"Nghe nói phu nhân Khanh gia đang có mang".
Một nông phụ đang còng lưng, quần xắn lên tới gối, hai chân như lúa cắm vào trong bùn nước.
Nàng vừa nói bâng quơ vừa thuận tay quẹt qua mồ hôi cho phu quân mình.
Các nông phụ khác mặt vẫn đang đối đất, miệng không khỏi nói, "khó trách không thấy nàng ở đây".
"Người sáng suốt đều biết đứa nhỏ không phải là của trượng phu nàng".
Một phụ nhân trẻ tuổi khác nghe thấy không khỏi kinh ngạc, lập tức ngoái đầu nhìn về hướng phát ra tiếng nói, trợn mắt mở miệng, "Tỷ nói bậy cái gì thế, Tô tỷ tỷ là người rất tốt".
"Khanh tú tài là kẻ yếu nhớt lắm bệnh, ngươi cũng biết hắn như thế lâu rồi.
Đại phu đã đến xem qua, nói hắn chính là không có khả năng đó, nên đời này không thể nào có con được".
Nói đến đây, các nàng gương mặt khắc khổ ngăm đen đột nhiên không khỏi giương lên khoé môi.
Số khổ nên làm gì cũng khổ, mà rồi khổ nhất vẫn lại là nữ nhân.
Khổ lâu quá, mọi chuyện xung quanh thành ra nhàm chán, dù có chuyện tốt trước mắt, trời đẹp nước trong, người vui việc vui cũng không tạo hứng khởi được; vậy nhưng có thấy nhà ai gà bay chó chạy, gia cảnh lục đục không vui, là lập tức lấy so ngay với hoàn cảnh bản thân, để thấy mình dù nghèo nhưng vẫn là tốt hơn người, nhất thời không khỏi cao hứng.
Tiếng xấu truyền hết từ nhà này đến nhà khác, đi vòng hết đám nhà tranh rồi cuối cùng cũng dừng đến căn nhà gạch.
Khanh Sinh cẩn thận đỡ dậy nương tử.
Hắn mỗi ngày đều chăm chú chăm sóc, dõi trông theo bụng nàng, lo sợ nàng không cẩn thận đập cấn vào góc bàn.
Cho dù tuổi không còn trẻ, thân thể nàng vẫn như cành liễu, tinh tế nhẹ nhàng, trông qua còn có vẻ có chút yếu đuối, so với các nông phụ cường tráng kia quả thật luôn bất đồng.
Chỉ là dạo gần đây nàng mang thai thân thể có phần nảy nở, da dẻ trắng mịn, nhưng vẫn không làm giảm đi chút sắc đẹp nào.
Nàng không chỉ xinh đẹp, tài năng thêu thùa còn khó có ai sánh bằng.
Một tấm lụa có thể được nàng thêu lên một chú cá đang bơi lượn vô cùng sống động, thật đến nổi mắt cá long lanh như đang nhìn người xem.
Chỉ vào tài thêu thùa, nàng có thể đổi ra đủ bạc lấp đầy cả phòng.
Tài sắc như vậy, nên nàng cứ như hạc giữa bầy gà, đáng lẽ ra không nên sinh trưởng tại nơi này.
Số nàng đáng ra phải là thâm khuê tiểu thư, tương lai là phải được gả cho nhà quý nhân, giàu sang sung sướng.
Thế mà nàng chỉ an phận gả cho tú tài.
Cứ như nồi nào úp vung nấy, từ gia cảnh đến sách vở.
Duy chỉ có điều khác biệt là chồng nàng nhìn thanh tú, so với các nam tử khác thì hắn trông lại ôn nhu hơn nhiều.
Khanh tú tài đời này đúng là không thể có con.
Lần hắn loã thể tắm sông bị người trong thôn nhìn thấy, mọi người đều đã biết hắn chính là không thể có khả năng này.
