Bệ hạ, nhận mệnh đi!
Tác giả: Ngũ Sắc Long Chương
Editor: Mia Tree
Truyện được edit tại: miatree0402.wordpress.com
-----
Chương 39. Hoàng thái tôn
Tuyên đế cơ hồ trong nháy mắt liền quyết định bỏ cha lấy con, trước cho một nhà thế tử ngồi xuống, xong lập tức hỏi: "Con cái của hiền chất đều đáng yêu, có thể giới thiệu chúng cho trẫm nhận biết hay không?"
Thế tử vội vàng đứng dậy khiêm tốn nói: "Trẻ nhỏ vô tri, không đảm đương nổi khích lệ của hoàng thúc." Liền đem mấy đứa con của mình đều gọi ra, giới thiệu đầu tiên chính là đứa bé mà Tuyên đế coi trọng: "Đây là con vợ cả của chất nhi Hạ Thành, năm nay vừa tròn năm tuổi, còn chưa hiểu chuyện" lại đem những nam hài khác kéo đến bên người "Đây là trưởng tử của chất nhi Hạ Diễn, năm nay tám tuổi. Con thứ Hạ Du, năm nay sáu tuổi......"
Mấy hài tử tướng mạo cũng không giống nhau, nhưng đều có chung một điểm tốt, chính là không giống phụ thân. Tuyên đế trên thực tế kiếp trước đã ba mươi mấy gần bốn mươi tuổi, gộp cả hai đời đều chưa từng có một đứa con nào, thấy hài tử đáng yêu như vậy sao có thể không thích? Hắn gọi mấy hài tử đến bên cạnh, lần lượt lôi kéo tay từng đứa hỏi qua việc học, lại ban cho đồ vật tinh xảo, luyến tiếc để cho chúng trở về.
Chỉ cần hắn không lấy ánh mắt của phụ thân nhìn nhi tử mà đánh giá, vị thế tử này hiển nhiên ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm, tướng mạo cũng không tính là vấn đề lớn. Kỳ thật Uyển Lăng Vương thế tử lớn lên không tính quá khó coi, nếu quay mặt đi không nói chuyện, phong độ ý vị vẫn là thực ổn.
Thái độ của Tuyên đế càng thêm hoà nhã, nhiệt tình hỏi thăm về phong thổ và con người của vùng đất Uyển Lăng, tình huống thân thể của mấy nhi nữ, tính tình yêu thích... nhưng không đề cập tới việc để y nhập chủ Đông Cung. Vị Uyển Lăng Vương thế tử này cũng là người trầm ổn, mặc kệ Tuyên đế hỏi nhiều chuyện vụn vặt, nói nhiều chuyện không đâu, trước sau đều cung kính như một, khi đáp lời cũng có trật tự, không kiêu ngạo không siểm nịnh.
Trải qua một trận hỏi đáp, Tuyên đế đối với đứa trẻ con vợ cả kia của thế tử càng thêm vừa lòng. Có một vị phụ thân hiểu chuyện như vậy, hài tử nhất định cũng là mầm non tươi đẹp. Sau khi lập đứa nhỏ này thành thái tôn thì thay y chọn lấy mấy vị lão sư tốt, cũng vì Đông Cung mà tuyển người hiền năng. Đợi đến lúc hắn trăm tuổi...... hắn đời trước bất quá sống hơn ba mươi mấy tuổi, không cần nói đến trăm tuổi làm gì! Mười mấy năm sau, đứa nhỏ này lớn lên, vừa đúng lúc có thể thay mình gánh lấy thiên hạ xã tắc.
Sau buổi gặp mặt, Tuyên đế liền đem chúng thần triệu vào cung thương nghị việc lập trữ, thẳng thắng tuyên bố bản thân muốn sửa lập Hạ Thành làm hoàng thái tôn.
"Uyển Lăng Vương thế tử tuy rằng thông tuệ hiền đức, nhưng tuổi tác so với trẫm còn muốn lớn hơn hai tuổi. Tương lai vạn nhất y mất trước trẫm, Đông Cung trữ vị tự nhiên vẫn phải chọn tông thân khác kế thừa. Đến lúc đó có thể sẽ lại phát sinh nhiều vấn đề, chi bằng trực tiếp lập Hạ Thành làm thái tôn. Đứa trẻ này tuổi còn nhỏ, chỉ cần cẩn thận tuyển chọn hiền thần dạy dỗ, đợi trẫm trăm tuổi, liền có thể thay trẫm gánh vác lấy thiên hạ này."
Chúng thần đã sớm lén lút có chung nhận thức, đều nhận định Tuyên đế yêu thích nam sắc, tương lai chưa chắc có thể có con nối dõi, nên muốn từ trong tôn thất lựa chọn người kế nghiệp. Chi mạch của Uyển Lăng Vương được xem như huyết mạch gần nhất, so với những tôn thất khác cũng lớn mạnh hơn. Chỉ là vị thế tử này tuổi xác thật hơi lớn, một khi nhập chủ Đông Cung, có thể sẽ vì Tuyên đế không thể truyền ngôi sớm mà sinh ra tà niệm.
Trái lại vị thế tôn này, đúng thật là nhân tuyển tốt ― đủ thân phận, tuổi không lớn, lại được hoàng đế vừa ý, cũng không có chỗ nào để bắt bẻ. Vạn nhất tương lai hoàng thượng có con của mình, liền đem đứa nhỏ này đưa đi nơi khác, sẽ không có bao nhiêu phiền toái.
[*Chú thích:
Thế tử là chỉ người thừa kế vương vị hoặc tước vị, thế tôn là con của thế tử. 'Tử' hán việt nghĩa là con, 'tôn' hán việt nghĩa là cháu.
Phân biệt với thái tử là chỉ người con sẽ kế thừa hoàng vị, tương tự thái tôn là chỉ người cháu sẽ kế thừa ngôi vị hoàng đế. 'Thái' hán việt nghĩa là trưởng, đứng đầu, to lớn, vĩ đại. Ví dụ như thái bá, thái phu nhân,...
Hạ Thành khi còn là con của Uyển Lăng Vương thế tử thì được gọi là thế tôn, nhưng sau khi trở thành cháu trên danh nghĩa của Tuyên đế và là người kế thừa ngôi vị thì sẽ được gọi là thái tôn hay hoàng thái tôn. 'Hoàng' ở đây là từ tôn kính dùng để chỉ những gì liên quan tới vua, ví dụ như hoàng cung, hoàng ân, hoàng vị, hoàng tổ phụ, hoàng tử, hoàng tôn,...]
Chúng thần ước lượng một phen, liền hợp nhau cùng đề cử Hà Thừa tướng bẩm tấu lên Tuyên đế: "Bệ hạ muốn thu dưỡng Uyển Lăng Vương thế tôn, chúng thần không có gì dị nghị. Chỉ là thế tôn tuổi còn nhỏ, không cần nóng lòng chuyển vào Đông Cung, trước cứ nuôi dưỡng trong cung, ban cho vương vị. Nếu tương lai bệ hạ vô tự, thì thế tôn có thể kế vị. Nếu bệ hạ lại có con nối dõi, thế tôn có thể ra kinh đến đất phong, cũng không đến mức khiến cho Đông Cung rung chuyển......"
Tuyên đế tuy rằng không tin chính mình còn có thể có con nối dõi, nhưng lời này của Hà Thừa tướng cũng có chút đạo lý. Hắn nếu không chết quá sớm, liền không cần sốt ruột đem đứa nhỏ này đưa vào Đông Cung.
Nửa tháng sau, Tuyên đế hạ chỉ đem Hạ Thành phong làm Lương Vương, dưỡng ở trong cung, lại hậu ban cho vợ chồng Uyển Lăng Vương thế tử, hứa cho bọn họ mỗi năm nhập kinh triều kiến, thuận tiện thăm nhi tử. Các ma ma thị nữ của vị tiểu thế tôn kia đều đi theo vào cung, về cơ bản cũng không có gì không quen, ngẫu nhiên khóc nháo đòi cha mẹ, Tuyên đế liền đem y ôm vào trong ngực, lấy chút điểm tâm trái cây mà dỗ dành.
Trong cung có rất nhiều đồ chơi và thức ăn tinh xảo, Tuyên đế lại đối với y đặc biệt sủng ái, lúc nào cũng mang theo bên người, so với cha mẹ một ngày không thấy được mấy lần, ngược lại càng thân cận hơn. Chậm rãi đem đứa nhỏ vừa dỗ dành vừa quan tâm chăm sóc một thời gian, về sau y nửa đêm có giật mình thức giấc cũng không còn khóc lóc đòi mẫu thân nữa, mà chỉ cần hoàng tổ phụ ôm y.
Tuyên đế sau khi đem Uyển Lăng Vương thế tử tiễn đi, liền lệnh cho Tông Chính Tự sửa lại gia phả, đem Lương Vương tân nhiệm, người tương lai có thể trở thành hoàng thái tôn ― Hạ Thành, chuyển dời đến trên danh nghĩa của Tuyên đế.
Thời gian thấm thoát thoi đưa.
Từ khi có hoàng tôn, Tuyên đế ngay cả mỹ nhân cũng không còn nghĩ đến, mỗi ngày hạ triều liền ở lì trong cung ngậm kẹo đùa cháu, trừ bỏ lúc thượng triều không thể dẫn y cùng ngồi trên long ỷ ra, đều là một khắc cũng không rời. Chu Huyên cùng các đại thần vào cung nghị sự, đôi lúc muốn đơn độc cùng Tuyên đế bàn chút chuyện riêng tư cơ mật, bất đắc dĩ hoàng tôn lại không giống cung nhân, có thể tùy ý cho lui, đành phải mang theo tiếc nuối mà rời đi.
Loại sự tình này diễn ra ngày càng thường xuyên, tích lũy dần, trong lòng vài vị thần tử liền không khỏi sinh ra oán hận. Hai tháng sau, Trung Thư thị lang Thuần Vu Gia rốt cuộc nhịn không được thượng tấu, thỉnh Tuyên đế tuyển ra ti nghị, thị giảng để dạy học cho Lương Vương Hạ Thành.
Tuyên đế tuy rằng sủng ái vị hoàng tôn này, nhưng lại càng muốn đem y bồi dưỡng thành một minh quân, không muốn chậm trễ việc học của y. Nếu Thuần Vu Gia đã đưa ra đề nghị, Tuyên đế liền lệnh cho Hàn Lâm Viện chọn lựa người có học vấn vững chắc, nhân phẩm đoan chính làm lão sư, chính thức thay Hạ Thành giảng dạy sách vỡ lòng.
Lúc thân phận trữ quân của Hạ Thành được định xuống, Tuyên đế đồng thời cũng nhận được một phong thư đến từ Tây Nhung. Không phải là quốc thư mà là thư riêng do vị Hưng Tông vương tử kia gửi đến, bên trong báo cho Tuyên đế một tin tốt ― y hiện tại đã trở thành hoàng tử được Tây Nhung vương sủng ái nhất, mà binh lực trong tay Tàng Vân thái tử thiệt hại quá nhiều, bị y cùng vài vị huynh đệ liên thủ đẩy đến trấn thủ vùng sa mạc Hãn Hải.
Ngoài ra, Hưng Tông vương tử còn có ý tứ mập mờ: Nếu Hạ triều xuất binh quấy rối sa mạc Hãn Hải, gây thiệt hại binh lực và tài sản của Tàng Vân thái tử, như vậy không quá một năm, y có thể nghĩ biện pháp diệt trừ hoàn toàn vị huynh trưởng này, cũng khiến phụ vương sớm ngày truyền ngôi cho y. Sau khi y đăng cơ, không chỉ sẽ thực hiện những điều kiện lúc trước hứa hẹn trong minh ước, mà còn sẽ noi theo các nước chư hầu khác, trở thành quốc gia phụ thuộc của Hạ quốc, đem con cái hoàng thân quốc thích trong triều đưa đến trong kinh học tập.
Tuyên đế nhìn phong thư, trong lòng cơ hồ so với khi nhìn thấy hoàng tôn càng thêm vừa lòng. Đời trước hắn biết vị Hưng Tông vương tử này bị huynh trưởng áp chế đến gắt gao, cũng không làm nên thành tựu gì. Không thể tưởng được đời này vậy mà có chút trợ giúp, y thế nhưng có thể khiến Tàng Vân thái tử bị đày đến biên giới.
Huống hồ vị vương tử này đối với âm mưu tranh đấu tuy có chút thủ đoạn, nhưng cầm quân đánh giặc lại không bằng vị huynh trưởng kia của y. Kiếp trước Tàng Vân thái tử phong quang nửa đời, cuối cùng vẫn bị hắn tự mình mang binh bình định. Hưng Tông vương tử nếu lên làm Tây Nhung vương, chắc chắn sẽ đưa Tàng Vân thái tử vào chỗ chết, tương lai nếu hắn xuất binh bình định Tây Nhung, cũng có thể giảm bớt chút thiệt hại về binh mã tiền tài.
Chỉ là hiện giờ trong triều mới dụng binh không lâu, trực tiếp chinh phạt thì quá hao tổn quốc lực, tốt nhất là phái tiểu đội kỵ binh ở biên cảnh quấy rối đối phương.
Tuyên đế đem tin tức này nói cho trọng thần trong triều, dò hỏi ý kiến mọi người. Chu Huyên dẫn đầu đáp: "Tuy rằng đầu xuân Hạ quốc mới cùng Tây Nhung khai chiến, nhưng hiện giờ toàn bộ vùng Đóa Nhan đã thuộc về Hạ quốc ta, lại có Hưng Tông vương tử đưa tới năm ngàn lương mã, muốn một kích tiêu diệt bộ tộc nơi Tàng Vân thái tử trấn thủ cũng chưa chắc là không làm được."
Hộ Bộ Thượng thư Tần Văn Trung nói: "Đầu năm nay đại quân xuất chinh cùng với sự cố ôn dịch đã khiến quốc khố hao phí quá nhiều, không bằng đợi sau khi thu hoạch vụ thu, bá tánh có dư, khi đó dùng binh mới tốt."
Nghị sự đến cuối cùng, vẫn là Tuyên đế lên tiếng: "Tây Nhung vương gần đây bệnh nặng, ước chừng không sống qua sang năm. Một khi y mất, triều đình Tây Nhung tất nhiên đại loạn, vài vị vương tử trong kinh sẽ nhân cơ hội nắm lấy sự vụ, Tàng Vân thái tử nếu muốn hồi kinh kế vị, chỉ có thể mang binh trở về. Chúng ta chỉ cần nhìn thấy đại binh mã của y hướng trung tâm thảo nguyên mà di chuyển, liền nhân cơ hội lập tức vượt biên giới, từ sau lưng tấn công bất ngờ, như vậy sẽ tiết kiệm được binh lực."
Chu Huyên đứng dậy thi lễ, khẳng khái mà đáp: "Không chỉ như thế, một khi bắt giữ được Tàng Vân thái tử, Đóa Nhan và Hà Bộ nếu có thể hiệp lực cùng xuất binh, thẳng tiến kinh đô Tây Nhung, noi theo gương nhà Hán, một kích Lang Cư Tư Sơn!*"
[*đây là một điển cố của sử Trung Quốc:
Năm 119 TCN, Hán Vũ Đế cử 10 vạn kị binh tấn công Hung Nô, giao cho Hoắc Khứ Bệnh và Vệ Thanh mỗi người chỉ huy 5 vạn quân, chia làm hai ngả đánh sâu vào địa phận Hung Nô. Hoắc Khứ Bệnh theo hướng tây đuổi người Hung Nô tới tận Lang Cư Tư Sơn, còn Vệ Thanh theo hướng đông đánh vào triều đình Hung Nô. Trận chiến này đã giết chết rất nhiều quân Hung Nô, khiến Hung Nô tổn thương nguyên khí, từ đó không dám xâm phạm nhà Hán trong một thời gian dài.]
Chu Huyên lập tức quỳ một gối xuống đất, thỉnh cầu đến biên quan giáo luyện kỵ binh, chuẩn bị tùy thời đánh bất ngờ Tây Nhung. Tuyên đế hiện giờ cũng không dám quá tin tưởng vào ký ức đời trước, liền khuyên Chu Huyên ở lại trong triều một thời gian, chờ mật thám truyền đến tin tức xác thật mới đi bắc cương.
Chu Huyên liền nói: "Vô luận Tây Nhung vương sống chết ra sao, thế lực của Tàng Vân thái tử ở Tây Nhung là hi vọng của nhiều người, nên y chắc chắn sẽ không thể ở lâu tại sa mạc. Nếu không nhân cơ hội này tiêu diệt y, để y quay về kinh đô nắm lấy vương quyền, lúc ấy muốn giết y liền khó hơn rất nhiều."
Chu Huyên dốc hết sức trình bày, chúng thần cũng không có lý do mạnh mẽ để phản đối. Trong lòng Tuyên đế rốt cuộc vẫn còn vài phần tin tưởng ký ức kiếp trước, liền thuận nước đẩy thuyền mà đáp ứng.
Việc này sau khi quyết định xong, Chu Huyên không khỏi lại muốn vào cung cùng Tuyên đế chia ly tạm biệt, mùi mẫn một phen. Tuyên đế sai người đem hoàng tôn ôm đến thiên điện, để mình cùng Đại tướng quân gia tăng cảm tình. Trước mấy ngày đại quân xuất phát, bao nhiêu tâm tình trung quân ái quốc của Chu Huyên đều tiết ra trên người Tuyên đế, chỉ hận ngày dài đêm ngắn, mặt trời lên quá nhanh, còn chưa thỏa hết ý, liền đã đến ngày xuất chinh.
Ngày đại quân xuất chinh, Tuyên đế tự mình dẫn văn võ bá quan đưa tiễn, đem Đại tướng quân Chu Huyên, Vệ tướng quân Dương Thanh, Trấn Tây tướng quân Lý Bình cùng các tướng lãnh đưa đến tận ngoài thành.
Chu Huyên sau khi rời khỏi, trong triều so với trước càng thêm vội vã, tam tỉnh lục bộ đều vì đối chiến với Tây Nhung mà ra sức chuẩn bị. Nhưng Tuyên đế bỗng nhiên không còn bị Chu Huyên mỗi đêm quấn lấy, ngược lại cảm thấy thời gian trôi qua quá mức thanh nhàn, liền đối với chính vụ bề bộn thường ngày tựa hồ chê ít.
Sau khi xử lí hết đống sự vụ tồn đọng, hắn lại nghĩ tới Tạ Nhân, đã lâu rồi hắn không gặp y. A Nhân thật sự đối với hắn tình thâm nghĩa trọng, còn vì hắn chịu tổn hại thanh danh, nhưng hắn đã hạ quyết tâm, muốn đem A Nhân đưa ra khỏi kinh. Không phải hắn bạc tình, cũng không phải hắn ghét bỏ Tạ Nhân là nam tử, mà là Chu Huyên...... rất khó dung Tạ Nhân.
Cá cùng tay gấu không thể đều muốn, hắn nếu đã chọn Chu Huyên, cũng chỉ đành cô phụ A Nhân.
Tuyên đế suy nghĩ thánh chỉ, do dự vài lần, lại không kêu cung nhân đưa đi, mà là thay đổi một thân y phục bình thường, ngồi xe ngựa tự mình đi Lâm Xuyên vương phủ. Lúc gặp mặt, trong lòng hắn tràn đầy cảm xúc bứt rứt. Chính miệng hắn tuyên đọc thánh chỉ, xong lại khuyên bảo Tạ Nhân: "A Nhân, trẫm phong ngươi làm Hội Kê quận thủ, ý chỉ đã ban ra từ lâu, Lại Bộ cũng có lưu trữ. Trước đó vài ngày thân thể ngươi không tốt, trẫm vẫn luôn chưa từng cưỡng cầu, hiện giờ thương thế của ngươi đã tốt đến không sai biệt lắm, vẫn là...... vẫn là trở về đi."
Tạ Nhân thần sắc nhàn nhạt, tùy tay buông xuống cuộn thánh chỉ, nói: "Ta nếu không phụng chỉ, bệ hạ muốn giết ta sao?"
Tuyên đế lắc đầu thở dài: "A Nhân, trẫm không thể nạp nam hậu, ngươi cần gì nhất định phải lưu lại trong kinh? Trẫm biết ngươi yêu thích chinh chiến, Hội Kê lại gần Nam Cương, ngươi thay trẫm trấn giữ nơi đó, đừng ngại luyện chút tư binh, tương lai trẫm chinh phạt Nam Cương, nhất định sẽ cho ngươi một vị trí tướng quân......"
Tạ Nhân thẳng tắp nhìn vào Tuyên đế, trên mặt không buồn không vui, nhìn đến Tuyên đế có chút nói không ra lời. Đợi hắn im lặng, Tạ Nhân mới nói: "Bệ hạ đối với ta thật là hiểu biết, thật là dụng tâm. Ta nếu cô phụ tâm ý này của bệ hạ, quả thực...... phải phỉ nhổ chính mình. Ta chỉ thắc mắc, đây có phải thật sự là lời nói chân tâm của bệ hạ? Trước đó vài ngày ta bị vây khốn ở Khôn Ninh Cung, âm thầm nghe nói, không dung ta ở lại kinh thành không phải bệ hạ, mà là Đại tướng quân đi?"
Tuyên đế hít sâu một hơi, không biết phải trả lời thế nào cho tốt. Tạ Nhân hướng hắn hành lễ thật sâu, thanh âm như cũ nhàn nhạt, nhưng lại kỳ dị đến khiến người cảm thấy lạnh cả sống lưng: "Thần thái thú Hội Kê Tạ Nhân cẩn vâng thánh mệnh. Thần ngày sau tất trở thành đại tướng quân lập nên công tích vĩ đại, để ngô hoàng không còn phải chịu người quản thúc."
Trong lòng Tuyên đế cũng thấy khó chịu, miễn cưỡng khuyên y vài câu, liền rời đi nội viện. Trong phủ này người hầu cực ít, bất quá có mấy cấm vệ quân trông coi, lại không có người tới cửa bái phỏng, cơ hồ có chút cảm giác hoang vắng. Tuyên đế lúc vào phủ thì đem thái giám lưu lại bên ngoài xe ngựa, một mình đi vào trong viện. Lúc trở ra liền cảm thấy tà dương thê lương, nhân sinh tịch mịch, nhịn không được cúi đầu thở dài một tiếng.
Sau lưng phảng phất có người cùng thở dài với hắn, chỉ là thanh âm vô cùng nhẹ, nếu không phải nơi này thật sự thanh lãnh, cơ hồ nghe không được. Tuyên đế trong lòng cảnh giác, dưới chân vừa chuyển, đang muốn quay đầu lại nhìn xem, bỗng nhiên cảm thấy sau cổ đau xót, trước mắt xẹt qua một đám sao trời, liền rơi vào tối tăm.