Bác Sĩ Zhivago

Quả thực bác sĩ Zhivago đã gặp đủ chuyện tình cờ rình rập chàng ở cái ngã ba ấy. Một buổi tối lạnh lẽo cuối thu, trước cuộc giao tranh tháng Mười ít lâu, chàng đã vấp phải một người nằm bất tỉnh ngay vỉa hè, hai tay giang rộng, đầu chúi vào cạnh cột đá chân thõng xuống mép đường. Thỉnh thoảng người ấy lại khẽ rên rỉ. Zhivago thử tìm cách làm cho ông ta tỉnh lại, hỏi khá to, thì ông ta chỉ lắp bắp vài tiếng chẳng rõ đầụ đuôi, rồi lại ngất đi. Đầu ông ta bị thương, chảy máu, nhưng bác sĩ xem qua thấy xương sọ vẫn nguyên vẹn. Hiển nhiên ông ta là nạn nhân của một vụ cướp có hành hung. "Cái cặp. Cái cặp" hai ba lần ông ta thều thào.

Zhivago đến hiệu thuốc gần nhất ở phố Arbat, dùng điện thoại công cộng gọi cho ông già đánh xe đương phiên trực ở bệnh viện Crestovozdvigien và chở người lạ mặt kia về bệnh viện.

Nạn nhân hoá ra là một chính khách nổi tiếng. Bác sĩ Zhivago đã chữa chạy chu đáo cho ông ta, nhờ đó, trong nhiều năm sau, chàng được ông ta che chở, tránh thoát nhiều vụ hiểu lầm phiền phức vào cái thời kỳ đầy những nghi kỵ này.

Hôm ấy là chủ nhật. Bác sĩ Zhivago được nghỉ, không phải đến bệnh viện, tại ngôi nhà ở đường Sipsep, họ đã dọn vào ở ba phòng để đối phó với mùa đông, như Tonia dự liệu.

Trời rét, lộng gió, u ám, tối sầm vì những đám mây tuyết nặng nề sà xuống sát mái nhà. Bếp lò đã được nhóm lửa từ sáng. Khói bắt đầu xông ra.

Niusa cứ loay hoay mãi với những khúc củi ẩm, không chịu bén lửa. Tonia tuy chả hiểu gì về cách nhóm lò, cũng đứng ra chỉ bảo những điều khó hiểu, thậm chí làm cho tình thế rắc rối thêm. Yuri Zhivago vốn biết nên làm thế nào, thấy vậy định xen vào làm, nhưng bị vợ khẽ nắm vai đẩy chàng ra khỏi bếp:


- Mời anh sang phòng anh ngay cho. Người ta đang rối cả ruột gan, anh lại còn vào phá đám nữa. Anh nên biết rằng những lời góp ý của anh chỉ như đổ thêm dầu vào lửa thôi.

- Ô dầu ư, Tonia yêu quý, nếu có dầu thì nhất! Lò sẽ cháy bùng lên ngay. Khổ một nỗi anh chả thấy cả dầu lẫn lửa đâu để mà đổ.

- Bây giờ không phải lúc pha trò. Anh thừa biết rằng có những lúc chẳng có bụng dạ đâu để mà đùa.

Việc nhóm lò không thành đã phá vỡ các kế hoạch ngày chủ nhật. Ai cũng hy vọng sẽ làm xong mọi việc cần thiết trước khi trời chập choạng, để được thảnh thơi cả buổi tối, nhưng bây giờ thì hết cả hy vọng. Bữa trưa sẽ phải ăn muộn, ai định gội đầu bằng nước nóng hoặc mọi dự định khác đều bị huỷ bỏ.

Chẳng mấy chốc khói đã nhiều đến nỗi không tài nào thở nổi nữa. Một luồng gió mạnh lùa khói bay lui vào trong phòng. Một đám mây bồ hóng màu đen lơ lửng giữa nhà như con quái vật rừng sâu trong chuyện cổ tích.

Zhivago xua tất cả mọi người sang hai phòng bên rồi mở cửa sổ thông gió. Chàng rút bớt nửa số củi trong lò ra ngoài, cho vỏ bào và cài mảnh gỗ bạch dương chẻ nhỏ vào giữa các khúc củi còn lại.


Một luồng gió mát lạnh tràn vào qua cửa sổ thông gió. Tấm rèm cửa sổ từ nãy chỉ hơi phập phồng bỗng bay cuộn lên phía trên. Mấy tờ giấy ở trên bàn viết bay lả tả. Gió đóng sập một cánh cửa nào đó ở đằng xa và lùa vào các xó nhà như mèo đuổi chuột, xua số khói còn lại ra khỏi phòng.

Củi đã bén lửa bùng cháy, nổ tanh tách. Ngọn lửa khiến cái bếp lò như thở hổn hển. Trên thành sắt của nó hiện ra những cái vòng tròn đo đỏ, như các vết trên mặt bệnh nhân lao phổi. Khói mỏng dần rồi hết hẳn trong phòng.

Căn phòng sáng hẳn lên. Mấy cái cửa sổ, cách đây ít ngày được Yuri Zhivạgo bịt kín theo lời chỉ dẫn của viên trợ lý, bắt đầu đổ mồ hôi. Mùi mát- tít ngầy ngậy và âm ấm lan đi như sóng. Những thanh củi cưa nhỏ chất cạnh bếp lò cho khô cũng bắt đầu toả mùi: mùi đắng và hắc làm ngứa cổ họng của vỏ thông và mùi thơm thơm như nước hoa tắm của gỗ dương còn tươi.

Lúc ấy ông Nicolai xộc vào phòng, nhanh như luồng gió lùa qua cửa sổ, và báo tin:

- Ngoài phố đang đánh nhau. Chiến sự đang diễn ra giữa bọn học sinh sĩ quan ủng hộ Chính phủ lâm thời với những binh lính đồn trú theo phe bolsevich. Đụng độ xảy ra khắp nơi, quân khởi nghĩa có vô số cơ sở. Trên đường tới đây, hai, ba lần tôi bị rơi vào giữa chỗ đang bắn nhau, một lần ở góc phố Bolsaia Dmỉtrovka và một lần nữa ở Nikita. Bây giờ không thể đi thẳng, mà phải len lỏi vòng tránh. Yuri này, cháu hãy mặc quần áo vào, khẩn trương lên, ta đi ra phố. Phải ra mà coi. Đó là lịch sử. Cả đời mới có một lần thôi.


Nói thế, nhưng ông lại ngồi ba hoa đến gần hai tiếng đồng hồ, sau đó họ dùng bữa trưa. Lúc ông sửa soạn ra về, kéo bác sĩ Zhivago đi theo, thì Misa Gordon tới. Anh ta cũng bay vào như cha Nicolai lúc nãy, và cũng đem đến các tin tương tự.

Nhưng các biến cố trong mấy tiếng đồng hồ vừa qua đã tiến triển xa hơn. Có thêm các chi tiết mới. Misa nói rằng người ta bắn nhau mỗi lúc một dữ và có những người đi đường bị chết vì đạn lạc. Theo lời anh ta, giao thông đường phố đã ngừng trệ. Anh ta lọt được tới đây là một phép lạ, nhưng đường về đã bị tắc hẳn rồi.

Cha Nicolai không tin, thử ló mặt ra đường xem sao, nhưng một phút sau đã quay vào. Ông nói không có lối ra khỏi đoạn phố này, đạn cứ bay vèo vèo, làm lở cả vôi gạch ở các góc nhà . Chẳng thấy bóng ai ngoài đường. Mọi sự lưu thông trên vỉa hè đều bị gián đoạn.

Mấy ngày ấy, bé Xasa lại bị cảm lạnh.

- Tôi đã nói hàng trăm lần là dừng cho nó lại gần lò sưởi như thế! - Zhivago tức giận la lên. - Nóng quá còn tai hại gấp trăm lần khi lạnh.

Bé Xasa bị đau họng và sốt cao. Điểm nổi bật khi lên cơn sốt là nỗi kinh sợ bí ẩn, phi tự nhiên trước lúc ói mửa và dường như luôn luôn nó tưởng sắp bị nôn oẹ.

Nó cứ gạt tay Yuri Zhivago cầm cái ống soi thanh quản ra, mím chặt miệng lại mà ậm oẹ trong cổ họng nó. Dỗ dành hay đe doạ chán cũng chẳng ăn thua gì. Chợt nó vô ý há to miệng ngáp dài một cách dễ chịu. Lợi dụng cơ hội ấy, nhanh như chớp, Zhivago nhét ngay chiếc muỗng nhỏ vào miệng con, đè lưỡi nó xuống một chút và kịp thấy họng nó đỏ như trái dâu và các hạch trong họng bị sưng lên, có màng che. Hiện tượng ấy khiến chàng lo ngại.


Một lát sau, cũng bằng động tác lợi dụng cơ hội như lúc trước, chàng lấy ra được một chút màng. Giáo sư Alexandr Gromeko có kính hiển vi. Chàng mượn kính và tự mình làm xét nghiệm một cách chật vật. May thay, không phải bệnh bạch hầu.

Nhưng vào đêm thứ ba, bé Xasa bị một cơn bệnh bạch hầu giả. Người thằng bé nóng như than, nó thở khó nhọc, trông đến tội nghiệp. Zhivago không nỡ nhìn con đang bị bệnh hành hạ, vì bất lực chẳng biết làm cách nào giảm nỗi đau đớn cho nó. Tonia thì cứ tưởng con sắp chết. Hai vợ chồng thay nhau bồng Xasa đi đi lại lại trong phòng, và cơn sốt của nó dịu dần.

Phải kiếm sữa, nước suối khoáng hay soda cho nó uống để nó toát mồ hôi, hạ nhiệt. Nhưng lúc này, ngoài phố, cuộc giao tranh đang diễn ra ác liệt. Tiếng súng, kể cả đạn trái phá, cứ nổ không ngớt. Giả dụ Zhivago có liều mạng vượt qua khu vực giao chiến, thì chàng cũng sẽ chẳng bắt gặp sự sống. Trong lúc tình thế chưa được xác định thật rõ ràng, mọi sinh hoạt trên khắp thành phố đều hoàn toàn ngừng trệ.

Nhưng tình hình cũng đã rõ. Đâu đâu cũng nghe đồn rằng phe công nhân đang thắng thế. Các toán học sinh sĩ quan lẻ tẻ vẫn chống cự, nhưng đã bị cô lập và mất hẳn liên lạc với bộ chỉ huy của chúng.

Khu phố Sipsep nằm trong phạm vi kiểm soát của những đơn vị cách mạng đang từ khu vực Drogonilov tấn công về phía trung tâm thành phố. Những người lính từng chiến đấu với quân Đức và những thiếu niên công nhân nấp trong chiến hào mới đào ở ngoài đường đã biết mặt dân chúng ở các nhà xung quanh và đã thân mật đùa cợt với những người ngấp nghé ở cổng hoặc bước ra đường. ỏ khu vực này của thành phố, giao thông được phục hồi.

Bấy giờ Nicolai và Misa, bị kẹt ba ngày đêm ở nhà Zhivago, mới rời khỏi nơi tạm trú bất đắc dĩ Zhivago vui mừng vì sự có mặt của họ trong thời gian bé Xasa đau nặng, còn Tonia cũng bỏ qua cho sự luộm thuộm mà họ gây ra khiến sinh hoạt gia đình thêm lộn xộn. Nhưng để cảm ơn lòng hiếu khách, cả hai người ấy lại tưởng họ có bổn phận phải nói chuyện luôn miệng để làm vui lòng chủ nhà, thành thử sau ba ngày chuyện phiếm Zhivago đã mệt đến nỗi chàng lấy làm mừng rỡ khi chia tay với họ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận