hãy nói với tôi lời vĩnh biệt. 
Và sau khi đưa bàn tay run rẩy của mình chạm vào tay Monte Cristo, Mercédès lao xuống bậc thềm và chạy đi khuất khỏi tầm nhìn của bá tước. Lúc đó Monte Cristo liền ra khỏi nhà và quay lại đường ra cảng. ông xuống tàu và chiếc tàu biển khởi hành. * * * Đúng vào lúc con tàu của bá tước ra khơi thì Danglars đến Rome, ở khách sạn Tây Ban Nha. Bác Pastrini đón người du khách. 
Sau đó Danglars đến hãng Thomson và French, rồi hai mươi phút sau hắn ra khỏi đó, hớn hở mừng vui vì đã bỏ túi được tờ hối phiếu năm triệu. 
Danglars trở về chỗ ở của mình; hắn mệt mỏi nhưng mãn nguyện và buồn ngủ. Hắn đi ngủ, đặt ví dưới chiếc gối dài ở đầu giường rồi ngủ thiếp đi. 
Ngày hôm sau, hắn thức dậy muộn. Hắn ăn sáng và yêu cầu ngựa trạm vào buổi chiều. 
Danglars muốn ghé qua Venise để nhận ở đó một phần tài sản, rồi từ Venise đi Vienne là nơi hắn nhận nốt phần còn lại - ý định của hắn là sẽ ngụ lại thành phố này, người ta đoan chắc với hắn đó là một thành phố của hoan lạc. 
Hắn lên đường, nhưng hắn vừa mới đi được độ gần ba dặm trong vùng quê của thành Rome thì bỗng nhiên hắn thấy có một người khoác áo choàng đang phi nước đại cạnh cửa xe bên phải. 
- Lại cảnh binh gì đây, hắn nói. Phải chăng là mình đã bị thông báo bằng các bức điện tín của Pháp cho nhà cầm quyền Italie? 
Lại một người nữa phi ngựa nước đại cạnh cửa xe bên trái. 
- Này, ông bạn! Chúng ta đi đâu vậy? Hắn thò đầu ra cửa xe và nói. 
Hắn chẳng hề được ai trả lời. Chiếc xe tiếp tục chạy với tốc độ ghê người. Một giờ đồng hồ trôi qua khủng khiếp, vì cứ mỗi cột mốc mới loang loáng vút qua cửa xe đang chạy, kẻ chạy trốn lại càng nhận ra rằng họ đang dẫn hắn quay trở lại. Cuối cùng hắn thấy cái khối sẫm màu của vành đai thành cổ bao quanh Rome. 
- Ôi! Ôi! Danglars thì thào, ta không quay về thành phố, đây là... 
Bất chợt, sau lời của người phi ngựa cạnh cửa xe bên phải, chiếc xe dừng lại. 
Đồng thời cửa xe bên trái mở ra. 
- Xuống! Một giọng nói ra lệnh. 
Danglars lặng lẽ theo người dẫn đường mà không hỏi han gì, đi qua những vạt cỏ cao cho đến tận một mô đá bên trên là một bụi rậm; mô đá này có chỗ để chàng trai dẫn đường lách qua. 
Người đi theo sau Danglars bảo lão chủ ngân hàng cũng làm như chàng trai. Hắn bật ra một tiếng rên rầu rĩ và đi theo người dẫn đường: hắn cố không van xin cũng không kêu la. Hắn chẳng còn cả sức lực, cả ý chí, cả sức mạnh lẫn xúc cảm; hắn đi vì người ta dẫn hắn đi..Hắn vấp phải cái bậc và hiểu ra có một cầu thang trước mặt hắn, hắn cúi xuống theo bản năng để tránh bị dập trán và thấy mình đang ở trong một xà lim đục hẳn vào đá. Cái xà lim này sạch sẽ, dù là trần trụi, khô ráo dù là ngầm dưới đất ở một độ sâu không sao ước lượng được. 
Một cái ổ cỏ khô phủ da dê được trải trong góc xà lim... 
- Vào đi. Người dẫn đường nói. 
Và vừa đẩy Danglars vào xà lim hắn vừa đóng cửa lại sau lưng hắn. Một cái chốt rít lên, Danglars đã là tù nhân. 
ở một mình, Danglars lấy lại được đôi chút can trường. Khi mà họ chẳng giết hắn ngay lập tức, ắt hẳn là họ bắt hắn để mà tước đoạt của hắn, và bởi hắn chỉ mang trong người có vài đồng lu y, họ sẽ đòi hắn tiền chuộc. Hắn vẫn còn lại khoảng độ năm triệu năm chục ngàn phrăng. Vậy thì gần như chắc chắn là hắn thoát, Danglars nằm dài xuống ổ và sau vài lần trở mình hắn ngủ thiếp đi. 
Vừa thức dậy, hắn thọc tay ngay vào túi. Các túi vẫn y nguyên. 
Rồi hắn cảm thấy đói. Hắn đứng dậy và ra gõ cửa để gọi người gác ngục. 
- Này ông bạn! Danglars vừa nói vừa dùng các ngón tay gõ nhịp vào cửa, có lẽ đã đến lúc họ cũng phải nghĩ tới việc nuôi dưỡng tôi chứ, tôi ấy! 
Tên cướp đến mở cửa. Đó là Peppino, người quen biết cũ của chúng ta. 
- Tôi đói, Danglars nói, thậm chí rất đói. 
- Đức ông muốn ăn ư? Không có gì tiện hơn, tên cướp nói; ở đây người ta có được bất cứ cái gì người ta muốn, và phải trả tiền ngay, dĩ nhiên như vậy. Ngài gọi món đi. 
- Này, một con gà giò, một con cá, thịt thú rừng, gì cũng được miễn là tôi được ăn. 
- Xin tùy ý đức ông; chúng tôi dọn một con gà giò có được không? 
- ừ, một con gà giò. 
Vài phút sau một người trẻ tuổi xuất hiện mang tới con gà giò đặt trên đĩa bạc. 
- Đây, thưa đức ông, Peppino đỡ con gà từ tay tên cướp trẻ và đặt nó lên cái bàn mọt. 
Danglars bắt đầu làm nhiệm vụ xả con gà ra. 
- Xin lỗi, Đức ông, tên cướp vừa nói vừa đặt tay lên vai ông chủ ngân hàng; ở đây có quy định trả tiền trước khi ăn; người ta có thể không hài lòng khi ra khỏi... 
- A! A! Danglars nói, chúng ta không còn như ở Paris nữa, nhưng anh hãy hành động cao thượng. Nào, tôi luôn nghe nói ở Italie giá sinh.hoạt rẻ, một con gà giò ở Rome chắc độ mười hai xu. 
- Đây, hắn nói và ném ra một đồng lu y cho tên cướp. 
Peppino nhặt đồng lu y, Danglars đưa dao lại gần con gà. 
- Khoan đã, đức ông, Peppino vừa nói vừa đứng dậy, khoan đã, đức ông còn thiếu tôi món tiền nữa. Con gà này giá năm ngàn lu y; thế là đức ông chỉ còn thiếu tôi bốn ngàn chín trăm chín mươi chín đồng lu y nữa. 
Danglars trợn tròn đôi mắt khi nghe phát giá trong trò đùa giỡn một tấc đến trời này. 
- Ôi! Buồn cười quá. Hắn lẩm bẩm. 
Và hắn muốn lại bắt đầu xả con gà, nhưng tên cướp cản hắn lại. 
- Nào, tên cướp nói và chìa tay ra. 
- Cái gì! Một trăm ngàn phrăng con gà này! 
- Đức ông ơi, thật không thể hình dung nổi người ta nuôi gà vịt trong những hang đá đáng nguyền rủa này vất vả đến thế nào đâu. 
- ông bạn thân mến ôi, tôi tuyên bố điều đó là vô lý, là ngốc nghếch! Danglars nổi khùng lên nói vậy. Hay là anh tưởng người ta có một trăm ngàn phrăng trong túi? 
- ông có năm triệu năm mươi ngàn phrăng trong túi, thưa đức ông, Peppino nói; tức là mua được năm mươi con gà tơ giá một trăm ngàn phrăng và nửa con gà tơ giá năm mươi ngàn. ông có mở tín dụng ở chỗ các ông Thomson và French ở Rome. Hãy đưa cho tôi một chi phiếu bốn ngàn chín trăm chín mươi chín lu y ở chỗ các ông ấy, chủ ngân hàng của chúng tôi sẽ lấy tiền cho chúng tôi. 
