Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Ông Bảo Đại không từ bỏ những chuyến đi xa. Cách đây mấy năm, ông đã sang Mỹ thăm con gái là Phương Minh, kết quả của mối tình với bà Phi Ánh khi còn ở Hà Nội năm 1946, sau nầy đã theo ông lên Đà Lạt khi ông đã có bà “thứ phi” Mộng Điệp ở bên cạnh. 

Chuyến viếng thăm gây được ít nhiều tiếng vang trong cộng đồng người Việt ở đây. Ông còn dự định phải phát biểu tại Quốc hội Mỹ ở Washington. Nhưng một cử chỉ vụng về, thiếu tôn trọng đối với quận chúa Monique, vừa mới kết hôn với ông, khiến ông phải rút ngắn chuyến viếng thăm và huỷ bỏ chương trình phát biểu tại Quốc hội Mỹ.

Cho mèo ăn xong, Bảo Đại tiếp tục đi dạo. Ông trở lại con đường cũ dẫn đến khu nhà của thuỷ cung Trocadéro, được cải dạng để dùng vào việc khác từ chục năm nay. Những bức tường nứt nẻ, những đống đá, nơi đó người ta cấm trẻ con không được chơi trò đi trốn sợ xảy ra tai nạn. Một bọn trẻ xuất hiện đột ngột, từ bãi trước chạy đến, một đứa đâm sầm vào ông già vừa bỏ chạy vừa nói iời xin lỗi. Nó không bao giờ biết nó vừa xô đẩy ông Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, một người mà hàng triệu người dân Việt trước đây không lâu coi như một thánh nhân.

Bước vào tuổi già người ta hay nghĩ về quá khứ. Chắc ông không thoát khỏi quy luật ấy. Cuộc sống đầy thăng trầm trong một thế giới nhiều biến động của thế kỷ XX, ba lần thay thầy đổi chủ, bấy nhiêu lần phản thầy và bị công kích và lên án nơi chính giới và công luận ở Pháp, nơi đã nuôi dưỡng ông để trở về chấp chính cũng lạnh nhạt và bỏ rơi ông, đến vợ, con, và cả người tình và biết bao người chịu ân sủng của ông nay cũng xa lánh, đã làm ông day dứt không yên.

Khi còn trẻ lúc trị vì ở Huế, ông đã nghe lời mẹ là bà thái hậu Từ Cung, quy y Phật giáo, nay về già, lưu lạc xứ người, ông lại nghe bà vợ trẻ đến nhà thờ Saint-Pierre de Chaillot, quận 16, Paris, làm lễ rửa tội và quy y Công giáo năm 1988. Một buổi chiều cuối tháng 8 năm 1996, trong lúc ông tha thẩn ngồi một mình trên ghế đá công viên Trocadéro, một người Việt Nam dạo chơi qua đấy tình cờ nhận ra ông, đừng lại hỏi chuyện. Trước khi chia tay, ông than thở: Hiện nay tôi chẳng còn gì ông ạ. Tôi sống cô đơn mặc dù có bà Monica chăm sóc chu đáo. Bạn bè, con cái xa lánh. Trả lời câu hỏi: ông có ý định muốn về Việt Nam thăm lại mồ mả tổ tiên không? Ông bùi ngùi đáp chậm rãi: “Tôi không bao giờ quên Huế và công lao của cha ông nhưng tôi vẫn còn mối hận trong lòng (ông dùng tiếng Pháp rancune)“. Ông không nói gì thêm nữa. Không hiểu ông định ám chỉ ai khi nói lên chữ rancune? Mối hận đối với chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh và báo chí ở chiến khu đã nghiêm khắc lên án ông là phản quốc và toà án quân sự Liên khu III đã tuyên án tử hình vắng mặt đối với ông năm 1949, hay đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, người được ông che chở, đã lật lọng một cách hèn hạ, trâng tráo phản bội lời thề trung thành với ông, phế bỏ ông, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu và gian lận tịch biên tài sản, nhục mạ chửi rủa ông cay độc hơn báo chí kháng chiến năm 1949, lại còn giật dây hội đồng hoàng tộc truất bỏ cương vị Quốc trựởng và mọi tước hiệu của ông?

Người đời nói ông cũng là con người thông minh, suốt đời sống xa dân nhưng ít nhiều cũng hiểu được chuyện đời. Sang Pháp du học từ lúc 7 tuổi, được ông bà Charles, nguyên khâm sứ Trung Kỳ trông nom rèn cặp được học các thầy giỏi của các trường nổi tiếng ở Paris như trường Henri IV, Condorcet, đỗ tú tài loại ưu, được vào học trường Sciences PO (Đại học Khoa học chính trị) danh tiếng, lại được cử nhân Hán học Lê Nhữ Lâm do Triều đình Huế cử sang dạy thêm chữ Hán. Phải cái ham chơi, mê gái và được nhiều gái mê, ham thích nhảy đầm, chuộng thể thao: quần vợt, đánh “gôn”, cưỡi ngựa, câu cá, săn bắn, thích phóng xe ôtô và cả lái máy bay nhào lộn, và cuối cùng là giỏi bài bạc. Những tật xấu nầy đâu phải chỉ riêng ông mới có. Các vị đế vương trên thế giới nầy, Âu cũng như Á, thời nay cũng như thời xưa không hiếm người như ông.


Ông không tham quyền cố vị, vì biết mình chẳng có quyền lực gì mà chỉ muốn làm vua để được sống như vua ăn tiêu hào phóng, không phải chịu trách nhiệm gì với quốc dân, như vua ở các nước quân chủ lập hiến như Anh, Thuỵ Điển, Nhật Bản, Thái Lan… Đó là chính thể ông hằng mơ ước nhưng suốt đời ông không thực hiện được. Khi mới về nước cầm quyền bính ở tuổi 19, ông đã biết “ngẫu hứng” trả lời khi có người hỏi:

- Ngài dự định làm gì khi trở về chấp chính?

- Tôi chẳng làm gì cả!

-??

- Vì có việc đâu mà làm. Mọi việc “người ta” làm hết!

Ông cũng biết kết thúc một cách khôn ngoan và êm đẹp chế độ vua quan phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử Việt Nam và bị nhân dân căm ghét.


Câu nói để đời, được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh – cho dù được người khác viết sẵn - Thà làm dân một nuớc tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ - và việc chấp nhận thoái vị đã giúp ông bảo toàn mạng sống, mà không cần phải dựa vào sự can thiệp của quân Nhật ở Huế theo chúng đề nghị, để tránh một cuộc đổ máu vô ích. Vai trò cố vấn chính phủ cách mạng, dù chỉ là tượng trưng, đã tô đậm thêm hình ảnh đại đoàn kết dân tộc. Không đủ bản lĩnh tiếp bước con đường nhân dân và cách mạng đã mở ra, ông cam tâm bán mình cho quỷ dữ, nhận làm con bài trong giải pháp Bảo Đại để che lấp tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa. Ông để phần lớn thời gian làm Quốc trưởng vào cuộc sống ẩn mình trong thú vui săn bắn ở Buôn Ma Thuột và mê mải trong các sòng bạc ở Cannes. Nghị lực làm việc của ông thời gian nầy dành vào việc ăn chia lợi nhuận với Bảy Viễn kinh doanh Đại Thế giới ở Chợ Lớn, mua sắm ôtô đời mới, tậu biệt thự sang trọng, còn mọi việc “quốc gia” chỉ là ký các đạo dụ, các sắc lệnh, các thông điệp, đọc các bài diễn văn có người khác làm sẵn. Ông bỏ mặc lũ cận thần tha hồ đục nước béo cò, mua quan bán tước thanh toán lẫn nhau. Quan thầy chán ngán không mấy tin ông. Tên tuổi ông gắn với thất bại của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954). Lịch sử đã chuyển giai đoạn, Việt Nam trở thành tiêu điểm của cuộc chiến quyết liệt chống cộng ở Đông Nam châu Á.

Thấy ông không đủ sức đảm đương nhiệm vụ mới, cố nhiên chủ mới phải tìm tay sai mới. Chính ý định thay ngựa giữa dòng của các thế lực phản động nước ngoài đứng đằng sau hành động phản trắc của Ngô Đình Diệm, đối thủ chính trị của ông chứ chưa phải là sự trừng phạt nghiêm khắc của nhân dân đã đánh đòn chí mạng chôn vùi toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông suốt đời làm công cụ cho các thế lực ngoại xâm.

***

Cũng vào giờ nầy, ở bên kia của thành phố Paris, Bảo Long đi ăn trưa. Dáng người thấp bé hơn bố, cử chỉ thanh lịch, ăn mặc chải chuốt pha chút phóng túng đáng ngạc nhiên của một nhân viên ngân hàng. Ông làm việc trong một chi nhánh ngân hàng có hội sở giao dịch khá to và đẹp trên đại lộ Opéra.

Ông là người có tài dù sao thì cũng là con người dày dạn biết làm cho tiền của mẹ ông sinh sôi. Ông phụ trách công việc đầu tư tiền của khách hàng ra nước ngoài, đem lại lợi ích cho họ.


Bước qua ngưỡng cửa, như mọi ngày, ông ngập ngừng giây lát như bị choáng ngợp trước ánh mặt trời, ông đi ngược đại lộ, dừng lại trước các tủ kính cửa hàng, rồi lại tiếp tục những bước chân nhẹ nhàng, đều đặn và uyển chuyển.

Đến giờ ăn trưa, phố xá đầy những nhân viên công sở muốn thưởng thức cảnh đẹp ngoài trời, ngồi lỳ ở ngoài thềm tiệm cà phê. Bảo Long dừng chân thận trọng sang đường đi trở lại vài bước. Cuối cùng ông cũng dừng lại trước một quầy hàng có mái che do dự rồi bước vào mua một bánh mì kẹp thịt để ăn trưa như tất cả mọi người.

Hoàn toàn đúng như vậy, nếu không có ánh nhìn đăm đăm, nửa thân trên thẳng cứng một cách gần như quý tộc biểu lộ một quá khứ khác thường, độc đáo. Trái với cha ông, ông giàu có. Từ văn phòng ngân hàng, ông quản lý tài sản thừa kế của mẹ, quan tâm đến việc sinh lợi, giữ được đôi chút ổn định sau bao nhiêu bão tố.

Ông sống trong một căn hộ đẹp ở đường Marais. Chưa bao giờ lập gia đình, không con cái. Luôn luôn day dứt vì cuộc sống lưu vong. Cuộc sống nhiều tai tiếng của bố, suốt từ thời trị vì đến lúc sau nầy thân bại danh liệt lúc về già ở nước ngoài, lại còn tranh chấp kiện tụng giữa hai cha con chia nhau báu vật trong đó có hai quốc bảo là ấn và kiếm nhà Nguyễn xưa(1) khiến tâm trạng ông lúc nào cũng u uất, buồn phiền.

Quá khứ hiện về qua những dự định mờ nhạt tìm cách trở về nước. Trong những tháng đầu năm 1975, khi Nam Việt Nam chờ đợi cuộc tổng công kích cuối cùng thì một sĩ quan nổi tiếng trong trận Alger trong cuộc chiến tranh Algérie là đại tá Trinquer cũng đã định mở cuộc vận động ủng hộ ông trở về nước, nhưng không thành.

***

Lý Lệ Hà, ngườỉ tình nổi tiếng một thời của Bảo Đại, người đã dốc hết tiền tiết kiệm để ông chi tiêu ở Hongkong, hiện sống ở xa, tại một làng ngoại thành của thủ đô. Nàng sống trong một khu quân nhân và ở tuổi tám mươi mốt vẫn đam mê chuyện tranh cử.


Người chồng Pháp của bà làm chính trị, đang nhăm nhe một chân trong ê-kíp lãnh đạo thành phố. Bà chưa gặp lại Cựu hoàng từ khi bà đến Paris cách đây ba mươi năm. Nhưng khi nói đến ông, bà vẫn tỏ lòng tôn kính, một điều “Ngài Ngự” hai điều “Ngài Ngự”. Lối nói ấy gợi lên một kỷ niệm. Còn “thứ phi” Mộng Điệp mà vai trò gần như Hoàng hậu ở Buôn Ma Thuột, bà sống trong một căn hộ hai buồng gần quảng trường Nation, quận 12 ở Paris, và bà Nguyễn Tiến Lãng, cũng như chồng, đã đi theo bà Nam Phương đến cùng. Và còn nhiều người khác, bà con thân thuộc đến hàng ngàn người, trong hoàng tộc đã trải qua những bi kịch như nhau…

Khi các thế lực phương Tây bị quét sạch vĩnh viễn khỏi Việt Nam thì hầu hết những họ hàng xa gần với hoàng tộc, những diễn viên cuối cùng trong kịch bản về đế chế An Nam còn sống đều di tản ra nước ngoài trong những năm năm mươi hay sau đó. Chỉ một số ít đã ở lại với chế độ mới. Có một số ngoại lệ, trong đó có bà Hoàng Thái hậu Từ Cung mất năm 1980, đám tang được chính quyền thành phố Huế giúp đỡ tổ chức với đầy đủ lễ nghi theo tục lệ Phật giáo. Phần dông họ đều đã gần đất xa trời. Họ sống lặng lẽ, bị bỏ quên, chờ đợi sự may rủi của lịch sử, nhưng không hy vọng. Từ vài năm nay trước công cuộc đổi mới đang mở cửa cho đất nước lâu đời của họ, tất cả đều chăm chú theo dõi sức khỏe ngày một tàn tạ của cựu hoàng.

Chú thích:

(1) Tướng hồi hưu Jean Julien Fonde, năm 1946 là thiếu tá trưởng phái đoàn Pháp trong Ban Liên Kiểm (Commission de Contrôle et de Liaison). Ban nầy có nhiệm vụ liên lạc giữa hai quân đội Việt – Pháp và kiểm soát việc thi hành hiệp định 6 tháng 3 năm 1946 về mặt quân sự.

(2) Nguyễn Đắc Xuân, Hỏi chuyện tình bà “thứ phi” Bùi Mộng Điệp với cựu hoàng Bảo Đại, đăng trên báo Kiến thức ngày nay số 527, ngày 1 tháng 4 năm 2005 (B.T.)

(3) Đó là chiếc ấn bằng vàng và kiếm có chuỗi nạm ngọc được Hoàng đế Bảo Đại trao cho Trưởng phái đoàn Chính phủ lâm thời Trần Huy Liệu trong lễ thoái vị ngày 30 tháng 8 năm 1945 ở Huế. Khi chiếm lại Hà Nội, Pháp tìm lại được hai báu vật nầy không dám giữ đã làm lễ trao lại cho hoàng gia tại Buôn Ma Thuột. Lúc nầy Bảo Đại vẫn ở Pháp cũng chẳng mấy quan tâm đến việc nầy. Năm 1953, bà Bùi Mộng Điệp được Bảo Đại giao nhiệm vụ mang hai báu vật đó sang Pháp trao lại cho bà Nam Phương. Khi về Corrèze ở, bà Nam Phương đã đưa cho Bảo Long giữ. Sau nầy Bảo Đại kiện đòi lại được ấn còn kiếm do Bảo Long giữ. (Theo lời kể của bà Bùi Mộng Điệp cho nhà báo Nguyễn Đắc Xuân (xem bài Hỏi chuyện tình bà “thứ phi” Bùi Mộng Điệp với cựu hoàng Bảo Đại đăng trên báo Kiến thức ngày nay số 530 ngày 10 tháng 6 năm 2005 – B.T.).


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận