(Siller Hook không nói gì, chỉ nhìn đăm đăm vào họng súng đang chĩa thẳng vào đầu mình, qua một lớp kính ô tô không hề có chức năng chống đạn.)
...
Ánh sáng chiếu qua ô cửa kính làm bà Lâm chậm rãi mở mắt ra. Bình minh sau cơn mưa thường rực rỡ và tươi sáng hơn những buổi bình minh khác.
Tiếng ồn ào ngoài phòng khách giục bà Lâm chỉnh lại bộ đồ ngủ màu vàng nhàu nhụa. Vào giờ này mọi khi, ông chồng yêu quý của bà đã yên vị tại xưởng mộc mới với một cốc cà phê to bổ chảng trên tay.
–Bác gái! –Phong gật đầu chào nhẹ.
–Cháu về nhà hả, Phong?
–Nó nói đến là đến, đòi về là về bằng được. –Lâm Vũ chen vào.
Phong đẩy đĩa bánh sang bên cạnh, nhìn hai mẹ con nhà họ:
–Mấy ngày qua cháu đã làm phiền gia đình nhiều. Bác gửi lời chào tạm biệt bác trai giùm cháu.
Rõ ràng bà Lâm muốn giữ Phong ở lại vì chỉ có anh là người thường xuyên khen ngợi tài nấu ăn của bà. Nhưng hình như Lâm Vũ có ý tứ gì đấy, không vồn vã giữ Phong lại như mọi khi nên bà cũng không miễn cưỡng.
Cuộc chia tay diễn ra chóng vánh. Khi chiếc xe bán tải từ từ lăn bánh qua cổng, Phong quay lại:
–Chào bác Lâm, cháu sẽ rất nhớ món cua rang muối của bác.
Lâm Vũ hớn hở vẫy tay chào cho tới khi chiếc xe bẻ lái rẽ sang hướng khác. Nhưng khi anh ta quay lại và bắt gặp vẻ mặt của mẹ mình thì nụ cười ấy biến mất nhanh như khi nó xuất hiện.
–Mẹ sao vậy? –anh ta nhăn nhó.
–Mẹ phải hỏi con câu ấy mới đúng, cái thằng Phong, nó bị làm sao thế?
–Mẹ tiếc mấy đĩa cua à?
–Nghiêm túc đi! Sao Phong lại sang ở nhờ nhà chúng ta lâu vậy?
Lâm Vũ thôi nhăn nhó.
–Nó có chuyện buồn, mẹ thừa hiểu lão bợm rượu Caphoo rồi còn gì.
Vẻ mặt của bà Họ Lâm rõ ràng là đang đặt một dấu hỏi chấm to đùng.
–Con cũng chẳng hiểu nổi nó. Cái thằng ấy khi thì yếu ớt như con gái, khi thì mạnh mẽ đến lạ. Ai mà biết nó đang nghĩ gì. Con chỉ sợ…
–Sợ gì?
–Phong hay hướng suy nghĩ của mình theo hướng tiêu cực. Tuổi thơ không êm đềm bên những trận đòn roi của ông bố đã tiêm nhiễm vào đầu óc nó những suy nghĩ gì, có trời mới biết. Nó lại là con người sống nội tâm và suốt ngày chỉ quanh quẩn bên con bé câm Gia Nhi. Con đã cố làm nó vui mà không hiệu quả. Chẳng biết…Lần này lão Mạc Căn lại quá đà nữa.
Lâm Vũ ngập ngừng bỏ dở câu nói. Hai mẹ con họ, dù không ai nói ra, nhưng họ đều cảm thấy bất an trong lòng.
…
Người ta đã chuyển sáu gã thanh niên bị bất tỉnh ở bốt điện thoại công cộng đến bệnh viện. Đây rõ ràng là việc kì quặc nhất đối với huyện Lạc Dương vốn không quen náo động này.
…
Về nhà, tức là phải mang theo một câu trả lời! Đáng lẽ quyết định hôm qua đã là một câu trả lời mà Phong chọn. Nhưng một con người bị lạc trong sa mạc thì cảm thấy hướng nào cũng dẫn tới nguồn nước, đồng thời luôn nơm nớp lo sợ mình sẽ chết khô dưới ánh nắng của tử thần. Với những kẻ đã mất phương hướng thì mọi sự lựa chọn đều khó khăn như nhau. “Mày đâu phải kẻ có thể thay đổi cả thế giới”, có ít nhất hai người đã nói với anh như thế. Và Phong bắt đầu hoài nghi chính bản thân mình.
…
Siller Hook cẩn thận nhìn trước sau rồi mới ngồi vào ghế lái. Cả đoạn đường vắng này chỉ có chiếc BMW của ông ta. Do mải chú mục vào một bài báo, ông ta hoàn toàn không để ý đến một bóng người đang tiến lại gần. Người này cao lớn, trùm áo mưa kín đầu, kín đáo áp sát đuôi chiếc xe. Khi Siller Hook ngẩng đầu lên, lập tức ông ta hiểu chuyện gì đang xảy ra. Người trùm áo mưa từ từ giơ tay lên trước khi Hook kịp thò tay vào trong lớp áo choàng.
–Siller Hook. –người kia nói. –Lạc Dương này chứa được ông sao?
Siller Hook không nói gì, chỉ nhìn đăm đăm vào họng súng đang chĩa thẳng vào đầu mình, qua một lớp kính ô tô không hề có chức năng chống đạn.
…
Đến ba giờ chiều hôm ấy, Phong mới về đến nhà.
Bà Việt Hà vẫn choàng chiếc khăn len màu xám tro như thường lệ, ngồi trước hiên nhà. Trông bà tiều tụy đến tội nghiệp. Đôi môi bà tím tái vì rét, thỉnh thoảng lại run lên từng hồi.
–Mẹ! –Phong gọi. Tâm trí vốn rối bời của anh càng thêm chua xót khi nhìn thấy bộ dạng của mẹ mình.
Như một chốn tối tăm nhận được ánh sáng của Chúa trời, đôi mắt bà Việt Hà rực sáng. Phong của bà rồi đã trở về. Vết bầm dập ở hông do cây côn đập vào hôm qua giờ trở nên dễ chịu biết chừng nào.
–Mẹ! –tiếng gọi lại càng da diết hơn.
Bà Việt Hà giơ tay lên, và không chút ngần ngại cho Phong một cái bạt tai.
Gì thế này? Việt Hà, sao mi lại tát con mình chứ? Đây đâu phải là việc mi muốn làm sau sáu ngày vò võ chờ đợi. Nó vừa cất tiếng gọi mi là mẹ mà.
Còn Phong, anh không hề thấy đau, anh xoa xoa bên má và cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
–Phong, đừng trách mẹ. –bà Việt Hà ôm chầm lấy anh.
–Mẹ, con là thằng con tồi tệ, là thằng con đáng nguyền rủa. Mẹ đã vì con mà chịu khổ nhiều rồi.
–Đừng nói nữa, Phong…
–Bố không thể đem lại hạnh phúc ẹ. Nhưng mẹ còn có con. Con sẽ luôn ở bên mẹ, bảo vệ mẹ.
Bà Việt Hà buông tay ra. Vậy là điều bà lo sợ đã xảy đến. Cuối cùng Phong đã bị khuất phục.
–Con nói nhảm nhí gì thế? Mẹ không cho phép con từ bỏ những gì con muốn có và con biết cách để có. Mẹ không muốn con vì mẹ mà…mà phải hối tiếc.
–Con đã nghĩ kĩ rồi, không theo học đại học nữa cũng không sao, người dân quanh đây ai cũng thế. Bố nói đúng, chỉ cần con đi làm, cưới vợ và sinh cho bố mẹ những đứa cháu. Mấy bác ở xí nghiệp xây dựng chắc vẫn còn nhớ con, mai con sẽ trở lại đó.
Bà Việt Hà không biết nên nói như thế nào để khuyên Phong hãy từ bỏ cái ý định ngu ngốc ấy.
–Con hiểu, mẹ sợ bố. –Phong gượng cười, gắt lời mẹ mình. –Con hiểu mà, mẹ cũng rất yêu con. Tất cả mọi chuyện con đều hiểu. Quyết định như vậy đi mẹ.
–Tự bản thân con có chấp nhận điều ấy không? Con có cho phép mình bỏ dở như vậy không?
Một cơn gió thoảng qua làm những cánh hoa mimosa mỏng manh rung rinh. Phong nhìn một lượt khắp căn nhà:
–Rồi sẽ ổn thôi mẹ ạ. Ngày hôm nay với con đã khủng khiếp lắm rồi.
Câu cuối cùng anh cố nói thật nhỏ. Bà Việt Hà ngồi xuống, vết bầm ở lưng lại đau nhức.
–Bố đâu rồi hả mẹ?
–Chỉ có những cơn mưa mới có thể kìm chân bố con thôi. Lão ta lè nhè từ sáng và lại đi đâu mất tiêu. Phong, con…con có hận bố con không?
Phong ngước nhìn lên trời cao, nói mà không hề chớp mắt:
–Dù gì thì ông ta cũng vẫn là bố con.
–Chị Việt Hà, cả Phong nữa! Mấy hôm nay cậu đi đâu vậy?
Cả hai mẹ con giật mình quay lại. Cô Hoàng Yến tươi tắn trong bộ đầm màu nâu, chiếc túi xách màu đỏ vắt vẻo trên vai. Cô đang vẫy tay qua hàng rào:
–Siêu thị đang giảm giá, bịch thịt bò này em mua chỉ với gá một nửa. Chị Việt Hà, cầm lấy này, mình em không thể ăn hết hai kí thịt bò được. Chị Việt Hà!
Cô Hoàng Yến bắt đầu nói lớn khi thấy cả hai người hàng xóm không có dấu hiệu hưởng ứng.
–À ừ…–bà Việt Hà lúng túng. –Mọi ngày cô đâu có ghé qua siêu thị vào giờ này?
–Không, em ra bệnh viện khám định kì, tiện thể ghé qua bưu điện mua vài cuốn tạp chí. Tối nay em ăn tối cùng nhà chị được không?
Thấy vẻ mặt bâng khuâng, đầy tâm sự của bà Việt Hà, cô Hoàng Yến mới hạ giọng:
–Dạo này Phong còn chở cát thuê nữa không?
–Sao cô lại hỏi vậy?
–Em định nhắc Phong, nếu nó còn làm ở đó thì chốc cũng đừng chạy xe qua đó. Cái xe bán tải to đùng của nó không thoát khỏi đám tắc đường đâu.
Bà Việt Hà đứng dậy:
–Khu đường ấy mà cũng tắc?
–Bình thường thì không, nhưng hôm nay xe cảnh sát đông lắm.
Chị chưa nghe tin gì sao?
Bà Việt Hà lắc đầu, hôm nay chẳng có gì quan trọng hơn sự trở về của Phong.
–Có người bị giết ở ven đường, hình như là do xe đâm, cũng có người bảo là do bị bắn. Lần đầu tiên ở Lạc Dương đó. Nói chung là rối rắm lắm!
Sau đó, cô Hoàng Yến còn kể lể huyên thuyên một hồi lâu. Ở trên gác, Phong kéo lớp rèm ra và chăm chú lắng nghe cuộc trò chuyện dưới nhà. Lần đầu tiên sau cả tuần u ám, anh khẽ mỉm cười.
Huỳnh Nguyễn Thanh Phong không phải người để ý chí trong túi áo.
…
10 tháng sau
.Lạc Dương, mùa thu năm 2003
.Trước cổng gia đình Phong không còn bóng dáng chiếc xe bán tải chở vật liệu xây dựng. Nó đã theo chân người ta ra bãi phế thải gần một năm, kể từ ngày Phong đi làm xa ở Hà Nội. Ngôi nhà xập xệ của lão Mạc Căn đã được sơn lại, màu xanh kem có vẻ hợp với nó hơn. Những chiếc rèm cửa nhàu cũ cũng được đã được thay mới. Đồ đạc trong nhà cũng thay đổi, tiện nghi hơn khá nhiều. Tất cả những thứ ấy có được là nhờ vào tiền lương của Phong gửi về đều đặn hàng tháng trong gần một năm qua. Sau buổi chiều của mười tháng trước, Phong đã quyết định rằng mình sẽ đi làm xa, kiếm một công việc ổn định thay vì chở cát thuê và chạy bàn như trước kia. Anh đã thực sự từ bỏ ước mơ học tiếp trường đào tạo sĩ quan cảnh sát để bắt đầu con đường mưu sinh kiếm tiền. Điều này thực sự khiến lão Mạc Căn rất phấn khởi. Lão không còn phải tốn nước bọt và nắm đấm để giáo dục thằng con mình. Thành công này khiến lão ta thực sự hài lòng về trí khôn, sự kiên trì và về cái uy quyền mà nhiều khi lão tưởng nó đã bị lung lay. Giờ Phong đã ngan ngoãn đi làm. Còn mụ vợ lão mà dám ho he phản đối là lão thề sẽ không tiếc vài cú đấm ngay.
Điều chắc chắn nhất của Mạc Căn là tháng nào Phong cũng đều đặn gửi tiền về cho lão. Nhờ Chúa ban lòng lành và chắc nhờ lão ăn ở tử tế nên mới có đứa con hiếu thảo như vậy. Nhiều lúc, Mạc Căn ngồi nghĩ ngợi và rung đùi đắc ý.
Nhưng điều duy nhất làm lão thắc mắc là tại sao Phong phải lặn lội làm việc ở tận Hà Nội? Khắp cả Lâm Đồng không có nổi một công việc phù hợp cho nó sao? Mà Phong đâu có chứng chỉ y nào đâu để xin vào làm việc trong bệnh viện? Suốt thời gian bôn ba xứ người, mỗi lần Phong gọi điện về, lão đều nghe thấy tiếng lách cách rợn người của đồ mổ, tiếng bác sĩ gọi nhau, tiếng bệnh nhân gào khóc trong đau đớn. Rõ ràng Phong đang làm việc trong một bệnh viện ở Hà Nội. Công việc là thật. Tiền lương gửi về là thật. Nhưng vợ chồng lão đều không biết cái bệnh biện ấy tên là gì, gần một năm qua con trai mình sống ra sao, nó đã có bạn gái chưa? Nhiều lúc, lão nghĩ hay là Phong trách mình, nó không thèm nhìn mặt mình? Nó còn bảo bố mẹ đừng đến Hà Nội thăm nó nữa. Mạc Căn thật sự không thể kiểm soát nổi thằng con trai mình.
Mà thôi…lão ta vặn nhỏ volum lại, nhắm mắt, mơ màng
…
Chuông nhà thờ ngân một hồi dài, tiếng chuông không làm cô gái đang lau cửa kính giật mình. Từ rất lâu rồi, dường như những cảm xúc không còn hiện diện rõ rệt trên gương mặt u buồn của cô gái ấy. Lúc nào cũng thế, cô không khóc, không cười, chỉ lẳng lặng nghĩ về một bóng hình mờ nhạt. Một người đàn ông tóc hoa râm, mặc bộ áo chùng cũ nhẹ nhàng đến sau lưng cô gái. Ánh mắt ông toát lên cái nhìn hiền từ đầy thiện cảm.
–Gia Nhi à, con nghỉ tay chút đi, ta xem chừng con đã thấm mệt rồi.
Nghe thấy giọng nói trầm ấm của cha xứ Francisco Minh Đạo, Gia Nhi buông tay xuống. Cô quay lưng lại rồi làm một cử chỉ cúi chào rất lễ phép.
–Ngồi xuống đây con!
Gia Nhi xua xua tay, cô ra dấu rằng: “con chưa mệt, con sẽ lau hết phòng nguyện này trong buổi sáng nay”.
–Con lúc nào cũng vậy. –Cha Francisco Minh Đạo lắc đầu.
Đoán được suy nghĩ của cha Francisco Minh Đạo, Gia Nhi ngồi xuống cạnh chỗ ông, đưa tay che miệng và hung hắng ho.
–Con là đứa con ngoan và tội nghiệp của Chúa. Chúa nhân từ sẽ rất đau lòng khi thấy con dành cả tuổi thanh xuân của mình để ở bên Ngài. Lạy Chúa cứu rỗi linh hồn con. –Cha Francisco Minh Đạo vừa nói vừa làm dấu thánh. –Con hãy ngồi đây, trò chuyện cùng ta và kiên nhẫn nghe những lời lẩn thẩn của ta, được không con?
Gia Nhi nhẹ nhàng gật đầu, cô đưa tay lên không trung: “Chúa chưa lấy đi sự minh mẫn của cha, con rất sẵn lòng nghe cha nói.”
–Cám ơn con! –cha Francisco Minh Đạo nhìn quanh –con có biết nhà thờ này được xây dựng từ khi nào không?
Trong trí nhớ của Gia Nhi, chưa lần nào cha Francisco Minh Đạo nhắc tới chuyện này. Cô suy nghĩ một hồi lâu rồi mới lắc đầu.
–Nó gấp đôi tuổi ta. So với những gì thuộc về Chúa thì như thế còn quá trẻ. Chỉ có chúng ta, những con người trần tục mới già đi một cách nhanh chóng. Năm nay con…
Gia Nhi vội vàng đưa hai bàn tay lên.
–Ờ phải, ta quên mất, năm nay con đã mười tám tuổi. Ở độ tuổi này, duy chỉ có mình con còn hay đến đây vào mỗi buổi sáng. Con đã trưởng thành, nhưng con không sống như bao người thiếu nữ khác.
Gia Nhi không lấy làm phiền lòng khi ông nói vậy, cô hiểu trái tim của con người đang ngồi cùng mình. “Con cũng không hiểu nữa. Con chỉ thích nghe tiếng chuông nhà thờ và nguyện ngắm vào mỗi buổi chiều”.
–Gia Nhi, ta là người đã ở bên con mười ba năm trước, vào cái ngày mà bố mẹ con mất ấy. Ta xin lỗi, nhưng quá khứ không phải là cái gì đó mà con người ta có thể lẩn tránh mãi được. Nếu con không tự dẹp bỏ những mặc cảm trong lòng thì con sẽ…Con hiểu ý ta rồi chứ?
Cha Francisco Minh Đạo vuốt nhẹ mái tóc của cô khi cô gật đầu. “Nhưng con không biết cách làm điều đó”
–Con CHƯA biết cách. –Vị mục sư nhấn mạnh. –Con đã gói cuộc đời và tâm trạng của mình lại quá lâu.
Con dành thời gian cho chúng ta nhiều hơn cho con. Vì thế con đã tự tách biệt mình với thế giới.
Lần đầu tiên nhưng ý tưởng này hình thành trong đầu Gia Nhi. Cô mạnh dạn nhìn vào ánh mắt của cha Francisco Minh Đạo và thắc mắc vì sao nó lại có khả năng nhìn thấu mọi chuyện đến như vậy.
–Con đang chờ đợi ai đó trở về phải không?
Lần này cô lắc đầu lúng túng.
–Đừng cố gắng giấu ta!
Người con chờ là Phong. Con đã yêu Huỳnh Nguyễn Thanh Phong rồi.
“Con mang ơn anh ấy.”
–Ơn nghĩa không phải lúc nào làm nên tình yêu, con ạ. Ta rất vui vì con có một người đáng tin cậy để yêu thương.
“Con đã chờ anh ấy được một năm. Một năm, anh ấy không hề trở về, cũng không ai biết anh ấy sống ra sao, kể cả cha mẹ anh ấy”.
–Tuổi trẻ các con thường thích giữ ình những bí mật. Một năm, kể ra thì cũng khá lâu. Nhưng sao có những lúc con lại lảng tránh Phong? Cậu ấy có kể lại cho ta nghe chuyện đó, đó là một sự khó xử không đáng có.
Im lặng.
–Ta đã nói những suy nghĩ của con rất phức tạp mà. –Cha Francisco Minh Đạo thở dài, dõi theo ba người vừa đi vào nhà thờ.
“Con không muốn anh ấy quá quan tâm tới con. Con chỉ là hòn đá cản đường anh ấy”, cô ngập ngừng ra hiệu.
–Chỉ vậy thôi sao? Nếu vậy thì con thật ngốc! Con nghĩ Phong là người như thế nào? Cậu ta là chàng trai tử tế nhất mà ta từng biết.
Một đàn chim sà xuống gác mái nhà thờ và rúc lên một hồi.
–Con đừng để ý những gì ông già lẩm cẩm này nói. Những ý nghĩ của ta sẽ không hợp với các con.
Gia Nhi vội giơ tay lên: “Không, thưa cha. Cha đã khai sáng cho con nhiều điều”.
–Đức Chúa mới là người khai sáng cho con.
Gia Nhi trở lên tập trung hơn. Cô nghiêng nghiêng mái đầu, hai mắt sáng long lanh, làn môi khẽ mấp máy. Dường như đây là khoảnh khắc cô quên mất rằng mình không thể nói được.
–Con biết không, ta luôn coi con và Phong như con mình. Con thì đã như vậy, Phong lại sinh ra trong một gia đình bất hạnh. Quả thật đức Chúa chưa ưu ái hai con. Không hiểu sao ta luôn có một dự cảm không lành, nói đúng hơn đó là một linh tính, rằng Phong sẽ không trở về nữa.
Gia Nhi huơ huơ tay: “Anh ấy không đi lâu quá đâu. Anh ấy không thể bỏ mặc mẹ mình mà đi như thế được”.
–Cũng có thể. –Cha Francisco Minh Đạo gật gù. –Nhưng Chúa luôn báo hiệu trong những giấc mơ của ta rằng Phong sẽ ra đi, trong một ngày rất gần đây. Phong vẫy tay chào ta, gửi cho ta một thiên thần hộ mệnh…Nhưng không hiểu…thật là khó hiểu…ta không biết phải nói thế nào…
Sau đó, ông đủng đỉnh bước ra vườn sau, miệng lẩm bẩm giai điệu một bài thánh ca nào đó. Gia Nhi còn ngồi lúc nữa rồi cũng ra về.
Thấy bóng người, đàn bồ câu vội cất cánh bay đi. Trước cổng nhà thờ vắng người đến lạ. Những lời nói của cha Francisco Minh Đạo cứ đeo đẳng mãi trong cô.
Con đang nhớ Phong, người con yêu là Huỳnh Nguyễn Thanh Phong…Con nghĩ Phong là người như thế nào?
Rời khỏi nhà thờ, cô gặp bà Việt Hà.
–Gia Nhi, cháu biết tin gì không?
Hôm nay Phong sẽ trở về.
Gia Nhi hoàn hoàn bất ngờ. Cô chỉ chắc chắn một điều…những giấc mộng của cha Francisco Minh Đạo đã sai hoàn toàn.