Chuyện hắn bị nhìn thấy là chuyện đem ra để cười, chuyện hắn lấy được vợ lại càng chọc cười người khác, vậy nên sau khi mọi người thấy được mặt tân nương tử của hắn, không ai còn có thể khi dễ hắn; mọi lời gièm pha, khi dễ cũng từ đó biến mất.
Vậy mà năm sau, khi nghe được tin vợ hắn có tin vui, mọi lời đồn thổi lại được bắt đầu, thậm chí tin đồn càng lúc càng sôi nổi, ác liệt hơn.
Khanh tú tài từ nhỏ đến lớn đã quen với việc bị đem ra làm trò đùa.
Nhưng hắn tự biết nương tử của hắn tuyệt không phải là loại người như vậy.
Thói quen chịu đựng của hắn và thanh danh của nương tử hắn bất đồng, cho nên để tránh lời không hay gây xúi quẩy, khi Tô Uyển dưỡng thai, hắn tạm ngưng việc dạy học, chỉ ở nhà trông nàng, quyết không ra khỏi cửa.
Tô Uyển vẫn cảm thấy vui, dù lời nói khó nghe bên ngoài cũng làm nàng có lúc không chịu nổi, nhưng nàng vẫn tin đây là ơn trên ban cho nàng, đứa bé trong bụng nàng nhất định là phúc tinh chuyển thể.
Khanh tú tài cũng tin như vậy.
Tiếc thay, khi đứa bé cất tiếng khóc chào đời, cũng là khi niềm hạnh phúc duy nhất của hắn ra đi.
Ngày ấy, mẫu thân nàng trải qua một ngày một đêm, dùng hết máu để sinh ra nàng.
Khi nghe được tiếng khóc của nàng, mẫu thân nàng mới rời đi.
Khanh tú tài dùng tấm vải trắng bao lấy thân hình nhỏ bé ấm áp của tiểu hài nhi mình, rồi lại dùng một tấm vải trắng khác bao lấy thân thể nương tử mình đang dần lạnh đi.
Hắn đứng đó một mình, ngơ ngác, rõ ràng là tân sinh, sao cả nhà lại che trong vải trắng thế này.
Ngày đó, thơ Đỗ Phủ đang đọc bỗng dừng lại ở câu cuối: Bờ gió lật tịch sóng, thuyền tuyết vẩy lạnh đèn.
Khanh Chu Tuyết.
Đứa nhỏ này tên đúng như người, tâm tính luôn lạnh lùng.
Hai cha con sống nương tựa vào nhau một cách yên bình.
Một người chậm rãi già đi, một người từ từ lớn lên.
Cuộc sống đạm mạc, dựa vào vài đồng kiếm được từ việc dạy học, không giàu cũng chẳng nghèo.
Vậy mà cuộc sống yên ả đó cũng không kéo dài được bao lâu.
Vài năm qua đi, đến một sáng nọ, một tiếng la hét phá vỡ bầu không khí yên bình.
"Con hoang!".
Đứng ngay cửa thôn là tiểu tử của nhà họ Vương, đứa nhỏ này nổi tiếng phách lối.
Hắn nghe nói tiểu nha đầu nhà này do mẹ nó vụng trộm mà sinh ra, nên hắn luôn xem thường, có cơ hội là lập tức buông lời khi dễ, cười cợt.
Hắn trèo lên bờ tường, tay cầm nắm bùn, ném thẳng vào chỗ tiểu cô nương đang ngồi đọc sách.
Khanh Chu Tuyết khẽ nghiêng đầu, nắm bùn bay lệch qua.
Bỗng có tiếng ngói đổ, nàng vừa liếc mắt qua, đã thấy thằng bé nhà Vương gia trượt tay ngã thẳng từ bờ tường xuống.
Vài mảnh ngói rớt theo xuống, một cái trong đó rớt ngay xuống trán giữ trán thằng bé, làm cơ thể nó giật lên một hai cái rồi bất động.
Khanh Chu Tuyết vội chạy ra xem, thấy hắn nằm trên vũng máu, nàng lập tức nhíu mày, nhất thời không biết làm sao bây giờ.
Vừa lúc cha nàng vừa dạy học xong về đến, gặp sự tình này khiến hắn vô cùng kinh hãi, tay luống cuống lên làm rơi hết những quyển sách trong tay xuống sân.
"Đây...!đây là như thế nào?".
"Hắn trượt tay, tự ngã xuống sân".
Sau đó không lâu nhà họ Vương cũng tìm tới cửa, hùng hổ mắng chửi, làm ầm ĩ huyên náo cả thôn, khiến mọi người không ai không biết đến chuyện này.
Mặc dù sau khi làm rõ, biết chuyện không liên quan đến nhà họ Khanh, nhưng Khanh gia cũng phải chi một số bạc mới qua được ải này.
Chuyện qua một thời gian, người ta cũng đã cho là tai nạn, nên dần dần cũng trôi vào quên lãng.
Nhưng Khanh Chu Tuyết cũng từ đó mơ hồ nhận ra là có chuyện không đúng với nàng.
Nàng theo cha ra chợ, lão đồ tể liền tay trơn để tuột con dao bay ngay về hướng nàng.
Con ngươi nàng khẽ co lại, mũi dao kia liền đổi hướng bay sượt qua cơ thể non mềm của nàng, cắm vào chân người đi đường gần đó.
Nàng theo cha đi dạy, chưa giảng được bao lâu, xà nhà tự nhiên ầm ầm sập xuống, cũng may là chỉ rơi xuống đập vào mấy cái bàn ghế bên dưới, nhưng cũng làm lũ trẻ rớt cả tim.
Sau điều tra ra mới thấy là do lũ kiến, mối mọt làm mòn, rỗng mấy mối gỗ, nên tính ra cũng không có liên quan gì đến nàng.
Nàng đi ra đầu thôn cạnh bờ sông nhặt rau dại, vừa đúng hôm qua mưa lớn cả ngày, hôm nay vừa tạnh; nàng vừa nhổ lên cọng rau, nước bên ngoài tràn qua luôn bờ đê, ngập hết nửa cái thôn.
Ngẫm lại, cũng là thiên tai, nên không thể nào tính lên người nàng.
Nhưng mà cứ như vậy nhiều lần, lần nào xảy ra chuyện cũng có bóng dáng nàng ở đó, nên người ta từ từ cũng để mắt đến nàng.
Họ bắt đầu chửi rủa, miệt thị nàng.
Dần dần, họ kinh sợ, tránh xa nàng.
Lớp học của cha nàng cũng không tránh khỏi điều tiếng, không lâu sau thì bị giải tán.
Khanh tú tài ngoài chuyện dạy học lại chẳng làm được việc gì, nên gia cảnh mỗi ngày một gian nan.
Hắn trước kia từng là một nho tử nhã nhặn, nhưng sinh hoạt chật vật, nghèo túng mỗi ngày khiến hắn không khỏi âu sầu, thoáng chốc trên mặt đã đầy những nếp nhăn.
"Khuê nữ".
Hắn xoa đầu Khanh Chu Tuyết, mắt không khỏi thấy hai gò má nữ nhi mình cũng gầy gò y như mình.
Hắn cố gắng nhìn mọi phía, tìm tòi hình ảnh người vợ quá cố trên nữ nhi mình, tiếc thay con bé lại không giống mẹ nhiều như hắn mong muốn.
Tô Uyển người cũng như tên, ôn hoà, đoan trang, diễm lệ, mà đứa nhỏ này dù chưa lớn lắm, nhưng đã hiện ra vẻ thanh lãnh xa cách, lạnh lùng.
Khuê nữ không giống nương tử, lại càng không giống mình, vậy thì từ đâu đưa tới? Từ khi có nàng, gia cảnh đang ấm êm lại sinh ra đủ chuyện, vợ chồng đang hạnh phúc bỗng âm dương ly biệt, rồi hắn bỗng cảm thấy sợ tuổi già của mình phải trôi qua trong sự nghèo túng.
Khanh tú tài thật ra luôn mang nỗi oán hận trong lòng.
Lần đầu tiên ôm nàng, bàn tay hắn đã run rẩy, hắn đã hận không thể bóp chết nàng.
Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt long lanh, ngây thơ của nàng, hắn bỗng nhớ tới Tô Uyển.
Trước khi chết, nàng nắm chặt tay hắn, dù nói không nên lời nhưng đôi mắt nàng vẫn tha thiết nhìn hắn.
Nàng biết nàng không qua khỏi, đôi mắt nàng ươn ướt, run rẩy, nhìn hắn trân trối, như đang cầu xin hắn điều gì.
Một người mới vừa sinh con xong, còn có thể cầu xin điều gì? Còn có điều gì để tiếc nuối?
Không cần nàng phải nói ra, Khanh Sinh cũng đã hiểu.
"Người ta nói, cây dời chỗ thì sẽ chết, người chuyển nơi thì sẽ sống".
Khanh tú tài đôi mắt nhiễm đỏ, nhẹ nhàng xoa đầu nàng.
"Con ở chỗ này cũng không tốt lắm.
Cha biết có một nơi gọi là Thái Sơn Cảnh, nghe nói người ta đến đó để tu tiên...!Chúng ta đi tìm tiên nhân, cho họ xem số mệnh giúp con, biết đâu lại tốt?"
"Vâng".
Dù tuổi còn nhỏ, nhưng nàng đã rất hiểu chuyện.
Khi nghe cha nói, nàng chỉ nhếch môi, nhẹ gật đầu trả lời.
Cứ như thế, Khanh tú tài bán hết gia sản, thuê một chiếc xe ngựa nhỏ, chỉ như vậy hai cha con lên đường.
Đường dài, gió thổi, mưa tạt, không biết đi qua bao lâu, hai cha con chỉ đi theo một hướng.
Cuối cùng đến giữa trưa một ngày nọ, khi sương mù tản ra, hai người mới lần đầu nhìn thấy được một ngọn núi thật hùng vĩ.
Hai cha con dừng chân tại một tiểu trấn gần Thái Sơn Cảnh.
Cái trấn nhỏ này thật đúng là cáo mượn oai hùm, đầu trấn khắc rõ to ba chữ 'Thái Sơn Cảnh' trên phiến đá.
Bất quá thì nó cũng đúng là trấn duy nhất toạ lạc bên dưới tiên sơn, nên cũng tạm cho là trấn của Thái Sơn Cảnh đi.
Khanh tú tài dẫn khuê nữ đến tửu lâu, mang theo số ngân lượng ít ỏi còn lại mà ăn một bữa cơm thật ngon.
Ăn xong thì hắn dẫn nàng đến tiệm may, đo đạc cẩn thận rồi may cho nàng vài bộ đồ mới.
Trả tiền xong thì hắn cũng tán tịnh gia sản.
"Cha".
Tiểu cô nương sờ đến chất vải của bộ quần áo mới của mình, cảm thấy vải này không phải vải thường.
"Hôm nay là ăn Tết sao?"
Vốn dĩ chỉ khi Tết đến cha nàng mới may quần áo mới cho nàng, nên khi được mang trên người quần áo mới, nàng bỗng nghĩ ngay đến thông lệ này.
"Không, cũng còn lâu mới đến Tết".
Khanh tú tài lắc đầu, mỉm cười.
"Cũng không biết những tiên gia kia có suy xét qua diện mạo hay không, chuẩn bị tốt thể diện bên ngoài cũng không có gì là không tốt.
Nếu có người coi trọng dung mạo thanh tú của Khanh nhi, muốn nhận con làm đồ đệ...!vậy con có muốn theo hay không?"
Khanh Chu Tuyết đôi mắt lộ vẻ trầm tư, không lâu sau trả lời, "Con đi.
Con lưu lại bên cạnh cha, không sớm thì muộn sẽ hại đến người."
"Hại thì hại đi." Phụ thân nàng có vẻ không bận tâm lắm, trên môi vẫn giữ nụ cười, nói, "Cha cùng nương con cuối cùng cũng có thể được đoàn tụ, chỉ có điều nàng sẽ trách ta không lo cho con được tốt".
Ngày thứ hai lên núi thời tiết lại tốt, ánh nắng tươi sáng bao phủ khắp nơi, tạo cảm giác an toàn làm yên lòng người.
Khanh Sinh nhìn trời, cảm thấy yên tâm, mới bắt đầu dẫn khuê nữ cẩn thận lên núi.
Đoạn đầu tiên, hết thảy an toàn.
Đoạn thứ hai, trời trong gió nhẹ.
Đoạn kế tiếp cũng không có chỗ nào đáng lưu tâm.
"Trước kia luôn dưỡng con trong nhà, cũng ít có cơ hội tiếp xúc với người khác." Cha nàng vừa nắm tay nàng vừa nói, "Chốc nữa có thấy ai, vô luận họ như thế nào, con cũng vẫn phải giữ lễ nghi, giao tiếp với người khác phải rộng rãi, thì mới không bị người ta xem thường, biết không."
"Mua cho con y phục cũng không ít, con phải cẩn thận thay giặt, con lớn rồi, phải biết lo cho bản thân thật tốt."
"Ăn uống cũng phải xem trọng hơn...!Bất quả nơi này là tiên cảnh, chắc là cũng không so với nơi chúng ta ở được."
Khanh Chu Tuyết cảm thấy phụ thân mình bắt đầu có chút lải nhải, làm nàng mơ hồ dự cảm cha đem mình đến đây cũng không đơn thuần là muốn cho nàng được xem mệnh, cứ như cha đang có ý phó thác nàng.
Với sức lực của một thư sinh yếu đuối như hắn, nuôi nàng lớn đến thế này thật sự là một sự nỗ lực vô cùng, vất vả vô cùng.
Có lẽ, thay người bảo hộ nàng, mới là tốt nhất cho Khanh Chu Tuyết.
Đường lên Thái Sơn Cảnh có 999 bậc.
Khanh Chu Tuyết cúi đầu nhìn, chuyên tâm đếm lấy bậc thang.
Nàng nhớ rất kĩ bậc thứ 723.
Rất nhiều năm về sau, nàng vẫn không quên con số này.
Ngay tại thời điểm nàng bước lên bậc 723, trên núi bỗng rơi xuống một đạo đá lăn.
Có năm người, lớn có nhỏ có, nhìn qua như một ngọn núi nhỏ, lăn lộn mang theo đầy bụi bặm lao thẳng về phía nàng.
Tiếng gió rít gào, nàng vô thức nhắm mắt lại, bỗng nhiên cảm thấy cơ thể nhỏ bé của mình bị đẩy về một hướng, làm nàng té nhào, lăn xa vài vòng.
Đầu óc nàng choáng váng, trán nàng đập nhẹ vào hòn đá, cơ thể cũng bị rách da vài chỗ.
Nàng bỗng ngửi thấy mùi máu tươi.
Khanh Chu Tuyết nhịn đau, cố gắng mở to mắt, cố gắng nhìn vào trong lớp bụi mù mịt, nhưng nàng không còn thấy hòn đá đó, cũng không thấy cha của mình ở đây.
Trên mặt đất chỉ còn lại một chiếc giày cũ rách, nằm đó một cách lẻ loi, ngay cả vết máu cũng không lưu lại.
Khanh Chu Tuyết loạng choạng đứng dậy, chậm rãi đi đến bên thềm đá, nhìn xuống phía dưới sâu vạn trượng.
Không lâu sau một tiếng vang thật lớn làm nàng chấn động, tê cả da đầu.
Thiên hạ rộng lớn thế này.
Đột nhiên, chỉ còn lại một mình nàng..