Danglars rùng mình; hắn sáng mắt ra: vẫn cứ là đùa cợt, nhưng rốt cuộc hắn đã hiểu đó là thế nào. 
- Quỷ bắt anh đi! Danglars phẫn nộ vì bị chế giễu một cách dai dẳng như vậy. 
Tên cướp ra hiệu, gã trai trẻ liền vươn đôi tay ra bưng gọn con gà đi. Danglars buông mình xuống cái ổ trải da dê. 
Nhưng cái đói đã thắng Danglars; hắn vớ lấy bút và giấy mà tên cướp đưa cho, viết lệnh chi và ký. 
- Này, hắn nói, đây là chi phiếu không ghi danh cho phép người cầm phiếu được lĩnh tiền. 
- Còn ông, đây là con gà của ông. 
Danglars xả con gà và thở dài: sao mà nó quá gầy so với số tiền lớn đến thế. 
Ngày hôm sau, Danglars lại thấy đói, không khí cái hang này làm cho người ta ngon miệng hết sức. Người tù ngỡ rằng hôm ấy hắn không cần chi tiêu gì thêm: con người dè sẻn, hắn đã.giấu nửa con gà và một mẩu bánh vào góc xà lim. 
Nhưng vừa mới ăn xong là hắn thấy khát: 
hắn chưa lường trước chuyện này. 
Hắn chống chọi với cơn khát cho đến lúc cảm thấy lưỡi ráo khô dính vào vòm miệng. Lúc đó chẳng thể nào chịu đựng được ngọn lửa thiêu đốt hắn, hắn gọi. 
- Có tôi đây, thưa đức ông, tên cướp vừa nói vừa vội vàng chạy tới. 
Danglars thấy sự sốt sắng này có vẻ là điềm lành. Tên cướp hỏi: 
- Ngài muốn gì? 
- Đồ uống. Người tù nói. 
- Đức ông ơi, Peppino nói, ông biết rằng rượu vang đắt phi thường ở vùng ngoại vi Rome. 
- Vậy thì cho ta nước, Danglars nói, tìm cách đỡ đòn. 
- ồ! Thưa đức ông, nước lại còn hiếm hơn rượu vang, trời đang đại hạn mà! 
- Này, Danglars nói, xem ra chúng ta sắp làm lại từ đầu đây! Lần này, bao nhiêu? 
- Hai mươi lăm ngàn phrăng một chai. 
- Này, Danglars kêu lên, có phải là các anh muốn lột trụi ta không, cứ làm thế còn hơn là xé xác ta ra từng mảnh từng mảnh một mà ăn thịt. 
- Có thể, Peppino nói, đó là dự định của chủ tướng tôi. 
- Chủ tướng ư, hắn là ai vậy? 
- Là người mà họ dẫn ông đến gặp ngày hôm kia ấy. 
- Thế hắn ở đâu? Ta muốn gặp hắn. 
- Dễ thôi. 
Một lát sau, tên tướng cướp La Mã đã ở trước mặt Danglars. Đó là Luigi Vampa. 
- ông gọi tôi à? Hắn hỏi người tù. 
- Thưa ông có phải ông là chủ tướng của những người bắt tôi về đây không? 
- Đúng, thưa đức ông. 
- Vậy ông muốn đòi tôi tiền chuộc là bao nhiêu? Nói đi. 
- Thật quá đơn giản, là năm triệu mà ông mang trong người. 
Danglars cảm thấy một cơn co thắt đáng sợ bóp nát trái tim hắn. 
- Ta chỉ có thế trên đời này, thưa ông và đó là phần còn lại của một tài sản to lớn: nếu ông lấy đi của tôi thì hãy tước đoạt cuộc sống của tôi. 
- Người mà chúng tôi tuân lệnh đã cấm chúng tôi không được làm cho ông đổ máu, thưa đức ông..- Như vậy thì này, lũ khốn nạn! Danglars kêu lên, ta sẽ làm thất bại dự tính xấu xa của các người; cái chết đổi lấy cái chết, ta ưa kết thúc ngay lập tức, hãy làm cho ta đau, hãy hành hạ ta đi, hãy giết ta đi, nhưng các ngươi sẽ không có được chữ ký của ta nữa! 
- Xin tùy ngài, thưa đức ông. Vampa nói. 
Và hắn ra khỏi xà lim. Danglars vừa gieo mình xuống tấm da dê vừa gầm gào. 
