Bí Thư Tỉnh Ủy

Sâm sẩm tối, ông Kim đi thơ thẩn trên những con đường rợp bóng cây trong khuôn viên cơ quan tỉnh ủy. Tâm trạng ông hôm nay bỗng dưng nặng trĩu một cách lạ thường. Cường độ đánh phá của máy bay Mỹ ngày càng tăng. Hôm nay chúng ném bom trúng một nhà trẻ của bà con ở Hà Nội sơ tán ở huyện Văn Lâm làm hàng chục cháu chết và bị thương. Không phải con cháu nhà mình nhưng khi nghe báo cáo, người ông xây xẩm. Bữa cơm chiều ông cố nuốt mà không sao trôi được. Đi dạo được mấy vòng, ông Kim chạm mặt ông Sắc đang đi dạo ngược chiều với mình.

- Lâu lắm mới thấy anh đi bách bộ – Ông Sắc nói thay cho lời chào.

- Tôi thường đi dạo vào ban đêm trước khi chuẩn bị đi ngủ nên anh không gặp đấy thôi. Anh Ẩn đi đâu mà tôi thấy vắng?

- Anh ấy về Hà Nội họp.

- Họp Trung ương à?

- Không. Ban bí thư làm việc với các trưởng phó ban, nhận định và đánh giá tình hình chung.

- Không biết Ban bí thư có nhận định đánh giá tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp trên toàn miền Bắc hay không?

- Chắc là có vì sản xuất nông nghiệp được coi như là một mặt trận mà.

- Không biết Ban bí thư có nhìn thấy cái mặt trận ấy đang như một trận đồ bát quái không?

- Không đến nỗi như thế. Có khi vì anh sốt ruột nên mới có một cái nhìn bi quan như vậy.

- Tôi sẽ điềm tĩnh xem lại mình. Nhưng có một thực tế mà cấp trên chưa nhìn thấy. Đó là yêu cầu bức thiết phải đổi mới cách làm ăn của các Hợp tác xã nông nghiệp. Những người cầm cân nảy mực hiện nay cứ ôm khư khư cái cơ chế cũ đang là một trở lực cho con đường phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì thế đang có một hiện tượng ngược đời là đổi mới từ dưới đi lên.

- Nói cho cùng thời nào cũng vậy. Bao giờ cũng có hai cực đối lập nhau. Đó là bảo thủ và đổi mới. Có điều trong nội bộ không nên giải quyết mâu thuẫn đó bằng phân cực, chia rẽ, đối lập mà phải biết chờ đợi, thuyết phục để từng bước khắc phục những khác biệt đó để đi đến thống nhất. Nhân đây tôi cũng muốn nhắc anh lưu ý muốn đổi mới hay muốn cải cách gì thì tùy. Nhưng lúc nào cũng cần tâm niệm một điều. Đừng để cho tính tự phát của nông dân đi chệch đường lối tập thể hóa. Điều ấy liên quan rất lớn đến sinh mạng chính trị của anh đấy.

- Tôi biết, vì thế tôi luôn luôn tự nhắc nhở mình. Tháo gỡ, thay đổi nhưng không gây đổ vỡ Hợp tác xã. Năng động nhưng không hỗn loạn. Trái quy định nhưng không mất tính tổ chức. Vừa rồi anh có nhắc đến sinh mệnh chính trị của tôi. Nếu như tôi đổi được sinh mệnh chính trị của mình bằng sự no ấm của nông dân, tôi sẵn sàng đổi.

Ông Sắc thở dài:

- Làm một con người chân chính đôi khi thật khó.

- Đúng thế. Muốn làm một con người chân chính rất cần một tổ chức hiểu mình, có những người cấp trên phân minh sáng suốt, có những người đồng chí bên cạnh cùng tâm huyết, cùng chí hướng. Thiếu một trong những điều ấy thì chẳng làm được gì đến nơi đến chốn.

Hai người lại lặng lẽ đi bên nhau. Đi được một đoạn ông Sắc bảo:

- Hôm nay ông Bao vừa đi lên Vĩnh Hòa về. Hình như ở đó đang có chuyện gì đó. Không biết anh có biết không?

- Anh Bao nói chuyện với anh à?

- Nói qua loa thôi. Hình như ở đó đang có chuyện Hợp tác xã bán công cụ sản xuất cho xã viên. Tôi nghĩ anh đã biết chuyện này rồi.

- Tôi biết. Không những biết mà tôi còn ủng hộ việc làm đó.

- Không biết anh giải thích thế nào chứ tôi thấy việc làm này hết sức mạo hiểm.

- Tôi cũng đã nhìn thấy điều đó trước khi đồng ý cho hai Hợp tác xã này hóa giá công cụ sản xuất bán cho xã viên. Chẳng giấu gì anh, tôi và chị Thường đã trực tiếp xuống đó bàn bạc rất kỹ với huyện ủy Vĩnh Hòa cùng lãnh đạo của hai xã Hồng Vân và Phương Trúc trước khi cho thực hiện việc hóa giá. Nhưng không hiểu ai nói mà anh Bao biết chuyện này để xuống kiểm tra nhỉ?

- Chuyện đó thì tôi không biết. Nhưng theo tôi đây chỉ là chuyện vô tình thôi. Ông Bao từ trước đến giờ vẫn cay cú việc Hợp tác xã Hồng Vân chia đất cho xã viên làm vụ xen canh và cho xã viên thầu cá tại ao nhà mình. Ông ấy yêu cầu anh Ẩn cần có thái độ dứt khoát với việc này nhưng thấy anh Ẩn vẫn còn lừng khừng nên ông Bao mấy lần lên xuống Hồng Vân cố tìm hiểu sự việc để chứng minh việc làm của Hồng Vân là vi phạm nghiêm trọng đường lối của Đảng. Hôm nay ông ta đi Hồng Vân cũng với mục đích ấy nhưng số anh ta may mắn thế nào lại vớ được chuyện hai Hợp tác xã bán công cụ sản xuất cho xã viên. Tôi nghĩ trong nội bộ huyện ủy Vĩnh Hòa có người nào đó không tán thành với việc thay đổi phương thức sản xuất do các anh chủ trương nên đã báo cáo với ông Bao.

- Điều này thì tôi biết. Có một số huyện ủy viên từ trước đến giờ vẫn bất đồng ý kiến với việc đổi mới trong các Hợp tác xã. Anh thấy thái độ của anh Bao đối với việc hóa giá công cụ sản xuất như thế nào?

- Một người cực đoan và giáo điều như ông Bao thì việc lấy của cải của tập thể bán cho cá nhân là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Có khi còn bị khép vào tội chống Đảng nữa đấy.

Nói xong, ông Sắc cười.

Đi mấy bước, ông Kim hỏi ông Sắc:

- Trong ba phái viên, anh là người hiểu tôi nhất. Anh nghĩ thế nào về việc tôi cho Hợp tác xã hóa giá công cụ sản xuất để bán cho nông dân?

- Mỏi chân quá. Ta đi đến cái ghế đá mọi hôm ngồi nói chuyện cho vui.

- Hôm nay lại không có chuyện vui rồi.

Ông Kim và ông Sắc ngồi vào chiếc ghế đá cũ kỹ đặt dưới gốc cây xà cừ như mọi lần. Các phòng trong cơ quan bắt đầu bật đèn. Những bóng đèn điện leo lét, đỏ quạch như những cục than. Không gian tĩnh lặng. Một con cò mẹ đi kiếm mồi về muộn vỗ cánh lao xao cùng với tiếng cò con líu ríu trên đầu hai người.

- Khi nãy anh hỏi tôi nghĩ gì trước việc anh cho phép Hợp tác xã hóa giá công cụ bán cho nông dân phải không? – Ông Sắc nối tiếp câu chuyện đang bỏ dở – Tôi nghĩ việc ấy trước sau gì rồi cũng đến nhưng anh cho làm hơi sớm.

Ông Kim cười:

- Liệu tôi có được mang danh hiệu con người đi tiên phong không?

Ông Sắc cũng cười đáp:

- Biết đâu hậu thế sẽ phong danh hiệu này cho anh.

- Còn hiện tại chắc chắn tôi được coi như người đang phá Hợp tác xã có phải thế không?

Ông Sắc bộc bạch:

- Tôi đang lo cho anh, anh Kim ạ.

Ông Kim cười vô tư:

- Vậy mà tôi chẳng thấy lo chút nào. Anh thấy lạ lắm phải không? Đúng là tôi chẳng thấy lo chút nào trước việc mình đang làm. Vì sao anh có biết không? Tôi đang có đông đảo những người bạn đồng hành. Đó là những người nông dân. Họ sẽ bào chữa cho việc làm của tôi. Nếu không bào chữa được bây giờ thì mai sau họ sẽ bào chữa. Chính họ là người chứng minh cho việc làm của tôi là đúng và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nói xong ông Kim ngả người tựa lưng vào thành ghế đá nhìn lên những tán lá cây xà cừ lúc ẩn lúc hiện trong bóng đêm. Lũ cò con được ăn no chắc đang chìm dần vào giấc ngủ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui