Á… tôi xây xẩm mặt mày, nhăn mặt đáp:
– Anh còn phải hỏi nữa, tôi bị anh hại đi không nổi nữa rồi đấy!
Hải khẽ cười, anh ta tiến sát lại tôi, vuốt ve bầu má, ánh mắt có chút âu yếm cúi xuống nhìn tôi:
– Biết rồi… giờ đi ăn trưa rồi tôi sẽ đưa cô đến Ngọc Minh.
– Anh đưa tôi qua nhà tôi trước… tôi không mặc quần lót… vì anh đấy!
Tôi ấp úng, hai má nóng ran ửng đỏ. Ánh mắt Hải nhìn tôi nửa say mê nửa giễu cợt lại còn có gì đó gian tà. Tôi chẳng biết phải nghĩ sao, nhất định không muốn “hiệp ba” với anh ta, bĩu nhẹ môi bước nhanh ra khỏi cửa, để anh ta ra sau khóa lại.
Trên đường đến Ngọc Minh, Phan Đăng Hải nghiêm giọng:
– Ngọc Minh đang gặp vấn đề gì, cô trình bày chi tiết cho tôi.
Từ ngày tôi gặp Hải, anh ta luôn có phong cách uy quyền như vậy, dù tôi chẳng còn là nhân viên của anh ta thế nhưng cứ vô thức vâng lời, trong lòng còn có chút sợ hãi.
– Hiện tại… như anh biết, Ngọc Minh đang thiếu vốn, sản phẩm mới… nước tăng lực thảo mộc Tuyết Sơn đang phải ngừng sản xuất cũng như … Dòng sản phẩm Thiên Ân thì đang tồn kho không… không cạnh tranh được với Thanh Nhân, còn dòng trà dưỡng nhan thì tiêu thụ rất chậm….
Tôi trình bày thực trạng đau đầu hiện tại của Ngọc Minh. Từ lúc mất Thiên Ân, lòng tôi lúc nào cũng như có lửa đốt.
– Công ty của nhà cô là cổ phần chưa vậy?
– Chưa… chỉ là của nhà tôi thôi.
– Tại sao không cổ phần hóa?
– Ba tôi… không muốn. Ông ấy thà để Ngọc Minh vay vốn còn hơn để nhiều người cùng làm chủ. Trong sâu thẳm thì… ông ấy vẫn mong ước tự mình phát triển nó lớn mạnh.
Phan Đăng Hải im lặng. Vài giây sau anh ta nhàn nhạt cất lời:
– Thế còn cô? Bây giờ Ngọc Minh là của cô rồi còn gì?
– Tôi… muốn ba tôi vui. Ông ấy muốn thế nào thì tôi cũng muốn như thế.
Tôi nói như vậy là một phần, phần lớn tôi không muốn Thắng Lợi chiếm Ngọc Minh. Nếu cổ phần hóa, dễ chừng Hải sớm mua hết số cổ phần của chúng tôi với danh nghĩa giúp đỡ.
– Được rồi. Tóm lại là cô cần tiền, nhưng lại không muốn kẻ có tiền đầu tư được hưởng lợi. Đúng không?
– Không phải thế… Cổ phần hóa thì hoặc cùng ăn hoặc cùng chết, anh biết mà, còn nếu vay vốn thì chắc chắn người cho vay sẽ có lãi.
– Ngọc Minh sẽ đứng đầu thị trường nước tăng lực thảo mộc. Chắc chắn sẽ có lãi.
Hải khẳng định một câu cũng chính là điều tôi nhờ cậy, là điều kiện tôi đặt ra để bước vào cuộc hôn nhân với anh ta. Nhưng ý Hải nghĩa là… anh ta muốn tôi cổ phần hóa Ngọc Minh. Tiền đâu thể ném qua cửa sổ, nhất là khi đó là một khoản tiền lớn. Kẻ có tiền như anh ta chắc chắn chỉ muốn tiền đẻ ra tiền.
– Thế này đi, tôi sẽ đầu tư cho Ngọc Minh một dây chuyền sản xuất mới hoàn toàn, như vậy cô không cần phải lo về việc sản xuất, khâu tôi cũng sẽ lo. Có điều… tôi muốn có tên trong danh sách nhà đầu tư, với tư cách cá nhân. Cô không muốn cổ phần hóa cũng được, tôi sẽ chỉ góp vốn, lợi nhuận nhận về trên chuỗi sản phẩm nước tăng lực thảo mộc mới của Ngọc Minh. Cô thấy sao?
Tôi kinh ngạc, nhất thời nín lặng không nói nổi lời nào. Phan Đăng Hải thấy ngay được vấn đề nằm ở dòng sản phẩm mới mà bắt buộc chúng tôi phải tiến hành, hơn nữa xưởng sản xuất của Ngọc Minh đã quá lỗi thời, dây chuyền sản xuất mới chính là điều mà ba tôi cũng như tôi khao khát, chỉ là số vốn khổng lồ ấy chúng tôi không sao mơ tới. Tôi vốn chỉ mong Hải cho tôi vay hoặc đầu tư một khoản tiền đủ để tiếp tục sản xuất và quảng bá Tuyết Sơn, không ngờ anh ta mạnh tay chi tiền như vậy. Cách anh ta đầu tư cũng là chiều lòng tôi, hơn nữa… nếu là vay thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới hoàn trả anh ta được với số tiền khổng lồ như vậy. Còn nếu là cho thì… anh ta đâu có ngu. Như vậy, cả Ngọc Minh và Phan Đăng Hải đều có lợi. Tôi tin dây chuyền sản xuất hiện đại dù chỉ bằng một phần mười của Thắng Lợi cũng đủ khiến chúng tôi vươn hẳn lên rồi.
– Phản hồi của thị trường về Tuyết Sơn ra sao?
Hải nhàn nhạt hỏi. Tôi lập tức quả quyết để Hải có niềm tin vào quyết định của anh ta:
– Chúng tôi mới tung ra lô sản xuất đầu tiên… chỉ có một nghìn chai thôi… cũng đang thu thập ý kiến thị trường nhưng… đó là sản phẩm tâm huyết thứ hai của ba tôi. Anh biết Thiên Ân giá trị thế nào phải không, hoàn toàn có thể tin tưởng ở Tuyết Sơn được.
– Nếu thị trường không ủng hộ Tuyết Sơn, chúng ta sẽ có Tuyết Sơn 1, Tuyết Sơn 2… bao giờ được ủng hộ thì thôi. Được chứ?
Gương mặt Phan Đăng Hải bừng sáng khi nói về tương lai của Tuyết Sơn. Anh ta nắm chắc phần thắng, không cần quan tâm Tuyết Sơn của chúng tôi thế nào. Trường vốn là điều mà anh ta có, đồng thời sẵn sàng nghiên cứu đáp ứng thị trường đến kỳ được mới thôi. Tôi gật đầu. Trước một khoản đầu tư khổng lồ từ Hải, cảm giác chấn động vẫn còn khiến tôi không tin vào hiện thực.
Buổi chiều, tôi mở một cuộc họp với ban lãnh đạo Ngọc Minh. Việc chấp nhận một nhà đầu tư như Phan Đăng Hải là một quyết định lớn, tôi biết mình là người quyết nhưng vẫn muốn xin ý kiến của hai bác phó giám đốc cùng nhiều người có kinh nghiệm hơn tôi. Đúng như suy nghĩ của tôi, tất cả mọi người đều hồ hởi tán thành. Chúng tôi vẫn giữ được Ngọc Minh, hơn nữa Ngọc Minh còn được lên một tầm cao mới, có ai lại không vui. Tuy nhiên hai bác phó giám đốc có chút buồn vì cuối cùng Ngọc Minh vẫn không cổ phần hóa như mong đợi bao năm của họ, tôi hiểu nhưng cũng không thể làm khác được.
– Tại sao Phan Đăng Hải lại làm như vậy? Thắng Lợi vốn dĩ không việc gì phải làm vậy! Bọn họ thậm chí có thể chèn ép để mua lại chúng ta với giá rẻ mà!
Có tiếng thắc mắc vang lên. Tôi đỏ mặt ấp úng đáp:
– Có lẽ… vì anh Hải muốn có một lối đi riêng… không phải chỉ ở Thắng Lợi. Mọi người cũng biết Thắng Lợi tuy khổng lồ nhưng không phải của riêng anh ấy mà.
– Này… hôm trước tôi thấy có con xe đẹp lắm, phải cỡ chục tỷ đậu ở sân công ty mình… có phải xe anh ấy không thế cô Nguyệt?
– À… vâng… anh Hải đến đây bàn bạc làm ăn anh Tuân ạ.
– Tôi nghe bác Hùng bảo vệ nói cô Nguyệt có người yêu mới nữa đấy, nghi lắm nhá!
Mọi người tinh quá thể đáng, tôi cũng chẳng muốn giấu lâu hơn nên gật đầu nói:
– Cháu cũng không muốn giấu mọi người về chuyện này, chẳng qua chưa có thiệp mời đến mọi người nên cháu chưa muốn công khai ạ.
– Úi chao ơi, cô Nguyệt làm thế nào mà giỏi thế?
– Cái anh này, tiểu thư Minh Nguyệt nhà mình vừa xinh đẹp lại vừa giỏi giang, phải lấy người như thế mới xứng chứ! Lấy chồng cho đáng tấm chồng… – Chị Huệ vừa cười vừa nịnh.
– Thế bao giờ cho chúng tôi ăn cỗ vậy cô Nguyệt? – Bác Phong cười hỏi.
– Cái này… để bên nhà anh Hải quyết định bác ạ. – Tôi ngại ngùng đáp.
– Thôi… chồng đầu tư cho vợ thì còn phải lo gì nữa, không bàn bạc nữa, giải tán cuộc họp! – Bác Tuấn cười hà hà chốt lại một câu, tuyên bố kết thúc buổi họp.
Chiều muộn về đến nhà tôi cất dọn quần áo cho vào vali, mẹ tôi biết chuyện có chút buồn nhìn tôi nói:
– Con gái đi lấy chồng mẹ chẳng cho con được cái gì… chỉ làm con khổ thôi.
– Thôi… chuyện cũ bỏ qua đi mẹ, giờ mẹ lo chăm ba cho tốt. Thời gian tới con sẽ đưa ba sang Mỹ điều trị, lúc ấy hi vọng ba có thể tỉnh lại.
– Được rồi, con sang ở với cậu ta… mẹ lại phải xa con gái mất rồi…
Nước mắt mẹ lăn dài, tôi nhìn mà lòng chẳng gợn lên chút cảm xúc nào. Suốt thời gian mẹ tôi bỏ ba con tôi, dường như tôi giận quá hóa tan biến tình cảm bao năm rồi. Có lẽ vì bây giờ mẹ tôi cảm thấy bơ vơ khi tôi không còn ở bên bà nữa nên mới khóc lóc mà thôi.
– Mẹ yên tâm, cuối tuần con sẽ về ăn cơm với mẹ, mẹ đừng khóc nữa!
– Thằng Hải mà không tốt cứ về đây với mẹ, đừng có chịu đựng đấy con nhé!
Tôi lau nước mắt cho mẹ, kéo vali bước xuống cầu thang. Phan Đăng Hải đợi tôi dưới nhà, không ngờ anh ta bước lên giữa chừng cầu thang, đỡ lấy vali cho tôi. Tôi đi sau anh ta, ra đến xe tự nhiên lại cảm thấy sụt sùi nhìn lại ngôi nhà bao năm tôi gắn bó. Cảm giác lưu luyến là không thể tránh khỏi, sống mũi cay cay tôi chui vào trong xe.
– Ngày tôi còn bé, ngôi nhà này chỉ là một mái nhà cấp bốn, xung quanh là vườn cây um tùm, tôi ra ngoài chơi toàn bị muỗi đốt sưng hết cả người.
Tôi khẽ lau nước mắt kể lại tuổi thơ một thời với Hải. Phải đến năm tôi học cấp hai công ty của ba tôi mới có được chỗ đứng trên thị trường, khi ấy tiền thu về rất nhiều, không lâu sau nhà cũ đã đập đi để xây lên một ngôi nhà khang trang lớn nhất khu phố thời bấy giờ.
– Ngày tôi còn bé thì ở với ông bà nội, đánh nhau với bọn anh em suốt ngày. Lần nào tôi cũng thắng.
Hải nhàn nhạt khoe chiến tích. Tôi phì cười, tâm trạng cũng khá hơn một chút. Đi một đoạn, thấy biển báo siêu thị tôi liền nói:
– Chúng ta rẽ vào siêu thị kia đi, tôi mua đồ ăn về nấu bữa tối.
Cuộc sống gia đình với Phan Đăng Hải đã bắt đầu. Tôi nên dần quen thì hơn. Hải cũng dễ tính, tôi không khó lựa chọn, thường món nào tôi thích thì tôi làm, đợt nấu ăn cho Hải tôi toàn thế. Xách hai túi thức ăn Hải đặt vào cốp xe, cùng tôi trở về tổ ấm. Nơi có lửa chắc chắn sẽ là tổ ấm, ít nhất trong cái lạnh mùa đông miền Bắc này. Còn cuộc hôn nhân chớp nhoáng của tôi và Hải, tôi thực lòng chưa dám tin vào hạnh phúc.