Cam kết thứ nhất:
Hãy Bỏ Qua Những “Chiếc Xe Rác”
1
Kiểm soát cuộc sống của bạn
Điều đáng giá nhất trong cuộc đời của một con người là những nghĩa cử nhỏ bé, không tên và cũng không được ai biết đến của anh ta.
– William Wordsworth
Người ta thường nói, khi phải đối mặt với những chuyện không như ý muốn, ta cần học cách “vứt bỏ”. Nhưng đó không phải là chiến lược đúng đắn khi đối đầu với “chiếc xe rác”. Thay vào đó, chúng ta cần học cách “bỏ qua” những biểu hiện tiêu cực đó. Bởi vì để vứt bỏ một điều gì thì trước đó bạn đã để nó thẩm thấu vào cuộc sống của mình rồi. Cho nên dù bạn có thể vứt bỏ những điều không hay đó thì ký ức về một “chiếc xe rác” vẫn sẽ lưu lại trong tâm trí bạn.
Những suy nghĩ tiêu cực này sẽ không thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn, nếu bạn biết cách kìm hãm chúng. Do đó, đừng tiêu tốn thời gian hay năng lượng để lo nghĩ về những “chiếc xe rác” ấy nữa, mà hãy dành nguồn lực quý giá đó để nghĩ đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn.
Cách bạn đối phó với những rắc rối thường ngày ảnh hưởng đến hạnh phúc và thành công của bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Trong cuốn Stress, Appraisal and Coping (Áp lực, nhận định và đối phó) hai tác giả Susan Folkman và Richard Lazarus, chuyên gia tâm lý học, đã phát hiện ra rằng nếu được tích lũy lại thì những rắc rối trong cuộc sống thường ngày có thể tạo ra một áp lực nặng nề hơn cả tác động của một số sự kiện đau buồn nhất trong cuộc đời chúng ta.
Chìa khóa của vấn đề là đừng cố gánh lấy những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Hãy nhớ lại câu chuyện tôi vừa chia sẻ với bạn về cách hành xử của người lái xe taxi trên đường phố New York, khi ông không chỉ tránh gây xích mích mà còn không hề tức giận, bất chấp thái độ lỗ mãng của người đàn ông kia. Ông không để cho những hành vi tồi tệ của người khác ảnh hưởng đến công việc của mình. Nói cách khác, ông không dừng lại để hứng “rác” của người khác, ông chỉ đơn giản là bỏ qua nó.
2
Lòng can đảm
Bạn cần phải làm những gì bạn nghĩ bạn không thể làm được.
- Eleanor Roosevelt
Branch Rickey đang tìm kiếm một người có nghị lực hơn người - người có đủ can đảm để không đánh trả; người có thể tập trung vào mục tiêu, chứ không phải là sự trả thù; và là người có thể chiến đấu vì sự tiến bộ, chứ không phải vì lợi nhuận. Rickey tìm kiếm ở khắp các quốc gia, từ Mỹ đến Cuba, Mexico, Puerto Rico, sang cả Venezuela, bằng sự kiên nhẫn hiếm có.
Rồi một ngày kia, Rickey đã tìm được người mà ông bấy lâu mong chờ. Ông gửi thư mời người đó đến Brooklyn. Rickey nghĩ ông sẽ nói với người được chọn đó rằng: “Họ sẽ không ngừng quấy nhiễu anh, thậm chí lăng mạ anh. Họ sẽ làm mọi cách hòng buộc anh phải phản ứng lại”. Rickey muốn đảm bảo rằng người
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại . .com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
được chọn có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ ông giao. Nhiệm vụ này đòi hỏi “người đó phải đủ can đảm đối diện với sự bất công, ngược đãi, nhưng không có ý định trả thù. Mặt khác, người đó cũng phải có tinh thần đấu tranh. Khi cần, người đó phải dám gác lại mặc cảm tự ti để sẵn sàng tham gia vào đội ngũ những người đấu tranh vì lẽ phải, và chiến thắng của người đó không mang vị đắng của lòng oán hận”.
Người được chọn
Jackie Robinson chính là người mà Branch Rickey tìm kiếm. Rickey là chủ tịch đội bóng chày chuyên nghiệp Brooklyn Dodgers. Robinson là cầu thủ của đội Kansas City Monarchs, một đội bóng chày chuyên nghiệp chơi ở giải Negro League.
Kế hoạch Branch Rickey đặt ra phá vỡ rào cản chủng tộc trong lĩnh vực bóng chày chuyên nghiệp và Jackie Robinson là cầu thủ được chọn.
Năm đầu tiên ở giải đấu, cuộc sống của Robinson quay cuồng trong vòng xoáy của sự ngược đãi, kỳ thị, bất công, đúng như Rickey đã dự đoán. Hàng triệu người liên kết lại với nhau để chống lại anh: các cổ động viên chế nhạo và la ó khi anh xuất hiện trên sân, các cầu thủ từ chối ra sân khi thấy tên anh trong danh sách thi đấu, thậm chí họ lập tức bỏ ra ngoài mỗi khi anh bước vào phòng thay đồ, và khách sạn cũng không xếp phòng cho anh trong những chuyến lưu đấu. Nhiều người quá khích còn gửi thư đe dọa anh. Nhưng bỏ ngoài tai tất cả những chuyện đó, Jackie Robinson vẫn tập trung chơi bóng chày.
Robinson đã cam kết không trả đũa và anh tôn trọng cam kết đó. Anh vẫn đứng vững giữa bao thử thách. Sau này, Robinson đã viết lại về khoảng thời gian đầy khó khăn đó trong tập hồi ký I never had it made (Không có gì dành sẵn cho tôi).
Tôi có thể giơ đầu cho người ta đánh mà không hề phản kháng không? Tôi không biết liệu mình sẽ thực hiện điều đó như thế nào, nhưng tôi biết tôi nhất định sẽ làm được. Tôi phải làm điều đó vì nhiều lý do, vì giới trẻ da màu, vì mẹ tôi, vì Rae, vì chính tôi, và cả Branch Rickey nữa.
Những người đồng hành
Dù bạn là người mạnh mẽ, song vẫn có những lúc bạn phải cần đến sự ủng hộ tinh thần của người khác, những người sẵn sàng đứng ra bênh vực và giúp đỡ bạn. Nhất là khi số lượng “xe rác” lên đến hàng ngàn chiếc hay nhiều hơn nữa, bạn không thể một mình đương đầu với chúng.
Bên cạnh Robinson cũng có những người như thế. Vợ anh, Rachel, luôn hết lòng ủng hộ anh, Branch Rickey bênh vực anh và nhiều người khác cũng sẵn sàng đứng về phía anh. Con đường thật lắm gian nan, nhưng Robinson không hề đơn độc.
Pee Wee Reese, một cầu thủ bắt bóng tài năng, đã công khai đứng lên bênh vực Jackie Robinson. Lần đó, trong một trận đấu ở Boston, Robinson đang chơi ở chốt gôn số 2 thì nhìn thấy Pee Wee bị một nhóm cầu thủ khác đến gây sự. Robinson đã thuật lại chuyện này trong hồi ký của anh:
Họ liên tục chế nhạo Pee Wee vì anh ấy là người miền Nam và vì anh chơi bóng với một người da màu. Pee Wee không trả lời, thậm chí không thèm liếc về phía bọn họ. Anh ấy thản nhiên rời vị trí, tiến về phía tôi rồi anh đặt tay lên vai tôi và trò chuyện với tôi. Tôi cũng không nhớ anh ấy đã nói gì, bởi điều đáng nhớ nhất đối với tôi lúc đó chính là cử chỉ thân thiện của Pee Wee. Anh ấy còn khảng khái tuyên bố trước những kẻ quấy rối rằng: “Này, cứ làm những gì mà các người muốn. Còn chúng tôi, chúng tôi tới đây để chơi bóng chày”.
Reese đã đáp trả những “chiếc xe rác” bằng thái độ ôn hòa rồi mỉm cười chào tạm biệt chúng.
Jackie Robinson đã có một người đồng hành.
Reese hiểu rõ ẩn ý của Rickey khi mời Robinson về. Và họ đều biết rằng đội The Dodgers sẽ chiến thắng nếu các cầu thủ có thể bỏ qua những “chiếc xe rác” để tập trung năng lượng vào nhiệm vụ lớn nhất của mình.
Stanley Woodward, biên tập viên chuyên mục thể thao của tờ New York Herald Tribune, cũng lên tiếng bênh vực Robinson. Woodward đã khám phá ra âm mưu của đội Cardinals St.Louis khi đội này cố gắng dàn xếp một cuộc đình công vào thời điểm mang tính quyết định nhằm phản đối một trận đấu dự kiến có Robinson tham dự. Nếu anh ấy ra sân, đội Cardinals sẽ từ chối tham dự giải và hành động của họ sẽ kéo theo một loạt hoạt động chống đối của những kẻ muốn phá vỡ đội hình hợp nhất - đội hình thi đấu có cả cầu thủ da trắng và da màu.
Woodward không cho phép điều đó xảy ra. Bài viết của ông trên tờ New York Herald Tribune đã bóc trần âm mưu của đội Cardinals. Woodward có thể im lặng, nhưng ông đã chọn cách đấu tranh vì lẽ phải. Và Ford Frick - ủy viên Liên đoàn Bóng chày Quốc gia - cũng phản ứng mạnh mẽ khi nhận được thông tin về âm mưu của đội St.Louis. Ông cảnh báo đội bóng Cardinals rằng nếu họ thực hiện âm mưu chia rẽ đó, họ sẽ phải trả giá đắt.
Bất kỳ cầu thủ nào tham gia việc này củng sẽ bị đình chỉ thi đấu. Tôi không quan tâm liệu điều đó có làm gián đoạn giải thi đấu bóng chày quốc gia trong 5 năm tới hay không. Đây là nước Mỹ, bất kỳ công dân nào trên đất nước này cũng có quyền chơi bóng chày. Liên đoàn bóng chày quốc gia sẽ ủng hộ Robinson đến cùng.
Cuộc đình công đã không xảy ra. Lập trường cứng rắn của Frick đã giúp ngăn chặn âm mưu xấu xa đó.
Jackie Robinson có thêm người ủng hộ.
Jackie Robinson thành công vì anh có đủ mạnh mẽ để không đánh trả. Nói cách khác, anh biết bỏ qua những “chiếc xe rác”. Bên cạnh anh là Branch Rickey, Pee Wee Reese, Stanley Woodward, Ford Frick, và những con người can đảm khác - những người đã hành động theo những gì họ tin là đúng.
Còn bạn thì sao? Liệu bạn có giữ đúng cam kết khi những “chiếc xe rác” liên thủ với nhau cùng chống lại bạn không? Liệu bạn có thể toàn tâm toàn ý với mục tiêu của mình mà vượt qua những thách thức trong cuộc sống? Liệu bạn có đủ can đảm để trở thành một Branch Rickey, Pee Wee Reese, Stanley Woodward, hay Ford Frick trong cuộc đời của ai đó không?
Hãy nhớ rằng dù trong hoàn cảnh nào, bạn cũng vẫn có thể tìm ra cách hành xử khác. Chỉ cần bạn nhìn nhận lại vấn đề và suy nghĩ một cách thấu đáo hơn. Đừng để cho những “chiếc xe rác” kích động, lôi kéo bạn vào một cuộc chiến dai dẳng và vô bổ, rồi cuối cùng bạn lạc hướng khỏi mục tiêu của mình.
Cam kết thứ hai:
Đừng Tự “Vấy Bẩn” Cuộc Sống Của Mình
Bài học thứ hai là không chỉ có người khác mang “rác rưởi” tới cuộc sống của chúng ta, mà chính chúng ta cũng tự “làm bẩn” cuộc sống của mình. Chỉ vì cứ mãi dằn vặt về những chuyện đã qua, hoặc lo lắng về những nỗi sợ hãi chỉ có trong tưởng tượng mà nhiều người đã tự tạo áp lực cho mình, chẳng khác nào dựng rào chắn tự ngăn mình đến với một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn.
Vậy thì đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ khả năng tác động của những tác nhân tiêu cực này.
3
Mỗi ngày là một ngày mới
Những sự kiện xảy ra trong cuộc sống của chúng ta thường được tái hiện lại trong tâm trí giống như những đoạn phim ngắn, đoạn này nối tiếp đoạn kia. Và con người thường lưu giữ trong ký ức nhiều đoạn phim về những “chiếc xe rác” ghi lại hình ảnh những người từng làm mình tổn thương, thất vọng hay tức giận. Nghĩa là người ta có xu hướng ghi nhớ những điều xấu xa, tồi tệ hơn là những chuyện tốt đẹp. Chẳng thế mà trong một nghiên cứu khoa học mang tên Bad is stronger than Good (Cái xấu mạnh hơn cái tốt), nhà tâm lý học Roy Baumeister và đồng nghiệp tại trường Đại học Florida đã viết:
Những sự kiện tồi tệ có sức ảnh hưởng mạnh hơn so với những sự kiện tốt đẹp... Những suy nghĩ tiêu cực sẽ nhanh thành nếp và cũng khó thay đổi hơn những điều tích cực.
Gánh nặng quá khứ
Những ký ức buồn bã khiến chúng ta luôn đắm chìm thất vọng, lo lắng và nghi ngờ. Khi trở về với những hồi ức đau buồn, chúng ta thường tự cho phép bản thân tìm kiếm lý lẽ, phân tích ý nghĩa, rồi suy diễn hệ quả theo hướng hoàn toàn không phản ánh đúng bản chất sự việc. Rồi chúng ta cảm thấy như mình vừa trải nghiệm nỗi đau đó lần nữa. Ruột gan ta thắt lại, hơi thở gấp gáp, toàn thân lạnh toát, đúng như những trải nghiệm thực tế khi sự việc lần đầu xảy ra.
Bây giờ, hãy nghĩ về một sự kiện tuyệt vời trong cuộc đời bạn, ví dụ như ngày bạn tốt nghiệp đại học, nhận tháng lương đầu tiên, hay bạn gặp tình yêu đầu đời của mình... Hãy nhắm mắt và hồi tưởng lại khoảnh khắc đó càng chi tiết càng tốt. Hãy dành một phút để tận hưởng ký ức đó.
Bạn cảm thấy thế nào? Ký ức đó có làm bạn mỉm cười, cười lên thành tiếng hay âm ỉ bên trong một niềm vui khó tả? Cảm giác khi bạn kết nối với ký ức tuyệt vời đó như thế nào?
Rõ ràng là nếu chúng ta có thể “nhấm nháp” những ký ức tốt đẹp thường xuyên hơn, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng thách thức ở đây là tâm trí ta luôn có xu hướng nhớ lại những nỗi đau trong quá khứ, mà không tìm đến với những điều tốt đẹp. Hậu quả là hết “chiếc xe rác” này đến “chiếc xe rác” kia cứ nối đuôi nhau đi qua cuộc sống của chúng ta.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng trí nhớ của chúng ta thật ra chỉ là tập hợp những hồi ức gần nhất của một trải nghiệm nào đó. Trong cuốn sách Stumbling on Happiness (Rơi vào miền hạnh phúc), nhà tâm lý học Daniel Gilbert thuộc Đại học Harvard đã viết rằng ký ức không phải là một phóng viên hay một sử gia khách quan như chúng ta vẫn tưởng.
Việc nhớ lại một sự kiện trong quá khứ mang lại cho ta cảm giác giống như mở ra xem lại một bức tranh và khôi phục lại một câu chuyện đã cũ. Cảm xúc là một trong những vấn đề phức tạp nhất của bộ não. Trí nhớ không phải là một người ghi chép biết nghe lời để giữ lại những bản sao lưu đầy đủ từ những trải nghiệm, mà giống như một biên tập viên được toàn quyền tự quyết - nó chọn lọc và lưu lại những yếu tố quan trọng trong dòng chảy của những sự kiện đã diễn ra, sau đó sử dụng những yếu tố này để viết lại câu chuyện ban đầu theo nhiều hướng khác nhau mỗi lần chúng ta cần đọc lại.
Vì vậy, mỗi lần bạn hồi tưởng lại một sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời mình, bạn không thể khôi phục lại nguyên vẹn với ký ức ban đầu, mà bạn chỉ đang nhắc đến ký ức mới nhất của chúng ta về sự kiện đó.
Về cơ bản, chúng ta ghi nhớ các sự kiện một cách chọn lọc và không thật chính xác. Chúng ta lưu lại cả ký ức tốt và xấu. Bộ não luôn tự động tìm cách giữ an toàn cho chúng ta. Thử thách đặt ra là bộ não của chúng ta có một hệ thống báo động quá nhạy cảm và thường phát ra những cảnh báo về những vấn đề không thật sự đáng lo ngại về thể chất cũng như tâm lý. Cơ chế hoạt động này của não dễ khiến con người tiến đến những liên tưởng sai lầm hay những kết luận lệch lạc. Kết quả là chúng ta phải đối phó với những báo động nhầm của não bộ.
Về cơ bản, những sự kiện đau buồn vẫn có thể để lại vết thương tâm lý kéo dài qua thời gian, ngay cả khi nguyên nhân khiến bạn lo lắng đã không tồn tại nữa.
Bạn có thể làm gì?
Trước tiên, bạn cần nhớ rằng, não bộ sẽ thường xuyên gửi đi những tín hiệu cảnh báo từ tiềm thức của bạn, gần như mỗi ngày.
Thứ hai, bạn phải hiểu rằng phản ứng cảm tính ban đầu của bạn về những tín hiệu cảnh báo đó có thể bị kích hoạt một cách vô thức, khi bộ não kết nối những ký ức của bạn với khuynh hướng tự phòng vệ. Mỗi ngày, bộ não tự động sản sinh ra hàng nghìn suy nghĩ và hình ảnh, thường là theo cách liên tưởng ngẫu nhiên. Những suy nghĩ, hình ảnh bị kẹt lại là những gì đặc biệt làm ta chú ý, những gì mà ta cố gắng kìm nén hoặc chối bỏ.
Điểm thứ ba, cũng là điểm cuối cùng, bạn cần hiểu rằng bạn không nên bám lấy những ký ức tiêu cực này. Bạn không cần nghiền ngẫm, phân tích những vấn đề khó chịu mà bạn phải đối mặt trong cuộc sổng.
Ba giải pháp này sẽ mở cánh cửa tới hạnh phúc, giải phóng chúng ta khỏi những “chiếc xe rác” trong quá khứ.
Bạn không cần trốn tránh những ký ức tồi tệ hay kìm nén những suy nghĩ tiêu cực mỗi khi chúng xuất hiện, bạn chỉ cần mỉm cười vẫy chào nó rồi bước tiếp con đường bạn đang đi. Đừng để những ký ức đau buồn làm giảm lòng tin của bạn vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
4
Học cách sống trong hiện tại
Cách duy nhất để cảm thấy hạnh phúc là đừng quá tham vọng.
- Epictetus
Chắc chắn mỗi chúng ta đều dành thời gian để nghĩ về tương lai, về những mục tiêu đã đề ra và sẵn sàng đối mặt với những chướng ngại vật có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Thậm chí, người ta còn xem xét đến hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra từ những hành động của mình. Lên kế hoạch cho tương lai là điều nên làm, tuy nhiên việc ngẫm nghĩ về khả năng xuất hiện của một “chiếc xe rác” sẽ không mang lại lợi ích gì cả, mà chỉ khiến bạn không thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui trong hiện tại và quên việc lập kế hoạch cho ngày mai.
Khi đề cập đến mức độ nguy hiểm của các suy nghĩ tiêu cực, hai nhà tâm lý học Karen Reivich và Andrew Shatte đã viết trong cuốn The Resilience Factor (Nhân to đàn hồi):
Nhiều người trong chúng ta có xu hướng nghiêm trọng hóa vấn đề - họ cứ chăm chăm nhìn vào những khó khăn hiện tại để từ đó vẽ nên một viễn cảnh đầy bất hạnh cho chuỗi ngày sắp tới của mình.
Reivich và Shatte đã phác thảo một phương pháp gồm năm bước để chống lại những suy nghĩ tiêu cực, cụ thể là: Xác định rõ khó khăn của bạn và những tình huống bất lợi mà bạn tin là sẽ xảy ra. Đánh giá khả năng xảy ra của mỗi sự kiện trong số đó. Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt giữa thực tế và sự tưởng tượng của bạn. Tiếp đó, hãy nghĩ đến viễn cảnh có lợi nhất có thể, tức là những ước muốn có cơ sở thực tế chứ không phải là ước muốn viển vông. Và bạn sẽ muốn phá vỡ những suy nghĩ trì trệ trước đây của mình. Bây giờ bạn đã hình dung ra mọi khả năng và tình huống có thể xảy đến, cả tình huống tốt nhất lẫn xấu nhất. Tiếp theo, hãy tự hỏi tình huống nào là sát với thực tế nhất và có khả năng xảy ra nhất. Sau đó, hãy tìm giải pháp để khắc phục tình huống bạn vừa hình dung ở trên.
Hãy nhớ rằng chúng ta không thể tránh được những sự việc khiến ta phiền muộn, buồn bã hay thất vọng - đó là một phần của cuộc sống. Quan trọng là bạn đừng để những suy nghĩ tiêu cực đó làm tiêu tốn thời gian và năng lượng của bạn.