Ở đời thiệt có lắm chuyện bất ngờ. Có những bài thơ như bài "Cô bé chụp ếch" tôi tha thiết muốn đăng lên bản tin thì không được đăng, trong khi đó có một bài thơ tôi không hề gởi thì nhỏ Kim Liên lại lấy đăng lên. Chính tôi là tác giả mà lại không hề hay biết gì về chuyện đó. Đầu đuôi cũng do môn ngữ pháp mà ra.
Ở trong nhóm "ba bạn cùng tiến", tôi chịu trách nhiệm về cả tập làm văn lẫn ngữ pháp. Nhưng ở môn tập làm văn, khó thấy rõ sự tiến bộ như ở môn ngữ pháp. Thứ nhất là vì môn tập làm văn cả tháng mới làm bài tập một lần, còn ngữ pháp thì tuần nào cũng có kiểm tra, không kiểm tra viết cũng kiểm tra miệng. Thứ hai là ở môn tập làm văn, hiếm có trường hợp nhảy vọt về điểm số. Đứa nào bài này được điểm bốn thì phải phấn đấu ghê gớm lắm, bài sau mới ngoi lên được điểm năm, giỏi lắm thì điểm sáu. Rồi lại phải ì ạch như trâu kéo cày suốt một thời gian dài nữa mới nói chuyện kiếm điểm bảy. Đó chưa kể đến trướng hợp tháng trước mới ngoi lên ngồi chưa nóng chỗ, tháng sau đã tụt xuống rồi. Cũng y như người ta đẩy xe bò lên dốc vậy. Phải nghiến răng nghiến lợi, toát cả mồ hôi hột mới nhích lên được một thước, vậy mà chỉ cần lơ đễnh sẩy chân một cái, là lại tụt đến hai, ba thước liền. Ở môn ngữ pháp thì mọi việc không nhất định phải như vậy. Tuần trước, vì chưa hiểu bài, chưa nắm các quy tắc, có thể bạn bị điểm hai. Nhưng tuần sau, nếu đã hiểu bài thấu đáo, bạn vẫn có thể đạt điểm chín, điểm mười như bất cứ ai.
Vì vậy mà thằng Đại thường xuyên chú ý điểm ngữ pháp của Bảy và Quang để theo dõi và đánh giá kết quả công việc của tôi trong nhóm.
Đối với Bảy thì tôi không ngại. Nó vốn giỏi toán nên tiếp thu những sự lắt léo trong môn ngữ pháp cũng khá nhanh. Trước đây, nó kém môn này là vì học không có phương pháp và không tập trung công sức nhiều. Riêng thằng Quang thì tôi đến méo mặt với nó. Nó vừa mất căn bản từ lớp dưới vừa không tập trung tư tưởng được, mặc dù nó rất siêng học. Trong những buổi học nhóm, bao giờ nó cũng đến rất sớm, khi thì ngồi chờ thằng Bảy qua, khi thì đợi tôi đánh xong ván cờ với thằng Tin. Sách vở nó lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Vậy mà ngồi học được một lúc, đầu óc nó lại phiêu lưu ở đâu đâu tận Châu Phi, Mã Lai với những đàn kiến, đàn nhện quái quỷ. Nhét được những quy tắc rắc rối vô đầu nó quả không phải chuyện dễ. Về "thành tích" ngữ pháp của Quang, tụi lớp 9A2, tức là 8A2 năm ngoái, thường kể lại câu chuyện sau đây.
Hồi học lớp 7, khi cô Thanh giảng bài "Bộ phận chủ ngữ" không biết Quang ngồi mơ mộng những gì mà lúc bị kêu lên bảng, nó đứng lớ ngớ như người mất hồn.
Cô Thanh viết lên bảng câu "Đàn chim bay" bảo nó phân tích, nó đứng gãi cổ gần nửa tiếng đồng hồ.
Biết đợi lâu hơn, thằng Quang cũng không làm được mà có khi cổ nó tóe máu nữa không chừng, cô Thanh liền giúp nó bằng cách gạch một đường tách đôi chữ "đàn chim" và chữ "bay", rồi hỏi:
- Đàn chim là gì?
Ai cũng biết "đàn chim" là chủ ngữ, trừ Quang. Nghe câu hỏi "dễ" quá, nó mừng lắm, đáp:
- Đàn chim là động vật.
Nghiên cứu động vật vốn là nghề của nó mà! Ai dè cô Thanh nhăn mặt:
- Ai chẳng biết là động vật! Nhưng cô muốn hỏi em "đàn chim" giữ nhiệm vụ gì trong câu! Quang lại sáng mắt:
- Thưa cô, đàn chim giữ nhiệm vụ bay ạ.
Cả lớp cười nghiêng cười ngửa. Cả cô Thanh cũng không nhịn được cười.
Vậy mà hai năm trôi qua, nó chẳng tiến bộ được một chút nào. Đối với nó, môn ngữ pháp còn "độc" hơn giống kiến Ốc-cô-phi-la nhiều.Học chung với nó chừng mười phút, tôi biết ngay là nhà sinh vật mất căn bản trầm trọng từ những năm lớp dưới. Bài "Từ loại" đã học từ hồi lớp năm, lớp sáu, lên lớp bảy cũng ôn lại, vậy mà nó cứ lẫn lộn lung tung.
Tôi hỏi nó:
- Cái nhà là từ gì?- Danh từ.
- Cuốn sách?- Cũng danh từ.- Xe hơi?
- Động từ.
Tôi ngạc nhiên:
- Tại sao xe hơi là động từ?
Nó đáp rất tự tin:
- Tại vì xe hơi chạy được! Cái gì chuyển động được thì cái đó là động từ chớ sao!
Cứ theo cái phương pháp suy luận ngớ ngẩn đó, Quang đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Tôi, với sự trợ giúp đắc lực của Bảy, đã phải làm đủ mọi cách để cho nhà sinh vật tối tăm đó
hiểu được "xe hơi" là danh từ, còn "chạy" mới là động từ.
Đã vậy, nó lại mắc cái tật "máy móc".
Khi tôi phân tích trong câu "Tôi đi học" thì "tôi" là chủ ngữ, "đi học" là vị ngữ hoặc trong câu "Đất nước ta tươi đẹp" thì "đất nước ta" là chủ ngữ còn "tươi đẹp" là vị ngữ, thì Quang cứ đinh ninh chữ nào đứng ở đầu câu đều là chủ ngữ ráo.
Do đó, khi thầy Dân kêu nó lên bảng phân tích câu "Giữa cánh đồng, người nông dân đang gieo mạ" thì nó vội vàng gán cho "giữa cách đồng" là chủ ngữ khiến cái điểm hai ngữ pháp cứ đeo đẳng tổ tôi hoài.
Trong khi tôi ngồi đỏ mặt tía tai vì tức và vì ngượng khi "cậu ông trời" liếc tôi. Nó không nói gì nhưng ánh mắt thì như muốn hỏi: "Mày kèm cặp thằng Quang kiểu gì lạ vậy?" làm tôi nhột dễ sợ.Quang xách tập đi xuống chưa kịp ngồi vô chỗ, tôi gắt liền:
- Mày làm ăn kiểu gì lạ vậy?
Biết lỗi, Quang im re. Nhưng tôi không tha:
- Ai gieo mạ? Theo mày thì ai gieo mạ?- Thì người nông dân.
Tôi nhăn nhó:
- Vậy thì người nông dân là chủ ngữ chớ! Sao mày lại nói là giữa cánh đồng? Thiệt chán ày!
Nhưng cái "ông học trò" của tôi không chịu dừng lại ở những khuyết điểm đó. Nó còn mắc thêm cái bệnh "suy nghĩ vẩn vơ", không chú tâm vào điều gì lâu được. Ngồi học trong nhà mà nó cứ nghĩ đến chuyện ngoài trời. Chẳng hạn có lần tôi hỏi nó:
- Ví dụ bây giờ tao đặt 1 vị ngữ là "sủa", mày thêm chủ ngữ vô cho thành câu được không? Câu hỏi dễ ợt, ai chẳng biết chủ ngữ là "chó", vậy mà nó ngồi im ru bà rù, lâu thiệt lâu. Tôi nóng ruột, thúc:
- Trả lời lẹ đi chớ! Câu hỏi dễ ợt mà nghĩ gì lâu quá xá cỡ vậy mày!
Ai dè nó lại nói:
- Mày biết giống chó Ét-ki-mô không? Chó Ét-ki-mô chính cống không bao giờ sủa như chó thường đâu nghen mày. Nó rú như chó sói, nghe khiếp lắm. Nhưng giống Ét-ki-mô, chó cái khôn hơn chó đực, vì vậy...
Té ra từ nãy đến giờ, nó không lo học ngữ pháp mà lo đi chơi ở Bắc cực. Tôi điên tiết, cắt ngang:
- Dẹp thứ chó Ét-ki-mô của mày đi! Học bài không chịu học, tối ngày cứ chó với mèo! Nghe tôi hét, nó giật mình "tỉnh cơn mơ" và ngay lập tức đuổi bầy chó "rú y như chó sóí" kia ra khỏi tâm trí. Nhưng chứng nào tật nấy, hôm sau tôi viết ra giấy câu "Mùa xuân, chim bay đầy trời", chưa kịp hỏi nó, nó đã hỏi tôi:
- Đố mày, chim gì thường được dùng để đưa thư liên lạc?
Tôi đập bàn ầm ầm:
- Dẹp! Dẹp!
Bình thường, tôi rất mê những câu chuyện kỳ lạ về động vật của Quang, nhưng vào những lúc như thế này, tôi không sao chịu đựng nổi. Rút kinh ngiệm, kể từ đó về sau, đặt câu cho nhà sinh vật phân tích, tôi chẳng dám rớ tới một con vật nào. Toàn những câu đoại loại như "Xe lửa qua cầu" hoặc "Hoa nở khắp vườn" mà thôi.
Nhưng rồi, mặc dù chậm chạp như sên bò, Quang cũng dần dần chứng tỏ được sự tiến bộ của mình. Khi làm bài tập, thỉnh thoảng nó cũng hay quên đầu quên đuôi nhưng không bao giờ nó bị điểm hai hay điểm ba như trước. Thường là nó đạt điểm năm trở lên. Cũng như Bảy, bây giờ nó không ngán môn ngữ pháp nữa. Thành tích đó khiến tôi sung sướng vô kể.
Nhưng "sự kiện" làm tôi nở mày nở mặt nhất là mới đây để cho Bảy và Quang nắm chắc được nội dung của bài "Câu có cụm chủ-vị làm chủ ngữ", tôi đã làm bài thơ sau đây và bắt hai đứa chép vô tập:
Cụm chủ-vị khi làm chủ ngữThường đằng sau có chữ "khiến cho"Ví như: "Em bé nằm ho
Khiến cho cha mẹ phải lo suốt ngày"
Nhưng vị ngữ khi rày khi khác
Chữ "khiến cho" chưa chắc ở hoài
Đôi khi có một chữ "là"
Kéo theo sau nó cái toa "danh từ"
Lấy ví dụ: "Bạn hư hỏng quá
Là nỗi buồn của cả thầy cô"Nếu đem "sự, cuộc, việc" vô
"Ngữ danh từ" bỗng bất ngờ hiện ra.
Bài ngữ pháp này là một trong những bài khó của học kỳ một. Trong lớp tôi, những đứa nắm vững ngay được bài này không phải là nhiều. Nhờ bài thơ của tôi, Bảy và Quang lập tức trở thành hai nhân vật trong cái nhóm thông thái ít ỏi đó.
Lúc ôn bài đầu giờ, tụi bạn ngồi chung quanh nghe Bảy và Quang lầm rầm đọc thơ, liền lên tiếng:
- Hôm nay học ngữ pháp chứ đâu học giảng văn! Tụi mày lộn rồi!
Tụi nó tưởng Bảy và Quang học bài "Hò Huế". Quang ưỡn ngực, khoe:
- Ai chẳng biết bữa nay học ngữ pháp! Đây là bài thơ ngữ pháp của nhóm tao!
Mấy đứa kia nghe vậy, tò mò xúm lại coi. Lập tức nhận rõ được giá trị của bài thơ, chúng bao vây Bảy và Quang, năn nỉ xin chép.
Tôi chứng kiến quang cảnh náo nhiệt đó ngay từ đầu, lòng hãnh diện không thể tả. Thằng Lâm vừa hí hoáy chép vừa hỏi:
- Ai làm bài thơ "độc" quá vậy mày?
Bảy chưa kịp trả lời thì thằng Chí đã bô bô ra vẻ hiểu biết:
- Thằng Huy làm chớ ai! Nó mà làm thơ thì số một!
Trời ơi! Sao cái thằng bép xép này hôm nay dễ thương quá vậy không biết! Nghĩ tới chuyện trước nay mình không ưa nó, lương tâm tôi tự nhiên cắn rứt quá chừng.
Nhưng khoái thì khoái trong bụng, bề ngoài tôi vẫn giả vờ như không chú ý gì đến chung quanh, chỉ có hai tai dỏng lên hệt tai mèo lúc đang rình chuột. Và tôi sướng mê tơi khi nghe cái âm thanh ngọt ngào quen thuộc vang lên: "Quang cho Hiền mượn coi đi!". Chắc khi rao "Ai ăn chè không?", giọng nó cũng ngọt lịm như vậy.
Trong số những học sinh bị kêu lên bảng đặt câu hôm đó, Quang là đứa duy nhất làm đúng hoàn toàn. Và lần đầu tiên kể từ khi cha sinh mẹ đẻ, nó đạt điểm mười môn ngữ pháp. Khi nghe thầy Dân hô điểm, nó cảm động đến rưng rưng nước mắt và bất giác nắm lấy tay tôi. Tôi là đứa ưa giỡn mà thấy vậy, cũng đâm ra ngùi ngùi.
Thầy Dân khen Quang không tiếc lời. Một học sinh từ kém vọt lên giỏi là một tấm gương đáng học tập. Rồi thầy khen cả nhóm tôi và khen tôi biết giúp đỡ bạn học tập.Thấy thầy đang biểu dương tôi, Chí vọt miệng:
- Bạn Huy làm bài thơ về cụm chủ vị hay lắm đó thầy!
Thầy Dân ngạc nhiên:- Em nói thơ gì?
- Thơ ngữ pháp đó thầy.
Nói xong, nó đưa cho thầy Dân coi bài thơ mà nó vừa chép lại của Bảy. Trước cặp mắt hồi hộp của tôi, thầy vừa đọc vừa gật gù nhận xét:
- Một sáng kiến hay!
Cái "sáng kiến hay" đó ngay sáng hôm sau đã xuất hiện trên bản tin, ở chỗ mà Lửa Thần trước đây thèm nhỏ dãi cũng không được.
Bài thơ nhanh chóng lan ra trong cả lớp, rồi truyền qua các lớp tám khác. Tiếp đó chương trình phát thanh Măng Non của liên đội phát đi bài "Một sáng kiến đáng biểu dương" nói về bài thơ của tôi. Chính "kẻ thù" của tôi, nhỏ Kim Liên, viết bài báo này.Lần đầu tiên trong đời, tôi phát hiện ra không gì hạnh phúc cho bằng làm những việc đem lại lợi ích ọi người.
Sau sự kiện đáng nhớ đó, Đại nhìn tôi với cặp mắt khác. Nó trở nên thân mật và cởi mở với tôi hơn. Dường như nó tìm thấy ở tôi không phải chỉ có tính cứng đầu. Học ngữ pháp, có những chỗ nó giảng hoài mà nhỏ Hiền vẫn không chịu hiểu, nó thường nhờ tôi giảng giùm. Bao giờ cũng vậy, tôi nhận lời một cách hănh hái.
Nhỏ Hiền giống thằng Quang ở tính siêng năng, lại hơn Quang ở chỗ không nghĩ ngợi vẩn vơ, do đó được "ông thầy" có kinh nghiệm như tôi hướng dẫn, nó hiểu bài rất mau. Tất nhiên là học chung với nó, tôi không dám giở trò la hét ầm ĩ hay đập bàn đập ghế rầm rầm như khi học với tụi thằng Quang. Ngược lại, tôi cố gắng bắt cái giọng lỗ mãng của mình nói năng nhỏ nhẹ, ôn hòa hết cỡ, còn về tính kiên nhẫn thì không chê vô đâu được.
Chỉ tiếc là những dịp để tôi chứng tỏ sự dịu dàng như vậy không nhiều. Đại là một học sinh giỏi, lâu lâu nó mới "cầu cứu" tôi một lần. Tôi cứ thầm mong môn ngữ pháp có thật nhiều chỗ khó để cho Đại "kẹt" thật nhiều lần. Và tại sao tôi lại mong như vậy, tôi cũng không hiểu.