Quyết tâm không ký của hắn kéo dài được hai ngày, sau đó hắn đòi ăn và đưa một triệu. 
Họ dọn cho hắn một bữa ăn tối thịnh soạn và lấy một triệu của hắn. Cứ đó cuộc đời của người tù khốn khổ là một chuyện vớ vẩn không dứt. 
Hắn đã đau khổ đến nỗi hắn không muốn chuốc lấy đau khổ thêm nữa và hắn chịu đựng mọi đòi hỏi. Sau mười hai ngày, một buổi chiều hắn ăn tối như trong những ngày giàu sang, hắn tính sổ lại và nhận ra rằng hắn đã đưa nhiều hối phiếu trả tiền mặt cho người mang phiếu đến nỗi hắn chỉ còn lại có năm mươi ngàn phrăng. 
Lúc đó trong hắn xảy ra một phản ứng lạ lùng: hắn cố giữ lấy năm mươi ngàn còn lại, hắn quyết định lại sống cuộc đời kham khổ, còn hơn là tiêu đi năm chục ngàn ấy. 
Ba ngày trôi đi như vậy; thỉnh thoảng hắn lại có những lúc mê sảng. 
Sang ngày thứ tư, thật không còn là một người đàn ông nữa, đó là một xác chết còn sống; hắn nhặt nhạnh dưới đất cho đến mảnh vụn cuối cùng còn rơi vãi lại của những bữa ăn trước và bắt đầu nhai ngấu nghiến cái chiếu trải trên nền đất. 
Thế rồi hắn cầu xin người gác ngục. 
- Hãy cầm lấy đồng tiền cuối cùng của tôi, Danglars vừa ấp úng nói vừa chìa cái ví của mình ra, hãy để cho tôi sống ở đây, trong cái hang này; tôi không đòi tự do nữa, tôi chỉ yêu cầu được sống thôi. 
- ít ra ông cũng sám hối rồi chứ? Một giọng ảm đạm và trang trọng cất lên, làm dựng ngược tóc trên đầu Danglars. 
Cái nhìn không còn tinh tường của hắn cố phân biệt các đồ vật, và hắn thấy đứng sau tên cướp là một người đàn ông khoác chiếc áo choàng đứng khuất sau một trụ đá. 
- Ta phải sám hối về cái gì nhỉ? Danglars ấp úng hỏi. 
- Về điều ác mà ông đã làm. Vẫn giọng ấy nói. 
- Ôi! Vâng, tôi sám hối! Tôi sám hối! 
Danglars kêu lên. 
Rồi hắn đấm ngực bằng nắm đấm gầy gò của hắn..- Như vậy thì ta tha thứ cho ngươi. Người ấy vừa nói vừa ném chiếc áo khoác đi vừa bước lên một bước ra chỗ sáng. 
- Bá tước Monte Cristo! Danglars nói, người nhợt nhạt đi vì kinh hãi, còn hơn là một lát trước đây hắn nhợt nhạt đi vì sợ đói, vì khổ. 
- ông lầm rồi, tôi không phải bá tước Monte Cristo. 
- Vậy ông là ai? 
- Tôi là kẻ đã bị ông bán đứng, đã giao nộp, đã làm mất danh dự. Tôi là kẻ đã bị ông giẫm đạp để leo lên tạo cơ nghiệp ình; tôi là kẻ có người cha bị ông làm cho chết vì tuyệt vọng: 
tôi là Edmond Dantès! 
Danglars chỉ thét lên được một tiếng rồi quỳ sụp xuống. 
- Dậy đi ông, bá tước nói, ông đã thoát chết; vận may như vậy đã không đến với hai kẻ đồng lõa với ông: một kẻ phát điên, kẻ kia đã chết! 
Hãy giữ lấy năm mươi ngàn quan còn lại của ông, ta làm quà cho ông đấy. Và bây giờ hãy ăn đi, uống đi; tối nay ông là khách mời của ta. 
Vampa, khi người này đã ăn no nê, hắn sẽ được tự do. 
Danglars vẫn cứ quỳ sụp dưới đất trong lúc bá tước đi xa dần; khi hắn ngóc đầu lên, hắn chỉ còn thấy một cái bóng đang khuất dần trong hành lang và trước cái bóng ấy những tên cướp cúi mình chào. 
Như bá tước đã ra lệnh, Vampa cho dọn bữa ăn mời Danglars, cho đem đến rượu vang ngon nhất và những thứ quả ngon nhất của Italie, rồi đặt hắn vào ghế chiếc xe trạm, Vampa đứng dựa lưng vào một gốc cây, để kệ hắn lên đường. 
Lúc trời sáng, Danglars thấy mình đang ở bên một dòng suối: hắn khát, hắn trườn tới mép nước. 
Và lúc cúi xuống để uống nước, hắn thấy tóc mình bạc trắng..Đoạn kết Ngày 5 tháng mười, một chiếc du thuyền nhẹ lướt tới đảo Monte Cristo trong những làn sương đầu tiên của buổi tối. 
Người du khách mà chiếc du thuyền nhỏ dường như tạm thời tuân lệnh cất một giọng trầm và đượm một nỗi buồn sâu lắng hỏi: 
- Kia có phải là đảo Monte Cristo không? 
- Vâng thưa ngài, chủ thuyền trả lời, chúng ta đến nơi rồi. 
Mười phút sau người ta cuốn buồm và buông neo cách một cảng nhỏ khoảng năm trăm bước. 
- Xin chào Maximilien, một giọng nói cất lên, anh thật đúng hẹn, cám ơn! 
- ông đấy à, bá tước, chàng trai vừa kêu lên vừa đưa hai tay nắm lấy bàn tay Monte Cristo. 
Morrel như cái máy bước theo bá tước đến tận hang. 
- Này bá tước, ông sắp cho tôi một trong những cái chết mà ông đã báo trước, một cái chết không hấp hối, một cái chết cho tôi được vừa lịm đầu đi vừa gọi tên Valentine và xiết tay ông? 
- Anh không nuối tiếc gì sao? Monte Cristo hỏi. Tôi không có ai là bà con thân thích trên đời này như anh biết đấy. Tôi đã quen coi anh như con trai tôi; như vậy thì để cứu con trai tôi, tôi hy sinh cả tính mạng của mình huống hồ là tài sản. Morrel ơi, tôi có gần một trăm triệu, tôi cho anh cả; với một cơ nghiệp như vậy, anh có thể đạt tới mọi thành tựu mà anh muốn vươn tới. 
- Bá tước, tôi đã nhận lời hứa của ông, Morrel lạnh lùng trả lời. 
- Được lắm, Monte Cristo nói, anh đã muốn thế, và anh thật cứng rắn. Vậy tôi sắp cho anh thứ mà anh muốn. 
Monte Cristo rút ra một cái hộp nhỏ bằng vàng có nắp bật lên được nhờ một cái lò xo giấu kín. 
Chiếc hộp này đựng một chất nhờn gần như rắn, màu sắc thật khó xác định. 
- Đây là cái mà anh đã yêu cầu tôi, bá tước nói. Và cũng là cái tôi đã hứa với anh. 
- Bây giờ đang còn sống, tôi xin cám ơn ông từ đáy lòng mình. Vĩnh biệt người bạn cao quý và hào hiệp của tôi, tôi sẽ nói với Valentine về tất cả những gì ông đã làm cho tôi. 
Và từ từ, Morrel nuốt cái chất huyền bí do Monte Cristo đưa cho. Dần dần các đồ vật bắt.đầu mất đi hình dạng và màu sắc của mình; cặp mắt anh mờ đục đi. Anh thấy trong bức tường cứ như mở ra những cánh cửa và những tấm rèm. 
- Bạn ơi, anh nói, tôi cảm thấy, tôi đang chết. 
Xin cám ơn. 
Trong khi Maximilien buông mình đi vào cơn hấp hối nhẹ nhàng của anh thì một luồng ánh sáng tràn trề từ căn phòng bên cạnh chiếu rọi vào nơi anh đang ở. Anh thấy một người đàn bà đẹp tuyệt vời đến ngưỡng cửa của phòng này. 
Cô tiến về phía anh, hai tay chắp vào nhau và nụ cười trên môi. 
- Valentine! Valentine! Morrel reo lên từ cõi sâu thẳm của linh hồn. 
Valentine chạy xô về phía anh. 
Cặp môi Morrel còn phác một cử động. 
- Anh đang gọi cô, bá tước nói; anh đang gọi cô từ một giấc ngủ sâu. Valentine, từ nay các bạn không phải rời xa nhau nữa trên trái đất này. 
Không có tôi các bạn sẽ chết cả đôi; tôi trao trả các bạn cho nhau. Tôi xin cầu chúa xét đến cho tôi hai sinh linh mà tôi cứu sống! 
Valentine nắm lấy tay Monte Cristo và trong lúc mừng rỡ không sao cưỡng nổi, cô đưa tay ông lên môi mình. 
Lúc đó, bá tước ôm ghì lấy cô rồi đi khuất. 
Gần một tiếng đồng hồ trôi đi, Valentine, cứ ngồi bên Morrel mà thở hổn hển, không nói năng gì, đôi mắt nhìn đăm đăm. Cuối cùng cô thấy tim anh đập nhẹ một hơi thở không nhận ra được làm hé mở cặp môi anh, và cái run nhè nhẹ báo hiệu sự sống đang trở lại ấy lan khắp thân thể chàng trai. 
- Ôi! Anh thốt lên với ngữ điệu tuyệt vọng, tôi vẫn sống ư! Bá tước đã lừa tôi! 
- Morrel, Valentine nói với nụ cười tuyệt diệu, anh tỉnh lại đi và nhìn về phía em đây. 
Morrel thét lên thật to, cuống cuồng đứng lên, lòng đầy hoài nghi, lóa mắt như trước một ảo ảnh trên trời, anh ngã quỵ xuống. 
Ngày hôm sau, dưới những tia nắng đầu tiên của mặt trời, Morrel và Valentine khoác tay nhau dạo bước dọc bờ biển, Valentine kể cho Morrel nghe Monte Cristo đã xuất hiện trong phòng cô như thế nào và bá tước đã cứu cô thoát chết một cách thần kỳ mà vẫn để mọi người tưởng là cô đã chết. 
Trước đấy họ đã thấy cửa hang mở sẵn và họ đi ra. Lúc này Morrel nhận ra trong một vùng mờ tối của một đống đá có một người đàn ông đang ngồi, ông vẫy gọi để họ tiến lại. 
- A! Đây là ông thuyền trưởng của chiếc du thuyền. Valentine nói..- ông có điều gì muốn nói với chúng tôi chăng? - Morrel hỏi. 
- Tôi phải trao lại cho ông bức thư của bá tước. 
Morrel mở lá thư và đọc: 
"Maximilien yêu quý, Có một chiếc thuyền buồm nhẹ dành cho anh đang neo. Nó sẽ đưa anh đến Livourne, ở đó cụ Noirtier đang đợi cô cháu gái vì cụ muốn cầu phúc cho cô trước khi cô theo anh đến bàn thờ Chúa. Tất cả những gì có trong hang này, cả ngôi nhà ở Champs élysées và tòa lâu đài nhỏ ở Tréport là quà cưới mà Ed-mond Dantès tặng cho con trai ông chủ Morrel của mình. Cô de Villefort sẽ vui lòng nhận một nửa vì tôi đã cầu xin cô dành cho những người nghèo ở Paris cả tài sản cô nhận được từ cha cô đã phát điên, từ em trai cô đã chết cùng với bà mẹ kế của cô hồi tháng chín vừa qua. 
Còn anh, Morrel, đây là tất cả bí mật trong cách xử sự của tôi đối với anh: không có cả hạnh phúc lẫn bất hạnh trên đời này, chỉ có sự so sánh tình trạng này với tình trạng khác, thế thôi. Phải đã từng muốn chết, Maxi -milien ạ, mới biết rằng sống là tốt đẹp biết bao. 
Vậy hãy sống và hãy sung sướng, các con yêu dấu của lòng ta và đừng bao giờ quên rằng cho đến ngày Chúa rủ lòng vạch rõ tương lai cho con người, thì mọi sự khôn ngoan của người đời chỉ bao hàm trong hai từ: chờ đợi và hy vọng! 
Bạn anh, Edmond Dantès Bá tước Monte Cristo." - Đi rồi! Morrel hét. Đi rồi! Vĩnh biệt người bạn của tôi, cha của tôi! Ai mà biết có bao giờ chúng ta lại được gặp ông! - Anh vừa nói vừa lau nước mắt. 
- Morrel, Valentine nói, phải chăng bá tước vừa nói với ta rằng sự khôn ngoan của con người ở cả trong hai từ: chờ đợi và hy vọng. 
Ngày 6-10-2000. 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui