Bí Thư Tỉnh Ủy

Buổi sáng. Ông Kim và ông Côn đang ngồi trao đổi những điểm chưa ổn trong Nghị quyết thì ông Ẩn đi vào.

- Hai anh còn làm việc à? – Ông Ẩn hỏi.

- Họp hành gì đâu – Ông Kim đáp – Hai anh em ngồi nói chuyện phiếm với nhau thôi.

Ông Côn đứng lên kéo ghế mời ông Ẩn ngồi. Ông Ẩn giành lấy:

- Anh cứ để mặc tôi.

Ông Ẩn đỡ chiếc ghế trong tay ông Côn rồi ngồi xuống.

Ông Ẩn hết nhìn ông Kim lại quay sang nhìn ông Côn:

- Đôi lúc tôi hình dung hai ông giống như Lưu Bị và Khổng Minh trong truyện Tam Quốc.

Ông Côn cười:

- Tôi chỉ là tiểu đồng theo hầu điếu đóm cho anh Kim thôi chứ sánh thế nào được với Khổng Minh.

- Nhìn dáng vóc thư sinh và kiến thức của ông, không thể ví ông với chú tiểu đồng cắp tráp được.

Ông Kim nói nhẹ nhàng:

- Lưu Bị với Khổng Minh thì không dám ví, nhưng đúng tay Côn là một phần cơ thể và trí tuệ của tôi đấy anh ạ. Có hắn bên cạnh, tôi càng vững tin khi đi đến quyết định một vấn đề gì đó có tính sách lược đối với tỉnh Phước Vĩnh.

- Trong công tác mà gặp được một người cộng sự hiểu mình thì không gì vui bằng.

- Tôi thấy anh và anh Sắc cũng tâm đầu ý hợp đấy chứ?

- Đúng là chúng tôi rất hiểu nhau trong công việc. Rất tiếc là chúng tôi sắp phải xa nhau.

Ông Kim phần nào đó đoán ra chuyện gì đã đến với Ẩn:

- Anh bị triệu về Hà Nội à?

- Dự đoán của tôi hoàn toàn chính xác. Anh Trung Chính cho điều tôi về Hà Nội và cử người khác lên thay.

Ông Kim và ông Côn không hẹn mà hai người lặng đi. Một cái gì đó hẫng hụt trong lòng hai người. Lát sau ông Kim nói giọng buồn buồn:

- Như vậy chúng tôi mất đi một người cấp trên đáng kính và là người bạn rất hiểu hai anh em chúng tôi. Cũng may là còn anh Sắc ở lại.

- Anh Sắc là con người rất tốt, nhìn mọi vấn đề rất thực tế và sâu.

Ông Kim đồng ý với câu nói của ông Ẩn và nói thêm:

- Tiếp xúc với anh ấy nhiều lần tôi biết. Phong thái làm việc cũng như nói năng đều toát lên vẻ đằm thắm, sâu sắc và chen vào một chút hài hước của con người xứ Huế. Anh có biết ai lên thay anh không?

- Tôi không biết ai sẽ thay tôi. Nhưng chắc chắn đó là một con người cứng rắn trong việc bảo vệ các nguyên tắc. Rồi đây thế nào các anh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm cách thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc của cơ chế hiện nay.

- Lần trước tôi có nói với anh, tôi đã cưỡi lên lưng ngựa và thúc chân vào hông nó, ra hiệu cho nó phi rồi. Nó ngã, tôi ngã, nó chết tôi chết chứ không khi nào tôi buông dây cương. Tuy bản dự thảo mới đưa xuống cơ sở để lấy ý kiến thăm dò thôi chứ chưa thành Nghị quyết chính thức mà đã có trên năm mươi Hợp tác xã đang thực hiện phương thức khoán mới. Nếu tính hơn tám trăm Hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh tôi thì đó là con số rất nhỏ, chưa được mười phần trăm. Nhưng sắp tới đây nếu chúng tôi ra được một Nghị quyết về quản lí lao động nông nghiệp trong các Hợp tác xã, nông dân toàn tỉnh tôi sẽ hưởng ứng rầm rộ, tôi đố ai ngăn nổi.

Ông Ẩn cười có ý châm chọc ông Kim:

- Ngựa của anh không phải là con ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương nên chỉ cần một cái gậy bằng gỗ cũng có thể làm cho nó què chân.

Ông Kim nói dứt khoát:

- Khi chân lí thuộc về dân thì chẳng ai thắng được dân đâu anh ạ. Tôi lúc nào cũng tâm niệm một điều: Dám làm và dám chịu trách nhiệm. Làm gì cũng sợ sai thì cuối cùng chẳng làm được gì hết. Anh bảo tôi nói vậy có đúng không?

Ông Ẩn nói chậm rãi:

- Thực tình mà nói tôi rất quý các anh, đồng thời tôi cũng rất lo cho các anh. Việc các anh làm xuất phát từ cái tâm đối với dân, với Đảng. Nhưng… biết nói thế nào nhỉ? – Ông Ẩn dừng lại suy nghĩ giây lát rồi nói tiếp – Có thể nói như thế này. Cơ chế hiện nay giống như một tảng đá lớn đang nằm ì trên đường các anh đang đi. Các anh định nghiêng vai bẩy nó ra một bên đường cho đỡ vướng. Từ đây diễn ra hai khả năng. Thứ nhất là hòn đá sẽ lăn ra bên đường nhường chỗ cho các anh đi. Khả năng này rất khó xảy ra bởi các anh còn lẻ loi quá. Khả năng thứ hai là các anh sẽ bị hòn đá đè cho sứt đầu mẻ trán. Khả năng này có vẻ dễ xảy ra hơn. Tôi nói lo cho các anh chính là chỗ đó.

Ông Ẩn thấy ông Kim cầm cái điếu cày đứng lên định đi ra ngoài liền bảo:

- Anh cứ ngồi trong phòng mà hút, tôi quen với khói thuốc lá rồi.

Ông Côn biết ông Ẩn chưa biết thói quen của ông Kim nên nói:

- Không phải anh Kim sợ anh không chịu khói thuốc mà anh ấy có thói quen mỗi khi có chuyện gì đó cần suy nghĩ là ngồi một mình rít thuốc lào.

- Có phải câu nói của mình vừa rồi làm anh Kim thất vọng không?

- Không đâu. Anh Kim rất tin vào việc làm của mình. Có lẽ anh ấy suy nghĩ đôi chút rồi đâu sẽ vào đó cả thôi.

Ông Kim trở vào không nhắc lại chuyện cũ mà hỏi ông Ẩn:

- Anh khi nào thì về Hà Nội?

Ông Ẩn đáp:

- Tôi phải bàn giao tình hình cho người lên thay xong mới về được. Khó khăn nhất đối với tôi bây giờ là phải báo cáo những gì các anh đã và đang làm.

Ông Kim nói để ông Ẩn yên tâm:

- Anh đừng ngại. Chúng tôi hiểu anh mà.

- Không phải tôi sợ các anh hiểu lầm tôi mà chỉ sợ các anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như gặp phải người thay tôi là một người rất trọng nguyên tắc, trong khi có một số việc làm của các anh lại vượt qua các nguyên tắc.

Ông Kim đột ngột hỏi ông Ẩn:

- Theo anh thì ai sẽ là người lên thay anh?

- Tôi không biết, nhưng có nhiều khả năng là anh Đỗ sẽ thay tôi, vì anh ấy cũng là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng và phó Ban nông nghiệp Trung ương.

Ông Kim ngồi im lặng, sau đó nói:

- Anh Đỗ một thời ở cùng với tôi nên tôi rất hiểu con người này. Một người hãnh tiến và hám danh.

Ông Ẩn tỏ vẻ tán thành:

- Anh nhận xét rất chính xác bản chất của ông Đỗ. Tôi cũng định nói với các anh nhưng sợ các anh nghĩ tôi nói xấu bạn bè đồng nghiệp sau lưng nên tôi không nói. Tôi nghĩ các anh sẽ gặp rất nhiều rắc rối với con người này.

Ông Kim buông ra một câu như dao chém vào thớt:

- Việc gì đến nó vẫn đến. Chẳng ai ngăn cản được chúng tôi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui