37
Ngay sau lễ gia quan là kỳ thi Điện thí.
Cả Thôi Yên cũng đến Bùi phủ để cùng chờ tin.
Mãi đến gần tối mới có tin từ trong cung truyền ra.
Bùi Tri Lăng được Thánh Thượng đích thân ban cho vị trí Trạng nguyên.
Nào ngờ vừa rời khỏi Kim Điện, hắn đã lọt vào mắt xanh của Trưởng Công chúa.
Thánh Thượng có ý ban hôn cho hai người, nhưng Bùi Tri Lăng kiên quyết khước từ, nói thẳng rằng mình đã có hôn ước, không chịu tiếp chỉ, khiến Hoàng đế nổi giận và giam cấm hắn trong cung.
Trưởng Công chúa năm nay đã ngoài hai mươi ba, là nhi nữ của Hoàng hậu, cùng mẫu thân với Triết Thái tử.
Công chúa đã góa hai đời phò mã, trong phủ cũng có nhiều nam sủng.
Ta nhớ kiếp trước nàng ấy cũng từng muốn chia rẽ ta và Bùi Tri Hành.
Khi đó, hắn cũng liều mạng khước từ hôn sự ngay trước mặt Hoàng thượng, nói rằng kiếp này sẽ không cưới ai khác, không nạp thiếp, chỉ nguyện cùng ta bạc đầu giai lão.
May mà khi ấy ta và hắn đã thành thân, hắn lại công khai thừa nhận thân phận của ta ngay trên con đường chính của hoàng thành.
Hoàng thượng nếu cố tình ép hắn cưới Trưởng Công chúa mà bỏ rơi ta thì một là phạm luật, hai là không thể chặn được miệng lưỡi thế gian.
Cuối cùng, ngài đành phải hủy hôn chỉ dụ.
Theo luật triều đình, phò mã không thể tham chính, càng không có thực quyền.
Thánh Thượng kiêng dè Bùi gia nên cũng muốn khống chế Bùi gia.
Nếu ngài thực sự muốn dùng hôn sự để làm suy yếu quyền lực của Bùi gia, thì chỉ sợ sẽ không dễ dàng thu hồi thánh chỉ.
Hơn nữa, gia tộc họ Thôi danh tiếng rực rỡ, nếu hai nhà kết thân, tất sẽ làm chấn động cả triều đình.
Thánh Thượng sẽ không cho phép triều đình mất cân bằng.
Với tính cách của Bùi Tri Lăng, hắn có lẽ thà chếc cũng không chịu tiếp chỉ.
Chuyện này xem ra là một bế tắc không có lối thoát.
Khi rời khỏi, Thôi Yên hồn bay phách lạc, không khóc cũng chẳng làm ầm ĩ, chỉ trầm lặng khác thường.
Ta an ủi nàng, bảo rằng chuyện này chắc chắn sẽ còn cơ hội xoay chuyển.
Nàng nhìn ánh hoàng hôn, tựa như đang nói với chính mình: “Chỉ nguyện lòng hắn như lòng ta, há cần phải sớm sớm chiều chiều, năm này tháng nọ.”
Không lâu sau, Thôi Yên tiến cung gặp Trưởng Công chúa và Bùi Tri Lăng.
Không rõ nàng đã nói gì, cuối cùng Thánh Thượng đồng ý thả Bùi Tri Lăng về phủ, còn Hầu gia Đông Lai cũng đến Bùi phủ để hủy hôn ước.
Ta biết rằng đây là ý của Thôi Yên.
Sau đó, nàng ngã bệnh.
Ta đã đến thăm nàng vài lần, nàng nằm bẹp trên giường bệnh, tiều tụy đến đáng thương.
Nàng nói với ta rằng đợi Bùi Tri Lăng và Trưởng Công chúa thành thân, nàng sẽ về lại Lâm An.
Hôm ấy, trời xuân ấm áp, nàng ngồi tựa vào hành lang dưới mái hiên, mệt mỏi ngả đầu lên vai ta, rì rầm kể về câu chuyện của nàng và hắn.
Hai người vốn tâm đầu ý hợp, từng kết giao nhờ thơ văn.
Nàng bảo: “Ta vẫn thường nghĩ đến cảnh tượng sau khi ta và Bùi lang thành thân.
Cùng nhau trồng hoa nuôi cỏ, đặt cược vào sách vở, hắt nước lên trà.
Gảy đàn vẽ mày, đánh cờ làm thơ.
Ta và hắn sẽ gắn bó bên nhau, không rời không bỏ, nhất định sẽ rất hạnh phúc.”
Nàng dừng lại rất lâu, cố kìm nén cơn xúc động, giọng khản đặc: “Nhưng giờ đây, hạnh phúc ấy chỉ sợ ta không còn có thể chờ đợi.”
Nàng níu tay ta, gượng cười nói: “Thanh Thanh, nàng và Bùi nhị lang nhất định phải hạnh phúc, hãy sống thay cả phần của ta và Bùi lang.”
Ta thực sự xót xa cho nàng, nhưng cũng không thể nghĩ ra bất kỳ cách nào để Thánh Thượng hủy bỏ hôn sự này.
Trừ khi, Thánh Thượng không còn là Thánh Thượng.
38
Cuối tháng Tư, khắp kinh thành đều bàn tán về hôn sự giữa Trưởng Công chúa và Bùi phủ.
Kể từ khi về phủ, Bùi Tri Lăng đã đến Thôi phủ nhiều lần cầu kiến, nhưng lần nào cũng bị từ chối không gặp.
Hắn nhờ ta truyền lời cho Thôi Yên, nhưng ta cũng không gặp được nàng.
Những ngày đầu, hắn tự nhốt mình trong phòng uống rượu giải sầu, tiều tụy không ra hình dạng gì.
Về sau, hắn bắt đầu sống như người thường, đến triều đúng giờ, ăn ngủ đều đặn, nhưng tính cách lại càng thêm lạnh lùng so với trước.
Khi mọi người đều nghĩ rằng chuyện không thể cứu vãn, Thánh Thượng đột nhiên hạ chỉ hủy bỏ hôn sự.
Người trong cung đến tuyên chỉ, ta ngạc nhiên khi nhìn thấy cha mình.
Ông nói rằng ông đã dùng “Đan thư thiết khoán” của nhà họ Sở để cầu xin Hoàng đế một ân điển cho Bùi Tri Lăng.
Kể từ khi ta rời khỏi Thục Châu, cha ta đã luôn tìm kiếm Đan thư thiết khoán, mãi đến gần đây mới lên kinh.
Vì ân điển này, ông sẽ mãi mãi ở lại kinh thành, vào giám binh khí để phục vụ cho hoàng thất.
Lúc ấy ta mới biết, tổ tiên nhà họ Sở rời kinh thành không phải vì phạm tội, mà là chủ động xin rời đi.
Thái Tổ Hoàng đế vì tiếc nhân tài nên không muốn để họ rời đi, nhưng cũng thông cảm nên đã ban cho họ Đan thư thiết khoán.
Nếu có ngày nhà họ Sở lấy ra sử dụng, bất kể truyền đến hoàng đế nào, cũng phải đáp ứng yêu cầu của nhà họ Sở.
Đồng thời, người nhà họ Sở sẽ phải vào triều làm quan.
Cha ta nói rằng Đan thư thiết khoán vốn được giữ lại cho ta.
Ông lo lắng rằng ta sẽ gây họa, luôn gặp phải rắc rối, có nó thì cũng coi như giữ được mạng.
Ông biết ta luôn ghi nhớ ân tình của Bùi gia, nếu ta biết đến sự tồn tại của Đan thư thiết khoán, chắc chắn cũng sẽ làm như vậy.
Thế nên, ông đã dành cho ta một món quà bất ngờ.
Hôn sự giữa Thôi gia và Bùi gia đã được định ngày.
Để tránh có thêm biến cố, hôn lễ sẽ diễn ra trong vòng một tháng tới.
Chín mươi chín hòm sính lễ dán chữ hỷ đỏ chói, xếp thành một hàng dài quanh nửa thành kinh cuối cùng cũng đến Thôi phủ.
Ta nói với Bùi Tri Hành rằng thật may, kiếp này hai người bọn họ đã có được trọn vẹn.
Hắn nắm c.h.ặ.t t.a.y ta, mỉm cười nói rằng, không cần phải ghen tỵ, chúng ta cũng sẽ trọn vẹn.
Hắn còn bảo rằng khi hắn đến nhà họ Sở để cầu hôn, nhất định sẽ còn long trọng hơn cảnh này.
Ban đầu định là thành thân cùng lúc, nhưng nghĩ đến việc sính lễ vẫn chưa đủ, y phục cũng chưa thêu xong, nên quyết định trì hoãn thêm vài tháng nữa..