Bạch Ảnh

Buổi tiệc chính thức bắt đầu khi sắc trời chuyển sang tối hẳn. Mỗi bữa tiệc cuối năm ở Văn Đàn đều rất quan trọng, nó không chỉ là cột mốc đánh dấu một năm kết thúc, mà còn là nơi để cho tầng lớp tri thức có thể giao lưu với nhau, hơn nữa bữa tiệc cuối năm này cũng là nơi để thông báo xem trên bảng vàng có khắc thêm cái tên nào mới không.

Mấy năm trở lại đây, bảng vàng chưa có thêm cái tên nào mới cả, nhưng điều đó không có nghĩa là không khí trở nên nhàm chán. Ngược lại, người ta cứ trông chờ vào cái tên được đưa lên bảng vàng, hoặc nếu không được thì có thể khoe tác phẩm của mình cho người xem.

Dù năm nào cũng có người thi đỗ và ra làm quan, tuy nhiên khoảng năm mươi đổ lại đây thì việc làm quan không còn quá nhiều ý nghĩa, không có ai tự nhận có thể dùng một thân kiến thức của mình mà đi bình ổn đất nước, so với giặc ngoại bang đám quan văn bọn họ chính là đám người mềm yếu, muốn giết lúc nào thì giết, mà ngoài những vị đại thần ra thì đám quan văn đến từ mấy kỳ thi hằng năm không có quá nhiều tác dụng.

Hầu hết người chọn cách ở yên ăn bổng lộc có triều đình, an an nhàn nhàn mà giữ một chức quan nho nhỏ, sau khi tích cóp đủ tài sản sẽ lui quan về ở ẩn, vừa tránh xa thị phi, vừa dư dả về già. Tất nhiên, không phải ai cũng như vậy, không thiếu người chọn cách sáng tác thơ văn để lấy danh tiếng, thầm mong sẽ được các nhân vật lớn coi trọng mà thu vào dưới trướng, mà buổi tiệc ở Văn Đàn này chính là nơi thích hợp nhất để thể hiện khả năng của mình.

“Không biết năm nay, có ai được xướng tên không nhỉ?” Đám văn sĩ thấp giọng nghị luận, lúc này ở trong Thư Viện đã dựng sẵn mấy chục các bàn gỗ, rồi có thêm mấy mươi cái bàn con có phủ lụa đỏ, đám văn sĩ cũng tự kết nhóm với nhau, kẻ nhanh tay thì vào trong bàn gỗ ngồi, kẻ chậm chân chỉ có thể ngồi dưới bàn nhỏ.

Sức chứa của Thư Viện cũng không nhỏ tí nào, lúc này toàn bộ sân vườn của Thư Viện được bày ra thành một bữa tiệc ngoài trời. Đèn lồng sớm đã thắp sáng nơi này bằng đủ thứ màu sắc rực rỡ, phía trên là một sân khấu được dựng bằng gỗ quý có người đánh canh gác, mà gần đó cũng có vài chiếc ghế khách quý đối diện sân khấu, những chiếc ghế đó đều được che lọng đỏ và có người đứng hầu.

Tiêu Thông và Vương Ngọc đang ngồi ở đây, ngồi gần họ hầu hết là những lão già đã có tuổi, ai cũng râu tóc bạc phơ, tuy không ai nói chuyện nhưng vẫn toả ra thần thái ưu nhã, ai tinh mắt đều nhận ra đó chính là những danh nhân có danh tiếng trong nước.

Mà càng làm người ta chú ý hơn là một thiếu niên lạ hoắc đang cúi đầu lên bàn không biết đang ngủ hay thức.

“Năm nay, ngươi nghĩ có ai lên được bảng vàng không” Vương Ngọc đối với bữa tiệc năm nay có chút chờ mong, so về quy mô năm nay lớn hơn mọi năm nhiều, hơn nữa một năm nay xuất hiện vài thiên tài thơ văn, hầu hết đều đang dự buổi tiệc này.

“Không có ai đâu, nếu như không có biến cố gì xảy ra thì, trong vòng năm năm nữa mới có” Tiêu Thông chán nản nói, hắn đang thầm đếm lại số bạc kiếm được ban chiều, tuy rằng không quá nhiều nhưng không sao, tiền vẫn là tiền.

Vương Ngọc bất đắc dĩ cười trừ, với lời nói của Tiêu Thông nàng tất nhiên cũng không hoàn toàn tin tưởng. “Họ Du vừa xuất đạo năm ngoái, bây giờ đã nổi danh Nam Bắc, thơ văn phong lưu, tuy viết về cảnh ăn chơi đàng điếm nhưng lại cực kỳ nho nhã, nghe tục mà lại không thể nào trách được, kể cả hắn sao?”

“Năm năm nữa, ta nói rồi, bây giờ hắn chưa đủ chín chắn, hơn nữa, người trẻ tuổi thành công quá sớm là tai nạn chứ không phải may mắn” Tiêu Thông nhấp một chén rượu, lúc này giai nhân đã bắt đầu đem đồ ăn lên, trên sân khấu cũng xuất hiện một đoàn ca múa từ khu vực cao nguyên, nhìn điệu nhảy uốn éo lắc mông của họ, Tiêu Thông cảm thấy có chút đã con mắt.

“Thế còn, vị Nhất Niệm Thiền Sư thì sao? Một năm chỉ ra ba bài, nhưng bài nào cũng là tuyệt phẩm” Vương Ngọc vỗ mạnh vào cái vai của Tiêu Thông, đối với ánh mắt nhìn loạn của hắn, nàng hoàn toàn không hề hài lòng.

“Thôi, thôi,đừng nói với ta mấy cái thơ ca chán phèo này nữa. Mà dù thơ của vị thiền sư kia có hay đi nữa thì cũng không được khắc tên lên bảng vàng đâu, cái này ta cam đoan” Tiêu Thông nháy mắt rất trầm tư, Vương Ngọc nhất thời bị cuốn vào ánh mắt của Tiêu Thông, nàng tò mò hỏi.

“Tại sao? Có bí ẩn gì trong đây?” Tiêu Thông cười thần bí.

“Vì ta là giám khảo mà, à không, ta đút lót giám khảo rồi, cho nên dù thơ có hay bằng nào cũng đừng hòng ghi tên vào bảng vàng” Vương Ngọc cũng chỉ lắc đầu, với cái tên này thì Vương Ngọc cảm thấy không còn gì để nói. Nàng chỉ có thể ngoảnh đầu sang chỗ khác, không thèm để tâm tới Tiêu Thông nữa.

“Bây giờ, chúng ta xin được ngâm một trăm bài thơ hay nhất trong năm nay, và người giúp đệm đàn cho chúng ta là Kim Ngư Đệ Nhất Tài Nữ, tiểu thư Vô Ưu” Văn Nhã chính là người điều hành bữa tiệc năm nay, với vẻ ngoài ưa nhìn cùng giọng nói ngọt ngào của mình, không khó để Văn Nhã chinh phục đám văn sĩ đang nghêu ngao ngâm thơ ở dưới.

Tấm màn sân khấu được kéo lên hiện ra thân thể của Vô Ưu. Lúc này Vô Ưu mặc một bộ váy dài màu đen, khuôn mặt mang theo một nét buồn tự nhiên, cây cổ cầm đặt trên bàn cũng toát ra một khí tức hoài cổ, khiến cho người ta không kiềm được mà chú ý tới.

“Ngược lại, nếu Vô Ưu cô nương làm thơ, ta sẽ cho Vô Ưu lên bảng vàng” Tiêu Thông bĩu môi nói, Vương Ngọc làm thinh, nhưng quả thật thứ khí chất khi chơi nhạc của Vô Ưu làm cho nàng vô cùng nể phục, không hề giả bộ thanh cao, cũng không làm ra vẻ khuê các cao sang, nhưng bằng cách nào đó vẫn khiến cho người ta ảo giác rằng người đang đánh đàn có địa vị cực kỳ cao trong xã hội.

Không gian phút chốc im lặng như tờ, mà âm điệu đầu tiên của dây đàn giống như một cây kim đang rơi xuống một mặt hồ tĩnh lặng. Trong sát na cây kim đó phá vỡ bầu không khí yên ả của mặt hồ, mang tới một gợn sóng lan toả khắp nơi.

Vô Ưu hơi nghiêng đầu, sau đó tiếp tục gảy, tuy rằng nàng chỉ đang đàn một bài cực kỳ phổ thông mà hầu hết ai cũng từng nghe qua, nhưng cách diễn tấu của nàng thì thật sự rất đặc biệt. Phảng phất giai điệu của toàn bộ bài nhạc đã được thay đổi, tuy rằng vẫn nghe ra được bản “Mưa Xuân” quen thuộc nhưng lại chẳng thể lường trước được bài nhạc.

Tiết tấu của bài “Mưa Xuân” được soạn ra với tốc độ chậm nhưng dồn dập, vào tay Vô Ưu, “Mưa Xuân” lại trở nên mạnh mẽ và có nhịp điệu hơn hẳn. Tiếng đàn của Vô Ưu như từng cơn mưa rào rào xuống một cách có hệ thống, tuy bất định nhưng lại cực kỳ bắt tai, bản nhạc này được chính tay Bạch Kỳ sửa lại vào cái ngày Vô Ưu mời hắn về chơi.

Mà ngay trong đêm mưa đó, nghe chuyện của Cô Dung, càng làm cho Vô Ưu hiểu thấu phần ý cảnh này hơn. Nguyên bản, mưa xuân trong ý tác giả là cơn mưa nhè nhẹ, nhưng dây dứt, còn cơn mưa xuân này là một trận mưa mịt mù và dày đặc, tiếng mưa nện xuống mặt đất cũng đều đặn hơn.

Lúc này mọi người vốn đã bị tiếng đàn của Vô Ưu làm im bặt lại trở nên ồn ào hơn khi từ bên dưới bước lên một người. Đó là một cô gái trẻ tuổi mặc y phục trắng, khí chất nhẹ nhàng dễ gần, hoàn toàn trái ngược với Vô Ưu. Cô gái cất giọng ngâm nhè nhẹ.

“Sáng ra cơn mưa nhỏ

Ướt áo khách lạc đường

Cô em xưa vừa cưới

Lệ rơi đầy trong sân”

Nhất thời, một tiếng vỗ tay vang dội khắp nơi. Hai ý cảnh của hai người kết hợp với nhau làm cho người ta có cảm giác rất đặc biệt. Vốn bài thơ này là của một thư sinh vô danh, bài thơ tuy rằng lan truyền nhiều nơi nhưng qua nhiều tầng phân tích, người ta đều nhất trí cho rằng bài thơ này ý cảnh không quá sâu, tuy rằng đánh trúng tâm lý của nhiều người, tuy nhiên lại không thể so với những bài thơ thâm ảo khác.

“Sau khi bỏ công tìm hiểu, chúng ta mới biết bài thơ này không phải đến từ một người thư sinh, thực chất bài thơ này đến từ một người lính ngoài sa trường, mà trùng hợp một cái người này lại tên là Thư Sinh. Vốn bài thơ được sáng tác khi Thư Sinh về thăm quê sau khi đi hành quân, thôn nhỏ mà Thư Sinh có dịch nên hầu hết đã qua đời, những người sống sót còn lại đành phải qua một thôn khác sinh sống, mà khi Thư Sinh quay trở lại thì người con gái cùng hắn hẹn ước năm xưa đã đi lấy chồng, vừa hay hắn về đúng ngay đêm nàng lên kiệu hoa. Sau khi biết nhà mình không còn, nơi mình từng quen thuộc trở nên lạ lẫm, hắn đã viết ra bài thơ này, sau đó xung trận ra tiền tuyến. Mà không lâu sau đó cũng anh dũng hy sinh ở Đại Đồn Hải Dương”

Giọng nói nhẹ nhàng thanh thoát của Văn Nhã lại vang lên. Tức thì bên dưới vang lên tiếng nghị luận nho nhỏ của khách tham gia, hiểu rõ câu chuyện hơn nên ý cảnh của bài thơ phần nào cũng thấm vào đầu họ. Cộng với tiếng nhạc của Vô Ưu, không ít kẻ lâm vào trạng thái trầm tư.

Nhìn thấy tình hình như vậy, Văn Nhã không khỏi cười tự hào, để có được một bữa tiệc hoàn hảo, họ đã phải chuẩn bị rất nhiều. Với tư cách là một người yêu thơ chân chính, Văn Nhã tuyệt đối không cho phép kẻ khác xuất hiện những ý nghĩ thấp kém với những bài thơ hay.

Sau đó, tiếng đàn của Vô Ưu giảm dần, mãi tới khi dứt hẳn, mới có mấy người thở dài ra. Mới chỉ có bài thơ đầu tiên đã mang cho họ rung động thế này, không biết những bài thơ sau còn như thế nào nữa, việc này rất đáng chờ mong.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui